Đọc Địa danh Việt Nam trong tục ngữ - ca dao

9 1.1K 2
Đọc Địa danh Việt Nam trong tục ngữ - ca dao

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Đọc Địa danh Việt Nam trong tục ngữ-ca dao Quý 1 năm 2007, cuốn sách "Địa danh Việt Nam trong tục ngữ-ca dao" (Nxb Từ điển Bách khoa, 772tr.) do tác giả Vũ Quang Dũng biên soạn được xuất bản. Đây là cuốn sách được biên soạn khá công phu, lần đầu tiên một số lượng lớn các địa danhViệt Nam xuất hiện trong các câu ca dao, tục ngữ được tác giả tập hợp, chú giải theo dạng từ điển. Đọc qua cuốn sách, chúng ta thấy được công sức tác giả đầu tư cho cuốn sách là khá lớn. Thông qua các địa danh xuất hiện trong các câu ca dao, tục ngữ ở khắp mọi vùng Tổ quốc, chúng ta có được những hiểu biết phong phú về phong tục tập quán, đặc sản, làng nghề truyền thống, các nhân vật lịch sử, di tích, thắng cảnh .của đất nước mình. Tuy vậy, cuốn sách vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể là về tài liệu tham khảo, cách thức ghi nguồn, làm bảng tra cứu, lỗi morát, chú giải nội dung mục từ, việc xác định địa danh. Đầu tiên là về nguồn tài liệu tham khảo. Trong số 33 tựa sách tác giả dùng để làm dẫn liệu trong Địa danh Việt Nam trong tục ngữ-ca dao thì hầu như các sách biên soạn về văn học dân gian ở Nam Bộ còn thiếu vắng khá nhiều, chỉ thấy một vài tên sách như Ca dao Đồng Tháp Mười, Văn học dân gian Bến Tre, Văn học dân gian Tiền Giang (tập 1). Một điều nữa, là tác giả có ghi nguồn "tư liệu điền dã" trong bảng sách dẫn, nhưng chúng tôi chỉ thấy có 2 địa danh trong tổng số mấy ngàn địa danh trong sách được tác giả trực tiếp khảo sát. Đó là An Tử (làng) (tr.25) và Tri Chỉ (làng) (tr.597). Cách thức ghi nguồn dẫn tài liệu dưới mỗi địa danh cũng còn có chỗ bất hợp lý. Việc ghi dồn nguồn xuất xứ của tất cả các câu ca dao, tục ngữ đối với 1 địa danh (mà có nhiều câu) chỉ tiện lợi cho việc trình bày mục từ (địa danh) nhưng lại gây khó khăn cho người đọc. Bởi lẽ sẽ không xác định được câu ca dao, tục ngữ đó được trích trong sách nào vì chúng được sắp xếp không theo một thứ tự nào! Có thể thấy rõ điều đó qua rất nhiều địa danhtrong sách như: An Nhơn (huyện) (tr.20), Bến Thành (chợ) (tr.54), Bến Tre (tỉnh) (tr.55), Rạch Gầm (rạch) (tr.499) . Toàn bộ cuốn sách dày 772 trang, song có tới 98 trang bảng tra. Đó là các bảng tra cứu: Địa danh tự nhiên, Địa danh tên Nôm làng xã, Địa danh lịch sử văn hoá- kiến trúc nghệ thuật, Địa danh kinh tế- xã hội. Vì đây là sách tra cứu dạng “từ điển” nên các bảng tra như trên rõ là không cần thiết. Điều cần lưu ý thêm với tác giả là các khái niệm “địa danh kiến trúc nghệ thuật”, “địa danh kinh tế- xã hội” không hề có trong bảng phân loại của các nhà địa danh học. Lỗi morát đây đó xuất hiện khá nhiều trong sách đã làm lệch đi ý nghĩa trong việc “thưởng thức” văn học dân gian hay việc tìm hiểu các thông tin về mỗi địa danh. Trong địa danh Bến Tre (tỉnh) (tr.55-56) có câu Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri nhưng lại viết là “sóc sãi” khiến người đọc không biết đó là gì. Cũng vậy, ở trang 56 có câu Muối ngon ở Cảnh mặn nồng. Thực ra đó là Gảnh, một địa danh ở huyện Ba Tri (Bến Tre), nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên. Ví dụ như gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Thạch Phương- Đoàn Tứ chủ biên, Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, 2001, tr.1.305) Cầu Ngang (xóm) (tr.99) một lần nữa lập lại cái sai khi viết Gảnh là Cảnh. Chụt (làng) (tr.123) địa danh Bé bị biến thành Ré. