LỜI MỞ ĐẦU 1. Lý do thực hiện Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà trong đó chính quyền cấp xã và ngân sách cấp xã đóng vai trò hết sức quan trọng giúp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền xã, các hoạt động đoàn thể, các sự nghiệp văn hóa giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Do đó hoạt động tài chính của xã ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Các khoản thu, chi không chỉ phản ánh thu chi ngân sách nhà nước mà nội dung các khoản thu, chi cũng ngày một đa dang và phức tạp, yêu cầu quản lý tài chính đòi hỏi cần phải có năng lực và hiệu quả. Vì vậy để đánh giá đúng năng lực của cấp xã trong việc thực hiện chi ngân sách cũng như làm rõ việc chấp hành các quy định pháp luật về chi ngân sách, kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật của nhà nước để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp khắc phục; phòng ngừa, đồng thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; phát huy nhân tố tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cũng như của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó việc Thanh tra trong quá trình thực hiện chi Ngân sách nhà nước đối với cấp xã là công việc vô cùng cần thiết đối với công tác quản lý, lãnh chỉ đạo của UBND huyện Bát Xát. Trong thời gian qua Thanh tra huyện đã thực hiện thanh tra tại một số xã, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trên địa bàn và đã phát hiện nhiều sai phạm trong chi ngân sách cấp xã như: Chi sai chế độ, vượt chế độ, chi khống, chi phí không hợp lệ hoặc không đầy đủ chứng từ, ghi chép sổ sách kế toán không chính xác; đối với các công trình, dự án còn thi công còn thiếu khối lượng vật tư, chất lượng vật tư không đảm bảo hoặc khi đang thi công tiến hành khai báo những hạng mục phát sinh khống để quyết toán. Ngoài ra đối với các khoản chi hỗ trợ khác như hỗ trợ các hộ nông dân nuôi gia súc, gia cầm, hỗ trợ gia đình bị thiên tai, gia đình chính sách, các chương trình mục tiêu của Trung ương và của tỉnh....Qua công tác kiểm tra cũng đã phát hiện ra những sai phạm như chi không đúng đối tượng, lập hồ sơ để chi khống nhằm chiếm đoạt, chi vượt, chi sai chế độ, chi không hiệu quả gây lãng phí.... Đây là những sai phạm còn phổ biến tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bát Xát. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh quản lý chi ngân sách cấp xã do cơ quan Thanh tra huyện thực hiện chưa được thường xuyên, nhiều xã trong thời gian dài chưa được thanh tra để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các vi phạm, để các vi phạm kéo dài nhiều năm, khi được phát hiện, mức độ sai phạm đã nghiêm trọng, gây thiệt hại trên nhiều mặt. Để khắc phục tồn tại trên, nhằm tăng cường công tác thanh tra chi ngân sách nhà nước đối với các xã có hiệu quả, đúng quy định, tôi lựa chọn đề tài: “Thanh tra chi ngân sách Nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” làm đề tài nghiên cứu với mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa những sai phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, của nhân dân trong việc sử dụng ngân sách chi cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 2. Tổng quan nghiên cứu Các công trình nghiên cứu trong nước: - Luận văn thạc sĩ “Đổi mới cơ chế thanh tra tài chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Vũ Hồng Hải, K11, Đại học kinh tế quốc dân, bảo vệ năm 2005 đã hệ thống hóa, phân tích và bổ sung những vấn đề lý luận chung về cơ chế thanh tra tài chính trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. - Luận văn Thạc sĩ “Nâng cao năng lực đội ngũ Thanh tra viên lao động trong giai đoạn hiện nay” của tác giả Lê Hữu Long, Đại học kinh tế Quốc dân, cũng đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn năng lực và nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra viên lao động; mặt khác qua phân tích thực trạng năng lực đội ngũ thanh tra viên lao động thời gian qua và hiện nay, luận văn đã đánh giá những mặt làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra lao động và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại đó - Luận văn Thạc sĩ “Nâng cao năng lực đội ngũ Thanh tra viên lao động trong giai đoạn hiện nay” của tác giả Lê Hữu Long, K13, Đại học kinh tế