Khái niệm và vị trí của thơ trữ tình trong hệ thống thể loại văn học Để làm sáng tỏ đặc trưng cảm xúc trong thơ trữ tình, trước hết ta cần phải đưa ra một khái niệm, một cách hiểu thống
Trang 1KHÁM PHÁ CẢM XÚC TRONG THƠ TRỮ TÌNH
Đỗ Lê Nam – Giáo viên trường THPT Chuyên
Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái
A ĐẶT VẤN ĐỀ:
Thơ ca nói chung và thơ trữ tình nói riêng là thể loại xuất hiện từ rất sớm trong đời sống tinh thần của con người để thỏa mãn nhu cầu biểu hiện tư tưởng, tình cảm, cảm xúc Thế giới tâm hồn của con người lại vô cùng phong phú, phức tạp, bí ẩn, chẳng khác gì một vũ trụ mênh mông, sâu thẳm, vô cùng vô tận mà
chính bản thân chúng ta cũng không bao giờ khám phá hết: “Tâm hồn con người là gương phản chiếu vũ trụ” (Lebnit) Vì thế, trong thơ ca nói chung và thơ trữ tình
nói riêng có một kho tàng cảm xúc với đầy đủ mọi cung bậc, mọi tiếng nói, mọi biểu hiện, mọi khoảnh khắc, mọi ấn tượng của tâm hồn Thơ làm cho những cảm xúc nhân văn, nhân bản được bất tử hóa với thời gian Chính vì thế, khi được phản ánh vào trong thơ ca, nội dung cảm xúc bao giờ cũng là thứ hấp dẫn nhất, bí ẩn nhất, giá trị nhất của tác phẩm Người làm thơ hay người đọc thơ đều luôn bị thu hút một cách có ý thức và vô thức vào đó Nội dung cảm xúc trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, thành hạt nhân của thơ trữ tình
B GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
I Khái niệm và vị trí của thơ trữ tình trong hệ thống thể loại văn học
Để làm sáng tỏ đặc trưng cảm xúc trong thơ trữ tình, trước hết ta cần phải đưa ra một khái niệm, một cách hiểu thống nhất về thể loại này Đây tưởng như là một điều đơn giản vì thơ luôn là một thể loại quen thuộc, lâu đời và phổ biến nhất của nền mọi nền văn học Thế nhưng thực tế, việc định nghĩa thơ lại không hoàn
toàn dễ dàng như ta tưởng, đúng như Nguyễn Đình Thi đã nhận định: “Từ trước đến nay đã có nhiều định nghĩa về thơ, nhưng lời định nghĩa nào cũng vẫn không đủ” (Mấy ý nghĩ về thơ)
Nhưng dù định nghĩa cách nào thì thơ trữ tình vẫn không nằm ngoài phạm vi của thể loại văn học Vậy nên, muốn hiểu một cách chính xác và đầy đủ về thơ trữ tình thì ta phải đặt nó trong khái niệm về thể loại trữ tình Trữ tình là một trong ba phương thức thể hiện đời sống làm cơ sở cho phân loại tác phẩm văn học Trữ tình
là loại tác phẩm bộc lộ trực tiếp những nỗi niềm, tâm trạng, cảm xúc và thái độ chủ quan của con người với hiện thực cuộc sống Nếu tự sự thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả bằng con đường tái hiện một cách khách quan các hiện tượng đời sống, thì trữ tình lại phản ánh đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp ý thức của con người,
Trang 2nghĩa là con người tự cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới nhân sinh
Thơ trữ tình là thuật ngữ chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình trong đó những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể hiện một cách trực tiếp
II Đặc trưng của cảm xúc trong thơ trữ tình
1 Cảm xúc trong thơ trữ tình vừa dồi dào, mãnh liệt vừa chân thực, tinh
tế
a Thơ trữ tình phải giàu cảm xúc Không giàu có về cảm xúc không thể có
thơ hay bởi thi sĩ phải biết “xúc động hồn thơ” để “cho ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm) và “Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng’’ (Sóng Hồng) Cảm xúc trong thơ phải là những “trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường” (Nguyễn Đình Thi) chứ không phải là những trạng
thái tâm lí thông thường, tĩnh tại và bất biến Sự trơ lì, nguội lạnh, dửng dưng của cảm xúc chắc chắn không bao giờ giúp cho thi sĩ làm được những bài thơ đích thực
