1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Đề khảo sát đội tuyển học sinh giỏi lớp 8 môn văn

6 306 1

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 6
Dung lượng 23,89 KB

Nội dung

3,0 điểm A/ Yêu cầu về kỹ năng: Học sinh viết bài văn trình bày cảm nhận về thơ có bố cục rõ ràng, dùng từ trong sáng, viết câu linh hoạt; thể hiện những cảm nhận sâu sắc về giá trị nội

Trang 1

TRƯỜNG THCS TAM DƯƠNG ĐỀ THI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI LỚP 8

NĂM HỌC 2017-2018 Môn: Ngữ văn 8

Thời gian làm bài: 120 phút

Đề thi này gồm 01 trang

Câu 1 (3,0 điểm) Trong bài thơ “Mặt trời xanh của tôi”, nhà thơ Nguyễn Viết

Bình có viết:

“ Đã có ai lắng nghe Tiếng mưa trong rừng cọ Như tiếng thác dội về Như ào ào trận gió

Đã ai lên rừng cọ Giữa một buổi trưa hè Gối đầu lên thảm cỏ Nhìn trời xanh, lá che

Đã có ai dậy sớm Nhìn lên rừng cọ tươi

Lá xoè từng tia nắng Giống hệt như mặt trời

Rừng cọ ơi! Rừng cọ!

Lá đẹp, lá ngời ngời Tôi yêu thường vẫn gọi Mặt trời xanh của tôi ”

Trình bày cảm nhận của em khi đọc những dòng thơ trên.

Câu 2 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về câu nói của Fran KA.Clark:“Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ”.

Câu 3 (5,0 điểm) Nhận xét về Văn học hiện thực phê phán 1930-1945, có ý kiến

cho rằng: “Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn”.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

-HẾT -Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ tên thí sinh SBD:

ĐỀ CHÍNH THỨC

Trang 2

TRƯỜNG THCS TAM DƯƠNG HDG ĐỀ KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI LỚP 8

Năm học: 2017-2018 Môn: Ngữ văn

HDC này gồm 04 trang

Câu 1 (3,0 điểm)

A/ Yêu cầu về kỹ năng:

Học sinh viết bài văn trình bày cảm nhận về thơ có bố cục rõ ràng, dùng từ trong sáng, viết câu linh hoạt; thể hiện những cảm nhận sâu sắc về giá trị nội dung, nghệ thuật của những dòng thơ được nêu trong đề bài

B/ Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, có những phát hiện và cảm thụ riêng nhưng cần nêu được các ý cơ bản sau:

- Nội dung: Những cảm nhận độc đáo, mới mẻ nhưng cũng hết sức gần gũi thân thiết của tác giả với rừng cọ, qua đó bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ

- Nghệ thuật: độc đáo trong phát triển tứ thơ (từ hướng ngoại chuyển sang mạch thơ hướng nội), ngôn ngữ thơ bình dị kết hợp với thể thơ ngũ ngôn tạo ra cuộc trò chuyện gần gũi thân mật, nghệ thuật so sánh, hình ảnh thơ mang tính biểu tượng,

- Ba khổ thơ đầu tưởng như tác giả ghi lại cuộc trò chuyện với một người bạn nào

đó về rừng cọ quê hương:

+ Đại từ “ai” lặp lại ba lần Cách hỏi trống “Đã…ai” mở đầu cả ba khổ thơ tạo ra cảm giác hướng ngoại của tứ thơ Nhà thơ như đang hướng về người bạn của mình để

muốn biết về những cảm giác thu nhận được từ thính giác, thị giác khi đắm mình trong rừng cọ quê hương

+ Hai câu thơ cuối ở mỗi khổ thơ là lời đáp của bạn ghi lại cảm xúc vừa mạnh mẽ vừa khoáng đạt khi đó (thác dội về, thảm cỏ,…), ở đấy tiếng mưa cũng khác thường, bừng bừng một sức sống “như ào ào trận gió” Sự giao cảm giữa thiên nhiên và con người đã đạt đến độ hài hoà “nhìn trời xanh, lá che…”

+ Ở khổ thơ thứ ba cụm từ “rừng cọ tươi” bao la, tứ thơ đột ngột thu lại trong hình ảnh một chiếc lá cọ:

“Lá xoè từng tia nắng Giống hệt như mặt trời”

Hình ảnh thơ tạo lại dáng chiếc lá cọ rất đúng, rất đẹp và cũng rất bất ngờ: Lá cọ xoè ra nhiều phiến như lá như tia nắng mặt trời, làm ngời lên sức sống tinh khôi, mạnh mẽ

-Tứ thơ hướng ngoại trong ba khổ đầu chuyển sang hướng nội ở khổ thơ thứ tư

Nhà thơ có sự chuyển đổi bất ngờ, từ tiếng “ai” xa lạ trở thành lời xưng hô “tôi” thân

thiết Từ câu hỏi trống “đã có ai” biến thành lời bộc bạch của chính nhân vật trữ tình:

Trang 3

“Tôi yêu thường vẫn gọi Mặt trời xanh của tôi”

