TƯ LIỆU GIẢNG DẠY NỘI DUNG “CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÔNG NGHIỆP (ĐỊA LÍ 10)” Nội dung Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp là một nội dung rất quan trọng trong phần Địa lí Công nghiệp của Địa lí 10. Tuy nhiên, trong sách giáo khoa chỉ đưa ra một sơ đồ các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, sau đó yêu cầu phân tích sự ảnh hưởng của các nhân tố đó tới sự phát triển và phân bố công nghiệp. Đây là một nội dung tương đối khó, không chỉ đối với học sinh mà ngay cả với nhiều giáo viên cũng sẽ có những hiểu biết chưa đầy đủ về vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được cung cấp những thông tin đầy đủ hơn nhằm giúp các thầy cô giáo có thêm nguồn tư liệu tham khảo trong quá trình dạy học, đặc biệt là trong việc dạy chuyên đề và bồi dưỡng học sinh giỏi. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, theo thời gian, vai trò của từng nhân tố có thể thay đổi. Tựu chung lại, có thể chỉ ra các nhân tố sau: * Vị trí địa lí: Vị trí địa lí bao gồm vị trí tự nhiên, vị trí kinh tế, giao thông, chính trị. Vị trí địa lí tác động rất lớn đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng xí nghiệp, cũng như phân bố các ngành công nghiệp và các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Nhìn chung, vị trí địa lí có ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành cơ cấu ngành công nghiệp và xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành trong điều kiện tăng cường mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế và hội nhập vào đời sống kinh tế khu vực và thế giới. Sự hình thành và phát triển các xí nghiệp, các ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vị trí địa lí. Có thể thấy rõ hầu hết các cơ sở công nghiệp ở các quốc gia trên thế giới đều được bố trí ở các khu vực có vị trí địa lí thuận lợi như gần các trục đường giao thông, sân bay, bến cảng, gần nguồn nước, khu vực tập trung đông dân cư. Vị trí thuận lợi hay không thuận lợi tác động mạnh đến sự phát triển và phân bố công nghiệp, bố trí không gian các khu vực tập trung công nghiệp. Vị trí càng thuận lợi thì mức độ tập trung công nghiệp càng cao, các hình thức tổ chức công nghiệp càng đa dạng và phức tạp. Ngược lại những khu vực có vị trí địa lí kém thuận lợi sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư. Ví dụ: thực tiễn đã chỉ ra rằng sự thành công của các khu công nghiệp và khu chế xuất trên thế giới thường gắn liền với sự thuận lợi về vị trí địa lí. Khu vực Đông Nam Á hiện nay được đánh giá là một trong những khu vực có vị trí địa lí thuận lợi: bao gồm cả vị trí tự nhiên, kinh tế, giao thông, chính trị. Là khu vực cầu nối giữa Châu Á và Châu Úc, giao thông đường biển và đường hàng không rất thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực và các cường quốc kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… Đây là khu vực có chính trị ổn định, môi trường đầu tư tốt. Hiện nay Đông Nam Á là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới và thu hút được vốn đầu tư rất lớn. Việt Nam trong số hơn 100 địa điểm có thể xây dựng được các khu công nghiệp tập trung thì có khoảng 40 nơi thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước do có vị trí địa lí thuận lợi. Một trong các khu công nghiệp tương đối thành công hiện nay là khu công nghiệp Dung Quất – Quảng Ngãi, đó là nhờ có một vị trí địa lí thuận lợi. Dung Quất nằm ở một vị trí địa lí thuận lợi cho giao thông đường bộ, hàng hải cũng như hàng không: nằm bên Quốc lộ 1A, Đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 24 nối với Tây Nguyên và các nước thuộc Tiểu Vùng sông Mê Kông (một trong 5 tuyến đường ngang của hệ thống đường xuyên Á chạy qua Việt Nam), có cảng nước sâu Dung Quất và có sân bay quốc tế Chu Lai, cách tuyến nội hải 30 km và cách tuyến hàng hải quốc tế 90km. Về mặt địa lí, Dung Quất có thể được xem là vị trí trung tâm điểm của Việt Nam và của Đông Nam Á. * Nguồn lực tự nhiên: Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên được coi là tiền đề vật chất không thể thiếu được để phát triển và phân bố công nghiệp. Nó ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành và xác định cơ cấu ngành công nghiệp. Số lượng, chất lượng, phân bố và sự kết hợp của chúng trên lãnh thổ có ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình phát triển và phân bố của nhiều ngành công nghiệp. Khoáng sản: Khoáng sản