1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Báo cáo khoa học Vay mượn, chuyển di, chuyển mã, hoà mã và thích ứng Thực tiễn tiếp xúc ngôn ngữ tiếng Việt ở châu Úc

16 690 3

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 16
Dung lượng 264 KB

Nội dung

Tuy có một bộ phân sống thiếu tập trung, ngoài các thành phố như đã liệt kê, các cộng đồng gốc Việt ở Úc châu có những điểm chung là tỉ lệ người nói tiếng Việt vẫn rất cao so với các cộn

Trang 1

VAY MƯỢN, CHUYỂN DI, CHUYỂN MÃ, HÒA MÃ VÀ THÍCH ỨNG : THỰC TIỄN TIẾP XÚC NGÔN NGỮ CỦA TIẾNG VIỆT Ở CHÂU ÚC

Thái Duy Bảo1

1 GIỚI THIỆU

Hành trang vốn không ly gián đối với các cộng đồng di dân thường là ngôn ngữ- phương tiện vừa để duy trì và lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống, vừa là chất kết dính cá nhân vào cộng đồng nơi đất khách quê người Đối với cộng đồng di dân gốc Việt, tiếng Việt không phải là

lệ ngoại và là ngôn ngữ cội nguồn của hơn 3 triệu người đang cư trú và sinh sống ở trên trên 90 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới Tại Úc châu, nơi có hơn 206 ngôn ngữ được sử dụng tại nhà (Clyne et al, 2005), thì tiếng Việt là ngôn ngữ cội nguồn của hơn 200.000 người gốc Việt tập trung chủ yếu ở các tiểu bang như New South Wales, Victory, Queensland, Nam Úc và Tây Úc Xét trên bình diện nhân khẩu- ngữ học, có khoảng 16 % dân số Úc nói một thứ tiếng ngoài tiếng Anh (Language Other Than English, gọi tắt là LOTE) Riêng thành phố Sydney bang NSW, có 29% và Melbourne bang Victoria có 27% số dân nói một ngôn ngữ LOTE tại gia đình Đáng chú

ý là, trong số 16% dân số Úc sử dụng LOTE thì số người nói tiếng Việt lại xếp thứ 5 (chiếm gần 1% tổng dân số của Úc), sau tiếng Ý, Hi Lạp, Trung Quốc và Ả Rập (có tỉ lệ tuần tự là 2%, 1,5%, 1, 3% và 1,2% dân số của Úc) Cổ suý cho việc lưu giữ và quảng bá ngôn ngữ này trong bức tranh đa văn hoá và đa ngôn ngữ của Úc Châu, tiếng Việt lại được chính phủ Úc xếp vào một trong 14 ngôn ngữ chủ đạo (14 Key Languages) được giảng dạy ở bậc phổ thông tại các bang chính của nước Úc (Lo Bianco 1987) Tuy vậy, việc giảng dạy ngôn ngữ lại mang nhiều lý

do khác nhau và không phản ảnh rõ nét bức tranh nhân khẩu ngữ học được, vì trong khi tiếng Hi Lạp, tiếng Việt và Trung Quốc có số lượng người nói lớn nhất thì số học sinh theo học chúng tại các trường học công lập lại không nhiều bằng các thứ tiếng khác Do vậy, cũng không thể khằng định một cách rõ ràng là những di dân này đã duy trì và sử dụng được ngôn ngữ của nước cội nguồn trong sinh hoạt hằng ngày tại nước tiếp cư, hoặc họ chỉ hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ của

xã hội tiếp cư mà thôi (Clyne 2003)

2 BỐI CẢNH

2.1 Hiện nay trong khi tiếng Anh vẫn được xem là “tấm thẻ kiểm tra” ở những cổng nhập cư của

Úc, thì gần đây đã có nhiều tranh luận xoay quanh tinh thần đa văn hóa mà trong đó, thái độ đối với ngôn ngữ đóng vai trò cốt lõi nhât Không ít học giả và chính trị gia đã quan niệm rằng ngôn ngữ là biểu tượng trung tâm của tính đa dạng văn hóa, đồng thời, là dấu hiệu của “ý niệm thuộc về”, xét trên bình diện cộng đồng lẫn thế hệ, đồng thời là yếu tố xác lập đường ranh giới trong việc bao gộp hoặc loại bỏ những thành viên hiểu hay không thông hiểu nó Đặc biệt, khi ngôn ngữ hành chức với tư cách là công cụ truyền tải và lưu giữ những giá trị văn hóa của từng cộng đồng sắc dân, thì việc sử dụng nó như một biểu thị về “ý niệm thuộc về” lại trở nên phức tạp hơn

