1. Trang chủ
  2. » Kinh Tế - Quản Lý

Tổng hợp một số bài viết về pháp luật trong quản trị công ty của PGS.TS Bùi Xuân Hải

10 536 3

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 60,5 KB
File đính kèm QUẢN TRỊ CÔNG TY BÙI XUÂN HẢI.zip (2 MB)

Nội dung

Tổng hợp một số bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Hải Phó hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM về quản trị công ty trong mối tương quan với pháp luật nước ngoài, đổi mới pháp luật kinh doanh nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông thiểu số. Ngoài ra, tác giả còn thể hiện những góc nhìn khác về những người quản lý công ty, mối quan hệ giữa người quản lý với cổ đông...Đây là những tài liệu tham khảo rất có ích cho những người làm luận văn, làm công tác nghiên cứu, giảng dạy.

VÀI NÉT VỀ CÁC LOẠI HÌNH CÔNG TY THEO LUẬT CÔNG TY CỦA ÚC THS. BÙI XUĀN HẢI - ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, NCS ĐH La Trobe Úc 1. Luật công ty (company law) của Úc, một quốc gia theo truyền thống thông luật, được hiểu là hệ thống các qui tắc pháp lý điều chỉnh về: (1) việc thành lập, chấm dứt hoạt động của các công ty và địa vị pháp lý của chúng; (2) mối quan hệ giữa các chủ thể -thành viên, người quản lý điều hành – trong công ty với nhau và giữa chúng với công ty; (3) một số vấn đề pháp lý của mối quan hệ giữa công ty với các đối tác bên ngoài công ty như khách hàng, chủ nợ…1. Luật công ty của Úc gồm có hai nguồn cơ bản là: (1) các văn bản pháp luật (legislations), trong đó có đạo luật công ty (the Corporations Act 2001) và các qui định về công ty (the Corporations Regulations) 2…vv; và (2) các án lệ (case law)- nguồn luật đặc trưng của các quốc gia theo truyền thống common law. Do các yếu tố lịch sử, các án lệ được coi là nguồn luật của luật công ty Úc không chỉ là án lệ của các Tòa án Úc mà còn bao gồm cả các án lệ của Tòa án nước Anh. Tuy nhiên, Đạo luật công ty (Corporations Act 2001) được coi là có vị trí đặc biệt quan trọng, là xương sống của luật công ty Úc hiện nay. 2. Về các loại hình công ty Việc phân loại các công ty theo luật công ty Úc chỉ có ý nghĩa chủ yếu trong việc xác định trách nhiệm của các thành viên công ty và vấn đề có hay không việc công ty huy động vốn từ công chúng qua việc phát hành cổ phiếu. Ngoài những vấn đề kể trên, hầu hết các qui định của luật thành văn (statutory law) và luật án lệ (case law) đều được áp dụng chung cho tất cả các loại hình công ty. Theo Điều 112 (1) của Đạo luật công ty 2001, các nhà đầu tư có quyền đăng ký thành lập công ty tại Úc theo các hình thức dưới đây: 1. Công ty sở hữu chủ (proprietary company) 3. Loại công ty này gồm có hai hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi) cổ phiếu (company limited by shares) và công ty trách nhiệm vô hạn (unlimited company with shares capital) 2. Công ty công cộng (public company). Loại công ty này gồm có bốn hình thức sau đây: (1) Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi) cổ phiếu (company limited by shares), (2) công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi sự) bảo đảm (company limited by guarantee), (3) công ty trách nhiệm vô hạn (unlimited company with shares capital), và (4) công ty không trách nhiệm (no liability company). 2.1. Công ty công cộng và công ty sở hữu chủ Theo luật Úc, các công ty đều được công nhận là pháp nhân (a separate legal entity), chỉ cần có ít nhất là một thành viên (có thể là thể nhân hoặc pháp nhân) và chúng phải đăng ký dưới hình thức là công ty công cộng hoặc công ty sở hữu chủ. Đạo luật công ty 2001 tuy có qui định cụ thể về các dấu hiệu pháp lý của công ty sở hữu chủ (Điều 113), nhưng không cần có các qui định trực tiếp về dấu hiệu của công ty công cộng. Theo Điều 113 (2) thì công ty sở hữu chủ không được có nhiều hơn 50 thành viên không phải là người lao động của công ty (non- employee