Thứ nhất, Luận án đã phân tích quan điểm về của chức năng công tố, xây dựng khái niệm chức năng quan trọng này từ góc độ lịch sử hình thành và thuyết chức năng luận. Thứ hai, Luận án đã phân tích các đặc điểm đặc trưng của chức năng công tố với vai trò là chức năng gắn liền với một thiết chế trong tố tụng hình sự. Thứ ba, Luận án đã phân tích mối quan hệ giữa chức năng công tố với các chức năng quan trọng của các chủ thể khác trong tố tụng hình sự. Thứ tư, Luận án là công trình nghiên cứu so sánh đầu tiên, toàn diện về chức năng công tố trong tố tụng hình sự giữa Việt Nam và Đức - quốc gia có mô hình tố tụng hình sự thiên về thẩm vấn với nhiều điểm tương đồng và được đánh giá cao về sự dân chủ và bảo vệ quyền con người. Thứ năm, Luận án là công trình nghiên cứu so sánh chuyên sâu, đem lại nhiều giá trị khoa học sâu sắc, kết quả của nghiên cứu so sánh là sự đánh giá tổng quan, luận giải về điểm tương đồng và khác biệt giữa các đặc điểm của chức năng công tố giữa Việt Nam và Đức. Thứ sáu, trên cơ sở các luận giải về sự tương đồng và khác biệt về chức năng công tố trong tố tụng hình sự hai quốc gia, Luận án đã xây dựng, đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm đối với Việt Nam về hoàn thiện pháp luật về chức năng công tố và một số quy định có liên quan, về mô hình cơ quan công tố ở nước ta có giá trị thực tiễn sâu sắc, góp phần nâng cao chất lượng công tố trong TTHS ở nước ta, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay./.