Vai trò quản lý đối với công tác chủ nhiệm trong nhà trường Nguyễn Khanh Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Gia Thiều A. Cơ sở lý luận : Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, giáo dục đạo đức và giảng dạy văn hóa là hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ở nhà trường phổ thông, bởi mục tiêu và nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo học sinh trở thành lớp người có nhân cách, có tri thức để trở thành người có ích cho xã hội Song song với việc giáo dục nhận thức, nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục cho cả CBGV và học sinh về nề nếp sống văn hóa, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức xây dựng tập thể và ý thức hoàn thành nghĩa vụ. Vì thế, đối với nhà trường, một trong những hoạt động quan trọng nhất chính là hoạt động tổ chức & quản lý công tác chủ nhiệm trong quá trình Dạy-Học giáo dục rèn luyện HS. Điều đó đòi hỏi đến vai trò của GVCN. Ngoài giáo viên bộ môn đứng lớp dạy, không thể thiếu đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Theo quy định chung, GVCN là một chức danh được đưa ra để phục vụ công tác đào tạo và quản lý học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong một đơn vị lớp học. Với vai trò là người thay mặt hiệu trưởng quản lý học sinh lớp mình phụ trách, chịu trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng toàn diện của học sinh (HS), có thể nói GVCN là nhà quản lý giáo dục trong một tập thể nhỏ. Chủ nhiệm là một nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp nhà trường thực hiện tốt công tác giáo dục HS- Một tập thể lớp giỏi--nhiều GVCN tốt sẽ xây dựng nên một nhà trường vững mạnh. Vì thế, với người quản lý, việc tổ chức hoạt động chủ nhiệm sao cho hiệu quả là cực kỳ quan trọng ! Tính hiệu quả đó hoàn toàn tùy thuộc vào vai trò giáo viên chủ nhiệm với cả hệ thống hoạt động đồng bộ cùng với các mặt hoạt động khác của nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa hiệu trưởng (Ban giám hiệu), giữa các tổ chức trong trường, giữa các giáo viên bộ môn với tập thể học sinh lớp chủ nhiệm. Nói một cách khác, GVCN là người đại diện hai phía, một mặt đại diện cho các lực lượng giáo dục của nhà trường, mặt khác đại diện cho tập thể học sinh. Với tư cách là sư phạm (đại diện cho tập thể các nhà sư phạm), GVCN có trách nhiệm truyền đạt tới học sinh của lớp chủ nhiệm tất cả yêu cầu, kế hoạch giáo dục của nhà trường tới tập thể và từng học sinh của lớp chủ nhiệm không phải bằng mệnh lệnh mà bằng sự thuyết phục, cảm hóa, bằng sự gương mẫu của người GVCN, để mục tiêu giáo dục được học sinh chấp nhận một cách tự giác, tự nguyện. Tùy theo kinh nghiệm năng lực sư phạm của mình, GVCN có khả năng biến những chủ trương, kế hoạch đào tạo của nhà trường thành chương trình hành động của tập thể lớp và của mỗi học sinh. Mặt khác, GVCN lớp là người tập hợp ý kiến, nguyện vọng của từng học sinh của lớp phản ánh với hiệu trưởng, với các tổ chức trong nhà trường và với các giáo viên bộ môn . B. Hoạt động chỉ đạo & Quản lý công tác chủ nhiệm : Ở góc độ quản lý, phải thấy được quan hệ, vị trí của giáo viên chủ nhiệm : là người thường xuyên tiếp nhận được thông tin từ học sinh -- là cầu nối giữa hiệu trưởng (Ban giám hiệu), giữa các tổ chức trong trường, giữa