1. Trang chủ
  2. » Kinh Doanh - Tiếp Thị

Đạo đức và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay

108 220 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 108
Dung lượng 846,41 KB

Nội dung

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam có thể được coi là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời

Trang 1

NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH

ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

CỦA CÁC DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Chuyên ngành: Triết học

Mã số: 60.22.80

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.NGƯT LÊ HỮU ÁI

Đà Nẵng - Năm 2015

Trang 2

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi

Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn này hoàn toàn trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác

Tác giả luận văn

Nguyễn Trường Thành

Trang 3

1 Tính cấp thiết của đề tài 1

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .3

4 Phương pháp nghiên cứu .3

5 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn .4

6 Bố cục đề tài 4

7 Tổng quan tài liệu 4

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI .9

1.1 ĐẠO ĐỨC LÀ MỘT HÌNH THÁI Ý THỨC XÃ HỘI .9

1.1.1 Khái niệm đạo đức 9

1.1.2 Vai trò của đạo đức 15

1.1.3 Đạo đức kinh doanh 18

1.2 TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI .23

1.2.1 Những quan điểm chung về trách nhiệm xã hội 23

1.2.2 Những biểu hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp .30

1.3 QUAN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI 32

1.3.1 Đạo đức là nhân tố chi phối trách nhiệm xã hội 33

1.3.2 Trách nhiệm xã hội là một biểu hiện của đạo đức 35

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 37

CHƯƠNG 2: TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY .38

2.1 TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN .38

2.1.1 Thực hiện trách nhiệm xã hội là điều kiện để phát triển bền vững 38 2.1.2 Thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng lợi ích 42

Trang 4

2.2.1 Trách nhiệm của các thành viên doanh nghiệp 44

2.2.2 Trách nhiệm đối với người lao động .50

2.2.3 Trách nhiệm đối với người tiêu dùng .51

2.2.4 Trách nhiệm đối với xã hội và môi trường 51

2.3 VÀI NÉT THỰC TRẠNG VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY .52

2.3.1 Tình hình chung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam .52

2.3.2 Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội .57

2.4 NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA .65

2.4.1 Vấn đề thuộc về thể chế 65

2.4.2 Vấn đề của các doanh nghiệp .67

2.4.3 Vấn đề với các đối tượng hữu quan 69

2.4.4 Những điều được rút ra 69

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 72

CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY 73

3.1 CÁC GIẢI PHÁP 73

3.1.1 Nhóm giải pháp cho Nhà nước 73

3.1.2 Nhóm giải pháp cho doanh nghiệp 81

3.1.3 Nhóm giải pháp đối với các đối tượng hữu quan 87

3.2 KIẾN NGHỊ 88

3.2.1 Đối với cơ quan Nhà nước 88

3.2.2 Đối với địa phương cấp tỉnh, thành phố .90

Trang 5

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 93

KẾT LUẬN .94 TÀI LIỆU THAM KHẢO .96 QUYẾT ĐỊNH GIAO ĐỀ TÀI (bản sao)

Trang 6

Số

hiệu

1.2 Mô hình thể hiện mối quan hệ giữa Đạo đức kinh doanh và

2.1: Tầm quan trọng và mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội

trong thời kỳ suy thoái kinh tế

40

2.2: Biểu đồ về việc tổ chức thực hiện trách nhiệm xã hội của

doanh nghiệp

41

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Tính cấp thiết của đề tài

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập Nhưng ở nước ta hiện nay vấn đề này còn khá mới mẻ và ít được quan tâm đúng mức từ các doanh nghiệp Hàng loạt các vụ việc vi phạm môi trường, vi phạm quyền lợi lao động, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng đã và đang khiến cộng đồng mất lòng tin vào các doanh nghiệp

Những năm gần đây, Việt Nam đã tạo ra những thành quả kinh tế ấn

tượng, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi sâu sắc, toàn

diện, song cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho các doanh nghiệp Những đòi hỏi từ các công ty quốc tế, các nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và người

tiêu dùng đối với các doanh nghiệp trong việc tuân thủ các chuẩn mực toàn

cầu về an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng Luật chơi trong thời hội nhập đòi hỏi các doanh

nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các vấn đề trên nếu không muốn rời khỏi

“cuộc chơi” Điều đó gắn liền với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bởi nó bao hàm toàn bộ những khía cạnh trên

Nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu đúng về trách nhiệm

xã hội Các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và ảnh hưởng

của trách nhiệm xã hội tới bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam

Theo thống kê của Viện này thì mới chỉ có 36% doanh nghiệp được hỏi trả lời

có bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội, khoảng 2% doanh nghiệp

nói họ hiện đang là thành viên của nhóm thực hiện các tiêu chuẩn CS (tiêu

chuẩn Việt Nam) Trong hai năm 2011 và 2012, 28% số doanh nghiệp chấp

hành bảo vệ môi trường, 5% DN thừa nhận có đóng góp cho sự nghiệp chăm

Trang 8

sóc y tế… Đó là thực trạng buồn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam

Năm 2009, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt mức thu

nhập trung bình và từng bước thoát nghèo, là thành viên của nhiều tổ chức

trong khu vực và quốc tế và hiện đang đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng

sẽ đem lại nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong

bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tái cấu trúc và chuyển dịch nền kinh tế Ở nước ta hiện nay có 97% trong tổng số doanh nghiệp là

doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở đó còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc đảm bảo

môi trường lao động, phúc lợi lao động cho người lao động và thực hiện những trách nhiệm cần thiết của doanh nghiệp đối với xã hội

Hiện nay, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình Các doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bài bản, có chiến lược tại Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp đa quốc gia và một số doanh nghiệp lớn của Việt

Nam

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam có thể được coi là sự

cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động

và các thành viên trong gia đình họ, theo cách có lợi cho doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của xã hội, đó cũng chính là đạo đức của doanh nghiệp

Ý thức được vấn đề này, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh

nghiệp là đòi hỏi khách quan và cấp thiết đối với các doanh nghiệp ở nước ta

Trang 9

hiện nay, vì thế chúng tôi chọn đề tài “Đạo đức và trách nhiệm xã hội của

các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay” để làm đề tài nghiên cứu của mình

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

- Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở tìm hiểu đạo đức, đạo đức trong kinh doanh, từ thực trạng

việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, luận văn xây dựng

các giải pháp nhằm phát huy một cách có hiệu quả trách nhiệm xã hội của

doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh

- Nhiệm vụ nghiên cứu

+ Trình bày khái quát lý luận về đạo đức, trách nhiệm xã hội của các

doanh nghiệp

+ Phân tích thực trạng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

+ Đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội

của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các doanh nghiệp ở Việt Nam trong quá trình thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của mình

- Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn ở việc xem xét quá trình thực

hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; những phương pháp, cách thức của các công ty xây dựng các tiêu chuẩn, Bộ quy tắc ứng xử và phát triển trách

nhiệm xã hội của doanh nghiệp

4 Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận văn sử dụng tổng hợp các phương pháp để tổng hợp, so sánh,

Trang 10

đánh giá thực tiễn

5 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

Luận văn là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên chuyên ngành

triết học, phục vụ trong học tập và nghiên cứu môn Triết học, Triết học xã

hội

Là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các giải pháp nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam

6 Bố cục đề tài

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận

văn gồm có ba chương (chín tiết)

7 Tổng quan tài liệu

Đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện nay đang là vấn đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở trong và ngoài nước Hiện nay, ở trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu dưới nhiều góc độ và phương diện khác nhau về vấn đề này Nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho nghiên cứu, có thể phân chia thành các nhóm vấn đề cơ bản sau:

- Thứ nhất, các nhóm công trình nghiên cứu khái niệm đạo đức và đạo đức

doanh nghiệp Đây là nhóm các công trình nghiên cứu và luận giải các vấn đề đạo đức của các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất kinh doanh Nhiều nhất trong nhóm này là các tác phẩm về đạo đức kinh doanh, đạo đức của người quản lý

doanh nghiệp Chẳng hạn như: “Môi trường kinh doanh và đạo đức kinh

doanh”, do GS.TS Ngô Đình Giao (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà

Nội, 1997 Tác giả đã đề cập những vấn đề rất cơ bản trong kinh doanh là môi trường kinh doanh và đạo đức kinh doanh Trong đó, tác giả làm rõ sự cần

thiết phải nghiên cứu môi trường trong kinh doanh, các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh và yếu tố văn hoá có ảnh hưởng đến kinh doanh, tác giả

Trang 11

cho rằng, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh là cần thiết đối với các doanh nghiệp… Ngoài ra, các tác giả còn tập trung làm rõ những khái niệm có liên quan như: đạo đức, đạo đức kinh doanh… trên cơ sở đó, đưa ra các quan điểm

