QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN – MÔ HÌNH PHÙ HỢP CHO CÁC THỊ TRƯỜNG CHỨNG
QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN– MÔ HÌNH PHÙ HỢP CHO CÁC THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN MỚI NỔI TS. Trần Thị Thùy Linh & Trương Hoa Minh Sự xuất hiện các quỹ đầu tư (QĐT) chứng khoán trên thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những yếu tố góp phần cho sự ổn định của thị trường. Tại VN, ngành quản lý QĐT chỉ mới hình thành từ cuối năm 2003 và đến nay cũng chỉ đang trong những bước đi ban đầu. Cơ sở pháp lý cho hoạt động CTQLQ, QĐT theo Luật chứng khoán, Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CTQLQ, Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC ngày 5/6/2007 về thành lập và quản lý QĐT chứng khoán. 1. Tìm hiểu về quỹ chứng khoán Ngày nay, các nhà đầu tư (NĐT) trên TTCK có nhiều hình thức đầu tư rất đa dạng thông qua các hàng hóa chứng khoán của thị trường, nhưng mỗi hình thức đầu tư sẽ có những tính chất đặc trưng khác nhau và sẽ có tác động rất lớn hiệu quả đầu tư. Do đó, để các NĐT đạt tối đa hóa lợi ích đầu tư thì việc nghiên cứu QĐT và đầu tư qua QĐT cần được xem xét khi TTCK VN còn rất thiếu các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Trên thị trường tài chính, QĐT là NĐT tổ chức, loại hình trung gian tài chính tăng trưởng rất nhanh, là kênh đầu tư vốn quan trọng cho các NĐT nhỏ trên TTCK, đặc biệt các TTCK mới nổi đang phát triển. QĐT có nguồn gốc từ châu Âu, khởi thủy ở Hà Lan từ khoảng giữa thế kỷ 19, đến nửa cuối thế kỷ 19 thì được du nhập sang Anh. Mặc dù có gốc từ châu Âu, nhưng Mỹ mới là nơi các QĐT phát triển mạnh nhất. QĐT chính thức đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào năm 1924, có tên là Massachusetts Investor Trust, với quy mô ban đầu là 50.000 USD. Sau một năm, quy mô của quỹ này đã tăng lên 392.000 USD với sự tham gia của trên 200 NĐT. Trong thời kỳ từ 1929 đến 1951, suy thoái kinh tế và những vụ sụp đổ của TTCK thế giới đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành quản lý quỹ. Tuy nhiên, sự phục hồi của TTCK trong những năm 1950 đến 1960 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các QĐT. Một hiện tượng mang tính tiêu biểu trong giai đoạn này là sự bùng nổ các QĐT chuyên đầu tư vào cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng cũng như mức độ rủi ro cao (aggressive stock funds). Từ những năm 1980 trở lại đây, thị trường quản lý quỹ đã liên tục phát triển và mở rộng, đến nay đã trở thành một ngành dịch vụ thịnh vượng, một bộ phận cấu thành quan trọng của TTCK. Quá trình phát triển TTCK các nước đã thúc đẩy việc hình thành các QĐT góp phần gia tăng việc luân chuyển vốn vào các thị trường này. Hiện nay, hình thức các QĐT được phân loại đa dạng và sự xuất hiện loại hình QĐT ở mỗi thị trường còn phụ thuộc vào sự phát triển và đặc điểm của TTCK các nước. Các QĐT được thành lập với các hình thức như sau: Các QĐT được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng về cơ bản các trung gian tài chính này được vận hành theo mô hình cơ bản sau: QĐT có phương thức hoạt động tương đối đặc thù nên mô hình hoạt động của quỹ có các bên liên quan tham gia