1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông

199 734 7

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 199
Dung lượng 2,38 MB

Nội dung

Một trong những kiểu PNXH thường được nhắc đến trong tiếng Việt hiện nay là phương ngữ theo tuổi tác, mà nổi bật là phương ngữ giới trẻ, thường được gọi với nhiều tên khác nhau như: ngôn

Trang 1

ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

-

ĐỖ THÙY TRANG

NGÔN NGỮ GIỚI TRẺ QUA PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Trang 2

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình nào khác

Tác giả luận án

Đỗ Thùy Trang

Trang 3

MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU 1

1 Lý do chọn đề tài 1

2 Mục đích nghiên cứu 2

3 Nhiệm vụ nghiên cứu 2

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3

5 Phương pháp nghiên cứu 3

6 Đóng góp của luận án 6

7 Bố cục của luận án 7

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 8

1.1 Tổn quan tìn ìn n i n cứu 8

1.1.1 Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ trên thế giới 8

1.1.2 Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ trong nước 16

1.2 Cơ sở lý luận 18

1.2.1 Phương ngữ xã hội 19

1.2.2 Truyền thông và vấn đề lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ 25

1.2.3 Giới trẻ và bối cảnh bản sắc văn hóa giới trẻ 34

1.2.4 Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ 37

Tiểu kết c ươn 1 41

CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ GIỚI TRẺ TỪ BÌNH DIỆN CẤU TRÚC 42

2.1 Đặt vấn đề 42

2.2 Tổn quát sự t ể iện n n n ữ iới trẻ qua báo mạn điện tử 42

2.3 Đặc điểm của một số ìn t ức t ể iện n n n ữ iới trẻ 43

2.3.1 Đặc điểm hiện tượng chêm xen tiếng Anh 43

2.3.2 Đặc điểm tiếng lóng giới trẻ 56

2.3.3 Đặc điểm kết cấu mới lạ trong ngôn ngữ giới trẻ 70

Tiểu kết c ươn 2 80

Trang 4

CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ GIỚI TRẺ TỪ BÌNH DIỆN

GIAO TIẾP XÃ HỘI 82

3.1 Đặt vấn đề 82

3.2 Đặc điểm lựa c ọn n n n ữ tron iao tiếp 83

3.3 Đặc điểm n ân vật iao tiếp 89

3.4 Đặc điểm o n cản iao tiếp 96

3.4.1 Hoàn cảnh giao tiếp rộng 96

3.4.2 Hoàn cảnh giao tiếp hẹp 98

3.5 Đặc điểm mục đíc sử dụn 102

3.5.1 Ngôn ngữ giới trẻ thể hiện bản sắc nhóm giới trẻ, thiết lập cộng đồng giao tiếp thanh niên 103

3.5.2 Nói giảm, nói tránh những vấn đề tế nhị 111

3.5.3 Nhấn mạnh điều muốn nói 112

Tiểu kết c ươn 3 114

CHƯƠNG 4 THÁI ĐỘ NGÔN NGỮ CỦA XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ LỰA CHỌN NGÔN NGỮ CỦA GIỚI TRẺ 116

4.1 Đặt vấn đề 116

4.2 Kết quả điều tra v b n luận 117

4.2.1 Thái độ ngôn ngữ đối với ngôn ngữ giới trẻ 117

4.2.2 Thái độ ngôn ngữ và các đặc trưng xã hội 126

Tiểu kết c ươn 4 137

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 139

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 145

TÀI LIỆU THAM KHẢO 146

Trang 5

DANH MỤC CÁC TỪ, KÍ HIỆU VIẾT TẮT

Trang 6

DANH MỤC CÁC BẢNG

Trang

Bảng 1.1 Các đặc trưng xã hội của CTV 5

Bảng 2.1 Thống kê số lượng các hình thức thể hiện của ngôn ngữ giới trẻ 43

Bảng 2.2 Phân loại các đơn vị tiếng Anh theo cấu tạo 48

Bảng 2.3 Phân loại từ ngữ tiếng Anh theo tiêu chí từ loại 50

Bảng 2.4 Phân bố từ ngữ tiếng Anh theo trường nghĩa 51

Bảng 2.5 Đối chiếu từ ngữ tiếng Anh trên báo mạng điện tử 54

Bảng 2.6 Ý nghĩa từ lóng giới trẻ 62

Bảng 2.7 Kết cấu mới lạ giới trẻ 71

Bảng 2.8 Kết cấu mới lạ cải biên truyền thống 74

Bảng 3.1 Kết quả độ tin cậy thang đo sự lựa chọn và sử dụng BTNNGT 93

Bảng 3.2 Tần suất sử dụng BTNNGT 93

Bảng 3.3 Đối tượng giao tiếp của BTNNGT 94

Bảng 3.4 Phạm vi sử dụng của BTNNGT 100

Bảng 3.5 Bảng kết quả điều tra mục đích sử dụng BTNNGT 111

Bảng 4.1 Mô tả thang đo TĐNN 118

Bảng 4.2 Tổng hợp hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha của nhóm biến quan sát 120

Bảng 4.3 Thống kê giá trị trung bình TĐNN 121

Bảng 4.4 Tương quan giữa TĐNN và giới 127

Bảng 4.5 Robust Tests of Equality of Means 130

Bảng 4.6 Tương quan giữa TĐNN và tuổi tác 130

Bảng 4.7 Robust Tests of Equality of Means 132

Bảng 4.8 Tương quan giữa TĐNN và nhóm xã hội 133

Trang 7

DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ

Trang

Biểu đồ 3.1 Tần suất sử dụng các hình thức BTNNGT 93

Biểu đồ 3.2 Đối tượng giao tiếp của BTNNGT 94

Biểu đồ 3.3 Phạm vi sử dụng của BTNNGT 100

Biểu đồ 4.1 Giá trị thái độ ngôn ngữ xét theo thang đo 121

Biểu đồ 4.2 Giá trị thái độ ngôn ngữ xét theo biến quan sát 121

Biểu đồ 4.3 Kết quả đánh giá tác động của BTNNGT đến tiếng Việt 125

Biểu đồ 4.4 Tương quan giữa Thái độ ngôn ngữ và Giới 128

Biểu đồ 4.5 Tương quan giữa Thái độ ngôn ngữ và Tuổi tác 131

Biểu đồ 4.6 Tương quan giữa Thái độ ngôn ngữ và đặc trưng nhóm xã hội 136

Trang 8

MỞ ĐẦU

1 Lý do c ọn đề t i

1 Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người Cùng với

sự biến đổi của văn hóa xã hội và thời đại, ngôn ngữ không ngừng biến đổi theo để

có thể thực hiện được sứ mệnh này Quá trình vận động của ngôn ngữ đặt ra nhiệm

vụ đối với người nghiên cứu là phải kịp thời nắm bắt và nghiên cứu những xu hướng phát triển mới, nhằm phục vụ công tác dự báo, định hướng, chuẩn hóa và giáo dục ngôn ngữ phù hợp với từng giai đoạn

2 Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, tiếng Việt đang có biến đổi sâu sắc trên nhiều phương diện, từ ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa đến ngữ pháp, ngữ dụng… Sự biến đổi và phát triển của tiếng Việt trong hành chức tạo ra nhiều phương ngữ xã hội (PNXH) với nhiều đặc điểm khác biệt nhau Một trong những kiểu PNXH thường được nhắc đến trong tiếng Việt hiện nay là phương ngữ theo tuổi tác, mà nổi bật là phương ngữ giới trẻ, thường được gọi với nhiều tên khác nhau như: ngôn ngữ giới trẻ, biến thể lệch chuẩn của giới trẻ, ngôn ngữ @ Giới trẻ là một lực lượng đông đảo trong xã hội, nhanh nhạy với cái mới, bản tính thích khám phá, sáng tạo nên luôn là lực lượng tiên phong trong các trào lưu xã hội, trong đó có ngôn ngữ Ngôn ngữ giới trẻ trong tiếng Việt như là một luồng gió mới lạ làm xáo động đời sống tiếng Việt đương đại, tạo ra nhiều luồng dư luận khen chê trái chiều

3 Đặc trưng nổi bật của đời sống xã hội hiện đại là sự phổ biến sâu rộng truyền thông đại chúng Truyền thông hiện đại với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ kỹ thuật số đã xóa nhòa mọi giới hạn về địa lí, hành chính và các sự phân biệt

xã hội truyền thống khác, lập nên một cộng đồng xã hội ảo vô biên, với tốc độ lan truyền chóng mặt từ giải trí, văn hóa xã hội, công việc, đời sống tình cảm riêng tư Truyền thông là nhân tố quan trọng làm biến đổi sâu sắc tiếng Việt hiện nay, đồng thời đây cũng là địa hạt thể hiện những xu hướng sử dụng tiếng Việt mới mẻ, khác

Trang 9

phối, tác động của nhiều nhân tố xã hội - ngôn ngữ như: nhu cầu, tâm lí sử dụng ngôn ngữ, cộng đồng giao tiếp, thái độ ngôn ngữ (TĐNN)… Đến lượt mình, PNXH giới trẻ có những tác động sâu sắc đến diện mạo của tiếng Việt đương đại, là một trong những yếu tố góp phần làm biến đổi và phát triển tiếng Việt trong bối cảnh văn hóa xã hội mới

Vì vậy, nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ sẽ góp phần vào công cuộc chuẩn hóa và giáo dục ngôn ngữ trong giai đoạn mới Đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong nghiên cứu và giáo dục ngôn ngữ trong bối cảnh hiện nay nên chúng tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài “Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông”

2 Mục đíc n i n cứu

Nghiên cứu biến thể ngôn ngữ của giới trẻ qua phương tiện truyền thông, luận

án nhằm mục đích góp phần giải quyết những vấn đề của lý luận ngôn ngữ cũng như thực tiễn nghiên cứu tiếng Việt hiện nay

Về phương diện lý luận, luận án góp phần nghiên cứu, bổ sung lý luận về ngôn ngữ học xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của đời sống truyền thông công nghệ, cụ thể là nghiên cứu về PNXH, vấn đề lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của nhóm xã hội giới trẻ; lý thuyết về thái độ ngôn ngữ và các biến xã hội

có liên quan; sự biến đổi và phát triển tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay

Về phương diện thực tiễn, luận án nghiên cứu biến thể ngôn ngữ giới trẻ nhằm góp phần xây dựng, cập nhật chuẩn tiếng Việt trong giai đoạn mới, thực hiện chính sách giáo dục ngôn ngữ, đặc biệt là giáo dục cho giới trẻ học sinh sinh viên và định hướng thái độ ngôn ngữ chung của cộng đồng

3 N iệm vụ n i n cứu

Luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau:

- Khảo sát các biểu hiện cụ thể của biến thể ngôn ngữ giới trẻ (BTNNGT) qua phương tiện truyền thông, cụ thể là qua báo mạng điện tử dành riêng cho giới trẻ

- Mô tả, phân tích các đặc điểm của BTNNGT từ bình diện cấu trúc và giao tiếp xã hội

- Điều tra, phân tích TĐNN đối với việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ Từ đó, nghiên cứu, lí giải mối tương quan giữa các nhân tố xã hội với TĐNN và sự lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ

- Đề xuất những giải pháp về sử dụng, đánh giá hiện tượng ngôn ngữ giới trẻ trong tiếng Việt hiện nay

Trang 10

4 Đối tƣợn và p ạm vi nghi n cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là BTNNGT qua phương tiện truyền thông

4.2 Phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu của luận án là BTNNGT nhưng do giới hạn về khả năng và thời gian nên phạm vi nghiên cứu của luận án là ba hình thức thể hiện tiêu biểu của BTNNGT trong tiếng Việt hiện nay, gồm: tiếng lóng giới trẻ, chêm xen tiếng Anh và kết cấu mới lạ giới trẻ sử dụng trong quá trình nói năng Đây không phải là toàn bộ đặc điểm của BTNNGT qua phương tiện truyền thông mà chỉ là những đặc điểm nổi trội, tiêu biểu mà chúng tôi bước đầu có thể nhận diện và miêu

tả được một cách tương đối hệ thống

- Phạm vi khảo sát theo luận án là qua phương tiện truyền thông, tuy nhiên vì phương tiện truyền thông là một lĩnh vực hết sức rộng lớn và đa dạng, phức tạp nên chúng tôi chỉ nghiên cứu BTNNGT qua một số báo mạng điện tử nổi bật dành cho giới trẻ Việt Nam hiện nay, gồm: Hoa Học trò, Sinh viên Việt Nam, Thế giới trẻ, YanNews, Kênh14, Zing.vn Chúng là những tờ báo điện tử tiêu biểu cho phong cách giải trí cả hai miền Bắc Nam, có tôn chỉ hoạt động chung là hướng đến giới trẻ, nổi bật trong đời sống tin tức thanh niên hiện nay Do đó, chúng là địa hạt lí tưởng để luận án nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông Trong quá trình nghiên cứu, nhằm làm nổi bật sự khác biệt của BTNNGT, luận án đã lấy ngữ liệu đối chiếu ở hai tờ báo mạng điện tử chính thống, được xem là sử dụng biến thể chuẩn tiếng Việt tiêu biểu là là Nhân Dân điện tử và Lao Động điện tử

5 P ƣơn p áp n i n cứu

5.1 Cách tiếp cận

Luận án tiếp cận đối tượng nghiên cứu là BTNNGT theo kiến thức và phương pháp của NNHXH kết hợp với ngôn ngữ học cấu trúc Luận án cũng sử dụng phương pháp định tính và phương pháp định lượng để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu định tính nhằm tìm cách mô tả và phân tích đặc điểm của BTNNGT còn phương pháp định lượng thu thập dữ liệu, xem xét hiện tượng BTNNGT theo cách có thể đo lường được