shareholders), trong khi đó, các công ty công cộng thì không bị hạn chế số lượng thành viên. T rong thực tế, hầu hết các công ty sở hữu chủ được cơ quan thuế Úc ( Australia Taxation Office ) xếp vào loại kinh doanh nhỏ ( small business ), chúng có số lượng thành viên ít và họ thường có mối quan hệ gia đình với nhau. Về bộ máy quản lý Điều hành, nếu như công ty sở hữu chủ chỉ cần phải có ít nhất một giám đốc (director) và không bắt buộc phải có thư ký công ty (secretary), thì các công ty công cộng phải có ít nhất ba giám đốc và ít nhất một thư ký công ty 4. Hơn nữa, chỉ có công ty công cộng mới có quyền huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, và vì thế chúng phải tuân thủ thêm một số các qui định của pháp luật công ty và chứng khoán nhằm mục đích bảo vệ các cổ đông công chúng cũng như hoạt động lành mạnh của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng giống như các công ty cổ phần ở Việt nam, không phải tất cả các công ty công cộng của Úc đều có cổ phiếu niêm yết ở thị trường chứng khoán. Đến giữa năm 2003, trong tổng số trên 20 ngàn công ty công cộng, chỉ có khoảng 1400 công ty niêm yết cổ phiếu của mình tại thị trường chứng khoán mà thôi 5. Do khác nhau về bản chất cho nên mức độ điều chỉnh của pháp luật đối với các công ty sở hữu chủ được giảm nhẹ đi rất nhiều so với các công ty công cộng. Chẳng hạn, khác với công ty công cộng, các công ty sở hữu chủ thường không phải nộp báo cáo tài chính hàng năm, có thể không cần triệu tập họp đại hội đồng cổ đông thường niên, không cần phải mở cửa văn phòng công ty hàng ngày, bộ máy quản lý điều hành đơn giản hơn… Với các lợi thế của mình, mô hình công ty sở hữu chủ được coi là rất thích hợp cho qui mô kinh doanh vừa và nhỏ. Vì vậy, có tới 97% trong tổng số gần 1,3 triệu công ty (thời điểm giữa năm 2003) ở quốc gia chỉ có khoảng 20 triệu dân này là các công ty sở hữu chủ 6. 2.3. Bốn loại hình công ty theo chế độ trách nhiệm của thành viên Việc phân loại công ty theo chế độ trách nhiệm của các thành viên cũng đã được thể hiện trong Điều 112 (1) của Đạo luật công ty 2001. Cho dù là công ty công cộng hay công ty sở hữu chủ thì tất cả đều phải đăng ký dưới một trong bốn hình thức công ty dưới đây (tuy nhiên nếu là công ty sở hữu chủ thì chỉ có thể là công ty TNHH (bởi) cổ phiếu hoặc công ty trách nhiệm vô hạn): 1. Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi) cổ phiếu (company limited by shares) 2. Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi sự) bảo đảm (company limited by guarantee), 3. Công ty trách nhiệm vô hạn (unlimited company with shares capital), 4. Công ty không trách nhiệm (no-liability company)7. a. Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi) cổ phiếu (company limited by shares) Có thể khẳng định chắc chắn rằng, đây là loại hình công ty có vị trí tuyệt đối trong nền kinh tế Úc (với số lượng trên 1, 2 triệu, chiếm tới khoảng 98% tổng số các công ty). Công ty TNHH bởi cổ phiếu có thể đăng ký dưới hình thức là công ty công cộng hay công ty sở hữu chủ, chúng phải có vốn cổ phần, cổ phiếu của công ty được coi là tài sản riêng của mỗi thành viên và chúng được tự do chuyển nhượng. Theo qui định tại Điều 9 và Điều 516 của Đạo luật công ty 2001 thì công ty TNHH bởi cổ phiếu là công ty được thành lập trên nguyên tắc trách nhiệm của các thành viên là có giới hạn chỉ trong phạm vi số vốn chưa góp (nếu có) trên các cổ phiếu mà họ nắm giữ 8. Khi công ty bị mất khả năng thanh toán, các thành viên của công ty không có nghĩa vụ dùng tài sản riêng của mình để trả các khoản nợ của công ty. b. Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi sự) bảo đảm (company limited by guarantee), Mô hình công ty này đã tồn tại khá lâu ở Anh, Úc và cả ở Malaysia, Hongkong 9. Tuy nhiên, các công ty loại này chỉ chiếm khoảng 1% tổng số các công ty ở Úc. Trước đây, Úc cho đăng ký cả loại hình công ty TNHH bởi sự bảo đảm và cổ phiếu (companies limited both by shares and by guarantee), nhưng theo Đạo luật công ty 2001 thì chúng đã không còn được cho đăng ký thành lập nữa. Khác với công ty TNHH bởi cổ phiếu, công ty TNHH bởi sự bảo đảm không có vốn cổ phần (share capital) và chỉ có thể đăng ký dưới hình thức công ty công cộng chứ không thể là công ty sở hữu chủ. Vì thế, cho dù có qui mô nhỏ, loại công ty này vẫn không được hưỡng sự ưu ái “giảm nhẹ” nghĩa vụ mà pháp luật dành cho các công ty sở hữu chủ trong sự so sánh với nghĩa vụ của các công ty công cộng. Theo Điều 9 của Đạo luật công ty 2001, công ty TNHH bởi sự bảo đảm là công ty được thành lập trên nguyên tắc trách nhiệm của các thành viên là hữu hạn trong phạm vi số vốn mà thành viên đó đã cam kết đóng góp vào tài sản của công ty khi công ty bị thanh lý (chấm dứt hoạt động). Khác với công ty TNHH bởi cổ phiếu, các thành viên của công ty TNHH bởi sự bảo đảm không phải đóng góp vốn ngay khi công ty được thành lập và cả trong quá trình công ty đang hoạt động, cho nên công ty này không có vốn cổ phần và do vậy, rất khó khăn trong việc huy động vốn từ đó nó bị hạn chế tham gia các hoạt động kinh doanh. Chính vì lẽ đó, loại công ty này được cho là không thích hợp cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh thương mại; song, chúng thích hợp cho các mục tiêu phi lợi nhuận như các trường học hay câu lạc bộ, các hội từ thiện, … mà chủ yếu hoạt động bằng nguồn vốn từ bên ngoài bởi sự đóng góp của các hoạt động mang tính xã hội10. Khác với công ty TNHH bởi cổ phiếu, thành viên của công ty này chỉ có nghĩa vụ đóng góp tài sản (vốn) khi mà công ty bị thanh lý, chấm dứt hoạt động (winding up), tuy nhiên nghĩa vụ đóng góp của mỗi thành viên cũng chỉ là hữu hạn trong phạm vi mà họ đã cam kết bảo đảm (guarantee) mà thôi11. Bởi thế cho nên, khi công ty TNHH bởi sự bảo đảm không có khả năng trả nợ, nếu muốn thu hồi nợ, các chủ nợ của công ty cần phải làm thủ tục để yêu cầu thanh lý công ty, bởi vì chỉ bằng cách thanh lý công ty các thành viên của loại công ty này mới bị bắt buộc phải góp vốn (tài sản) cho dù chỉ là hữu hạn trong phạm vi mà họ đã cam kết vào tài sản của công ty. c. Công ty trách nhiệm vô hạn (unlimited company with share capital) Chỉ có khoảng vài trăm công ty loại này ở Úc, chúng được thành lập trên nguyên tắc trách nhiệm của các thành viên là vô hạn đối với các nghĩa vụ của công ty12. Trước năm 1998, Úc cho đăng ký thành lập đối với cả các công ty trách nhiệm vô hạn không có vốn cổ phần, nhưng sau đó nước này chỉ cho đăng ký loại công ty này nếu chúng có vốn cổ phần (share capital) mà thôi. Công ty trách nhiệm vô hạn có thể đăng ký dưới hình thức công ty sở hữu chủ hoặc công ty công cộng. Theo Luật công ty Úc, mặc dù tất cả các công ty đều được coi là pháp nhân, nhưng điều đó không có nghĩa là các nghĩa vụ của pháp nhân chỉ được thanh toán bằng tài sản riêng của chính nó, cũng không có nghĩa là các thành viên của pháp nhân đều được hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn. Thế nhưng, cần phải hiểu rằng, theo luật công ty Úc, chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên công ty phải được hiểu là đối với công ty chứ không phải đối với các chủ nợ của công ty. Vì thế các chủ nợ của loại công ty này không có quyền trực tiếp khởi kiện đòi các thành viên phải thanh toán số nợ mà công ty của họ không trả được trong khi công ty đó còn đang hoạt động. Do vậy, để thu hồi nợ các chủ nợ của công ty sẽ phải tiến hành thủ tục đòi thanh lý công ty, khi tiến hành thanh lý công ty thì các nguyên tắc pháp lý về trách nhiệm vô hạn của thành viên sẽ được áp dụng, nếu tài sản của công ty không đủ đáp ứng việc thanh toán cho các chủ nợ, thì mỗi thành viên công ty sẽ phải chịu trách nhiệm không có giới hạn về các nghĩa vụ của công ty 13. Đặc điểm này