là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa hàng đầu đối với việc phát triển và phân bố công nghiệp. Khoáng sản được coi là “bánh mì” cho các ngành công nghiệp. Số lượng chủng loại, trữ lượng, chất lượng khoáng sản và sự kết hợp các loại khoáng sản trên lãnh thổ sẽ chi phối quy mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp. Ví dụ: Khoáng sản thế giới phân bố không đồng đều. Có những nước giàu tài nguyên khoáng sản như Hoa Kì, Trung Quốc, Canađa, Liên Bang Nga, Ấn Độ…Có những nước nổi tiếng với một loại khoáng sản như Chi Lê (đồng), khu vực Tây Á là nơi tập trung tới hơn một nửa trữ lượng dầu của thế giới, do vậy ở đây đã rất phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu có qui mô lớn, chẳng hạn ở Ảrập Xêut, Côoet, Iran, Irắc… Việt Nam được đánh giá là có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các ngành công nghiệp từ Bắc tới Nam: Khai thác than ở Quảng Ninh, khai thác và chế biến quặng sắt ở Thái Nguyên, Hà Tĩnh, apatit ở Lào Cai, bôxit ở Tây Nguyên, đá vôi ở các tỉnh phía Bắc… Khí hậu và nguồn nước: Nguồn nước có ý nghĩa rất lớn đối với các ngành công nghiệp. Mức độ thuận lợi hay khó khăn về nguồn cung cấp nước hoặc thoát nước là điều kiện quan trọng để định vị các xí nghiệp công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp được phân bố gần nguồn nước như: công nghiệp luyện kim, công nghiệp dệt, công nghiệp giấy, hóa chất và chế biến thực phẩm… Những vùng có mạng lưới sông ngòi dày đặc và chảy trên các dạng địa hình khác nhau tạo nên tiềm năng cho công nghiệp thủy điện. Ví dụ Trung Quốc đã tiến hành xây dựng đập Tam Điệp chặn sông Trường Giang (con sông lớn thứ 3 thế giới) và đến nay nó là đập thủy điện lớn nhất thế giới, với công suất phát điện 18.200MW, điện lượng 84,3 tỉ KWh/năm. Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nguồn nước dồi dào, là cơ sở cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống con người như nhà máy thủy điện Hòa Bình có công suất 1,92 triệu KW trên sông Đà, thủy điện Trị An có công suất 400 MW trên sông Đồng Nai, thủy điện Tuyên Quang 342MW và trong năm 2013 đã khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á. Khí hậu cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự phân bố công nghiệp. Đặc điểm khí hậu có tác động không nhỏ đến hoạt động của các ngành công nghiệp khai khoáng. Trong một số trường hợp nó chi phối cả việc lựa chọn kĩ thuật và công nghệ sản xuất. Ví dụ: ở một số nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa làm cho máy móc dễ bị hư hỏng. Vì vậy đòi hỏi phải nhiệt đới hóa trang thiết bị sản xuất. Các nhân tố tự nhiên khác: Các nhân tố tự nhiên khác có tác động đến sự phát triển và phân bố công nghiệp như đất đai, tài nguyên sinh vật… - Về mặt tự nhiên đất ít có giá trị đối với công nghiệp nhưng quỹ đất dành cho công nghiệp và địa chất công trình cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quy mô hoạt động và vốn thiết kế cơ bản. - Tài nguyên sinh vật cũng tác động tới sản xuất công nghiệp. Rừng và hoạt động lâm nghiệp là nơi cung cấp vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến giấy, gỗ, tiểu thủ công nghiệp… * Nguồn lực kinh tế - xã hội: Dân cư và nguồn lao động: Dân cư và nguồn lao động có vai trò thúc đẩy sự phát triển công nghiệp. Dân cư và nguồn lao động vừa là lực lượng sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ. Dân cư và nguồn lao động là lực lượng sản xuất chủ yếu, là một trong những điều kiện quan trọng phát triển và phân bố công nghiệp. Những ngành cần nhiều lao động như dệt, may, chế tạo máy… thường phân bố ở nơi đông dân cư. Các ngành sản xuất hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu hàng ngày của con người cũng thường phân bố ở những nơi có mật độ dân số cao và những điểm tập trung dân cư (như công nhiệp dệt, công nghiệp thực phẩm, đồ dùng gia đình, đồ chơi…) chất lượng của người lao động như trình độ học vấn, trình độ tay nghề và chuyên môn kĩ thuật cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng và đáp ứng những thành tựu của khoa học và kĩ thuật đối với những xí nghiệp công nghiệp. Quy mô, cơ cấu và thu nhập của dân cư cũng ảnh hưởng lớn đến quy mô và cơ cấu của nhu cầu tiêu dùng. Nó cũng là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp. Khi tập quán và nhu cầu tiêu dùng thay đổi nó cũng ảnh hưởng đến sự chuyển hướng về quy mô và hướng chuyên môn hóa các ngành và xí nghiệp công nghiệp, từ đó dẫn đến mở rộng hay thu hẹp không gian công nghiệp cũng như cơ cấu ngành của nó. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật: Hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ công nghiệp có ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển và phân bố công nghiệp. Nó có thể là tiền đề thuận lợi hay cản trở sự phát triển công nghiệp nói chung và tổ chức lãnh thổ công nghiệp nói riêng. Hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp bao gồm hệ thống giao thông vận tải, thông tin liên lạc, mạng lưới cung cấp điện, nước, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở công nghiệp… có vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển và phân bố công nghiệp. Sự tập trung cơ sở hạ tầng trên một lãnh thổ đã làm thay đổi vai trò của nhiều nhân tố phân bố công nghiệp, đem lại nhiều yếu tố mới trong bức tranh phân bố công nghiệp. Những tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ: Tiến bộ khoa học công nghệ không chỉ tạo ra những khả năng mới về sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển một số ngành, làm tăng tỉ trọng của chúng trong tổng thể toàn bộ ngành công nghiệp, làm cho việc sử dụng, khai thác tài nguyên và phân bố các ngành công nghiệp trở nên hợp lí hơn, có hiệu quả và kéo theo những thay đổi về quy luật phân bố sản xuất. Đồng thời, làm nảy sinh những nhu cầu mới, xuất hiện những ngành công nghiệp mới, mở ra những triển vọng phát triển mới cho ngành công nghiệp trong tương lai. Đường lối, chính sách phát triển: Đường lối, chính sách phát triển có ảnh hưởng trực tiếp, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển công nghiệp. Chính vì vậy trong quá trình phát triển công nghiệp, cần thiết phải có một đường lối chính sách phát triển đúng đắn, tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển mạnh. Phù hợp với xu thế mở cửa hội nhập, nước ta đã xây dựng những ngành công nghiệp mũi nhọn dựa vào lợi thế so sánh như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, công nghiệp nhẹ gia công xuất khẩu sử dụng nhiều lao động, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, một số ngành sản xuất nhiên liệu cơ bản… Cơ cấu công nghiệp theo ngành và theo lãnh thổ đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thị trường: Thị trường bao gồm thị trường trong nước và thị trường quốc tế đóng vai trò như chiếc đòn bẩy đối với sự phát triển, phân bố và cả sự thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp. Nó có tác động mạnh mẽ đến việc lựa chọn vị trí xí nghiệp, hướng chuyên môn hóa sản xuất. Sự phát triển công nghiệp ở bất kì quốc gia nào đều nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước và hội nhập vào thị trường quốc tế. Công nghiệp có thị trường tiêu thụ rất rộng lớn. Điều đó được thể hiện dưới hai khía cạnh. Công nghiệp một mặt, cung cấp tư liệu sản xuất, trang thiết bị cho tất cả các ngành kinh tế và mặt khác, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng cho mọi tầng lớp nhân dân. Công nghiệp hiện đối mặt với thị trường đang ở trong quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế - xã hội. Sự phát triển về truyền thông đại chúng đã làm cho mọi thông tin cập nhật mau chóng được phổ cập tới toàn xã hội, trong đó có thông tin về tiêu thụ. Nó kích thích nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp hơn đối với công nghiệp. Qua việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, có thể thấy, các nhân tố luôn có sự tác động qua lại với nhau, hỗ trợ nhau, tùy từng thời điểm, từng hoàn cảnh lịch sử mà có lúc nhân tố này đóng vai trò quyết định, có lúc lại thuộc về nhân tố khác. Điều quan trọng là để công nghiệp phát triển mạnh cần phát huy tất cả lợi thế của các nhân tố, đó có thể coi là các nguồn lực để phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Dương Thị Sáng - Trung tâm GDTX&DN Yên Lạc . LIỆU GIẢNG DẠY NỘI DUNG “CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÔNG NGHIỆP (ĐỊA LÍ 10) Nội dung Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp là một nội dung rất. phần Địa lí Công nghiệp của Địa lí 10. Tuy nhiên, trong sách giáo khoa chỉ đưa ra một sơ đồ các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, sau đó yêu cầu phân tích sự ảnh hưởng. ngày càng đa dạng và phức tạp hơn đối với công nghiệp. Qua việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, có thể thấy, các nhân tố luôn có sự tác động qua lại