Khi viết về cái chết oan khuất của người nghệ sĩ Lor-ca, Thanh Thảo đã diễn
tả tất cả nỗi đau đớn bằng một hình tượng ám ảnh:
“tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”
(Đàn ghi ta của Lor-ca)
Dòng máu kia sẽ chẳng thể chảy tràn cùng âm thanh của tiếng đàn ghi ta nức
nở nếu không được thôi thúc từ chính những nhịp đập trong trái tim của Thanh Thảo Ta chợt nhớ đến những tiếng đàn như khóc như than dưới năm đầu ngón tay
rỉ máu của Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du; tiếng đàn “ôm sầu mang giận ngẩn ngơ” khiến cho “Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi”, nhất là dòng lệ
“chan chứa hơn người” của vị Giang Châu Tư Mã trong “Tỳ bà hành” của Bạch Cư
Dị Những tiếng đàn đã hòa quyện cả thanh âm của dây đàn lẫn tiếng lòng người gảy đàn và nhịp đập trái tim của người nghe đàn
Độ dài, chiều sâu của bài thơ trữ tình gắn liền với độ dài, chiều sâu của cảm xúc trong lòng nhà thơ Cảm xúc ngân vang đến đâu thì câu thơ được gọi ra đến đó Cảm xúc ngừng thì bài thơ cũng kết thúc Cảm xúc trong tim có mãnh liệt, dâng trào hoặc thâm trầm, sâu sắc thì câu chữ trên trang thơ mới có hồn Khi cảm xúc trong tim đã được tích lũy đầy đủ, thì dù nhà thơ không muốn hoặc không có chủ ý những câu thơ đích thực vẫn cứ ra đời Nói cách khác, tác phẩm thơ trữ tình thường
ra đời từ những cơn sóng cảm xúc dâng lên trong lòng thi nhân khi có một tác động nào đó của ngoại cảnh Trong cả tập thơ “Việt Bắc” có rất nhiều bài hay như “Lên Tây Bắc”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Ta đi tới”, nhưng bài thơ “Việt Bắc” vẫn
là đỉnh cao nhất Một phần bởi “Việt Bắc” ra đời vào một thời điểm đặc biệt hơn
cả Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được kí kết, miền Bắc được
Trang 3giải phóng Tháng 10 năm 1954, Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội Tố Hữu cùng các cán bộ cách mạng đã từng gắn bó với Việt Bắc suốt thời kháng chiến chống Pháp, nay phải chia tay Trong không khí lịch sử và tâm trạng xúc động ấy, ông đã viết bài thơ này Đây là thời điểm nhà thơ vừa có dịp tổng kết chặng đường gian khổ, vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mang trong lòng nỗi nhớ da diết và tình cảm sâu nặng với đồng bào miền núi vừa
có niềm tin, niềm vui vào viễn cảnh hòa bình tươi sáng của dân tộc Nói khác đi, trong suốt mười lăm năm kháng chiến trường kì thì đây chính là lúc trong trái tim nhà thơ cuộc sống đã tràn đầy nhất, cảm xúc đã tích tụ và dồn nén căng tràn nhất Điều đó khiến cho những câu thơ trong “Việt Bắc” trở thành kết tinh cao độ nhất trong cả tập thơ Từ những tình cảm thiết tha, trìu mến:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi.”
đến những cảm xúc gắn bó sâu nặng, son sắt, thủy chung:
“Ta với mình, mình với ta Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh Mình đi, mình lại nhớ mình Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
hoặc những âm vang hết sức hào hùng của cuộc kháng chiến vẻ vang:
“Những đường Việt Bắc của ta Đêm đêm rầm rập như là đất rung Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.”
Như vậy, có thể nói cảm xúc chính là huyết mạch, là hơi thở nuôi sống bài thơ trữ tình Cảm xúc càng mãnh liệt, phong phú thì thơ càng căng tràn sức sống
b Nhưng trong thơ, cảm xúc dẫu dồi dào, ngập tràn đến đâu mà thiếu tính chân thực và tinh tế thì cũng trở thành vô nghĩa Sự chân thực trong thơ ca cần có ngay cả khi tác giả sử dụng bút pháp hư cấu, tưởng tượng, phóng đại, ước lệ Ta có thể thấy rõ điều này qua những câu thơ tài hoa trong “Truyện Kiều” của Nguyễn
Du hay những vần thơ hào hùng trong “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu Tam quân tì hổ khí thôn ngưu."