như: CTQLQ, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán, NĐT,… § Công ty quản lý quỹ-CTQLQ (Fund management): được thành lập dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty phát hành và bán cổ phiếu cho các cá nhân và tổ chức (gọi chung là “NĐT”) để lấy vốn hoạt động (lập quỹ). Vốn này được dùng để đầu tư dài hạn, trực tiếp và gián tiếp. Công ty đầu tư bằng quỹ huy động từ nhiều NĐT riêng lẻ và thu phí cho việc đầu tư đó. § Ngân hàng giám sát (Custodian/Fund Administrator): là ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoạt động quản lý quỹ của CTQLQ là phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ quỹ. Ngân hàng giám sát cũng thực hiện đăng ký sở hữu chứng chỉ quỹ cho NĐT; thực hiện các hoạt động giúp NĐT thực hiện quyền phát sinh liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu (chứng chỉ) quỹ. Ngân hàng giám sát có nghĩa vụ lưu giữ và bảo quản an toàn tài sản của quỹ, xác nhận các báo cáo liên quan đến tài sản và hoạt động của quỹ do CTQLQ lập. § Công ty kiểm toán (Auditor): Là công ty kiểm toán bên ngoài có đội ngũ kiểm toán viên công chứng (chartered accountant), thực hiện công việc kiểm tra và xác nhận các báo cáo tài chính của quỹ là xác thực. Công ty kiểm toán này không được có quan hệ tham gia góp vốn, nắm giữ cổ phần, vay hoặc cho vay với CTQLQ và ngược lại. Kiểm toán viên không phải là người có liên quan đến CTQLQ. § NĐT (investor) góp vốn vào QĐT, chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp. Các tổ chức cung cấp các dịch vụ khác như: § Ban đại diện quỹ (board of directors) là những người đại diện cho NĐT được đại hội NĐT bầu ra để thay mặt NĐT thực hiện việc giám sát các hoạt động của quỹ, CTQLQ và ngân hàng giám sát. § Nhà bảo lãnh phát hành (Distributor/Underwriter): được ủy quyền việc chào bán, phân phối cổ phiếu quỹ ra công chúng (nếu là quỹ công chúng) hoặc chào bán trực tiếp cho NĐT tiềm năng. § Đại lý chuyển nhượng (Transfer Agent/Broker): là tổ chức được ủy nhiệm việc mua hoặc chuộc lại cổ phiếu quỹ (nếu quỹ đó là quỹ mở). § Tư vấn luật (Law adviser): Một số quỹ còn ủy quyền cho công ty luật thực hiện tư vấn để đảm bảo các hoạt động đầu tư của quỹ là phù hợp với luật định ở từng quốc gia. Ở TTCK các nước, các QĐT được xem như là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư vào các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ. Do đó, QĐT đươc xem là công cụ đầu tư hiệu quả hỗ trợ cho các NĐT, đặc biệt các NĐT nhỏ. 2. Tình hình hoạt động các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Tính đến 30/04/2008, TTCK VN có 25 CTQLQ trong nước hoạt động, có các loại hình QĐT khác nhau. Các CTQLQ trong nước đã hoạt động trong giai đoạn đầu, như: CTQLQ Prudential VN, Vietfund, Thành Việt, Manulife, Công ty quản lý Quỹ VCB, Vietnam Partners Investment Management (BVIM), Bảo Việt, . Trong các CTQLQ được cấp phép thì có ba QĐT đã được niêm yết trên TTCK TP.HCM như: Vietfund thành QĐT VF1 được lập năm 2004, quỹ đầu tiên được niêm yết có quy mô 300 tỷ đồng, quỹ đã tiến hành hơn 2 đợt huy động thêm vốn với tổng vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2007. CTQLQ Prudential VN, chính thức hoạt động từ đầu tháng 