Cộng đồng người Việt sinh sống ở Úc châu gồm hơn 2/3 số người có quê hương cội nguồn là Việt Nam và số lượng cư dân này chủ yếu đến từ 3 làn sóng khác nhau, có thể tính từ mốc thời gian 1975-79, 1979-85 và sau 1985 (Thomas 1997), đó là không kể một số lượng nhỏ thuộc diện học bổng Columbo lưu lại Úc trước ngày 30/4/1975 So với làn sóng di dân thứ nhất khoảng hơn 30 ngàn người, và làn sóng thứ hai gần 50 ngàn người, làn sóng di dân thứ ba có

1 Dr, School of Culture, History and Language, College of Asia and The Pacific, The Australian National University Email: bao.thai@anu.edu.au

Trang 2

khuynh hướng tăng đều trong khoảng thời gian 5 năm Chẳng hạn, chỉ riêng thời gian từ

1985-1990 con số này là hơn 38.000 người, và 1985-1990-95 hơn 39.000 người do chính sách thông thoáng của chính phủ Úc dưới hình thức “đòan tụ gia đình” Ở những năm về sau, từ 1995-2000 số lượng tuy giảm nhưng lại có khuynh hướng giữ đều trong khoảng 12.000 người trong mỗi 5 năm Đặc điểm của cư dân này là biến đổi từ diện di dân tị nạn chính trị, kinh tế sang đoàn tụ gia đình (Clyne 2003: 14) và sau này có cả diện di dân tay nghề, làm phong phú thêm thành phần nhân khẩu và tình hình sinh hoạt của những người gốc Việt tại đây Tuy có một bộ phân sống thiếu tập trung, ngoài các thành phố như đã liệt kê, các cộng đồng gốc Việt ở Úc châu có những điểm chung là tỉ lệ người nói tiếng Việt vẫn rất cao so với các cộng đồng di dân khác, cho dù thái độ đối với ngôn ngữ cội nguồn của họ ít nhiều không đồng nhất

2.2 Trên bình diện hội nhập, việc chuyển đổi từ ngôn ngữ cội nguồn sang ngôn ngữ tiếp cư

không còn là vấn đề bàn cãi nữa, do lực đẩy của thực tế cuộc sống, như cơ hội việc làm, thăng tiến trong công việc, sự thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày v.v Không như ở những cộng đồng sắc dân khác ở Úc, hiện tượng chuyển đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh vẫn ghi nhận là rất thấp trong cộng đồng người Việt (Clyne 2003: 35) Điều đáng nói ở đây là trong bản thân cộng đồng Việt tỷ lệ người nói trẻ tuổi (dưới 14, sinh tại Úc) lại cao một cách vượt trội, xếp hàng thứ

2 sau cộng đồng Ý (mà lẽ ra, vẫn phải hàng thứ 6 theo thứ tự cộng đồng có lượng người nói thứ tiếng cội nguồn cao nhất), dù cho con số này tương quan rất ít với trình độ tiếng Anh và chiều dài định cư của họ Tuy vậy hiện tượng này chỉ tồn tại trong miền giao tế gia đình mà thôi và tỏ

ra thấp hơn ở miền giao tế trường học, cộng đồng hay ngoài xã hội (Thai 2005b)

2.3 Đến lượt mình, ở mỗi cộng đồng trong quá trình tiếp xúc, việc chọn mã sử dụng nói chung

thường không chỉ nằm trong giới hạn của ngôn ngữ mà còn ở những khái niệm thuộc ý thức hệ, tính chất của các tiếp xúc xuyên văn hoá, và quan niệm về bản sắc của các nhóm hay tiểu nhóm xã hội, hoặc nhỏ hơn là của các đơn vị gia đình vốn là những nhóm không đồng nhất về ngôn ngữ (Barch, 1969; Irvine, 1987) Trong thực tế của tiếp xúc ngôn ngữ, khái niệm về chuẩn mực trong việc chọn mã dần dần hình thành và, thậm chí, sự chuyển đổi chuẩn mực cũng được chấp nhận ngay trong các tiểu nhóm, nhóm xã hội và cộng đồng Theo đó, chính thái độ nhìn nhận và tiếp nhận lẫn nhau đã giúp cho các thành viên giả định được những gì là “được phép”, những gì là