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paullus Của giải thích: “Vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió” và “Chụt Nha Trang chỗ núp gió ở tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hoà” (Imprimerie Rey Curiol & Cie, 1895, tome I, tr.172). Xóm Chụt là tục danh của làng Trường Tây, một vạn chài nằm bên cửa Bé (cửa Nha Trang, cửa Trường Đông), trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang (Khánh Hoà). Dân ghe bầu ra vô thường ghé Chụt buôn bán đệm buồm, dây neo, dây chằng, phao, lưới .nhất là lá buông và song mây, hai loại đặc sản của Khánh Hoà và được bày bán rất nhiều ở đây. Họ còn ghé lại đây để nghỉ ngơi, chè chén, trao đổi tình hình mua bán. Trong Bài vè thuỷ trình từ Huế vô Sài Gòn của dân ghe bầu có đoạn: Nha Trang xuống Chụt bao xa/ Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng/ Anh em mừng rỡ lăng xăng/ Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra/ Anh em chè rượu hỉ ha (Bùi Quang Tung, Tập san Sử Địa, số 17-18, 1970, tr.45). Giảm Thọ (đèo) (tr.239) được chú thích:” đèo thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là đoạn đường gập ghềnh, khó đi”. Giảm Thọ và đèo Le là hai dốc đèo trong câu ca dao nổi tiếng Gập ghềnh Giảm Thọ, Đèo Le/ Cu ngói quảy mè, cưỡng cõng khoai thì trong sách này in sai thành “cá cường cong khoai”. cưỡng hay gọi là chim cưỡng là một loại chim biết nói tiếng người. Giảm Thọ là dốc núi cao làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Quế Sơn và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Để tránh các đồn bót của giặc, con đường vận tải, tiếp tế bắc – nam thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954) được mở qua đây. Đường xuyên sơn rất gian khổ vì dốc quá cao phải mất trọn một ngày đường để vượt qua, do đó bộ đội, dân công gọi tên là dốc Giảm Thọ. Đèo Le dài 8km, băng qua dãy núi Hòn Tàu, nối hai vùng Trung và Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nguyên là một đường mòn xuyên rừng hẹp, có nhiều cây le mọc, đi lại rất khó khăn. Năm 1937, các nhân sĩ ở Quế Sơn như Nguyễn Đình Hiến, Lâm Xuân Quế, Nguyễn Đình Dương… đã đứng ra vận động nhân dân mở con đường đèo Le. Công trình được hoàn thành vào mùa hè 1939 (theo Thạch Phương, TP. Hồ Chí Minh). Nhân đây xin cung cấp thêm một dị bản nữa: Gập ghềnh Giảm Thọ – Đèo Le / Cu cu quảy mè, cưỡng cõng con. Giồng Luông (ấp) (tr.247) nên sửa xã Đại Điển thành xã Đại Điền cho đúng. Hậu (sông) (tr.278) sách ghi “cửa Đanh An”, đúng ra phải gọi là cửa Định An. Cửa này cùng với cửa Trần Đề và cửa Ba Thắc đưa nước sông Hậu đổ ra biển Đông, chỗ giáp giới giữa hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Trước năm 1829 gọi là Lai Cảng, nằm về phía bắc cửa Trần Đề (hay Trấn Di) (Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.203) Hội An (tr.298) có câu Chầu rày xa phố Hội An lại bị biến thành “chầu này”, làm mất đi vẻ đẹp của câu ca dao xứ Quảng. Chầu rày trong tiếng địa phương có nghĩa là “từ nay”. Mỹ Hội (xã) (tr.387) trong câu ca dao Biết vào Đồng Tháp, ăn bông súng với củ co thấu trời nên sửa “Biết” thành “Bắt” cho chính xác. Mỹ Lồng (chợ) (tr.387) xã Mỹ Thạnh in nhầm thành Mỹ Thạch. Rạch Gầm (rạch) (tr.499) Bầu ghe đóm đậu sáng trời sửa lại “Bần gie” cho đúng với câu ca dao trong sách đã dẫn. Ở Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng có một dị bản khác: Bần gie đóm đậu sáng ngời/ Rạch Gầm Xoài Mút muôn đời oai linh. Sa Hoàng (mũi) (tr.506) câu