1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Kiến trúc Quảng Ngãi

21 210 1
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 21
Dung lượng 202,5 KB

Nội dung

I. KIẾN TRÚC DÂN GIAN /TRUYỀN THỐNG 1. KIẾN TRÚC TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT 1.1. KIẾN TRÚC CHÙA Các ngôi chùa cổ ở Quảng Ngãi như chùa Diệu Giác, chùa Thiên Ấn đều có kiến trúc dạng chữ khẩu (口). Kiểu kiến trúc này quy định ở cụm kiến trúc trung tâm gồm: nhà Phật đường - nhà Tổ; nhà tăng, khách - nhà chay tịnh, đăng đối trong không gian chữ khẩu khép kín. Một số ngôi chùa nhỏ có kết cấu dạng chữ công (工) gồm nhà Phật đường ở phía trước và nhà tăng ở phía sau. Có chùa mang phong cách Trung Hoa như Chùa Ông. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có kiểu chùa xây dựng trong hang đá, mà dân gian gọi là chùa Hang. Trên đất Quảng Ngãi có một số chùa Hang, tiêu biểu có: chùa Hang có tên chữ là Thiên Khổng thạch tự, chùa Hang có tên chữ là Đỉnh Liêm tự ở huyện Lý Sơn; chùa Hang mà dân gian thường gọi là chùa Ông Rau ở huyện Mộ Đức ; chùa Hang tên chữ Thạch Sơn tự ở huyện Tư Nghĩa. Đây là những thiết chế kiến trúc tôn giáo thờ Phật trong lòng hang tự nhiên, nếu lòng hang quá nhỏ, người ta xây dựng thêm phần kiến trúc ở bên ngoài. Trong lòng hang đặt bàn thờ và ngẫu tượng Phật giáo, có không gian rộng để hành lễ. Cảnh quan các ngôi chùa có khác nhau. Những ngôi chùa cổ thường được xây dựng trên núi hoặc gần sông. Các ngôi chùa xây dựng muộn về sau, hầu hết được xây dựng trong khu dân cư, gắn liền với cộng đồng. Bao quanh chùa là cây xanh tỏa mát, có nhiều cây cổ thụ. Trước mặt chùa luôn có minh đường thoáng đãng, đẹp, thơ mộng, có khi là dòng sông, khi là cánh đồng. Chùa Ông Thu Xà có kết cấu hình chữ tam (三) gồm nhà tiền đường, chánh điện, hậu cung. Trong đó nhà tiền đường là nơi chuẩn bị hành lễ, nhà chánh điện là nơi thờ Quan Thánh, cùng Quan Bình, Chu Thương (Xương), các tiền hiền, hậu hiền Minh hương; nhà hậu cung là nơi thờ Phật. Chùa Ông còn bảo lưu các bộ vì kèo cổ như bộ vì kèo chồng rường vỏ cua, bộ vì kèo đâm trính với môtíp con đội, đầu choãi cánh dơi, bộ vì kèo cột trốn trính chuyền theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam và bộ vì kèo chồng rường trái bí mang phong cách Hoa Bắc, Trung Hoa. Các liên ba đố bảng chạm khắc tinh vi với các kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi. Đặc biệt bộ vì kèo chồng rường vỏ cua có kỹ thuật chạm nổi tài hoa tinh xảo, khó tìm thấy ở nơi nào khác. 1.2. KIẾN TRÚC ĐỀN MIẾU Làng xóm nông nghiệp có các điểm thờ âm hồn, nhân thần, thiên thần, nhiên thần. Các loại hình kiến trúc tín ngưỡng này gồm có: nghĩa trũng, nghĩa tự, miếu, dinh . Vạn chài đánh cá trên sông, biển có lăng thờ ngư thần Cá Ông và dinh miếu thờ Thiên Y, Thủy Long, Tứ vị Thánh nương. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có các đền miếu quan trọng khác như: các miếu Hội đồng, đền thờ Bùi Tá Hán, đền thờ Quang Chiếu Vương (nay chỉ còn dấu vết). Các đền, dinh, miếu . ở Quảng Ngãi có niên đại xây dựng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX. Bố cục cảnh quan các đền, miếu thường tuân theo thế phong thủy, như phải có minh đường, tả thanh long, hữu bạch hổ nhưng có khi khá đơn giản, thường theo bố cục chữ đinh (丁), chữ nhị (二), . gồm nhà tiền tế và hậu tẩm, hoặc kiến trúc chữ công (工), chữ tam (三). Tiêu biểu cho lối kiến trúc đền thờ, dinh miếu ở Quảng Ngãi có dinh Thiên Y A Na ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn. Dinh Thiên Y A Na nằm trên đồi cao cách biệt với khu dân cư sinh sống. Để xây dựng dinh thờ này, người ta bạt bằng đất chân đồi, sau đó dùng đá xếp gia cố để sân trước không bị sụt lở. Dinh nằm theo trục Bắc - Nam, kiến trúc hình chữ tam ( 三) chia làm 3 tòa: tiền đường, chánh điện, hậu cung. Hậu cung là nơi thờ Thiên Y A Na, được xây bằng chất liệu vôi vữa tam hợp, hiện còn tương đối nguyên vẹn. Bên trong hậu cung thờ Thiên Y A Na còn lưu giữ 3 pho tượng, gồm: tượng nữ thần Thiên Y A Na và tượng nhị vị thái tử bằng gỗ mít, rất đẹp và quý hiếm. Tương truyền, sau một thời gian tìm kiếm gỗ mít khắp nơi để tạc tượng Bà và nhị vị thái tử nhưng không tìm thấy, một người đã được Bà báo mộng, cho biết phải vào Bình Hải mới có. Người dân Lý Sơn đã vào Bình Hải và quả nhiên thấy có loại gỗ mít tốt. Họ bèn đem về Lý Sơn. Theo các cụ già kể lại, ba pho tượng này đã được các nghệ nhân tạc tượng ở làng Kim Bồng (Quảng Nam) tạo nên. Tượng Bà cao khoảng 0,5m, ngồi trên ngai thờ, đầu đội khăn xanh. Toàn bộ pho tượng toát lên vẻ phúc