đánh giá đạo đức kinh doanh, hay cuốn “Giáo trình đạo đức kinh doanh và

văn hoá công ty” do Nguyễn Mạnh Quân (chủ biên ), Nhà xuất bản Đại học

Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2007 Trong đó, tác giả đã tập trung làm rõ các

khái niệm liên quan đến đạo đức kinh doanh, văn hoá công ty, trách nhiệm xã hội, thương hiệu và sự xuất hiện các vấn đề đạo đức trong kinh doanh Đặc

biệt, cuốn sách giới thiệu cách tiếp cận với quá trình ra quyết định về hành vi đạo đức và các công cụ phân tích hành vi đạo đức trong kinh doanh với mục đích là nhằm cung cấp phương pháp và công cụ phân tích hành vi đạo đức

trong kinh doanh, tác giả giới thiệu một số vấn đề đạo đức kinh doanh điển

hình thông qua các tình huống cụ thể về những vấn đề thực tiễn

Mai Ngọc Cường, Vũ Thành Hưng, Bùi Anh Tuấn trong cuốn “Đạo

đức kinh doanh: lý thuyết và thực hành” (1996), Nhà xuất bản Thống kê, Hà

Nội, lại tiếp cận vấn đề từ góc độ khác Các tác giả đã làm sáng tỏ những nguyên lý cơ bản về đạo đức kinh doanh: vai trò, tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh, lịch sử các tư tưởng về đạo đức kinh doanh và cơ sở triết học của

lý thuyết đạo đức kinh doanh Đồng thời làm sáng tỏ các chuẩn mực đạo đức

và nguyên tắc xác định hành vi đạo đức Trên nền tảng những nguyên lý cơ

bản về đạo đức kinh doanh, tập thể tác giả đã vận dụng những tư tưởng cơ bản của đạo đức kinh doanh vào thực tiễn thông qua việc nghiên cứu các tình huống và chiến lược nâng cao đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp ở phần sau

Trần Hữu Quang, Nguyễn Công Thắng (chủ biên): “Văn hoá kinh

doanh - Những góc nhìn” (2008) Nhà xuất bản Trẻ - Thời báo kinh tế Sài

Gòn Tập thể tác giả lại nhìn nhận và phân tích đạo đức kinh doanh ở những

Trang 12

khía cạnh khác nhau như: chữ “tín” trong kinh doanh; mối quan hệ giữa kinh

doanh và đạo đức; đạo đức với đối tác và đối thủ; doanh nhân và chữ lợi… Từ

sự phân tích đạo đức kinh doanh ở những khía cạnh khác nhau đó, các tác giả

đã chỉ ra rằng: chữ “tín” là phẩm chất cao quý nhất của người kinh doanh, các

doanh nghiệp muốn thành công trong kinh doanh, trước hết hãy biết giữ chữ

“Tín” Mặt khác, trong kinh doanh phải có đạo đức, phải có cái “Tâm” thì

mới gặt hái được thành công lâu dài, ổn định, thậm chí phải có đạo đức với cả

đối tác và đối thủ của mình…

- Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của

doanh nghiệp Các công trình nghiên cứu thuộc nhóm này đã đề cập đến việc

doanh nghiệp đã chia sẻ gánh nặng xã hội cùng nhà nước, xem đây là nghĩa vụ

của doanh nghiệp và cũng là điều kiện cho quá trình phát triển bền vững Cuốn

sách “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” của tác giả Michel Capron,

Françoise Quairel-Lanoizelée, do tập thể Lê Minh Tiến, Phạm Như Hồ dịch

sang tiếng Việt và Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2009 Trong tác phẩm

này, tập thể các tác giả đã giới thiệu những lối tiếp cận khác nhau về khái

niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, phân tích những tác động của

các thành phần có liên quan đối với doanh nghiệp, những diễn ngôn, những

hành động và các khuynh hướng hiện nay, làm sáng tỏ những mâu thuẫn và

các giới hạn của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong mối tương quan

với các mục tiêu phát triển bền vững Qua đó, tác phẩm cũng đề xuất một cách nhìn mới về các mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế với xã hội, đồng

thời cũng gợi mở những góc độ tư duy hữu ích cả cho giới nghiên cứu lẫn

những người làm công tác thực tiễn (hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ )

- Thứ ba, các bài báo viết về đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh

nghiệp ở nước ta hiện nay Trong nhóm các nghiên cứu này phải kể đến các công

Trang 13

trình cụ thể sau: “Nhìn nhận của người dân về đạo đức kinh doanh của các

chủ doanh nghiệp tư nhân” Tạp chí Tâm lý học - Số 5/ 2006 Đây là bài viết

ra đời đã lâu nhưng lại có nhiều ý nghĩa quan trọng Tác giả đã xây dựng thang đo đánh giá của người dân Hà Nội về đạo đức kinh doanh của các chủ

doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay ở nước ta

Theo tác giả, các chủ doanh nghiệp tư nhân tuy có nhiều đóng góp trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nhưng không vì thế mà người dân

xoá nhòa, san bằng tất cả cái tốt và cái xấu trong hoạt động kinh doanh của

các chủ doanh nghiệp tư nhân Trái lại, càng kỳ vọng bao nhiêu ở sự đóng góp của các chủ doanh nghiệp tư nhân đối với cộng đồng, với xã hội người dân

càng có xu hướng nhìn nhận khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn đối với họ Bài

viết:“ Tìm hiểu trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt

Nam” của tác giả Phạm Văn Đức, đăng trên trang nghiên cứu Hàn Quốc,

tháng 5/ 2013 Trong bài viết này, tác giả đã nêu lên những vấn đề lý luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bên cạnh đó là các vấn đề thực tiễn ở

nước ta hiện nay

Ngoài ra, có thể kể đến các bài viết trên trang Thông tin pháp luật, các

bài viết như: “Vai trò doanh nghiệp trong thực hiện an sinh xã hội ở Việt

Nam hiện nay”, ra ngày 19/1/2010 “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp:

Nhận thức và thực tế ở Việt Nam” của Trần Hồng Minh, ngày 1/5/2009…

Đáng chú ý là các bài đăng trên Tạp chí Triết học với một loạt bài viết

của nhiều tác giả liên quan đến chủ đề của đề tài Trong đó, một số bài viết đã

giải quyết vấn đề từ phương diện triết học, chẳng hạn như, bài “Về vai trò của

đạo đức kinh doanh và việc xây dựng đạo đức kinh doanh ở nước ta hiện nay” của tác giả Duy Huy, đăng trên Tạp chí Triết học, số 2, tháng 4 năm

2001, bài báo:“Xây dựng đạo đức kinh doanh - Cơ sở cho việc thực hiện

trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” của Đỗ Thị Kim Hoa (Tạp chí Triết

Trang 14

học, số 10, tháng 10 năm 2009), bài “Vấn đề xây dựng đạo đức nghề nghiệp

trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay” của Nguyễn Văn Phúc (Tạp

chí Triết học, số 7, tháng 10 năm 2001); bài “Kinh tế thị trường định hướng

xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và những biến động trong lĩnh vực đạo đức” của Nguyễn Trọng Chuẩn (Tạp chí Triết học, số 9, tháng 12 năm

đức xã hội nói chung, đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói riêng, với tư cách là một hình thái ý thức xã hội phản ánh sự biến đổi của tồn tại xã hội, cũng luôn có sự biến đổi cùng với sự biến đổi của kinh

tế thị trường Do đó, hệ thống hoá, phân tích thực trạng đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, đặc biệt làm rõ vai trò của đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với xã hội hiện nay là một hướng mới mà người viết tiếp tục nghiên cứu

Trang 15

CHƯƠNG 1

LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM

XÃ HỘI

1.1 ĐẠO ĐỨC LÀ MỘT HÌNH THÁI Ý THỨC XÃ HỘI

1.1.1 Khái niệm đạo đức

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, là sự phản ánh tồn tại

xã hội, là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng như chính trị, pháp luật, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật Trong xã hội có giai cấp, tư tưởng đạo đức thống trị trong xã hội là tư tưởng đạo đức của giai cấp giữ địa vị thống trị về kinh tế Giai cấp giữ địa vị thống trị về kinh tế dựa vào bộ máy nhà nước để tuyên

truyền, giáo dục và thể chế hoá tư tưởng đạo đức của mình thành những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức, biến nó trở thành thước đo đánh giá, điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội, phù hợp với lợi ích của nó

Với tư cách là một bộ phận của tri thức triết học, các tư tưởng đạo đức

đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử Ngay trong chế độ cộng sản nguyên thủy, ý thức đạo đức đã được hình hình và phụ thuộc chặt chẽ vào những điều kiện

sống, điều kiện sinh hoạt vật chất Trong xã hội nguyên thủy con người cùng nhau hái lượm, xã hội không có sự phân chia giai cấp, không tranh lợi, không

có hiện tượng người bóc lột người… mọi nguyên tắc của xã hội được duy trì bằng sức mạnh của phong tục, của dư luận xã hội, bằng uy tín và sự tôn kính đối với người phụ nữ, người tộc trưởng Trong giai đoạn lịch sử này chưa xuất hiện các tư tưởng đạo đức Đến thời kỳ lịch sử chiếm hữu nô lệ, khi có

sự phân chia giai cấp, bất công xã hội nảy sinh, các tư tưởng về đạo đức xuất hiện trong triết học Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại

Danh từ đạo đức bắt nguồn từ tiếng Latinh là mos (moris) - lề thói,

(moralis nghĩa là có liên quan đến lề thói, đạo nghĩa) Còn “luân lí” thường

xem như đồng nghĩa với “đạo đức” thì gốc ở chữ Hy Lạp là “Ethicos” nghĩa

Trang 16

là lề thói; tập tục Hai danh từ đó chứng tỏ rằng, khi ta nói đến đạo đức, tức là nói đến những lề thói tập tục và biểu hiện mối quan hệ nhất định giữa người

và người trong sự giao tiếp với nhau hàng ngày Sau này người ta thường

phân biệt hai khái niệm, “moral” là đạo đức, còn “Ethicos” là đạo đức học

Trong triết học Trung Quốc cổ đại, các học thuyết về đạo đức xuất phát

từ cách hiểu về đạo đức của họ Theo người Trung Quốc thì “Đạo” là con

đường, phạm trù này về sau được sử dụng trong các tư tưởng triết học để chỉ

con đường của tự nhiên, chẳng hạn như khái niệm “Đạo” trong tư tưởng của

Lão Tử Ngoài ra, đạo cũng còn được hiểu như là con đường sống của con

người trong tự nhiên và xã hội Đối với phạm trù “Đức” dùng để chỉ đức nhân, đức tính…đó là sự biểu hiện của “Đạo”, là đạo nghĩa, nguyên tắc của

luân lý Khái niệm đạo đức được đề cập đầu tiên trong kinh văn của nhà Chu

và sau đó thì được người Trung Quốc sử dụng nhiều, theo họ đạo đức là những yêu cầu, những nguyên tắc do cuộc sống đặt ra và buộc con người phải tuân theo Trong các học thuyết triết học ở Trung Quốc thời kỳ cổ đại, tư tưởng về đạo đức xuất hiện rõ nhất trong học thuyết Nho giáo Đạo làm người được Khổng Tử đề cập khá nhiều, ông cho rằng xã hội loạn do con người không làm đúng chức phận, không làm theo danh của mình Ông xây dựng

học thuyết “Chính danh” nhằm đưa xã hội từ loạn thành trị Bên cạnh đó,

Khổng Tử và các học trò của ông đã đề cập đến nhiều phạm trù đạo đức như: Nhân, lễ, nghĩa, tín… Ngoài ra, tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo cũng đã đề cập

sâu sắc đến đạo và học thuyết “Vô vi”, Mặc Tử có học thuyết “Kiêm ái”…

Trong triết học phương Tây, vấn đề đạo đức được đề cập khá nhiều trong triết học cổ đại, cận đại và hiện đại Trong triết học Hy Lạp cổ đại, các

nhà triết học thường đề cập các vấn đề liên quan đến đạo đức, và cho rằng các vấn đề đó là đạo đức Đối với Democritus thì đạo đức chính là con người có

cuộc sống vui vẻ Ông nói rằng: “Cách sống tốt nhất của một con người là

Trang 17

làm thế nào để được vui vẻ càng nhiều càng tốt và đau khổ càng ít càng tốt”

[22, tr.93] Socrates thì cho rằng, đạo đức là con người biết làm điều thiện

Nhưng thế nào là thiện và làm sao biết đó là điều thiện? Socrates giải thích

rằng: con người thiện là một con người có tri thức, một con người biết tri thức thì sẽ hiểu thế nào là thiện và sẽ hành động theo điều thiện Và như thế, con

người chỉ cần hiểu biết đạo đức thì đủ để trở thành người có đạo đức Socrates

đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của những định kiến duy lý, đã đồng nhất giữa lý

luận và thực tiễn khi xem xét vấn đề đạo đức Triết học thời kỳ Hy Lạp sau

Socrates cũng có nhiều nhà triết học bàn về vấn đề đạo đức Plato nghĩ rằng

đạo đức chính là hạnh phúc và công bằng Trong tác phẩm “Cộng hòa”, Plato

nói rằng: đạo đức là nguyên nhân tất yếu dẫn đến hạnh phúc Arittotle tin rằng, tri thức đạo đức là những tri thức tổng quát Người có đạo đức không

đơn giản rằng người ta hiểu được đạo đức là gì mà còn phải thực hành đạo

đức giỏi, phải trở thành người lương thiện Thánh Augustine cho rằng: cái thiện cao nhất chính là đạo đức, cái thiện cao nhất đó chính là tình yêu Thiên

chúa, là sự hạnh phúc nhất Nhưng đối với Immanuel Kantơ để có giá trị đạo

đức thì chúng ta phải hành động vì bổn phận của chúng ta, tất nhiên đó không phải vì một mục đích ích kỷ mà đó phải là một ý chí tốt, nó dựa trên các nguyên tắc của ý chí chứ không phải vì kết quả Chủ nghĩa vị lợi của John

Stuart Mill thì khẳng định: Sung sướng là một nguyên tắc của hạnh phúc nhiều nhất Ông chấp nhận nguyên tắc: “lợi ích hay hạnh phúc lớn nhất làm

nền tảng đạo đức là tín điều cho rằng các hành động là đúng nếu chúng đem

lại hạnh phúc, là sai nếu chúng đem lại điều đối nghịch với hạnh phúc” [42,

tr.529] Lịch sử triết học trước Mác đã có nhiều quan niệm về đạo đức dưới

những góc nhìn xã hội khác nhau Nhưng tựu chung đều hướng đến cái thiện, cái tốt đẹp và đều cho rằng đó là đạo đức Cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ và làm

điều thiện chính là đạo đức Nhưng xét cho đến cùng thì mọi học thuyết đạo

Trang 18

đức đã có từ trước cho đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định Trong các xã hội có sự phân chia giai

cấp, tư tưởng đạo đức mang tính giai cấp, mỗi giai cấp có đạo đức riêng của giai cấp mình, nó phản ánh các quan hệ thực tiễn làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình Ngày nay, đạo đức được hiểu và định nghĩa như sau:

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện

bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội [21, tr.215]

Khi phân tích khái niệm về đạo đức cần chú ý các điểm sau:

Thứ nhất, đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp

những nguyên tắc, qui tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội

Đạo đức là một hiện tượng lịch sử và xét cho cùng, là sự phản ánh của

các quan hệ xã hội Có đạo đức của xã hội nguyên thuỷ, đạo đức của chế độ chủ nô, đạo đức phong kiến, đạo đức tư sản, đạo đức cộng sản Lợi ích của

giai cấp thống trị là duy trì và củng cố những quan hệ xã hội đang có Trái lại, giai cấp bị bóc lột tuỳ theo nhận thức về tính bất công của những quan hệ ấy

mà đứng lên đấu tranh chống lại và đề ra quan niệm đạo đức riêng của mình Trong xã hội có giai cấp, đạo đức có tính giai cấp Đồng thời, đạo đức cũng

có tính kế thừa nhất định Các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau, nhưng

xã hội vẫn giữ lại những điều kiện sinh hoạt, những hình thức cộng đồng chung Tính kế thừa của đạo đức phản ánh “những luật lệ đơn giản và cơ bản của bất kì cộng đồng người nào” Đó là những yêu cầu đạo đức liên quan đến

Trang 19

những hình thức liên hệ đơn giản nhất giữa người với người Mọi thời đại đều lên án cái ác, tính tàn bạo, tham lam, hèn nhát, phản bội và biểu dương cái thiện, sự dũng cảm, chính trực, độ lượng, khiêm tốn Ph.Ănghen từng nói rằng, không ai nghi ngờ được rằng nói chung đã có một sự tiến bộ về mặt đạo đức cũng như về tất cả các ngành tri thức khác của nhân loại Quan hệ giữa

người với người ngày càng mang tính nhân đạo cao hơn Ngay trong xã hội

nguyên thuỷ đã có những hình thức đơn giản của sự tương trợ và không còn

tục ăn thịt người Với sự xuất hiện của liên minh bộ lạc và nhà nước, tục báo thù của thị tộc dần dần mất đi Xã hội chủ nô coi việc giết nô lệ là việc riêng của chủ nô, đến xã hội phong kiến, việc giết nông nô bị lên án Đạo đức phong kiến bóp nghẹt cá nhân dưới uy quyền của tôn giáo và quý tộc; đạo đức

tư sản giải phóng cá nhân, coi trọng nhân cách Nhưng chúng ta vẫn chưa vượt được khuôn khổ của đạo đức giai cấp Cho nên

“một nền đạo đức thực sự có tính chất nhân đạo phải đặt lên trên sự đối lập giai cấp và lên trên mọi hồi ức về sự đối lập ấy Nền đạo đức như

vậy chỉ có thể có được khi nào xã hội đã tiến tới một trình độ mà người

ta không những đã thắng được mà lại còn quên đi sự đối lập giai cấp

trong thực tiễn của cuộc sống”.[2, tr.156]

Đó là trình độ của xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa

Thứ hai, đạo đức là một phương thức để điều chỉnh hành vi của con

người Trong cuộc sống của mình, con người không ngừng sáng tạo ra các

phương thức để chế ngự và điều chỉnh hành vi của mình Đó là tập quán, phong tục, tôn giáo, pháp luật, đạo đức… Riêng với đạo đức, con người đã

tạo ra những khuôn phép chuẩn mực và các quy tắc đạo đức đã biểu hiện thành khái niệm về điều thiện và điều ác, đúng và sai, vinh và nhục, chính

nghĩa và phi nghĩa…Trong bất kỳ thời đại nào con người cũng soi mình vào các giá trị đó để được đánh giá Trong quá trình tồn tại và phát triển, các khái