các giáo viên bộ môn với tập thể học sinh lớp chủ nhiệm. I. Thực trạng & tồn tại : 1. Thế nhưng trong thực tế, mọi việc không dễ chút nào. Do áp lực của chuyên môn nên nhiều GVCN đã “bỏ rơi” học sinh. Trong một số trường, GVCN chỉ mới dừng lại ở mức độ là người được ban giám hiệu định danh cho có tên trong lớp học. Mỗi tuần thầy cô chỉ gặp học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Nhiều nơi trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần cũng không có mặt GVCN để nghe ban giám hiệu nhận xét tình hình từng lớp học. Có GVCN lại tận dụng tiết sinh hoạt để giải bài tập, phụ đạo, dạy kèm… có nghĩa là làm những việc không liên quan gì đến hoạt động chủ nhiệm. Vì thiếu sự quan tâm sâu sát nên nếu có phong trào thi đua trong lớp thì phong trào đó cũng do nhà trường khởi xướng chứ không phải từ “sự đốt nóng” của GVCN. Chẳng những không nắm rõ sự đi lên của phong trào mà nhiều thầy cô còn không biết cả sự xuống dốc của lớp mình đang chủ nhiệm. Đội ngũ cán bộ lớp mất hết vai trò, các thành viên thiếu ý chí phấn đấu đã trở thành nguyên nhân thất bại của công tác chủ nhiệm. - Một số học sinh do hoàn cảnh gia đình, thiếu sự quan tâm của cha mẹ khi đến lớp rất cần sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, thế nhưng một lần nữa các em bị bỏ rơi nên trở thành học sinh cá biệt. Hơn ai hết, GVCN phải là người nhận thấy những hạn chế từ phía mình. Hoặc do GVCN không ngăn cản kịp thời những xích mích của các em học sinh khi vừa mới manh nha nên những mâu thuẫn đó đã dồn nén lại và cuối cùng không thể tránh khỏi sự va chạm bằng hung khí, bạo lực. Cách làm việc chưa thấu tình đạt lý của GVCN đã phần nào đẩy các em học sinh vào những cách giải quyết thiếu sự sáng suốt và tình nhân ái. - Nhiều gia đình không chỉ lo kiếm sống mà còn chạy đua theo những nhu cầu vật chất xa xỉ, trong khi đó lại bỏ bê con cái chẳng chút quan tâm đến chuyện học hành, mọi việc đều giao khoán cho nhà trường. Có nhiều tiền, vật chất đầy đủ mà không biết kết hợp với đoàn thể, nhà trường để giáo dục con cái … - Hoăc, thực tế cho thấy ở một số trường công tác quản lý HS còn rất lỏng lẻo là “môi trường tốt” để các em vi phạm. Không ít GVCN chưa sâu sát, chưa có biện pháp giáo dục nhân cách cho HS lớp mình mà chủ yếu chỉ quan tâm đến vấn đề học tập - nhiều khi thầy cô chủ nhiệm quan liêu không tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mà tìm cách quy kết “chụp mũ” các em, chỉ mời phụ huynh lên làm việc khi sự việc đã xảy ra. 2. Đồng thời, bên cạnh đó, trong thực tế, cũng có nhiều thầy cô đã trở thành “người nhạc trưởng” của lớp, rất nhiệt tình, luôn biết chăm lo, dìu dắt học sinh nhưng lại giậm chân tại chỗ trong phong trào thi đua. Những trường hợp “đặc biệt” này thường rơi vào các GV mới ra trường, thiếu kinh nghiệm điều hành, chưa biết cách tổ chức lớp học, lúng túng trong khâu lãnh đạo. Không thiếu nhiệt tình và trách nhiệm nhưng các thầy cô chưa đủ độ chín để tập hợp sức mạnh tập thể, phát huy vai trò của các nhân tố nổi trội trong lớp nên dù công sức bỏ ra nhiều nhưng kết quả thu lại chẳng đáng bao nhiêu. Nếu vẫn giữ được lửa sau nhiều năm công tác, những GV này sẽ thành công vì đã có thêm bề dày trải nghiệm trong cuộc sống. 3. Người làm công tác quản lý phải thấy rõ tất cả những tồn tại, ưu