hậu. Bàn thờ Bà và nhị vị thái tử có linh vị chữ Hán: "Sắc Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang uy Dực bảo Trung hưng Thiên Y A Na diễn ngọc phi Thượng đẳng thần, Tả linh Châu Thái tử thần tướng, Hữu linh Bảo Thái tử thần tướng". Phần mái hậu cung, cắt cổ diềm có 8 mái, đầu mái trang trí đầu đao, diềm mái lợp ngói ống. Cổ diềm có trang trí 4 mặt bằng các hình ảnh đôi sóc vui đùa dưới gốc đào và hoa, chữ thọ đắp nổi và đôi chim sẻ trên cành trúc và cành đào, sơn thủy và cành mai, quả đào tiên. Trước dinh có bình phong, trụ biểu, trên 2 trụ biểu có 2 con kỳ lân. Bình phong được đắp nổi 2 mặt: mặt ngoài là hổ, mặt bên trong là long mã. Trước dinh còn có một con nghê đá, tương truyền được người dân tìm thấy ngoài biển và mang về thờ. Đề tài trang trí trên có ý nghĩa cầu mong phước, lộc, thọ trường tồn. Các mô típ trang trí mang phong cách thời Nguyễn. 1.3. KIẾN TRÚC NHÀ THỜ (TỘC HỌ) Các họ tộc lớn ở Quảng Ngãi thường có nhà thờ riêng với kiểu kiến trúc khá quy mô. Các ngôi nhà thờ này cũng được xây dựng theo phong thủy, trước có bình phong, tả hữu có trụ biểu lân chầu. Các nhà thờ này thường có kiến trúc chữ "đinh", gồm nhà tiền tế, và hậu cung thờ Thành hoàng. Tiêu biểu là nhà thờ tộc Trần ở làng Văn Bân, xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức). Nhà thờ tộc Trần ở Văn Bân nằm trên thế đất cao, mặt chính diện quay về hướng đông, phía trước là đồng ruộng, phía sau là làng xóm, quang cảnh thoáng đãng. Nhà thờ tộc Trần ở làng Văn Bân thờ tiền hiền Trần Văn Đức, Trần Văn Huy, là những người có công khai phá vùng đất làng Văn Bân dưới thời các Chúa Nguyễn. Kiến trúc nhà thờ theo kiểu hình chữ "khẩu", tổng cộng có 16 cột kết cấu bộ khung, gồm hai bộ vì kèo chia làm một gian hai chái. Đến thời Khải Định năm thứ hai (1917), làm thêm tiền đường phía trước cùng bờ thành xây đá ong tả hữu ở hai bên cổng vào. Nhờ cấu trúc mặt bằng chữ "khẩu" của chánh điện nhà thờ tộc Trần đã khiến cho 16 cột được phân bố đều chia theo hai cạnh với hệ số là 4. Tuy nhiên, trong cấu trúc này, người ta chọn lựa 4 cột chính ở vị trí trung tâm bình đồ kiến trúc, có đường kính thân cột và kích thước chiều cao vượt trội hơn hẳn so với các cột vách, nhằm mục đích nâng cỗ mái lên cao và cắt cổ diềm. Vì vậy trong kết cấu bộ khung nhà, 4 cột này đóng vai trò chủ đạo trong việc liên kết nhau qua hệ thống trính ngang của cùng hai bộ vì kèo đối diện nâng đỉnh mái lên cao. Sự chênh lệch kích thước chiều cao giữa 4 cột chính ở trung tâm với 12 cột biên dọc theo bờ vách theo tỷ lệ 3: 1 đã khiến cho mái của nhà chính diện có chiều thẳng dốc, tạo thêm sự bề thế vững chãi cho nhà thờ. Các chi tiết kết cấu bộ khung mái như kèo, trính, các trụ đội . được làm từ loại gỗ tốt, bề mặt gỗ trau chuốt công phu, tạo thành nếp gấp có gờ mỏng, rắn chắc nhưng thanh thoát, nhẹ nhàng. Vách lụa trên đỉnh tạo dựng liên ba đố bảng trang trí ô hộc. Hoành phi Trần thủy tổ đồng đường đặt ở vị trí trung tâm và hoành phi "Trần Từ Đường" được tạo tác theo kiểu thư quyển. Vách ngôi nhà thờ xây dựng bằng chất liệu tam hợp, dày 0,5m. 1.4. KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG Đình làng vốn là sản phẩm văn hóa của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, và sau đó theo chân những người nông dân "Nam tiến" ở những thế kỷ trước. Đình tuy được xây dựng trên vùng đất mới nhưng vẫn bảo lưu kiểu kiến trúc đình Việt ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng mang tính thực dụng hơn. Kiến trúc đình làng ở Quảng Ngãi được thu nhỏ về quy mô và giản lược các chi tiết trang trí, nhưng vẫn phát huy vai trò là tâm điểm cố kết cộng đồng về mặt xã hội và ý thức tâm linh. Trong đình làng của người Việt ở miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, các thần linh được thờ trong đình khá đa dạng: nhiều vị thần Việt và các vị thần bản địa. Lối thờ phụng này nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh cho con người khi đối diện với nhiều lực lượng siêu nhiên khác nhau trên vùng đất mới. Hầu hết các ngôi đình ở Quảng Ngãi đều bị phá hủy trong thời gian chiến tranh, chỉ còn một số ít là: đình làng An Định, đình Lâm Sơn (huyện Nghĩa Hành), đình An Hải (huyện Lý Sơn), đình Sung Tích (huyện Sơn Tịnh), đình Phước Long (Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa)… và một số vết tích cổng đình ở Bình Đông, Truyền Tung (huyện Bình Sơn), An Vĩnh (huyện Sơn Tịnh) . Cảnh quan đình làng thường gắn với cảnh sơn thủy, cây đa bến nước. Mặt tiền đình làng thường quay về hướng đông hay đông nam hoặc nam. Đình