5.2 Phương pháp nghiên cứu cụ thể

Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:

- Phương pháp thu thập ngữ liệu: Đối tượng nghiên cứu BTNNGT được luận

án thu thập trên báo mạng điện tử dành cho giới trẻ gồm 3 dạng thể hiện tiêu biểu là:

Trang 11

các từ ngữ chêm xen, tiếng lóng, và các kết cấu mới lạ Luận án đã chọn 1.000 bài trong giai đoạn 2014 – 2016, chia thành 5 chuyên mục nội dung theo thiết kế chung của các tờ báo dành cho giới trẻ: (1) Chính trị xã hội, (2) Giáo dục, (3) Văn hóa - Giải trí, (4) Đời sống giới trẻ, (5) Công nghệ Mỗi chuyên mục khảo sát 200 bài, mỗi tờ báo chúng tôi chọn ngẫu nhiên 50 bài báo có độ đài tương đương từ 200-300 chữ Để làm rõ đặc trưng của BTNNGT, luận án tiến hành đối chiếu với 400 bài báo trên Nhân Dân điện tử và Lao Động điện tử theo các chuyên mục tương ứng Nhân Dân

và Lao Động được xem là những tờ báo sử dụng chủ yếu biến thể chuẩn, ít xuất hiện các PNXH Mục đích của việc so sánh là nhằm khẳng định tính đúng đắn của giả thuyết nghiên cứu của luận án, cho rằng BTNNGT chỉ xuất hiện chủ yếu ở các tờ báo

dành riêng cho bạn đọc giới trẻ, phủ định giả thuyết không là không có BTNNGT,

không có sự khác nhau trong ngôn ngữ của tất cả các tờ báo này

Về cách thức thống kê số liệu, chúng tôi thống kê số lượng và tần số xuất hiện

của đối tượng khảo sát bằng phương pháp thủ công, nghĩa là chúng tôi lập danh mục 1000 bài, sau đó lần lượt đọc và lập bảng từ ngữ cần khảo sát Trong quá trình tiến hành thu thập ngữ liệu, chúng tôi đã thử sử dụng phần mềm phát hiện từ ngữ tự động Tuy phần mềm này cho ra kết quả đối tượng khảo sát nhanh chóng nhưng không có độ tin cậy cao vì không loại bỏ tự động được đối tượng khảo sát nằm ngoài phạm vi bài báo (quảng cáo, danh mục…) Vì vậy, chúng tôi đã lập bảng ngữ liệu thủ công với 3 nhóm từ ngữ tương ứng với các hình thức thể hiện tiêu biểu của ngôn ngữ giới trẻ Dùng chương trình bảng tính Excel của Microsoft Office, chúng tôi ghi lại và trình bày các thông tin dưới dạng bảng, thực hiện tính toán và xây dựng các số liệu thống kê trực quan Sự thể hiện của BTNNGT trong luận án hoàn toàn được thu thập từ nguồn ngữ liệu này

- Phương pháp miêu tả ngôn ngữ học: Chúng tôi sử dụng phương pháp miêu

tả ngôn ngữ học để miêu tả đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp của các hiện tượng chêm xen từ ngữ tiếng Anh vào giao tiếp tiếng Việt, từ lóng và các kết cấu mới lạ của giới trẻ Luận án cũng sử dụng các thủ pháp phân tích nghĩa tố, phân tích trường nghĩa và phân tích biến thể từ vựng - ngữ pháp nhằm miêu tả đặc điểm cấu trúc của BTNNGT về các bình diện ngữ âm, cấu tạo ngữ pháp và ngữ nghĩa

- Phương pháp điều tra ngôn ngữ học: Để phục vụ mục đích nghiên cứu, chúng tôi sử dụng phương pháp điều tra ngôn ngữ học xã hội với hai bảng hỏi:

(1) Bảng hỏi về sự lựa chọn và sử dụng BTNNGT, dành riêng cho 350 cộng tác viên (CTV) giới trẻ để điều tra sự lựa chọn và sử dụng BTNNGT trong hành

Trang 12

chức Bảng hỏi này được thiết kế gồm 4 câu hỏi lựa chọn về tần suất sử dụng, phạm

vi sử dụng, mục đích giao tiếp

(2) Bảng hỏi về TĐNN dành cho toàn bộ 600 CTV (trong đó có 350 CTV giới trẻ và 250 CTV không phải là giới trẻ), nhằm điều tra TĐNN đối với BTNNGT Bảng hỏi gồm 4 câu hỏi tình huống và 1 câu hỏi đánh giá chung về tác động của BTNNGT đến tiếng Việt

Địa bàn điều tra: chủ yếu được thực hiện ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và thành phố Huế Ngoài ra, chúng tôi còn mở rộng điều tra ở thành phố Hà Nội, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam để đa dạng hóa đối tượng điều tra

Bảng 1.1 Các đặc trưng xã hội của CTV

Trang 13

tính phục vụ công tác phân tích thống kê, được sử dụng phổ biến cho các nghiên cứu điều tra xã hội học và kinh tế lượng Đây là phương pháp phân tích định lượng nhằm hướng đến phân tích mối quan hệ giữa biến ngôn ngữ và biến xã hội Tư liệu điều tra được luận án xử lý bằng phương pháp phân tích định lượng, chú trọng tới mối quan hệ giữa biến ngôn ngữ và biến xã hội Luận án còn sử dụng phương pháp thống kê toán học, thống kê tần suất, phân tích định lượng để đưa ra nhận xét, chỉ ra mối tương quan giữa các biến ngôn ngữ và biến xã hội

- Luận án sử dụng thủ pháp phân tích ngôn cảnh để miêu tả, phân tích sự lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ giới trẻ gắn với ngôn cảnh tình huống (ngôn cảnh hẹp trong phát ngôn, trong văn bản) lẫn ngôn cảnh văn hóa (ngôn cảnh rộng); phương pháp điều tra, nghiên cứu theo cộng đồng giao tiếp nhằm phân tích, lý giải BTNNGT gắn liền với cộng đồng giao tiếp giới trẻ

- Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp định tính (sự kết hợp giữa phương

pháp xã hội học và thống kê học) để phân tích mối tương quan giữa biến xã hội với BTNNGT và TĐNN

6 Đón óp của luận án

Về mặt lý luận, luận án đã miêu tả, phân tích các đặc điểm của BTNNGT từ

bình diện hệ thống cấu trúc: hình thức ngữ âm – chữ viết, đặc điểm cấu tạo, đặc điểm ngữ nghĩa… nhằm nhận diện BTNNGT trong tiếng Việt hiện nay Luận án cũng đã miêu tả BTNNGT từ đặc điểm sử dụng, đặc biệt là từ bình diện giao tiếp xã hội, làm rõ mô hình giao tiếp của BTNNGT trong hành chức: như mức độ sử dụng, phạm vi sử dụng, hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp của ngôn ngữ giới trẻ Mặt khác, bằng kết quả điều tra ngôn ngữ, luận án đã phân tích TĐNN của cộng đồng xã hội đối với sự lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ giới trẻ, xem xét mối quan hệ giữa các nhân tố xã hội như tuổi tác, trình độ học vấn, nhóm xã hội đối với TĐNN

Về mặt lý luận, luận án đã góp phần làm sáng rõ một số đặc điểm cơ bản của BTNNGT trong tiếng Việt hiện nay từ các cơ sở lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại

Về mặt thực tiễn, luận án đã đề xuất những kiến nghị nhằm định hướng thái độ

và góp phần giáo dục ngôn ngữ cho giới trẻ trong việc lựa chọn và sử dụng BTNNGT phù hợp Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần hữu ích trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và công tác chuẩn hóa, giáo dục tiếng mẹ đẻ trong bối cảnh mới

Tuy nhiên, vì tính đa dạng, phức tạp của đối tượng nghiên cứu và giới hạn khả năng của tác giả nên luận án chỉ mới tập trung nghiên cứu 3 hình thức thể hiện cơ

Trang 14

bản của BTNNGT mà chưa đủ sức khái quát toàn bộ sự thể hiện phong phú của PNXH giới trẻ, đặc biệt ở cấp độ văn bản Hạn chế này của luận án cũng là hướng

mở cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về sau

7 Bố cục của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung của Luận án được triển khai trong 4 chương:

Chương 1 Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận

Phần Tổng quan trình bày tình hình nghiên cứu BTNNGT trên thế giới và ở Việt Nam Phần cơ sở lý luận trình bày khung lý thuyết gồm các vấn đề của PNXH

và hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, cảnh huống tiếng Việt hiện đại Các khái

niệm thuộc khung lý thuyết là cơ sở để luận án triển khai vấn đề nghiên cứu

Chương 2 Đặc điểm ngôn ngữ giới trẻ từ bình diện cấu trúc

Chương 2 thể hiện kết quả nghiên cứu BTNNGT ở bình diện cấu trúc Luận án

đã mô tả đặc điểm về ngữ âm, từ vựng ngữ nghĩa và ngữ pháp cơ bản của các hình thức thể hiện tiêu biểu của BTNNGT qua phương tiện truyền thông

Chương 3 Đặc điểm ngôn ngữ giới trẻ từ bình diện giao tiếp xã hội

Chương 3 trình bày kết quả phân tích các đặc điểm xã hội của BTNNGT như đặc điểm về sự lựa chọn ngôn ngữ, đặc điểm giao tiếp, động cơ, mục đích, ý nghĩa của sự lựa chọn ngôn ngữ giới trẻ Qua đó, chứng minh sự lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ nhằm mục đích tạo lập cộng đồng giao tiếp thanh niên và thể hiện bản sắc văn hóa thanh niên trong bối cảnh xã hội mới

Chương 4 Thái độ ngôn ngữ của xã hội đối với sự lựa chọn ngôn ngữ của giới trẻ

Chương 4 nghiên cứu TĐNN đối với cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ thông qua việc điều tra ngôn ngữ học Kết quả điều tra cung cấp thái độ đánh giá của các thành viên xã hội đối với việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ Luận án cũng phân tích, bàn luận mối tương quan giữa đặc trưng xã hội như giới, tuổi tác và nhóm xã hội đến thái độ ngôn ngữ Từ đó góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho công tác định hướng, chuẩn hóa ngôn ngữ trong bối cảnh mới của tiếng Việt

Trang 15

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1 Tổn quan tìn ìn n i n cứu

1.1.1 Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ trên thế giới

Từ nửa sau thế kỉ XX, NNHXH ra đời đã quan tâm nghiên cứu và lí giải một cách có hệ thống những diễn biến, biến động ngôn ngữ dưới tác động của các nhân

tố xã hội, bù đắp mảng thiếu hụt của ngôn ngữ học truyền thống NNHXH lấy ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống hằng ngày làm đối tượng nghiên cứu, cụ thể là các biến thể ngôn ngữ đa dạng nảy sinh, phát triển trong xã hội nhằm xử lí hàng loạt các vấn

đề của đời sống ngôn ngữ, góp phần vào việc định hướng sử dụng ngôn ngữ

Có thể kể đến những công trình NNHXH có tính chất lý luận nền tảng như The Sociolinguistics of Society, Bản dịch Xã hội - Ngôn ngữ học của xã hội của Fasold xuất

bản lần đầu năm 1984, “xem xét những mối quan hệ mật thiết giữa nghiên cứu xã hội – ngôn ngữ học với nghiên cứu ngôn ngữ và lý thuyết ngôn ngữ học, giới thiệu một cách đầy đủ, bằng một cách viết rõ ràng, toàn bộ lĩnh vực xã hội – ngôn ngữ học”[12],[59]

Tác phẩm An Introduction to Sociolinguistics - Dẫn luận NNHXH của Wardhaugh

xuất bản lần đầu năm 1986, tái bản lần thứ năm năm 2006 [83], đã nêu ra các vấn đề khái quát như dẫn luận về NNHXH, ngôn ngữ và xã hội…

NNHXH đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ và sự chi phối của các nhân tố xã hội đến sự lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ, như giai cấp, độ tuổi, giới tính, nguồn gốc, trình độ học vấn… với việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ Có thể kể đến

những công trình tiêu biểu như The Study of Language in Its Social Context của Labov (1970), Language in Social groups của Gumperz (1971), Language and Women’s place (1975) của Lakoff, Age as a Sociolinguistic variable của Eckert

(1998)… Các công trình nghiên cứu này đã khẳng định có mối quan hệ tác động giữa các nhân tố xã hội, đặc biệt là nhân tố tuổi tác đối với sự sử dụng ngôn ngữ

“Những người lớn tuổi thường tuân theo chuẩn mực ngôn ngữ truyền thống, ít sử dụng các hình thức mới Ngược lại những người nói trẻ tuổi thường sử dụng các hình thức mới cao hơn nhiều lần, và đối lập sâu sắc với những người nói lớn tuổi.” [58] “Sự phân tầng tuổi tác của biến thể ngôn ngữ phản ánh sự thay đổi của cộng đồng giao tiếp theo thời gian và lời nói của cá nhân cũng theo đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời.” [67] “Nghiên cứu cộng đồng của sự thay đổi thường xuyên cho thấy tuổi tác ngày càng tăng tương quan với tăng sự bảo thủ trong lời nói Theo thời gian thì ngôn ngữ của cộng đồng cũng thay đổi hay người nói cũng trở nên bảo thủ hơn theo tuổi tác…” [83]

Trang 16

Các công trình NNHXH này đã đặt nền tảng cho việc nghiên cứu PNXH giới trẻ, biến thể ngôn ngữ tuổi tác trên thế giới Các công trình nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ trên thế giới tập trung ở hai vấn đề cơ bản và phổ biến trong nhiều ngôn ngữ: (1) Hiện tượng sử dụng tiếng lóng giới trẻ; (2) Vấn đề chêm xen từ ngữ tiếng Anh vào trong một ngôn ngữ bản địa