Quốc dân, bảo vệ năm 2007 cũng đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn năng lực và nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra viên lao động; mặt khác qua phân tích thực trạng năng lực đội ngũ thanh tra viên lao động thời gian qua và hiện nay, luận văn đã đánh giá những mặt làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra lao động và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại đó. - Bài viết “Thực trạng đội ngũ cán bộ thanh tra tỉnh Hà Tĩnh” (2013) của tác giả Thái Sinh được đăng trên Website Thanh tra Chính phủ đã đề cập thực trạng công tác cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh chưa đảm bảo về số lượng. Đáng lưu ý là đội ngũ thanh tra ở cấp huyện, ngành lại không ổn định, thường được điều động sang lĩnh vực công tác khác. Do vậy trong hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp ủy, chính quyền và của nhân dân. Luận văn “Thanh tra chi ngân sách nhà nước cấp xã của Thanh tra huyện Sa Pa“ của tác giả Cấn Xuân Trọng đã đi vào phân tích thực trạng thanh tra chi ngân sách nhà nươc cấp xã của thanh tra huyện Sa Pa với các hợp phần về mục tiêu, bộ máy, công cụ, hình thức, quy trình. Đề tài cũng đã đánh giá những điểm đạt được và chưa đạt được của thanh tra huyện Sa Pa. Mặc dù đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện thanh tra chi ngân sách xã của thanh tra huyện, nhưng đôi khi các giải pháp mới chỉ dừng lại ở định hướng chung chung và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn tới Thêm vào đó, đến thời điểm hiện tài chưa có đề tài nào đề cập Thanh tra chi ngân sách của Thanh tra huyện đối với các xã trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Do đó, với đề tài “Thanh tra chi ngân sách Nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” tôi hy vọng sẽ kế thừa được những luận điểm của các công trình đã nghiên cứu, gắn với thực tế của địa phương đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường thanh tra chi ngân sách của cấp xã, đồng thời mang lại một cái nhìn toàn diện, cụ thể nhằm giúp các nhà quản lý trong phạm vi chức trách nhiệm vụ được giao có các biện pháp hữu hiệu, tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả nguồn tài chính quốc gia trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội vì mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và chủ động phòng chống tham nhũng, lãng phí; ngăn ngừa, xử lý các sai phạm trong quản lý chi ngân sách đối với các xã trên địa bàn huyện Bát Xát trong thời gian tới. 3. Mục tiêu nghiên cứu - Xác định khung lý thuyết về thanh tra chi ngân sách nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện - Phân tích, đánh giá thực trạng thanh tra chi ngân sách cấp xã do cơ quan Thanh tra huyện Bát Xát thực hiện trong những năm vừa qua, rút ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trong thanh tra chi Ngân sách nhà nước cấp xã. - Đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thanh tra chi ngân sách nhà nước cấp xã, để công tác thanh tra có hiệu quả hơn, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế xã hội và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với các xã trên địa bàn huyện Bát Xát trong thời gian tới. 4. Phạm vi nghiên cứu Về đối tượng nghiên cứu: thanh tra chi ngân sách nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện Bát Xát Chủ thể thanh tra: Thanh tra huyện Bát Xát Về nội dung nghiên cứu: Luận văn sử dụng cách tiếp cận hệ thống để nghiên cứu thanh tra chi ngân sách nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện Bát Xát, bao gồm các nội dung: Bộ máy thanh tra; nội dung thanh tra, mục tiêu thanh tra, hình thức, công cụ và kỹ thuật thanh tra; quy trình thanh tra. Về không gian: Luận văn được nghiên cứu giới hạn trong phạm vi thực tiễn hoạt động thanh tra chi Ngân sách nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện Bát Xát do thanh tra huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thực hiện. Về thời gian: Số liệu thống kê và tài liệu nghiên cứu thứ cấp được thu thập chủ yếu từ cơ quan Thanh tra huyện và một số cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Bát Xát trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Số liệu sơ cấp thu thập từ tháng 1 đến 4 năm 2019 Đề xuất giải pháp đến 2025