1.1. Lý do chọn đề tài Từ sau Đổi mới (1986), sản xuất nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và trở thành một trong những lĩnh vực thành công nhất của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp là nguồn cung nông sản – thực phẩm dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dinh dưỡng cho người dân và yếu tố đầu vào cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Trong đó, nổi bật nhất là sản xuất lúa và xuất khẩu gạo. Sản lượng gạo xuất khẩu tăng đều qua các năm mà đỉnh điểm là năm 2012 đạt 8,1 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 3,7 tỷ đô-la Mỹ. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đổi mới diện mạo của khu vực nông thôn, đảm bảo thu nhập và an sinh xã hội. Thành tựu trên của sản xuất nông nghiệp đạt được nhờ sự đóng góp quan trọng của nhiều loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp (Ngô Thị Thuận, 2004). Doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đưa nông sản nước ta tiếp cận thị trường thế giới để làm tăng giá trị và thu hút nguồn ngoại tệ mạnh cho phát triển kinh tế, bên cạnh tạo việc làm và thu nhập cho số đông người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Để tiếp tục đảm đương trọng trách trên, các doanh nghiệp nông nghiệp rất cần vốn, bởi vốn – cùng với lao động và công nghệ – là yếu tố then chốt đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất – kinh doanh (Aghion & Howitt, 2007; Rahaman, 2011). Giống như ở nhiều nước, bên cạnh vốn tự có được bổ sung từ lợi nhuận giữ lại, các doanh nghiệp nông nghiệp nước ta còn sử dụng vốn tín dụng ngân hàng và tín dụng thương mại để tài trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư phát triển dài hạn. Kết quả nghiên cứu về doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng tích cực đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện, đặc biệt là giúp doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và tiếp cận thị trường mới nhằm làm tăng thị phần. Theo Trần Quang Tuyến (2009) và Võ Đức Toàn (2012), tín dụng ngân hàng còn giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại cũng là nguồn tài trợ quan trọng đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, bởi đây là loại hình tín dụng có truyền thống lịch sử lâu đời và rất tiện lợi trong hoạt động tài trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhất là khi hiện tượng hạn chế tín dụng hiện diện phổ biến ở nước ta như là hệ quả tất yếu của thông tin bất đối xứng, trách nhiệm hữu hạn và chi phí giao dịch. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu chỉ đề cập đến ảnh hưởng tích cực của tín dụng ngân hàng đến tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà chưa quan tâm tìm hiểu và phân tích đầy đủ tác động tiêu cực của nó. Thật vậy, việc sử dụng tín dụng ngân hàng quá mức có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi nền kinh tế bị suy thoái khiến lãi suất tăng cao, các khoản nợ ngân hàng trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp do chi phí sử dụng vốn vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp nên hiệu quả hoạt động sẽ giảm (thậm chí thua lỗ) và khả năng tăng trưởng sẽ bị hạn chế trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Do bị kích thích bởi lợi nhuận đạt được trong quá khứ nên doanh nghiệp có thể lạm dụng tín dụng ngân hàng để đầu tư (quá) dàn trải, bất chấp sự không chắc chắn về thị trường đầu ra của sản phẩm. Hệ quả là doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần dai dẳng và thua lỗ nên buộc phải thu hẹp sản xuất (thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản). Thực tiễn đó làm nảy sinh câu hỏi là phải chăng tồn tại một ngưỡng tín dụng ngân hàng tối ưu đối với tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng? Song, theo hiểu biết của tác giả, ở nước ta chưa có nghiên cứu nào kiểm chứng luận điểm này nên vấn đề vẫn còn bị bỏ ngỏ. Tuy tín dụng ngân hàng là nguồn tài trợ quan trọng nhưng không phải doanh nghiệp luôn tiếp cận dễ dàng, bởi các tổ chức tín dụng có xu hướng hạn chế cho vay do phải đối mặt với rủi ro không trả nợ từ phía khách hàng và chi phí giao dịch cao bắt nguồn từ hiện tượng thông tin bất đối xứng và trách nhiệm hữu hạn. Tín dụng thương mại có thể giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trên do doanh nghiệp cấp tín dụng thương mại có ưu thế hơn hẳn các tổ chức tín dụng trong việc giám sát và điều chỉnh động cơ (lệch lạc) của khách hàng (doanh nghiệp nhận tín dụng thương mại), qua đó giảm thiểu thông tin bất đối xứng, chi phí giao dịch và rủi ro không trả nợ. Điều đó cũng lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cấp tín dụng thương mại với các điều khoản khá dễ dãi và thuận lợi cho khách hàng (Petersen & Rajan, 1997; Cheng & Pike, 2003; Burkart & Ellingsen, 2004). Vì vậy, tín dụng thương mại trở thành hình thức tài trợ thu hút sự quan tâm của rất nhiều nghiên cứu cả lý thuyết lẫn thực nghiệm. Nhờ các điều khoản thuận lợi, tín dụng thương mại có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhận tín dụng thương mại. Thật vậy, các doanh nghiệp nhận tín dụng thương mại có thể tạm thời sử dụng vốn của doanh nghiệp cung ứng qua việc mua trả chậm hàng hóa (đặc biệt đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng hay/và không thể huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán), qua đó duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh một cách liên tục và thậm chí mở rộng quy mô (Burkart & Ellingsen, 2004). Tín dụng thương mại còn giúp doanh nghiệp tối thiểu hóa chi phí giao dịch để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp. Song, bên cạnh tính tích cực, tín dụng thương mại cũng làm nảy sinh ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp nhận tín dụng thương mại. Nếu thiếu thông tin về ý định thực sự của doanh nghiệp cấp tín dụng thương mại thì doanh nghiệp nhận tín dụng thương mại sẽ khó ứng phó với sự thay đổi (có thể rất đột ngột) của đối tác. Khi đó, cả triển vọng tăng trưởng lẫn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng xấu. Như vậy, doanh nghiệp cần sử dụng tín dụng thương mại đến mức nào sẽ là tối ưu đối với triển vọng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động (lợi nhuận) là câu hỏi thực tế rất cần câu trả lời (đặc biệt là trên phương diện thực nghiệm với sự hỗ trợ của các lý thuyết khoa học thuyết phục) nhằm giúp các doanh nghiệp hoạch định chiến lược sử dụng các nguồn vốn một cách hợp lý nhất. Tóm lại, cả tín dụng ngân hàng lẫn tín dụng thương mại đều đóng vai trò mấu chốt đối với tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng. Nếu được sử dụng một cách hợp lý, hai loại hình tín dụng này sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, các nghiên cứu về vấn đề này ở nước ta còn ít nhiều hạn chế nên chưa giúp các doanh nghiệp xác định ngưỡng tín dụng ngân hàng và tín dụng thương mại tối ưu đối với tăng trưởng và hiệu quả hoạt động. Thực tế trên khích lệ tác giả thực hiện luận án “Ảnh hưởng của tín dụng ngân hàng và tín dụng thương mại đến tăng trưởng và hiệu quả của các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam” với mục tiêu như vừa đề cập.