(1) Về tiếng lóng giới trẻ, đây là hiện tượng ngôn ngữ được nhiều học giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu và tồn tại nhiều quan điểm khác nhau Có nhiều bài viết đề cập đến hiện tượng tiếng lóng thanh niên hoặc tiếng lóng sinh viên… Luận

án chúng tôi đã tham chiếu một số công trình tiêu biểu về tiếng lóng giới trẻ như:

Kansas University Slang: A new generation của Dundes (1963), nghiên cứu về tiếng

lóng của sinh viên trường đại học Kansas, ông đã gọi tiếng lóng của sinh viên ở

trường đại học là một thế hệ mới trong ngôn ngữ “new generation" [57]

Hudson trong The language of the teenage revolution: the dictionary defeated

(1983) đã nhận thấy xu hướng dùng tiếng lóng của nhóm thanh niên trẻ trong xã hội, có sự sai khác lớn so với tiếng Anh chuẩn Hudson đã liệt kê và chú giải các từ lóng mới của giới trẻ trong thập niên 50 và 60 ở Anh Qua đó, nhận ra thanh niên, giới trẻ chính là lực lượng làm nên cuộc cách mạng ngôn ngữ, khác xa với ngôn ngữ “chuẩn” mà xã hội vẫn thường công nhận [62]

Công trình "The latest youth slang" (Tiếng lóng mới nhất của giới trẻ) của

Thorne (2007) khẳng định rằng "tiếng lóng của giới trẻ bây giờ có lẽ là nguồn giàu nhất của ngôn ngữ mới trong thế giới nói tiếng Anh Tiếng lóng tiền thiếu niên, thanh thiếu niên, sinh viên và thanh thiếu niên sử dụng tất cả các kỹ thuật của ngôn ngữ, có ảnh hưởng nhất, làm thành một cuộc cách mạng sáng tạo ngôn ngữ Thanh niên đã tạo ra mốt ngôn ngữ như một thứ thời trang, không chỉ là hài hước, khiêu khích mà đầy sáng tạo Ngay từ những năm 1950 họ đã là một phần của "phòng thí nghiệm xã hội" Ông cũng chỉ ra rằng "những gì đã từng là một mốt đi qua có thể được phát triển thành một phương ngữ thực sự, được mệnh danh là "multiethnic youth vernacular" (chủng tộc trẻ bản địa), với vốn từ vựng riêng , giọng nói và ngữ điệu của nó Điều này thể hiện những hình thức mới của tiếng Anh " [82]

Trong bài viết Standard English in decline among teenagers của Paton [75],

khi nghiên cứu tiếng Anh chuẩn đã bị giới trẻ biến đổi như thế nào, tác giả đã kết luận rằng “Một nửa số thanh thiếu niên không nhận ra sự khác biệt giữa ngữ pháp tiếng Anh chuẩn và ngôn ngữ thông tục Sự lệch chuẩn của ngữ pháp tiếng Anh trong giới trẻ học đường Anh quốc ngày càng có xu hướng lan rộng đến nỗi nhiều người Anh không phân biệt được sự khác nhau giữa chuẩn và lệch chuẩn.”

Trang 17

Trong The language of teenage groups - They don't speak our language [53],

Clem (1976) đã nghiên cứu về ngôn ngữ của nhóm thanh thiếu niên, cụ thể là các hiện tượng lệch chuẩn khi giới trẻ sử dụng tiếng Anh Mỹ Từ chỗ phân tích cộng đồng giao tiếp, phân tích các hình thức giao tiếp của thanh niên hippie, những thanh niên đầu trọc người Mỹ gốc Anh (Anglo- America), ông đã tìm ra sự lệch chuẩn và

lí giải nguyên nhân của chúng

Nhiều tổ chức, cá nhân đã lập ra những trang web để sưu tầm, ghi chép, lưu trữ ngôn ngữ của giới trẻ, thành từ điển tiếng lóng giới trẻ trực tuyến, nhằm tạo ra

"một tài liệu tham khảo tốt cho những người đang tìm cách để hiểu một phần văn hóa giới trẻ ngày nay" [91] [91] Khắp nơi trên thế giới, các nhà ngôn ngữ học đều quan tâm đến hiện tượng phổ biến có tính toàn cầu là tiếng lóng giới trẻ, ngày nay người trẻ đang nói năng như thế nào (Slang words, what are young people saying these days?)

Rodriguez (1994) trong bài viết Youth and Student Slang in British and American English khi nghiên cứu về tiếng lóng Anh và Anh Mỹ của giới trẻ và sinh viên đã khẳng định vai trò của giới trẻ trong xu hướng mới của ngôn ngữ, “trong số tất cả các nhóm xã hội, giới trẻ là những người dễ nhất để sử dụng và cập nhật tiếng lóng một cách độc đáo Họ thể hiện tính năng động xã hội rất lớn và có thể tiếp nhận những thay đổi trong thời trang, phong cách, cũng như trong ngôn ngữ Giới trẻ tuy rất ít quyền lực chính trị nhưng họ có thể sử dụng tiếng lóng như một công

cụ phản văn hóa, như một cánh tay chống lại chính quyền và công ước Trong xã hội hiện đại, sinh viên tạo thành một nhóm lớn trong giới trẻ mà xứng đáng được nghiên cứu đặc biệt ” [80][80][80] [80]

Gần đây nhất và có liên quan trực tiếp đến đề tài mà chúng tôi tham khảo được

là công trình Word-up: A lexicon and guide to communication in the 21st century

của McCrindle (2011), Australia bàn về tiếng lóng giới trẻ hiện nay Đây được xem

là từ điển của lứa tuổi thanh thiếu niên thế kỷ 21, tổng quan về các yếu tố hình thành ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ và tương tác xã hội dưới ảnh hưởng của truyền thông hiện đại Tác giả đã có một cái nhìn sâu sắc, hấp dẫn về sự sử dụng tiếng lóng tiếng Anh của giới trẻ Nghiên cứu về tiếng lóng này như là một cách để nhìn vào

“sự khác biệt tâm hồn của các thế hệ” Trong công trình của mình, tác giả đề cập đến những biểu tượng cảm xúc, những từ lóng giới trẻ sử dụng để bày tỏ ý kiến, thái

độ của mình, bằng ngôn ngữ nói, thậm chí bằng hình thức văn bản (viết thư)…, tiêu biểu như các kí tự được lóng hóa thay thế cho các từ: số 4 thay thế cho các từ

four/for; 2 thay cho các từ to/two/too; c thay cho see; u thay cho you; bc thay cho because, luv thay cho love… Tác giả cũng đánh giá việc sử dụng tiếng lóng này đã

Trang 18

ngăn cản các thế hệ lớn tuổi trong việc hiểu được ý nghĩa của các từ lóng của con cái họ Tiếng lóng dạng viết giờ đây là phương tiện giao tiếp chính Giới trẻ sử dụng hình thức này trong tin nhắn và các mạng kết nối xã hội Ở mạng xã hội, họ có thể

sử dụng và giao tiếp bằng tiếng Anh chính thống nhưng tự cho phép mình sử dụng tiếng lóng và hình thức giao tiếp riêng làm phương tiện chính

Nhận định về lứa tuổi sử dụng tiếng lóng, McCrindle cho rằng, tiếng lóng thường được sử dụng ở giai đoạn chuyển giao từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành, khi con người bắt đầu độc lập Lúc đó, họ thoát khỏi quyền kiểm soát của cha

mẹ và sử dụng ngôn ngữ đặc biệt nhiều hơn Sau đó, việc sử dụng tiếng lóng giảm dần và con người lại quay trở lại thích ứng với phần đông trong xã hội Khi thế hệ trẻ bắt đầu lập gia đình và không còn đi học, họ phải kiếm tiền và lập nghiệp – họ sẽ

sử dụng những ngôn ngữ chính thống nhiều hơn và không còn dùng một số từ ngữ trẻ con Như vậy, sự thay đổi ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời vẫn tồn tại Điều khác biệt là giai đoạn đó đang diễn ra muộn hơn Thay vì thay đổi những hành vi trẻ con ở lứa tuổi 19-20, trong nhiều trường hợp, nhiều người tiếp tục có những hành vi này và chỉ từ bỏ khi vượt qua giới hạn sang giai đoạn trưởng thành khi đã gần hoặc ngoài 30 tuổi

McCrindle đã lí giải sự biến đổi của tiếng lóng giới trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa Ông đã chỉ ra bốn nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ thế kỷ 21, đó là: công nghệ, văn hoá Mỹ, đa văn hóa và toàn cầu hoá Trong đó, công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp và thể hiện mình Tác giả cũng nhận định “thế hệ trẻ đang đi đầu trong cuộc cách mạng ngôn ngữ này” [70]

Những nghiên cứu và kết luận của McCrindle là gợi dẫn quan trọng cho chúng tôi tìm hiểu BTNNGT ở Việt Nam, như là một sự khẳng định hiện tượng ngôn ngữ

có tính toàn cầu trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay Rất nhiều từ lóng giới trẻ Việt Nam cũng hòa chung với từ lóng thanh niên thế giới, bắt nguồn từ nguồn tiếng Anh thông dụng trên toàn cầu, dưới sự lan tỏa của đời sống công nghệ hiện đại

Các công trình nghiên cứu về tiếng lóng giới trẻ khắp nơi trên thế giới đều đi đến nhận định là “thanh thiếu niên có xu hướng tạo ra và sử dụng ngôn ngữ của riêng mình, chúng chủ yếu xuất hiện ở phương tiện truyền thông, tin nhắn và ngôn ngữ giao tiếp ở trường phổ thông, trường đại học, ở lời những bài hát nổi tiếng" Cùng với việc nghiên cứu tiếng lóng, các biến thể lệch chuẩn của ngôn ngữ giới trẻ, NNHXH của thế kỷ XX thường lấy phạm vi nghiên cứu là trường học, nơi tập trung đông thanh thiếu niên, làm thành một đối tượng nghiên cứu gọi là “student slang” tiếng lóng sinh viên Các nhà NNHXH áp dụng các kỹ thuật điều tra xã hội học để

Trang 19

nghiên cứu tiếng lóng sinh viên, tạo ra một trào lưu nghiên cứu rộng khắp về tiếng lóng của học sinh, sinh viên trong trường học

(2) Biểu hiện thứ hai của BTNNGT được quan tâm nghiên cứu nhiều trên thế giới là hiện tượng chêm xen các từ ngữ tiếng Anh vào trong các ngôn ngữ bản địa Đây là hệ quả tất yếu của xu hướng quốc tế hóa toàn cầu, khắp nơi trên thế giới xuất hiện một thứ tiếng Anh toàn cầu (Global English, Globish) Vị thế của tiếng Anh trên thế giới được khẳng định ở hai phương diện quan trọng: vai trò của tiếng Anh trong giao tiếp trên toàn cầu và sự xâm nhập của các yếu tố tiếng Anh vào các ngôn ngữ trên thế giới Theo thống kê sơ bộ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của trên

70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có khoảng 337 triệu người sử dụng tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ thứ nhất, 235 triệu người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai; 85% thông tin trên thế giới được chuyển tải bằng tiếng Anh (trực tiếp hoặc từ ngôn ngữ khác chuyển sang) [29]

Khi pha trộn với ngôn ngữ bản địa, tiếng Anh bị biến đổi sâu sắc về nhiều phương diện, từ ngữ âm, ngữ pháp đến ngữ nghĩa Hiện tượng pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng bản ngữ, đã tạo ra những ngôn ngữ như Singlish (tiếng Anh ở Singapore), Manglish (tiếng Anh ở Malaysia), Chinglish (tiếng Anh ở Trung Quốc), Hinglish (tiếng Anh Ấn Độ)… Tiêu biểu như Ấn Độ, với 350 triệu người nói tiếng Anh, Ấn Độ là nước có lượng dân nói tiếng Anh lớn nhất trên trái đất Hinglish không những xuất hiện ở phương tiện truyền thông như quảng cáo, các show truyền hình và các bộ phim Bollywood mà còn ở những diễn đàn chính trị xã hội lớn ở Ấn

Độ Bản thân Hinglish cũng trở nên phổ biến ở cả Anh - nơi có cộng đồng Nam Á lớn Hay ở Singapore, Singlish được coi như ngôn ngữ mẹ đẻ của giới trẻ Từ vựng của Singlish bao gồm tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Mã Lai… Mặc dù chính quyền không ủng hộ việc sử dụng Singlish, bởi muốn dùng một thứ tiếng Anh chuẩn mực hơn, tạo thuận lợi trong giao tiếp quốc tế, tuy nhiên thanh niên Singapore coi sử dụng Singlish mới bộc lộ được tình cảm, suy nghĩ của mình - điều

mà tiếng Anh không làm được

Các hiện tượng tiếng Anh pha trộn như thế cũng được xem là các biến thể lệch chuẩn khác nhau cùng tồn tại bên cạnh biến thể tiếng Anh chuẩn Trong nhiều trường hợp, chúng sai khác với biến thể chuẩn đến mức người nói tiếng Anh nước ngoài không sao hiểu nổi Tuy nhiên, điều chính yếu là cộng đồng địa phương vẫn hiểu nhau, thậm chí thấy thoải mái khi sử dụng thứ tiếng Anh “tiện lợi” như vậy Còn đối với thanh niên bản địa, đó lại là một tuyên bố phong cách mang tính thời thượng