cũng được xây dựng theo thuật phong thủy, khi xây dựng phải chọn kỹ ngày giờ ., bởi theo quan niệm, điều này liên quan đến sự hưng thịnh hay suy vong của làng. Kiến trúc đình làng thường là chữ tam (三 ), chữ đinh (丁). Đình có kiến trúc theo lối chữ "tam" có đình thượng, đình trung và đình hạ; kiến trúc theo lối chữ "đinh" có tiền đường, hậu tẩm. Kiểu thức trang trí nội thất của đình làng không vượt ra khỏi quan niệm về sự quân bình âm dương nhằm mong ước một cuộc sống an bình, vĩnh hằng, không bị xáo trộn và luôn có nhiều may mắn phước lộc. Đình làng An Hải là một trong những đình làng Việt tiêu biểu của Quảng Ngãi còn giữ lại đến ngày nay. Đình làng được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên 1820. Hướng đình quay về phía đông, mặt bằng kiến trúc xây dựng theo hình chữ "tam" ( 三), gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung, mà dân gian quen gọi là đình hạ, đình trung và đình thượng, được bố trí trên trục đông - tây. Đình hạ (tiền đường) có kiến trúc gồm 18 cột, chia làm 3 gian 2 chái. Cấu kết bộ khung gỗ của nhà tiền đường gồm 4 vì kèo liên kết các cột để đỡ hệ thống đòn tay mái và thượng lương. Các trính, hoành liên kết nhau qua đầu cột bằng phương pháp xuyên, chốt mộng nhằm giữ sự cố định và chắc chắn của lòng nhà. Con đội được trang trí đế cánh sen đầu choãi cánh dơi. Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, cánh dơi giúp cho đầu con đội không đụng vào mặt dưới của thượng lương để tránh sự xui rủi. Cánh dơi và đế trụ chồng được chạm những đường cong uốn lượn, đối xứng, cân phân, thanh thoát. Bề mặt của đầu kèo và đuôi kèo được trang trí bằng các đường gờ chồng xếp và các mô típ hoa dây, tạo nên vẻ đẹp riêng và sự nhẹ nhàng của tổng thể công trình. Đình trung liên kết với đình hạ bằng kèo cầu có một máng xối dài. Đình trung có 16 cột làm thành 4 hàng: 2 hàng cột lớn (chính) ở giữa để đỡ bộ vì kèo của khung nhà, hai hàng cột phụ ở hai bên mái có chức năng là cột hiên. Kết cấu kiến trúc của đình trung chia thành một gian, hai chái. Khung gỗ gồm ba bộ vì kèo với kiểu đâm trính. Đình thượng (tức hậu cung) liên kết với đình trung bằng một máng xối. Đình thượng xây dựng hoàn toàn bằng hợp chất vôi vữa trộn cát mật. Phần vách của đình thượng được trổ 2 cửa hông nhỏ để ra vào. Đình thượng kiến trúc theo mô típ cắt mái chồng cổ diêm. Mái trên và mái dưới được lợp ngói âm dương. Đình được chia làm 4 mặt, mỗi mặt được trang trí đắp nổi theo nhiều đề tài khác nhau như mai điểu, ngư điểu, sơn thủy . Nóc mái trang trí lưỡng long tranh châu. Phía trước có các hàng cột hiên bằng gạch, có hai cột đăng đối nhau, phần đế là đôi nghê quay đầu vào nhau. Thân nghê ghép sành sứ, bờm tóc, mắt, mũi và răng đều lộ, tai vểnh, bờm tóc dựng đứng, dáng vẻ dữ tợn. 1.5. KIẾN TRÚC VĂN MIẾU Văn miếu là nơi truyền bá Nho học, thờ Khổng Tử, vài nơi có đặt văn bia. Văn miếu ở làng Phú Nhơn (nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) có thế phong thủy đẹp, tiền diện nhìn ra sông Trà Khúc, lưng tựa vào dãy Long Đầu. Tương truyền nơi đây rất thiêng nên đời Nguyễn cho lập văn miếu. Bên trong có thờ pho tượng Khổng Tử. Đây là văn miếu hàng tỉnh của tỉnh Quảng Ngãi. Văn miếu hàng huyện tiêu biểu có văn miếu huyện Mộ Đức xây dựng ở Văn Bân. Văn miếu ở làng Văn Bân (nay thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) có quy mô lớn, là nơi lưu lại nhiều văn bia thời Nguyễn. Văn miếu ở Văn Bân nằm giữa cánh đồng, mặt chính của kiến trúc quay về hướng nam, tất cả công trình kiến trúc bố trí theo trục bắc - nam. Văn miếu xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng trũng thấp, với thế này được xem là đất ngưu miên địa (đất trâu nằm ngủ) bền vững đời đời. Theo bia Mộ Đức văn từ thì văn miếu Văn Bân xây dựng dưới thời Tự Đức năm thứ 16 (1863), do các quan viên trong huyện cùng góp tiền đồng tạo dựng để thờ Khổng Tử và phổ hóa đạo Nho trong huyện. Kiến trúc văn miếu này bao gồm một nhà Khổng miếu (thờ Khổng Tử và đặt các văn bia); một nhà tiền tế (nơi chuẩn bị áo mão trước khi nhập tế); một miếu thờ Khải phụ (thân phụ của Khổng Tử). Lối vào đền gồm ba cửa: chính môn xây dựng bằng đá ong to lớn bề thế, là cửa tam quan trên có cổ lâu, mái đắp ngói âm dương. Hai cửa tây và đông nằm ở hai bên tả hữu của bờ thành bao, mỗi cửa chỉ có một lối vào, trên mái lợp ngói âm dương. Bờ thành bao bọc văn miếu xây dựng bằng đá ong. Bên trong văn miếu có một giếng xây đá ong nằm cạnh cửa Bắc. 2. KIẾN TRÚC NHÀ Ở DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT 2.1. NHÀ TRANH TRE Nhà tranh tre