LỜI MỞ ĐẦU Nhà xuất bản Khoa học xã hội là một trong những NXB thành lập từ rất sớm. Qua quá trình xây dựng và phát triển, NXB Khoa học xã hội đã tạo dựng cho mình uy tín lớn trên thị trường cũng như đối với bạn đọc ở mảng sách khoa học, là nơi tin cậy cho các bạn đọc tìm đến trau đồi tri thức. Được sự giới thiệu của giáo viên hướng dẫn, em đã có cơ hội tới kiến tập tại NXB trong vòng một tháng. Sau thời gian làm việc tại đây, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các cô chú biên tập viên, em đã có them nhiều kinh nghiệm và kĩ năng biên tập được nâng cao hơn. Em viết bài báo cáo này nhằm trình bày về những gì thu hoạch được trong thời gian kiến tập, bao gồm hai nội dung chính: Phần I: Tổng quan về Nhà xuất bản Khoa học xã hội Phần II: Quá trình kiến tập của sinh viên tại nhà xuất bản Phần I. Tổng quan về Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1. Lịch sử hình thành và phát triển Sự hình thành và phát triển của Nhà xuất bản Khoa học xã hội gắn liền với sự hình thành và phát triển của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Ngay cả cái tên chính thức “Nhà xuất bản Khoa học xã hội” cũng qua mấy thăng trầm. Tiền thân là Tổ xuất bản (1953) thuộc Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam; NXB Văn Sử Địa (1955 1959) thuộc Bộ Giáo dục; NXB Sử học (1960 đến giữa năm 1963) thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước; NXB Khoa học, mảng sách khoa học xã hội (từ giữa năm 1963 đến năm 1966). Năm 1967, NXB Khoa học xã hội chính thức được thành lập (theo Quyết định số 01VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa), đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành của một cơ quan xuất bản đặc biệt: Công bố những công trình ưu tú của tất cả các chuyên ngành khoa học xã hội cho cả nước. Với nhiệm vụ “xuất bản, in ấn và phát hành các xuất bản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và phát triển công nghệ trong và ngoài nước để các cơ quan Đảng và Nhà nước tham khảo, sử dụng trong việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước; phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức cho nhân dân nhằm nâng cao dân trí, phục vụ nhân sinh”, NXB Khoa học xã hội đã từng bước cụ thể hóa cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Nếu như các đơn vị tiền thân chỉ tập trung chủ yếu vào mảng sách phục vụ nghiên cứu Văn, Sử, Địa thì từ khi ra đời, NXB Khoa học xã hội đã mở rộng sang tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.