Trang 20

Hiện tượng này cũng nhận được những ý kiến trái chiều Nhóm tích cực cho rằng trong một thế giới phẳng, tác động qua lại về ngôn ngữ như vậy là đương nhiên, và điều đó cũng phần nào thể hiện bản sắc văn hóa bản địa Việc tiếng Anh mang sắc thái địa phương cũng góp phần làm giàu vốn từ vựng tiếng Anh Theo số liệu của Tổ chức giám sát ngôn ngữ toàn cầu năm 2009, tiếng Anh đã đạt mốc một triệu từ vựng và trung bình mỗi ngày có thêm 15 từ mới, trong đó có khá nhiều từ lai tạp từ ngôn ngữ khác Ngược lại, nhóm những người chỉ trích lại cho sự pha tạp

là một mối đe dọa đối với ngôn ngữ và văn hóa bản địa, làm méo mó, sai lệch tiếng Anh, thậm chí coi nó là một “đứa con quái thai” trong sự kết hợp hai ngôn ngữ

Vì vậy, việc vay mượn, đồng hóa tiếng Anh và giữ gìn ngôn ngữ bản địa là một vấn đề nóng bỏng của chính sách ngôn ngữ của nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới trong cảnh huống ngôn ngữ toàn cầu hiện nay

Trong xu hướng này, các nhà nghiên cứu đều chung nhận định, giới trẻ là lực lượng tiên phong trong việc sử dụng, vay mượn, biến đổi từ ngữ tiếng Anh, khởi đầu cho các cuộc cách mạng ngôn ngữ trên toàn cầu

Nhật Bản là một ví dụ điển hình Là một dân tộc nổi tiếng với việc giữ gìn truyền thống của mình nhưng giới trẻ Nhật Bản trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày

đã vay mượn, pha trộn từ ngữ tiếng Anh với tiếng Nhật, tạo thành những đơn vị từ vựng lai tạp, “là những từ tiếng Anh với cách phát âm chệch theo kiểu Nhật, khiến những người lớn tuổi khó mà hiểu nổi”, ví như: komiunikeshon (communication), purezenteshon (presentation), intanetto (Internet), rajio (radio)… (Theo Trần Thị Lan, 2010) [33]

Tình hình tương tự với tiếng Nga Trong bài báo The influence of the English language on the Russian youth slang nghiên cứu sự ảnh hưởng của tiếng Anh đến

tiếng lóng giới trẻ Nga, Derkach (2016) đã khảo sát mức độ sử dụng từ ngữ tiếng Anh trong giao tiếp của học sinh ở trường học Kết quả là có đến 88% học sinh trả lời thường xuyên vay mượn từ ngữ tiếng Anh, 9% thỉnh thoảng và chỉ có 3% là chưa bao giờ sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp tiếng Nga Công trình này đã chỉ ra hầu hết những từ ngữ lóng giới trẻ có nguồn gốc tiếng Anh được dùng trong giao

tiếp của giới trẻ Nga thể hiện mối quan hệ giữa những người trẻ tuổi (dawg, hommie, sista, bro…); biểu thị các thái độ của những người trẻ với các sự kiện hàng ngày (bomb, glitzy, coolie…); các từ kết nối thanh thiếu niên với thế giới của máy tính (game, virus…), lời mời gọi bạn bè Các em học được các từ tiếng Anh đó qua

tivi (22%), sách báo (9%), truyện (33%) và từ bạn bè cùng lứa (36%) Từ đó, tác giả

đã nhận định có sự tác động mạnh của tiếng Anh đến hành vi sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp tiếng Nga của giới trẻ hiện đại [55]

Trang 21

Cùng nghiên cứu sự ảnh hưởng của tiếng Anh và tiếng Nga đến tiếng Ukraina,

Melnyk (2010) trong công trình The Influence of English on the Russian language

đã cho rằng, sự ảnh hưởng của tiếng Anh đến tiếng Ukraina hết sức rõ ràng Nếu trong quá khứ, tiếng Nga được lựa chọn như là phương tiện giao tiếp số một của cộng đồng Ukraina thì hiện nay, ảnh hưởng của tiếng Anh đến tiếng Ukraina là “rất mạnh” và“rộng khắp” trên mọi phương diện Có những từ tiếng Anh được vay

mượn từ thời Xô viết và được giữ nguyên dạng như: boyfriend, girlfriend, weekend, happy end Nhưng ngày nay, sự ảnh hưởng tiếng Anh trở nên rất mạnh mẽ, các từ

mới từ tiếng Anh trở nên phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực máy tính, thực phẩm,

việc làm, ví như: email, upgrade, browser, mailbox, hacker, chat, user, food, accommodation, jobs, backyard, deposit, rent, insurance,… Trong đó, nổi bật là sự

sử dụng ngôn ngữ của tầng lớp trẻ trong xã hội “Lời nói của lớp trẻ chứa đầy

những từ vay mượn tiếng Anh, gồm cả wow!, cool, dance…” Vốn là một nhà báo

Ukraina xuất phát từ giáo viên tiếng Anh, Melnyk trưởng thành và chứng kiến sự biến đổi chính trị xã hội cũng như văn hóa, ngôn ngữ của Ukraina và các nước Đông Âu Bà đã lí giải hiện tượng tiếp xúc và vay mượn ngôn ngữ này ở góc độ chính trị xã hội, “các nước hậu Xô Viết mở cửa biên giới của họ và trở thành một phần của một nền kinh tế toàn cầu.” Dù khá cởi mở với hiện tượng này, Melnyk cũng thẳng thắn thừa nhận, “với tư cách là một nhà ngôn ngữ và một người giáo viên, tôi muốn những người Slavơ của tôi không quên ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và không vay mượn từ ngữ khi thực sự không cần thiết” [71]

Nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tiếng Anh đến bản sắc văn hóa của sinh viên

đại học Trung Quốc, Seppala (2011) trong công trình The effects of the English language on the cultural identity of Chinese university students đã tiến hành điều tra

thói quen ngôn ngữ sử dụng tiếng Anh và TĐNN của 78 sinh viên chuyên ngữ của Đại học Quảng Châu Trên cơ sở kết quả thu được, tác giả đã khẳng định TĐNN tích cực, ủng hộ của giới sinh viên Trung Quốc về việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, như là một cách thể hiện bản sắc cá nhân, “sử dụng tiếng Anh giúp họ cảm thấy như

là một phần của thời đại – thế kỉ 21”, giúp họ cảm thấy có tương lai hơn trong công việc Seppala cũng phân tích hiện tượng ngôn ngữ này dưới góc độ bản sắc văn hóa

Sự vay mượn, sử dụng Anh ngữ trong giới sinh viên Trung Quốc được lí giải như một phần của sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây Tác giả cũng đánh giá trên thực tế, hiện tượng này cũng có mặt trái xét về mặt văn hóa, khi một số sinh viên Trung Quốc có thể nói thành thạo tiếng Anh, nhưng lại biết rất ít về văn hóa Trung Hoa Việc tiếp xúc với tiếng Anh qua đó tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã làm cho giới trẻ Trung Quốc có cảm giác trở thành công dân toàn cầu [81]

Trang 22

Hướng nghiên cứu và những kết luận, kiến giải của Seppala về sự ảnh hưởng của tiếng Anh đến bản sắc văn hóa sinh viên đại học Trung Quốc cũng là câu hỏi nghiên cứu đối với chúng tôi Đó là liệu trong tiếng Việt, có sự ảnh hưởng của tiếng Anh đến bản sắc văn hóa của giới trẻ hay không?

Trong cộng đồng bản ngữ tiếng Anh, hiện nay xuất hiện những nghiên cứu cảnh báo xã hội về ngôn ngữ của thanh thiếu niên thời công nghệ thông tin, khi họ quen dùng ngôn ngữ ngắn gọn, được gọi là ngôn ngữ chat, hoặc ngôn ngữ của tin nhắn điện thoại khiến số lượng từ thường xuyên của giới trẻ bị giới hạn ở mức cực thấp Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân người dùng loại ngôn ngữ đó như

là mất việc làm do khác biệt giữa ngôn ngữ đó với ngôn ngữ xã giao Mặc dù có nghiên cứu cụ thể nhưng bản thân kết luận và khuyến cáo đó cũng chưa nhận được

sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ

Gần đây nhất, và có liên quan một phần đến nghiên cứu của chúng tôi là luận

án Language contact and English borrowings in a Vietnamese magazine for teenagers của Nguyễn Thúy Nga, bảo vệ tại Đại học Queensland, Úc Tác giả luận

án đã khảo sát Tạp chí Hoa Học Trò trong 10 năm (giai đoạn 1991-2000) và phát hiện được 830 đơn vị từ vựng tiếng Anh thuộc 6 lĩnh vực được sử dụng trong các bài báo, đặc biệt xuất hiện nhiều ở lĩnh vực âm nhạc, giải trí Kết quả nghiên cứu xác nhận rằng số lượng từ tiếng Anh và tốc độ gia tăng tăng lên đáng kể trong thời gian điều tra Tiếng Anh khi được vay mượn vào tiếng Việt cũng chịu sự Việt hóa như âm tiết hóa, biến đổi ngữ nghĩa theo cách phát âm và sử dụng của người Việt Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng mặc dù số lượng của các từ vay mượn tiếng Anh được sử dụng bởi thanh thiếu niên ngày càng tăng, nhưng nỗi sợ hãi phổ biến ở Việt Nam về sự tác động của tiếng Anh làm cho tiếng Việt bị “ô nhiễm”, “quái dị”, hoặc

“xuống cấp” được phóng đại Tác giả cũng thừa nhận khó khăn để vạch ra ranh giới rạch ròi giữa các hiện tượng vay mượn, chuyển mã, trộn mã từ ngữ tiếng Anh vào tiếng Việt [74]

Như vậy, có thể thấy nghiên cứu phương ngữ giới trẻ (thanh niên, sinh viên, học sinh) là một hướng mới của NNHXH trên thế giới Tuy có nhiều quan niệm khác nhau nhưng về cơ bản, các công trình đều hướng đến việc khẳng định hai biểu hiện tiêu biểu nhất của PNXH giới trẻ là sử dụng tiếng lóng “lệch chuẩn” và chêm xen tiếng Anh trong những ngôn ngữ không phải tiếng Anh Đây là những biểu hiện phổ quát, mang tính toàn cầu chứ không chỉ xảy ra ở một cộng đồng ngôn ngữ nào

Nó khẳng định sự phát triển đồng dạng tất yếu của ngôn ngữ trong thời kì hội nhập quốc tế, với vai trò tiên phong của giới trẻ trong cuộc cách mạng ngôn ngữ Những công trình nghiên cứu này là cơ sở cần thiết để đề tài tham chiếu, nhận diện

Trang 23

BTNNGT xuất hiện, phổ biến trong tiếng Việt Cũng từ những công trình này, chúng ta nhận thấy rằng BTNNGT trong tiếng Việt không phải là một hiện tượng dị biệt, méo mó, bất thường mà là một xu hướng chung trong mọi ngôn ngữ trên thế giới hiện nay

1.1.2 Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ trong nước

Ở Việt Nam, công trình có ý nghĩa lý luận, đặt nền tảng cho nghiên cứu

NNHXH có thể kể đến là Ngôn ngữ học xã hội của Nguyễn Văn Khang, xuất bản

lần đầu năm 1999, tái bản 2012, cung cấp những vấn đề khái quát về lý thuyết cũng như thực tiễn của nghiên cứu NNHXH ở Việt Nam Trong đó tác giả đã đề cập đến vấn đề thời sự của tiếng Việt hiện nay là NNHXH tương tác, ngôn ngữ mạng, sự lựa

chọn ngôn ngữ trong giao tiếp… Cùng với Ngôn ngữ học xã hội, Nguyễn Văn

Khang còn có những công trình khác liên quan đến nghiên cứu của chúng tôi, như

Tiếng lóng Việt Nam năm 2001, khảo sát hệ thống tiếng lóng, là biệt ngữ xã hội xuất hiện dưới tác động và nhu cầu xã hội; Từ ngoại lai trong tiếng Việt năm 2007 khảo

sát hoạt động của hệ thống từ có nguồn gốc nước ngoài trong từ vựng tiếng Việt từ góc độ của NNHXH Ngoài những công trình có tính khái quát và lý luận như trên, Nguyễn Văn Khang còn có nhiều bài viết bàn về những biến động của tiếng Việt

trong bối cảnh mới như Biến động của tiếng Việt hiện nay qua giao tiếp trộn mã tiếng Anh và việc xử lí chúng với tư cách là đơn vị từ vựng trong từ điển tiếng Việt (2014), Giáo dục ngôn ngữ ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (2015), Tiếng Việt trong bối cảnh thống nhất đất nước, hội nhập và phát triển (2015)… nhận diện

một tiếng Việt phát triển, năng động, đầy sức sống trong bối cảnh xã hội mới Trong

đó, tác giả cũng đã đề cập đến “ngôn ngữ tuổi teen” của tiếng Việt - thứ biến thể ngôn ngữ mà đang được cả xã hội quan tâm, là PNXH gắn với cộng đồng tuổi mới lớn, ngôn ngữ mạng gắn với cộng đồng mạng, “đã có vài một yếu tố ngôn ngữ của các cộng đồng xã hội này đã “âm thầm” du nhập vào tiếng Việt chung”…

Ở Việt Nam cũng có nhiều công trình nghiên cứu biến thể ngôn ngữ dưới tác

động của các nhân tố xã hội như Ngôn từ, giới, nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt" của Lương Văn Hy năm 2000, Một số vấn đề về phương ngữ xã hội của Trần Thị Ngọc Lang năm 2005, Mối quan hệ giữa thái độ ngôn ngữ và sự lựa chọn ngôn ngữ (nghiên cứu trường hợp cộng đồng phương ngữ Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh (2012), Thái độ ngôn ngữ đối với những hiện tượng biến đổi trong tiếng Việt trên mạng Internet hiện nay (2014) của Trịnh Cẩm Lan… Các công trình này đã mở ra

một hướng nghiên cứu mới về các biến thể ngôn ngữ đa dạng, phong phú nảy sinh trong tiếng Việt dưới sự chi phối của các nhân tố như giới tính, nhóm xã hội, cộng đồng giao tiếp, nguồn gốc, hoàn cảnh sống, trình độ học vấn, tuổi tác…