có 3 gian 2 chái, mặt bằng ngôi nhà chia làm 3 phần: nhà chính, nhà ngang và nhà bếp, được đặt liền kề nhau theo kiểu chữ L. Giữa nhà chính và nhà ngang không có sự liên kết, song giữa nhà ngang và nhà bếp được làm chung một vách và một cửa thông nhau để cho các thành viên trong gia đình có thể đi lại nấu nướng, ăn uống dễ dàng. Chuồng trại nuôi heo, gà được bố trí liên hoàn với nhà bếp. Thường bên phải nhà chính là chuồng nuôi trâu bò. Kiến trúc nhà tranh tre từ vật liệu tranh tre dễ tìm. Mái nhà thường lợp tranh già và dày. Tranh lợp mái theo lối trải, đầu tranh cột lạt vào rui mè. Hệ thống đòn tay đỡ mái liên kết với kèo cột qua các chốt sẻ. Vách nhà bằng đất, cốt bên trong là tre làm mầm, cột nhà bằng tre ngâm. Chức năng của nhà chính là thờ phụng, tiếp khách, đàn ông ngủ; nhà ngang chia làm hai phần, gồm nơi ăn uống và bảo quản chế biến lương thực; bếp dùng để nấu nướng. Bên trong nhà chính có 8 hàng cột, chia mặt bằng sinh hoạt của nhà chính thành 3 gian: gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía trước đặt tấm phản gỗ và bộ ghế gỗ để tiếp khách đàn ông của ông chủ gia đình (nếu khách ở lại thì có thể ngủ trên phản đặt trước bàn thờ). Đây là không gian linh thiêng và trang trọng nhất của ngôi nhà. Nhà chính có một cửa chính để ra vào. Gian phía tây có một góc buồng vách bằng phên liếp tre đan, gọi là buồng tây, dùng để đặt đồ đạc và là chỗ ngủ của ông chủ gia đình. Phía ngoài được đặt thêm phản ngủ để dành cho con trai trong nhà. Trong gian này có một cửa phụ và một cửa chính ra vào. Gian phía đông được dành cho đàn bà con gái trong nhà. Tại gian này, góc phía đông ngăn phên liếp tre thành buồng riêng, gọi là buồng đông, dành cho bà chủ trong gia đình (hoặc cho vợ chồng con trai trưởng, nếu gia đình đó phân chia thêm một tiểu gia đình). Trong gian này có phản gỗ dùng cho con gái trong nhà sinh hoạt, ngủ và bà chủ gia đình tiếp khách nữ trên tấm phản gỗ được đặt trong gian giữa của ngôi nhà (lệch với bàn thờ). Trong gian này có một cửa chính ra vào. Kiến trúc nhà tranh tre có đến 32 cột, trong đó có 16 cột chính. Cột nhà được làm từ loại tre đặc ruột, ngâm chín, rất bền chắc. Trong không gian ngôi nhà số lượng cột chia thành 8 hàng ngang để đỡ 8 vì kèo tre. Vì kèo thường là kiểu vì kèo gác trính chuyền. Vì kèo liên kết với cột bằng hệ thống chéo dọc, gác qua hệ thống trỏng nóc (trụ chồng) để đỡ thượng lương. Các trỏng nóc đặt trên điểm giữa của trính cặp thượng, lực đè sẽ được phân đều qua hai trụ cột chính. Trính cặp hạ là hai thanh tre dài, liên kết với đoạn cuối của hai tay kèo, gác qua hai cột nhì tiền và hậu (cột vách), liên kết với hai cột chính ở giữa lòng nhà bằng hệ thống chốt sẻ. Trính cặp hạ có nhiệm vụ nâng hai cột trấn đỡ hai kèo mái. Tất cả lực đè của mái được trính cặp hạ phân đều qua 4 cột. Ở hàng cột nhì tiền và hậu kết cấu kèo phụ gồm hai đoạn tre liên kết kèo cột theo thế tung hoành để đỡ mái, chống gió xoáy giật. Để tăng cường sự bền vững của ngôi nhà, người ta đào sâu lỗ cột vách và cột hiên, lấy tre nẹp chặt đ làm cừ chống gió bão gây đổ nhà. Phần mái lợp tranh già, các tấm tranh lợp theo lối lợp lớp hoặc kéo trài, đầu tấm tranh buộc lạt chắc chắn vào rui mè và hệ thống đòn tay. Trên nóc nhà có hai lớp tranh được xếp dày gọi là sắp nóc để chống dột và che mưa nắng. Để tăng cường sự bền vững cho ngôi nhà, người ta dùng tranh già, tre ngâm để xây dựng. Nhìn chung, loại hình nhà tranh vách đất tuy đơn giản, song kết cấu kiến trúc khá công phu. Sự liên kết giữa các bộ phận luôn luôn phù hợp, cân xứng và giữ đúng chức năng, đem lại sự bền vững cho ngôi nhà. 2.2. NHÀ RƯỜNG Nhà rường là loại hình nhà ở kiên cố bền vững, kết cấu bộ khung nhà gồm cột, trính, xuyên, rui mè bằng gỗ tốt chịu lực. Quảng Ngãi có rất nhiều nhà rường, được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Niên đại xây dựng những ngôi nhà rường thường có từ 100 năm đến trên 150 năm. Các ngôi nhà rường cổ ở Quảng Ngãi hầu hết là của những dòng họ, gia đình giàu có, có địa vị nhất định trong xã hội. Nhìn chung mặt bằng kiến trúc nhà chính và nhà phụ của nhà rường đều ở dạng chữ nhất (一) hay chữ đinh (丁), một nửa phần trên giống chữ L. Các ngôi nhà rường đều được xây dựng theo thuật phong thủy như hướng nhà, giờ động thổ; nếu hướng nhà ít được thuận lợi thì người ta làm thêm bức bình phong. Mỗi ngôi nhà rường có hệ thống các công trình phụ, như giếng nước, bếp, chuồng trại . Nhà rường có hai dạng, gồm dạng nhà rường điển hình và dạng nhà song nga. Hai dạng này khác nhau ở lối kết cấu và lối bố trí không