điểm, xác định rõ những khó khăn cố định, hoặc tình huống nảy sinh, mà có biện pháp hỗ trợ hoặc ngăn chặn kịp thời nhằm giúp GVCN vượt qua những khó khăn, hoàn thành trách nhiệm mà nhà trường và xã hội giao phó. II. Vai trò của quản lý nhà trường với công tác chủ nhiệm : BGH-Hiệu Trưởng trực tiếp quản lý công tác GVCN, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ GVCN, kiểm tra kết quả thông tin cần truyền đạt đến lớp học-HS thông qua hoạt động của GVCN, đánh giá hiệu quả công tác chủ nhiệm và tư vấn của từng giáo viên được phân công. Do đó, cần phải có kế hoạch vừa cơ bản vừa mang tầm chiến lược : 1. Chọn lựa đội ngũ GV có năng lực chủ nhiệm - Một số yếu tố cơ bản để chọn GVCN : + Phần lớn GV được ban giám hiệu tin tưởng phân công làm công tác chủ nhiệm trước hết phải là những nhà giáo có tâm huyết, yêu nghề có khả năng phối hợp cùng gia đình HS trong công tác giáo dục, có khả năng nhận định những hiện tượng tốt xấu trong thực tiễn xã hội, có khả năng ứng xử và có biện pháp thích hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh ngoài việc học tập của các em. + Đó là GV gương mẫu, biết đặt kế hoạch tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt, mẫu mực trong giao tiếp ứng xử với mọi người . Vì, GVCN như là người cha, người mẹ thứ hai biết yêu thương, quan tâm và thấu hiểu mọi tâm tư nguyện vọng của HS, là chỗ dựa tin tưởng nhất để các em giãi bày mọi khúc mắc. GVCN phải có khả năng nắm bắt sự việc xảy ra trong lớp để có hướng xử lý kịp thời triệt để. Đặc biệt, đối với những HS cá biệt hay những em thiếu thốn tình cảm gia đình thì sự thương yêu, thông cảm từ thầy cô chủ nhiệm có sức cảm hóa rất mạnh. + Phải ưu tiên chọn GVCN là người có tích lũy nhiều kinh nghiệm công tác chủ nhiệm. Công tác chủ nhiệm đòi hỏi người giáo viên phải thực sự có lòng yêu nghề và yêu HS cùng với việc áp dụng các biện pháp thích hợp để giáo dục con người. 2. Ngưởi quản lý cần quan tâm thường xuyên đến các hoạt động chủ nhiệm của tất cả các lớp. . + Một giáo viên chủ nhiệm tốt không chỉ giúp lớp mình học tốt mà còn biết cách để giúp HS có ý thức tự giác trong học tập. Nếu giáo viên chủ nhiệm chỉ có một vài tiết dạy trong tuần ở lớp của mình chủ nhiệm thì giáo viên sẽ khó khăn để nắm bắt được tình hình học tập-rèn luyện lớp mình --vì vậy cần ưu tiên bố trí GVCN là những người trực tiếp giảng dạy bộ môn chính . + Nếu do tình hình thực tế, nhất thiết phải phân công GVCN có ít giờ dạy ở lớp mình CN, thì cần khuyến khích, yêu cầu giáo viên phải sắp xếp để có nhiều thời gian hơn nữa gặp gỡ, trao đổi với lớp chủ nhiệm để nắm bắt tình hình của lớp từ đó sẽ có những thông tin về việc nghỉ học, bỏ học để có thể tìm biện pháp kịp thời ngăn chặn việc bỏ học của các em. Tóm lại sự quan tâm thường xuyên của người giáo viên chủ nhiệm chính là một yêu cầu vô cùng cần thiết để từ đó hạn chế tình trạng bỏ học của HS một cách tốt hơn. + Quản lý GV thực hiện tốt công tác chủ nhiệm là trách nhiệm của ban giám hiệu nên Hiệu trưởng có một vai trò không nhỏ: Hiệu trưởng phải định hướng GV xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chủ nhiệm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chủ nhiệm về phương pháp thu thập, xử lý thông tin, hồ sơ sổ sách… Hiệu trưởng các trường phải chỉ đạo GVCN biết