Gác ra khỏi mũi Sa Hoàng nên chỉnh lại thành “Vát ra” cho đúng. Chạy vát (louvoyer, faire des bordée) là chạy thuyền theo hình dích dắc theo một hướng nào đó để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Vè Các lái có nhiều câu như: Vát mũi chạy vào Bãi dài, Con Nghê; Vát một hồi tỏ rạn Thuỳ Vân; Vát một hồi lồng lộng xa khơi. Câu ca dao Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng/ Kìa là Bú Nú, Tam Quan nhiều dừa được dẫn trong sách này vốn là một câu trong bài Vè Các lái (Hát vô) của dân ghe bầu miền Trung. Sở Thượng (địa danh) (tr.522) “ngặt” in sai thành “ngắt”. Sơn Đốc (ấp) (tr.522) địa danh Mỹ Bồng sửa lại Mỹ Lồng (Bến Tre) cho chính xác. Tân Phước (xã) (tr.538) sửa “cá lác” thành “cá lóc”. lóc nấu canh chua thì ngon tuyệt! Tổng Châu (chợ) (tr.586) trong câu Thấy cô đươm đệm trên đầu giắt ghim, sửa từ “đươm” thành “đươn”(đồng nghĩa với đan). Trong việc chú giải nội dung mục từ của sách Địa danh Việt Nam trong tục ngữ-ca dao nổi lên một số lỗi cơ bản như: không chú giải địa danh, chú sai về địa danh, chú giải những thông tin không cần thiết, không xác định được loại hình địa danh hoặc xác định sai, thiếu cập nhật các đơn vị hành chính. Trong sách có 6 địa danh không được tác giả chú giải hoặc chú giải rất chung chung, cho có lệ. Bạch Hổ (địa danh) (tr.36) tác giả chỉ ghi “thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế” gần như không cung cấp thông tin gì cho bạn đọc. Xin bổ sung thêm: Bạch Hổ là tên hiện nay của cầu Dã Viên (tên đúng là Dữ Dã viên), cầu xe lửa bắc qua sông Hương đoạn phía trước góc tây nam kinh thành Huế. Cầu khánh thành trước ngày 5-9-1908. Cầu xe lửa này còn nối liền cồn Dã Viên, cồn đất được chọn làm thế “hữu bạch hổ” cho kinh thành Huế, với đất liền. (Đỗ Bang chủ biên, Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hoá, 2000, tr.525-526) Bến Cổ (bến) (tr.53) được chú giải là “tức bến Cổ Tân nay là khu vực phía bắc Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam” thì thử hỏi bạn đọc sẽ biết được địa danh này ở đâu trên đất nước Việt Nam, trừ một số người am hiểu? Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (Sđd, tr.141) ghi rất rõ:”Làng thuộc huyện Thọ Xương, thành Hà Nội, ở cạnh làng Cựu Lâu, nay là khu vực Nhà hát Lớn và Viện Bảo tàng Lịch sử, thuộc quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội”. Bùi Thiết cũng cho biết thêm:”Phố Cổ Tân thuộc quận Hoàn Kiếm, theo trục chéo từ phố Tông Đản đến phố Tràng Tiền, nằm ở góc tây bắc Nhà hát Lớn Hà Nội. Vốn là khu vực Bến Cỏ (Thảo Tân) từ thời Lê, đến thời Nguyễn là đất thôn Cổ Tân, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương” (Từ điển Hà Nội địa danh, Nxb Văn hoá-Thông tin, 1993, tr.75-76). Bến Tre (sông) (tr.55) cũng chỉ thấy chú “thuộc tỉnh Bến Tre”. Sông Bến Tre chảy từ Tân Hào, huyện Giồng Trôm (trung tâm cù lao Bảo) qua thị xã Bến Tre, đổ ra sông Hàm Luông, dài 30km. Đây là một trong những con đường thuỷ quan trọng của tỉnh Bến Tre, nối liền sông Hàm Luông với sông Mỹ Tho qua đoạn kênh Chẹt Sậy- An Hoá (Địa chí Bến Tre, Sđd, tr.1.263) Bình Ba (địa danh) (tr.58) ở địa danh này tác giả không chú gì hơn ngoài “thuộc tỉnh Khánh Hòa”. Đảo Bình Ba án ngữ mặt đông bán đảo Cam Ranh, có tác dụng chắn sóng nên có nghĩa là “dẹp sóng” hoặc “sóng yên”. Ngoài ra còn có vũng Bình Ba, nơi đây nổi tiếng với đặc sản tôm hùm. (Nguyễn Văn Khánh- Giang Nam chủ biên, Địa chí Khánh Hoà, Nxb Chính trị Quốc gia, 2003, tr.21, 49). Chợ Củi (sông) (tr.117) được