gian sinh hoạt bên trong ngôi nhà. Phần vỏ mái có khi lợp tranh hoặc lợp ngói âm dương; tường thường được xây bằng gạch hoặc đá ong. Nhà rường thường có 5 gian gồm 3 gian chính, và 2 gian phụ (chái), cá biệt cũng có nhà đến 7 gian (5 gian chính và hai gian phụ). Thông thường số hàng cột của nhà rường dao động từ 4 đến 7 hàng cột. Giữa lòng nhà có hàng cột cái (cột chính) cao to, với các tên gọi khác nhau: Hai cột trong phía đông gọi là nhứt đông hậu, hai cột trong phía tây gọi là nhứt tây hậu, hai cột ngoài phía đông gọi là nhứt đông tiền, hai cột ngoài phía tây gọi là nhứt tây tiền. Các cột cái này liên kết với kèo để đỡ khung nhà và mái. Cột thường được làm bằng gỗ mít, trau chuốt, dáng thượng thu hạ thách, các cột cái được nâng cao hơn bởi các bệ đá. Các cột quân (cột phụ) nhỏ hơn, cũng có các tên gọi như sau: dãy cột quân lùi bên trong hàng cột cái gọi là dãy cột hàng nhì hậu, dãy cột quân tiến phía trước hàng cột cái gọi là cột hàng nhì tiền. Hai dãy cột này để đỡ kèo nhì gác qua. Ở 4 góc nhà có 4 cột quyết để đỡ kèo quyết, chúng được phân chia thành đông hậu, tây hậu, đông tiền, tây tiền. Bốn cột vách đông tây gọi là cột đấm, có chức năng đỡ các kèo đấm thả xuôi từ cột cái. Các cột cái và cột quân chia không gian nhà chính làm ba phần: Gian chính giữa lẫn hai gian hai bên thờ phụng, tiếp khách, và cũng là nơi ngủ của đàn ông. Hai chái hai bên là hai buồng gọi là đông phòng và tây phòng. Đây là buồng ngủ của phụ nữ và con cái. Dãy cột vách mặt trước nhà (hàng nhì tiền) gồm 4 cột được kè gỗ làm ngạch tạo thành 3 khuôn cửa để đặt 3 gian cửa bàn khoa bằng gỗ. Kết cấu kiến trúc nhà rường với bộ khung nhà cột trính, xuyên, kèo liên kết với nhau bằng phương pháp chốt mộng chắc chắn. Bộ vì kèo chính với kiểu vì đâm trính, vì con đội đòn dông. Vách nhà thường là vách lụa trang trí ô hộc. Trên các đầu kèo thường chạm nổi hình long phù, mặt kèo trang trí những đường kẻ chỉ hay diềm hoa lá. Đặc biệt trên các kèo hiên (ngạo) thường trang trí hình cá chép hay giao long. Đôi khi hiên trước được xử lý nâng cao, rộng thoáng, với mục đích để làm các rui tàu trang trí các phù điêu theo mô típ điển tích cổ. Cửa bàn khoa trong các ngôi nhà rường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên mặt diện cho ngôi nhà. Nhà rường thường có 3 gian cửa bàn khoa chính. Mỗi một gian cửa bàn khoa thường có 3 cánh hoặc 4 cánh liên kết nhau bằng chốt gỗ. Bệ dưới của mỗi cửa bàn khoa có ngỏng quay nhằm giúp cho việc mở đóng dễ dàng. Bệ trên đỉnh cửa có một chốt gỗ được tra theo chiều dọc, để đóng cửa. Mỗi cửa bàn khoa đều có chấn song nằm ở vị trí 1/3 cửa tính từ đỉnh cửa xuống, có tác dụng thông gió và quan sát bên ngoài. Bên trong chấn song còn có một tấm gỗ kéo có chức năng đóng mở. Mỗi gian cửa bàn khoa có cấu tạo bao áp cửa và trụ cánh dọc 2.3. NHÀ LÁ MÁI (NHÀ ĐẮP) Kiểu nhà này có hai mái, một mái đất và một mái phía trên có kèo tre lợp tranh. Giữa hai mái này là khoảng trống. Nhà lá mái có số lượng cột từ 36 đến 42 cũng như nhà rường. Tuy nhiên, các cột chịu lực ở giữa nhà đều có kích thước lớn gần như nhau, có tác dụng đỡ tầng mái đất nặng nề. Các cột vách thì nhỏ hơn. Vì kèo chính của nhà lá mái là kèo rường và vì kèo con đội đòn dông. Con đội được cách điệu kiểu đầu choãi cánh dơi, cánh phụng, chân đế cách điệu cánh sen. Vì kèo thượng đỡ thượng lương và xuôi về hai hàng cột cái, chốt mộng ở đầu cột, kèo hạ còn gọi là kèo nhì liên kết cột cái và hai hàng cột hàng nhì (tiền, hậu). Phía mặt tiền có hai kèo nối với cột hàng ba và hàng tư gọi là ngạo hàng ba (ngạo thượng) và ngạo hàng tư (ngạo hạ). Một số ngôi nhà ở ngạo hàng tư thay thế bằng bảng trần gỗ gọi là bảng rui tàu chuyền đai, bề mặt được trang trí ô hộc và nhiều mô típ họa tiết khác nhau theo kỹ thuật chạm nổi. Phần mái bên trên là vỏ mái tranh, hoặc ngói được đỡ bởi hàng cột chống cắm thẳng qua trần đất mái dưới và gắn trên đầu các cột. Phần mái dưới được đắp đất, bên dưới có một lớp ván gỗ nhỏ tạo cho trần đất luôn bền chắc. Bên trong nội thất của kiểu nhà lá mái có rất nhiều tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo, chúng được thực hiện từ bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ theo hai kỹ thuật là chạm thủng và chạm nổi. Nghệ thuật trang trí chạm khắc gỗ được thể hiện ở khắp ngôi nhà, từ hệ thống bảng lồng, bảng rui tàu, bảng võng đến các kèo, trụ chồng,… với nhiều chủ đề trang trí khác nhau. Nhà lá mái của ông Lê Lý ở Lý Sơn là một điển hình. Ngôi nhà có 42 cột, trong đó có 8 cột cái to cao chắc chắn xếp thành hai hàng, tiếp