6/2005, đã thành lập quỹ cân bằng Prudential-PRUBF1, hiện đang triển khai kế hoạch lập các QĐT khác nhau để có thể sớm đáp ứng nhu cầu đầu tư của khách hàng VN. CTQLQ Manulife VN thành lập quỹ MAFPF1 (Quỹ tăng trưởng MANULIFE) với số tiền quỹ ban đầu gần 214 tỷ VND, thời hạn hoạt động 7 năm và niêm yết vào 28/12/2007. Với 3 chứng chỉ quỹ đã niêm yết, như: VFMVF1, PRUBF1, MAFPF1 thì VFMVF1 đã được niêm yết đầu tiên và hiện nay có giá trị như sau: Nguồn: vinafund.com.vn Do sự biến động lớn của TTCK VN trong quý I/2008 đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh chỉ số VN- Index. Ngày 14/5/2008, VN-Index sụt giảm đến mức thấp nhất của thời kỳ tăng trưởng mạnh của năm 2007 chỉ còn 475,5 điểm đã có ảnh hưởng lớn đến giá trị thị trường của các chứng chỉ quỹ niêm yết. Chứng chỉ PRUBF1, MAFPF1 đã có giá trị thị trường thấp hơn mệnh giá là 6.400đ/ccq và 6.000đ/ccq vào ngày 14/5/2008. Ngoài các CTQLQ trong nước thì các CTQLQ nước ngoài cũng tăng mạnh so với giai đoạn năm 1992 kể từ khi “làn sóng thứ nhất” vào VN. Tính đến cuối 2007, VN có trên 10 CTQLQ nước ngoài đã hoạt động với hơn 30 quỹ. Lĩnh vực đầu tư của các quỹ rất đa dạng, từ QĐT chứng khoán đến QĐT cổ phần tư nhân, từ QĐT bất động sản đến QĐT mạo hiểm. Các quỹ là nguồn cung vốn cho thị trường tài chính, TTCK VN. Trong ngắn hạn, các luồng tiền nhàn rỗi của quỹ có thể được gửi ngân hàng, tạo ra cung vốn cho thị trường tiền tệ. Trong dài hạn, các khoản đầu tư của quỹ vào các doanh nghiệp và dự án tạo ra nguồn cung vốn cho thị trường vốn. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ không ngừng tăng lên, dẫn đến vai trò của các quỹ ngày càng lớn trên TTTC, các quỹ ngày càng năng động hơn. Các CTQLQ nước ngoài đã được cấp phép hoạt động hiện nay, gồm: Công ty quản lý quỹ Lĩnh vực đầu tư Số quỹ Dragon Capital Chứng khoán, doanh nghiệp 4 VinaCapital Đa dạng 4 Indochina Capital Bất động sản 3 Mekong Capital Doanh nghiệp 3 PXP Chứng khoán 3 IDG Ventures Đầu tư mạo hiểm 1 Anpha Capital Đa dạng 2 Korea Investment Trust Management Doanh nghiệp 2 Prudential Vietnam Securities Investment Fund Management Corp Chứng khoán, doanh nghiệp 2 Finan asset management Chứng khoán 1 Blackhorse Asset Management Pte Doanh nghiệp 1 Deutsche Bank Chứng khoán, doanh nghiệp 1 Kamm Investment-USA 1 Jardine Fleming - HongKong - A division of JPMorgan Chase & Co Chứng khoán, doanh nghiệp 1 Golden Bridge Financial Group - Chứng khoán 1 Korea Vietnam Holding Asset management Chứng khoán 1 Tổng 31 Nguồn: Tài liệu tập hợp của tác giả Trong giai đoạn TTCK VN như hiện nay, có vẻ như một trong những vấn đề được “yêu thích” của các NĐT trong nước là “sự hoảng loạn của bầy đàn” trong hoạt động đầu tư chứng khoán và nhìn nhận NĐT nhỏ lẻ như một đám đông thiếu kinh nghiệm, đang hỗn loạn cực độ, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuột dốc quá mức của thị trường. Sự sụt giảm liên tục chỉ số VN-Index và kết quả ngày 14/5/2008 đạt 475,5 điểm, giảm dưới ngưỡng 500 điểm, các NĐT cần phải biết nhìn về dài hạn, ai kiên nhẫn thì người đó thắng, ai không theo bầy đàn thì người đó có thể giảm rủi ro…Như vậy, tình hình TTCK hiện nay cho chúng ta nhận thấy cần phải hình thành và phát