tổ chức họp cha mẹ HS theo định kỳ, thực hiện phiếu liên lạc giữa nhà trường với gia đình. Hàng tuần hiệu trưởng phải kiểm tra (hoặc phân công người kiểm tra) các sổ ghi biên bản của từng lớp chủ nhiệm để có những ý kiến đóng góp bổ sung nhất là những sai sót trong tuần. + BGH nhà trường cần tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát học sinh bỏ giờ, bỏ tiết, vi phạm nội qui, qui chế nhà trường, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đúng mực và dứt khoát đối với học sinh vi phạm có hệ thống. Bên cạnh đó cần tuyên dương, khen thưởng xứng đáng đúng người, đúng việc để cổ vũ tinh thần cho những cá nhân, tập thể có thành tích nhất định trong các phong trào. + Có định hướng lập Ban Trật tự kết hợp xây dựng cụ thể nhiều biện pháp tác động đến những gia đình, các hàng quán, các tụ điểm…gần trường không được chứa chấp học sinh trong thời gian học tập ở trường đến đánh bài, uống rượu, ăn quà vặt… + Vai trò tuyên truyền : BGH nhà trường cần xây dựng những pa nô, áp phích, khẩu hiệu, các câu danh ngôn đặt xung quanh trường mang nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh. + Hỗ trợ với GVCN về khâu chính quyền địa phương, cần nắm bắt kịp thời những thông tin về học tập đạo đức của học sinh, để xử lý, uốn nắn giáo dục, đồng thời buộc gia đình phải có biện pháp quản lý giáo dục con em mình tốt hơn. 3. Quy định cụ thể về trách nhiệm-quyền hạn của công tác Chủ nhiệm: Nhà trường cần quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên chủ nhiệm lớp như sau: a. Vai trò, vị trí- Giáo viên chủ nhiệm lớp được thay mặt Hiệu trưởng quản lý và giúp lớp tổ chức học tập, rèn luyện đạt mục tiêu đào tạo, GVCN vừa đóng vai trò quản lý hành chính Nhà nước, vừa đóng vai trò người thầy giáo, đồng thời còn đóng vai trò người đại diện cho quyền lợi của tập thể lớp. b. Chức năng: Bồi dưỡng cán bộ lớp để HS tổ chức thực hiện tốt mọi hoạt động của lớp. c. Nhiệm vụ - Dựa vào tình hình thực tế, vạch kế hoạch giúp lớp tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (học tập, rèn luyện) trong từng tháng, học kỳ và năm học. Cùng cán bộ lớp theo dõi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của lớp chủ nhiệm theo từng tháng, học kỳ và năm học; đồng thời báo cáo kết quả đó với nhà trường. + Liên hệ với gia đình HS để phối hợp giáo dục HS khi cần thiết. Ghi nhận xét, xác nhận các vấn đề thuộc về quản lý hành chính Nhà nước trong phạm vị hoạt động của lớp (như các đơn từ của HS, các báo cáo của lớp …) Kết thúc thời gian chủ nhiệm lớp phải bàn giao hồ sơ công tác chủ nhiệm lớp cho cán bộ quản lý HS d. Quyền hạn Được mời dự họp hoặc là thành viên hội đồng giải quyết các vấn đề về HS của lớp mình phụ trách. Được liên hệ với các giáo viên dạy lớp mình chủ nhiệm để phối hợp giáo dục HS. Được liên hệ với Tổ trưởng tổ môn, Ban Giám hiệu trường để phản ánh tình hình giảng dạy của giáo viên, tình hình học tập, rèn luyện của HS và bảo vệ quyền lợi chính đáng của HS lớp mình phụ trách. Được quyền cho học sinh nghỉ học (khi HS có đơn với lý do chính đáng) một ngày trong phạm vi gần trường ( 25 km). Được gọi HS cá biệt đến nơi làm việc để giáo dục HS. Được mời phụ huynh HS đến trường để phối hợp giáo dục khi cần thiết. 