tương đối giống với chế độ trách nhiệm vô hạn của các thành viên trong hợp danh, tuy nhiên, hợp danh theo pháp luật của các bang ở Úc có một số điểm bất lợi hơn trong kinh doanh so với mô hình công ty trách nhiệm vô hạn. Với chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên như thế, loại công ty này được cho là không thích hợp cho hoạt động kinh doanh thương mại và hoạt động kinh doanh có qui mô lớn. Một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh mang tính nghề nghiệp đặc thù mà pháp luật yêu cầu các thành viên phải chịu trách nhiệm vô hạn, người ta thường thành lập công ty trách nhiệm vô hạn hơn là kinh doanh theo hình thức hợp danh bởi vì họ muốn có được những lợi ích của mô hình công ty như về tư cách pháp nhân, thuế, huy động vốn … trong sự so sánh với hợp danh 14 d. Công ty không trách nhiệm (No liability company) Đây là mô hình công ty khá đặc biệt, nó được công nhận lần đầu tiên tại bang Victoria vào năm 1871 và gắn liền với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp khai thác mỏ ở Úc. Nói đến công ty không trách nhiệm, người Úc biết ngay đến lĩnh vực kinh doanh của nó là ngành khai thác mỏ. Theo qui định tại Điều 112 (2), Đạo luật công ty 2001, một công ty được đăng ký dưới hình thức công ty không trách nhiệm nếu như: (1) nó có vốn cổ phần; (2) Điều lệ của công ty khẳng định rằng đối tượng duy nhất của nó là mục đích khai thác mỏ (mining purposes)15, và (3) Điều lệ của công ty không có qui định về việc công ty có quyền đòi hỏi các cổ đông phải góp đủ tiền trên các cổ phiếu mà họ chưa nộp đủ. Để cảnh báo công chúng, pháp luật qui định ở phần cuối của tên công ty phải ghi rõ chữ no liability hay NL. Luật công ty Úc qui định loại hình công ty không trách nhiệm chỉ có thể đăng ký dưới hình thức công ty công cộng chứ không thể là công ty sở hữu chủ. Chế độ trách nhiệm của thành viên công ty không trách nhiệm chủ yếu thể hiện qua việc góp vốn cổ phần, phân chia giá trị còn lại của công ty và giới hạn trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty. Khác với các loại hình công ty đã nói ở trên, sự chấp nhận góp vốn vào công ty này không tạo nên quan hệ hợp đồng giữa người cam kết góp vốn và công ty trong việc đóng góp số vốn đó hay chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của công ty (Điều 254M(2) Đạo luật công ty). Thành viên công ty không có nghĩa vụ pháp lý phải thanh toán (góp) vốn cổ phần trên cổ phiếu của họ theo yêu cầu của công ty ngay cả khi công ty đang hoạt động và kể cả khi công ty bị thanh lý. Tuy nhiên, trong thời gian mà thành viên chưa nộp đủ tiền cổ phiếu, họ sẽ không có quyền được hưởng cổ tức và nếu yêu cầu góp vốn không được thực hiện trong một thời hạn nhất định thì các cổ phiếu đó sẽ bị mất quyền, khi đó công ty có thể tổ chức bán đấu giá công khai số cổ phiếu này trong thời hạn sáu tuần kể từ khi cổ phiếu đến thời hạn được thanh toán (Điều 254Q(2) ). Tuy vậy, luật vẫn cho phép người có cổ phiếu bị mất quyền được nộp tiền để chuộc lại số cổ phiếu đó bao gồm tiền cổ phiếu và các chi phí khác liên quan (Điều 254R(1)). Nếu thành viên công ty không kịp thời thanh tóan đủ tiền thì họ sẽ bị mất các lợi ích có được của các cổ phiếu đó. Khi công ty không trách nhiệm chấm dứt hoạt động, gía trị còn lại sau khi thanh toán xong các khoản nợ của công ty sẽ được phân chia cho các cổ đông theo số lượng cổ phiếu mà họ đang nắm giữ mà không quan tâm đến số tiền mà họ đã thanh toán trên cổ phiếu, tuy nhiên những cổ phiếu mà chưa được cổ đông thanh toán đủ (nhưng chưa bị mất quyền) sẽ chưa được phân chia cho đến khi nào họ thanh toán đủ số tiền còn chưa đóng đủ (Điều 254 B (2)). Mặc dù nhà đầu tư phải lựa chọn để đăng ký thành lập một trong số các loại công ty nói trên, nhưng trong quá trình hoạt động các công ty đều có thể làm thủ tục chuyển đổi loại hình khá dễ dàng, chẳng hạn từ một công