chú: “còn gọi là Sài Giang, là một nhánh của sông Thu Bồn”. Chú giải này không chính xác. Thực ra, sông Chợ Củi hay Sài Thị Giang chỉ là một đoạn hạ lưu của sông Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Còn đoạn sông từ Hội An đến cửa Đại gọi là sông Hoài. Đoạn trung lưu sông Chợ Củi có chợ ngôi chợ mang tên chợ Củi chuyên bán củi được khai thác từ phía thượng nguồn, kết bè thả trôi về, nhằm cung cấp chất đốt cho dinh trấn Thanh Chiêm, các lò gạch ở phía Thanh Hà, phố cổ Hội An và các tàu thuyền nước ngoài đến đây buôn bán trong các thế kỷ XVII-XVIII. Chợ nằm phía bên tả ngạn sông Chợ Củi, nay không còn nữa. Theo sách Đại Nam nhất thống chí năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi đổi tên thành Sài Thị Giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ. Nơi đây, xưa cũng có bến đò mang tên Chợ Củi. (theo Thạch Phương, TP. Hồ Chí Minh) Dơi (hang) (tr.158) tác giả có chú là ở chân đèo Hải Vân song không cho biết là thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế hay TP. Đà Nẵng. Hang Dơi nay thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế). Chú sai về địa danh là lỗi thường bắt gặp trong sách. Ba Giồng (ngã ba) (tr.29) ở phần chú giải thì nói rõ là chỉ hệ thống ba giồng cát chạy dài từ huyện Châu Thành, Cai Lậy đến Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang. Nhưng ở loại hình địa danh thì cho là “ngã ba”, chắc có lẽ nhầm với địa danh ngã ba Giồng (nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), tại đây vào năm 1941 Pháp đã xử bắn Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu . trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Bảo (làng) (tr.44) sách chép “tức Cù Lao Bảo thuộc tỉnh Bến Tre” đã là quá sai. Cù lao Bảo cùng với cù lao Minh và cù lao An Hóa là ba cù lao hình thành nên diện mạo tỉnh Bến Tre, một tỉnh có độ dài sông rạch đứng nhất nước. Hiện cù lao Bảo gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và thị xã Bến Tre. Bắc Thành (làng) (tr.48) là “tên gọi xuất hiện vào thời Lê Trung Hưng, chỉ vùng đất phía bắc gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tây, Hà Nội”. Tác giả đã chú sai địa danh này, Bắc Thành mãi đến đầu thời vua Gia Long (1802-1819) mới thành lập, gồm 11 trấn với 5 nội trấn (Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương) và 6 ngoại trấn (Tuyên Quang, Hưng Hoá, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên) (Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam quốc hiệu & cương vực qua các thời đại, Nxb Trẻ, 1999, tr.86). Do vậy không thể đồng nhất “làng” là “Bắc Thành”, tức cả Bắc Bộ hiện nay. Cái Cối (cầu) (tr.81) xã Thạnh Mỹ An sửa lại thành xã Mỹ Thạnh An (thị xã Bến Tre) cho đúng và huyện Thạnh Mỹ trước nay chưa từng có ở tỉnh Bến Tre. Cầu Cái Cối là cây cầu sắt bắc qua sông Bến Tre, trên tỉnh lộ 887 và 885 từ thị xã Bến Tre về hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Rạch Cái Cối nằm bên tả ngạn sông Bến Tre, đối diện với chợ Bến Tre. Do ở đây có nghề đóng cối xay lúa bằng tre và xóm thợ thủ công phục vụ cho việc xay giã lúa nên có tên trên. Trong sách Văn học dân gian Bến Tre (Nguyễn Phương Thảo- Hoàng Thị Bạch Yến, Nxb Khoa học xã hội, 1988, tr.166) mà Vũ Quang Dũng dẫn trong mục từ này vẫn chú thích rõ:”Cái Cối nay thuộc xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre”. Chân Trâu (núi) (tr.108) ghi là huyện Sơn Tịnh nhưng lại thuộc tỉnh Quảng Nam? Quãng Ngãi mới đúng chứ. Giằng Say (thác) (tr.244) ở