4. Kế hoạch cụ thể nhằm quản lý công tác chủ nhiệm lớp. a. Bố trí lịch sinh hoạt lớp chủ nhiệm mỗi tuần/1 lần/1 giờ và công bố chính thức trên thời khóa biểu từng lớp. Tổ ch/môn-Đoàn thể căn cứ lịch này để kiểm tra giám sát. Lịch làm việc giữa GVCN và ban cán sự lớp, mỗi tuần 1 lần/1giờ do GVCN tự sắp xếp. b. Hàng tháng, GVCN gởi các biên bản làm việc với ban cán sự lớp , biên bản sinh hoạt lớp (GVCN) kèm theo các báo cáo theo dõi lớp chủ nhiệm cho lãnh đạo. Lãnh đạo sau khi tổng hợp các ý kiến từ các biên bản của GVCN, tổ chức họp đánh giá công tác GVCN trong tháng đồng thời lập biên bản đánh giá công tác hoạt động GVCN . c. Kết quả đánh giá GVCN ở 5 mức độ dựa vào tất cả nhiệm vụ của GVCN theo quy định và khối lượng công việc được giao : Tốt - Khá - Trung bình - Yếu - Kém. Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng quy chuẩn công tác GVCN. d. Hàng tuần GVCN cập nhật thông tin về tình hình học tập, sinh hoạt phong trào, đoàn thể, tâm tư nguyện vọng … đ. Hồ sơ khối lượng GVCN gồm có : Biên bản tổng hợp tình hình công tác giáo viên chủ nhiệm do lãnh đạo lập hàng tháng Biên bản sinh hoạt lớp của GVCN hàng tháng Biên bản phản ánh nội dung GVCN làm việc hàng tuần với ban cán sự lớp Sổ theo dõi lớp chủ nhiệm e. Đối với giáo viên chủ nhiệm còn phải biết kết với các đoàn thể trong trường học như: Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; Cần liên hệ thường xuyên với gia đình học sinh để gia đình phối hợp với giáo viên chủ nhiệm giáo dục động viên con em mình, nêu cao tinh thần hiếu học; tạo điều kiện thuận lợi và môi trường tốt nhất cho con em mình học tập và rèn luyện. g. Phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đoàn, Đội cho thật phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tổ chức cho lớp tham gia đầy đủ các phong trào của các đoàn thể và nhà trường tổ chức i. Theo dõi đôn đốc việc học tập, thực hiện nội qui đối với tập thể lớp và các thành viên trong lớp. Giải quyết những vướng mắc tồn tại, những việc phát sinh khác của lớp, giữ vững đoàn kết nội bộ trong lớp. 5. Nhà trường cần có kế hoạch bồi dưỡng cho GVCN & các biện pháp hỗ trợ : Giáo viên chủ nhiệm lớp, trước hết phải quản lý toàn diện lớp học, quản lý học sinh lớp học và cần nắm vững: + Hoàn cảnh và những thay đổi, những tác động của gia đình đến học sinh của lớp chủ nhiệm. + Hiểu biết những đặc điểm của từng em học sinh (về sức khỏe, sinh lý, trình độ nhận thức, năng lực hoạt động, năng khiếu, sở thích, nguyện vọng, quan hệ xã hội, bạn bè….) + Nắm vững mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục cấp học, lớp học và khả năng thực hiện, kết quả của lớp phụ trách so với mục tiêu giáo dục về mọi mặt (học tập, rèn luyện đạo đức, thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác…). + Quản lý toàn diện đặc điểm học sinh của lớp, nắm vững mục tiêu đào tạo, giáo dục cả về mặt nhân cách và kết quả học tập của học sinh, đồng thời nắm vững hoàn cảnh của từng em để kết hợp giáo dục. + Phối hợp với giáo viên bộ môn trong công tác giảng dạy và quản lý. Không chỉ có GVCN mới là người trực tiếp gần gũi, liên hệ với PHHS, mà các GV khác cũng có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ, để liện hệ chặt chẽ với phụ huynh kịp thời chỉ bảo và uốn nắn các em, khích lệ các em, động viên các em học tập và rèn luyện. Đồng thời nhắc nhở GVCN thường xuyên