Hai câu thơ đầu khắc họa vẻ đẹp trong tư thế, khí phách hiên ngang, lẫm liệt của những người anh hùng vệ quốc đời Trần Ở câu thứ nhất, ta thấy rõ vẻ đẹp trong tư thế của họ: cầm ngang ngọn giáo trấn giữ đất nước vừa chẵn mấy thu Ngọn giáo là vũ khí phổ biến thời xưa, biểu tượng cho sức mạnh quân đội Vì thế, trong bài "Phò giá về kinh", để nhấn mạnh thắng lợi của quân và dân ta trước lũ
Trang 4giặc Nguyên xâm lược, Trần Quang Khải cũng mượn hình ảnh đoạt được giáo giặc:
“Đoạt sóc Chương Dương độ” Ở bài thơ này, hành động cầm ngang ngọn giáo
chính là biểu tượng cho ý chí quyết gìn giữ, bảo vệ non sông, ngăn chặn giặc ngoại xâm Hành động đó đã tạo nên một tư thế hiên ngang, mạnh mẽ, vững vàng như bức tường thành không gì lay chuyển nổi, đồng thời khắc họa được tinh thần yêu nước, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu của người anh hùng vệ quốc Hơn nữa, tác giả còn đặt hình tượng nhân vật trong một không gian rộng lớn, kì vĩ (giang sơn) để tăng khí thế thêm hùng tráng Giang sơn ấy chính là đất nước, Tổ quốc thiêng liêng
mà Lý Thường Kiệt từng nhắc đến trong tiếng gọi "Nam quốc sơn hà" Nhờ đó, hình ảnh người anh hùng vệ quốc hiện lên thật hiên ngang, lẫm liệt như bức thành đồng tạc vào non sông
Ở câu thứ hai, Phạm Ngũ Lạo lại khắc họa vẻ đẹp của quân đội nhà Trần trong khí phách hiên ngang qua phép so sánh, phóng đại: Ba quân như hổ báo Đó
là một đội quân hùng hậu, mạnh mẽ, dũng cảm, thiện chiến Cách so sánh này giống với Trương Hán Siêu trong "Bạch Đằng giang phú":
“ Tỳ hổ ba quân Giáo gươm sáng chói”
Sau này nhuệ khí ấy còn truyền lại đến thời Lê qua ngòi bút của Nguyễn Trãi trong áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô đại cáo":
“Sĩ tốt kén người tì hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh.”
Đi cùng với phép so sánh, Phạm Ngũ Lão còn dùng cách nói ước lệ, phóng đại: "khí thôn ngưu" Chi tiết này có hai cách hiểu: khí thế nuốt trôi trâu hoặc khí thế át sao Ngưu Cả hai cách hiểu ấy đều thể hiện khí thế hùng dũng, bao trùm cả
vũ trụ, đất trời của đoàn quân
Như vậy, hai câu thơ đầu đã sử dụng phép so sánh, phóng đại để lột tả một cách hết sức chân thực, sâu sắc vẻ đẹp hào hùng, kì vĩ trong sức mạnh, khí phách, lòng yêu nước, hào khí Đông A của quân dân đời Trần Niềm xúc động, tự hào từ đáy lòng của một vị chiến tướng đã trực tiếp vào sinh ra tử cùng đoàn quân trong những cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông cam go mà oanh liệt đã khiến câu thơ dù dùng phép ước lệ, phóng đại nhưng không hề mĩ miều, sáo rỗng, mà trái lại, chỉ làm cho hình tượng người anh hùng vệ quốc thời Trần trở nên hiện thực và sống động hơn bao giờ hết
Sự giả tạo, dối lừa luôn luôn là thứ thuốc độc mà văn chương nói chung và
thơ ca nói riêng phải lánh xa: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối” (Nam Cao) Điều này cũng đã được Viên Mai, nhà
thơ, nhà lí luận phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc thời Thanh, làm sáng tỏ
từ rất lâu trong công trình "Tùy viên thi thoại" Ông quan niệm thơ là do tình sinh
ra và đó phải là tình cảm chân thật : "Văn chương xưa nay chỉ truyền cái chân thật
Trang 5chứ không truyền điều giả dối" Nhưng chân thực mà không thô mộc, giản dị mà
không đơn sơ, thơ chiếm một vị trí đặc biệt trong các thể loại văn chương chính vì
sự tinh tế, chắt lọc của hình ảnh và cảm xúc: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi’’ (Sóng
Hồng)
