1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Thơ lãng mạn Trung Hoa

10 543 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 123 KB

Nội dung

Thơ lãng mạn Trung Hoa - Từ Khuất Nguyên đến Lý Bạch và Lý Hạ ThS. Lê Từ Hiển Đại học Quy Nhơn 1. Mở đầu Đặc tính văn học Trung Quốc, Lâm Ngữ Đường nhận xét: “Văn học Trung Quốc gồm hai loại khác nhau. Một loại có tính chất giáo huấn và một loại có vẻ hoa mỹ khiến người ta ưa thích, loại văn trên là công cụ truyền đạt những chân lý, tức là lối văn “Văn dĩ tải đạo”, loại sau phát xuất do tâm tính tức là “Văn trữ tình”. Hai loại văn này khác nhau rất rõ. Loại trên thuộc về khách quan, thuyết minh các vấn đề, loại sau thuộc về chủ quan, tỏ tình cảm riêng tư” (1) . Với cái nhìn phương Tây, Will Durant nhận xét về thơ cổ điển Trung Hoa: “Nó không ưa tỉ dụ, so sánh, nói bóng bẩy mà chỉ gợi cho ta về đề tài thôi. Nó tránh sự phóng đại, những cảm xúc nồng nàn; người nào có óc già dặn cũng thích giọng kín đáo của nó, thích những ý tại ngôn ngoại của nó, hiếm thấy giọng lãng mạn lắm…” (2) . Trong văn học phương Đông, thơ ca lãng mạn chưa bao giờ hình thành một trào lưu riêng với một hệ thống quan niệm sáng tác đầy đủ. Nhưng tính lãng mạn gần với chất trữ tình của thơ (thuật ngữ thơ trữ tình có khi được dùng để chỉ thơ lãng mạn), lãng mạn vẫn là một dòng chảy ẩn sâu nuôi xanh hồn thơ muôn thuở. Dưới lớp đất rắn chắc của chủ nghĩa cổ điển, nhiều khi dòng chảy ấy quá dào dạt mà trào tuôn mang dạng thức cầu vồng lấp lánh. Khuất Nguyên (340-278 trước CN), Lý Bạch (701-762), Lý Hạ (790-816) là những lần dòng chảy ấy hiển lộ trên mặt đất. Khuất Nguyên là sự khởi đầu vĩ đại mà “những thi nhân đời sau có cá tính và xúc cảm mạnh mẽ… đều nhận được sự gợi mở từ Khuất Nguyên” (3) . Lý Bạch hướng về Khuất Nguyên với những lời ca tụng tót vời “Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt”, Lý Hạ thì “Sở từ đeo sau khuỷu, Đau lòng học Sở ngâm…”, “Người tài đời Đường đều theo Kinh Thi mà chỉ riêng có Lý Bạch, Lý Hạ theo Ly tao” (Diêu Văn Tiếp). Tuy vậy, tùy theo dấu ấn thời đại, tài năng, cá tính… mà chiếc bóng của Khuất Nguyên in vào thơ mỗi người không giống nhau. 2. Chủ nghĩa lãng mạn phương Tây hình thành trên nền sản xuất tư bản với ý thức dân chủ. Một điều tương tự như vậy không xuất hiện ở phương Đông nói chung và Trung Hoa nói riêng. Chủ nghĩa cổ điển ngự trị ở đây hàng ngàn năm với hệ thống điển chế, quy phạm chặt chẽ gắn liền với ý thức hệ Nho giáo. Quan niệm Nho gia “khắc kỷ phục lễ” không chỉ chi phối cách hành xử trong xã hội mà còn để vết di trong thơ. Không phải thơ ca không có cái tôi – “làm thơ không thể không có cái tôi” (Viên Mai) – mà cái tôi bị chế ước theo khuôn mẫu không tiện trực tiếp phô bày, chỉ lặng lẽ ẩn mình trong cách nhìn nhận, ứng xử, thái độ… của nhà thơ đối với thế giới. Chính vì điều này, một thời gian dài thơ cổ điển đã bị ngộ nhận là không có cái tôi. Nếu Nho giáo chủ yếu góp phần hình thành cái tôi xã hội thì Đạo giáo tạo điều kiện rộng rãi hơn cho cái tôi cá nhân cá tính phát triển. Quan niệm thuận theo tự nhiên, chủ trương giải phóng con người khỏi những ràng buộc để đạt đến tự do như trời đất – Đạo giáo phù hợp cho cái tôi cá nhân. Góp phần làm nên cái tôi cá nhân trong thơ còn phải kể đến huyền thoại tôn giáo cổ sơ . Từ Kinh Thi đến Ly tao, thơ ca Trung Hoa đã có bước tiến dài từ “dàn đồng ca” đến tiếng nói trữ tình cá nhân đầu tiên, từ tiếng thơ có sự “khắc chế”, “ôn hòa” đến chỗ “giải phóng về mặt tình cảm”. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do Kinh Thi nằm trong vùng văn hóa phương Bắc chịu ảnh hưởng của Nho gia, trong khi Ly tao thuộc về vùng văn hóa phương Nam chịu ảnh hưởng của Lão giáo và tôn giáo dân gian. “Thế kỷ thứ IV trước CN, nước Sở thời Chiến Quốc với nền tảng văn hóa độc đáo của mình, cộng thêm ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, đã hun đúc cho ra đời nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên” (4) . Tinh thần lãng mạn chủ nghĩa của thần thoại đã được Khuất Nguyên tiếp thu, đặt nền tảng cho những sáng tác văn học lãng mạn sau này. Đỉnh cao văn hóa Thịnh Đường với sự lên ngôi của cả Nho – Phật – Đạo đã hình thành nên thi tài Lý Bạch, trong đó vai trò nổi bật vẫn thuộc về Đạo giáo. Lí Bạch cũng từ phương Bắc đến, sông nước Giang Nam xinh đẹp đã tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ “khác lạ” với ông. Từ những đóa phù dung của Khuất Nguyên – đại biểu của nền văn hóa đất Sở, người khai sáng truyền thống tỷ hứng “chim đẹp hoa thơm ví cho sự trung trinh” (Thiện điểu hoa hương dĩ tỷ trung trinh) – đến những cô gái hái sen xinh tươi, hoạt bát, e thẹn, dần trọn vẹn đáng yêu trong Thái liên khúc của Thanh Liên cư sĩ là cả một quá trình mà Du Hương Thuận gọi là sự “tự chuộc mình” (Hái sen từ dân ca – cung đình hóa – lấy lại bản sắc vốn có mà bay lên sắc thái mới) (5) . Qua thời cực thịnh, hồn thơ Lý Hạ lại tìm về nương nhờ mảnh đất thần thoại hồn nhiên muôn đời mang tinh thần thơ ca. Dễ dàng nhận ra thế giới thần thoại buổi đầu ngự trị trong thơ Khuất Nguyên, đậm nhạt trong thơ Lý Bạch và trở về đậm đặc trong thơ Lý Hạ. Thần thoại gặp gỡ thơ ca trong tính trẻ thơ – nếu tư duy thần thoại gần với tư duy trẻ thơ thì mỗi nhà thơ lại có một đứa trẻ (anh nhi) trong tâm hồn. Tư duy thần thoại mang tính trực giác – hình tượng – tích hợp và đó cũng là đặc điểm của thơ không thể chia cắt Ai đi phân chất một mùi hương (Xuân Diệu). Đặc biệt, trí tưởng tượng bay bổng – “ảo tưởng thần thoại” (Enghen) rất gần với tính chất thơ lãng mạn muốn xây dựng một thế giới thứ hai – song song tồn tại bên ngoài đời thực “Khi thi hứng của thi nhân sôi sục thì không thể dung nạp được những hình tượng tầm thường; thi nhân sẽ cho trí tưởng tượng và ảo giác của mình bay bổng lên trời xanh” (6) . 2.1. Cuộc hành trình tìm về cái tôi Khác với văn học hiện thực lấy việc phản ánh, tái hiện cuộc sống làm trung tâm, nơi xuất phát và đích đến của văn học lãng mạn lại là thế giới nội tâm của con người. Thơ – với tư cách chủ yếu là thể loại trữ tình – có khả năng phô diễn phong phú thế giới nội tâm – vì vậy mà gần gũi với tính chất lãng mạn. Tuy vậy, ghìm mình theo chế ước của chủ nghĩa cổ điển, cái tôi trữ tình ít khi được thể hiện trực tiếp. Với thơ Khuất Nguyên, lần đầu tiên người ta gặp một nhân vật trữ tình với xuất thân, số phận, tính cách,… rõ nét. Người đọc thấy một bức tranh hiện thực nước Sở, nhưng tất cả được khúc xạ qua cái nhìn mang đậm dấu ấn chủ quan và thấm đẫm cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ly tao như một khúc nhạc đi vào lòng người bằng tất cả những cung bậc phẫn nộ, ai oán, bi thương… tha thiết trong từng câu từng chữ. Hình tượng nhân vật hiện lên nổi bật trên cơ sở đối lập với xã hội, thể hiện một ý thức mạnh mẽ về bản thân vượt ra khỏi mực thước Nho gia. Nhà thơ tự xưng, miêu tả về bản thân bằng những hình ảnh đẹp đẽ, thơm ngát, tận thiện tận mĩ từ ngoài vào trong. Sự táo bạo này của Khuất Nguyên khác xa với tính chất trung dung, ôn hòa của người quân tử theo tiêu chuẩn thẩm mĩ Nho giáo, khiến không ít nhà Nho khó chịu cho rằng Khuất Nguyên “lộ tài dương kỷ”, làm nổi bật tài năng để tự đề cao mình. Tuy không ngần ngại phô bày bản thân, nhưng cái tôi cá thể cá tính của Khuất Nguyên vẫn tồn tại song trùng với cái tôi xã hội. Ông giữ vững và trau dồi phẩm chất, cá tính với một niềm tin vững vàng ở bản thân mình, nhưng vẫn trên tiêu chí của cái đẹp theo quy ước thẩm mĩ của cộng đồng. Ông đối lập với xã hội nhưng vẫn muốn thay đổi xã hội theo chiều tốt đẹp, được cống hiến, thừa nhận. Chính vì lý do này, khi xã hội quay lưng với Khuất Nguyên thì ông không thể quay về thanh thản độc thiện kỳ thân, mà rơi vào bi kịch không lối thoát. Con người tồn tại trong tự nhiên và trong xã hội – vì vậy mà không ít thì nhiều bị chế ước bởi những khuôn khổ, giới hạn – điều khác biệt là cách ứng xử của mỗi người trước những khuôn khổ, giới hạn ấy. Về phương diện này, con người trong thơ ca trung đại thường có thái độ chấp nhận và hòa nhập với một tâm hồn an nhiên và khi đã chấp nhận, hầu như không có sự quẫy đạp, cái tôi cá nhân cá tính ít có dịp bộc lộ. Phải đến Lý Bạch, cái tôi cá thể cá tính mới được khẳng định một cách dứt khoát. Với một cá tính mạnh mẽ như Lý Bạch, tầm vóc cao khoát của ông lúc nào cũng muốn vượt lên, vươn lên xô lệch những giới hạn kia. Lý Bạch tự tạo cho mình một tiêu chuẩn thẩm mĩ riêng đầy hồn nhiên. Với xã hội, ông không quan tâm mấy những quy tắc ứng xử, mực thước “khép mình theo lễ” của chế độ phong kiến. Người quân tử hình dong chỉnh tề thì ông say khật khưỡng lệch cả mũ áo và khi thích thì vứt bỏ, trần truồng như đứa trẻ. Dù bạn là thái thú nhưng khi uống say rồi thì cởi áo đắp cho tôi – đùi anh tôi làm gối… Đạt được ý nguyện thì mạnh mẽ nhập cuộc, không thì quay về với chính mình. Sức sống rào rạt của một cá tính trẻ trung khiến Lý Bạch muốn vượt lên khỏi giới hạn không – thời gian của một kiếp người. Vì vậy mà chiều kích thế giới thơ ông thường quá ngưỡng, vượt ngưỡng, thời gian mang tính chủ quan đậm nét. Cái tôi của Lý Bạch có thể nói là đã được giải phóng mà đạt đến tự do đích thực, làm nên tầm vóc thơ ca Lý Bạch, ngàn năm chỉ có riêng ông. “Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân” (Lý Dương Băng). Lý Hạ lại khẳng định cái tôi cá nhân theo một hướng mới – cái tôi sáng tạo. Tìm về tận cùng bản thể, giải phóng cá nhân cũng là giải phóng năng lực sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi con người. Về phương diện này, Lý Hạ đã có đóng góp quan trọng trên con đường phát triển của thơ cổ Trung Hoa. Có thể nói, chưa ở đâu, vai trò của nhà thơ – người sáng tạo lại được đề cao đến vậy: Điện tiền tác phú thanh ma không, Bút bổ tạo hóa thiên vô công. (Trước nhà làm thơ thanh âm chạm vào bầu trời Ngòi bút bổ sung chỗ khiếm khuyết của tạo hóa không tốn chút công sức – Cao hiên quá) Trong cái nhìn của Lý Hạ, vai trò sáng tạo của nhà thơ cũng giống như một “ông trời con”. Và cũng chỉ nhà thơ mới lắng nghe được những lời âm thầm sâu thẳm của tạo vật: Phi quân ngâm nhạc phủ, Thùy thức oán thu thâm. (Nếu chẳng là anh ngâm nhạc phủ, Ai biết mùa thu nỗi oán sâu – Ba Đồng đáp) Sáng tạo cái lạ ở Thi Quỷ được xem như một dấu ấn đột biến trong tiến trình phát triển văn học Trung Quốc. Hình tượng, ý cảnh, phương pháp so sánh trong thơ ca của Lý Hạ không đi con đường người xưa đã đi mà ông xây dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo, mở ra những chân trời mới cho những sáng tác theo tinh thần chủ nghĩa lãng mạn, thê lương diễm lệ. Tô Tiểu Tiểu mộ và Mộng thiên là những tác phẩm thể hiện rõ nét nhất cho phong cách nghệ thuật độc đáo của ông. Thu về bản ngã, lấy tâm hồn làm điểm quy chiếu ngoại vật, nên thơ Khuất Nguyên – Lý Bạch – Lý Hạ đều mang nặng tâm tình cô độc. Khuất Nguyên tự ý thức rằng loài chim cao quý “vốn xưa nay là giống không đàn”, Lý Bạch đơn độc ngàn năm bị người đời ghét “ai cũng muốn giết” (Đỗ Phủ), còn Lý Hạ đã mang thân phận cô đơn trong sinh mệnh Thi Quỷ. Lý Bạch kế thừa được khát vọng mạnh mẽ của Khuất Nguyên, trong khi Lý Hạ nghiêng về phần tối, trầm uất, cô độc của tác giả Ly tao. Nằm trong loại hình thơ ca cổ điển phương Đông với sự chế ước của cái ta siêu ngã nhưng dòng mạch ngầm lãng mạn ấy vẫn tạo nên ba đỉnh sóng của cảm xúc, tâm trạng độc đáo phi phàm: một Khuất Nguyên “ngã độc tỉnh” của kẻ “Cất mình khoảng trời mây rộng rãi”… một Lý Bạch “Độc tọa Kính Đình” của “Kình ngư nằm vắt ngang biển”, của “đại bàng gãy cánh tầng không”; một Lý Hạ “Đề điểu bị đàn quy” (Con chim bị đạn cất tiếng kêu khi quay về) lặng lẽ “khổ ngâm”… Cuộc đời, thời đại, cá tính khác nhau nên sắc thái cái tôi cũng khác. Nhưng cả ba đều có vẻ bề ngoài khoáng đạt “đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân” (đạt thì cứu thiên hạ, cùng thì giữ thiện một mình) của cái tôi “lội ngược” trên mặt đất bất như ý vọng tiếng thở dài lên trời xanh của kiếp người. Đó là khát vọng xanh tìm về lại mình, nhận ra mình là ai trong thế giới. 2.2. “Tìm cái phi thường, cái ước mơ” Khuất Nguyên – Lý Bạch – Lý Hạ đều kiến tạo một thế giới thơ của riêng mình. Khát vọng muôn đời của người nghệ sĩ là đi tìm cái đẹp. “Cái tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, người thơ lãng mạn đi ra ngoài sự thực mà tìm kiếm cái đẹp lý tưởng, hướng đến cái tuyệt đích, không cùng. 2.2.1. Ly tao – thế giới của thiện mĩ (cái đẹp hoàn hảo) Cái đẹp – theo quan niệm của Khuất Nguyên – phải là cái đẹp lý tưởng, tuyệt đối, hoàn toàn, trọn vẹn (thiện mĩ) và ông xây dựng thế giới thơ của mình theo quan niệm ấy. Trong thế giới ấy, nền chính trị cũng phải được tạo ra trên tiêu chí cái đẹp (mỹ chính) với vua sáng, tôi hiền, con người biết trau chuốt, hoàn thiện mình trọn vẹn từ thể xác đến tâm hồn. Lối vào Ly tao tràn ngập các loài hoa thơm cỏ lạ như là một biểu trưng cho cái đẹp toàn thiện toàn mĩ ấy. Dòng mạch cảm hứng quyết không bỏ chính theo tà, bỏ trong theo đục… cũng được thể hiện theo diễn biến tâm trạng của “người đẹp” đi tìm “bạn lòng”. Vì mang đậm chất lý tưởng nên cái đẹp của Ly tao nghiêng về tinh thần, ở đó người ta trồng hoa, chăm hoa, mặc hoa, và thức ăn cũng là tinh túy của các loài hoa cỏ Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc – Uống sương sa dưới gốc mộc lan, Hoa quỳnh bẻ lấy phòng khi – Nhành thì làm bánh, cánh thì làm cơm… Chính vì đòi hỏi cao với quan niệm cái đẹp lý tưởng như vậy nên va đập với hiện thực là điều tất yếu. Khuất Nguyên không thể xây dựng hiện thực theo lý tưởng của ông về cái đẹp, cũng không thể từ bỏ lý tưởng của mình, vì vậy mà rơi vào bi kịch. Ly tao là đóa hoa kết tinh trữ tình lãng mạn trên nền tảng hiện thực của thời đại “trăm hoa đua nở” hào hùng mà bi kịch thông qua tiếng lòng của một cái tôi cô độc nên xanh mãi trên dòng Tương giang. 2.2.2. Thơ Lý Bạch – thế giới của kỳ mĩ (vẻ đẹp lạ lùng) Theo đuổi cái đẹp cũng là thiên chân của thi tiên Lý Bạch. Cá tính mạnh mẽ được phát huy nhờ thời đại cực thịnh, Lý Bạch không bằng lòng với cái đẹp bình thường. Nhiều nhà nghiên cứu nhận ra tính chất kỳ của thơ Lý Bạch. Trong thơ của mình, Lý Bạch kiến tạo nên một thế giới của những vẻ đẹp phi thường, lạ lùng – vẻ đẹp kỳ mĩ. Tầm vóc cao khoát của người thơ “thiên tải độc bộ” giống như cái vươn vai của vị thần trong thần thoại, phút chốc xô lệch những khuôn khổ chật hẹp để tìm về cái cao rộng của bầu trời. Cái đẹp trong thơ ông thường đi về hai thái cực. Một cực tìm về những cái vô cùng to lớn, dữ dội, hào hùng “Cảnh dữ dội, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ”. Núi phải vô cùng cao giữa trời xanh nở đóa sen vàng, sông phải chảy từ trời thiên thượng lai, thác phải tuột thẳng từ trên mây xuống lạc cửu thiên… Ngay cả chiều kích của nỗi sầu trong thơ ông cũng lạ Tóc bạc ba nghìn trượng – Vì sầu nên hóa dài. Ở thái cực kia là cái đẹp tuyệt vời trong sáng, tinh tế của “Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay”. Với ngòi bút lấp lánh, nhà thơ vẽ cảnh cá trắng nhảy tung rong, vượn uống trăng dưới nước, hay mặt nước xanh biếc cộng hưởng vầng trăng thu cùng sáng… Đôi mắt đầy mộng của người thơ có năng lực xuyên thấu lớp vỏ bình thường của sự vật mà cảm ngộ bản chất kỳ ảo được giấu kỹ bên trong. Với năng lực phi thường, tự nhiên không tốn chút công sức, Lý Bạch đã dựng nên một thế giới thơ đẹp tráng lệ không tiền khoáng hậu trong thi ca. Cho nên, đặc điểm tổng quát trong thơ Lý Bạch chính là tính phân cực chiếu ứng phức tạp trong hệ thống. Hai đối cực rất siêu phàm và rất thực, lạ mà quen với những “nghi thị…” rất Lý Bạch… được dung hợp qua đôi mắt nhìn của riêng ông nên hình ảnh trong thơ ông thường gây ấn tượng mạnh cho người đọc: sửng