“kiêng kỵ” khi bước vào một không gian giao tế có thể khác với vốn sống và không gian của họ trước đây; và như vậy, ở một bình diện rộng lớn hơn, các cộng đồng ngôn ngữ sẽ hình thành nên cái gọi là hình thái bản sắc cộng đồng xã hội (communalistic form of social affiliation) trên nền tảng ý niệm về cộng đồng trong nhận thức của các thành viên (Ratcliffe, 1994; Phinney, 1990) Do vậy, những định hướng về chuẩn mực, về tiền giả định cũng như những ý niệm “chia sẻ chung” giữa các thành viên cũng được tạo lập và nâng cao dần theo thời gian Điều này tương tự với ý niệm về nhóm, nhận thức đồng nhóm trong một cộng đồng ngôn ngữ

2.4 Trên bình diện tiếp xúc ngôn ngữ, một số nhà ngôn ngữ- nhân học lại cho rằng ý niệm về

nhóm không hình thành một cách tự phát, mà trái lại, nó là một hệ quả của các tương tác giáp ranh giữa các nhóm tộc ngữ có vị trí thắng thế và nhóm không thắng thế (Carli et al 2002) Bản sắc xã hội nhóm, từ đó, cũng được phản ảnh qua việc lựa chọn ngôn ngữ và trong bản thân từng nhóm ngầm định cái gọi là phương thức tuơng tác trên mã chọn vốn dựa trên một khung chuẩn mực nào đó Do vậy, việc chọn mã choice), chuyển mã switching) và hoà mã (code-mixing) trong các cộng đồng ngôn ngữ, cần phải được xem xét trên nhiều cung bậc thuộc giới hạn vừa ngôn ngữ học, vừa xã hội học và đặc biệt chú trọng đến miền giao tế của ngôn ngữ học tiếp xúc (Fishman, 1965; Greenfield, 1972, Parasher, 1980), mạng lưới xã hội (Gumperz, 1966; Poplack, 1977; Lipski, 1978; Milroy & Li, 1995), trong mối tương liên với quá trình phát ngôn

Trang 3

của các thành viên trong cộng đồng (Scotton & Wanjin, 1983; Myer-Scotton, 1988, 1993) Trong các thập niên qua, việc miêu tả hiện thực ngôn ngữ trong các cộng đồng di dân thường chú trọng đến các tác tố xã hội dẫn đến hiện tượng song ngữ hay đa ngữ, nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không

đề cập đến thái độ đối với việc sử dụng mã như thế nào, nhất là những định kiến làm nên một

“ốc đảo ngôn ngữ” ngay trong các cộng đồng di dân và, do vậy, dễ dàng dẫn đến hiện tượng rút lui khỏi tương tác xã hội của một số thành viên trong nhóm mỗi khi có sự cọ xát giữa ngôn ngữ cộng đồng (diasporic language) và ngôn ngữ sử dụng ở chính quốc (the language used in the homeland) (Thai 2005) Trong khuôn khổ của báo cáo này, câu hỏi nghiên cứu đặt ra là:

Một là: trong chừng mực nào, tiếng Việt đang thực tế hành chức ở các cộng đồng di dân khác

với tiếng Việt ở quê nhà, xét trên bình diện sử dụng từ các hiện tượng vay mượn, chọn mã, chuyển mã đến thích ứng?

Hai là: có thể kết luận gì về bản sắc xã hội thể hiện qua sự tương tác ngôn ngữ trong cộng đồng

ngôn ngữ gốc Việt dưới góc nhìn của ngữ dụng - xã hội học?