Tóm lại, trong đặc trưng đầu tiên về nội dung, thơ trữ tình phải chứa đựng cảm xúc vừa mãnh liệt, trào dâng vừa chân thành, sâu sắc, tinh tế
2 Cảm xúc trong thơ trữ tình vừa tươi mới vừa đầy tính chiêm nghiệm
a Thơ trữ tình luôn chứa đựng những cảm xúc tươi mới, mang tính hiện thời Nhà thơ không phải là người đầu tiên xuất hiện trên cuộc đời, nhưng nhà thơ luôn phải nhìn cuộc đời bằng con mắt của người đầu tiên Câu thơ hay phải làm ta ngỡ ngàng nhận ra những điều mới mẻ, giá trị ở ngay trong những cái gần gũi nhất với chúng ta Nhờ đó, dù viết về điều gì thì những hình ảnh, cảm xúc trong thơ bao giờ cũng hiện lên trong sự tươi nguyên, mới mẻ, đột ngột, lạ lùng Bởi thế, theo
Nguyễn Đình Thi trong tác phẩm “Mấy ý nghĩ về thơ” thì:“Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống” Tiếng nói đầu
tiên, tiếng nói thứ nhất ấy chính là những rung động tươi mới, trinh nguyên, tinh khiết nhất của tâm hồn khi tiếp xúc với cuộc sống
Trong thơ ca Việt Nam, đặc biệt ở phong trào Thơ mới, có thể coi Xuân Diệu
là người tiên phong trong việc thực hiện yêu cầu này của thơ trữ tình Ông là nhà
thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, vì đã “thoát xác” một cách trọn vẹn khỏi hệ thống ước lệ của thơ trung đại để lần đầu tiên nhìn cuộc đời bằng cặp mắt “xanh non”, “biếc rờn” Nhờ đó, ông phát hiện biết bao vẻ đẹp của cuộc sống trần thế, một "thiên đường trên mặt đất" trong đó đẹp nhất là mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
(Vội vàng)
Nhờ đó, ông đã mang đến cho Thơ mới giọng điệu nồng nàn, rạo rực, sôi nổi, bồng bột, cuống quýt cả khi vui lẫn khi buồn Đúng như Hoài Thanh nhận định:
"Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy " (Thi nhân Việt
Nam)
b Tuy luôn đòi hỏi sự tươi mới và tính hiện thời, nhưng cảm xúc trong thơ trữ tình không hề hời hợt, nông cạn mà luôn là kết quả của một quá trình tích lũy, chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, nung nấu trong một thời gian dài, thậm chí trong suốt
Trang 6cuộc đời con người Bởi thế khi Nguyễn Đình Thi khẳng định thơ là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” thì đó tuyệt nhiên không phải là những cảm
xúc nhất thời, thoáng qua Sự kết hợp hoàn hảo nhất được tạo ra trong thơ là khi sự bùng nổ của cảm hứng bất chợt đã đánh thức những suy tư, cảm xúc mà nhà thơ nung nấu trong suốt thời gian dài trước đó Bài thơ hay được viết trong một giờ cộng với cả cuộc đời trước đó “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Bác ơi” của Tố Hữu, “Đất Nước” trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là những bài thơ như thế Những câu thơ như:
“Bác để tình thương cho chúng con Một đời thanh bạch chẳng vàng son Mong manh áo vải hồn muôn trượng Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
(Bác ơi – Tố Hữu)
hay:
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
chắc chắn phải là những lời tổng kết được nhà thơ đúc rút từ quá trình trải nghiệm dài lâu trước đó để rồi khi bắt gặp một thời điểm thật đặc biệt thì câu chữ tự khắc tuôn trào ra đầu ngọn bút Tương tự như vậy, cảm xúc trong “Bên kia sông Đuống” không phải chỉ xuất hiện khi Hoàng Cầm nghe tin quê hương thân yêu của mình bị giặc tàn phá mà thực chất đó là sự lắng đọng, bùng nổ và tuôn trào của tình yêu thương, tự hào, nhung nhớ, xót xa, mong đợi với quê hương của nhà thơ từ trong bao năm tháng của tuổi thơ, từ trong bao nhiêu ngày tháng xa cách của cuộc kháng chiến chống Pháp
3 Cảm xúc trong thơ trữ tình vừa thiên về nỗi buồn vừa mang tính tích cực