sốt bất ngờ mà chân thực cao độ. Lạ ở một Trích tiên – người mang một khát vọng trong veo của trời mà bị đày ở đất, bất đắc chí mà mãi canh cánh trời xanh Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu – Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu… Lạ ở mắt nhìn một đời người mà quen ở kiếp người – đặc biệt người trí thức chân đi trên đất mắt mãi nhìn trời. Cuộc đời của Thi tiên là hành trình tìm cái đẹp và vươn tới cao cả. Nên đặc trưng mỹ học của thơ ông là sự thống nhất hài hòa giữa cái cao cả và cái đẹp. Và thế giới kỳ mỹ ấy làm nên ma lực nghệ thuật Bút lực kinh phong vũ – Thi thành thê quỷ sầu, người đọc có cảm giác hào sảng phiêu diêu. 2.2.3. Thơ Lý Hạ - thế giới của quái mĩ (vẻ đẹp quái dị) Cái đẹp trong thơ Lý Bạch, dù kỳ lạ, vẫn nằm trong cảm thức thẩm mĩ chung, thoát thai từ vẻ đẹp trần thế. Đến Lý Hạ - thơ ca đã đi từ tưởng tượng đến ảo tượng – và ảo giác – ra khỏi địa hạt thông thường của tâm trí con người. Như hình thành một cặp bổ sung – đối lập không tiền khoáng hậu, Thi Quỷ tồn tại như một âm bản, một phương diện thứ hai của hồn thơ: Lý Bạch sáng – Lý Hạ tối, Lý Bạch chủ về ngày với ánh mặt trời huy hoàng xán lạn – Lý Hạ chủ về đêm với bóng tối chập chùng lạnh lẽo. Cõi tiên Lý Bạch là chiều cao lý tưởng – mơ ước mà con người muốn hướng đến, cõi quỷ mà Lý Hạ dựng nên lại là bề sâu nỗi sợ hãi vô thức của con người. Nếu thơ Lý Bạch như đóa sen xòe nở dưới ánh mặt trời, thì thơ Lý Hạ như đóa hồng bạch ngát hương mọc lên từ những nấm mộ. Giấc mơ lên tiên ngàn đời vẫn đeo đẳng con người như là khát vọng vượt lên những giới hạn không – thời gian của kiếp nhân sinh. Lý Bạch là kết tinh rực rỡ cho giấc mơ đó – và ông đã xây dựng một cõi tiên ngay trên mặt đất. Thi tài kỳ dị nào lại xui Thi Quỷ đi vào thế giới đáng sợ nhất đối với con người: bóng tối và cái chết. Người nghệ sĩ với cây đàn lia còn ca hát về thế giới ấy với tất cả đam mê. Từ bóng tối, mọc lên dưới tiếng hát ấy là những Phù dung khóc hạt sương rơi – Còn nghe e ấp nụ cười dạ lan, có người con gái Gió làm áo, nước điểm trang – Chiếc xe du bích hẹn chàng đêm lên… Không gian đầy rẫy những thỏ già, cóc lạnh, sấu gầy, cú già thành mộc mị… lạnh lẽo, u tịch, ma quái mà vẫn có sức hút kỳ lạ. Cái thế giới vẫn tồn tại song trùng mà xa cách với nhân gian lần đầu tiên được vẽ lên bằng ngòi bút sinh động, đẹp đẽ bằng trí tưởng tượng vô cùng kì dị. Đẹp nhưng cực lạ trong cảnh giới nghệ thuật thơ “quỷ tài” nên dễ bị vượt ngưỡng thẩm mĩ quen thuộc ở độc giả, đó là thế giới vọng tưởng hồn mê mang một chiều kích thẩm mĩ mới Tất cự nghinh tân nhân (Ngọn đèn bằng cây sơn lập lòe như đón chào người mới – Cảm phúng, bài 3). Thế giới quái mĩ đẹp đẽ mà buồn thương ấy đã được Nghiêm Vũ khẳng nhận: “Trong khoảng trời đất này không thể thiếu những bài thơ đẹp đẽ, hư ảo của Trường Cát được” (Thương Lãng thi thoại). Dù hình ảnh khúc xạ những ước mơ, tưởng tượng của tâm hồn hiện ra khác nhau trong thế giới của mỗi nhà thơ, nhưng tất cả đều đẹp, sống động. Tâm hồn dào dạt của nhà thơ khiến thế giới thơ kiến tạo ra không hề nằm yên, tịch lặng mà có sự động đậy, đầy sức sống. Thế giới hoa thơm cỏ lạ, ngập đầy màu sắc thần thoại trong Ly tao, thế giới của sự vật cuộn chảy, nhảy múa, rơi xuống… trong thơ Lý Bạch, ngay cả thế giới âm u của Lý Hạ cũng diễn ra bao hoạt động trong từng giây từng phút. Nền tảng của lãng mạn là sự bất bình thực tại, hoài vọng cái đã qua hay hướng vọng cái đang tới đều trong ánh sáng lý tưởng, sinh bất phùng thời. Ly tao là sự truy cầu lý tưởng không mệt mỏi của Khuất Nguyên nên toàn thiên sáng ngời màu sắc lý tưởng lãng mạn. Lý Bạch say sưa tìm ánh sáng và lý tưởng nên thơ ca ông sáng ngời như một ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt. Ánh hào quang Thịnh Đường đọng lại hoàng hôn Trung Đường trong con người tài hoa tuyệt kỳ ôm hoài bão Thiếu niên tâm sự đương nọa vân (Tâm sự thiếu niên nên bảy bổng