Sự chuyển đổi đột ngột ấy làm bừng lên một cảm nhận mới của người đọc với cả bài thơ Đây chính là lời trò chuyện của nhân vật trữ tình

- Nhan đề bài thơ và cũng là hình ảnh khép lại bài thơ “Mặt trời xanh của tôi” vừa thực vừa độc đáo Nó phát triển và nâng cao hình ảnh thơ trong khổ thơ thứ ba Nếu ở khổ thơ trên, hình ảnh lá cọ chỉ mới tạo nên cảm giác mới mẻ “Giống hệt như mặt trời” thì ở đây nó đã trở thành một biểu tượng thực sự cho vùng đất miền trung du Một khám phá rất trẻ thơ nhưng cũng rất độc đáo, sáng tạo

C Thang điểm:

- Điểm 2,5 -3,0: Đáp ứng được những yêu cầu trên, phân tích cảm nhận sâu sắc,

văn viết có hình ảnh, có cảm xúc Có thể còn một vài sai sót nhỏ

- Điểm 1,5-2,0: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên, diễn đạt tương đối tốt, còn mắc lỗi dùng từ đặt câu

- Điểm 0,5-1,0: Đáp ứng được 1/3 yêu cầu trên, diễn đạt chưa hay nhưng thoát ý, mắc lỗi dùng từ đặt câu

Câu 2 (2,0 điểm)

Đoạn văn đảm bảo nội dung:

- Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao: khát vọng hướng tới những cái đích của

đời người, làm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

- nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ:

không ý thức được rằng những việc lớn bao giờ cũng phải bắt đầu từ nhiều việc nhỏ, như những dòng sông được tạo thành từ nhiều con suối

- Mơ ước làm nên điều lớn lao là nguyện vọng chính đáng của mọi người, cần được tôn trọng, động viên, khuyến khích.

- Nhưng phải luôn ý thức:

+ Một nhân cách hoàn thiện vốn được bồi đắp từ những việc làm rất nhỏ, nhất là những hành vi đạo đức, lối sống Ý nghĩa của cuộc sống cũng được kiến tạo từ những điều đơn sơ, bình dị.

+ Phê phán lối sống, cách nghĩ, lời nói ngụy biện: vì việc lớn mà quên việc nhỏ, muốn trở thành vĩ nhân mà quên mình cũng là một con người bình thường.

- Thường xuyên rèn luyện đức tính kiên nhẫn, bắt đầu từ những việc làm nhỏ để có thể hướng tới những điều lớn lao.

Trang 4

Câu 3 (5,0 điểm)

A.Về kĩ năng:

Học sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài, biết cách làm bài nghị luận văn học, chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu để phân tích, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề Bố cục rõ ràng, cân đối, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu; văn viết có cảm xúc

B.Về kiến thức:

Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng nêu được những nội dung

cơ bản sau:

I Giải thích nhận định

- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam Nam Cao xuất hiện trên văn đàn hiện thực phê phán khá muộn, nhưng ông đã nhanh chóng trở thành gương mặt tiêu biểu với những sáng tác về người nông dân và người trí thức tiểu tư sản Các tác phẩm của ông đã phản ánh chân thực tình trạng bần cùng hoá, lưu manh hoá của người nông dân; tình trạng bế tắc, tuyệt vọng vì gánh nặng cơm áo, cam chịu kiếp

“sống mòn”, “chết mòn” của các nhà văn, những giáo khổ trường tư

- Mặt khác Nam cao còn là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn Ngòi bút của Nam Cao đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ của những kiếp người bất hạnh; tố cáo tội ác của thực dân phong kiến Nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất người ẩn sau cuộc sống bế tắc, bần cùng

- Trong truyện ngắn “Lão Hạc”, ngoài nhân vật chính Lão Hạc, nhân vật “tôi” – ông giáo – Người kể chuyện, cũng thể hiện sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác

II Phân tích, chứng minh:

- Trong truyện ngắn Lão Hạc, bên cạnh nhân vật chính - một điển hình xuất

sắc về người nông dân Việt Nam trước 1945, nhân vật ông giáo tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng lại mang nhiều giá trị hiện thực rõ nét:

+ Đây là nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp trí thức tiểu tư sản nước ta trước Cách mạng, cụ thể là những người dạy học mà tác giả gọi là những “giáo khổ trường tư” Đó là những trí thức nghèo khổ, sống lay lắt bằng đồng lương ít ỏi Cuộc sống họ cũng chẳng hơn gì cuộc sống của người nông dân, cũng bấp bênh, túng quẫn và bế tắc Trong truyện,

gia đình ông giáo thường xuyên rơi vào cảnh “cùng đường đất sinh nhai”, con cái nheo nhóc, bệnh tật liên miên, vợ “khổ quá rồi” đến nỗi “cái bản tính tốt” của thị “bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”

