Các tội vô ý làm chết người theo Luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay
Các tội vô ý làm chết người theo Luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay Hà Hồng Sơn Khoa Luật Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40 Người hướng dẫn: TS. Trịnh Tiến Việt Năm bảo vệ: 2011 Abstract: Trình bày những vấn đề chung về các tội vô ý làm chết người theo luật hình sự Việt Nam. Phân tích thực tiễn xét xử các tội vô ý làm chết người trong thời gian từ năm 2005-2010. Trên cơ sở đó, chỉ ra một số vướng mắc, tồn tại trong công tác xử lý. Từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về xử lý các loại tội phạm này. Keywords: Luật hình sự; Phát luật Việt Nam; Phạm tội Content mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trong cuộc sống của con người thì những lợi ích về nhân thân (tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm) có ý nghĩa quan trọng nhất. Chính vì vậy mà Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ngày 10-12-1948 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố: "Mọi người đều có quyền sống và quyền an toàn về cá nhân". Như vậy, quyền sống là quyền trước tiên và quan trọng nhất của con người. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người đều bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và phải bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Việt Nam đã thừa nhận và cam kết thực hiện tốt nhất các quyền ấy. Lần lượt các bản Hiến pháp của nước ta (1946, 1959, 1980, 1992) đều thể hiện tinh thần đó. Điều 71 Hiến pháp hiện hành quy định: "Mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…" [20, tr. 144]. 2 Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa được xây dựng, tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Đời sống văn hóa, xã hội tiến bộ trên nhiều mặt, cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; chương trình xóa đói, giảm nghèo được thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật. Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm quyền của công dân, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, đặc biệt là quyền sống. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và đã có những nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả quyền sống của những người phạm tội, quyền này được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được sống của con người (dù là với lỗi cố ý hay vô ý) đều bị coi là tội phạm và bị xử lý bằng pháp luật hình sự trên những cơ sở chung. Bộ luật hình sự Việt Nam đều đã quy định những hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng diễn ra tương đối nghiêm trọng và phức tạp. Các hành vi sử dụng điện để bảo vệ tài sản gây ra hậu quả có người bị điện giật chết vẫn xảy ra nhiều nơi trên phạm vi cả nước. Mặc dù đã được các cơ quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, các Tòa án đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những người có hành vi phạm tội để đấu tranh, nhưng do sự thiếu hiểu biết của người dân nên trên thực tế, loại tội này vẫn tiếp tục xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng, duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông phục vụ cuộc sống, đã xảy ra việc một số người bị chết do rò rỉ điện tại các thiết bị điện công cộng, ngã xuống cống ngầm…nhưng do chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp này, nên chưa được giải quyết một cách triệt để. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc đánh giá chứng cứ trong những vụ án này rất phức tạp; bởi lẽ, văn bản pháp luật để các Tòa án áp dụng trong việc xét xử đối với loại tội này chưa đầy đủ, rõ ràng. Tình trạng đó đã và đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử cũng như trong chủ động phòng và đấu tranh chống tội 3 phạm, gây ảnh hưởng tới việc phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; gây tổn hại tới lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. ở một chừng mực nhất định, do các quy định của luật hình sự Việt Nam về các tội vô ý làm chết người còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ; đặc biệt là thiếu quy phạm định nghĩa và các quy định liên quan đến các yếu tố định tội danh và định khung hình phạt nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất trong việc nhận thức các dấu hiệu pháp lý, việc định tội danh và đường lối xử lý đối với các tội phạm này. Có trường hợp không làm sáng tỏ được ranh giới giữa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, sự khác nhau giữa các tội vô ý làm chết người với một số tội phạm khác có cùng tính chất lỗi vô ý trong Bộ luật hình sự như: tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202), tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông (Điều 220), tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 240), tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (Điều 241), tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242); v.v . Do đó, để tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ và sâu sắc hơn các vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm này cũng như thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử đối với các tội vô ý làm chết người từ đó đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự; đồng thời qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này, thì việc tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài: "Các tội vô ý làm chết người theo luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay" làm luận văn thạc sĩ Luật học là cần thiết. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Dưới góc độ thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao đã có các văn bản hướng dẫn việc xử lý một số khía cạnh liên quan đến các tội này như Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 1985; Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6- 2002 giải đáp các vấn đề nghiệp vụ. Tuy nhiên, những hướng dẫn trong các văn bản này mới 4 chỉ đề cập tới từng trường hợp phạm tội cụ thể, những khái niệm của hành vi phạm tội vô ý làm chết người nêu trong những hướng dẫn trên cũng chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, chưa đủ tác dụng để đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này. Dưới góc độ khoa học pháp lý, việc nghiên cứu các tội vô ý làm chết người đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo luật học như Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác. Trong đó phải kể đến một số giáo trình, sách chuyên khảo hay những bài viết như: GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chương IV- Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người, trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), tập thể tác giả do TSKH.GS Lê Văn Cảm chủ biên, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003; GS.TS Võ Khánh Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2003. Ngoài ra, các vấn đề lý luận và thực tiễn xét xử còn được nghiên cứu trong một số công trình nghiên cứu của ThS. Đinh Văn Quế như Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 - Phần chung, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000; Bình luận chuyên sâu Bộ luật hình sự, tập I, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2003; TS. Nguyễn Đức Mai, Phân biệt tội gây thương tích dẫn đến chết người với tội giết người và tội vô ý làm chết người, Tạp chí Tòa án nhân dân số 07/1998; PGS.TS Trần Văn Luyện, Những điểm mới cơ bản về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật hình sự năm 1999, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 03/2001; TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Phân biệt tội giết người với một số tội phạm khác xâm phạm tính mạng con người, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 02/2003. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ Luật học chuyên ngành Tư pháp hình sự nghiên cứu các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập trực tiếp đến các tội vô ý làm chết người. Như vậy, các công trình nghiên cứu nêu trên đã phần nào làm sáng tỏ một số vấn đề về khái niệm, dấu hiệu pháp lý đặc trưng của cả nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, trong đó có các tội vô ý làm chết người; nhưng dưới góc độ khoa học pháp lý, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ 5 thống các vấn đề lý luận và thực tiễn xét xử đối với các tội vô ý làm chết người ở cấp độ một luận văn thạc sĩ luật học. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, các dấu hiệu pháp lý, đường lối xử lý và thực tiễn xét xử đối với các tội vô ý làm chết người theo luật hình sự Việt Nam, qua đó đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng những quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về các tội phạm này. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ luật học, phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung vào các dấu hiệu pháp lý đặc trưng và những vấn đề liên quan đến việc định tội danh, thực tiễn xét xử đối với các tội vô ý làm chết người trong những năm gần đây với tư cách là hai tội phạm trong chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người mà chưa có điều kiện nghiên cứu, phân tích. 4. Mục đích nghiên cứu của luận văn Luận văn nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống về những vấn đề pháp lý cơ bản của các tội vô ý làm chết người theo luật hình sự Việt Nam như: khái niệm, các dấu hiệu pháp lý, trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội; phân biệt các tội vô ý làm chết người với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự; đồng thời đi sâu phân tích thực tiễn xét xử các tội vô ý làm chết người trong thời gian từ năm 2005-2010. Trên cơ sở đó, luận văn chỉ ra một số vướng mắc, tồn tại trong công tác xử lý, từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về xử lý các loại tội phạm này. 5. Cơ sở phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở phương pháp luận 6 Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về đấu tranh phòng, chống tội phạm. 5.2. Các phương pháp nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phân tích, tổng hợp và thống kê xã hội học; phương pháp so sánh, đối chiếu; phân tích quy phạm pháp luật, khảo sát thực tiễn; nghiên cứu, điều tra án điển hình… để phân tích và luận chứng các vấn đề khoa học cần nghiên cứu trong luận văn này. 6. Những đóng góp mới của luận văn 6.1. Về mặt lý luận Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần hoàn thiện lý luận về hành vi vô ý làm chết người trong khoa học luật hình sự Việt Nam; phân tích thông qua nghiên cứu số liệu thực tiễn xét xử sơ thẩm trên địa bàn toàn quốc từ năm 2005-2010 và các bản án hình sự cụ thể của một số Tòa án để đánh giá. Qua đó chỉ ra những mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành; các sai sót trong quá trình áp dụng các quy định đó, cũng như đưa ra nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về các tội vô ý làm chết người ở khía cạnh lập pháp hình sự và việc áp dụng trong thực tiễn. 6.2. Về mặt thực tiễn Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập. Những đề xuất, kiến nghị của luận văn sẽ cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho công tác lập pháp và hoạt động thực tiễn áp dụng Bộ luật hình sự Việt Nam liên quan đến các tội vô ý làm chết người, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống những tội này hiện nay và sắp tới. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương: 7 Chương 1: Những vấn đề chung về các tội vô ý làm chết người theo luật hình sự Việt Nam. Chương 2: Các tội vô ý làm chết người theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 và thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay. Chương 3: Hoàn thiện pháp luật và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng những quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 về các tội vô ý làm chết người. References 1. Ban Chỉ đạo thi hành Bộ luật hình sự (2000), Tài liệu tập huấn chuyên sâu về Bộ luật hình sự năm 1999, Nhà in Bộ Công an, Hà Nội. 2. Phạm Văn Beo (2010), Luật hình sự Việt Nam - Quyển 2 (Phần các tội phạm), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 3. Bộ Công an (1998), Những văn bản của Nhà nước về an ninh trật tự (1955-1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2011), Thông báo số 464/TB-BLĐTBXH ngày 22/02 về tình hình tai nạn lao động năm 2010, Hà Nội. 5. Lê Cảm (chủ biên) (2003), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), (Tái bản lần thứ nhất), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 6. Lê Cảm (2006), "Những vấn đề lý luận về bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự", Tòa án nhân dân, (11). 