1.1. Khái niệm giai cấp công nhân và đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân Khi sử dụng khái niệm giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dùng một số thuật ngữ khác nhau để biểu đạt khái niệm đó, như: giai cấp vô sản, giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ dựa vào việc bán sức lao động của mình, giai cấp vô sản hiện đại, giai cấp công nhân hiện đại, giai cấp công nhân đại công nghiệp,... Mặc dù vậy, về cơ bản những thuật ngữ này trước hết đều biểu thị một khái niệm thống nhất, đó là chỉ giai cấp công nhân hiện đại, con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cho phương thức sản xuất hiện đại. - Hai thuộc tính cơ bản của giai cấp công nhân: Về phương thức lao động, phương thức sản xuất, đó là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao. Về vị trí trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột về giá trị thặng dư. - Khái niệm “giai cấp công nhân” Từ hai thuộc tính cơ bản của giai cấp công nhân, chúng ta có thể định nghĩa: Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại, với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao; là lực lượng lao động cơ bản tiên tiến trong các quy trình công nghệ, dịch vụ công nghiệp, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo quan hệ xã hội; đại biểu cho lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất tiên tiến trong thời đại hiện nay. 1.2. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh. - Hai điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Do địa vị kinh tế - xã hội khách quan, giai cấp công nhân là giai cấp gắn với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới chủ nghĩa tư bản. Nó là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sau khi giành chính quyền, giai cấp công nhân, là người duy nhất có khả năng lãnh đạo xã hội xây dựng một phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bốn đặc điểm chính trị - xã hội của giai cấp công nhân quy định một cách khách quan sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân: Thứ nhất, giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong cách mạng. Thứ hai, giai cấp công nhân là giai cấp có tính cách mạng triệt để. Thứ ba, giai cấp công nhân có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Thứ tư, giai cấp công nhân có bản chất quốc tế. 1.3. Hai nhân tố chủ quan đảm bảo cho giai cấp công nhân thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử thế giới của mình - Đảng cộng sản là hạt nhân chính trị của giai cấp công nhân, sự ra đời của Đảng là mốc đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp. Chủ nghĩa Mac- Lenin khẳng định việc giai cấp công nhân có tổ chức được chính Đảng trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức là dấu hiệu đã trở thành giai cấp tự giác và đủ năng lực để thực hiện sứ mệnh lịch sử. - Bản thân giai cấp công nhân với tư cách là chủ thế thực hiện sứ mệnh lịch sử, sự phát triển giai cấp công nhân là yếu tố chủ quan quy định chất lượng và quy mô, tốc độ của quá trình này. Sự phát triển giai cấp công nhân được thể hiện ở sự phát triển về lượng và phát triển về chất. 2. Một số nét mới của giai cấp công nhân thế giới hiện nay 2.1. Sự lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề - Về số lượng, giai cấp công nhân chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu dân cư của từng nước (khoảng 15 - 30%), song lại có chiều hướng gia tăng tỷ trọng trong tổng số giai cấp công nhân trên thế giới. Bởi lẽ đa phần dân số thế giới là dân cư các nước đang phát triển. Ở các nước này, trong thế kỷ XX, giai cấp nông dân chiếm số đông, nhưng hiện nay do diễn ra quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nên giai cấp công nhân có sự gia tăng nhanh chóng. - Trình độ học vấn của giai cấp công nhân ngày càng được nâng cao, được đào tạo nghề nghiệp nhất định trong cơ cấu lao động chung. So với giai cấp nông dân và những người làm dịch vụ giản đơn, giai cấp công nhân được đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp tốt hơn. - Giai cấp công nhân đang không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Được tiếp xúc với khoa học - công nghệ tiên tiến, được rèn luyện tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp. 2.2. Sự thay đổi về chất lượng cuộc sống Do tính quy định của sản xuất hiện đại, giai cấp công nhân ngày nay có một số biểu hiện mới: trình độ văn hóa - tay nghề cao hơn; một số công nhân đã có cả tư liệu sản xuất, cổ phiếu, đời sống một bộ phận được cải thiện v.v . Song, những biểu hiện đó không làm thay đổi địa vị cơ bản của công nhân trong chủ nghĩa tư bản. Họ vẫn đang là lực lượng chủ yếu làm ra của cải cho xã hội và lợi nhuận cho các nhà tư bản; là lực lượng đối lập trực tiếp với giai cấp tư sản, bị bóc lột nhiều nhất và khoảng cách về mức thu nhập giữa họ với giới chủ ngày càng lớn. Công nhân trong các nước tư bản phát triển được trí tuệ hóa, lao động bớt nặng nhọc hơn, có chút ít cổ phần trong doanh nghiệp, thì họ càng bị ràng buộc chặt chẽ hơn vào guồng máy sản xuất của tư bản, càng bị bóc lột nặng nề và tinh vi hơn. Do đó, sứ mệnh lịch sử của họ được quy định một cách khách quan bởi địa vị kinh tế - xã hội ấy vẫn không thay đổi. II. Thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay và phương hướng phát triển 1. Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay: Thực trạng và nguyên nhân 1.1. Thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Một là, số lượng giai cấp công nhân tăng nhanh. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2009, số công nhân, lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ công khoảng từ 14 triệu đến 15 triệu người, tăng hơn 5 triệu người so với năm 2009. Dự báo đến năm 2020, lao động làm công ăn lương sẽ chiếm khoảng 50% lực lượng lao động có việc làm (27,5 triệu người); trong đó, giai cấp công nhân có khoảng 20,5 triệu người. Hai là, cơ cấu theo thành phần kinh tế của giai cấp công nhân có sự chuyển biến quan trọng. Số công nhân thuộc những ngành công nghiệp nặng vốn được xem là ưu tiên trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thời kì trước đổi mới (như luyện kim, cơ khí, khai mỏ,…) nói chung phát triển chậm. Ví dụ: công nhân ngành khai mỏ chỉ tăng từ 255.800 người năm 2000 lên 4310.200 người năm 2008. Trong khi đó, công nhân thuộc các nghành công nghệp chế biến, các ngành xây dựng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc,… đều phát triển rất nhanh. Ví dụ: số công nhân thuộc ngành công nghiệp chế biến từ trên 3,5 triệu người năn 2000 đã tang lên 6,3 triệu người năm 2008. Ba là, trình độ học vấn của một bộ phận lớn công nhân đã được nâng lên. Năm 1986 tính chung cả nước, số công nhân có trình độ trung học cơ sở là 57,5%, trung học phổ thông là 42,5%, còn cao đẳng và đại học hầu như chưa có ai. Đến giữa năm 2007, trên địa bàn Hà Nội có 850.900 công nhân. Trong đó, về học vấn: 2% công nhân có trình độ tiểu học, 17% - có trình độ trung học cơ sở, 56% - có trình độ trung học phổ thông, 25% - có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Một số ngành kinh tế mũi nhọn trình độ công nhân lao động tương đối cao. Theo số liệu thống kê của khối các doanh nghiệp trung ương Tập đoàn hàng không Việt Nam có 46,6% người lao động có tŕnh độ cao đẳng, đại học trở lên, Tập đoàn Bưu chính viễn thông tỷ lệ này khoảng 26,5%, khối ngân hàng tỷ lệ này lên đến trên 70%... Bốn là, chuyên môn tay nghề của công nhân đã được nâng cao.Năm 1996, số công nhân chưa qua đào tạo nghề là 45,7%, năm 2005 là 25,1%. Năm 2010, số lao động có trình độ đại học trở lên là 5,7 %, cao đẳng là 1,7 %, trung cấp là 3,5 %, dạy nghề 3,8 %. Tuy nhiên, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Năm là, chất lượng cuộc sống của giai cấp công nhân nhìn chung đã được cải thiện xong vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bộ phận công nhân có trình độ học vấn, tay nghề thuộc loại khá cao có thu nhập và đời sống được cải thiện đáng kể so với thời kỳ trước đổi mới. Tuy nhiên, đại đa số công nhân, nhất là công nhân lao động giản đơn có thu nhập rất thấp. Nhà nước đã từng bước thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu, thậm chí có quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm ở các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng thường không theo kịp tốc độ tăng giá của thị trường, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của công nhân. Người lao động trong các khu công nghiệp đa số chưa có chỗ ở ổn định, phải đi thuê trọ với điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Có thể thấy, giai cấp công nhân ở Việt Nam hiện nay nhìn chung đã có có sự phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, so với những yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế thì còn tồn tại không ít hạn chế như: - Trình độ học vấn của công nhân nước ta còn thấp. Mặt khác, lực lượng công nhân có trình độ học vấn cao phân bố không đồng đều, thường tập trung ở một số thành phố lớn và một số ngành kinh tế mũi nhọn. - Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu lao động kỹ thuật khá lớn. Nhiều doanh nghiệp có thiết bị công nghệ cao nhưng lại thiếu công nhân lành nghề. - Việc làm, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đáng kể công nhân còn gặp nhiều khó khan, bức xúc. - Ðịa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ. Giai cấp công nhân còn chưa phát huy hết vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. - Ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân còn yếu. Ý thức chính trị, nhận thức về luật pháp của công nhân còn hạn chế. Tỷ lệ đảng viên, đoàn viên công đoàn trong công nhân lao động còn thấp. - Tình trạng đình công, bãi công của công nhân, nhất là công nhân trong các khu chế xuất, các khu công nghiệp trong cả nước những năm gần đây ngày càng gia tăng và diễn biến theo xu hướng ngày càng phức tạp. 1.2. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém kể trên - Đảng có chú trọng xây dựng giai cấp công nhân, nhưng quan tâm chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới. Công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị cho giai cấp công nhân chưa được chú trọng đúng mức.Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng. - Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật xây dựng giai cấp công nhân, nhưng những chính sách, pháp luật này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. - Việc tổ chức và tham gia hoạt động của các tổ chức công đoàn, các tổ chức đoàn thể và chính trị - xã hội trong các hoạt động của đội ngũ công nhân còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả chưa cao... - Doanh nghiệp còn nhiều trường hợp vi phạm chính sách, pháp luật đối với người lao động. Bản thân giai cấp công đã có nhiều nỗ lực vươn lên, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đất nước. 2. Một số phương hướng cơ bản góp phần phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. 2.1. Về phía Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn, chính quyền cơ sở - Đảng cần đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ lý luận và tư duy khoa học. Đảng phải thực sự vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình; luôn giữ vững và tăng cường bản chất của giai cấp công nhân, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, các tổ chức Đảng cũng như mọi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện quan liêu, thoái hóa, biến chất, sa đọa về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, thiếu tận tụy với nhân dân. Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng trong công nhân.Chú ý hơn nữa công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ xuất thân từ công nhân để từng bước tăng tỷ lệ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng, chính quyền và đoàn thể.