Axít clohidric (HCl) và nitoric (HNO3) là những những nguyên liệu có vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp. Các axít này được sử dụng để tổng hợp vật liệu, hóa chất, phân bón, mạ kim loại, chế tác kim loại, sản xuất ô tô, xe máy và sản xuất thép. Do tính chất dễ bay hơi của HCl và HNO3, nên sự xuất hiện của HCl và HNO3 trong không khí nơi sản xuất và các khu vực xung quanh nơi sản xuất ngày một lớn. HCl và HNO3 trong không khí đã ăn mòn bề mặt các công trình kiến trúc nhà ở, cầu đường, mái lợp kim loại, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thực vật, sức khỏe con người và gia súc. Ở Việt Nam, hiện nay vẫn đang sản xuất trên các các dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu các trang thiết bị xử lý môi trường, do vây người lao động có nguy cơ tiếp xúc với khí độc hại, trong đó các hơi axít HCl và HNO3 là rất cao; Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng tỉ lệ người lao động mắc các bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với HCl và HNO3. Mức độ gây tổn hại đến sức khỏe người lao động tùy thuộc vào nồng độ và thời gian tiếp xúc HCl và HNO3 có trong môi trường không khí khu vực làm việc. Để xác định nồng độ HCl và HNO3 trong không khí, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều phương pháp lấy mẫu và phương pháp phân tích khác nhau. Việt Nam hiên nay sử dụng các phương pháp lấy mẫu và xác định HCl và HNO3 trong không khí còn lạc hậu, kém chính xác và mất nhiều thời gian; Các phương pháp này không phù hợp với quy định của các nước trên thế giới. Để khắc phục những yếu điểm trên, với mong muốn xây dựng phương pháp xác định HCl và HNO3 trong không khí chính xác, phù hợp với xu hướng hội nhập thế giới, chúng tôi đã lựa chọn đề tài nghiên cứu “Đánh giá mức độ ô nhiễm HCl và HNO3 trong môi trường không khí làm việc và nguy cơ rủi ro sức khỏe”.