a Thơ tạo dựng và dung chứa một thế giới cảm xúc của con người Trong thơ
có tất cả những cung bậc cảm xúc: cả niềm vui lẫn nỗi buồn, yêu thương và thù hận, hạnh phúc và khổ đau, Thế nhưng, dường như có một sự thật là thơ viết về
nỗi buồn thường nhiều và hay hơn thơ viết về niềm vui Etgapo nói: “Giọng điệu buồn là giọng thơ thích đáng nhất trong thi ca” Còn Cao Bá Quát lại viết: “Người cùng thì thơ mới hay” Thi phẩm nổi tiếng nhất mà nhà thơ này để lại cũng chính là tác phẩm ra đời trong cảnh “cùng đồ” như thế:
“Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt, Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Trang 7Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”, Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?”
(Bài ca ngắn đi trên bãi cát)
b Nhà thơ thường viết về nỗi buồn nhưng họ không lí tưởng hóa cảm xúc đó,
không thi vị hóa sự đau khổ và xem đó như chất liệu đặc biệt cao quý của thi ca Trái lại, thông qua những cảnh ngộ buồn tủi, đáng thương nhà thơ có thể tìm đến một hướng đi, một cách giải thoát tích cực, mở ra luồng ánh sáng mới Đó cũng
chính là điều Aritxtốt nghĩ tới khi ông nói rằng bi kịch có khả năng “thanh lọc”
tâm hồn con người, hướng ta đến những điều cao cả Đó mới là chân lí của nghệ thuật nói chung và thơ trữ tình nói riêng Những bài thơ trong tập “Từ ấy” của Tố Hữu và “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh và đều có phẩm chất trên:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối Xay hết lò than đã rực rồng”
(Chiều tối – Hồ Chí Minh)
Chữ “hồng” ở cuối bài thơ đã khắc họa được bước đi của thời gian Bác đã dùng ánh sáng để tả cái tối, không cần nói tối mà người đọc vẫn cảm nhận thấy trời
đã tối Câu thơ thứ ba dịch không chuẩn vì đã thêm vào chữ “tối”làm lộ ý thơ Nhưng bóng tối ấy không khiến người đọc thấy ảm đạm, u buồn, năng nề Ngược lại với một chữ “hồng”, Bác đã làm cho toàn bộ bài thơ sáng rực lên, đã làm mất đi
sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã được diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của người sơn nữ sau khi xay xong ngô Chữ “hồng” trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “thi nhãn” hoặc “nhãn tự” Nó sáng
bừng lên, “nó cân lại, chỉ một chữ thôi với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa” (Hoàng Trung Thông)
4 Cảm xúc trong thơ trữ tình vừa có tính cá thể vừa mang tính phổ quát
a Trong văn chương nói chung và thơ trữ tình nói riêng, nguyên tắc chủ quan
là nguyên tắc cơ bản trong việc chiếm lĩnh hiện thực Trước một hiện thực, mỗi nhà thơ có quyền và có nghĩa vụ phải biết chiếm lĩnh bằng cái nhìn, bằng cảm nhận, bằng tấm lòng của chính mình, bằng cái tôi của người cầm bút, tuyệt đối không sao chép, không lặp lại Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình Đến đây, ta hiểu rằng
khi Nguyễn Đình Thi coi thơ là“Tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” thì nhà phê bình này đã hé lộ cho ta thấy một đặc điểm khác của cảm xúc
trong thơ đó là sự riêng biệt, độc đáo của mỗi người mà không bắt chước hay lặp lại của người khác và không lặp lại chính mình Trong “Thuyết tính linh”, Viên
Trang 8Mai khẳng định nhà thơ phải có cá tính: "Làm thơ không thể không có cái tôi" (Tác thi bất khả dĩ vô ngã) Xuất phát từ quan điểm trên ông đã phê phán mạnh mẽ tệ
sùng bái mù quáng người xưa, lối dùng điển cố một cách xơ cứng Viên Mai quan
niệm: "Chỉ cần có cái tôi tồn tại, không thể làm cái việc đánh cắp văn thơ của người khác"
