Ở nước ta, đã từ lâu, thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” vẫn được sử dụng nhằm mục đích phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá”, thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng phổ biến nhằm mục đích phân biệt này. Hiện nay, ở nước ta, đang có nhiều cách hiểu khác nhau về hai thuật ngữ này và cũng không ít người lúng túng khi sử dụng chúng. Bởi vậy, việc làm rõ các thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu” để trên cơ sở đó sử dụng chính xác từng thuật ngữ là vô cùng cần thiết.
BẦN VỀ THUẬT NGỮ "NHÃN HIỆU HÀNG HÓA" VÀ "THƯƠNG HIỆU" Ở nước ta, đã từ lâu, thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” vẫn được sử dụng nhằm mục đích phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá”, thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng phổ biến nhằm mục đích phân biệt này. Hiện nay, ở nước ta, đang có nhiều cách hiểu khác nhau về hai thuật ngữ này và cũng không ít người lúng túng khi sử dụng chúng. Bởi vậy, việc làm rõ các thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu” để trên cơ sở đó sử dụng chính xác từng thuật ngữ là vô cùng cần thiết. 1. Sử dụng các thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu” ở Việt Nam Về ngữ nghĩa, từ trước đến nay, trong các từ điển Tiếng Việt không giải nghĩa từ “nhãn hiệu hàng hoá’ mà chỉ giải nghĩa từ nhãn hiệu. Theo đó, “nhãn hiệu là dấu hiệu của nơi sản xuất dán hay in trên mặt hàng”. Trước đây, thuật ngữ thương hiệu ít được sử dụng. Đến những năm 1990, chúng ta vẫn khó tìm được từ này trong các từ điển Tiếng Việt. Còn hiện nay, thương hiệu được hiểu là “tên hiệu nhà buôn”. Như vậy, theo cách giải nghĩa của các từ điển Tiếng Việt hiện nay, nhãn hiệu (hàng hoá) là những dấu hiệu riêng gắn liền với mỗi sản phẩm mà chỉ ra nơi sản xuất ra sản phẩm đó. Còn thương hiệu là tên gọi của nhà buôn sản phẩm đó. Về mặt pháp lý, pháp luật nước ta quy định rất rõ ràng nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của những cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều mằu sắc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bảo hộ các các dấu hiệu khác được sử trong thương mại khác nhằm chỉ ra đặc điểm, nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ với ý nghĩa là các đối tượng sở hữu công nghiệp như: tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại. Trong Bộ luật thương mại Việt Nam Cộng hoà năm 1972 đã dùng từ thương hiệu tại Điều 42. Bộ luật này không định nghĩa thương hiệu là gì, tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại Điều 42, có thể hiểu rằng: thương hiệu cùng với các “tài-vật” khác như “bằng sáng chế, nhãn hiệu chế tạo, hình vẽ và kiểu mẫu, quyền sở hữu văn nghệ và mỹ thuật”…được “sung-dụng” trong hoạt động thương mại. Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào của Việt nam sử dụng thuật ngữ thương hiệu và cũng không có khái niệm pháp lý về thương hiệu. Trong thực tế, ở Việt nam, hiện nay, đang tồn tại hai loại ý kiến khác nhau xoay quanh việc sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu”. ý kiến thứ nhất cho rằng: “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu” được hiểu đồng nhất với nhau, có nội dung như nhau và được sử dụng trong những hoàn cảnh như nhau. ý kiến thứ hai cho rằng: thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu là hai thuật ngữ khác biệt, nhãn hiệu hàng hoá chỉ là một loại thương hiệu cụ thể. Bởi vậy, trong nhiều bài nghiên cứu, trao đổi, đặc biệt các phương tiện thông tin đại chúng thường sử dụng thuật ngữ thương hiệu cho cả nhãn hiệu hàng hoá (ví dụ: thuốc lá Vinataba, nước giải khát Coca-Cola); tên gọi xuất xứ ( ví dụ: nước mắm Phú Quốc, bưởi Năm Roi ); tên thương mại (ví dụ: nhựa Tiền Phong, gạch Đồng Tâm). ở nước ta, hiện nay, thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng phổ biến hơn thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” nhằm phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh. Rõ ràng, ở nước ta, xét về góc độ lý luận cũng như thực tế, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu. 2. Sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu” ở các cộng đồng và quốc gia khác Về ngữ nghĩa và trong thực tế, tại các quốc gia khác trên thế giới, thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá (trademark) và thương hiệu (brand) đã được sử dụng từ lâu. Theo đó, nhãn hiệu hàng hoá là tên riêng, biểu tượng, thiết kế được gắn với sản phẩm, dịch vụ nhằm phân biệt hàng hoá, dịch vụ. Còn từ thương hiệu xuất phát từ ngôn ngữ Na Uy cổ “brandr” có nghĩa là “đóng dấu bằng sắt nung”. Từ thời xa xưa cho đến nay, “brand” đã và vẫn mang ý nghĩa chủ của những con vật nuôi đánh dấu lên các con vật của mình để nhận ra chúng. Nói chung, thương hiệu được hiểu là tất cả những dấu hiệu chỉ ra mối liên hệ giữa sản phẩm, dịch vụ và người sản xuất, kinh doanh chúng. ở các quốc gia trên thế giới, từ thương hiệu đã và đang được sử dụng phổ biến trong thương mại. Về mặt pháp lý, khái niệm nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng lần đầu tiên trong một văn bản pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là Công ước Paris năm 1886. Công ước Paris bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp riêng biệt là: nhãn hiệu hàng hoá và nhãn hiệu dịch vụ; tên thương mại; chỉ dẫn nguồn gốc, tên gọi xuất xứ hàng hoá; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; mẫu hữu ích; chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo Quy định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRips), nhãn hiệu hàng hoá là bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu, có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Cũng như Công ước Paris, bên cạnh bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, TRips bảo hộ các dấu hiệu thương mại khác với ý nghĩa là các đối tượng sở hữu trí tuệ gồm: chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin kín và bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật của Cộng đồng Châu Âu thừa nhận nhãn hiệu hàng hoá là tất cả những dấu hiệu thoả mãn hai điều kiện: có thể minh hoạ (trình bày được) và có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Đó là các dấu hiệu: từ, tên riêng, kiểu dáng, chữ, số, hình dáng hàng hoá, đóng gói của hàng hoá. Bên cạnh bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, pháp luật của Cộng đồng Châu Âu còn bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như sáng chế, kiểu dáng, mẫu hữu ích. Còn theo pháp luật Mỹ, cùng với nhãn hiệu hàng hoá, còn nhiều dấu hiệu khác cũng “được sử dụng trong thương mại” (marks used in commmerce) nhằm chỉ ra đặc trưng của sản phẩm, dịch vụ. Các dấu hiệu được sử dụng trong thương mại bao gồm: nhãn hiệu hàng hoá (trademark); nhãn hiệu dịch vụ (service mark); nhãn hiệu chứng nhận (certification mark); nhãn hiệu tập thể (collective mark); chỉ dẫn địa lý (geographical indication); tên thương mại (brand name). ở Mỹ, từ thương hiệu (brand) được sử dụng cho tất cả các đối tượng kể trên. Rõ ràng, nhãn hiệu hàng hoá chỉ là một loại dấu hiệu được sử dụng trong thương mại nhằm phân biệt hàng hoá, dịch vụ và được bảo hộ với ý nghĩa là một đối tượng sở hữu công nghiệp. Nói cách khác, nhãn hiệu hàng hoá chỉ là một loại thương hiệu cụ thể. Như vậy, theo các văn bản pháp luật quốc tế cơ bản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật của cộng đồng Châu Âu và pháp luật Mỹ, “nhãn hiệu hàng hoá” là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ và thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” được dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Trong khi đó, “thương hiệu” không phải là một đối tượng sở hữu công nghiệp. Hơn nữa, bên cạnh nhãn hiệu hàng hoá, các dấu hiệu khác cũng được sử dụng trong thương mại để chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc trưng, nhà sản xuất… của sản phẩm, dịch vụ như: tên thương mại (General Electric; Hewlett-Packard), chỉ dẫn địa lý (nước hoa Sante Fe), tên gọi xuất xứ hàng hoá. 3. Kết luận Nếu so sánh với các nước khác trên thế giới, rõ ràng, chúng ta chưa thống nhất về việc hiểu cũng như sử dụng hai thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu”. Như đã chỉ ra, ở Việt Nam, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau về việc hiểu và sử dụng hai thuật ngữ này. Toàn bộ phân tích trên cho thấy: loại ý kiến thứ hai phù hợp hơn. Nói cách khác, “nhãn hiệu hàng hoá” và “thương hiệu” không phải là các thuật ngữ đồng nhất với nhau. Nhãn hiệu hàng hoá là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ bởi hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia. Thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng nhằm phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của những nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Các dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị, không gian ba chiều… Thương hiệu không phải là một đối tượng sở hữu công nghiệp nói riêng, đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung. Khái niệm thương hiệu được hiểu rộng hơn nhãn hiệu hàng hoá. Thương hiệu có thể là bất kỳ dấu hiệu gì được gắn liền với sản phẩm, dịch vụ nhằm làm cho sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu được nhận biết dễ dàng và phân biệt được với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại. Bởi vậy nhà sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn nhiều yếu tố khác nhau làm thương hiệu cho mình trên cơ sở xem xét về thuộc tính của sản phẩm, thị hiếu và hành vi tiêu dùng của những khách hàng mục tiêu và các yếu tố khác như pháp luật, văn hoá, tín ngưỡng… Những yếu tố được chọn làm thương hiệu có thể được gọi là yếu tố thương hiệu, ví dụ: tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc, kiểu dáng thiết kế, bao bì… Các yếu tố thương hiệu của một sản phẩm, dịch vụ có thể được pháp luật bảo hộ dưới dạng các đối tượng sở hữu công nghiệp cụ thể như: nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp và thương hiệu cũng có thể được bảo hộ bởi cả pháp luật bản quyền. Rõ ràng, thương hiệu là toàn bộ các dấu hiệu được sử dụng trong thương mại để chỉ nguồn gốc của hàng hoá dịch vụ; nhà sản xuất hàng hoá, dịch vụ đó; đặc trưng của hàng hoá, dịch vụ. Bởi vậy, thương hiệu không chỉ bao gồm nhãn hiệu hàng hoá mà còn bao gồm tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Từ những khác biệt trên giữa nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu dẫn đến nhiều điểm khác biệt nữa giữa chúng như: điều kiện để được bảo hộ, thời hạn bảo hộ, thủ tục bảo hộ. Hiện nay, ở nước ta, hai thuật ngữ này chưa được phân biệt rõ ràng và gây nên nhiều cách hiểu cũng như sử dụng không thống nhất, không chính xác. Bởi vậy: 1. Bên cạnh quy định về nhãn hiệu hàng hoá, pháp luật dân sự cũng như pháp luật thương mại nên quy định rõ ràng: thương hiệu là gì, gồm những dấu hiệu như thế nào. 2. Phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này để tránh nhầm lẫn. Cũng xin lưu ý thêm rằng, hầu hết các nước trên thế giới không đưa thuật ngữ thương hiệu vào các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này được làm rõ và được sử dụng chính xác. Chúng ta có thể xem xét để lựa chọn hướng giải quyết này./.