Hệ thống Thanh toán điện tử tại Việt Nam đã được đưa vào sử dụng từ năm 2002, qua 6 năm hoạt động hệ thống này đã đáp ứng được các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình kiểm soát nguồn vốn dự trữ thông qua số dư tài khoản tập trung duy nhất tại sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
LỜI MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của đề tài: Hệ thống Thanh toán điện tử tại Việt Nam đã được đưa vào sử dụng từ năm 2002, qua 6 năm hoạt động hệ thống này đã đáp ứng được các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình kiểm soát nguồn vốn dự trữ thông qua số dư tài khoản tập trung duy nhất tại sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, tốc độ luân chuyển vốn và hiệu quả thanh toán đã gia tăng đáng kể. Thanh toán điện tử đã góp phần quan trọng làm cho hoạt động thanh toán của ngân hàng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, chính xác. Dự án Hiện đại hóa Hệ thống thanh toán và Kế toán khách hàng (Intrabank Payment and Customer Accounting System - IPCAS) là một trong 6 tiểu dự án của các ngân hàng thương mại thành viên thuộc dự án tổng thể Hiện đại hoá ngân hàng và Hệ thống thanh toán do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Ngày 6/7/2004, NHNo&PTNT Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố chính thức hoàn thành giai đoạn I, dự án đã đưa Ngân hàng No&PTNT Việt Nam trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu trong tiến trình hiện đại hoá công nghệ ngân hàng. Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng Long đang triển khai giai đoạn II của Dự án Hiện đại hoá Hệ thống thanh toán và Kế toán khách hàng. Tính đến tháng 12/2008 lượng giao dịch đã đạt 58.646 món/tháng và với doanh số 30.500 tỷ đồng/tháng. Sau thời gian thực tập tại Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng Long, nhận thấy hoạt động thanh toán là hoạt động quan trọng của ngân hàng và đặc biệt là thanh toán điện tử em đã quyết định chọn đề tài: “Phân tích tình hình Thanh toán điện tử tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thăng Long”. 1 Mục đích nghiên cứu: Phân tích tình hình, xu thế của Thanh toán điện tử tại Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng Long, các nhân tố tác động đến số lượng giao dịch điện tử. Từ đó xây dựng mô hình mô tả các mối quan hệ và có những dự báo về số lượng giao dịch điện tử trong các tháng tiếp theo. Phần mềm áp dụng để phân tích số liệu là Eviews 4.0 và SPSS 13.0. Kết cấu chuyên đề gồm ba chương: • Chương 1: Ngân hàng thương mại và hoạt động của Ngân hàng thương mại • Chương 2: Thực trạng Thanh toán điện tử tại Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng Long • Chương 3: Phân tích tình hình Thanh toán điện tử tại Chi nhánh NHNo&PTNT Thăng Long Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Trần Thái Ninh và ThS. Hoàng Thị Thanh Tâm đã nhiệt tình hướng dẫn em trong suốt thời gian làm chuyên đề, em cũng chân thành cảm ơn tập thể cán bộ công nhân viên tại Chi Nhánh NHNo&PTNT Thăng Long và đặc biệt là các cô chú, anh chị trong Phòng Kế toán đã tạo điều kiện giúp đỡ em hoàn thành quá trình thực tập. Tuy nhiên do còn nhiều hạn chế cả về thời gian, trình độ, kinh nghiệm nên chuyên đề không tránh khỏi những thiếu sót vì vậy em mong nhận được sự đóng góp ý kiến, chỉ bảo tận tình của thầy cô và các cô chú cán bộ tại Chi nhánh để chuyên đề của em thêm hoàn thiện. 2 CHƯƠNG 1 NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI 1.1. KHÁI NIỆM NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Luật các tổ chức tín dụng do Quốc hội khóa X thông qua ngày 12 tháng 12 năm 1997 định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là một loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác có liên quan. Luật này còn định nghĩa: Tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật này và các quy định khác của Pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán”. Ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng vay tiền của người gửi và cho các công ty và cá nhân vay lại. Tiền huy động được của người gửi gọi là tài sản “Nợ” của ngân hàng. Tiền cho công ty và cá nhân vay lại cũng như tiền gửi ở các ngân hàng khác và số trái phiếu ngân hàng sở hữu gọi là tài sản “Có” của ngân hàng. Phần chênh lệch giữa số tiền huy động được và số tiền đem cho vay, gửi ngân hàng và mua trái phiếu gọi là vốn tự có của ngân hàng thương mại. Phần tài sản có tính thanh khoản được giữ để đề phòng trường hợp tiền gửi vào ngân hàng bị rút ra đột ngột gọi là tỷ lệ dự trữ của ngân hàng. Toàn bộ số vốn của ngân hàng được chia làm hai loại: vốn cấp 1 và vốn cấp 2. Vốn cấp 1 còn gọi là vốn nòng cốt, về cơ bản bao gồm vốn điều lệ cộng với lợi nhuận không chia cộng với các quỹ được lập trên cơ sở trích lập từ lợi nhuận của tổ chức tín dụng như quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển. Vốn cấp 2 về cơ bản bao gồm: (i) Phần giá trị tăng thêm do định giá lại tài sản của tổ chức tín dụng. 3 (ii) Nguồn vốn gia tăng hoặc bổ sung từ bên ngoài (bao gồm trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và một số công cụ nợ thứ cấp nhất định). (iii) Dự phòng chung cho rủi ro tín dụng. 1.2. HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Các hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại (NHTM) bao gồm: 1.2.1. Hoạt động huy động vốn NHTM được huy động vốn dưới các hình thức sau: - Nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi, trái phiếu có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác. - Phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. - Vay vốn của các tổ chức tín dụng khác hoạt động tại Việt Nam và của các tổ chức tín dụng nước ngoài. - Vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước. - Các hình thức huy động vốn khác theo quy định của NHNN. 1.2.2. Hoạt động cấp tín dụng NHTM được cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như bao thanh toán tài trợ nhập khẩu, tài trợ xuất khẩu, cho vay thấu chi và cho vay theo hạn mức tín dụng, và hạn mức tín dụng dự phòng . Trong các hoạt động cấp tín dụng, cho vay là hoạt động quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất. * Cho vay: NHTM được cho các tổ chức, cá nhân vay vốn dưới các hình thức sau: - Cho vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống. 4 - Cho vay trung hạn, dài hạn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống. Cho vay là một mặt của hoạt động tín dụng ngân hàng, thông qua hoạt động cho vay ngân hàng thực hiện điều hòa vốn trong nền kinh tế dưới hình thức phân phối nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi huy động được từ xã hội (quỹ cho vay) để đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống. Cho vay là quyền của NHTM với tư cách là người cho vay (chủ nợ) yêu cầu khách hàng của mình – người đi vay muốn vay được vốn phải tuân thủ những điều kiện nhất định, những điều kiện này là cơ sở ràng buộc về mặt pháp lý đảm bảo cho người cho vay có thể thu hồi được vốn (gốc + lãi) sau một thời gian nhất định. Để thu hồi được vốn, các ngân hàng có quyền yêu cầu người đi vay đáp ứng những điều kiện vay cụ thể dựa trên cơ sở mức độ tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau giữa ngân hàng và khách hàng. * Bảo lãnh: NHTM được bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh đấu thầu và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác bằng uy tín và bằng khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh. Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của một NHTM không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của NHTM. * Bao thanh toán: Các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện bao thanh toán như là một hình thức cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp như: bao thanh toán truy đòi (recourse factoring), bao thanh toán miễn truy đòi (non-recourse factoring), bao thanh toán ứng trước hay bao thanh toán chiết khấu, bao thanh toán khi đáo hạn trong phạm vi buôn bán nội địa lẫn quốc tế. 5 * Tài trợ nhập khẩu: Hiện nay, khá nhiều ngân hàng thương mại