liên hệ phối hợp với giáo viên giảng dạy các môn học đối với lớp để nắm tình hình học tập, rèn luyện của các bạn trong lớp. Công tác phối hợp giữa giáo viên bộ môn và GVCN sẽ làm cho công tác chủ nhiệm thành công hơn – đặc biệt là sự duy trì sĩ số . Ví dụ : HS có thể thích học môn này, không thích môn kia vì những lý do khác nhau nên GVCN cần tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân để cùng với giáo viên bộ môn đề ra các biện pháp thích hợp nhằm giúp các em có thể có kết quả học tập tốt hơn từ đó các em sẽ hứng thú học tập và đi học đều đặn hơn. Hơn nữa thông qua việc phối hợp với các giáo viên bộ môn trong nhà trường, GVcũng sẽ góp phần phát hiện về năng khiếu cũng như sở thích của HS để từ đó phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các năng khiếu đó giúp các em phát triển một cách hoàn thiện hơn năng lực của mình. Qua trao đổi với các giáo viên bộ môn, GVCN sẽ nắm vững hơn về số lượng các sinh viên nghỉ học của lớp mình qua từng buổi học để tức thời có kế hoạch điều chỉnh cũng như động viên theo dõi các sinh viên bỏ học, giúp các em học tốt hơn. Thông qua phương pháp này GVCN cũng có thể phân loại đặc điểm tình hình HS trong lớp mình. Bằng cách này, giáo viên không chỉ hiểu rõ hơn HS của mình mà còn có thể trở thành điểm tựa tinh thần tin cậy giúp các em học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức ngày càng hoàn thiện hơn. 6. Có thể tổ chức hội thảo công tác giáo viên chủ nhiệm để học tập lẫn nhau. C. Kết luận : Chúng ta muốn phục vụ tốt cho ngành giáo dục thì chúng ta cần phải cố gắng tập trung hết tất cả mọi người cùng tham gia học tập, từ đó chúng ta sẽ truyền đạt cho họ những kiến thức hiệu quả để họ có thể vận dụng vào cuộc sống tương lai góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong trường học, GVCN đóng vai trò vô cùng quan trọng, có trách nhiệm tổ chức các hoạt động của lớp, quản lí học sinh, nắm tình hình học sinh, chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về chất lượng và tình hình hoạt động của lớp. Vì vậy công tác chủ nhiệm có hiệu quả sẽ vừa phát huy được vai trò tự quản của học sinh vừa tạo tình cảm thân thiện giữa thầy trò vừa tạo niềm tin đối với phụ huynh học sinh. Và cái chính là đào tạo được thế hệ học sinh có phẩm chất đủ đức tài sau này làm nòng cốt trong công cuộc xây dựng đất nước. Thực chất vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng như người làm vườn, trồng cây-tuy không đúng hoàn toàn nhưng hoạt động của giáo viên chủ nhiệm gần như người trồng cây, chăm sóc, vun trồng cây giống. Người làm vườn không thể cầm ngọn cây kéo lên mà phải chăm sóc tạo điều kiện cho hạt giống nẩy mầm ! Công tác chủ nhiệm không mang tính hành chính, không thời gian qui định mà là hoạt động bằng tâm huyết, bằng tình thương, sự khéo léo kiên trì bám lớp, bằng nhiệt tình, chăm lo đến công tác chủ nhiệm. Nhiệm vụ lớn như thế nên tùy vào tình hình đặc điểm của từng HS, từng lớp, Nhà trường phải có biện pháp phù hợp hỗ trợ đúng lúc kịp thời. Ninh Hòa, tháng 10 năm 2010 . lẫn nhau. C. Kết luận : Chúng ta muốn phục vụ tốt cho ngành giáo dục thì chúng ta cần phải cố gắng tập trung hết tất cả mọi người cùng tham gia học tập,. trường phải có biện pháp phù hợp hỗ trợ đúng lúc kịp thời. Ninh Hòa, tháng 10 năm 2 010