cao xa – Trí tửu hành) mà đoản mệnh của Quỷ tài. “Bút pháp là y phục của tư tưởng” (Chesterfield). Bút pháp Khuất Nguyên luôn biến hóa, làn sóng uyển chuyển, luyến láy của một tiếng lòng cuộn thắt. Lý Bạch tự nhiên “Thanh thủy xuất phù dung” mà phiêu dật hào phóng “Thiên mã hành không”. Lý Hạ “khổ ngâm” mà Bút bổ tạo hóa thiên vô công (Ngòi bút bổ sung chỗ bất toàn của tạo hóa không tốn công sức – Cao hiên quá). Cả ba đều thuộc phong cách hùng kì. Khuất Nguyên: kỳ ảo mà chân thực, điển nhã. Lý Bạch: kỳ mĩ mà tự nhiên. Lý Hạ: nồng diễm mà u tịch, kỳ hiểm mà ảo giác ám thị… Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão (Nếu trời có tình trời cũng già). 2.3. Thời gian bằng chiều dài một ngọn gió Các nhà thơ lãng mạn thường có một cảm thức thời gian mãnh liệt. Thoát ly thực tại, nhưng lại là những người yêu đời tha thiết, họ nắm bắt tất cả vẻ đẹp của cuộc đời với mọi giác quan. Càng thiết tha với cuộc sống, càng ý thức mạnh mẽ về thời gian sinh mệnh ngắn ngủi của con người, thì cảm nhận về thời gian càng mạnh mẽ. Trong thi ca, thời gian thường được hình dung bằng hình ảnh của một ngọn gió. Không phải đến thế kỷ XIX với các nhà thơ lãng mạn Pháp, thơ ca mới xuất hiện khát vọng muốn “tắt nắng”, “buộc gió”. Chút “vội vàng” ấy, đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước trong Ly tao. Nhân vật trữ tình sợ hãi “cái già sồng sộc” đuổi mau mà vất vả lặn lội tìm cho ra người đẹp để “gá duyên”. Tuy vậy, phải đến Lý Bạch và Lý Hạ, cảm thức thời gian mới thực sự mạnh mẽ. Ngọn gió thời gian đầy ám ảnh trong thơ hai ông: 39 lần trong 116 bài thơ của Thi Tiên, 24 lần trong 56 bài thơ của Thi Quỷ (7) . Mang âm hưởng thời đại cực thịnh, ngọn gió trong thơ Lý Bạch chủ yếu là ngọn gió xuân đầy sức sống Xuân phong phiến thục khí – Thủy mộc vinh xuân huy (Xuân nhật độc chước), trong khi thổi suốt không gian thơ Lý Hạ lại là ngọn gió thu lạnh hiu hắt. Ngọn gió nào làm xanh sắc liễu, giục oanh hát ca, dâng ngập hương tửu điếm, thổi tung vạt áo ngạt ngào thiếu nữ? Ngọn gió xuân chở thông điệp mùa xuân – tuổi trẻ - hạnh phúc – tình yêu. Nhưng cũng ngọn gió ấy nhắc mái tóc dường tơ, cười người hôm qua má đỏ, hôm nay đầu đã bạc Xuân phong dư kỉ nhật – Lưỡng mấn các thành ti (Tặng Tiền Trưng quân Thiếu Dương) … Cũng chỉ ngọn gió xuân vô ý mà hữu tình vào trong màn là làm động lòng xuân thiếu phụ. Ngọn gió trong thơ Thi Tiên dạt dào tình ý, xui lòng người thêm quyến luyến trần gian mà ý thức sâu xa rằng kiếp người là ngắn. Trong thơ Lý Hạ, ngọn gió mang một diện mạo khác. Tuổi trẻ tài hoa yểu mệnh, sự ám ảnh của cái chết khiến cảm thức thời gian của Lý Hạ mãnh liệt đến kỳ dị. Ngọn gió trong thơ ông tiềm tàng một sức mạnh hủy diệt khủng khiếp. Dưới ngọn gió ấy, tất cả đều tiêu tán, dù là thời gian hay không gian, con người hay vạn vật. Thật khác xa với cảm thức tự tại an nhiên của con người cổ trung đại, theo đó không thời gian vũ trụ là trường cửu. Dưới ngòi bút Lý Hạ mô tả, dù là ngọn gió xuân cũng mang thông điệp của sự tàn phai: Hoa đài dục mộ xuân quy khứ, Lạc hoa khởi tác hồi phong vũ. (Tàn ti khúc) Xuân gần qua, chiều buông xuống, trên đài hoa những cánh hoa rụng bị gió cuốn như đang múa. Cái đẹp mong manh không cam chịu bị lãng quên hay cái đẹp tàn phai vẫn còn bị vùi dập? Gió nâng đỡ hay hủy diệt cái đẹp? Vũ điệu cuối cùng giữa hoa lìa cành với gió xuân. Tàn phai vẫn đẹp là cảm nhận của một tâm hồn nhạy cảm, đa tình; của một kiểu tư duy thẩm mỹ liên tưởng mạnh mẽ ở con người tài hoa bạc mệnh. Ngọn gió thổi qua đất, cỏ cây tàn úa (Khai sầu ca). Ngọn gió thổi qua núi, núi non thành bình địa (Hạo ca). Ngọn gió thổi qua đời người, người già (Cảm phúng)… Ngọn gió mang một quan niệm dữ dội về sức mạnh tàn phá của thời gian, cuộc đời lao khổ của con người rốt cuộc có khác gì ngọn gió thổi tắt ngọn nến trên mâm (Đồng Đà bi)… Dưới ngọn gió ấy, không còn ý niệm về cái vĩnh hằng: Thiên tuế tùy phong phiêu (Ngàn năm bay theo gió – Cổ du du hành) Ngọn gió xuân – thu đều mang ý nghĩa thời gian với tính chất chảy trôi vô thường. Cũng là ngọn gió của cung đàn lãng mạn, nhưng mĩ cảm ở Lý Bạch rạo rực xuân tình thổi dậy mùi hương Phong xuy liễu hoa mãn điếm hương (Kim Lăng tửu tứ li biệt), thổi bay tà áo giai nhân Phong phiêu hương duệ không trung cử (Thái liên khúc), bến ngộ giữa gót chân tuấn mã và nụ cười người đẹp (Mạch thượng tặng mĩ nhân)… Còn ở Lý Hạ cũng có hoa nhưng ngập tràn cảnh gió tàn hoa rụng, gió như mái tóc được chải lược bằng lá cây Quế diệp loát phong quế trụy tử (Thần huyền khúc), cũng có gió xuân bay mái tóc giai nhân mà đẹp say ảo giác Liêu trai Xuân phong xuy mấn ảnh (Vịnh hoài), nhuốm màu sắc bi thương gió mãi thổi đêm thâu ngày dài trên mộ người con gái xấu số Phong vi thường, thủy vi bội (Tô Tiểu Tiểu mộ). Ngọn gió thu thổi suốt ngàn năm trên mặt biển còn đọng giọt lệ bao trắc ẩn Văn chương hà xứ khốc thu phong. Đó cũng là hai mặt tương phản bổ sung ở Tiên và Quỷ: cái đẹp – bóng hình cái đẹp; sự sống, hạnh phúc – tàn phai, biệt ly. 2.4. Khi thơ ca mang dạng thức dòng sông Khi hồn thơ là những dòng sông ào ạt trào tuôn, thì thơ cũng mượn dạng thức của những dòng sông mà chở mọi nguồn cảm xúc. Nhà thơ ít bằng lòng đóng khung trong dạng thức thơ ngắn hoặc thơ luật, mà để hồn tha hồ dào dạt với những thể thơ dài. Khuất Nguyên với Sở từ, Lý Bạch - Lý Hạ với cổ phong và Nhạc phủ. Ly tao được khẳng nhận là bài thơ dài nhất trong lịch sử thơ ca Trung Hoa. Với 373 câu dồi dào âm điệu, Ly tao đã chuyển tải được những cung bậc tình cảm mạnh mẽ của Khuất Nguyên. Trong một dạng thức dài không hạn định, số chữ nhiều, Sở từ rõ ràng có ưu thế hơn kiểu thơ 4 chữ của Kinh Thi. Cũng như vậy, Lý Bạch và Lý Hạ ít làm thơ luật vì khuôn khổ gò bó chặt chẽ của thơ luật không đủ để thể hiện cảm xúc phong phú của nhà thơ. Lý Bạch tung hoành với thể thơ cổ phong, số dòng, số chữ, số câu dao động ở biên độ lớn, phù hợp với khí thơ mạnh, hùng tráng. Lý Hạ sở trường nhạc phủ, trong hình thức thơ dân gian ông để trí tưởng tượng tha hồ bay bổng, đồng thời tìm thấy âm điệu riêng cho những bài thơ của mình. Sức tưởng tượng là một trong những phú bẩm tâm linh vĩ đại nhất của loài người, là tiền đề và năng lực tâm lý quan trọng nhất cho hoạt động chiếm lĩnh thế giới bằng nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật ở những thiên tài. Sức tưởng tượng ở cả ba nhà thơ lãng mạn Khuất Nguyên – Lý Bạch – Lý Hạ đều mang tính tự do dong ruổi, tính thể nghiệm thiết thân và tính nhất thể của tình cảm – tư tưởng… nên sự chiếm lĩnh thế giới, lý giải thế giới, hệ thống biểu tượng, ý tượng… sáng tạo của họ đều thấm đẫm tình cảm thẩm mĩ nồng nàn. Lãng mạn – xét trên góc độ này – là kiểu tư duy về thế giới trên đôi cánh thăng hoa của tư tưởng – Câu thần xin mượn bút hoa… Khi thơ ca là sự bay bổng của trí tưởng tượng thì dòng chảy của sông cũng đầy ngẫu hứng. Tứ thơ có sự thay đổi, đi về giữa quá khứ - hiện tại – tương lai, giữa trời và đất, tiên – quỷ và người… Trong Ly tao có sự đan xen của những chiều thời gian, thơ Lý Bạch lại là sự bay nhảy của không gian, tự nhiên đến bất ngờ trong cấu tứ hình ảnh; mạch thơ đi mạnh, như những đợt sóng trùng điệp. Đặc biệt, khi tưởng tượng lạc sang địa hạt của ảo giác, thậm chí vô thức, thì mạch thơ trở nên đứt nối, phi logic như trường hợp của Lý Hạ. Trong thơ ông, ranh giới thời gian – không gian bị xóa nhòa, giữa các câu dường như có sự nhảy cóc về ý, khó nắm bắt. Tuy vậy, nếu đọc kỹ ta vẫn nhận ra một mạch ngầm bên trong. Với hiện tượng thơ Lý Hạ, thơ lãng mạn Trung Hoa đã nhuốm màu sắc siêu thực. Như mọi nhà thơ lãng mạn, Khuất Nguyên – Lý Bạch – Lý Hạ không dựa trên Danh lý (Logical) mà nhận thức bằng trực giác (Intaition). Cho nên cái mà Chu Quang Tiềm gọi là “kinh nghiệm mỹ cảm” (8) trong thơ của họ là trực cảm khoảnh khắc của chính cuộc đời mình mà thăng hoa, ngưng đọng vĩnh