+ Trong hoàn cảnh đời sống chật vật, túng thiếu, quẩn quanh ấy, các nhân vật trí thức của Nam Cao thường rơi vào bi kịch giữa lí tưởng cao đẹp và hiện thực khốn cùng

trói buộc, giữa khát vọng lớn lao với chuyện áo cơm ghì sát đất Ông giáo trong Lão Hạc là một tiêu biểu cho bi kịch này của những “giáo khổ trường tư” nước ta trước Cách

mạng Ông giáo “tôi” cũng từng có “một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng” và rồi sau nhiều lần “cùng đất sinh nhai”, con cái ốm đau nheo

Trang 5

nhóc, vợ “khổ quá rồi”, những ước mơ, hoài bão của thời trai trẻ ấy chỉ còn trong “cái kỉ niệm của một thời”, đã ngủ yên trong kí ức và sau này chưa một lần ông giáo nhắc lại

- Trong Lão Hạc, ông giáo “tôi” tuy là nhân vật phụ nhưng lại được tác giả dụng công xây dựng, và do đó mang nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc:

+ Giá trị ấy trước hết được biểu hiện ở tấm lòng cảm thông, thương xót đối với những con người bất hạnh, khổ đau, cùng cực Trong truyện, ông giáo là kẻ bầu bạn, người được trao gửi, nhân chứng gần gũi của lão Hạc, bởi ông giáo là người bạn an ủi trong lúc tuổi già hiu quạnh duy nhất của lão Hạc; là người biết thấu hiểu, cảm thông với

hoàn cảnh trống vắng, buồn tủi khi “Vợ lão chết rồi Con trai lão đi bằn bặt” bằng cách

thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, chia sẻ với lão bạn già khốn khổ của mình những niềm vui đơn sơ của người nghèo như củ khoai luộc, điếu thuốc lào, ấm chè đặc

+ Hình tượng nhân vật ông giáo xưng “tôi” trong Lão Hạc còn mang một giá trị

nhân đạo khác, thể hiện ở tác giả một nhân sinh quan tốt đẹp, một quan niệm hết sức tiến

bộ về cách nhìn nhận, đánh giá con người Đó là cái nhìn thấy điểm sáng trong cả góc khuất tâm hồn con người, nhìn nhận con người bằng những mặt tích cực, bằng thái độ bao dung, “gạn đục khơi trong” để thấy những điều đáng trân trọng ở mỗi người, dù họ có thế

nào đi nữa Nam Cao viết : “Chao ôi ! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những

cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương” Trong Lão Hạc, ông giáo đã có được cái nhìn nhân văn ấy khi nghĩ về lão

bạn già và người vợ của mình

Với lão Hạc, khi biết chuyện lão xin bã chó từ Binh Tư, lúc đầu ông giáo ngộ nhận

“Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết” Nhưng rồi khi chững kiến cái chết dữ dội mà nguyên nhân “chỉ có tôi với Binh Tư hiểu”, ông giáo mới vỡ lẽ ra nhiều

điều Từ chỗ hiểu nhầm, ông giáo càng hiểu hơn, kính trọng hơn ở lão bạn nghèo khổ khốn cùng của mình một nhân cách cao đẹp

Với vợ mình, ngay từ đầu ông giáo đã có cái nhìn này Trong truyện, khi “tôi nói chuyện lão với vợ tôi Thị gạt phắt đi” Vợ ông giáo đã nói về lão Hạc bằng những lời hằn

học Thế nhưng không vì thế mà ông giáo giận vợ, trái lại ông chỉ thấy buồn Bởi ông

hiểu rằng “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi… Cái bản tính tốt của người ta thường

bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” Rõ ràng, ông giáo nhìn thấy được cái

nguyên nhân sâu xa của những ích kỉ, nhỏ nhen, hằn học của vợ mình Nhưng trên hết, nhân vật này biết nhìn vào nỗi đau khổ của vợ mà cảm thông, bao dung đồng thời có một niềm tin sâu sắc, bền bỉ vào bản tính lương thiện, tốt lành của con người, dù nó có bị những lo toan, vất vả, khổ đau che khuất mất

III Đánh giá:

- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của văn học hiện đại Việt Nam

- Trong truyện ngắn Lão Hạc, nhân vật ông giáo tuy chỉ đóng vai trò phụ nhưng lại

là một hình tượng nghệ thuật thành công của Nam Cao, bên cạnh điển hình xuất sắc là lão Hạc

- Ở nhân vật ông giáo, giá trị hiện thực và nhân đạo được biểu hiện khá rõ nét

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc tinh tế; nghệ thuật kể chuyện kết hợp với miêu tả, biểu cảm, bình luận Nhân vật “tôi” trở thành kiểu nhân vật tư tưởng thay nhà văn phát biểu lên những tuyên ngôn về cuộc sống một cách tự nhiên, thấm thía

Trang 6

Lưu ý:

- HDC chỉ là một cách giải quyết vấn đề HS có thể trình bày theo cách khác nhưng vẫn làm nổi bật trọng tâm, giám khảo căn cứ vào bài làm cụ thể của HS để cho điểm.

- Điểm các phần, các câu không làm tròn Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu thành phần.

==============================

Ngày đăng: 20/04/2018, 16:14

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w