3 PHƯƠNG PHÁP

Nghiên cứu này là một phần trong đề tài chung về “Diasporic Vietnamese” của chúng tôi, bắt đầu từ 2004, tại Đại học Quốc Gia Úc Đối tượng của nghiên cứu của chúng tôi là khẩu ngữ tiếng Việt của 28 người gốc Việt, ở độ tuổi từ 20-62, gồm 17 nam, 11 nữ có cộng việc khác nhau như: kỹ sư tin học, bác sĩ, nhà văn, giáo sư đại học, sinh viên, nhân viên bán hàng, phục vụ, thợ làm bánh, nội trợ v.v… Trong các đối tượng này chỉ có 7 người được coi là thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh và Việt (bilingual), tất cả đều sống ở Úc ít nhất là 5 năm

Tư liệu thu thập trên các đối tượng này là 37 cuộc phỏng vấn, đối thoại, trao đổi tự nhiên về những chủ để xoay quanh sinh hoạt hằng ngày, những khía cạnh văn hoá xã hội của cuộc sống ở

Úc Ngôn ngữ trao đổi là tiếng Việt Địa bàn cư trú của các đối tượng tham gia là vùng Mt Pritchard (Bang New South Wales), Springvale (Bang Victoria), Belconnen, Gungalin (Thủ đô Canberra) Để thu ngắn khoảng cách xã hội và làm liên tục câu chuyện, người nghiên cứu cũng thỉnh thoảng tham gia vào đối thoại Tổng độ dài của các cuộc đối thoại là gần 10 tiếng Với từng cuộc đối thoại, chúng tôi ghi âm và phiên âm tất cả những từ, ngữ sử dụng trong suốt quá trình trao đổi, bao gồm danh từ, tính từ, phó từ, động từ hay bất kỳ đơn vị ngôn ngữ nào được sử dụng Ngoài ra, để làm rõ các sắc thái ngữ nghĩa và yếu tố bản sắc của tiếng Việt trong cộng đồng, hơn

120 văn bản dưới hình thức bài báo, mẫu quảng cáo, truyện ngắn, bản tin trên các tờ báo địa phương và một số biểu bảng thông báo cùng với 40 VCD ca nhạc lưu hành trong cộng đồng hay trên trang web ở Úc cũng nằm trong đối tượng khảo sát này

4 KẾT QUẢ VÀ PHÂN TÍCH

4.1 Phạm vi sử dụng ngôn ngữ cội nguồn

4.1.1. Trong nhiều thập niên qua, số lượng các công trình nghiên cứu về yếu tố tác động và bản chất của quá trình duy trì ngôn ngữ ngoài tiếng Anh trong các cộng đồng di dân ở Mỹ, Âu châu cũng như ở Úc châu đang ngày mỗi gia tăng Nhiều trong số này nghiên cứu tỉ mỉ về tính lành mạnh của môi trường nhân văn hổ trợ cho việc duy trì ngôn ngữ cộng đồng lẫn cổ súy việc phát triển tinh thần đa văn hoá như là một phương thức đề cao bản sắc hay chính sách ngôn ngữ của các nước (Clyne, 1985; Haugen 1971, 1979; Smolicz & Harris 1976) Một số khác lại chú trọng đến yếu tố miền gắn liền với các thành viên của cộng đồng ngôn ngữ, quyết định việc chọn mã hay xu hướng chuyển mã mà trong đó, những biến số thường đóng vai trò quan trọng trong các hành vi ngôn ngữ như: tình huống, chủ để, phong cách, mối quan hệ liên nhân, địa điểm, phương thức và phương tiện (Fishman 1965; Cooper 1969; Greenfield 1972, Sandkoff 1971) Các công trình này

có ghi nhận chung về thái độ lưu giữ ngôn ngữ thường xuất phát từ gia đình (đặc biệt là gia đình có những thành viên thuộc thế hệ thứ nhất) muốn duy trì tiếng mẹ đẻ như một phương cách duy trì

Trang 4

văn hoá truyền thống, trong khi các thế hệ tiếp theo của họ lại sử dụng tiếng Anh (với tư cách là ngôn ngữ của xã hội tiếp cư) như một mã duy nhất trong hoạt động giao tiếp thường nhật

4.1.2. Đối với cộng đồng ngôn ngữ của thành phần di dân thuộc thế hệ thứ nhất và kế tiếp (thế hệ 1.5) điều phổ biến nhất chính là hiện tượng hiện tựơng vay muợn từ tiếng Anh vào ngôn ngữ nguồn cội, đặc biệt là ở các cộng đồng vùng đô thị (Haugen 1950; Myers-Scotton & Jake 2000) Mức độ vay mượn từ tiếng Anh vào ngôn ngữ nguồn tuỳ thuộc trước hết vào điều kiện sinh hoạt cá nhân, mạng lưới xã hội, phong cách sống lẫn vốn ngữ năng của người nói (ở cả hai ngôn ngữ); và theo thời gian hiện tượng này hoạt động qua con đường cải biên, mở rộng, chuyển đổi và tái tạo nghĩa ngay trên ngôn ngữ nguồn

