KTNN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT XH. Nó cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người; nguyên nhiên liệu để phát triển công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến), tiểu thủ công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nông nghiệp và nông thôn là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Ngoài ra, nông nghiệp còn cung cấp khối lượng hàng hoá lớn để xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước; cung cấp lao động phục vụ công nghiệp và các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội; trực tiếp tham gia vào việc giữ vững cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của đại đa số dân cư; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định CT XH. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, đại đa số là nông dân. Với những điều kiện như: Đất đai màu mỡ, sông ngòi dày đặc, nhiều đồng bằng rộng lớn, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước,… Đây là một số yếu tố thuận lợi để phát triển KTNN tại Việt Nam. Nhận thức được tiềm năng và vai trò của KTNN, từ khi ĐCSVN ra đời, bên cạnh việc đề cao vai trò của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng cũng đề ra chủ trương đấu tranh toàn diện, lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển kinh tế. Đến Đại hội lần thứ V (1982) ĐCSVN xác định lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng tiếp tục đề ra chủ trương: Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Có thể thấy, ĐCSVN rất coi trọng phát triển KTNN, đây là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực hiện đường lối trên, KTNN Việt Nam thời kỳ đổi mới đạt nhiều thành tựu: Từ chỗ nhập lương thực, thực phẩm đến chỗ nhiều mặt hàng nông sản chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước; đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn thay đổi lớn… Tuy nhiên, những thành quả ấy chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong vài năm trở lại đây (năm 2015 đến 2017), đồng bằng Sông Cửu Long một trung tâm cung ứng nông sản hàng đầu của cả nước đang đứng trước những khó khăn lớn. Hiện tượng khô hạn và xâm ngập mặn nghiêm trọng đã, đang và sẽ diễn ra làm năng suất, sản lượng các loại nông sản giảm sút. Quá trình đô thị hóa cả nước ngày càng mạnh làm cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Thực trạng trên làm cho vấn đề an ninh lương thực cần phải được quan tâm hơn nữa. Quảng Ngãi là tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Bên cạnh những tiềm năng chung của cả nước để phát triển KTNN thì Quảng Ngãi có những đặc điểm riêng như: Địa hình ở đây chia thành 3 vùng (miền núi trung du, đồng bằng và ven biển), đây vừa là yếu tố khó khăn nhưng vừa là điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, tạo ra nhiều nông sản đặc trưng. Với việc vận dụng sáng tạo đường lối phát triển KTNN của ĐCSVN và phát huy được lợi thế của tỉnh, KTNN Quảng Ngãi thời kỳ đổi mới đạt được nhiều thành tựu song cũng gặp không ít khó khăn cần được giải quyết như: Quy mô sản xuất nhỏ bé, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế; việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên nông nghiệp chưa tốt; đời sống của người dân ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tỉ lệ lao động nông nghiệp chiếm 47% nhưng chỉ cung cấp 14% GĐP của tỉnh (thống kê năm 2015)... Từ thực tế trên, việc nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi về phát triển KTNN trong quá khứ để đúc kết kinh nghiệm nhằm thúc đẩy KTNN địa phương phát triển theo chiều sâu là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Với lý do trên, tôi quyết định chọn đề tài “Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp từ năm 2005 đến năm 2015” để làm Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam.