Quai bị (tiếng Anh: Mumps) là một bệnh toàn thân do vi-rút gây ra, biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai. Khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm bệnh không gây nên các triệu chứng sưng tuyến nước bọt rõ ràng trên lâm sàng. Thời kỳ lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này. Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp, tiếp xúc khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt những người sống trong các tập thể như trường mẫu giáo, trường học nhất là các trường nội trú, bán trú, trại tập trung, trại lính, trại trẻ mồ côi. Kết quả nghiên cứu của Tạ Văn Trầm tại Tiền Giang cho thấy rằng, mắc quai bị ở tuổi 11 - 15 chiếm 91%,[ traam]. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Theo nghiên cứu của Tạ Văn Trầm tại Tiền Giang trong số các trường hợp có viêm tinh hoàn thì viêm tinh hoàn 1 bên chiếm 78,8%, viêm 2 bên tinh hoàn là 21,2% [15]. Nhiễm vi-rút quai bị trong quý 1 của thai kỳ có thể làm tăng khả năng sẩy thai tự nhiên. [ ]. Là một bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa đông - xuân, tuy nhiên ngày nay biểu hiện theo mùa không còn rõ ràng nữa, nghĩa là bệnh có thể xảy ra quanh năm. [1],[10]. Hàng năm, dịch quai bị vẫn xảy ra trên toàn thế giới không chỉ ở những quốc gia chưa có vắc-xin bao phủ mà thậm chí ở cả những quốc gia vắc-xin quai bị đã được đưa vào chương trình tiêm chủng thường xuyên từ rất lâu. Tại Bhutan năm 1999 có đến 25.554 trường hợp mắc quai bị, tại Việt Nam năm 1999 có 18.008 trường hợp, tại Trung Quốc năm 2004 có 226.619 trường hợp. Tại Anh với 2 vụ dịch lớn xảy ra trong 2 năm liên tiếp 2004-2005 với tổng số 56.000 trường hợp mắc quai bị được báo cáo. Điều này được giải thích là do không có vắc-xin quai bị, hoặc vắc-xin quai bị mới được đưa vào tiêm chủng gần đây, hoặc đã được đưa vào từ lâu nhưng độ bao phủ thấp hoặc miễn dịch bảo vệ giảm theo thời gian và không bảo vệ được quần thể khỏi nhiễm vi-rút quai bị [14]. Tại Việt nam, vắc-xin ngừa quai bị chưa được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh còn lưu hành khá cao, thường gây nên những vụ dịch nhỏ. Hiện nay, quai bị là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc cao, xếp hàng 7 trong số 24 bệnh truyền nhiễm gây dịch được quản lý tại Việt Nam [ ], tỷ lệ mắc trung bình trong 10 năm (1991-2000) là 20,6/100.00 dân và tỷ lệ này cũng khác nhau giữa các miền, trong đó miền Bắc có tỷ lệ mắc cao nhất là 32,5/100.000 dân[13]. Tử vong do quai bị rất thấp, ước tính khoảng 1,6 đến 3,8 trên 10.000 trường hợp nhiễm bệnh.[ ]. Tuy nhiên, số lượng mắc bệnh, thời gian điều trị, các tổn thương khác do bệnh đã và đang trở thành vấn đề sức khỏe, vấn đề kinh tế xã hội đáng được quan tâm. Bệnh đã có vắc-xin tiêm phòng, tuy nhiên người dân chưa chú trọng trong việc chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay có rất ít các nghiên cứu đề tài này, do đó nghiên cứu này được tiến hành nhằm để hiểu thêm về đặc điểm dịch tễ học của bệnh và có giải pháp tăng cường truyền thông, góp phần quan trọng trong hoạch định các chiến lược về kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin quai bị trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, nên chúng tôi thực hiện nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học bệnh quai bị ở trẻ em và các yếu tố liên quan tại huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị năm 2013-2015”. Nhằm đạt được 2 mục tiêu sau: 1. Mô tả đặc điểm dịch tễ học bệnh quai bị tại huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị năm 2013-2015 2. Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến bệnh quai bị tại địa bàn nghiên cứu.