Quá trình này thường diễn ra ở những mức độ khác nhau do yếu tố giới tính- chẳng hạn như, đối với thế hệ thứ nhất, hầu như việc chuyển đổi mã xảy ra ở tần suất cao hơn trong nam giới trong khi

nữ giới duy trì ngôn ngữ cộng đồng nhiều hơn (Clyne, 2003) Trong một nghiên cứu so sánh hiện tượng duy trì và chuyển đổi ngôn ngữ trong cộng đồng người Đức, Hi Lạp, và Việt Nam ở Melbourne, Pauwels (1995) ghi nhận là phụ nữ ở cộng đồng Hi Lạp và Đức sử dụng ngôn ngữ LOTE nhiều hơn so với phụ nữ trong cộng đồng người Việt Nhưng trong 3 nhóm đối tượng này, thì nhóm người gôc Ý có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ cội nguồn trong các miền khác nhau nhiều hơn 2 nhóm kia Tuy vậy, trong miền chuyển di thì phụ nữ Đức và Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai lại sử dụng ngôn ngữ cội nguồn nhiều hơn nam giới (Winter & Pauwels, 2000)

4.2 Vay mượn

Theo Myers-Scotton (2006), vay mượn là khuynh hướng tất yếu trong buổi ban đầu của bối cảnh tiếp xúc ngôn ngữ Tiến trình vay mượn thường mang tính “một chiều” (one-way street) và khó xảy ra trường hợp ngược lại giữa ngôn ngữ tiếp nhận (recipient language) và ngôn ngữ cho (donor language) Theo các công trình về tiếp xúc ngôn ngữ trước đây, chưa thấy có sự trao đổi nào gọi là bình đẳng trong vay mượn cả (Myers-Scotton 2006: 209-11) Trong bản thân nó, vay mượn ngôn ngữ thường diễn ra chủ yếu trên cấp độ từ vựng (lexical borrowings)

Clyne trong một số công trình nghiên cứu hiện tượng đa ngữ đã chỉ ra 3 phương thức mà người di dân sử dụng để xây dựng vốn từ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong môi trường định

cư mới là: hiện tượng tạo lập ra từ mới (neoglogism), mở rộng nghĩa (semantic expansion), và chuyển di (transference) ở cấp độ cả từ vựng lẫn cấu trúc Đến lượt mình, tạo lập từ mới (neologism) – vốn là sản phẩm được sáng tạo cho tiếng Anh vay mượn từ tiếng Pháp là phương thức hoạt động phổ biến nhất trong tiến trình vay mượn, nơi mà điều kiện kinh tế xã hội của nước tiếp cư khác xa với hoàn cảnh sống của xã hội xuất cư

4.2.1 Tạo lập ra lớp từ mới

Qua cứ liệu khảo sát, hiện tượng này chủ yếu dựa trên các từ có sẵn trong tiếng Anh để tạo

ra lớp từ mới trong trong tiếng Việt Chẳng hạn, quan sát các trường hợp sau:

(1) đi làm pham (farm)

(2) tách phom (form), ghép phom

(3) ăn gueo-phe (welfare), ăn tít- két (ticket)

(4) làm neo (nail)

Trong các trường hợp trên, các từ ngữ tiếng Anh như farm, form, welfare, ticket, nail đã

được Việt hóa với cách phát âm của người Việt (trong khảo sát) Tuy nhiên, nghĩa của các từ này được mở rộng và biến đổi quy theo nghĩa của bối cảnh trong ngôn ngữ nguồn Chẳng hạn, “đi

làm pham” (to work on a farm) không phải là “đi làm ở trang trại” hay “đi làm ruộng” như trong tiếng Việt; mà đây là công việc mang tính thời vụ, dù ở trang trại, nhưng là những công việc được trả tiền mặt (không phải đóng thuế) và thường dùng phổ biến trong thành phần kinh tế phi

Trang 5

chính thức (informal sector) Hoặc từ “form” trong tiếng Anh có nghĩa là “phiếu”, “tờ khai”, hay

