Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật không còn là vấn đề mới, trong thời gian qua đã có rất nhiều những bài viết, những công trình nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề này, như: Khóa luận tốt nghiệp: Khi xét xử Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, của Hàn Mạnh Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội, 1997; Luận văn Nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, của Trần Thị Nhung San, Trường Đại học Luật Hà Nội, 1995; Bảo đảm nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, của Trần Văn Kiểm, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 1(186), 2011; Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án, của Đỗ Thị Phương, Đề tài nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao; các sách chuyên khảo của các tác giả cũng đã đi sâu nghiên cứu về vấn đề này như “Độc lập xét xử trong nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” của Tiến sĩ, luật sư Lưu Tiến Dũng, 2012; “Tính độc lập của tòa án...” của Tiến sĩ Tô Văn Hòa, 2007;...cùng nhiều những bài viết được đăng trên các tạp chí chuyên ngành khác. Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu và các sách báo chuyên ngành cũng chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu nguyên tắc độc lập trong tố tụng nói chung, chưa có đề tài nào đi sâu nghiên cứu về nguyên tắc độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong tố tụng hành chính. Vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu về nguyên tắc này trong bối cảnh tố tụng hành chính có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.