triển các QĐT cho TTCK VN với các đặc điểm riêng biệt của thị trường VN. 3. Phát triển quỹ đầu tư chứng khoán TTCK VN giai đoạn 2007-2010 được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, cùng với sự góp mặt của các tổng công ty nhà nước lớn cổ phần hóa trong những năm tới sẽ tạo nguồn cung lớn cho thị trường, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp cho TTCK. Các công ty đã và đang cổ phần hóa sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho các QĐT trên thị sơ cấp lẫn thứ cấp. Giải pháp phát triển các QĐT có thể được xem xét như sau: a. Tăng cường phát triển quỹ đại chúng trên TTCK Các CTQLQ cần phải thành lập và phát triển các QĐT đại chúng vì hiện nay chỉ có ba QĐT với ba chứng chỉ quỹ đã niêm yết trên thị trường, các quỹ thành lập theo nhóm hàng hóa trên TTCK, khuyến khích các QĐT đầu tư vào các ngành lợi thế của VN. Các CTQLQ không chỉ thành lập các quỹ và huy động vốn trên thị trường trong nước mà có thể huy động trên thị trường nước ngoài. Thực tế cho thấy các CTQLQ nước ngoài hoạt động tại VN hoạt động rất hiệu quả nên CTQLQ trong nước cần phải khắc phục quy mô về vốn bằng cách phát hành chứng chỉ quỹ trên thị trường nước ngoài với tỷ lệ theo quy định của VN và các nước. Việc huy động vốn trên thị trường thế giới, ưu tiên trên thị trường Singapore, Hongkong, London. . . là việc rất cần thiết, đem lại cho CTQLQ những uy tín và nâng tầm hoạt động của CTQLQ lên tầm khu vực. Trên TTCK thế giới, thì CTQLQ đó có khả năng huy động vốn lớn hơn so với việc huy động vốn tại VN. Khả năng này hứa hẹn thành công rất lớn khi TTCK VN được đánh giá là hấp dẫn, đạt tốc độ tăng trưởng cao, vì chứng chỉ Quỹ VFMVF1 niêm yết trên HOSE đã đầy room cho NĐTNN. b. Khuyến khích thành lập các quỹ giao dịch tập trung-ETFs, các quỹ đầu tư vào các ngành lợi thế của VN Các chứng chỉ quỹ quỹ giao dịch tập trung-ETFs là một triển vọng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đối với các chứng chỉ quỹ, một phương pháp đơn giản cho các nhà đầu tư có một danh mục nhất định khi đầu tưtrong lĩnh vực CSHT. Đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã và đang sinh lợi cao. Tuy nhiên, quá khứ không phải là sự hướng dẫn chắc chắn cho tương lai, và nhiều chuyên gia đang cảnh báo về sự tăng trưởng nóng và có quá nhiều tiền đổ vào một vài dự án. Dù sao đi nữa, chúng ta không còn nghi ngờ và phủ nhận vần còn những công trình đầu tư khả thi và hấp dẫn. Giải pháp cơ bản thành lập ETF: - Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng VN trên cơ sở có chọn lọc theo quy mô, khả năng tăng trưởng. Các công ty này sau khi hoạt động có thể tiến hành IPO và niêm yết trên TTCK để là hàng hóa cho các ETFs. - Xây dựng các chỉ số chứng khoán có giá trị cao, phản ảnh tình hình các thị trường. UBCKNN lựa chọn, chỉ định cho các CTCK thành viên hoặc một tổ chức độc lập có kinh nghiệm thực hiện việc hình thành các chỉ số có giá trị quốc tế làm định hướng cho hoạt động đầu tư của các quỹ. - Ban hành bổ sung về quy chế cho hoạt động của ETFs vì đây là các quỹ có thể giao dịch ở các TTCK, tính chất như quỹ giao dịch toàn cầu. - Quốc tế hóa các tiêu chuẩn về chế độ giao dịch, niêm yết; chế độ kế toán, kiểm