Người thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, điều hành một cộng đồng, một đơn vị theo định hướng được lựa chọn với mục tiêu cần đạt. Ở cấp độ khác nhau, ngành, lĩnh vực khác nhau, mỗi đơn vị với quy mô khác nhau, hoạt động hướng đích hay mục tiêu cần đạt tới cũng khác nhau. Vì vậy, hoạt động của mỗi nhà lãnh đạo, quản lý nếu không gắn với mục tiêu cần đạt của tổ chức, của đơn vị sẽ trở thành loại hoạt động tự thân. Cho nên mỗi nhà lãnh đạo, quản lý, với tư cách người có thẩm quyền, nhiệm vụ, cần xác định đúng đắn những mục tiêu cho đơn vị và tổ chức, dẫn dắt cộng đồng dưới quyền hướng tới mục tiêu đã được lựa chọn. Mà, đối tượng hướng đính của lãnh đạo, quản lý là con người xã hội, con người lại là một thực thể đa dạng về tâm lý, tính cách, nhu cầu lợi ích, thói quen … do vậy lãnh đạo, quản lý cũng đa dạng, phong phú, năng động, linh hoạt; không được máy móc, cứng nhắc, rập khuôn; đòi hỏi phải có văn hóa ứng xử, văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ cao của người lãnh đạo và người bị lãnh đạo, quản lý. Người lãnh đạo, quản lý phải chú ý, biết kết hợp hài hòa giữa phong cách lãnh đạo, quản lý khác nhau tương ứng với từng tình huống, từng đối tượng trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Việc áp dụng một kiểu phong cách lãnh đạo nào đó vào trong hoạt động lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn không đơn giản, mà đòi hỏi người quản trị phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để tìm ra kiểu phong cách thích hợp tùy vào điều kiện, tình huống cụ thể của đơn vị, cơ quan. Người lãnh đạo, quản lý cần nắm vững khoa học và nghệ thuật trong giao tiếp để thực hiện hoạt động gián tiếp nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý là dẫn dắt, định hướng; huy động, phối hợp sức mạnh của mọi người và tập thể để thực hiện mục tiêu của tổ chức; vì có tính gián tiếp nên hoạt động lãnh đạo, quản lý thường tiến hành chủ yếu thông qua hoạt động giao tiếp. Giao tiếp là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý; đó là một vấn đề mang tính khoa học và nghệ thuật. Một vấn đề quan trọng nữa trong lãnh đạo, quản lý là cách dùng người để thực thi mục tiêu của đơn vị, tổ chức, vì lãnh đạo, quản lý không thể làm tất cả, thành công là nhờ dùng người. Nó đòi hỏi phải hiểu cấp dưới, biết phân công, phân cấp công việc cho phù hợp với sở trường, sở đoản của từng đối tượng; biết phát hiện, sử dụng người; đào tạo, bồi dưỡng, động viên, khích lệ… thể hiện đúng như một người nhạc trưởng trong chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Từ đó, ta thấy lãnh đạo, quản lý không còn là một vấn đề đơn thuần nữa, mà đã trở thành một khoa học và nghệ thuật trong lãnh đạo quản lý. Từ tất cả dẫn dắt trên em chọn nghiên cứu Chuyên đề: “Khoa học và nghệ thuật trong lãnh đạo, quản lý, vận dụng vào thực tiễn của cơ quan”.