đến là dãy cột hàng nhì, dãy cột hàng ba và dãy cột hàng tư. Với 6 hàng cột chính đã chia không gian ngôi nhà thành 5 lớp, tính từ trong ra ngoài: Lớp 1 đặt bàn thờ tổ tiên, lớp 2 dùng lễ bái, lớp 3 và lớp 4 là nơi tiếp khách, lớp 5 là hiên ngoài. Giữa lớp 2 và lớp 3 được ngăn cách nhau bởi hệ thống cửa bàn khoa bên trong, giữa lớp 4 và lớp 5 ngăn cách nhau bởi hệ thống cửa bàn khoa bên ngoài. Đây là nhà lá mái có hai lớp cửa, một kiểu nhà phòng thủ (chống giặc Tàu Ô) rất đặc trưng ở đảo Lý Sơn. 3. KIẾN TRÚC NHÀ Ở CỦA NGƯỜI HRÊ Mỗi làng người Hrê cư trú thường có khoảng vài chục ngôi nhà sàn. Nhà sàn của người Hrê được xây dựng quần tụ theo chiều ngang của triền chân đồi. Các ngôi nhà được bố trí theo từng lớp, từ thấp đến cao. Người Hrê gọi làng của mình là plây, cách gọi này giống với cách gọi của các dân tộc Bana, Giarai… Làng xóm Hrê được xây dựng dọc theo các con sông. Mặc dù tộc người Hrê cư trú trên địa vực rộng lớn của vùng núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, song họ vẫn bảo lưu được tập quán xây dựng làng theo lối riêng của dân tộc mình. Làng Hrê có chung những đặc điểm xây dựng theo địa hình cảnh quan, được bố trí kiến tạo ven theo triền chân đồi, cao ráo, quang đãng. Người Hrê luôn luôn chọn vị trí làng của họ ở về phía đông, tây hoặc phía nam triền chân đồi. Họ lấy quả đồi nơi cư trú hoặc những dãy núi xung quanh để che chắn ngọn gió bấc của mùa đông khắc nghiệt. Làng luôn quay mặt về phía có gió nồm để được thoáng mát, đón ánh sáng mặt trời buổi sáng để đề phòng và trừ khử dịch bệnh. Làng Hrê luôn luôn xây dựng liền kề với vùng ruộng canh tác. Người Hrê làm nhà vào thời gian tháng 8 và tháng 9 trong năm. Các loại gỗ rắn chắc như gỗ ké, gỗ mít… được ưa chuộng, dùng làm cột sàn, cột vách, kèo, trính. Người Hrê thường đốn cây gỗ vào ngày 29, 30 (Âm lịch) của các tháng hè và thu, bởi vì trong thời điểm này nhựa thân cây trở nên ít, khiến cho các thớ gỗ không bị mối mọt phá hoại. Khi xây dựng các nhà sàn, người Hrê đặc biệt chú ý không để đường đi trong làng đâm thẳng vào cửa giữa (mang), cửa trước (móc inh chin) và cửa sau (móc inh đoong), vì điều đó sẽ xảy ra đau ốm bệnh tật cho gia chủ hoặc những điều không hay khác cho gia đình. Thời gian để dựng hoàn thành một ngôi nhà sàn Hrê trong vòng từ 4 đến 6 ngày, theo một số thao tác quy trình như sau: Bước1: Dựng hai hàng cột sàn và cột vách. Bước 2: Dựng bộ khung nhà gồm gác trính, xà qua các đầu cột theo kiểu ngoài buộc dây mây, đồng thời gác tay kèo ở hai đầu hồi, sau đó gác đòn tay mái nằm theo chiều dọc của ngôi nhà. Bước 3: Vỏ mái gồm ron, mè kết cấu theo lối buộc nẹp ngang dọc song song nhau và được làm trước ở dưới mặt đất, sau đó đưa lên buộc vào các đòn tay mái để làm vỏ mái. Bước 4: Tạo dựng sàn bằng hệ thống cây ngang dọc, có kết cấu với nhau hết sức chặt chẽ qua hệ thống dây buộc vào cột nhà và cột nâng sàn, sau đó mặt sàn được trải lớp giát sàn bằng tre ken mây phẳng phiu. Vách nhà được làm bằng tre đan phên ken dày, hoặc dùng cây rừng tròn, có đường kính 2 - 2,4cm ghép sát vào nhau lấy dây mây buộc chặt. Do kết cấu kiểu dạng và lắp ráp như trên, nên khi dỡ nhà, người Hrê thao tác rất nhanh. Trước tiên họ tháo rời mái nhà bằng cách cắt các dây buộc hai mái liên kết với nhau qua đòn giông (rú qua) và tách rời mái với phần đầu cột và vách nhà, sau đó họ tách khiêng đi hai mái rời của ngôi nhà đi đến nơi mới. Mặt bằng sinh hoạt của nhà người Hrê gồm hai đầu tra sàn ngoài là nơi tiếp khách, sinh hoạt của ông bà chủ nhà. Bên trong tính từ cột thiêng trở đi là nơi ở của hai vợ chồng chủ nhà, tiếp đến là con lớn đến nhỏ. Nhà Hrê có 2 cửa chính ở hai đầu tra và 1 cửa mang ở hông nhà. Một vấn đề quan trọng khác không thể không đề cập trong kết cấu kiến trúc nhà sàn của người Hrê là cách thức buộc mây để liên kết các bộ phận kiến trúc của ngôi nhà sàn. Phương pháp liên kết bằng cách thức buộc mây là phương pháp phổ biến, sáng tạo, độc đáo và là đặc trưng trong ngôi nhà sàn Hrê. Trên mái nhà của người Hrê còn có biểu tượng 2 cặp sừng trâu bằng rơm. 4. KIẾN TRÚC NHÀ Ở CỦA NGƯỜI COR Nhà ở dân gian truyền thống của người Cor là nhà xlúp, là kiểu nhà dài của một làng cùng cư trú. Hiện nay kiểu nhà này không còn nữa, họ đã tách ở riêng theo kiểu nhà trệt. Nhà sàn xưa kia của người Cor giống một toa tàu hỏa. Dân làng góp sức làm chung ngôi nhà, sau đó từng hộ được chia diện tích để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Bao giờ vị trí máng nước đổ về cũng ở phía đầu nhà. Ngôi nhà có thể được nối dài thêm khi có những gia đình