A MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Lịch sử tư tưởng chính trị là môn học thuộc chuyên ngành chính trị học nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển và thay thế lẫn nhau của những quan điểm, tư tưởng và học thuyết chính trị diễn ra trong lịch sử. Là một bộ phận của hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội, các học thuyết chính trị phản ánh các mối quan hệ chính trị xã hội đặc biệt giữa các giai cấp dân tộc và các quốc gia dân tộc xoay quanh vấn đề giành giữ, tổ chức và thực thi quyền lực chính trị diễn ra trong lịch sử cũng như thái độ của giai cấp, dân tộc đối với quyền lực chính trị mà tập trung ở quyền lực nhà nước qua các thời đại lịch sử. Qua đó, lịch sử tư tưởng chính trị góp phần làm sáng tỏ nội dung ý nghĩa của thực tiễn đấu tranh chính trị, đúc rút những bài học kinh nghiệm phong phú đồng thời trang bị cho người học hệ thống tri thức, khả năng nhìn nhận và đánh giá đúng đắn những hiện tượng, quá trình chính trị ở hiện tại và tương lai. Trong kho tàng phong phú và đa dạng của tư tưởng thế giới có sự hiện diện của tư tưởng chính trị Việt Nam với tư cách là một bộ phận cấu thành khăng khít. Được hình thành và phát triển qua chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tư tưởng chính trị Việt Nam hàm chứa những nội dung, sắc thái độc đáo và chiếm vị trí quan trọng trong dòng chảy tiến hoá chung của nhân loại. Do đó, nghiên cứu những tư tưởng chính trị Việt Nam được hình thành và phát triển trong lịch sử nhằm làm rõ nguồn gốc, nguyên nhân, nội dung; đánh giá những giá trị tích cực và hạn chế của các tư tưởng để vận dụng và phát huy những giá trị đó trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài ra, việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị còn là yêu cầu khách quan để nắm bắt tri thức chuyên ngành đối với sinh viên Khoa Chính trị học.