“mẫu kê khai”, nhưng khi tổ hợp với động từ “tách” hay “ghép” thì nghĩa được chuyển đổi theo nghiã của tiếng Anh nhưng trong bối cảnh của nước Úc, được dùng để biểu thị hành vi “sống ly

thân ” hoặc “ly hôn”, chính thức hoặc chưa chính thức (tách phom) Ngược lại “ghép phom” là hành vi “kết hôn”, “hợp hôn”, hoặc “cùng chung sống chính thức với nhau như vợ chồng” nhằm

được thừa nhận hoặc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của nước này, như trợ cấp tài chính theo chính sách, xem xét khi khai thuế v.v…

Trong khi đó, trường hợp (3) và (4) có sự biến đổi nghĩa nhất định, với phương thức vay

mượn bộ phận (mà chủ yếu là thành phần nồng cốt), chẳng hạn, từ “welfare” có nghĩa là “phúc

lợi ”, nhưng được kết hợp với động từ “ăn” trong tiếng Việt (không tương đương về nghĩa với

động từ “eat” trong tiếng Anh) nhằm tạo ra một nét nghĩa mới là “hưởng được chế độ an sinh,

phúc lợi xã hội” (như được trợ cấp thất nghiệp, hoặc tiền trợ cấp cho người già hay cho con cái ở

tuổi vị thành niên v.v… Tương tự, “ticket” là “vé”, “ăn tít-két” có nghĩa là “bị phạt tiền” do có

những vi phạm hành chính như đậu xe sai quy định, lái xe quá tốc độ Hoặc trong trường hợp (4)

thì “nail” là “móng tay” nhưng “làm nail” có nghĩa là “làm thợ móng tay” như một nghề nghiệp (manicurist), chứ không đơn thuần là “đi viện thẩm mỹ, làm đẹp móng tay” v.v…

4.2.2 Mở rộng nghĩa

Có thể nói rằng, con đường vay mượn từ ngôn ngữ của xã hội tiếp cư thường kéo theo

việc du nhập yếu tố văn hóa từ bên ngoài vào trong ngôn ngữ cội nguồn (cultural borrowings); trong khi đó, có một số từ mới được tạo lập bằng các thành phần nồng cốt (core borrowings) vốn

là các morpheme cùa các từ vựng nguồn, được Việt hóa, đồng quy (convergence) trong ngôn ngữ

tiếp nhận

Chắng hạn như các danh từ sau: sóp (shop: “cửa hàng”), cao-sồ (council: “hội đồng chính quyền”), sen-tồ lin (centerlink: “cơ quan phúc lợi xã hội”) hoặc động từ lêm (claim: “kê khai”)

được sử dụng trong các trường hợp:

(5) sang sóp (shop): “chuyển nhượng một doanh nghiệp từ người này sang người khác”,

mà lẽ ra phải gọi là “business sale”, hay “business transfer”

(6) xin cao sồ (to apply to council for a licence/ permit) “nộp đơn xin phép chính quyền”

để sửa chữa, làm nhà, đốn cây hay được cấp phép cho một hoạt động địa chính nào đó

(7) lêm thuế: “khai thuế”, lêm bảo hiểm “tường thuật và khai báo với bảo hiểm để lấy tiền

bồi thường ”, lêm kế toán: “khai với kế toán” ; lêm sen-tồ lin “khai với cơ quan trợ cấp xã hội”

Trong các trường hợp (5), (6) và (7), các danh từ cũng như động từ được mở rộng nghĩa hơn trên cơ sở của nét nghĩa ban đầu (shop  business; council  licence/ permit; claim

report), và xa hơn, lại có hiện tượng kết hợp cả hai thành tố vay mượn như “lêm sen-tồ lin”

(claim + centerlink) Rõ ràng, phương thức này, ít nhiều có những ảnh hưởng giao thoa

(interference) ngay trên ngôn ngữ tiếp nhận, đồng thời, thường kéo theo hiện tượng đồng quy trên cấp độ ngữ âm lẫn hình thái Trùng hợp với kiến giải của những học giả nghiên cứu song ngữ trước đây (Zentella, 1997; Simango, 2000), phân tích trên khối liệu đề tài ghi nhận hiện tượng vay mượn mang tính chất văn hóa này là do áp lực sinh hoạt trong môi trường tiếp cư mới, buộc phải vay mượn cả nội hàm văn hóa của từ đó; đồng thời, đối với vay mượn bộ phận, mặc

dù vẫn có những đơn vị từ vựng tương đương trong tiếng Việt, nhưng thuần túy là do ái lực của

nền văn hóa thắng thế (sheer magnetism of the dominant culture) nên hình thái vay mượn vẫn

diễn ra ở tần suất cao (Mougeon & Beniak, 1991)