Điều này thể hiện rất rõ trong thơ của những tác giả lớn, có phong cách độc đáo, riêng biệt mà Nguyễn Bính là một ví dụ Tuy là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, nhưng trong khi những tên tuổi khác tìm đến với những cách tân táo bạo theo thơ ca phương Tây thì Nguyễn Bính lại quay về đào sâu vào truyền thống dân gian nên đã đem đến cho thơ mình một vẻ đẹp “chân quê” rất riêng Ngay trong dòng thơ quê thời ấy, Nguyễn Bính cũng vẫn tạo ra chỗ đứng riêng Nếu Anh Thơ thạo về cảnh quê, Đoàn Văn Cừ giỏi về nếp quê, Bàng Bá Lân nghiêng về đời quê, thì Nguyễn Bính lại đậm hồn quê Hồn quê ở nội dung, hình thức, nhưng nổi bật nhất vẫn là sự hoà điệu giữa giọng điệu quê, lối nói quê và lời quê “Tương tư” chính là một thi phẩm tiêu biểu cho hồn quê trong thơ Nguyễn Bính Bài thơ đã khắc hoạ tâm trạng tương tư rất riêng của chàng trai quê với những diễn biến chân thực mà tinh tế, trong đó mối duyên quê quyện chặt với cảnh quê một cách nhuần nhị:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”
Câu đầu dùng thủ pháp nhân hoá đặc sắc: thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Điều này dường như diễn tả một quy luật tâm lí: khi con người nhớ nhau thì cả không gian bao quanh chủ thể như cũng nhuốm đầy nỗi tương tư ấy Nhưng theo tôi, chi tiết đặc biệt nhất trong câu thơ là hành động “ngồi nhớ” Nó khác với nỗi nhớ trong ca dao xưa:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
Nhân vật trữ tình trong bài ca dao trên nhớ người yêu đến mức đứng ngồi không yên, bởi trong lòng nóng như lửa đốt Vì lửa đốt trong lòng nên bên ngoài như có cảm giác như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than Còn với Nguyễn Bính, tư thế “ngồi nhớ” bình lặng, ngậm ngùi dường như mách bảo người đọc nhiều điều đặc biệt Đây là một tư thế chờ đợi cho thấy sự bền bỉ, kiên tâm, mòn mỏi của chàng trai Chắc hẳn chàng trai đã phải chờ cô gái trong một thời gian dài
từ ngày này sang tháng khác Nỗi nhớ ấy đã đi qua giai đoạn nôn nao, cồn cào, sốt ruột đứng ngồi không yên của những người mới yêu để đến giai đoạn đằm thắm, chín chắn của những người đã yêu lâu rồi Như vậy, ngay trong câu đầu tiên, Nguyễn Bính đã cho người đọc thấy những cảm xúc tương tư rất thầm kín, riêng biệt trong nỗi nhớ nhung của chàng trai quê Chính cái riêng trong cảm xúc đó đã làm nên sức sống cho bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính, cũng như cho mọi bài thơ trữ tình khác
Trang 9b Thơ trữ tình luôn bộc lộ những cảm xúc riêng của con người trước thực tại, nhưng cảm xúc riêng đó vẫn phải mang tính phổ quát, động chạm tới những cái chung trong tâm hồn con người Bởi việc tập trung thể hiện những nỗi niềm thầm kín, chủ quan, sâu sắc, tinh vi của con người đã cho phép thơ trữ tình thâm nhập vào những chân lí phổ biến nhất của tồn tại con người như sự sống, cái chết, tình yêu, lòng chung thủy, ước mơ, hi vọng Đây lại là nhân tố tạo nên sức khái quát và
ý nghĩa xã hội to lớn của tác phẩm trữ tình qua những câu thơ trữ tình đầy tính triết
lí “Vội vàng” của Xuân Diệu, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm, “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên là những ví dụ điển hình:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”
(Chế Lan Viên)
Trên đây, chúng tôi đã trình bày những đặc trưng của yếu tố cảm xúc trong thơ trữ tình Ở đó, ta thấy có những thuộc tính gần như đối lập nhau nhưng lại cùng song song tồn tại: vừa dồi dào, mãnh liệt vừa chân thực, tinh tế, vừa tươi mới vừa đầy tính chiêm nghiệm, vừa thiên về nỗi buồn vừa mang tính tích cực, vừa có tính