Trang 24

Giới Việt ngữ học đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến một biến thể ngôn ngữ tuổi tác mới xuất hiện và có những tác động mạnh mẽ đến diện mạo tiếng Việt là BTNNGT với nhiều tên gọi khác nhau như: ngôn ngữ phi chuẩn của giới trẻ, biến thể lệch chuẩn của thanh niên, ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ của thanh thiếu niên… Có thể kể đến những công trình nghiên cứu và

bài viết về đối tượng này như: Về cách nói lợi dụng yếu tố đồng âm trong giao tiếp thường ngày của giới trẻ hiện nay của Phạm Thị Hòa (2002), Một số cách viết tắt của học sinh phổ thông hiện nay của Lê Thị Thuỳ Vinh (2005), Tiếng lóng của sinh viên, học sinh Tp Hồ Chí Minh Trần Thị Ngọc Lang (2005), Ngôn ngữ teen trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay của Đặng Thị Diệu Trang (2015)…bàn về

một số hình thức thể hiện cụ thể của BTNNGT tiếng Việt trong giao tiếp Một số công trình đã đặt hiện tượng này của giới trẻ Việt trong dòng chảy chung trên thế giới, “ở các nước Âu Mỹ tiếng lóng của giới trẻ đang có xu hướng phát triển mạnh, giới trẻ thường hay dùng tiếng lóng để nói về những vấn đề mà mình phải chạm trán thường xuyên trong cuộc sống…” nhằm lí giải tính phổ biến và giá trị

Nhóm các tác giả Nguyễn Văn Hiệp và các đồng sự trong những năm gần đây

đã quan tâm nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ dưới nhiều góc độ lý thuyết ngôn ngữ

học hiện đại khác nhau như Những kết hợp lạ, bất ngờ trong ngôn ngữ giới trẻ hiện nay [15], lí giải hiện tượng này dưới Thực trạng sử dụng tiếng Việt phi chuẩn của giới trẻ hiện nay nhìn từ góc độ ngôn ngữ học xã hội [16], đề tài cấp Bộ năm 2014

Trang 25

[17] Một số vấn đề mới trong phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của

Nguyễn Văn Hiệp bàn đến biến thể ngôn ngữ phi chuẩn của giới trẻ hiện nay từ bình diện lý thuyết ngôn ngữ học và thực trạng sử dụng

Những công trình này có thể nói cho đến thời điểm hiện tại đã cung cấp một cái nhìn đa chiều, đa góc độ về hiện tượng BTNNGT trong tiếng Việt, từ đó bước đầu nhận diện, miêu tả, lí giải các hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn” của giới trẻ xuất hiện ngày càng phổ biến trong tiếng Việt hiện đại

Tuy còn nhiều quan niệm, đánh giá khác nhau nhưng hầu hết các nhà Việt ngữ học đều cùng chung nhận định là có một thứ biến thể ngôn ngữ mới xuất hiện trong tiếng Việt gắn liền với giới trẻ hiện nay Biến thể ngôn ngữ này được các nhà nghiên cứu đề cập đến dưới nhiều hình thức tên gọi khác nhau, như “biến thể phi chuẩn của giới trẻ” Nguyễn Văn Hiệp [17], “tiếng lóng giới trẻ” Nguyễn Đức Tồn (2014), “từ lạ” Nguyễn Đức Dân (2011)[9] BTNNGT đặt ra những vấn đề mới trong việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong bối cảnh mới Tuy nhiên, phần lớn những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở mức độ là những bài viết nhỏ lẻ, rời rạc, chỉ đề cập đến một số hình thức khác biệt của ngôn ngữ giới trẻ chứ chưa có công trình nào khái quát một cách toàn diện những đặc điểm của BTNNGT, đánh giá có hệ thống TĐNN của cộng đồng đối với sự lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ BTNNGT vốn là một đối tượng nghiên cứu đầy mới mẻ, sống động, cũng rất phức tạp và thường xuyên biến đổi nên cần được quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện Chúng tôi trên cơ sở tìm hiểu tổng quan tình hình nghiên cứu ở trong nước, kế thừa những gợi mở về hướng nghiên cứu, những kết quả bước đầu của các những tác giả đi trước để thực hiện nghiên cứu đối tượng ngôn ngữ giới trẻ trong bối cảnh tiếng Việt hiện đại

1.2 Cơ sở lý luận

Luận án tiếp cận hiện tượng BTNNGT từ hai hướng nghiên cứu chính là ngôn ngữ học cấu trúc, NNHXH Khung lý thuyết mà luận án tham chiếu bao gồm những vấn đề và khái niệm của các bình diện này

Về bình diện cấu trúc, Luận án nghiên cứu BTNNGT từ các đặc điểm ngữ âm,

từ vựng ngữ nghĩa và ngữ pháp Khung lý luận mà Luận án sử dụng là quan niệm về đơn vị từ vựng (gồm từ và ngữ) của Đỗ Hữu Châu (2005) [6] và xác định từ theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2010)[40], đặc điểm ngữ pháp (từ loại và kết cấu cụm từ) theo quan niệm Ngữ pháp tiếng Việt của Diệp Quang Ban (2015) [2] Đây

là những căn cứ lý luận để Luận án nhận diện, phân tích các đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp của BTNNGT từ bình diện cấu trúc

Trang 26

Về bình diện NNHXH, hướng nghiên cứu của luận án là xem BTNNGT như

là một PNXH xuất hiện trong cảnh huống ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại Luận án sẽ nghiên cứu, tiếp cận BTNNGT từ khung lý luận về PNXH, Truyền thông và vấn đề

sử dụng ngôn ngữ

1.2.1 Phương ngữ xã hội

1.2.1.1 Khái niệm phương ngữ xã hội

Giao tiếp là chức năng trọng yếu nhất của ngôn ngữ Trong khi giao tiếp, ngôn ngữ chủ yếu được thể hiện dưới dạng phương ngữ Vì vậy, phương ngữ là đối tượng nghiên cứu từ lâu của Phương ngữ học thuộc Ngôn ngữ học cấu trúc; đồng thời phương ngữ cũng là đối tượng nghiên cứu của NNHXH ra đời vào thời kỳ hậu cấu trúc - những năm 60 của thế kỷ 20 Nhưng NNHXH và Phương ngữ học có hướng nghiên cứu, tiếp cận phương ngữ khác nhau Phương ngữ học chú trọng phương ngữ địa lý và đặt nhiệm vụ miêu tả toàn diện hệ thống phương ngữ để phân vùng phương ngữ, xác định số lượng phương ngữ Còn NNHXH cho rằng chừng nào còn tồn tại các nhóm xã hội thì ngôn ngữ còn tồn tại các PNXH Có bao nhiêu nhóm xã hội thì có bấy nhiêu PNXH Sự tồn tại của các PNXH gắn liền với các nhân tố xã hội Cho nên, NNHXH nghiên cứu PNXH như phương ngữ giới, phương ngữ giai cấp, phương ngữ tuổi tác, tiếng lóng, hiện tượng đa phương ngữ như trộn, chuyển đổi phương ngữ trong giao tiếp, phương ngữ cá nhân…NNHXH quan tâm nghiên cứu sự biến đổi của PNXH dưới tác động của các nhân tố xã hội, từ đó tìm ra giá trị,

ý nghĩa xã hội cũng như hiệu quả PNXH đem đến cho giao tiếp của con người Theo quan niệm phổ biến, PNXH là ngôn ngữ của một nhóm xã hội nhất định,

là những biến thể về phát âm, cách nói năng hoặc là các ẩn ngữ của một số tầng lớp, giới nhóm trong xã hội

Wardhaugh (2006) quan niệm PNXH là những biến thể ngôn ngữ được sử dụng để thể hiện sự khác nhau trong nói năng của những nhóm xã hội khác nhau

Từ phương ngữ xã hội, có thể xác định được vị thế xã hội, nghề nghiệp, trình độ giáo dục, giai cấp, tôn giáo, điều kiện kinh tế hoặc dân tộc, văn hoá của nhóm xã hội sử dụng PNXH đó [83]

Fasol (1990) cho rằng PNXH là những cách nói năng tiêu biểu của các nhóm dân cư cùng hoạt động trong một lĩnh vực kinh tế, thuộc cùng một giai tầng xã hội, cùng thế hệ, tuổi tác, đẳng cấp tôn giáo [59]

Nguyễn Văn Khang (2012) quan niệm PNXH là sản phẩm ngôn ngữ của các nhóm xã hội Các đặc điểm xã hội như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, thành phần xuất thân, trình độ văn hóa… có trác động trực tiếp và tạo nên các đặc điểm về ngôn

Trang 27

ngữ trong sử dụng PNXH chính là các biến thể ngôn ngữ theo nhóm xã hội trong

sử dụng [27]

Bùi Khánh Thế (2005) trong Phương ngữ xã hội và vấn đề phương ngữ xã hội

ở Việt Nam [37] cho rằng PNXH là “kiểu thức nói năng” của các nhóm người khác

nhau trong xã hội, khi xã hội có phân chia giai tầng, cùng sinh sống với nhau và giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ chung Thuật ngữ “kiểu thức nói năng” của Bùi Khánh Thế được giải thích như là PNXH, chính là các đặc điểm xã hội trong cách nói năng bao gồm một loạt nhân tố mà sự phân giới thường không ổn định, đổi thay theo sự biến động của hoàn cảnh xã hội

Như vậy, PNXH được hiểu thống nhất là các biến thể ngôn ngữ trong sử dụng của các nhóm xã hội, dưới tác động của các biến xã hội như tuổi tác, giai tầng, trình

độ học vấn, nghề nghiệp, văn hóa… Trong luận án, chúng tôi sử dụng quan niệm này để nghiên cứu BTNNGT như là một PNXH của nhóm giới trẻ trong tiếng Việt hiện nay

1.2.1.2 Biến thể ngôn ngữ, chuẩn và phi chuẩn

Biến thể ngôn ngữ, biến thể chuẩn và biến thể phi chuẩn thực chất là sự khu biệt ngôn ngữ dưới tác động của xã hội, do đó vấn đề này thuộc về PNXH

Khi bàn về biến thể ngôn ngữ, trong An Introduction to Sociolinguistics,

Wardhaugh đã viết: “biến thể ngôn ngữ là các đơn vị ngôn ngữ có thể xác định được, tức là có các biểu hiện hình thức cụ thể, có thể nhận diện được trong thực tế.” [83]

Ở Việt Nam, trong Ngôn ngữ học xã hội, Nguyễn Văn Khang quan niệm “biến

thể ngôn ngữ là các hình thức tồn tại và biến đổi của ngôn ngữ, là các biểu hiện của ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong hoàn cảnh xã hội giống nhau với các đặc trưng xã hội giống nhau” [27]

Biến thể ngôn ngữ chính là đối tượng nghiên cứu của NNHXH Biến thể ngôn ngữ có các hình thức biểu hiện rất đa dạng, ở nhiều cấp độ khác nhau Ở cấp độ lớn, biến thể ngôn ngữ có thể là phương ngữ, phong cách nói năng Nhưng cũng có khi biến thể ngôn ngữ thể hiện ở cấp độ nhỏ là một từ, một âm vị cụ thể Biến thể trong NNHXH có khả năng biểu hiện ý nghĩa, phân biệt chức năng xã hội, là hình thức ngôn ngữ có sự phân bố xã hội

Wardhaugh cũng đề cập đến mối liên hệ giữa biến thể ngôn ngữ và các nhân

tố xã hội như giai tầng (social-class membership), giới tính (gender), tuổi tác (age), dân tộc (ethnicity)…, trong đó việc liên hệ biến thể ngôn ngữ với các nhân tố như giới tính và tuổi tác tương đối dễ dàng … [83]

Trang 28

Chúng tôi đã căn cứ vào quan điểm về biến thể ngôn ngữ và biến xã hội của Wardhaugh để tiến hành triển khai nghiên cứu luận án Đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ trong luận án được xem như là một biến thể ngôn ngữ với các hình thức tồn tại, biến đổi cụ thể, khác biệt với ngôn ngữ chuẩn mực của toàn dân BTNNGT được luận án khảo sát ở cấp độ ngữ âm – chữ viết, ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp và một phần ở cấp độ ngữ dụng (hoàn cảnh xuất hiện, giá trị sử dụng)

Khi bàn đến biến thể, không thể không nhắc đến biến xã hội Biến xã hội là đại lượng có giá trị biến đổi trong quá trình được xét Trong ngôn ngữ học, biến được xem là một đại lượng có giá trị ngôn ngữ hay xã hội được đưa vào để xem xét, nghiên cứu Biến xã hội là biến có giá trị biểu hiện bằng các nhân tố xã hội cần được xem xét khi nghiên cứu ngôn ngữ [27]

Luận án sử dụng thuật ngữ biến xã hội nhằm chỉ các nhân tố xã hội có ảnh hưởng, chi phối đến việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ như tuổi tác, giới tính, nhóm xã hội, vị trí xã hội, giáo dục, văn hóa… Ngôn ngữ giới trẻ chính là biến thể ngôn ngữ theo biến tuổi tác của người sử dụng Phân tích biến xã hội sẽ cho thấy những tác động và kết quả trong việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt chúng tôi tiến hành nghiên cứu sâu vào mối quan hệ giữa biến xã hội tuổi tác, giới tính, nhóm xã hội, trình độ học vấn với BTNNGT