đây chính là thác Dằng Xay đã được ghi chép trong sách của nhà thơ Quách Tấn (Xứ Trầm Hương) và Nguyễn Đình Tư (Non nước Khánh Hoà). Trong sách Ca dao Nam Trung Bộ (Thạch Phương- Ngô Quang Hiển sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, Nxb Khoa học xã hội, 1994, tr.72) được Vũ Quang Dũng dẫn, ghi rõ câu ca dao của Khánh Hoà là: Ngựa Lồng, Trâu Đụng, Giằng Xay/ Khỏi ba thác ấy khoanh tay mà ngồi. Xin được nói thêm, trong ba cách viết về địa danh Dằng Say/ Giằng Say/ Giằng Xay thì Giằng Xay mơi là chính xác. Ở Quảng Nam có ba địa danh: dốc Giằng Xay, làm ranh giới tự nhiên giữa TP. Tam Kỳ và huyện Tiên Phước; bến Giằng Xay sau được đọc rút gọn lại thành bến Giằng, thuộc huyện Nam Giang; huyện Giằng vốn là huyện Bến Giằng được đọc rút gọn lại, nay là huyện Nam Giang. Ở TP. Hồ Chí Minh có hai địa danh: Giằng Xay ở Thủ Đức, có tên trên bản đồ năm 1885; sông Giằng Xay ở huyện Cần Giờ, vốn là tên cây gỗ tạp, dùng làm thuốc dân tộc. Giằng Xay bị nói và viết chệch thành Dần Xây (Lê Trung Hoa chủ biên, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn- Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003, tr.171). Nhiều địa danh trong sách được chú giải với những thông tin không cần thiết, quá dài dòng, khiến người đọc nghĩ đến việc tác giả đã quá “ôm đồm” trong việc cố nhặt thật nhiều thông tin cho nội dung sách được “phong phú”. Tiêu chí biên soạn của cuốn sách, theo chúng tôi nên là cung cấp hiểu biết về đất nước qua địa danh trong ca dao, tục ngữ thì sẽ xác hợp hơn. Do vậy, đối tượng mô tả chính ở đây là địa danh xuất hiện trong ca dao, tục ngữ và được chú giải ở mức độ cần thiết, với những thông tin liên quan về địa lý, lịch sử, văn hóa phù hợp. Nó khác hoàn toàn với những từ điển địa danh lịch sử- văn hóa hiện đã được xuất bản khá nhiều. Bát Tràng (làng) (tr.45) được mô tả vị trí, thay đổi địatrong lịch sử, làng nghề, đình làng. Nhưng tác giả đã dành khá nhiều dòng cho việc liệt kê tên tuổi, chức quan của các nhà khoa bảng, vì chỉ cần viết cô đọng về truyền thống khoa cử của làng là đủ. Việc mô tả đầy đủ các nhà khoa bảng đó là nhiệm vụ của các từ điển lịch sử hay từ điển giáo dục. Can Lộc (huyện) (tr.83) có các thông tin về vị trí, diện tích, dân số và các đơn vị hành chính. Nếu thông tin của mục từ chỉ có vậy thì chẳng khác từ điển các đơn vị hành chính. Sao tác giả lại không nêu những thông tin về đặc trưng văn hóa- lịch sử của Can Lộc (Hà Tĩnh). Chẳng hạn như về truyền thống khoa cử, nơi đã từng sản sinh ra những nhân tài cho đất nước như: Lê Trực, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, Ngô Đức Kế, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Du Chi, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu . Chợ Lách (huyện) (tr.118) cũng tương tự như địa danh Can Lộc nhưng có nêu được đặc điểm về thổ nhưỡng gắn với vùng đặc sản trái cây của tỉnh Bến Tre. Dóng (làng) (tr.156) mô tả chi tiết tới diễn trình lễ hội Phù Đổng Thiên vương. Thiết nghĩ, các từ điển lễ hội, lễ tục sẽ làm việc này tốt hơn là mục tiêu đặt ra cho cuốn sách này. Tình trạng như vậy cũng diễn ra tương tự ở các địa danh: Dương Sơn (làng) (tr.165), Đà Nẵng (thành phố) (tr.168), Gia Bình (huyện) (tr.235), Gio Linh (huyện) (tr.246), Gò Công (thị xã) (tr.249), Gò Vấp (quận) (tr.251), Hải Hậu (huyện) (tr.264), Hậu Giang (tỉnh) (tr.278), Hoằng Hóa (huyện) (tr.290), Hùng (đền) (tr.304), Mộ Trạch (làng) (tr.379) . Biên Hòa (thành phố) (tr.57) được gọi là “một trong những khu công