Trang 20

niệm của đạo đức thay chịu sự tác động của lịch sử và thay đổi trong từng thời đại, từng dân tộc, nó biểu hiện lợi ích của một giai cấp nhất định Những chuẩn mực đạo đức là yêu cầu của xã hội hoặc của giai cấp nhất định đề ra

cho mỗi cá nhân Nó bao gồm những quy tắc thể hiện mối quan hệ giữa con

người với quê hương đất nước, với giai cấp, nhà nước…và giữa con người với nhau Tất cả những chuẩn mực đạo đức, những quy tắc đạo đức ấy được dư

luận xã hội, một giai cấp, một dân tộc thừa nhận Nó cho phép con người được làm những điều không trái với những giá trị đạo đức đã được công nhận

và ngăn cản thực hiện những hành vi được cho là phi nhân tính, phi nghĩa…

Xã hội sẽ trừng phạt tất cả những ai vi phạm bằng dư luận xã hội, bằng luật

pháp

Thứ ba, đạo đức là một hệ thống các giá trị Giá trị đạo đức, nhìn từ

góc độ cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội, là một

hình thái của giá trị tinh thần, có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau với các giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị chính trị… Về bản chất, giá trị đạo

đức mang tính xã hội Trong đời sống đạo đức từ cổ đại cho đến cận đại hay

hiện đại, dù ở phương Đông hay phương Tây thì vẫn có thể tìm thấy sự tương đồng của những giá trị đạo đức cơ bản, như yêu lao động, trung thực, nhân

ái… Lợi ích xã hội là tiêu chuẩn khách quan của các giá trị đạo đức, và vì

vậy, chỉ khi nào những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi

con người phù hợp với lợi ích xã hội, được dư luận đồng tình ủng hộ thì mới

có giá trị Giá trị đạo đức nằm trong hoặc luôn gắn với những phẩm chất, chuẩn mực cụ thể Theo Phạm Văn Nhuận, “các giá trị của đạo đức được biểu hiện tập trung trong hệ thống phẩm chất, chuẩn mực đạo đức cơ bản dùng để điều chỉnh thái độ, hành vi của con người mang ý nghĩa xã hội của nó” [60]

Chúng ta không thể nói đến giá trị đạo đức mà lại tách rời các quan niệm,

chuẩn mực, phẩm chất đạo đức, không thể nhận thức giá trị đạo đức mà

Trang 21

không dựa trên cơ sở những quan niệm, chuẩn mực, phẩm chất đạo đức cụ

thể

1.1.2 Vai trò của đạo đức

Đạo đức có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, trong đời sống của con người, đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm đảm

bảo cho cá nhân và cộng đồng tồn tại phát triển Sống trong xã hội, người ta ai cũng phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường, cách thức và phương tiện hoạt động nhằm kết hợp lợi ích của mình và cộng đồng,

từ đó bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay Kinh tế thị trường đã từng bước hình thành và phát triển,

đạo đức tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh

vai trò to lớn của kinh tế, chính trị… thì đạo đức ngày càng giữ một vai quan

trọng đối với xã hội

Thứ nhất, đạo đức được xem là gốc rễ, là cội nguồn của mỗi con người

Với thực trạng cuộc sống hiện nay, khi cơ chế thị trường với tác động của những quy luật kinh tế khách quan, đặc biệt là quy luật cạnh tranh đã tạo ra những hiệu ứng nhất định về xã hội – đạo đức Ở đây hiệu quả kinh tế và lợi nhuận là mối

quan tâm đầu tiên của mỗi người Do đó, người ta xem “thương trường là chiến

trường” tìm mọi cách sao cho làm ra nhiều tiền của Trong cuộc chiến ấy có thể

người ta sẽ gạt bỏ mọi chuẩn mực đạo đức, chỉ tôn thờ một thứ duy nhất – đồng tiền, gắn hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống với nó Sự sùng bái đồng tiền có thể trở thành một nguyên tắc xử thế và chuẩn mực hành vi của nhiều người, là nguyên nhân của không ít hành vi trái đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật Đạo đức sẽ giúp bài trừ phần nào lối sống thực dụng trên, xã hội phát triển và

vấn đề đạo đức trong xã hội cũng phát triển theo chiều hướng tích cực trong sự phát triển ấy thì con người sẽ giàu tình thương hơn

Trang 22

Thứ hai, đạo đức giúp con người đối xử với nhau theo đúng chuẩn mực

cần có Chúng ta thấy qua các trang báo hoặc phóng sự trên tivi, YouTube

hàng ngày, hàng giờ những vấn đề đối nhân xử thế của con người luôn được bàn cãi Nếu như trong mỗi người có ý thức đầy đủ về việc cần làm, về những hành vi ứng xử cần có thì sẽ không có các hiện tượng như câu chuyện xảy ra

ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, một người bác sĩ thường được ví là “từ mẫu” lại

đặt lợi ích của bản thân hơn cả mạng sống của một con người [62] hoặc tình trạng học sinh vô lễ với thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy các em, không chỉ

cách ứng xử với thầy cô mà ngay với bạn bè cũng đang nổi cộm tình trạng

học sinh nữ cũng đánh nhau, đạo đức trong học đường hiện nay đang là tiếng chuông cảnh báo vai trò của đạo đức trong học đường cần được xem trọng

hơn nữa Xã hội sẽ tốt đẹp nếu con người chúng ta biết đối xử với nhau nhân

ái, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, loại bỏ những thói hư tật xấu, sự vô lễ trong cách ăn nói, có sự lịch thiệp trong cách giao tiếp và đạo đức phải làm nhiệm

vụ ấy

Thứ ba, đạo đức góp phần làm giàu tính người trong các quan hệ xã

hội Trong các mối quan hệ xã hội phức tạp, sự phát triển của đời sống xã hội,

khi mà đồng tiền điều khiển đời sống của con người, tình cảm con người giành cho nhau ngày càng mờ nhạt, mọi thứ đều được đem ra cân, đo, đong đếm ngay cả đến tình cảm thì cần phải làm sao tình cảm được đặt lên trên tất

cả Chúng ta biết có rất nhiều chương trình từ thiện diễn ra, có rất nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn của bản thân để hỗ trợ cho các em học

sinh có hoàn cảnh khó khăn, gần đây nhất là chương trình “Điều ước thứ 7”

trên VTV3 - đài truyền hình Việt Nam cũng là nơi chắp cánh cho bao ước mơ, gieo niềm tin vào cuộc sống cho con người nhiều hơn nữa, nhà báo Lại Văn Sâm đã từng nói khi chương trình này được phát sóng:

Trang 23

“Chúng tôi chỉ muốn khơi lại sự nhân văn trong mỗi con người trong

một xã hội mà có vẻ như đồng tiền đang ngự trị ở mọi ngóc ngách Tuy nhiên, chúng tôi không kêu gọi lòng thương của ai, không xin ai, không cho ai, chỉ đánh động lòng nhân ái trong mỗi con người” [63]

Nếu không có lòng yêu thương thật sự thì không thể có được những điều ý nghĩa như vậy

Thứ tư, đạo đức giúp con người sống có trách nhiệm hơn với bản thân,

gia đình và xã hội Đã là con người ai cũng mong muốn mình có một cuộc

sống tốt đẹp, ai cũng muốn góp phần nhỏ bé công sức của mình vào sự phát

triển của gia đình, xã hội Để mong muốn đó trở thành hiện thực thì họ sẽ có trách nhiệm đối với chính bản thân mình, phải ra sức học tập, rèn luyện đạo

đức, tạo dựng cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng Khi đã có một nền tảng tri thức thì sẵn sàng phục vụ, cống hiến cho xã hội Ở Việt Nam, chúng

ta đang vấp phải một trở ngại vô cùng lớn trong quá trình phát triển đất nước

đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam có tiềm lực để phát triển kinh tế nhưng nguồn nhân lực đang bị chảy máu chất xám sang các nước có

nguồn thu nhập cao hơn Nếu như nhiều cá nhân có tài năng, như giáo sư Nguyễn Văn Thuận, trường Đại học Konkuk – Hàn Quốc mong muốn trở về

nước xây dựng cơ sở khoa học trong nước, họ chấp nhận làm việc trong môi

trường còn thiếu thốn và nguồn thu nhập chưa cao Mọi người Việt Nam đều sẵn sàng hy sinh một phần nào đó lợi ích của mình để làm việc trong nước, họ thấy được trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc thì chắc chắn trong tương lai gần Việt Nam sẽ là một nước phát triển Một thực trạng đang nổi cộm hiện

nay là tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang là vấn đề đáng lo ngại của toàn xã

hội Hằng năm, một số lượng lớn sinh viên, thạc sĩ tốt nghiệp mà vẫn thất nghiệp, sống phụ thuộc vào gia đình và tạo nên gánh nặng cho xã hội Sẽ tốt hơn nếu họ chấp nhận làm một người lao động có tay nghề, một công nhân

Trang 24

lành nghề để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân giảm đi gánh nặng cho gia