Bàn đến biến thể ngôn ngữ không thể không đề cấp đến khái niệm chuẩn và chuẩn ngôn ngữ Chuẩn là một khái niệm quan trọng trong ngôn ngữ học nhưng lại

được hiểu theo nhiều cách khác nhau

Hoàng Tuệ quan niệm, chuẩn mực là cái đúng, được mọi người trong một cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận [46]

Hoàng Phê lại cho rằng chuẩn ngôn ngữ là mẫu mực trong ngôn ngữ, được đa

số mọi người, đặc biệt là những người có uy tín và ảnh hưởng công nhận Trái với chuẩn là lệch chuẩn, phi chuẩn, tức là sai Tuy nhiên với những cái sai kéo dài, có nhiều người sai thì cũng cần nghiên cứu lí do tồn tại của nó.[39]

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại có quan niệm uyển chuyển, linh hoạt hơn về chuẩn ngôn ngữ Đỗ Hữu Châu cho rằng chuẩn tiếng Việt có những quy phạm tuy nhiên không bất biến mà luôn luôn vận động, biến đổi [6]

Khi bàn về chuẩn của tiếng Việt, Đoàn Thiện Thuật cũng phê phán chủ nghĩa thuần túy ngôn ngữ học, áp đặt quan điểm đạo đức khi đánh giá chuẩn ngôn ngữ Tác giả cũng đưa ra quan niệm về tính biến đổi không ngừng của ngôn ngữ, xem đó

là tất yếu của quá trình phát triển, không nên kìm hãm sự phát triển mà cần ủng hộ

sự phát triển, đồng thời lên án, xa lánh chủ nghĩa thuần túy Có thể xem đây là định

Trang 29

hướng quan trọng để đề tài nghiên cứu, nhìn nhận, phân tích hiện tượng ngôn ngữ giới trẻ như một giai đoạn phát triển tất yếu của tiếng Việt hiện đại [43]

Như vậy hiện nay trong giới Việt ngữ học tồn tại rất nhiều quan niệm khác nhau về chuẩn ngôn ngữ Nhưng tựu trung lại, chuẩn ngôn ngữ có thể được hiểu là những chuẩn mực được cộng đồng xã hội chấp nhận, phù hợp với quy luật nội tại của ngôn ngữ Trái với chuẩn là phi chuẩn, lệch chuẩn Nhưng lệch chuẩn không có nghĩa là sai Sự phát triển của ngôn ngữ có thể biến đổi các hiện tượng lệch chuẩn trở thành chuẩn mực sau một thời gian sử dụng Do đó, ranh giới giữa chuẩn và phi chuẩn không phải bao giờ cũng rạch ròi như giữa đúng và sai

Trong đề tài cấp Bộ Một số vấn đề mới trong phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Nguyễn Văn Hiệp (2014) cũng quan niệm những hình thức của

ngôn ngữ giới trẻ trong tiếng Việt hiện nay là hiện tượng phi chuẩn, tồn tại bên cạnh biến thể chuẩn của tiếng Việt [17]

Luận án của chúng tôi dựa vào những quan niệm về chuẩn ngôn ngữ hết sức linh hoạt, mềm dẻo và biện chứng của các nhà Việt ngữ học như Đỗ Hữu Châu (2005), Đoàn Thiện Thuật (2002), Nguyễn Văn Khang (2012), Nguyễn Văn Hiệp (2014)… để nghiên cứu, đánh giá biến thể ngôn ngữ của giới trẻ trong chuẩn tiếng Việt hiện nay Có những hình thức ngôn ngữ giới trẻ là lệch chuẩn, chưa phù hợp với chuẩn tiếng Việt hiện nay nhưng có thể cùng với sự biến đổi của cảnh huống xã hội và ngôn ngữ, nó sẽ trở thành chuẩn ngôn ngữ trong một tương lai gần Luận án của chúng tôi thuộc về lĩnh vực miêu tả, hướng đến làm sáng tỏ các đặc trưng tiêu biểu, nổi trội của BTNNGT mà không đưa ra các phán xét hay các luật lệ cho ngôn ngữ theo kiểu quy định "chuẩn" bắt buộc phải có để mọi người theo Chúng tôi quan niệm việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ trong thực tế của giới trẻ không phải là chuyện đúng hay sai, chuẩn hay không chuẩn mà đây là cách dùng riêng, mang những mục đích nhất định, thậm chí giới trẻ có thể tìm cách sáng tạo ra những hiện tượng mới cho ngôn ngữ, biến chúng trở thành quy luật trong tiếng Việt hiện nay

1.2.1.3 Cộng đồng giao tiếp

Khái niệm cộng đồng giao tiếp đã được W.Labov đề cập và nghiên cứu từ

những năm 60 của thế kỉ XX Labov đã điều tra cộng đồng nói tiếng Anh ở thành phố New York năm 1966, từ đó nghiên cứu mối quan hệ giữa biến ngôn ngữ và biến xã hội Kết quả nghiên cứu tác giả đã chỉ ra sự phân tầng xã hội ảnh hưởng đến phong cách phát âm từ tiếng Anh của các thành viên cộng đồng giao tiếp New York

Cộng đồng giao tiếp là một khái niệm nổi bật của NNHXH, vì vậy nó được nhiều nhà ngôn ngữ học nhắc đến Wardhaugh quan niệm: “ngôn ngữ là một tài sản

Trang 30

cá nhân và cũng chính là tài sản của xã hội Trong đó, các cá nhân sẽ có cách ứng

xử giống như các cá nhân khác, như là việc nói cùng một ngôn ngữ, một phương ngữ hoặc các biến thể, mã giao tiếp giống nhau, đó chính là các thành viên trong cùng cộng đồng giao tiếp.” [83]

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về cộng đồng giao tiếp, ông cũng thừa nhận rằng việc xác định cộng đồng giao tiếp là khó khăn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là “fuzziness”, tức là “độ mờ”

Ở Việt Nam, Nguyễn Văn Khang (2012) quan niệm “cộng đồng giao tiếp là một tập hợp giữa những người có một số nguyên tắc xã hội chung khi sử dụng một ngôn ngữ hoặc hình thức ngôn ngữ nào đó.” [27]

Như vậy, có thể hiểu cộng đồng giao tiếp là một cộng đồng xã hội dân cư

sử dụng chung một ngôn ngữ hoặc một số hình thức ngôn ngữ nhất định nào đó Sợi dây nối kết cộng đồng ngôn ngữ chính là đặc điểm chung về phương tiện giao tiếp, chính là ngôn ngữ Tuy nhiên, quy mô của cộng đồng giao tiếp lớn hay nhỏ có thể được quan niệm một cách khác nhau Cộng đồng giao tiếp theo quan niệm truyền thông thường là một cộng đồng xã hội - dân cư như làng xã, thôn bản, vùng, khu vực, quốc gia…, nói chung một thứ tiếng hoặc một phương ngữ Nhưng từ góc độ NNHXH, cộng đồng giao tiếp là tập hợp những người có cùng một số đặc tính xã hội học thống nhất như nhóm xã hội, tuổi tác, tôn giáo, đoàn thể chính trị, tầng lớp xã hội Điểm quan trọng nhất của cộng đồng giao tiếp không phải là tính đồng nhất trong sự vận dụng các yếu tố của ngôn ngữ mà ở chuẩn xã hội chung, tức là các thành viên trong cộng đồng phải có thái độ nhất trí cũng như tiêu chí bình giá giống nhau

1.2.1.4 Tiếng lóng

Tiếng lóng là một hiện tượng ngôn ngữ có tính xã hội, tồn tại hầu hết trong mọi ngôn ngữ Lóng là một tiểu loại của PNXH, được các nhóm xã hội tạo ra để giao tiếp nội bộ và cũng nhằm bảo vệ lợi ích cho chính nội bộ của nhóm đó

Trong giới Việt ngữ học tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về tiếng lóng Hoàng Thị Châu (1989) cho rằng, tiếng lóng là “loại ngôn ngữ chỉ cốt nói cho một nhóm người biết mà thôi, những người khác không thể biết được Vì mục đích là che đậy việc làm không cho người ngoài nhóm biết, cho nên tất cả những từ

gì có thể khiến người ta phỏng đoán được nội dung của công việc đều bị thay thế, nhất là trong đám người làm những nghề bất lương, bị xã hội ngăn cấm như bọn cờ

bạc bịp, bọn ăn cắp, bọn buôn lậu…” [8]

Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: “Tiếng lóng là những từ ngữ được dùng hạn chế

về mặt xã hội, tức là những từ ngữ không phải được toàn dân sử dụng mà chỉ một

Trang 31

tầng lớp xã hội nào đó sử dụng mà thôi… Tiếng lóng là hiện tượng kí sinh vào tiếng Việt, số phận tiếng lóng gắn liền với môi trường, hoàn cảnh và bản thân những tầng

lớp xã hội sản sinh ra nó.” [13]

Tiếng lóng theo Đỗ Hữu Châu là “một loại biệt ngữ, là những tên gọi thêm, chồng lên tên gọi chính thức, do các tập thể xã hội sản sinh ra chúng với mục đích phân biệt mình với những tập thể xã hội khác ”[6]

Tiếp cận tiếng lóng từ lý thuyết NNHXH, Nguyễn Văn Khang quan niệm tiếng lóng là “một loại phương ngữ xã hội, được các nhóm xã hội tạo ra để giao tiếp nội bộ, thường được sử dụng trong giao tiếp khẩu ngữ.” [27]

Nhiều từ điển tiếng Anh và tiếng Việt đều có sự giải thích gần giống nhau giữa biệt ngữ (jargon) và tiếng lóng (slang) Từ điển Oxford giải thích biệt ngữ (jargon)

là những từ ngữ được một nghề hoặc một nhóm nào đó sử dụng mà người khác thấy khó hiểu; còn tiếng lóng (slang) được giải thích là những từ ngữ được dùng trong văn phong không chính thức, thường ở dạng nói hơn dạng viết và thường được giới hạn trong ngữ cảnh cụ thể hoặc trong một nhóm người [84]

Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đều có ý thức phân biệt biệt ngữ và tiếng lóng Tuy vẫn còn những khác biệt nhưng tựu trung lại nhiều tác giả tán thành quan điểm biệt ngữ rộng hơn tiếng lóng, tiếng lóng là một tiểu loại của biệt ngữ Biệt ngữ là tên gọi chính thức của các sự vật hiện tượng có thực trong tập thể xã hội hoặc là những tên gọi thêm, chồng lên tên gọi chính thức và sự xuất hiện của những tên gọi này giúp cho việc phân biệt tập thể xã hội này với tập thể xã hội khác [27]

Tiếng lóng là một khái niệm mở của NNHXH Vì hiện nay, tuy lý thuyết đã khá tường minh như vậy, nhưng việc xác định một đơn vị từ vựng tiếng Việt cụ thể nào đó có phải là lóng hay không không phải lúc nào cũng thống nhất Đặc biệt, sự tranh cãi xoay quanh đặc trưng tính bí mật Bản chất của tiếng lóng được nhiều nhà Việt ngữ học từ xưa đến nay xem là tính bí mật Vì vậy, những đơn vị nào được sử dụng không có tính bí mật thì không được xem là từ lóng Ngược lại, một số nhà nghiên cứu có quan niệm cởi mở hơn về tiếng lóng, xem bản sắc nhóm mới là đặc trưng của tiếng lóng

Tiếng lóng là một hiện tượng phổ biến trong ngôn ngữ Tuy nhiên, xung quanh khái niệm tiếng lóng như đã trình bày ở trên còn có nhiều điều chưa thống nhất Trong luận án, chúng tôi xác định tiếng lóng là một hình thức thể hiện nổi bật của ngôn ngữ giới trẻ Tham chiếu các quan niệm khác nhau về tiếng lóng, luận án quan niệm, tiếng lóng (được tạo nên từ vật liệu là từ lóng và ngữ lóng) là một hiện tượng ngôn ngữ có những đặc điểm cơ bản:

Trang 32

(1) Tiếng lóng là một biến thể của NNHXH, gắn liền với một nhóm xã hội cụ thể, do nhóm xã hội đó tạo ra, sử dụng, thể hiện rõ nét bản sắc của nhóm xã hội đó (2) Tiếng lóng có phạm vi sử dụng hạn chế, phi chính thức

(3) Tiếng lóng mang tính chất lâm thời, xuất hiện nhanh chóng và thay đổi, có thể mất đi cũng nhanh chóng

(4) Tiếng lóng không còn mang tính bí mật và không chỉ mang nghĩa tiêu cực như quan niệm của Hoàng Thị Châu (1989) Tiếng lóng có thể mang tính nội bộ nhóm, được sử dụng với mục đích liên quan đến việc đánh dấu nhóm chứ không phải để giấu giếm, bí mật như quan niệm về tiếng lóng trước đây

Vấn đề cốt lõi của tiếng lóng là hiện tượng ngôn ngữ này gắn bó chặt chẽ với nhóm xã hội tạo ra và sử dụng nó Tiếng lóng nói chung không phải là sản phẩm của các tầng lớp xã hội bất lương, mờ ám Mà ứng với mỗi nhóm xã hội, tiếng lóng

có những đặc trưng tương ứng Nhóm xã hội như thế nào thì được phản chiếu trong tiếng lóng của nhóm đó như thế Với quan niệm này, luận án sẽ nghiên cứu tiếng lóng giới trẻ như là một phương ngữ xã hội đặc thù, phản ánh đặc trưng của nhóm

xã hội giới trẻ trong tiếng Việt hiện nay

* Từ những vấn đề lý thuyết về phương ngữ xã hội trên đây, ngôn ngữ giới trẻ

trong luận án được hiểu chính là phương ngữ xã hội của nhóm xã hội giới trẻ trong tiếng Việt hiện nay Đó là những hình thức nói năng, giao tiếp đặc thù, thường diễn

ra trong nội bộ nhóm giới trẻ, nhằm các mục đích khác nhau Nghiên cứu BTNNGT chính là việc xác lập các đặc điểm tiêu biểu của PNXH giới trẻ, lý giải động cơ, mục đích và phạm vi giao tiếp của BTNNGT hiện nay