cửu với thời gian. Kinh nghiệm mỹ cảm ấy chính là khoảng cách giữa mặt đất họ đang đứng và bầu trời họ ngước nhìn – chảy mãi dòng sông huyền diệu ngang trời đến hôm nay qua mỹ cảm liên tưởng đồng vọng. 3. Để hiểu đúng và cảm hay dòng thơ ca phương Đông – đặc biệt là thơ ca cổ điển – với những phương thức trữ tình, khuynh hướng lãng mạn… không nên thuần túy dựa vào giai đoạn, thời kỳ chủ yếu với những tiền đề bối cảnh xã hội… đã sản sinh ra nó (như các khuynh hướng, trào lưu tiêu biểu ở phương Tây – dễ bị rơi vào cái gọi là “gọt chân cho vừa giày”). Còn có thể đi vào nghiên cứu theo một hệ thống khác: tâm thức thẩm mỹ mang tính dung hợp, quan niệm (gắn liền với phương thức biểu đạt, diễn đạt) về cái đẹp, cái thực “nhòe hóa” qua tâm, cái kỳ ảo, cái phi logic… với những sự pha trộn tinh tế mà phức tạp toát ra từ dòng văn học đó. Thơ trữ tình – lãng mạn phương Đông phải được nhìn ngắm theo cái cách nhà thơ đã làm ra nó, toát ra các đặc trưng riêng của nó. Khuất Nguyên – Lý Bạch – Lý Hạ là những đỉnh cao của thơ cổ Trung Hoa mà chỗ cao diệu như vẫn ẩn hiện trong mây không có chỗ tận cùng. Khuất Nguyên là sự khởi đầu vĩ đại, Lý Bạch và Lý Hạ là sự kế thừa kiệt xuất của dòng thơ lãng mạn vượt ra ngoài khuôn khổ cổ điển. Tất nhiên, thể thơ tự do đặt nền móng cho chủ nghĩa lãng mạn trong thơ mới phải chờ đến tập Nữ thần (1921) của Quách Mạt Nhược (1892-1978) với tinh thần sáng tạo “tự do tuyệt đối” mang vẻ đẹp hào sảng mặt trời, ánh sáng, phượng hoàng, hy vọng… theo dòng chảy “tiết tấu tình cảm”. Xét về khuynh hướng sáng tác – chứ không phải dựa trên những tiền đề cơ sở xã hội – với những đặc trưng, cảm hứng, lý tưởng thẩm mĩ, chủ thể trữ tình cái tôi… thì chưa hẳn “khuynh hướng “lãng mạn” trong văn học cổ điển phương Đông xa lạ với chủ nghĩa lãng mạn ở phương Tây” (9) . Thơ ca lãng mạn Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung không hình thành trên một trào lưu, trường phái, vì ngoài những tiền đề lịch sử - xã hội, còn có yếu tố con người: không có tầng lớp trí thức độc lập, không tách riêng ra một dòng trên con đường công danh quan chức. Khuất Nguyên ôm ấp hoài bão lý tưởng cao đẹp mà không được trọng dụng, phải lưu đày. Lý Bạch ôm mộng kinh bang mà không chịu qua vòng thi cử Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, bất như ý nên giằng co giữa hai lẽ xuất – xử. Lý Hạ mang tham vọng chủ quan “Đằng các vương tôn” va đập thế tục – dù Hàn Dũ đã gắn “húy biện” vẫn vỡ tan hoang, vụn thành ảo giác… mới sinh ra những tiếng hót lạ trên miền đất quen đến độ thâm nghiêm. Sự khác biệt giữa Đông Tây là dễ nhận thấy, nhưng hồn người muôn thuở vẫn gặp nhau ở một mẫu số chung. Gần đây, giới nghiên cứu – bắt nguồn từ một ý kiến của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam – nói nhiều đến “duyên kỳ ngộ” giữa Đường thi với thơ tượng trưng Pháp ngay trong ngôi nhà Thơ mới Việt Nam (1932-1945) với những tính chất tượng trưng, ám thị, trực giác phi lý tính (10) … Lãng mạn vẫn là một mạch ngầm tươi mát chảy hàng ngàn năm nuôi dưỡng mảnh đất thơ ca, với bao điều kỳ thú muôn đời mới lạ chưa nói hết. Từ khởi nguyên, nối tiếp, những nhánh rẽ… xuôi về hiện đại, có lẽ cần một chuyến đi dài1 . tác đầy đủ. Nhưng tính lãng mạn gần với chất trữ tình của thơ (thuật ngữ thơ trữ tình có khi được dùng để chỉ thơ lãng mạn) , lãng mạn vẫn là một dòng chảy. mạch ngầm bên trong. Với hiện tượng thơ Lý Hạ, thơ lãng mạn Trung Hoa đã nhuốm màu sắc siêu thực. Như mọi nhà thơ lãng mạn, Khuất Nguyên – Lý Bạch – Lý Hạ

Ngày đăng: 09/10/2013, 09:00

HÌNH ẢNH LIÊN QUAN

Trong văn học phương Đông, thơ ca lãng mạn chưa bao giờ hình thành một trào lưu riêng với một hệ thống quan niệm sáng tác đầy đủ - Thơ lãng mạn Trung Hoa
rong văn học phương Đông, thơ ca lãng mạn chưa bao giờ hình thành một trào lưu riêng với một hệ thống quan niệm sáng tác đầy đủ (Trang 1)

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w