nghiệp lớn của nước ta” là thiếu chính xác, vì ở thành phố Biên Hòa có tới vài khu công nghiệp chứ không phải chỉ có một. Còn tỉnh Đồng Nai mới là địa phương đứng đầu cả nước về các khu công nghiệp. Hèo (hòn núi) (tr.279) được mô tả khá chuẩn với cụm vị trí, độ cao, nguồn gốc địa danh, nhưng rốt cuộc độc giả cũng không biết hòn Hèo này ở xã, huyện, tỉnh nào. Hòn Hèo là bán đảo lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, diện tích 146km2. Bán đảo rộng 10km, dài trên 20km. (Địa chí Khánh Hoà, Sđd, tr.20). Hóa Ô (trạm) (tr.186) nguyên văn như sau: “còn gọi là trạm Nam Ô thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng” thì không rõ ý tác giả như thế nào? Chính xác là trạm Nam Ô xưa, nay thuộc địa bàn phường Hoà Hiệp, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Ổ Gà (núi) (tr.449) sách có cho biết còn gọi là núi Phú Như nhưng ở địa bàn nào thì chịu! Bổ sung thêm: núi Ổ Gà ở phía tây đèo Bánh Ít (huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà) xưa kia nổi tiếng có nhiều hổ, heo rừng. Nơi đây còn có miếu ông Hổ. (Địa chí Khánh Hoà, Sđd, tr.44) Thu Bồn (sông) (tr.570) được chú một cách quá súc tích “chảy quanh tỉnh Quảng Nam”. Con sông nổi tiếng của xứ Quảng được coi như là động mạch chủ (150km), nối liền hai miền xuôi ngược - “Mít non gởi xuống, chuồn gởi lên” và kết liền cả hai chiều vận chuyển bắc - nam, tạo nên một bản đồ giao thông thủy nội địa rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các thị xã, thị trấn, thị tứ như Tân An, Trung Phước, Ái Nghĩa, Vĩnh Điện, Chợ Được, Tam Kỳ, An Tân, Hội An và thành phố Đà Nẵng. Trong Địa danh Việt Nam trong tục ngữ, ca dao có 42 địa danh không xác định được loại hình hoặc xác định sai. Trong mỗi địa danh chỉ thấy ghi “(địa danh)”. Theo chúng tôi, cách giải quyết là nên ghi “(vùng đất)”, vì đa số các địa danh không xác định này thuộc địa danh vùng. Đối với những địa danh quan trọng, cả nước biết tiếng thì nên chịu khó tra cứu sách vở chứ không nên “chịu thua”. Đồng Khởi (địa danh) (tr.214) trong câu Nghe tin Đồng Khởi reo hò đi ngay được Vũ Quang Dũng cho là địa danh thì rõ là quá nhầm rồi. Đồng Khởi ở đây chỉ phong trào nổi dậy ở tỉnh Bến Tre vào năm 1960, tạo ra một thế mới trên chiến trường miền Nam với hình thức ba mũi giáp công (chính trị- quân sự- binh vận), sử dụng thế hợp pháp linh hoạt. Đồng Môn (địa danh) (tr.216) tác giả chú là “thuộc thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai; nơi nổi tiếng trồng nhiều thuốc lá”. Thực ra, Đồng Môn nay thuộc xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, trước thuộc huyện Long Thàn), nghĩa là cách thành phố Biên Hoà đến vài chục cây số. Tác giả đã nhầm thành phố Biên Hoà nay với tỉnh Biên Hoà xưa với phạm vi địa giới rộng hơn tỉnh Đồng Nai ngày nay rất nhiều. Năm 1791, quân của chúa Nguyễn lập đồn điền cày cấy ở đây. Sông Đồng Môn chảy từ sông Đồng Nai, băng qua xã Phước Thiền, chảy tiếp về thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Đây là quê bà Bùi Thị Lẫm, vợ Mạc Cửu, người sinh ra Mạc Thiên Tứ (Đinh Xuân Vịnh, Sđd, tr.222) Eo Gió (đèo) (tr.230) chỉ chú “thuộc vùng Nam Trung Bộ”. Eo Gió ở đây chính một địa danh ở phía tây nam huyện lỵ Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) (Cao Chư tuyển chọn và biên soạn, Một trăm câu ca dân gian Quảng Ngãi, Sở Văn hoá Thông tin & Thể thao Quảng Ngãi, 1992, tr.10; Đào Văn A- Cao Văn Chư biên soạn, Văn học dân gian Nghĩa Bình, Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình, 