đình, cho xã hội Điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mỗi người

mà còn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đạo đức với xã hội

Thứ năm, đạo đức sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội về mọi

mặt Con người sống trong cộng đồng xã hội nếu mong muốn xã hội ngày

càng văn minh, phát triển họ sẽ biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của

cá nhân Xã hội cần những người thực sự có năng lực cống hiến nên những

người không có đủ trình độ và năng lực cần phải sẵn sàng nhường bước, học

tập và ủng hộ người có tài đức hơn mình làm những công việc quan trọng Do

vậy, hiện nay trong việc tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức được thực

hiện công khai trên các kênh thông tin đại chúng, có sự giám sát chặt chẽ của

các cơ quan thanh tra Đây chính là cơ hội để những người được đào tạo qua

trường lớp, có sự hiểu biết đảm nhận vào các công việc phù hợp, giảm tình

trạng “con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” Tinh thần,

trách nhiệm của mỗi các nhân trong công việc là một yếu tố đạo đức cần thiết

trong xã hội

Trên đây chưa phải đã phản ánh hết được vai trò của đạo đức đối với

con người và xã hội nhưng đã phần nào làm rõ tầm quan trọng của đạo đức

đối với cuộc sống Hiện nay, đạo đức luôn được xem như một phạm trù mở

rộng và đạo đức kinh doanh được đề cập và nghiên cứu ngày càng nhiều, là

một phần trong nghiên cứu về triết học đạo đức

1.1.3 Đạo đức kinh doanh

Từ phạm trù đạo đức vừa được trình bày ở trên, đạo đức kinh doanh chỉ bắt đầu được nghiên cứu nghiêm túc và phát triển thành một môn khoa học, cả về lý luận và thực hành vào nửa sau thế kỷ XX ở các nước công nghiệp phát triển phương Tây

Trang 25

Đạo đức trong kinh doanh là sự vận dụng, thực thi những giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu, biểu tượng đạo đức của cộng đồng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh Về bản chất, đạo đức kinh doanh là đạo đức nghề nghiệp được thể hiện trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể, đó là lĩnh vực kinh doanh

Xét về mặt lịch sử, thuật ngữ “Đạo đức kinh doanh” mới chính thức được

gọi tên khoảng hơn 40 năm trở lại đây Vào khoảng 1974, một nhà nghiên cứu đạo đức kinh doanh rất nổi tiếng là Norman Bowie (sinh năm 1942), là giáo sư danh

dự tại Đại học Minnesota đã có những phát ngôn quan trọng trong các cuộc

tranh luận đang diễn ra về đạo đức kinh doanh, “trong các quan điểm của mình ông đã chứng tỏ mình ủng hộ quan điểm của Kant về đạo đức” [50, tr.34] Tuy nhiên, sự hình thành những tư tưởng về đạo đức kinh doanh đã

xuất hiện rất sớm trong lịch sử Ngay từ thời cổ đại, ở cả phương Đông và

phương Tây Những tư tưởng về đạo đức kinh doanh đã tồn tại dưới dạng những điều răn trong các bộ luật của các tôn giáo như: Thiên chúa giáo, Ấn

Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo… và cho đến ngày nay những lời răn ấy vẫn còn những tác dụng cụ thể

Ngoài ra, tư tưởng đạo đức kinh doanh còn tồn tại dưới dạng triết lý ẩn chứa trong nhiều tác phẩm triết học của các nhà triết học cổ đại Plato được

biết đến thông qua những cuộc thảo luận về pháp luật của ông trong tác phẩm

“Cộng hòa” và Aristotle đã bàn luận thật rõ ràng những mối quan hệ kinh tế,

thương mại và mậu dịch dưới nhan đề “hộ gia đình” trong tác phẩm “Chính

trị luận” Nhận định của Aristotle về mậu dịch, trao đổi, sở hữu, trưng thu,

tiền tệ và tài sản hầu như cũng còn ảnh hưởng đến ngày nay Ông đưa ra nhiều điều phán xét về sự tham lam và việc lạm dụng quá đáng sức lực con

người để theo đuổi sự giàu có Ông cũng chỉ trích việc cho vay nặng lãi vì nó liên quan đến lợi nhuận của bản thân tiền tệ hơn là từ quá trình trao đổi mà

trong đó đồng tiền chỉ là một phương tiện Aristotle cũng đưa ra định nghĩa cơ

Trang 26

bản về sự công bằng, theo ông thì những người cùng đẳng cấp phải được đối

xử công bằng, sòng phẳng trong mua bán và được hưởng tiền công xứng đáng với những gì mà công sức đã bỏ ra

Sau khi đế quốc La Mã suy tàn, giáo lý Cơ Đốc trở thành tư tưởng chủ đạo, và dù đã có nhiều sự thảo luận khác nhau về sự giàu nghèo, về chủ quyền

và sở hữu, vấn đề kinh doanh vẫn chưa được nói đến một cách có hệ thống,

ngoại trừ trong nội dung của pháp lý và dựa theo sự thành thật trong việc mua bán Điều này được trình bày trong lập luận của Thomas Aquinas về việc bán hàng hóa đắt hơn giá trị thật của chúng với giá bán cao hơn là giá mua Dựa

trên lập luận của Aristotle, Aquinas chỉ trích vấn đề cho vay nặng lãi Tuy nhiên, ông cũng biện minh cho sự vay mượn hợp lý từ những người sẵn sàng cho vay lấy lời Luther, Calvin và John Wesley là ba trong số những người

theo chính sách cải cách cũng đã bàn thảo về vấn đề mậu dịch và kinh doanh

và đã đi tiên phong trong việc phát triển quy luật đạo đức trong công việc (lương tâm nghề nghiệp) của người tín đồ đạo Tin lành… Quá trình phát triển

tư tưởng đạo đức kinh doanh gắn liền với sự phát triển của ngành thương mại

và sự phát triển của kinh tế thế giới qua các thời kỳ lịch sử

Từ khi được chính thức sử dụng, thuật ngữ “đạo đức kinh doanh” đã

trở thành chủ đề tranh luận không ngừng nghỉ của các nhà lãnh đạo trong giới kinh doanh, người lao động, các cổ đông, người tiêu dùng và cả các giáo sư

đang giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới Cho đến nay, đã có rất

nhiều định nghĩa về đạo đức kinh doanh Về cơ bản có hai xu hướng sau:

Một là, những quan điểm cho rằng đạo đức cũng như trách nhiệm xã

hội, nó không cần phải gắn với vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp Điển hình cho những quan điểm này là M Fridmann (1912 - 2006), ông cho rằng,

các doanh nghiệp không có trách nhiệm nào khác ngoài việc kiếm tiền và khi

Trang 27

lòng tốt nổi lên, các doanh nghiệp chỉ đảm nhận những trách nhiệm thứ yếu

và làm như vậy đem lại nhiều điều xấu hơn là điều tốt

Nhà triết học P.Ricoeur cũng cùng quan điểm này, ông cho rằng “việc đưa đạo đức vào kinh doanh chỉ là mánh khóe của tư tưởng coi trọng sản xuất khi nó gắn nhu cầu hòa nhập với những giá trị của doanh nghiệp do ban giám đốc đề ra” [46, tr.167] Đối với nhà triết học J P Le Goff thì việc chúng ta đưa đạo đức vào trong kinh doanh chẳng khác nào chúng ta tạo ra một bóng dáng gia trưởng trong doanh nghiệp Theo ông, đưa đạo đức vào trong kinh doanh chỉ là một phương thức đặc biệt để gắn chặt người lao động vào doanh nghiệp mà thôi, ngoài điều đó ra nó không còn ý nghĩa Cực đoan hơn trong quan điểm của mình, “H Arendt phê phán các hoạt động kinh tế bằng cách là gán cho doanh nghiệp một chức năng duy nhất là chức năng sinh học, nghĩa là duy trì cuộc sống con người và đảm bảo sức khỏe cho anh ta”.[26, tr.38]

Hai là, các tư tưởng ủng hộ việc đưa đạo đức gắn kết với quá trình kinh

doanh của doanh nghiệp Họ cho rằng đây là việc cần thiết song lại chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về nhiều khía cạnh như về phạm vi ứng dụng, nội dung của đạo đức kinh doanh… Chính vì vậy mà có rất nhiều định nghĩa khác nhau

về đạo đức kinh doanh Theo Phillip V Lewis thuộc đại học Abilene Christian – Hoa Kỳ Trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1985, trên các sách giáo khoa và tạp chí đã có khoảng 185 định nghĩa về đạo đức kinh doanh Sau một quá trình tổng hợp các điểm chung của 185 định nghĩa, Ông

đã xác định đạo đức kinh doanh như là nguyên tắc, tiêu chí, chuẩn mực để đánh giá hành vi của các chủ thể kinh doanh Ông viết: “Đạo đức kinh doanh

là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực và sự trung thực (của một tổ chức) trong những trường hợp nhất định” [46, tr.108] Đây là một định nghĩa

