B NỘI DUNG: I. Mục tiêu: Để học sinh lớp 4, 5 có bước chuẩn bị quan trọng cho môn Âm nhạc ở trung học cơ sở thì mục tiêu của đề tài “Một số giải pháp để đạt hiệu quả trong dạy học Âm nhạc ở lớp 4,5” là: Hình thành được một trình độ âm nhạc tối thiểu cho học sinh. Bước đầu giúp các em làm quen một vài kĩ năng đơn giảng về ca hát và thói quen tập hát đúng. Tạo cho học sinh có sự hứng thú, niềm vui khi học hát, tránh sự gò bó. Giáo dục năng lực cảm thụ âm nhạc, kích thích tiềm năng nghệ thuật, góp phần giáo dục tính tập thể, tính kĩ luật, tính chính xác… cho học sinh. II. Mô tả giải pháp của đề tài: 1. Thuyết minh tính mới: Âm nhạc là một môn học mang tính nghệ thuật cao, tuy nó không đòi hỏi sự chính xác một cách tuyệt đối như những con số nhưng lại đòi hỏi người học phải có sự yêu thích, một chút đam mê. Điều này không phải học sinh nào cũng có được, đối tượng học ở đây là học sinh lớp 4,5 là lớp bản lề cho các em vào học ở Trung học cơ sở nên các em có nhiều nhu cầu cao về cảm thụ Âm nhạc, hát đúng, hát hay, có hiểu biết về Tập đọc nhạc. Thấy tầm quan trọng của vấn đề trên, tôi mạnh dạn xây dựng một số giải pháp để giúp học sinh đạt được mục tiêu nói trên, cụ thể như sau: 1.1. Giải pháp: Xây dựng môi trường không khí học Âm nhạc. Để có một tiết học Âm nhạc đạt hiệu quả ngoài việc chuẩn bị kỹ giáo án người giáo viên phải biết tạo một không khí học thật thoải mái, tạo cho học sinh cảm giác “học vui – vui học”. Trước tiên, người giáo viên phải xây dựng nề nếp học tập ngay từ bài học đầu tiên. Cụ thể như xác định thái độ, ý thức học tập đối với môn Âm nhạc. Các kỹ thuật cơ bản như tư thế ngồi hát, kỹ năng phát âm, nhả tiếng, quan sát, nghe và cảm nhận tầm cữ giọng, âm sắc, giai điệu... Vì vậy, giáo viên phải nắm vững các phương pháp và các bước tiến hành để truyền thụ lại cho các em các kiến thức của bài học một cách dễ hiểu nhất. Riêng bản thân mình, tôi luôn thay đổi các hình thức dạy học để thoát ly cảm giác gò bó, khắc khe trong khuôn khổ lớp học, tạo điều kiện cho các em bộc lộ hết khả năng của mình và người giáo viên là người hướng dẫn để các em thực hiện. Như câu tục ngữ “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, đối với việc dạy học trên lớp cũng vậy. Để học sinh thưởng thức được những “món ăn” của tiết học trước tiên giáo viên phải tạo được không khí “Nhà sạch” thì những “bữa cơm” mới có chất lượng. Nghĩa là ta phải tạo không khí học tập thật thoải mái, không gò bó. Để làm được điều đó tôi luôn hòa đồng, gần gũi với các em, tận tình xuống tận nơi để hướng dẫn, sửa sai cho cá nhân học sinh khi em đó hát, vỗ tay hay thực hiện động tác vận động chưa đúng. Từ đó tạo mối quan hệ gần gũi giữa thầy với trò và xóa được khoảng cách giữa thầy với trò để các em mạnh dạn thể hiện năng khiếu của mình. 1.2. Giải pháp khi dạy hát: Trong việc dạy bài hát mới, giáo viên phải tạo sự thu hút ngay từ đầu tiết học. Để có được điều này, tôi thường phải chuẩn bị những nội dung chính như: + Xác định rõ nội dung bài dạy. + Nắm dược ý nghĩa và tính giáo dục trong mỗi bài hát. + Tìm hiểu sơ lược về thân thế, sự nghiệp của tác giả bài hát cũng như biết tên và có thể hát được một vài bài hát nỗi tiếng của tác giả cùng với tranh ảnh tác giả hoặc tranh ảnh có nội dung phù hợp với nội dung bài hát để học sinh liên tưởng. Với phương pháp này, giáo viên không chỉ giúp cho học sinh tạo được ấn tượng đầu tiên về bài hát mà còn mở rộng kiến thức cho các em, từ đó tạo được tính tò mò của học sinh muốn tìm hiểu xem nội dung bài học có hấp dẫn như những thông tin mà giáo viên đã giới thiệu hay không. Đây là điểm lôi cuốn học sinh đầu tiên cho mỗi tiết dạy bài hát mới mà tôi đã thực hiện. Điểm lưu ý đối với tôi khi dạy học Âm nhạc ở Tiểu học, việc xác định đúng tầm cữ giọng của học sinh là rất quan trọng. Thông thường học sinh ở độ tuổi Tiểu học thường có tầm cử giọng khoảng trong một quảng 8 hoặc quảng 9. Bám vào điều này tôi xác định giọng phù hợp của từng bài, có như vậy các em mới thực hiện tốt cao độ, sắc thái tình cảm của bài hát. Ngoài việc chuẩn bị kỹ giáo án trước khi lên lớp, tôi rất chú trọng đến việc sử dụng đồ dùng hỗ trợ dạy học nhằm tăng hiệu quả tiết dạy. Do vậy việc sử dụng nhạc cụ đệm hát cũng như dụng cụ gõ phách trong mỗi giờ học là rất cần thiết. Lưu ý cho chúng ta khi thực hiện gõ đệm có sử dụng nhạc cụ gõ, nếu để các em đồng thanh cả lớp cùng gõ đệm thì rất ồn nên tôi chủ động chia từng nhóm nhỏ cho các em thực hiện. Với cách này tôi quan sát các em làm kĩ hơn và sửa sai kịp thời hơn.