cung cấp tài trợ xuất nhập khẩu bao trọn gói để hỗ trợ doanh nghiệp. Nghiệp vụ tài trợ nhập khẩu nhằm hỗ trợ về tài chính cùng các phương tiện và giấy tờ liên quan để doanh nghiệp nhập khẩu có thế thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bao gồm: - Mở L/C thanh toán hàng nhập khẩu. - Cho vay ứng trước một phần để thanh toán cho người bán hay ứng trước tiền thuế nhập khẩu. - Bảo lãnh và tái bảo lãnh việc thanh toán hỗi phiếu khi đến hạn. - Chấp nhận hối phiếu. - Cho thuê kho bãi để chứa và bảo quản an toàn hàng hóa nhập khẩu với giá cho thuê phải chăng (nhờ lợi thế về quy mô số lượng khách hàng của ngân hàng) tại các địa điểm hay các địa phương khác nhau. - Giúp khai báo thuế (thí dụ lập tờ khai và áp mã vạch thuế chính xác nhanh chóng, nhận lại tiền hoàn thuế nếu nộp dư cho cơ quan thuế tạm tính thuế phải nộp, .). - Cho vay để thanh toán bằng tiền hàng nhập khẩu cho nhà xuất khẩu nếu đến hạn mà nhập khẩu chưa có tiền. - Hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật từ giúp soạn thảo hợp đồng thương mại, mua bảo hiểm cho suốt quá trình vận chuyển và chuyển giao hàng hóa, theo dõi và kiểm tra hóa đơn chứng từ và hàng hóa cả về số lượng, quy cách và chất lượng. - Các hỗ trợ khác do sự bất cập về tập quán, luật pháp, . * Tài trợ xuất khẩu: Các hình thức tài trợ xuất khẩu của các ngân hàng thương mại còn phong phú hơn so do các doanh nghiệp xuất khẩu thường nhận được tài trợ từ 6 các giao dịch kinh doanh cả trước và sau các thương vụ xuất khẩu, bao gồm: - Cho vay thu mua hàng xuất khẩu, mua nguyên vật liệu để sản xuất, cho vay đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ, cho vay bảo trì đối với các dự án chiến lược về máy móc thiết bị, nhà xưởng ở nước ngoài. - Cho vay nộp thuế xuất khẩu. - Giúp khai báo thuế (thí dụ lập tờ khai và mã vạch thuế chính xác, nhanh chóng, nhận lại tiền hoàn thuế nếu nộp dư do cơ quan thuế tạm tính thuế phải nộp, khấu trừ lại thuế giá trị gia tăng, .). - Cho vay hỗ trợ dịch vụ vận chuyển giao hàng hóa. - Chiết khấu hối phiếu cho nhà xuất khẩu được nhận tiền sớm. - Chiết khấu chứng từ thanh toán theo hình thức tín dụng chứng từ. - Cho vay trên cơ sở bộ chứng từ thanh toán theo phương thức nhờ thu (ứng trước tiền hàng xuất khẩu). * Cho vay thấu chi: Nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là các chi nhánh NHTM nước ngoài đang mở rộng nghiệp vụ thấu chi đến các khách có mở tài khoản tại ngân hàng của họ. Khi sử dụng dịch vụ này, mỗi khách hàng được cấp một hạn mức thấu chi khi khách hàng tạm thời thiếu hụt trong thanh toán. Khách hàng không cần thiết phải thế chấp hay tín chấp. 1.2.3. Hoạt động thanh toán Để thực hiện được các dich vụ thanh toán giữa các doanh nghiệp thông qua ngân hàng, ngân hàng thương mại được mở tài khoản cho khách hàng trong và ngoài nước. Để thực hiện thanh toán giữa các ngân hàng với nhau thông qua Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước nơi NHTM đặt trụ sở chính và duy trì tại đó số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc theo quy định. Ngoài ra, chi nhánh của ngân hàng thương 7 mại được mở tài khoản tiền gửi tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở của chi nhánh. 1.2.4. Hoạt động kinh doanh ngoại tệ * Kinh doanh ngoại tệ với khách hàng: Hoạt động kinh doanh này có thể diễn ra trên các thị trường ngoại tệ, với vai trò là người tạo thị trường, ngân hàng thực hiện việc mua bán ngoại tệ vừa để đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ cho khách hàng, vừa tìm kiếm các khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá bán – mua hoặc phí giao dịch. Ngoài ra ngân hàng còn chủ động thực hiện mua bán với khách hàng nhằm tạo ra một trạng thái ngoại tệ theo mong muốn. Thực hiện nghiệp vụ này, ngân hàng niêm xác định và niêm yết tỷ giá của các đồng tiền được phép giao dịch tại trụ sở giao dịch hoặc trên các phương tiện thông tin liên lạc. Thông thường, ngân hàng sẽ tiến hành mua bán nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu hợp pháp của khách hàng theo tỷ giá niêm