ty sở hữu chủ thành công ty công cộng và ngược lại, cũng như từ một công ty trách nhiệm vô hạn sang công ty có chế độ TNHH (Điều 162). Tuy nhiên, các công ty chuyển đổi phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và làm thủ tục đăng ký với văn phòng của Ủy ban chứng khoán và đđầu tư Úc (ASIC) (Điều 164). Bên cạnh sự chuyển đổi tự nguyện như trên, luật công ty Úc cũng có qui định về việc ASIC có quyền yêu cầu một công ty sở hữu chủ buộc phải chuyển đổi thành công ty công cộng (và sau đó ASIC có thể tự quyết định việc chuyển đổi nếu công ty bị yêu cầu không thực hiện trong một thời hạn nhất định) nếu nó không còn thỏa mãn các dấu hiệu bắt buộc của một công ty sở hữu chủ theo Điều 113 của đạo luật công ty.16 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Xem H. Pamela, R. Ian & S. Geof. Commercial Applicatoin of Company Law, 5th ed, CCH Australia Limiter, Sydney, 2004, Sđd., tr. 23. 2 H. Pamela, R. Ian & S. Geof, Sđd , tr. 26, 35. 3 Theo Từ điển pháp luật – Black’s Law Dictionary, do West Group xuất bản năm 2001 (tr. 565) và Oxford Advanced Learner’s Dictionary xuất bản 2000 (tr. 1017) thì có thể tạm dịch là công ty sở hữu chủ. Tuy nhiên proprietary company cũng tương đồng với private company của Anh hay close corporation trong pháp luật Hoa Kỳ. Các công ty sở hữu chủ ở Úc cũng được luật công ty chia thành hai loại: loại lớn (large proprietary company) và loại nhỏ (small proprietary company); nếu là công ty loại lớn thì sẽ phải thực hiện nhiều hơn một số nghĩa vụ so với công ty loại nhỏ (chủ yếu là về báo cáo tài chính và kiểm toán). 4 Luật công ty Úc qui định các công ty có nhiều giám đốc (directors) và vai trò của mỗi giám đốc có thể khác nhau. Thư ký công ty (secretary) không có trong thực tiễn cũng như trong luật thực định của Việt Nam. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, thư ký công ty khác hoàn toàn với thư ký Giám đốc (Tổng giám đốc) có thể có trong các công ty ở nước ta. 5 H. Pamela, R. Ian & S. Geof, Sđd , tr. 7 & 92. 6 Số liệu của Ủy ban chứng khoán và đầu tư Australia (Uc Securities and Investments Commission) Annual Report 2002-2003,tr . 66. Đây chỉ là số liệu thống kê các công ty, không bao gồm các chủ thể kinh doanh khác như kinh doanh cá thể (sole trader), hợp danh (partnership), liên doanh (joint venture), … vv. Trong khi đó, nước ta với dân số khoảng 82 triệu, mặc dù đã có sự tăng lên rất nhanh từ khi có Luật doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp của Việt nam cũng chỉ khoảng 150 ngàn đã phần nào phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường ở mỗi nước. 7 Ba loại công ty đầu tiên cũng là những loại hình công ty được công nhận ở trong luật công ty của nhiều nước như: Anh, Hongkong, Malaysia. Xem thêm: L.D. Paul. Gower and Davies’ Principles of Modern Company Law (7th ed), Thomson, Sweet & Maxwell, London, 2003, pp.7-9, 16; và K. Arjunan & Low. C.K. Lipton & Herzberg Understanding Company Law in Malaysia, LBC Information Services, Sydney, 1995, pp. 30-42; và K. Arjunan & Low. C.K. Lipton & Herzberg Understanding Company Law in Hongkong, LBC Information Services, Sydney, 1996, tr .29-36. 8 Australia Corporations And Securities Legislation- Vol 1, CCH Sydney, 2004. 9 H. Pamela, R. Ian & S. Geof, Sđd, tr. 92. 10 Xem L. Phillip & H. Abe, Understanding Company Law, Lawbook Co, Sydney,2004, tr. 65-66 11 Điều 517, Đạo luật công ty 2001. 12 Điều 9, Đạo luật công ty 2001. 13 L. Paul, Sđd, tr. 667. 14 S. Brendan & O. Jennifer. Law In Commerce, Butterworths, Sydney, 2001, p. 300 and L. Phillip & H. Abe, Sđd, tr. 66. 15 Mining purposes đã được định nghĩa khá cụ thể tại Điều 9 của Đạo luật công ty 2001. 16 Xem thêm điều 165 đạo luật công ty 2001. SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2004

Ngày đăng: 27/08/2015, 14:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w