1.2.2 Truyền thông và vấn đề lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ

1.2.2.1 Phương tiện truyền thông và báo mạng điện tử

Xã hội và đời sống con người không ngừng phát triển đòi hỏi nhu cầu lớn về thông tin Vì vậy truyền thông ngày càng có vai trò to lớn trong xã hội, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống con người

Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin với nhau giữa hai hoặc nhiều người với nhau tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức Truyền thông là sản phẩm của xã hội con người, là yếu tố động lực kích thích

sự phát triển của xã hội Truyền thông bao gồm các nhân tố cơ bản sau:

- Nguồn: là yếu tố mang thông tin tiềm năng và khởi xướng quá trình truyền thông

- Thông điệp: là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận thông tin

Trang 33

- Kênh truyền thông: là các phương tiện, con đường, cách thức chuyển tải thông điệp từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận

- Người nhận: là các cá nhân hay nhóm người tiếp nhận thông điệp trong quá trình truyền thông

- Phản hồi: là thông tin ngược, là dòng chảy của thông điệp từ người nhận trở

về nguồn phát

- Nhiễu: là yếu tố gây ra sự sai lệch thông tin trong quá trình truyền thông

Để có thể thực hiện truyền thông, con người cần các phương tiện truyền thông, chính là việc vận dụng các khả năng của cơ thể, sử dụng những phương tiện

có sẵn trong tự nhiên, những công cụ nhân tạo để diễn tả và chuyển tải những thông tin, thông điệp từ bản thân đến người khác hay từ nơi này sang nơi khác Truyền thông đại chúng có năm loại hình là: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện

tử, quan hệ công chúng

Truyền thông đại chúng thế kỷ XX có sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện nhờ các bước tiến về công nghệ Công nghệ làm thay đổi phương tiện truyền thông truyền thống, phương tiện truyền thông thời công nghệ còn được gọi là phương tiện truyền thông mới [22] Phương tiện truyền thông thời công nghệ có những tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, từ cấp độ cá nhân, gia đình, nhóm

xã hội đến quốc gia, dân tộc và nhân loại Phương tiện truyền thông hiện đại với

sự hỗ trợ của Internet và Web đã xóa đi ranh giới về không gian, thời gian, khiến thế giới trở nên phẳng, từ đó, những khoảng cách về văn hóa, tri thức, kinh tế, công nghệ cũng dần được lấp đầy

Tên đề tài luận án là Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông, nhưng

do giới hạn về khả năng và thời gian nghiên cứu, chúng tôi chỉ chọn một trong năm loại hình của phương tiện truyền thông là báo mạng điện tử Báo mạng điện tử được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như báo mạng điện tử, báo trực tuyến, báo mạng, báo Internet và báo mạng điện tử là loại hình hội tụ tất cả những đặc điểm của phương tiện truyền thông hiện đại: cập nhật, nhanh nhạy, đa phương tiện Luận án

sử dụng thuật ngữ báo mạng điện tử (gọi tắt là báo điện tử, báo mạng) để thống nhất trong nghiên cứu

Báo mạng điện tử là khái niệm được sử dụng rộng rãi sau khi những tờ báo

phát hành bằng Internet ra đời ở thế giới và Việt Nam Loại hình báo chí này tuy mới ra đời những đã giành được vị trí cao trong làng báo thế giới, vượt qua báo in truyền thống vì nó là sản phẩm truyền thông được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số Báo mạng điện tử nổi bật bởi tính đa phương tiện, tích hợp tất cả các chức năng của

cả báo in, báo phát thanh và truyền hình Báo mạng cung cấp thông tin với hình

Trang 34

thức cả bằng chữ viết, âm thanh và hình ảnh Báo mạng điện tử hấp dẫn với đông đảo đối tượng bởi sự tác động vào nhiều giác quan Độc giả có thể vừa đọc, vừa nghe, vừa xem clip kèm theo bài báo Báo mạng điện tử còn có tính tương tác cao, không chỉ cung cấp bài viết của các nhà báo mà nó còn ngay lập tức có thể hiển thị

sự phản hồi của bạn đọc thông qua những dòng bình luận dưới mỗi bài viết Thêm vào đó chính bạn đọc cũng có thể sáng tác các tác phẩm để đăng tải lên báo mạng

Có thể thấy báo mạng là một diễn đàn công khai mà người phóng viên và bạn đọc

có thể trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về các vấn đề trong xã hội

Đối tượng tiếp nhận của báo mạng điện tử rất phong phú, họ vừa là độc giả, vừa là thính giả và đồng thời cũng là khán giả Tuy nhiên mặt trái của báo mạng cũng xuất phát từ những ưu điểm này Vì nhanh nhạy, cập nhật nên thông tin nhiều khi chưa được sàng lọc, thẩm định, người viết đa dạng cũng góp phần làm cho ngôn ngữ trở nên dễ dãi, thiếu chọn lọc Tất cả làm nên một bức tranh hết sức đa dạng và phức tạp của báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay

Khi bàn đến truyền thông hiện đại, đặc biệt là báo mạng điện tử, không thể không nhắc đến khái niệm đa phương thức (multimodality) Kress và các đồng sự ở Đại học London là những người khởi xướng và nghiên cứu thuyết Truyền thông đa phương thức (Theory of Multimodal Communication) Đa phương thức là một cách tiếp cận liên ngành mà ở đó, truyền thông không chỉ được biểu đạt qua ngôn ngữ Truyền thông đa phương thức được phát triển trong thập kỷ qua để đưa ra vấn đề về

sự thay đổi trong xã hội, liên quan đến các phương tiện truyền thông và công nghệ mới Phương pháp tiếp cận đa phương thức đã cung cấp các khái niệm, phương pháp và khuôn khổ cho việc thu thập và phân tích các khía cạnh thị giác, thính giác

và sự tương tác với môi trường của các văn bản đa phương thức Gọi là đa phương thức vì tất cả các giao tiếp đều kết hợp nhiều cách thức nhằm đạt được hiệu quả cao nhất Truyền thông đa phương thức chính là đặc trưng của truyền thông hiện đại, khác hẳn với truyền thông đơn phương (monomodality) trước đây

Kress có sự phân biệt quan trọng giữa miêu tả, biểu hiện (representation) và truyền thông (communication) Kress cho rằng nếu miêu tả hoàn toàn tập trung vào cái tôi của người khởi xướng, phụ thuộc vào sở thích của cái tôi thì ngược lại, truyền thông tập trung vào đối tượng (người nhận), sở thích và nhu cầu của họ Truyền thông thực sự luôn quan tâm tới khán giả, từ đề tài đến phương thức biểu đạt của truyền thông là nhằm hấp dẫn, lôi cuốn khán giả Đa phương tiện phải có sự kết hợp giữa nghe và nhìn, làm cho những con chữ trở nên sống động bởi âm thanh, hình ảnh [66]

Trang 35

Báo mạng điện tử chính là văn bản đa phương thức, là sản phẩm của truyền thông đa phương thức thời hiện đại Bởi phương thức biểu đạt của báo mạng điện tử

là sự tổng hợp của ngôn ngữ ngữ nói, ngôn ngữ viết, hình ảnh, âm thanh… Báo mạng điện tử dành cho giới trẻ mà luận án khảo sát luôn chú trọng đến đối tượng bạn đọc là giới trẻ Tính chất “giới trẻ” được thể hiện rõ nét từ tên gọi, tôn chỉ hoạt động, nội dung tin bài đến phương thức biểu đạt, trong đó tiêu biểu là ngôn ngữ Do

đó, tác giả của những bài viết trên báo mạng điện tử dành cho giới trẻ có thể không phải trong độ tuổi giới trẻ, nhưng vì hướng đến đối tượng bạn đọc là giới trẻ nên họ phải có cách nhìn, cách nghĩ, cách nói, cách viết của giới trẻ như chính là những người trong cuộc

Sự lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp gắn liền với khái niệm mã và lựa chọn

mã để giao tiếp Mã là một khái niệm trong thông tin, được ngôn ngữ học sử dụng

để chỉ một hệ thống tín hiệu để chuyển tải thông tin Chọn mã là việc lựa chọn một

mã ở thời điểm bắt đầu một giao tiếp Mỗi người khi giao tiếp đều có ý thức và nhu cầu lựa chọn mã ngôn ngữ cho phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể Các cơ chế thường được nhắc đến là chuyển mã (code-switching), trộn mã (code-mixing), hay vay mượn từ vựng (borrowing)

Tuy nhiên, trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về các hiện tượng này

Mô hình chuyển mã của Poplack là lý thuyết nổi bật về hình thái cú pháp của việc chuyển mã Theo Polack, chuyển mã là sự trộn (mixing) hai hay nhiều ngôn ngữ khác nhau vào trong phát ngôn của người đa ngữ [76] Với quan niệm này, Poplack không chủ trương phân biệt chuyển mã và trộn mã mà chỉ phân biệt chuyển

mã với vay mượn Theo Poplack, vay mượn là hiện tượng xảy ra trong từ vựng, trong khi chuyển mã xảy ra ở mức độ cú pháp Chuyển mã chỉ xảy ra tại các điểm

có cấu trúc ngữ pháp, quan hệ kết hợp giữa các ngôn ngữ tương đồng với nhau hay nói cách khác chuyển mã chỉ diễn ra giữa những hình thái cú pháp tương đương Ngược lại những thành phần nào không tương thích thì sẽ không được chuyển mã

Trang 36

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đã chỉ ra những điểm yếu của mô hình chuyển

mã Poplack Vì trong thực tế giao tiếp, có rất nhiều ngoại lệ xảy ra Có thể có những hình thái cú pháp không tương đương về mặt cấu tạo ngữ pháp nhưng vẫn có thể chuyển mã Do đó, mô hình này của Poplack chỉ xác định các hiện tượng ngôn ngữ

bị chặn chuyển mã mà chưa giải thích thấu đáo những thành phần nào có thể được chuyển mã và nguyên nhân tại sao lại chuyển mã Nhưng mô hình của Poplack cũng

có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp xác định được đặc điểm của chuyển mã và thành phần mã chuyển Mã chuyển phải là những yếu tố tương đương về mặt ngữ pháp, nghĩa là bản chất của chuyển mã phải sử dụng đồng thời hai (hơn hai ngôn ngữ) khi giao tiếp với trọn vẹn những đặc điểm về ngữ pháp của từng ngôn ngữ, chứ không phải là trộn vào ngôn ngữ này một đoạn mã bất kì của ngôn ngữ khác Khi bàn đến lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp, không thể không đề cập đến lý thuyết Khung ngôn ngữ ma trận (Matrix Language-Frame) của Myers-Scotton Mô hình này cho rằng có một ngôn ngữ ma trận (Matrix Laguage) và ngôn ngữ nhúng (Embedded Language) Chuyển mã chính là quá trình chèn ngôn ngữ nhúng vào ngôn ngữ ma trận Trong quá trình này, ngôn ngữ nào chiếm ưu thế, đóng vai trò quan trọng hơn thì đó là ngôn ngữ ma trận, các thành phần mã khác tham gia vào thuộc ngôn ngữ nhúng Khung hình thái cú pháp của ngôn ngữ ma trận sẽ quyết định khung cú pháp của toàn bộ phát ngôn Khung ngôn ngữ ma trận này có trước khi chèn các mã ngôn ngữ nhúng vào, do đó ngôn ngữ ma trận đóng vai trò chủ yếu, quyết định Giả thuyết ngăn chặn (the Blocking Hypothesis) của lý thuyết này cũng cho rằng trong sự kết hợp giữa ngôn ngữ ma trận và ngôn ngữ nhúng có một bộ lọc nhằm sàng lọc những thành phần của ngôn ngữ nhúng, theo đó những thành phần của ngôn ngữ nhúng nếu không đáp ứng được các tiêu chí của ngôn ngữ ma trận thì

sẽ bị loại ra [72]

Như vậy, Myers-Scotton cũng không chủ trương phân biệt chuyển mã và trộn

mã, tất cả đều được lý giải dưới góc độ chuyển mã

Hay như Redouane (2005), trộn mã là quá trình trộn các thành tố của hai ngôn ngữ vào lời nói, còn chuyển mã được xem như là sản phẩm của quá trình trộn mã Hai loại chuyển mã được hầu hết các nhà nghiên cứu công nhận là chuyển mã nội câu (Intrasentential codeswitching) chỉ những chuyển mã bên trong nội bộ câu và chuyển mã liên câu (Intersentential codeswitching) chỉ sự chuyển mã giữa các câu với nhau [77]

Còn Wardhaugh quan niệm chuyển mã là sử dụng luân phiên hai hoặc nhiều ngôn ngữ hoặc phương ngữ trong cùng một lời nói hoặc cùng một cuộc trò chuyện [83]

Trang 37

Fasold giải thích cơ chế chuyển mã là “ một người nói hai hay nhiều ngôn ngữ hơn nữa phải lựa chọn để sử dụng ngôn ngữ nào” còn trộn mã là cơ chế tế nhị hơn,

