ĐẶT VẤN ĐỀ Ngày nay, bệnh tim mạch ở phụ nữ mang thai đang có xu hướng tăng nhanh ở những nước phát triển và đang phát triển. Tăng huyết áp ở người phụ nữ mang thai kèm theo protein niệu (tiền sản giật TSG) là một trong những nguyên nhân quan trọng liên quan chặt chẽ đến tăng tỉ lệ bệnh tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim...) trong và sau sinh; làm thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tử vong cho thai cũng như người mẹ mang thai... Hiện nay, phụ nữ mang thai cần được khám, đánh giá chức năng tim mạch định kỳ, việc sử dụng các phương pháp đánh giá không xâm nhập và có hại đến mẹ và thai nhi là một yêu cầu cần thiết, các phương pháp đánh giá không xâm nhập trong đó siêu âm là phương pháp được lựa chọn tối ưu nhất. Siêu âm Doppler tim là một phương pháp không xâm nhập, an toàn, rẻ tiền cho hiệu quả cao trong việc đánh giá được toàn bộ hình thái, cấu trúc và chức năng tim của người mẹ mang thai và vai trò của siêu âm, nhất là siêu âm Doppler mô cơ tim trong việc đánh giá biến đổi hình thái, cấu trúc và sự suy giảm chức năng tâm trương thất trái ở phụ nữ mang thai đã và đang được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao, nhưng ở Việt Nam lại chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm hai mục tiêu: 1. Khảo sát các thông số về hình tháí, chức năng và huyết động thất trái bằng siêu âm Doppler tim ở phụ nữ mang thai bình thường, tiền sản giật. 2. Tìm mối liên quan giữa các thông số về hình thái, chức năng và huyết động thất trái với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở phụ nữ mang thai bình thường, tiền sản giật. * Những đóng góp của luận án: Đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên tương đối đầy đủ về các biến đổi về các thông số hình thái, chức năng và huyết động của phụ nữ mang thai bình thường (MTBT) và tiền sản giật (TSG) ở Việt Nam với những đóng góp mới như sau: 1. Phì đại đồng tâm (PĐĐT) thất trái ở phụ nữ MTBT tăng dần theo thời gian mang thai, nhất là ở phụ nữ mang thai bị TSG thì tỉ lệ và mức độ PĐĐT cao hơn nhóm phụ nữ mang thai bình thường (p< 0,001). Suy giảm chức năng tâm trương (CNTTr) thất trái ở phụ nữ mang thai TSG cũng cao hơn nhóm MTBT có ý nghĩa thống kê (p< 0,001). Sự thay đổi huyết động ở người phụ nữ MTBT: đó là tỉ lệ cung lượng tim (CO) tăng dần và tỉ lệ tăng tổng kháng mạch ngoại vi giảm dần từ 3 tháng đầu so với 3 tháng cuối. Nhất là, tỉ lệ tăng tăng tổng kháng mạch ngoại ở nhóm mang thai bị TSG cao hơn so với nhóm MTBT tới 19,7 lần (p < 0,001). Sự thay đổi trên liên quan chặt chẽ đến tổn thương tim mạch và các biến chứng quan trọng khác trong quá trình mang thai, sinh con và có thể sau sinh con một thời gian dài.