cá thể vừa mang tính phổ quát Đó có lẽ chính là điều tạo nên giá trị riêng, sức sống riêng của thơ trữ tình trong lòng người đọc bao thế hệ Điều này phần nào lí giải cho nhận định về giá trị trường tồn của thơ mà nhà phê bình Hoài Thanh đã viết
trong "Thi nhân Việt Nam": Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homerơ đến Kinh Thi, đến
ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại Nó đã ra đời giữa những buồn vui của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế
III Thực hành, vận dụng
1 Một số đề thực hành
Từ những kiến thức lí thuyết về đặc trưng của yếu tố cảm xúc trong thơ trữ
tình đã được tổng hợp và khái quát ở phần trên, sau đây, chúng tôi xin đưa ra một
số đề văn liên quan để thực hành, vận dụng
1 Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm (Leonard de Vinci) Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến đó
2 Bài thơ hay là bài thơ làm cho người ta không còn nhìn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người, quên rằng nó là tiếng nói của ai, người ta chỉ còn cảm
thấy nó như tiếng ca cất lên từ lòng mình, như là của mình vậy (Tố Hữu) Anh (chị)
suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Trang 103 “Thơ là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng
liêng nhất của tâm hồn con người” (Lamactin) Hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên.
4 “Thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người’’ (Nguyễn Đăng Mạnh) Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
5 Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là tâm hồn quảng đại, đa cảm (Vôn-te)
Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên Hãy làm sáng tỏ ý kiến đó
2 Gợi ý cách giải một số đề
2.2 Bài thơ hay là bài thơ chỉ làm cho người ta không còn nhìn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người, quên rằng nó là tiếng nói của ai, người ta chỉ còn cảm thấy nó như tiếng ca cất lên từ lòng mình, như là của mình vậy (Tố Hữu) Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
a Giải thích:
- Bài thơ hay: tác phẩm có giá trị chân chính, đích thực, có sức hấp dẫn với
độc giả
- Không còn nhìn thấy câu thơ: không còn quan tâm đến hình thức câu chữ bề ngoài
- Chỉ còn cảm thấy tình người: chỉ còn cảm nhận được nội dung tư tưởng, nhất là tình cảm được thể hiện trong bài thơ
- Quên rằng nó là tiếng nói của ai, chỉ còn cảm thấy nó như tiếng ca cất lên từ lòng mình: không còn nhớ, không còn nghĩ rằng bài thơ đó là của người khác mà chỉ còn cảm thấy tình cảm đó là tiếng của chính lòng mình Giữa độc giả và tác giả
có sự đồng cảm, có mối tình tri kỉ, không còn sự phân biệt, không còn khoảng cách
b Bình luận:
- Nhận định trên đã khẳng định tiêu chuẩn của một bài thơ đích thực, đó là tình cảm trong ấy phải khiến người đọc xúc động, đồng cảm Muốn làm được điều
đó thì tình cảm trong thơ không không thể chỉ mang tính cá thể mà phải có tính phổ quát, phải là tình cảm chung cho mọi người Bài thơ hay phải là cây cầu nối giữa người với người
c Chứng minh: Học sinh có thể tìm những bài thơ khác nhau để làm rõ những giá trị tư tưởng, tình cảm và mối đồng cảm của người đọc
2.5 Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là tâm hồn quảng đại, đa cảm (Vôn-te).
a Giải thích :
- Thơ là thể loại văn học phổ biến và quan trọng bậc nhất của văn học
- Nhạc của tâm hồn : những cung bậc cảm xúc, giai điệu, rung động, thanh
âm phong phú, đa dạng, tinh tế của tâm hồn