“khi nhiều mảnh nhỏ (pieces) của một ngôn ngữ được sử dụng trong khi người nói

về cơ bản vẫn đang sử dụng một ngôn ngữ khác” [12] Những mảnh nhỏ ngôn ngữ

lấy từ một ngôn ngữ khác thường là những từ nhưng cũng có thể là nhóm từ hay các đơn vị lớn hơn nữa

Về sau, khái niệm này được mở rộng, Thái Duy Bảo (2011) cho rằng“chuyển

mã có thể xảy ra trong cả hai ngôn ngữ, tùy vào ngữ năng của các đối tượng tiếp lời; đồng thời nó là tiến trình thực hiện chức năng ngôn bản ở cấp độ trên từ - ngang câu hay liên câu, khác với trộn mã, thường diễn ra ở nội bộ câu Do vậy, chuyển mã chủ yếu xảy ra trên đối tượng có năng lực song ngữ, gắn nhiều với

phương thức vay mượn, chuyển di” [4]

Vay mượn là khuynh hướng tất yếu trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ Tiến

trình vay mượn thường diễn ra một chiều và khó xảy ra trường hợp ngược lại giữa ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ cho Trong bản thân nó, vay mượn thường diễn ra

ở cấp độ từ vựng (lexical borrowings) [4] Theo nghĩa hẹp, từ mượn là từ của ngôn ngữ này được sử dụng ở ngôn ngữ khác và chúng chịu sự đồng hóa nhất định của ngôn ngữ mượn Còn từ ngoại lai là những từ của ngôn ngữ này du nhập vào ngôn ngữ khác không tính đến đã được đồng hóa hay chưa Sự phân biệt từ mượn và từ ngoại lai nếu có thì được tính đến theo tiêu chí đồng hóa

Đương nhiên, trong thực tế, thường xảy ra trường hợp ba loại lựa chọn này không thể tách bạch với nhau Fasold đã đề xuất dựa vào khái niệm đường liên tục để xử lý

các hiện tượng này, “cách tốt nhất là xem ba loại lựa chọn là những điểm trên một đường liên tục…” [12] Trong công trình nghiên cứu về sự lựa chọn ngôn ngữ giữa

tiếng Tây Ban Nha và Nahuatl trong một nhóm người Anh điêng Mexico, Hill (1980)

thấy “không có hy vọng phân biệt được giữa trộn mã và chuyển mã” Đặc biệt, đối với các biến thể ở bên trong một ngôn ngữ, Thelander (1976) kết luận “bây giờ đang dần nổi lên những tình huống ngôn ngữ mà những mô hình miêu tả trên đây (chuyển mã, trộn mã) không thể chấp nhận một cách máy móc” [12] Dẫn theo Fasol, 1995

Như vậy, có một thực tế là nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới không chủ trương phân biệt chuyển mã và trộn mã mà chỉ phân biệt chuyển mã và vay mượn Trong luận án, về mặt lý thuyết, chúng tôi vẫn phân biệt ba hiện tượng là vay mượn, trộn mã và chuyển mã khi tiếp cận hiện tượng chêm xen từ ngữ tiếng Anh vào trong lời nói tiếng Việt của giới trẻ dựa trên quan niệm của Fasol Đúng như Fasold đã nhận xét, chuyển mã và trộn mã là các hiện tượng ngôn ngữ có nhiều điểm tương

đồng nhưng giữa chúng có sự khác biệt với nhau một cách tinh tế Trộn mã là hiện

Trang 38

tượng sử dụng một mã ngôn ngữ để giao tiếp, có chêm xen thêm một số yếu tố (Fasol gọi là mảnh) của một mã ngôn ngữ khác Các yếu tố chêm xen chỉ có số lượng ít và chiếm thế yếu, đương nhiên chịu áp lực của ngôn ngữ chính đang dùng, không còn chuẩn xác hoặc nguyên dạng như vốn có của nó Có thể hiểu như là ngôn ngữ nhúng và ngôn ngữ ma trận trong quan niệm của Myers-Scotton Trong trộn mã chỉ có một mã đang dùng, còn thành phần của mã kia được dùng lệch chuẩn theo

mã thứ nhất Trộn mã là sản phẩm rõ nét của sự giao lưu, phức hợp văn hóa Ngược lại, chuyển mã là việc người đa ngữ sử dụng một lúc hai hoặc nhiều ngôn ngữ để giao tiếp và mã nào cũng phải đảm bảo được tính trọn vẹn, phù hợp nguyên tắc của bản thân nó, không bị pha trộn, ảnh hưởng của mã khác

Như vậy, trộn mã có thể phân biệt với chuyển mã ở mức độ tương quan giữa hai mã Trong chuyển mã, hai mã là ngang nhau còn trong trộn mã chỉ có một mã chính, mã phụ chịu ảnh hưởng của mã chính Chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn phân biệt chuyển mã và trộn mã theo đề xuất của Fasold là, nếu một người dùng một từ hay cụm từ lấy từ một ngôn ngữ khác thì người đó đã trộn mã, còn nếu một mệnh

đề có cấu trúc ngữ pháp của một ngôn ngữ và mệnh đề tiếp theo được xây dựng theo ngữ pháp của một ngôn ngữ khác thì đó là chuyển mã Chúng tôi cũng đồng ý với các phân biệt của Nguyễn Văn Khang (2012) [27] khi lấy tiêu chí vai trò của hai ngôn ngữ và quan hệ giữa chúng với nhau để phân biệt chuyển mã và trộn mã Theo

đó, chuyển mã tạo ra cảm giác hai ngôn ngữ được sử dụng với vai trò ngang nhau, còn trộn mã thì chỉ có một mã ngôn ngữ chính, mã phụ được trộn vào chịu ảnh hưởng của mã chính

Tuy nhiên cũng có khi việc phân biệt chuyển mã trộn mã rất khó khăn, tùy vào ngữ cảnh, lúc đó chúng tôi xem hiện tượng chuyển mã, trộn mã là những điểm trên một đường liên tục theo quan điểm của Fasold Ranh giới giữa các hiện tượng này như Nguyễn Thúy Nga [74] đã kết luận là rất khó để phân định rạch ròi nhưng trong khả năng có hạn chúng tôi sẽ cố gắng phân biệt và lí giải động cơ tâm lí, xã hội của chúng từ góc độ người sử dụng là giới trẻ hiện nay

1.2.2.3 Thái độ ngôn ngữ

Bàn đến lựa chọn ngôn ngữ không thể không nhắc đến TĐNN TĐNN là sự đánh giá về giá trị và khuynh hướng hành vi của một cộng đồng hay cá nhân đối với một ngôn ngữ hoặc một hiện tượng ngôn ngữ [27]

Các nhà tâm lí học xã hội thường tập trung vào lí giải việc các cá nhân tham gia giao tiếp làm gì với ngôn ngữ và nghĩ gì về ngôn ngữ TĐNN thường được nghiên cứu theo hai khuynh hướng: khuynh hướng tinh thần luận (mentalism) và khuynh hướng hành vi luận (behaviorism) Theo tinh thần luận, R.Fasold cho rằng

Trang 39

thái độ là “trạng thái bên trong do một loại kích thích nào đó gây nên và trạng thái

đó có thể làm trung gian cho những phản ứng của cơ thể xảy ra sau đó” [12] Còn Agheyisi và Fishman từ góc nhìn thuyết hành vi, cho rằng thái độ có thể tìm được đơn giản ở những cách phản ứng của con người đối với các tình huống xã hội [Dẫn theo Wardhaugh, [83] Wardhaugh chỉ rõ TĐNN được phân biệt với các thái độ khác ở chỗ chúng là những thái độ về ngôn ngữ

Nghiên cứu TĐNN nhằm khẳng định biến thể của một ngôn ngữ nào đó là phong phú hay nghèo nàn, gợi cảm hay không gợi cảm, dễ nghe hay khó nghe, chuẩn mực hay không chuẩn mực ; thái độ đối với người nói một biến thể của ngôn ngữ, phương ngữ hoặc ngôn ngữ

Khi bàn đến TĐNN các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến những phương pháp nghiên cứu TĐNN như trả lời câu hỏi của một bảng hỏi hay phỏng vấn trực tiếp, hoặc gián tiếp để người được điều tra không biết họ đang được điều tra, phương pháp quan sát… Các nhà nghiên cứu cũng thường áp dụng thang vi phân ngữ nghĩa bảy điểm do Osgood, Suci và Tanneubaum đề xuất để định lượng TĐNN của người được điều tra Dẫn theo Fasol, 1995 [12]

Có nhiều cách để phân loại TĐNN, tuy nhiên tập trung hơn cả là phân chia TĐNN thành ba loại lớn: thái độ trung thành với ngôn ngữ, thái độ tự ti về ngôn ngữ và thái độ kì thị với ngôn ngữ Trung thành với ngôn ngữ là thái độ thể hiện sự gắn bó bền chặt của cộng đồng đối với ngôn ngữ chung của dân tộc, thường hình thành nên một thiên kiến ưu việt đối với ngôn ngữ dân tộc mình, thể hiện thái độ, địa vị quốc gia Ngược lại, tự ti ngôn ngữ là thái độ không coi trọng ngôn ngữ của cộng đồng, dân tộc mình, vì nhiều nguyên nhân như vị thế ngôn ngữ khi tiếp xúc,

áp lực kinh tế, chính trị, văn hóa, chính sách ngôn ngữ… Kì thị với ngôn ngữ là thái

độ phân biệt đối xử do thành kiến Kì thị ngôn ngữ đồng nghĩa với việc đề cao, coi trọng ngôn ngữ này mà xem thường, tẩy chay, bài xích một/các ngôn ngữ khác

Sự hình thành TĐNN là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố xã hội như: địa vị

xã hội, bối cảnh văn hóa, quan hệ xã hội, sự phát triển kinh tế giáo dục, tuổi tác, giới, nhóm xã hội, trình độ văn hóa, sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, sự phát triển của bản thân ngôn ngữ Trong đó, nhân tố tuổi tác chiếm vai trò quan trọng trong việc hình thành và thể hiện TĐNN “Từ góc độ tuổi tác có thể thấy một tình hình chung là do tầng lớp thanh niên có điều kiện tiếp xúc với cái mới, dễ thích nghi với sự thay đổi quan niệm giá trị trong xã hội và từ đó họ cũng không khó khăn lắm trong thay đổi thái độ với ngôn ngữ Trong khi đó, ngược lại người lớn tuổi thường thận trọng đến mức có phần bảo thủ, khó chấp nhận trước những quan niệm giá trị, quan niệm xã hội mới.” [27]

Trang 40

Tóm lại, TĐNN là một vấn đề nghiên cứu phức tạp, luôn ở trạng thái “động”, chịu sự chi phối trực tiếp và gián tiếp của nhiều nhân tố khác nhau

Luận án tiến hành điều tra, khảo sát TĐNN đối với ngôn ngữ giới trẻ Từ đó

dự đoán về hành vi ngôn ngữ của giới trẻ và đánh giá của cộng đồng về sự lựa chọn

và sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ

1.2.2.4 Cảnh huống ngôn ngữ và cảnh huống tiếng Việt hiện nay

Cảnh huống ngôn ngữ là tình hình tồn tại và hành chức của các ngôn ngữ hoặc các hình thức của ngôn ngữ trong phạm vi cộng đồng xã hội hay lãnh thổ Cảnh huống ngôn ngữ là một hiện tượng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề khác nhau như hoàn cảnh, các điều kiện ngôn ngữ, tình hình ở các cộng đồng đa ngữ, sự tác động qua lại của các nhóm ngôn ngữ Từ đó có thể xác định ba tiêu chí tổng hợp về cảnh huống ngôn ngữ, đó là tiêu chí về lượng (bao gồm các thông số như số ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ, lượng biến thể ngôn ngữ, số lượng người sử dụng, phạm vi giao tiếp), tiêu chí về chất (bao gồm các ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ độc lập/không độc lập, quan hệ giữa các ngôn ngữ, biến thể, đặc điểm ngôn ngữ nổi trội), tiêu chí về TĐNN thể hiện ở thái độ đối với ngôn ngữ hay biến thể ngôn ngữ của cộng đồng

Cảnh huống tiếng Việt nói riêng, cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay nói chung đang chịu tác động của hàng loạt các nhân tố xã hội - ngôn ngữ, như: quá trình đô thị hoá; quá trình toàn cầu hoá; tác động của nền kinh tế thị trường; tác động của khoa học công nghệ trong đó đóng vai trò quan trọng là công nghệ thông tin; tác động TĐNN và chính sách ngôn ngữ Cảnh huống ngôn ngữ Việt Nam hiện nay đang có những đặc điểm cơ bản như nhiều nhà nghiên cứu Việt ngữ nhận định: (1) Thay đổi mạnh mẽ theo bối cảnh toàn cầu hóa, đô thị hóa và số hóa, (2) tạo ra một tiếng Việt hiện đại, phát triển năng động, đầy sức sống, xuất hiện nhiều PNXH mới của nhiều nhóm xã hội phản ánh lối sống và tư duy trong thời đại mới, (3) đặt

ra những yêu cầu cấp bách về lý luận và thực tiễn trong công cuộc chuẩn hóa tiếng Việt [52]

Với những tác động này, cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng thống nhất và đa dạng: thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất

Tính đa dạng của tiếng Việt hiện đại được thể hiện ở sự xuất hiện và hoạt động của nhiều ngôn ngữ bên cạnh tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Anh Theo lý thuyết, mỗi ngôn ngữ có một khu vực hành chức thực hiện những chức năng khác nhau Nhưng thực tế là, ở Việt Nam hiện nay, các ngôn ngữ, phương ngữ địa lý, xã hội đang chồng lấn lên nhau, tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phức tạp Nguyễn

Ngày đăng: 02/02/2018, 13:24

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w