Hiện nay các vấn đề liên quan tới môi trường đang rất được quan tâm cả ở Việt Nam và trên thế giới. Trong đó vấn đề đầu tiên được quan tâm đó là việc phân tích chất lượng của môi trường đặc biệt là môi trường nước và không khí. Đối với môi trường nước, có rất nhiều phương pháp để phân tích chất lượng của nó, trong đó phổ biến nhất là phương pháp sắc ký. Đây là phương pháp tốt nhất hiện nay để đánh giá về dư lượng các chất độc hại trong nước. Tuy vậy, chi phí cho phương pháp này khá tốn kém, hơn nữa thời gian thực hiện một phép đo là khá lâu. Bên cạnh đó, phương pháp tán xạ Raman tăng cường bề mặt là một phương pháp đang được nghiên cứu rất nhiều vì nó có khả năng phân tích chất lượng của môi trường đặc biệt là môi trường nước một cách nhanh chóng và ít tốn kém. SERS là phương pháp làm tăng cường độ tín hiệu Raman lên nhiều lần. Đó là kết quả của sự tăng cường trong tán xạ Raman do phân tử hấp thụ trên bề mặt thô nhám của kim loại. Từ khi tán xạ Raman tăng cường bề mặt được nghiên cứu, các kết quả cho thấy hiệu quả của SERS về cả lý thuyết lẫn thực nghiệm trong nhiều lĩnh vực bao gồm điện hoá học, vật lý, khoa học vật liệu, khoa học bề mặt, công nghệ nano và khoa học sự sống. Với việc phát hiện được vết của các phân tử hữu cơ, SERS có thể giúp ta phát hiện được dư lượng chất hữu cơ độc hại trong thực phẩm. Với việc phát hiện được vết của các virut, SERS có thể giúp ta chuẩn đoán bệnh tật. Các thí dụ nói trên về ứng dụng của SERS đã cho thấy SERS rất đáng được nghiên cứu và ứng dụng. Xuất phát từ việc muốn tiếp tục phát triển đề tài khoa học “Nghiên cứu tổng quan về khả năng ứng dụng của phương pháp tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS) cho việc đánh giá chất lượng môi trường nước” mà tôi và cộng sự của mình đã hoàn thành vào năm học 2016 2017. Cụ thể là nghiên cứu chế tạo đế SERS và sử dụng phân tích một số chất độc hại trong nước. Tôi đã quyết định chọn đề tài “Ứng dụng của đế SERS trong cảm biến quang phát hiện một số chất độc hại có trong nước, thực phẩm và đồ uống” cho khóa luận tốt nghiệp của mình.