7. Lê Cảm (2006), "Nhà nước pháp quyền trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh quốc tế và các quyền con người bằng pháp luật hình sự", Kiểm sát, (19). 8. Lê Cảm, Nguyễn Ngọc Chí, Trịnh Quốc Toản (Đồng chủ trì), Trịnh Tiến Việt (Thư ký) (2006), Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số: QL.04.03, Hà Nội. 9. Lê Văn Cảm (2005), Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 10. Lê Văn Cảm, Trịnh Quốc Toản (2004), Định tội danh: Lý luận, hướng dẫn mẫu và 350 bài thực hành, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 8 11. Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên) (2001), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 12. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên) (2009), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Hà Nội. 15. Đảng Cộng sản việt Nam (2005), Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội. 16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội. 17. Nguyễn Ngọc Điệp, Đinh Thị Ngọc Dung (1996), 900 thuật ngữ pháp lý Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Trần Ngọc Đường (2004), Bàn về quyền con người, quyền công dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 19. Phạm Hồng Hải (Chủ biên) (2000), Tội phạm học Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 20. Hiến pháp Việt Nam năm (1946, 1959, 1980 và 1992) (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. 21. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên) (2001), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 22. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên) (2005), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Tập I, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 23. Nguyễn Ngọc Hòa (2006), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 24. Nguyễn Ngọc Hòa (2005), "Chính sách xử lý tội phạm trong Luật hình sự Việt Nam", Luật học, (3). 9 25. Nguyễn Ngọc Hòa và Lê Thị Sơn (2006), Từ điển pháp luật hình sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 26. Phạm Trung Hòa, Nguyễn Quốc Nhật (2001), Giáo dục, giúp đỡ người tha tù tái hòa nhập cộng đồng, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 27. Hoàng Việt luật lệ (1994), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 28. Trần Minh Hưởng (Chủ biên) (2009), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (thực hiện từ 01/01/2010), Nxb Lao động, Hà Nội. 29. Uông Chu Lưu (Chủ biên) (2001), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 (Phần chung), tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 30. Hồ Chí Minh (1985), Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội. 31. Hồ Trọng Ngũ (2002), Một số vấn đề cơ bản về chính sách hình sự dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 32. Đinh Văn Quế (1998), Bình luận án, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh 33. Đinh Văn Quế (2000), Thực tiễn xét xử và pháp luật hình sự, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 34. Đinh Văn Quế (2000), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 35. Đinh Văn Quế (2003), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (Phần các tội phạm), Tập 1: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 36. Quốc hội (1985), Bộ luật hình sự, Hà Nội. 37. Quốc hội (1988), Bộ luật tố tụng hình sự, Hà Nội. 38. Quốc hội (1999), Bộ luật hình sự, Hà Nội. 39. Quốc hội (2001), Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội. 40. Quốc hội (2003), Bộ luật tố tụng hình sự, Hà Nội. 41. Quốc hội (2009), Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội 42. Quốc triều hình luật (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 10 43. Hồ Sỹ Sơn (2007), Nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam, Tóm tắt luận án tiến sĩ Luật học, Viện Nhà nước và pháp luật. 44. Cao Đức Thái (2009), "Quyền con người trong thời kỳ đổi mới - Mấy vấn đề về nhận thức lý luận và thực tiễn", Trong sách: Quyền con người - Tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học xã hội, (Tập thể tác giả do Võ Khánh Vinh chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 45. Kiều Đình Thụ (1998), Tìm hiểu Luật hình sự Việt Nam, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai. 46. Trần Quang Tiệp (2003), Lịch sử Luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 47. Trần Quang Tiệp (2004), Bảo vệ quyền con người trong Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 48. Tòa án nhân dân tối cao (1975), Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Hà Nội. 49. Tòa án nhân dân tối cao (1992), Các văn bản về hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, Hà Nội. 50. Tòa án nhân dân tối cao (2010), Thống kê tình hình xét xử của ngành Tòa án nhân dân các năm 2005-2010, Hà Nội. 51. Trường Đại học Luật Hà Nội (1997), Luật hình sự Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 52. Đào Trí úc (Chủ biên) (1994), Những vấn đề lý luận của việc đổi mới pháp luật hình sự trong giai đoạn hiện nay, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 53. Đào Trí úc (Chủ biên) (1994), Nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 54. Đào Trí úc (2000), Luật hình sự Việt Nam (Quyển I - Những vấn đề chung), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 55. Đào Trí úc (2001), "Những đảm bảo cần thiết cho việc thi hành Bộ luật hình sự năm 1999", Nhà nước và pháp luật, (01). 56. Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng. 57. Trịnh Tiến Việt (2010), Chế định miễn trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.