đến nhập cư sau. Dưới gầm sàn dùng xếp củi, nhốt lợn, gà; trên sàn thì người ở. Ngoài ra nhà còn có 2 - 3 sàn phụ để phơi lúa, cất đồ đạc, sấy thuốc lá… Hiện nay, những ngôi nhà trệt có từ 3 - 5 hộ hay 6 - 7 hộ cùng cư trú còn khá phổ biến. Đó là kiểu nhà xlúp truyền thống nay được biến dạng qua kiểu nhà trệt vách đất hoặc vách bằng tre nứa nhưng vẫn giữ nguyên không gian cư trú như xưa của các hộ gia đình. Mỗi hộ cư trú bên trong ngôi nhà dài đó được tách riêng bằng các bức ngăn làm từ gỗ rừng hay bằng tre nứa đập giập. Ngôi nhà này tuy có cửa ra vào trổ ở mặt bên, nhưng lối đi lại dọc từ đầu đến cuối nhà vẫn giữ nguyên. Lối kết cấu vì cột còn thông dụng, tương tự ở các dân tộc miền núi khác trong khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Đặc biệt trong nhà có bộ phận sạp ngủ, là sự lặp lại cách làm sàn. Mặt bằng sinh hoạt chính trong ngôi nhà truyền thống của người Cor chia làm ba phần theo chiều dọc nhà đó là: truôk, tum và gươl. Truôk là đường hành lang chạy suốt từ đầu đến cuối nhà, hai phía đều thông ra ngoài qua cửa. Tum là phần không gian sinh hoạt cho từng hộ, ở đó có đặt bếp lửa, chỗ ngủ của các cặp vợ chồng, con cái và các vật dụng đồ đạc. Từ các buồng đó đều mở cửa trông ra truôk. Đối diện với tum qua truôk là gươl - phần diện tích để thoáng, không ngăn thành các buồng. Nơi đây chủ yếu dùng làm chỗ sinh hoạt cho đàn ông: tiếp khách, uống rượu, cúng, ngủ, gõ chiêng…. Hình thức nhà xlúp của người Cor là kiểu kiến trúc khá đặc biệt ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, có thể tìm thấy bóng dáng ngôi nhà này ở một số tộc người trên các quốc đảo vùng Thái Bình Dương. Nhà xlúp là hình thức quần cư của cả cộng đồng làng trong không gian nóc nhà dài, ở đây khái niệm làng - nóc dung hợp làm một. Hình thái cư trú nhà dài truyền thống của người Cor xưa kia là một cách bảo tồn cộng đồng trước sự tác động bất lợi từ bên ngoài. Ngày nay, hầu hết đồng bào Cor đã và đang chuyển sang làm nhà trệt vách ván hoặc vách nứa, mái lợp tranh hay lá gồi, một số gia đình giàu có còn thuê thợ đồng bằng làm theo kiểu nhà xuyên trính như ở đồng bằng miền Trung. 5. KIẾN TRÚC NHÀ Ở CỦA NGƯỜI CA DONG Đơn vị cư trú của tộc người Ca Dong là plây pla (làng xóm). Các ngôi nhà sàn trong làng được xây dựng tùy theo địa hình nhưng buộc phải nằm theo cùng một hướng, không được cắt phá nhau. Vì vậy nhìn từ xa các ngôi nhà sàn Ca Dong phân bố theo từng lớp trên sườn đồi trông rất đẹp. Do điều kiện sinh sống trên núi cao nên việc chọn đất làm nhà lập làng của người Ca Dong là một việc không đơn giản. Họ lập làng trên các khu vực đất bằng phẳng ở vùng triền đồi, chân núi, triền đất cao trong vùng thung lũng. Làng phải gần vùng ruộng rẫy canh tác, phải tránh lập làng gần kề suối, sông vì có nhiều rủi ro vào mùa mưa lũ. Đặc trưng tập quán cư trú xưa kia của người Ca Dong là theo hình thái cư trú nhà sàn dài của một đại gia đình phụ hệ, nghĩa là có nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, cháu chắt cùng cư trú trong một ngôi nhà. Sự phân bố không gian của các tiểu gia đình trong ngôi nhà được tính từ cây cột thiêng cạnh bếp lửa. Ngày nay, hình thái cư trú kiểu này còn ít, mà thay vào đó là hình thái cư trú các tiểu gia đình. Nhà sàn người Ca Dong ở hai đầu nhà đều có cửa và hai cầu thang lên xuống. Kết cấu kiến trúc nhà sàn người Ca Dong cũng như các dân tộc Cor, Hrê là ngôi nhà thường chia làm 3 phần: cột sàn, vách và sàn, mái. Bộ khung nhà của người Ca Dong gồm cột nhà, cột sàn, xuyên, trính, kèo làm bằng các loại gỗ tốt. Kết cấu kiểu vì cột. Các bộ phận kiến trúc liên kết với nhau bằng phương pháp ngoãm và buộc mây. Vách và sàn nhà làm bằng nứa lồ ô. Mái nhà lợp tranh. Không gian bên trong ngôi nhà được bố trí: phía đầu nhà là bếp chính của gia đình, để dụng cụ nấu nướng và bát đĩa - đây là một trong những vị trí thiêng trong nhà. Dịch sang bên cạnh là cây cột thiêng dùng để cúng thần linh. Tính từ cây cột thiêng, không gian sinh hoạt trong ngôi nhà được phân chia như sau: gian cạnh bếp chính và cột thiêng là nơi ngủ của cha mẹ, tiếp đến là nơi ngủ của con cái trong gia đình từ lớn đến nhỏ. Vị trí ở gian giữa có cửa hông là nơi tiếp khách và khách ngủ ở đó. Người Ca Dong khi ngủ quay đầu về hướng thấp. Trong nhà một bên vách đặt hàng ché đựng rượu, phía trên là giàn để dụng cụ và bắp trái. Đặc biệt ở trên vách của gian tiếp khách, chủ nhà thường để cung [...]