I. Lý do chọn đề tài Ngày nay, việc ứng dụng cho các hệ thống nhúng ngày càng trở nên phổ biến: từ những ứng dụng đơn giản như điều khiển một chốt đèn giao thông định thời, đếm sản phẩm trong một dây chuyền sản xuất,…đến các ứng dụng phức tạp như hệ thống điều khiển robot,…cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, có rất nhiều thiết bị điện thông minh cũng như nhiều mạch điện tự động hóa đã ra đời giúp phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết việc điều khiển chiếu sáng trong sân vườn, trường học, cơ quan…được điều khiển bằng tay thông qua đóng mở các công tắc, các aptomat, cầu dao… Việc bật tắt các thiết bị điện bằng công tắc với chúng ta là điều đã quá quen thuộc, tuy vậy cũng có khi việc này trở nên khó khăn và bất tiện vì các công tắc điện nằm ở xa nhau, khiến ta phải đi đến từng nơi để bật tắt mất thời gian và công sức. Những mạch điện này tiêu thụ lượng điện năng rất lớn và đòi hỏi người sử dụng phải đóng tắt trong những thời điểm sáng sớm hay đêm tối. Nếu bật sớm hay tắt muộn thì sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng. Một số mạch điện ứng dụng thiết bị thông minh như mạch đèn chiếu sáng các tuyến đường bằng rơ le thời gian để tự động điều khiển đèn theo thời gian. Tuy nhiên, mạch điện này vẫn còn nhược điểm là chưa khắc phục về sự lệch múi giờ theo mùa. Số khác lại sử dụng công tắc cảm biến ánh sáng. Tuy là khắc phục được nhược điểm trên nhưng vẫn là thiết bị có tính mở không cao, mới dừng lại ở việc tự động đóng mở đèn theo cảm biến ánh sáng vẫn còn nhược điểm là chưa điều chỉnh được ánh sáng của đèn theo cường độ ánh sáng thực, chưa tiết kiệm điện ở mức tối đa. Xuất phát từ thực tế đó cùng với sự nghiên cứu các thiết bị điều khiển và các cảm biến sẵn có, nhóm đã có ý tưởng tìm hiểu và thiết kế mô hình “Hệ thống điều khiển đèn thông minh” cho hành lang cơ quan, trường học. Hệ thống có thể tự động tắt mở và điều chỉnh ánh sáng đèn theo cường độ ánh sáng.