yết. Một số giao dịch, tỷ giá mua bán có thể thỏa thuận tùy theo từng đối tượng khách hàng, số lượng giao dịch và quan hệ cung cầu trên thị trường. * Kinh doanh chênh lệch giá: Khi kinh doanh chênh lệch giá, ngân hàng tiến hành mua bán ngoại tệ trên hai hay nhiều thị trường để thu lợi trên cơ sở có sự chênh lệch giá cả giữa các thị trường này. 1.2.5. Hoạt động bảo lãnh khách hàng Ngân hàng thương mại được bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh đấu thầu và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác bằng uy tín và bằng khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh. Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của một ngân hàng thương mại không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của ngân hàng thương mại. 8 1.2.6. Hoạt động kinh doanh chứng khoán Các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán rất đa dạng và phong phú, nó mang nhiều đặc trưng riêng và có không ít rủi ro. Thực hiện nghiệp vụ này, ngân hàng phải tổ chức những bộ phận kinh doanh riêng hoặc có thể thành lập công ty chứng khoán phụ thuộc. Các công ty chứng khoán có thể thực hiện nhiều hoạt động khác nhau về chứng khoán như: Môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, quản lý danh mục vốn đầu tư, tư vấn đầu tư chứng khoán. 1.2.7. Hoạt động ủy thác NHTM được ủy thác, nhận ủy thác làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo hợp đồng ủy thác, đại lý. 1.3. HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN GIỮA CÁC NGÂN HÀNG * Khái niệm: Thanh toán giữa các ngân hàng là nghiệp vụ thanh toán qua lại giữa các ngân hàng nhằm tiếp tục hoàn thành quá trình thanh toán tiền giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các nhân với nhau mà họ không cùng mở tài khoản tại một ngân hàng hoặc thanh toán vốn trong nội bộ các hệ thống ngân hàng. * Phương thức thanh toán giữa các ngân hàng: Phương thức thanh toán giữa các ngân hàng rất đa dạng và phong phú, ngoài thanh toán nội bộ của từng hệ thống ngân hàng, còn có hệ thống thanh toán liên ngân hàng để giải quyết quan hệ thanh toán vốn giữa các đơn vị ngân hàng khác hệ thống. Kinh tế ngày càng phát triển, kỹ thuật điện tử không ngừng hoàn thiện, nên xu hướng chung là phải mở rộng hệ thống thanh toán liên ngân hàng với các trung tâm thanh toán hiện đại để đảm bảo thanh toán liên ngân hàng trong phạm vi khu vực và toàn quốc đạt hiệu quả cao. Hiện nay ở Việt Nam, thanh toán giữa các ngân hàng sử dụng các phương thức sau: 9 - Thanh toán liên hàng trong cùng hệ thống. - Thanh toán bù trừ khác hệ thống. - Thanh toán bù trừ từng lần qua tài khoản tiền gửi tại NHNN. - Ủy nhiệm thu hộ, chi hộ. - Thanh toán qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng khác. 1.3.1. Thanh toán liên hàng (TTLH) cùng hệ thống Thanh toán liên hàng là phương thức thanh toán giữa các chi nhánh ngân hàng trong cùng hệ thống ngân hàng, phát sinh trên cơ sở thanh toán tiền hàng, dịch vụ giữa các chủ thể thanh toán mở tài khoản ở các ngân hàng khác nhau hoặc thanh toán công nợ, chuyển cấp vốn điều hòa vốn trong nội bộ từng hệ thống ngân hàng. Do công nghệ thông tin đã phát triển mạnh và được áp dụng rộng rãi trong hoạt động ngân hàng, nên các ngân hàng Việt Nam chuyển dần từ thanh toán liên hàng truyền thống sang thanh toán liên hàng điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống thanh toán hiện đại nhằm xử lý các khoản thanh toán chuyển tiền một cách nhanh chóng, chính xác, an toàn và quản lý chặt chẽ vốn trong thanh toán. 1.3.1.1. Thanh toán liên hàng truyền thống * Đặc điểm: TTLH truyền thống là việc xử lý chứng từ, kỹ thuật hạch toán bằng phương pháp thủ công và luân chuyển chứng từ (chứng từ giấy) thông qua bưu điện dưới 2 hình thức là chuyển tiền thủ công và chuyển tiền điện tử (điện tín). * Nguyên tắc thanh toán: - Các ngân hàng tham gia TTLH phải được sự đồng ý của cấp ngân hàng chủ quản (được gọi là đơn vị liên hàng), phải có tên và số hiệu (mã ngân hàng) trong bảng danh mục các đơn vị liên hàng do cấp chủ quản quy định. 10