ĐỀ BÀI: Trong diễn văn kỷ niệm 105 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: Người là hiện thân sáng chói của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là mẫu mực của tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, đổi mới và sáng tạo. Hãy phân tích và chứng minh nhận định trên, liên hệ với thực tiễn Việt Nam hiện nay. BÀI LÀM Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ thiên tài và muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam; anh hùng giải phóng dân tộc; danh nhân văn hóa thế giới. Hơn 60 năm, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đến với chủ nghĩa Mác Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền cộng hòa dân chủ Việt Nam và mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với thế giới vĩnh hằng hơn 40 năm, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản to lớn và vô cùng quý giá đó là tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chính trị đặc sắc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và bao trùm trong di sản tư tưởng của Người. Tư tưởng đặc sắc ấy thể hiện nhất quán mục tiêu của con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn, nó đáp ứng được yêu cầu bức xúc của dân tộc và khát vọng của quần chúng nhân dân là giành được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; giải phóng cuộc đời khổ đau dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc, thực dân và đưa đất nước từ lầm than, nô lệ tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Vì vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quản nguy hiểm hy sinh, đem hết sức lực, trí tuệ và tài năng cống hiến cho dân, cho nước; Người thực sự là hiện thân sáng chói của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là mẫu mực của tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới và sáng tạo (nhận định của Đảng ta tại Diễn văn kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Người). Để làm sáng tỏ nhận định trên, chúng ta trở về với lịch sử từ những năm đầu của thế kỷ XX, thời kỳ mà đế quốc Pháp đã áp đặt chế độ cai trị thực dân chuyên chế hà khắc và hết sức tàn bạo lên toàn bộ lãnh thổ của đất nước ta. Chế độ phong kiến suy tàn, công khai cấu kết và làm tay sai cho thực dân, đế quốc. Với bản chất của một tên đế quốc, một kẻ xâm lược, thực dân Pháp đã ra tay vơ vét tài nguyên và bóc lột nặng nề, đồng thời biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của chính quốc. Sự vơ vét, bóc lột của chúng làm cho nhân dân lao động, trước hết là nông dân bị bần cùng hóa, cuộc sống vô cùng khổ đau, cơ cực. Không những thế chúng còn áp dụng chính sách ngu dân, khuyến khích văn hóa nô dịch... nhằm kìm hãm nhân dân ta trong vùng tăm tối để chúng dễ bề cai trị. Trước tình hình đó, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống Pháp và bè lũ tay sai của chúng diễn ra liên tục và sôi nổi ở khắp nơi, nhưng đều không mang lại kết quả (cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm nhưng đã thất bại vào năm 1913; phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc; cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại...), lúc này cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Trước cảnh nước mất, nhà tan, với tầm nhìn và trí tuệ của một thiên tài, Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã khẳng định: Phải tìm một con đường khác mới có thể giành lại độc lập cho dân tộc(1). Bởi Người thấy rằng, con đường mà các chí sĩ yêu nước đã bàn, đã làm (Đông du để dựa vào Nhật, vào Tàu hoặc Tây du để nhờ cậy vào chính nước Pháp để đánh thực dân Pháp, đều không được). Vì vậy, Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.