ĐẶT VẤN ĐỀ Helicobacter pylori là vi khuẩn Gram âm đã gây nhiễm hơn nửa dân số trên thế giới và đã được chứng minh có liên quan đến cơ chế gây bệnh viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày và u lympho ở dạ dày (gastric MALT lymphoma) [1], [2], [3], [4], [5]. Tần suất nhiễm H. pylori có liên quan rất lớn đến điều kiện kinh tế xã hội, trên 80% ở các nước đang phát triển trong khi chỉ có khoảng 20 – 50% ở các nước phát triển [6], [7], [8], [9], [10] và có sự khác biệt theo từng vùng địa lý giữa các nước dao động từ 13% ở Nga đến Myanmar (48%), Nhật (71%), Trung Quốc (58%), Trung Mỹ (62%), Việt Nam (>70%), Đông Âu (82%) và các nước châu Phi (>80%) [10], [11], [12], [13], [14]. Mặc dù mỗi chủng H. pylori đều có sự khác biệt về khả năng gây bệnh nhưng nhìn chung H. pylori đã nhiễm ở 90% bệnh nhân viêm dạ dày, trên 90% loét tá tràng, 70% loét dạ dày và 90% ung thư dạ dày [11], [15], [16], [17]. Riêng ở Việt Nam, nhiễm H. pylori khá phổ biến và có mối liên quan mật thiết với bệnh lý dạ dày tá tràng. H. pylori được tìm thấy trong viêm dạ dày mạn (100%), viêm dạ dày thể hoạt động (83,1%), viêm teo niêm mạc dạ dày (85,3%), chuyển sản ruột (14,7%) tạo nguy cơ dẫn đến ung thư biểu mô tuyến dạ dày và loét dạ dày tá tràng (21%) [18], [19], [20]. Việc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm H. pylori rất phức tạp vì phải sử dụng phác đồ phối hợp các thuốc kháng sinh với các thuốc giảm toan, giảm tiết đúng, đủ liều, đủ thời gian và đúng quy cách. Tuy nhiên, khả năng thất bại cũng rất lớn do tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hội nghị Đồng thuận Maastricht III (2005) khuyến cáo nên sử dụng phác đồ điều trị chuẩn ban đầu với bộ ba điều trị PPI (thuốc ức chế sự bài tiết acid của dạ dày - proton pump inhibitor) – clarithromycin – amoxicillin hoặc metronidazole. Tuy nhiên, tỉ lệ đề kháng thuốc với phác đồ bộ ba ngày càng tăng. Để hỗ trợ cho phác đồ điều trị chuẩn ban đầu, Hội nghị cũng nhắc đến phác đồ thứ hai và phác đồ thứ ba, đồng thời tiếp tục bàn luận về sự đề kháng thuốc và nhận thấy khả năng đề kháng thuốc đạt tới 20% [21]. Năm 2010, tại Hội nghị Maastricht IV ở Florence (Ý) đã ghi nhận tỉ lệ kháng thuốc trong điều trị tiệt trừ H. pylori tăng trên toàn cầu và cũng thống nhất những phác đồ thích hợp dựa trên tình trạng kháng thuốc [22], trong đó phương pháp miễn dịch trị liệu thụ động sử dụng các kháng thể kháng trực tiếp H. pylori hoặc kháng urease của H. pylori là một hướng nghiên cứu được quan tâm đặc biệt. Globulin miễn dịch từ trứng gà (egg york immunoglobulin - IgY) là kháng thể được chuyển từ máu gà mái sang lòng đỏ trứng để thực hiện chức năng sinh lý là bảo vệ phôi và gà con. Các kháng thể IgY đặc hiệu trong trứng gà có các đặc tính bảo vệ giống như các kháng thể có trong máu gà mẹ. Các tác giả Nhật Bản và Hàn Quốc đã sử dụng IgY kháng urease của H. pylori bổ sung vào sữa chua làm thực phẩm chức năng dự phòng nhiễm H. pylori bước đầu cho thấy có hiệu quả dự phòng trên người tình nguyện [23]. Nhằm tạo ra nguyên liệu chế tạo các chế phẩm dự phòng nhiễm H. pylori tại Việt Nam theo phương pháp miễn dịch thụ động, đề tài “Nghiên cứu chế tạo globulin miễn dịch từ trứng gà (IgY) kháng urease của vi khuẩn Helicobacter pylori” được thực hiện với những mục tiêu sau: 1. Tách chiết urease của vi khuẩn Helicobacter pylori phân lập từ bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng. 2. Chế tạo globulin miễn dịch từ trứng gà (IgY) kháng urease của vi khuẩn Helicobacter pylori. 3. Đánh giá khả năng dự phòng nhiễm Helicobacter pylori trên động vật thực nghiệm của IgY kháng urease.