đã chỉ ra được nội dung, chủ thể, không gian và thời gian của đạo đức kinh doanh

Trang 28

Nhưng trên thực tế, nghiên cứu các vấn đề lý luận về đạo đức nói chung và đạo đức kinh doanh nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định cái gì

là đúng và cái gì được cho là sai Trong khi đó, cái được cho là đúng đối với người này, trong lúc này thì lại không đúng với người khác, trong lúc khác Trong những trường hợp như vậy buộc chúng ta phải có những lựa chọn dựa trên sự nhất trí của

dư luận xã hội hiện tồn Để giải quyết khó khăn mà các nhà nghiên cứu trước đây

đã định nghĩa cũng như những khó khăn vấp phải trong quá trình nghiên cứu Các nhà nghiên cứu hiện nay thường sử dụng đến định nghĩa của Ferrels và John Fraedrich, khi các ông chú ý đến phương diện điều chỉnh hành vi đạo đức kinh

doanh đối với hành vi của chủ thể kinh doanh Các ông cho rằng:

“Đạo đức kinh doanh bao gồm những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi trong thế giới kinh doanh Tuy nhiên, việc đánh giá một hành

vi cụ thể là đúng hay sai, phù hợp với đạo đức hay không sẽ được quyết

định bởi nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, các nhóm có quyền lợi liên

quan, hệ thống pháp lý cũng như cộng đồng” [46, tr.168]

Đây được xem là định nghĩa rõ ràng và thường được vận dụng trong thực tiễn đạo đức kinh doanh, nhất là ở những khía cạnh liên quan đến sự tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, những vấn đề liên quan đến

quyền lợi và nghĩa vụ về mặt đạo lý giữa doanh nghiệp và những cổ đông Theo

đó, đạo đức kinh doanh không chỉ có việc tuân thủ luật pháp mà doanh nghiệp còn phải quan tâm đến việc phải bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng hữu quan cũng như quyền lợi của cộng đồng

Qua phân tích và luận giải một số quan điểm về đạo đức kinh doanh trên

thế giới Chúng ta thấy rằng, đạo đức kinh doanh không phải là một vấn đề đòi hỏi phải xác định rõ về mặt lý luận mà còn đòi hỏi được cụ thể hóa và vận dụng trong thực tiễn Trên phương diện triết học, nhiều nhà triết học đã có nhiều nghiên cứu

và góp phần lý giải nhiều vấn đề cơ bản liên quan đến đạo đức kinh doanh, đặc

Trang 29

biệt là cơ sở đạo đức của các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các đặc trưng của những mối quan hệ đó

Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề đạo đức kinh doanh vẫn được xem là vấn đề còn khá mới mẻ, các giáo trình phục vụ dạy học cũng như sách liên quan không

có nhiều Một số sách được dịch từ Hoa Kỳ ra tiếng Việt nhưng với số lượng phát hành còn khá hạn chế Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều bài báo viết về đạo đức kinh doanh dưới nhiều góc nhìn khác nhau Số lượng bài viết về đạo đức kinh doanh chủ yếu đăng tải trên internet ngày càng tăng, nội dung khá phong phú

và mang tính thực tiễn cao, đã góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn về đạo đức kinh doanh có cái nhìn thực tế về những vấn đề quan trọng này

Trong các giáo trình giảng dạy về đạo đức kinh doanh ở nước ta hiện nay đều đưa ra định nghĩa dưới dạng khái quát và đơn giản như sau:

Đạo đức kinh doanh là những quy tắc được xã hội chấp nhận để phân định hành vi của chủ thể doanh nghiệp là đúng hay sai, là có đạo đức hay không có đạo đức để trên cơ sở đó nhằm điều chỉnh hành vi của các nhà kinh doanh

Theo định nghĩa này, thì “đạo đức kinh doanh lại có nhiều điểm chung với

sự tuân thủ luật pháp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”[46, tr.109] Điều này đồng nghĩa với việc đạo đức kinh doanh không chỉ là việc tuân thủ pháp luật mà còn quan tâm đến các vấn đề bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và cộng đồng

1.2 TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

1.2.1 Những quan điểm chung về trách nhiệm xã hội

Nếu như đạo đức kinh doanh xuất hiện rất sớm cùng song hành với

ngành thương mại, thì thuật ngữ “trách nhiệm xã hội của doanh

nghiệp” chính thức xuất hiện từ những năm 1950, “chính tác giả người Mỹ đã

đưa ra khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social

Trang 30

responsibility - CSR) dựa trên mối bận tâm về mặt đạo đức và tôn giáo” [30, tr.13] Đó chính là H.R.Bowen, ông đã công bố cuốn sách của mình với nhan

đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the

Businessmen, 1953) nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, theo nguyên tắc bác ái, theo đó bổn phận của con người là phải giúp đỡ lẫn nhau Ông kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các doanh nghiệp làm tổn hại cho xã hội Đây là một quan niệm “nhấn mạnh lòng từ thiện với tư cách là

hệ luận của nguyên tắc trách nhiệm cá nhân nhằm mục đích sửa chữa những khuyết tật của hệ thống và bồi hoàn cho những lạm dụng và vi phạm, hơn là ngăn ngừa dự liệu nhằm tránh những thiệt hại do hoạt động của doanh nghiệp gây ra” [30, tr.17]

Là một mục sư, ông muốn xây dựng một học thuyết xã hội cho Giáo hội Tin lành có thể sánh cùng với học thuyết của Giáo hội Công giáo Do đó, quan niệm của ông đã tạo ra một ảnh hưởng sâu sắc trong những quan niệm

về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

Trong nửa sau thế kỷ XX, thuật ngữ trách nhiệm xã hội vẫn còn rất mới

ở châu Âu Điều này một phần là do mức độ bảo hộ xã hội đã được định chế hóa cao nên đã làm cho các hoạt động từ thiện trở nên mờ nhạt Một phần khác là do sự thỏa thuận tập thể giữa doanh nghiệp và người lao động ở cấp quốc gia và cấp hội ngành nghề tại nhiều nước đã tăng quyền cho các doanh nghiệp và ngược lại đối với lao động Sự phát triển và lan rộng khắp nơi của

mô hình Taylor – Ford trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp đã xóa bỏ dần mô hình gia trưởng cổ điển Mô hình Taylor – Ford

“xem các vấn đề riêng tư của người lao động không hề có liên hệ gì đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nó lấy sự lớn mạnh của mô hình nhà nước phúc lợi với những định chế xã hội mới thay thế cho lòng bác

Trang 31

ái của giới chủ”, [30, tr.15]

đồng nghĩa với việc trách nhiệm xã hội là của chính phủ chứ không

phải của doanh nghiệp Nhưng cả hai mô hình của Ford và mô hình nhà nước phúc lợi đều đi vào thoái trào, tình trạng mất an ninh xã hội, những vụ scandal tài chính gia tăng…, thế giới cần đến một quan niệm rõ ràng hơn về vấn đề

này Điều này đã làm xuất hiện một quan điểm minh bạch về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Châu Âu trong những năm 1990 Đầu tiên là sự xuất hiện các thuật ngữ mới như: doanh nghiệp công dân (entreprise citoyenne),

doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội (entreprise socialement responsable), doanh nghiệp có đạo đức (entreprise esthique)… và sau đó là những quan điểm mang tính chất như một khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Với việc thuật ngữ “trách nhiệm xã hội” được sử dụng rộng rãi là điều

kiện cho một cuộc tranh luận kéo dài giữa hai quan điểm ủng hộ và phản đối

Một là, những quan điểm đối lập

Trong đại bộ phận giới kinh doanh tại Hoa Kỳ,“do chịu những ảnh hưởng nhất định của trường phái Chicago nên đã có những quan điểm đối lập hoàn toàn với trách nhiệm xã hội, ngay cả khi thuật ngữ này còn chưa ra đời” [30, tr.35]

Năm 1958, Levitt đã đưa ra những cảnh báo về những nguy cơ mà các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội Theo đó các doanh nghiệp không thể chịu trách nhiệm như các cơ quan công cộng được vì theo ông thì các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp không phải là những người được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu Từ đó đã tạo điều kiện cho Friedman nói rằng: “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không có trách nhiệm nào khác ngoài trách nhiệm tạo ra càng nhiều tiền càng tốt cho các cổ đông của mình” [30,

tr.36] Nhưng ông cũng rất cẩn trọng khi nói thêm: “Nếu việc thực hiện trách

Trang 32

nhiệm xã hội giúp cho doanh nghiệp tối đa hóa được lợi nhuận thì doanh nghiệp nhất định phải đi theo con đường này” [30, tr.36]

Hai là, những quan điểm đồng thuận

Trong những quan điểm đồng thuận vẫn có nhiều vấn đề khó dung hòa trong những quan niệm về trách nhiệm xã hội, đặc biệt là việc xác định lợi ích của khái niệm Có thể kể đến B Perrow, một trong những nhà nghiên cứu lý

thuyết có ảnh hưởng lớn hiện nay trong các lĩnh vực về khoa học tổ chức Ông đã nhận diện trách nhiệm xã hội như một cơ chế có hiệu ứng rõ ràng,

hướng doanh nghiệp khai thác tối ưu nhất đối với môi trường Ông đã dùng

những lời lẽ như một sự động viên dành cho các doanh nghiệp rằng, trách nhiệm xã hội sẽ mang lại những nguồn lợi lớn và đó như là một chiến lược

cho sự phát triển bền vững

Về định nghĩa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Keith Davis (1973) đã từng đưa ra một khái niệm khá rộng Theo ông, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn

đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, con người

Trên bình diện khu vực, Ủy ban Châu Âu công nhận trách nhiệm xã hội của

doanh nghiệp từ rất sớm Theo đó thì,

“trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là việc doanh nghiệp đưa mối quan tâm về xã hội và môi trường vào các hoạt động kinh doanh và mối quan hệ của họ với các cổ đông của mình, trên cơ sở tự nguyện” [46,

tr.171]

Xét ở tầm vi mô, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện ở ba nội

dung cơ bản: Thứ nhất, là doanh nghiệp phải thực hiện các chiến dịch làm từ thiện; thứ hai, là doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với xã hội như là một nhánh của việc quản trị rủi ro và thứ ba, là cam kết minh bạch trong các hoạt

động sử dụng lao động như: không sử dụng lao động trẻ em, gây hại môi

Trang 33

trường, cam kết cạnh tranh lành mạnh

Tuy nhiên, từ đó đến nay thuật ngữ “trách nhiệm xã hội của doanh

nghiệp” vẫn đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau Một số người xác

định “trách nhiệm xã hội hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến” (Prakash, Sethi, 1975) Một số người khác hiểu “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ

thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định” (Archie B Carroll, 1979)…

Qua đó, thấy rằng còn rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Nếu thực hiện phân chia theo cách đơn giản nhất thì có thể phân chia như sau:

Các bên có liên

quan

Blomm, Gundlanch (2001)

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên có liên quan là nghĩa vụ vượt lên trên cả khía cạnh về pháp luật Nghĩa vụ này được hiểu là việc tối đa hóa ảnh hưởng tích cực lâu dài của doanh nghiệp với xã hội và tối thiểu hóa các mối nguy hiểm tiềm tàng

Caroll (1991) Trách nhiệm xã hội được chia thành

bốn trách nhiệm như trách nhiệm về kinh tế (tối đa hóa lợi nhuận), trách nhiệm pháp lý (Tuân thủ theo các quy chế và pháp luật), trách nhiệm đạo

Trang 34

đức (Tuân theo tiêu chuẩn đạo đức), trách nhiệm từ thiện (cống hiến cho xã hội)

Davidson (1994)

Khái niệm này được hiểu là doanh nghiệp tư nhân phải có trách nhiệm với những gì mà mình mắc nợ với toàn thể xã hội và những thành viên tạo dựng nên xã hội đó

Lee Chin Kyu, Cho Chun Hwa (1997)

Đây là trách nhiệm có liên quan đến văn hóa xã hội, xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động và rộng hơn nữa là trách nhiệm về pháp lý, kinh tế và đạo đức đối với toàn thế giới Đây là trách nhiệm chung giữa doanh nghiệp và xã hội vì sự phát triển của toàn xã hội

Petkoski, Twose (2003)

Đây là hành động của doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân viên và gia đình cùng với xã hội địa phương, đồng thời, mang lại sự thịnh vượng cho doanh nghiệp cũng như góp phần phát triển kinh tế bền vững như mục đích sau cùng

Mc Williams, Siegel (2001)

Là hành động của các doanh nghiệp

để tạo nên một xã hội tốt đẹp, vượt ra khỏi việc đáp ứng đơn thuần các quy định được pháp luật và những bên liên quan yêu cầu trực tiếp

Trang 35

Nguyên tắc đạo

Là việc thừa nhận thực tế các cá nhân,

tổ chức, các chế độ xã hội phụ thuộc lẫn nhau và doanh nghiệp phải hoạt động dựa theo tiêu chuẩn các giá trị về đạo đức và nguyên lý kinh tế

Quản lý rủi ro Mohret Al (2001)

Là hoạt động tối thiểu hóa hoặc loại

bỏ trước các mối hiểm nguy phát sinh trong xã hội cũng như tối đa hóa hiệu quả nhất định trong thời gian dài

Marsden (2000)

Doanh nghiệp là một công dân, đồng thời, cũng là một thành viên của cộng đồng địa phương, mang đầy đủ cả trách nhiệm và quyền lợi với tư cách pháp nhân

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, người ta thường sử dụng định

nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng thế giới về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Theo đó, Trách nhiệm xã hội của doanh

nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội

Trang 36

1.2.2 Những biểu hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hoá kinh tế hiện nay biểu hiện dưới những góc cạnh sau:

+ Trách nhiệm với thị trường

Doanh nghiệp cam kết minh bạch trong kinh doanh, cung cấp thông tin

về tài chính và hoạt động kinh doanh cho cổ đông và công chúng Cam kết không có hành vi hối lộ, tham nhũng Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tuân thủ luật pháp quốc tế và trong nước Xây dựng và thực hiện các quy chuẩn đạo đức kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

+ Bảo vệ môi trường

Vấn đề này thể hiện ở những hành động của doanh nghiệp trong khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững Bảo vệ môi trường sống trong sạch, gắn kết sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường như là mục tiêu chiến lược lâu dài cho sự phát triển của bản thân doanh nghiệp Doanh nghiệp phải có trách nhiệm áp dụng các công nghệ và biện pháp xử lý nước thải không gây nguy hại đến môi trường và biến đổi khí hậu

+ Quan hệ tốt với người lao động

Đây là việc buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh Doanh nghiệp phải cảm kết không có lao động trẻ em, không

có lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử trong tuyển mộ và áp dụng các hình thức kỷ luật, tự do hiệp hội, thương lượng tập thể, thực hiện đúng quy định về thời giờ làm việc, thực hiện đúng hợp đồng lao động và chế độ tiền lương phù hợp, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, an toàn sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ đãi ngộ: ăn, nước uống, nhà vệ sinh, nhà ở, phương tiện đi lại đối với công nhân

+ Đóng góp cho với cộng đồng xã hội

Trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng được hiểu rộng hơn là các hoạt

Trang 37

động từ thiện Bên cạnh các nghĩa vụ pháp lý, doanh nghiệp cần phải tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, đây được xem là việc làm thiết thực của các doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng còn là cách thức doanh nghiệp tạo ra những

điều kiện làm việc tốt đối với người lao động, phát triển nguồn nhân lực cũng như nhiều hoạt động phúc lợi khác như: hỗ trợ cho giáo dục, hỗ trợ cho các

chương trình nước sạch… Doanh nghiệp cũng phải thực hiện việc giữ gìn và

bảo tồn các di sản, văn hóa cộng đồng khi thực hiện sản xuất kinh doanh

Diễn giải cụ thể hơn, mỗi doanh nghiệp khi đã tự quyết định một cách

tự nguyện về thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thì bên cạnh những đóng góp, chi phí vì lợi ích cộng đồng xã hội đương nhiên họ sẽ có những lợi ích

riêng trong kinh doanh thông qua các hoạt động, đó là:

- Bảo vệ thương hiệu không bị xã hội chỉ trích; nâng cao uy tín của sản phẩm một cách bền vững, mở rộng thị trường và tạo lập ưu thế về giá cả, được tham gia các chương trình đầu tư phát triển doanh nghiệp vì trách nhiệm

xã hội

- Duy trì hoặc ký thêm hợp đồng kinh tế với các đối tác đầu tư, bạn

hàng Có thêm điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hoá công nghệ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng việc làm, giảm số công

nhân bỏ việc, tăng uy tín xã hội để doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao,

dễ dàng hoạt động hơn

- Có thêm điều kiện vật chất để cải thiện đời sống người lao động Cụ

thể là tăng thu nhập, nâng cao hơn chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người lao động và gia đình họ, hỗ trợ người lao động thực hiện tốt hơn luật

pháp lao động và mở rộng hơn khả năng bảo hiểm y tế, xã hội cho họ…

Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn được thể hiện

Trang 38

cụ thể trên các yếu tố khác, các mặt như:

+ Bảo đảm lợi ích và sự an toàn cho người tiêu dùng

+ Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp dịch vụ

+ Đảm bảo lợi ích cho các cổ đông …

1.3 QUAN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Chúng ta không thể không đề cập đến trách nhiệm xã hội khi bàn về

đạo đức của các doanh nghiệp và ngược lại Một doanh nghiệp đã thực hiện

tốt đạo đức của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc họ đã thực hiện được trách nhiệm của mình đối với xã hội, cụ thể nhất đó là đối với người tiêu dùng, đối với môi trường, cộng đồng, người lao động và cả đối với nhà nước Đây là một mối quan hệ khăng khít, dù rằng biểu hiện có thể rõ ràng hoặc

tiềm ẩn Nhưng vấn đề cần được xem xét là ở chỗ: chúng có mối quan hệ như thế nào với nhau, phạm vi tác động, đối tượng, nội dung có những điểm chung và riêng ra sao? Chúng có những đặc trưng cụ thể nào?