toán. Nghiên cứu mô hình các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán VN. Hiện nay, theo Luật chứng khoán quy định thành lập quỹ đại chúng và quỹ thành viên nên cần thành lập quỹ theo mô hình công ty cổ phần đầu tư (investment company), là quỹ mở hoặc quỹ đóng. Ưu thế của loại quỹ này có thể phát triển quy mô với cấu trúc quỹ đa dạng hơn, mô hình được hình thành trên mô hình các quỹ hiện hành của VN. Quy định các đối tượng chính trong cơ cấu quỹ như sau: Cơ sở pháp lý thành lập quỹ vẫn theo Luật chứng khoán VN, Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC và Số 45/2007/QĐ-BTC và Luật doanh nghiệp. QĐT dạng công ty cổ phần hoạt động với cơ quan điều hành cao nhất là Hội đồng quản trị do cổ đông (NĐT) bầu ra. NĐT là cổ đông của quỹ, được phép tham gia vào hoạt động quản lý quỹ thông qua việc bầu Hội đồng quản trị. - CTQLQ thành lập ở VN hoặc các quốc gia nước ngoài, CTQLQ thành lập ở nước ngoài ở những quốc đảo nổi tiếng là trung tâm tài chính quốc tế, gồm: quần đảo Cayman, quần đảo Bahama, cụm đảo Bermuda, quần đảo Virgin,…Các CTQLQ có thể lập văn phòng đại diện ở VN hoặc nước ngoài để thực hiện chức năng quản lý và đầu tư cho quỹ và được ghi rõ trong hợp đồng. - Các quỹ con được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn ở các quốc đảo ưu đãi thuế, chịu sự điều chỉnh của pháp luật nơi đăng ký kinh doanh. - Cổ đông của quỹ: là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể ban đầu tham gia chính là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và thiểu số nhà đầu tư cá nhân đóng góp. Thông thường, khi lập quỹ sẽ mời gọi các tổ chức có uy tín lớn trên thế giới góp cổ phần vào quỹ, từ đó sẽ tạo được uy tín cho quỹ. Cổ phiếu của quỹ sẽ được niêm yết trên TTCK VN và các nước. - Công cụ đặc trưng: là các công ty con của quỹ, sẽ nắm giữ cổ phần của các công ty mà quỹ muốn đầu tư. Ưu điểm của hình thức này là: hưởng lợi về thuế do thành lập ở những nơi thuế suất trên lãi vốn thấp hoặc miễn thuế, sổ sách kế toán riêng vì hạch toán độc lập, rất thuận lợi trong việc thu hồi vốn khi quỹ thoát vốn bằng phương thức bán cả công ty. Phát triển TTCK VN là mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế VN, nâng cao hình ảnh con hổ châu Á VN trên thế giới. Để thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng bền vững và ổn định, cần có nhiều giải pháp thực thi. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay sự tham gia của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp lại là vấn đề rất thiết thực, giúp cho thị trường ổn định hơn, điều hòa các giao dịch trên TTCK. Do đó, việc hình thành và phát triển các QĐT có ý nghĩa cho việc tăng cường các định chế trung gian cho thị trường. Tài liệu tham khảo: - Tạp chí chứng khoán VN năm số 1, 2,…, 12/2007 - Investment Sixth Edittion- SHARPE, ALEXANDER, BAILEY - Frank K. Reilley, Keith C. Brown (1997), “Investment Analysis and Portfolio Management”, The Dryden Press-Harcourt Brace College Publishers, Florida. - Các website như: Http://www.ssc.gov.vn; Http://www.vse.org.vn; Http://hastc.org.vn; Http://tuoitre.com.vn; Http://vietnamnet.com.vn; Http://mof.gov.vn Http://hsc.com.vn; Http://vir.com.vn; Http://vinafund.com.vn