1986, tr.31). Theo Cao Chư (Quảng Ngãi), Eo Gió là đèo giữa xã Hành Thiện và xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành), nằm trên tỉnh lộ 627, từ TP. Quảng Ngãi đi huyện Minh Long. Ngoài ra, ở Nam Trung Bộ cũng còn nhiều địa danh mang tên Eo Gió. Ở Đà Nẵng, Eo Gió thuộc dãy núi Phước Tường (huyện Hoà Vang). Từ Eo Gió nhìn xuống (theo nếp gấp hai sườn núi) là Hố Cửu. Dân làng Đông Phước, xã Hoà Phát thường lấy nước ở Hố Cửu trổ ra đất Gòn Đồ để tưới cho thuốc lá Cẩm Lệ (theo Võ Văn Hoè, Đà Nẵng). Đèo Eo Gió nằm trên tỉnh lộ 615 (Tam Kỳ – Tiên Phước), cách TP. Tam Kỳ 25 km về phía tây, bên chân đèo phía đông là xã Tam Lộc, bên chân đèo phía tây là xã Tiên Sơn. Nơi đỉnh đèo luôn có gió thổi mạnh, hoặc từ phía đông sang, hoặc từ phía tây sang tùy theo mùa. Trên bán đảo Phương Mai, Eo Gió thuộc xã Nhơn Lý, TP. Qui Nhơn (Bình Định), cũng còn gọi là Eo Vược (hay Yêu Việt). Đó là eo đá hẹp khoảng nửa cây số, dài gần hai cây số, phía đông biển liếm thành hình bán nguyệt, phía tây đầm Thị Nại ăn sâu vào thành một vũng khá rộng ôm lấy chân eo. Địa danh này gắn liền với sự tích ông Khổng Lồ ngồi tát nước ở đầm Thị Nại (Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nxb Thanh niên, 1999, tr.40). Một Eo Gió khác ở Gia Lai nằm giữa 2 mỏm núi thuộc địa bàn thôn Cửu An, huyện An Khê (nay là xã Cửu An, thị xã An Khê). Địa điểm này nằm sát ranh giới tỉnh Gia Lai và Bình Định, cách đèo An Khê khoảng 5-6km về phía bắc. Tại đây, Pháp đã đặt 1 lô cốt dang bốt gác (theo Nguyễn Thị Kim Vân, Gia Lai). Phú Yên cũng có Eo Gió ở dốc Mò O trên đường đi Kỳ Lộ thuộc miền núi huyện Đồng Xuân (theo Nguyễn Đình Chúc, Phú Yên) Núi Tu Sơn (728m) ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) còn gọi là núi Tô Sơn hay Hoa Sơn, nổi tiếng nhiều gió. Gió đông bắc hay tây nam thổi qua Eo Gió vào Tu Bông. Vì vậy, Tu Bông còn có tên Tụ Phong xứ. Dưới chân núi có truông Hụt và đường mòn thời Gia Long. (Địa chí Khánh Hoà, Sđd, tr.43). Theo Trần Việt Kỉnh trong bài “Làng cổ Tu Bông” (Vạn Ninh- tập san văn hoá nghệ thuật của Nhà văn hoá huyện Vạn Ninh xuất bản, 1996, tr. 11) thì: “Tụ Phong là tên của làng cổ cánh đây mấy trăm năm về trước, hiện nay là Tu Bông, thuộc thôn Long Hoà, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà (…) Mảnh đất ấy đã có những tên gọi từ trước đến nay như sau: Tụ Phong, Tu Hoa, Tu Bông. (….) Có người căn cứ vào ngọn gió chướng bởi ảnh hưởng theo địa lý của vùng này mà định nghĩa là nơi hội tụ của gió… mà gọi là Tụ Phong” Hàm Luông (địa danh) (tr.265) tác giả không xác định được loại hình địa danh. Hàm Luông là con sông lớn tách từ sông Tiền, nằm trọn vẹn trên đất Bến Tre, làm ranh giới tự nhiên giữa cù lao Bảo và cù lao Minh ở tỉnh Bến Tre, dài 70km, rộng từ 1.000-1.500m. Kiến Hoà (địa danh) (tr.323) chỉ chú vỏn vẹn “thuộc tỉnh Bến Tre”. Tỉnh Kiến Hoà đổi tên từ tỉnh Bến Tre vào năm 1956. Tỉnh Kiến Hoà gồm 3 cù lao (Minh, Bảo và An Hoá) với 9 quận, 21 tổng và 115 xã. Minh (làng) (tr.375) “tức Cù Lao Minh thuộc tỉnh Bến Tre”, tác giả đã tự mâu thuẫn với chính mình khi nói làng rồi lại là cù lao. Cù lao Minh vào năm 1808 thuộc tổng Tân Minh, huyện Tân An đã có tới 72 làng. Cù lao Bảo và cù lao Minh có diện tích lên đến 150.356ha. Hiện cù lao Minh gồm các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Vậy không thể có “làng Minh” ở đây. Trúc Giang (địa danh) (tr.602) tác giả cũng không xác định được loại hình của địa danh để dẫn ra câu ca dao: Ai về đất Trúc xa xăm/ Viếng hồ Chung Thuỷ sau thăm xứ dừa. Trúc Giang vừa chỉ sông Bến Tre vừa là tên cũ của thị xã Bến Tre, còn “đất Trúc” là để chỉ tỉnh Bến Tre, nên “Trúc Giang” không thể là “đất Trúc” được. Trong sách có một số địa danh tác giả không chú ý đến việc cập nhật sự thay đổi các đơn vị hành chính (khoảng 26 địa danh), khiến việc tiếp nhận của bạn đọc cũng khó khăn hơn, thông tin đưa ra thường lạc hậu. Ba Thê (núi) (tr.30) huyện Châu Đốc nay đã là thị xã Châu Đốc (An Giang). Thị xã Châu Đốc thành lập từ trước năm 1979. Bảo Ninh (xã) (tr.45) quê hương của mẹ Suốt anh hùng bên bờ sông Nhật Lệ giờ đã thuộc thành phố Đồng Hới chứ không còn là thị xã nữa. Bình Thạnh (xã) (tr.63) thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã lên thành phố từ năm 2006. Cần Thơ (tỉnh) (tr.94) từ năm 2004, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã tách thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang, nên những thông tin trong địa danh này đã không còn chính xác nữa. Thành phố Cần Thơ hiện bao gồm 4 quận (Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng, Ô Môn) và 4 huyện (Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt). Rạch Giá (chợ) (tr.500) điều chỉnh “thuộc thị xã Rạch Giá, tỉnh Tiền Giang” lại thành “thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”. Thị xã Rạch Giá đã được nâng cấp lên thành phố từ ngày 26-7- 2005. Đây là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành lấn biển để xây dựng đô thị mới. Tam Kỳ (thị xã) (tr.531) trung tâm hành chính- chính trị (tỉnh lỵ) của tỉnh Quảng Nam đã được nâng cấp lên thành phố từ ngày 29-9-2006. Một vài mục từ chưa phải là địa danh mà chỉ là những hiệu danh, điều đó thể hiện ngay trong “từ loại” như: Hùng (đền) (tr.304), Nhất (đồn binh trạm) (tr.428), Phu Văn Lâu (lầu) (tr.457), Vua Hùng (lăng) (tr.646). biệt có một số lỗi sai khác như: Bình Thuỷ (chợ) (tr.63) không thấy nguồn dẫn câu ca dao. Cao Lãnh (tr.87) ghi sai hai tên sách dẫn: SCL(?) và CDĐCĐTM. Đúng ra phải là CDĐTM (Ca dao Đồng Tháp Mười). Quán (chợ) (tr.486) dẫn câu ca dao .Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phố mua trầu chợ Dinh là ở sách Phương ngôn xứ Bắc (tr.79) của Khổng Đức Thiêm và Nguyễn Đình Bưu. Nhưng chúng tôi giở toàn bộ cuốn sách này cũng không thấy câu ca dao đó! Hòn Chữ (núi) (tr.292) tác giả dẫn câu “tục ngữ” trong sách Ca dao Nam Trung Bộ (Sđd, tr.119): Bao giờ Hòn Chữ bể tư / Biển Nha Trang cạn nước/ Anh mới từ duyên em. Rõ ràng sách trên là sưu tập về ca dao chứ đâu phải tục ngữđọc qua ta cũng biết ngay là nó thuộc thể loại nào. Trên đây là một số ví dụ minh họa về những thiếu sót trong sách Địa danh Việt Nam trong tục ngữ- ca dao của tác giả Vũ Quang Dũng mà trong phạm vi một bài viết chúng tôi không thể nêu hết được. Dẫu sao thì đây vẫn là một cuốn sách bổ ích, giúp bạn đọc vừa có được những hiểu biết về ca dao, tục ngữ của các vùng miền vừa có dịp đi “du lịch” qua những địa danh; một loại sách rất cần được khuyến khích biên soạn. * Nguyễn Thanh Lợi (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) . Đọc Địa danh Việt Nam trong tục ng - ca dao Quý 1 năm 2007, cuốn sách " ;Địa danh Việt Nam trong tục ng - ca dao& quot; (Nxb Từ điển. Nẵng. Trong Địa danh Việt Nam trong tục ngữ, ca dao có 42 địa danh không xác định được loại hình hoặc xác định sai. Trong mỗi địa danh chỉ thấy ghi “ (địa danh) ”.

Ngày đăng: 20/10/2013, 10:11

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan