Trong thời đại quốc tế hóa và toàn cầu hóa hiện nay các Ngân hàng thương mại có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Công cuộc đổi mới đã tạo cơ hội cho sự phát triển rất nhiều hoạt động kinh tế, nổi bật phải kể đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, với sự bùng nổ các NHTM cổ phần trong nước và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua. Các ngân hàng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ chính các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính như: các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…. Do đó thành công của ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực trong việc xác định các dịch vụ tài chính mà xã hội có nhu cầu, thực hiện các dịch vụ đó một cách hiệu quả và bán chúng với một mức giá cạnh tranh. Sức mạnh của cạnh tranh làm thay đổi dịch vụ mà ngân hàng cung ứng, thay đổi vai trò của các NHTM trong hệ thống tài chính, từ đó dẫn đến thay đổi cơ cấu của các NHTM. Như vậy, để tăng tính cạnh tranh của các NHTM cần phải phát triển một cách toàn diện hoạt động của ngân hàng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh việc phát triển những dịch vụ mới như tư vấn tài chính, bảo hiểm, các ngân hàng còn phát triển dịch vụ cũ theo hướng mới, đặc biệt là cho vay tiêu dùng. Trước đây, hầu hết các ngân hàng không tích cực cho vay với cá nhân và hộ gia đình vì ngân hàng cho rằng các khoản cho vay tiêu dùng nói chung có quy mô rất nhỏ nhưng rủi ro vỡ nợ tương đối cao, do đó làm cho chúng trở nên có mức sinh lời thấp. Đầu thế kỷ 20, các ngân hàng bắt đầu dựa nhiều hơn vào tiền gửi của khách hàng để tiến hành cho vay thương mại. Sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giành giật tiền gửi và cho vay đã buộc các ngân hàng phải hướng vào người tiêu dùng như là một khách hàng trung thành. Cùng với sự phát triển của thời gian, nhiều công ty chuyên môn hoá như các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các công ty tài chính đã tham gia vào thị trường tài chính để cung cấp cho người tiêu dùng mà trước đây lĩnh vực này do công ty tài chính và ngân hàng thực hiên. Từ đó, cho vay tiêu dùng đã chính thức ra đời và đi vào hoạt động trong nghiệp vụ ngân hàng. Một yếu tố khách quan khác làm cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển là xuất phát từ mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Thông qua các mối quan hệ này, ngân hàng thấy được nhu cầu từ phía các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Các nhà sản xuất cần có sự hỗ trợ để gia tăng số lượng hàng hoá tiêu thụ, người tiêu dùng cần tìm người tài trợ cho các nhu cầu của mình. Như vậy, với xu hướng ngày càng phát triển của nền kinh tế thế giới, nhu cầu đòi hỏi của người dân ngày càng cao, phục vụ cho đời sống xã hội, sự hình thành và phát triển của cho vay tiêu dùng là một tất yếu khách quan, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng và làm tăng mối quan hệ bền vững giữa ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan tới việc cho vay tiêu dùng và phát triển các hoạt động này chưa được nghiên cứu nhiều và có hệ thống. Đây có thể được coi là một trong những hạn chế đang gây khó khăn cho việc phát triển cho vay tiêu dùng ở Việt Nam nói chung và ở Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hà Thành nói riêng. 2. Mục đích nghiên cứu Nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tác giả đã lựa chọn đề tài “Phát triển cho vay tiêu dùng tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Thành” để nghiên cứu và luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc phát triển cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng và sức cạnh tranh của các NHTM, đồng thời đưa ra một số giải pháp để thực hiện phát triển sản phẩm cho vay này tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Thành. Để đạt được mục tiêu đó, luận văn có nhiệm vụ: - Làm rõ việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng là đòi hỏi tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển của các NHTM. Hệ thống hóa và xác định rõ những nội dung kiến thức cần được trang bị để có thể phát triển CVTD. - Đánh giá thực trạng việc phát triển cho vay tiêu dùng tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Thành trong thời gian qua. Những kết quả đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân. - Trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại Chi nhánh Hà Thành trong những năm tới.