Khi chúng ta xem xét về mặt lịch sử thì thấy rằng, những tư tưởng về

đạo đức kinh doanh xuất hiện rất sớm cùng với sự ra đời của ngành thương

mại Trong bộ luật Hammurabi (1700 Tr CN) đã có những quy định về giá

cả, thuế quan, cách thức hoạt động thương mại và cả những hình phạt rất nghiêm khắc cho tất cả những ai không tuân thủ Đây được xem như là một

trong những bằng chứng đầu tiên thể hiện những nỗ lực của xã hội loài người nhằm phân biệt những ranh giới đạo đức cho hoạt động kinh doanh Trong tác phẩm “Politics” (ra đời vào khoảng năm 300 Tr CN), Aristoteles đã chỉ ra rõ ràng những mối liên hệ thương mại khi bàn về quản lý gia đình…những điều này đều đã được áp dụng vào trong các hoạt động thương mại Ngược lại, vấn

đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chỉ mới là vấn đề nổi lên trong nền

kinh tế hiện đại Những tranh luận đầu tiên về trách nhiệm xã hội của doanh

nghiệp đã bắt đầu xuất hiện vào những thập niên giữa thế kỷ XX Nhưng cả

Trang 39

hai đã trở thành đối tượng nghiên cứu, luận bàn với tư cách là một vấn đề khoa học dưới góc nhìn cả về mặt lý luận và thực tiễn

Cho đến nay đã xuất hiện nhiều trường phái lý luận, dựa trên nhiều quan điểm và cách nhìn và những quan niệm triết học khác nhau về vấn đề

này Theo đó, đạo đức kinh doanh được coi là một nhánh trong những nghiên cứu của đạo đức ứng dụng, trong khi đó vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được xem như một lĩnh vực nghiên cứu không thể bỏ qua khi luận bàn đến vai trò của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại khi mà những vấn

đề liên quan đến quyền con người, quyền sống, quyền lao động, bình đẳng…

và nhất là những vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc

của toàn xã hội, đe dọa đến sự phát triển và tồn vong của con người Do đó,

có thể coi trách nhiệm xã hội là một nội dung cơ bản khi luận bàn về đạo đức kinh doanh nhưng trách nhiệm xã hội không nằm trọn vẹn trong đạo đức kinh doanh, nó đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá đạo đức kinh doanh

1.3.1 Đạo đức là nhân tố chi phối trách nhiệm xã hội

Khi xem xét về mặt nội dung thì đạo đức kinh doanh tập trung xoáy sâu vào các vấn đề đạo đức Trong khi đó, trách nhiệm xã hội lại bao gồm nhiều vấn đề về mặt luật pháp, nó được hiểu như một gánh vác tự giác các trách

nhiệm khác, ngoài những trách nhiệm về kinh tế và pháp lý Cụ thể hơn, là

các trách nhiệm được thể hiện ở sự lựa chọn các mục tiêu của doanh nghiệp

và đánh giá kết quả thực hiện, không chỉ đơn thuần dựa vào các tiêu chí lợi

nhuận và phúc lợi của đơn vị mà còn dựa vào những tiêu chí về đạo đức hay tính xác đáng so với mong muốn của xã hội Trách nhiệm xã hội không đơn giản được hiểu đó chỉ là các hành động nhân đạo hay từ thiện đối với cộng

đồng mà các yếu tố để tạo thành nó còn lớn hơn rất nhiều, đó là sự tổng hợp, kết hợp, bổ sung của nhiều yếu tố liên quan khác, mà thiếu một trong các yếu

tố này thì không thể coi là một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội Mô hình

Trang 40

Carol đã cho chúng ta thấy được các tầng bậc của trách nhiệm xã hội sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

(Nguồn: O.C Ferrell, John Fraedrich, Linda Ferrell (2005),

“Business Ethics- Ethical Decision making & cases”, Boston Houghton, pp.48)

Hình 1.1: Mô hình yếu tố cấu thành CSR

Theo mô hình này thì trách nhiệm xã hội bắt nguồn từ các nghĩa vụ về kinh tế, bởi đây chính là mục tiêu, bản chất và cũng là lý do của sự phát triển

và tồn tại của doanh nghiệp, cũng là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ tiếp theo của trách nhiệm xã hội Khi tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều phải chịu sự quản lý của nhà nước thông qua hệ thống các quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và trung thực, có tình có

nghĩa trong mối quan hệ với nhân viên và điều đó thể hiện trách nhiệm đạo

đức của doanh nghiệp Ngoài nghĩa vụ kinh tế, pháp lý, đạo đức doanh nghiệp còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ nhân văn Điều này có nghĩa các hoạt động của doanh nghiệp phải nhằm mục đích cải thiện tình hình của mỗi người, mọi người và cộng đồng Và khi đưa ra quyết sách, doanh nghiệp phải cân bằng

các nghĩa vụ đó để đạt được hiệu quả cao nhất Trách nhiệm xã hội doanh

Nghĩa vụ pháp lý Nghĩa vụ kinh tế Nghĩa vụ đạo đức Nghĩa vụ nhân văn

Ngày đăng: 21/11/2017, 16:00

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
[1] Nguyễn Hoàng Ánh (2004), Vai trò của văn hoá trong kinh doanh quốc tế và vấn đề xây dựng văn hoá kinh doanh ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vai trò của văn hoá trong kinh doanh quốc tế và vấn đề xây dựng văn hoá kinh doanh ở Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Hoàng Ánh
Năm: 2004
[2] Ph.Ăng-ghen (1976), Chống Duy - rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chống Duy - rinh
Tác giả: Ph.Ăng-ghen
Nhà XB: Nxb Sự thật
Năm: 1976
[3] Lê Thị Tuyết Ba (2010), Ý thức đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ý thức đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam
Tác giả: Lê Thị Tuyết Ba
Nhà XB: Nxb Khoa học Xã hội
Năm: 2010
[4] Ngọc Bảo, Huệ Linh (2010), “Nhiều sản phẩm bị ăn bớt”, Báo An ninh Thủ đô, ngày 23 tháng 12 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhiều sản phẩm bị ăn bớt”, "Báo An ninh Thủ đô
Tác giả: Ngọc Bảo, Huệ Linh
Năm: 2010
[5] Bureau Veritas Certification (2014), “Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm không phải riêng ai”, Tạp chí Bureau Veritas Certification Newsletter, kỳ 6/2014 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm không phải riêng ai”, "Tạp chí Bureau Veritas Certification Newsletter
Tác giả: Bureau Veritas Certification
Năm: 2014
[6] Lâm Minh Chánh (2006), “Đạo đức với đối tác và đối thủ”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 2/2006 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đạo đức với đối tác và đối thủ”, "Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Tác giả: Lâm Minh Chánh
Năm: 2006
[7] Nguyễn Duy Chinh (2009), Văn hoá doanh nghiệp, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn hoá doanh nghiệp
Tác giả: Nguyễn Duy Chinh
Nhà XB: Nxb Lao động Xã hội
Năm: 2009
[8] Nguyễn Trọng Chuẩn (2001), “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và những biến động trong lĩnh vực đạo đức”, Tạp chí Triết học, số 9/2011 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và những biến động trong lĩnh vực đạo đức”, "Tạp chí Triết học
Tác giả: Nguyễn Trọng Chuẩn
Năm: 2001
[9] Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Phúc (2003), Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay
Tác giả: Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Phúc
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 2003
[10] Mai Ngọc Cường, Vũ Thành Hưng, Bùi Anh Tuấn (1996), Đạo đức kinh doanh: Lý thuyết và thực hành, Nxb Thống kê, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đạo đức kinh doanh: Lý thuyết và thực hành
Tác giả: Mai Ngọc Cường, Vũ Thành Hưng, Bùi Anh Tuấn
Nhà XB: Nxb Thống kê
Năm: 1996
[11] Trần Quốc Dân (2003), Tinh thần doanh nghiệp giá trị định hướng của văn hoá kinh doanh Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tinh thần doanh nghiệp giá trị định hướng của văn hoá kinh doanh Việt Nam
Tác giả: Trần Quốc Dân
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 2003
[12] Vũ Tiến Dũng (2008), “Tạo sự hài hoà về lợi ích giữa công nhân và doanh nhân ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 3/2008 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tạo sự hài hoà về lợi ích giữa công nhân và doanh nhân ở Việt Nam hiện nay”, "Tạp chí Triết học
Tác giả: Vũ Tiến Dũng
Năm: 2008
[13] Lê Đăng Doanh (2009), “Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ởViệt Nam”, Tạp chí Triết học, số 3/2009 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ởViệt Nam”, "Tạp chí Triết học
Tác giả: Lê Đăng Doanh
Năm: 2009
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (1995), Nghị quyết về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghị quyết về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay
Tác giả: Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 1995
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX
Tác giả: Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhà XB: Nxb Chính trị quốc gia
Năm: 2001
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
Tác giả: Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhà XB: Nxb. Chính trị quốc gia
Năm: 2011
[17] Phạm Văn Đức (2009), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách”, Tạp chí Triết học, số 2/2009 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách”, "Tạp chí Triết học
Tác giả: Phạm Văn Đức
Năm: 2009
[18] Ngô Đình Giao (1997), Môi trường kinh doanh và đạo đức kinh doanh, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Môi trường kinh doanh và đạo đức kinh doanh
Tác giả: Ngô Đình Giao
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1997
[19] V.E. Henderson (1996), Đạo đức trong kinh doanh, Nxb Văn hoá, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đạo đức trong kinh doanh
Tác giả: V.E. Henderson
Nhà XB: Nxb Văn hoá
Năm: 1996
[20] Đỗ Thị Kim Hoa (2009), “Xây dựng đạo đức kinh doanh - Cơ sở cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, Tạp chí Triết học, số 10/2009 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Xây dựng đạo đức kinh doanh - Cơ sở cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, "Tạp chí Triết học
Tác giả: Đỗ Thị Kim Hoa
Năm: 2009

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w