... điều kiện cho kiến trúc sư phát huy sáng tạo Giai đoạn này cũng có nhiều xu hướng kiến trúc khác nhau bắt đầu thâm nhp và phát triển Mảng kiến trúc công trình công cộng Xu hướng kiến trúc "nhại cổ" Đây là xu hướng kiến trúc xuất hiện trong nước, dường như là sự "phản ứng" với lối kiến trúc công năng, quay lại với lối kiến trúc cổ điển phương Tây, chế tác từ thức cột cổ điển của kiến trúc Hy Lạp - La... Ngày 8.10.2005, nhân dân và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức lễ công bố Nghị định của Chính phủ về việc thành lập thành phố Quảng Ngãi 3.5 HOẠT ĐỘNG NGHỀ NGHIỆP CỦA KIẾN TRÚC SƯ VÀ KỸ SƯ XÂY DỰNG Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khá đông đảo lực lượng kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng Sau ngày tái lập tỉnh, trên địa bàn Quảng Ngãi giới kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng có số lượng rất... Nghĩa Dũng (thành phố Quảng Ngãi) , Đức Thắng (huyện Mộ Đức),… Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kiến trúc đương đại ở Quảng Ngãi chủ yếu phát triển ở vùng tạm chiếm do chính quyền Sài Gòn quản lý Nhìn tổng quát thì vào thời kỳ này, kiến trúc đương đại có một bước chuyển căn bản, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các công trình kiến trúc của xã hội, bên cạnh kiến trúc truyền thống vẫn... Hình thức kiến trúc có đường nét đơn giản Chợ tỉnh Quảng Ngãi Nằm trên đường Nguyễn Nghiêm Mặt bằng và hình thức kiến trúc khoáng đạt, tạo cảm giác thoáng rộng, giải quyết thông gió tự nhiên tốt Thư viện tỉnh Nằm trên đường Hùng Vương Nhà có mặt bằng hình vuông, kiến trúc không có điểm đặc biệt Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi Nằm ở trung tâm thị trấn huyện lỵ Trà Bồng Kiến trúc theo... này chỉ có thể xem là sự "bồi đắp" thêm yếu tố mới vào kiểu kiến trúc cổ truyền, vì xét ở mặt tổng thể, nét kiến trúc cổ truyền vẫn là chủ đạo KIẾN TRÚC THEO KIỂU PHÁP Thời Pháp thuộc, kiến trúc kiểu Pháp đã du nhập vào Việt Nam, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng Quảng Ngãi vốn là một tỉnh nhỏ, sự du nhập kiểu kiến trúc Pháp ít ỏi, hầu như không có công trình lớn, chủ yếu thể... banzát, kiến trúc phào chỉ Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã khuyến cáo mảng kiến trúc này là thiếu lành mạnh, không tương thích với trình độ khoa học và công nghệ hiện đại, các chuẩn mực cuộc sống đương đại và xu thế chung của thế giới Xu hướng kiến trúc này xuất hiện ở Quảng Ngãi tuy không nhiều, song đã hiện thực hóa bằng một số công trình công sở, rõ ràng đã không để lại dấu ấn nào Xu hướng kiến trúc hiện... Bưu điện, nhà công quán Bănggalo (Bangalow) ở thị xã Quảng Ngãi, một số huyện đường ở các huyện… Ở thị xã Quảng Ngãi, có một số nhà cũng kiến trúc theo kiểu này như nhà nghỉ Đồng Xuân, nhà Sing Sen… Gọi kiến trúc theo kiểu Pháp là nói chung, song về tiểu tiết thì có sự châm chước nhất định cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết ở Quảng Ngãi Kiến trúc kiểu này thường có tường xây gạch dày, vừa có... đột phá nào về kiến trúc Về cơ bản, thời Pháp thuộc vẫn tiếp tục lối kiến trúc dân gian, truyền thống như đã kể trên Các hình thức kiến trúc dân gian nhà ở của người Việt và nhà ở của các dân tộc thiểu số miền núi (Hrê, Cor, Ca Dong) gần như vẫn giữ nguyên theo lối thức cổ truyền Tuy nhiên kiến trúc thời kỳ này đã có một số chuyển biến đáng ghi nhận SỰ DU NHẬP VÀ TIẾP BIẾN LỐI KIẾN TRÚC MỚI, VẬT LIỆU... nằm hướng bắc của trường, dọc theo đường Lê Khiết, thành phố Quảng Ngãi Nhà thờ mới Nằm trên đường Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi, có mặt bằng thoáng rộng, được xây dựng năm 1963 Phần tháp hiện nay chưa thực hiện đúng thiết kế Nhà thờ có quy mô rộng lớn, mặt bằng hình chữ nhật Kiến trúc khai thác kiến trúc hiện đại trên cơ sở kiểu kiến trúc gôtích Pháp Về nhà ở, tại tỉnh lỵ người ta xây dựng một... Sách Đại Nam nhất thống chí, Quảng Ngãi nhất thống chí cũng cho biết, thành Xuân Quang được đắp bằng đất, cao 5 thước (2m), đông tây 53 trượng (106m), nam bắc 92 trượng (184m) Nay thành đã bị tàn phá, chỉ còn lại một vài dấu tích THÀNH TỈNH QUẢNG NGÃI Nằm trong khu vực thành phố Quảng Ngãi hiện nay Thành được xây dựng từ 1807, xây đá ong năm 1815 Thành tỉnh Quảng Ngãikiến trúc theo kiểu vôbăng (vauban) . I. KIẾN TRÚC DÂN GIAN /TRUYỀN THỐNG 1. KIẾN TRÚC TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT 1.1. KIẾN TRÚC CHÙA Các ngôi chùa cổ ở Quảng Ngãi như chùa. TỈNH QUẢNG NGÃI Nằm trong khu vực thành phố Quảng Ngãi hiện nay. Thành được xây dựng từ 1807, xây đá ong năm 1815. Thành tỉnh Quảng Ngãi có kiến trúc theo

Ngày đăng: 22/10/2013, 11:11

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w