4.2.3 Lưu dụng lớp từ vựng trước năm 1975

Trái với hiện tượng vay mượn và mở rộng, khối liệu cũng cho thấy một khuynh hướng nổi bậc trong các hành vi ngôn ngữ của thế hệ di dân thứ nhất và gần đó là xu hướng bảo lưu một lượng từ lẫn cấu trúc đã sử dụng từ trước 1975 mà nay ít thấy sử dụng ở trong nước Một số

Trang 6

trong lượng từ vựng này có thể xem là “cổ” (archaism) và có phần nào “lỗi thời” Chia sẻ với

tình hình này là những kết qủa nghiên cứu trên hoạt động ngôn ngữ của những cộng đồng di dân người gốc Hungary, Croatia, Ba Lan, Latvia vào cuói thập niên 40-50 của thế kỷ trước mà theo Clyne (2003) nguyên cớ là hoặc do tiếp cận với lượng từ vựng đương đại ở nước xuất cư hoặc do không chấp nhận các đơn vị từ vựng gắn liền với diễn biến chính trị ở trong quá khứ Chẳng hạn, quan sát các trường hợp:

(8) Khới đi từ sự thoả thuận này, môn tiếng Anh là môn học đầu tiên mà học sinh toàn

quốc sẽ có chương trình học đồng nhất …

(Trường học trên toàn nước Úc sẽ có chương trình học thống nhất, Thời Báo, số 300,

21/7/2003)

(9) Sang Thương Vụ: Ủi dập Cơ hội làm ăn rất tốt, không cạnh tranh, làm nhiều ăn

nhiều… Cần tiền sang gấp Xin liên lạc…

(Quảng cáo trên Thời Báo-Vietnamese Community Newspaper, số 300, 21/7/

2003)

(10) Ở bên Việt Nam ai có bỏ giấy bằng nhật trình…

(Tư Ếch Di Dân, Việt Luận Online, số 18/2/05)

(11) Nhà chức trách Úc đã kêu gọi sự giúp đỡ của công chúng ở Đức trong một cố gắng tìm ra căn cước của phụ nữ này

(Một phụ nữ Sydney bị giam giữ nhầm lẫn trong trại Di trú, Nam Úc Thời Báo,

18/2/05)

Trong (8)-(11), các từ khởi đi, thương vụ, nhật trình có khuynh hướng ít sử dụng dần

trong khẩu ngữ cũng như văn bản chính luận ở trong nước, nhưng ngược lại được sử dụng với tần số khá cao trong khẩu ngữ (nhất là các đối tượng trên 50 tuổi) và khá nhiều trong ngôn ngữ báo chí cộng đồng Trong khối liệu, không ít các từ chỉ tên gọi các quốc gia hay các đơn vị liên

quan đến tiền tệ vẫn được sử dụng nhiều như: Hoa Lục, Nam Dương, Nhật Bổn, Mạc Tư Khoa,

4.2.4 Thiếu vắng lớp từ sau năm 1975

Song hành với việc lưu giữ vốn từ cũ là sự vắng mặt các lớp từ xuất hiện sau 1975 ở quê nhà Khối liệu thu thập từ đối thoại lẫn phương tiện truyền thông cũng cho thấy có một lượng từ vựng được xem là phổ biến lại ít xuất hiện hay gần như không sử dụng ở các cộng đồng Chẳng

hạn, các từ như khẩn trương, phấn khởi, hồ hởi, mạnh dạn, nhận thức, đăng ký, quần chúng, bao

cấp, hộ khẩu v.v… Tính lý do của hiện tượng này có thể xuất phát từ mối liên hệ giữa nhu cầu và

ý chí - vốn là lực đẩy mang tính vừa bổ sung vừa loại bỏ một thói ngôn từ, nhất là trong bối cảnh giao tế của những “người đơn ngữ” (mono-lingual) khi họ muốn lưu giữ những yếu tố nằm trong vốn ngữ năng của họ hoặc quyết tâm, ra sức biến ngôn ngữ đang sử dụng thành “một phương tiện rất riêng” cho cộng đồng (Clyne 2003: 104)

4.2.5 Vay mượn đảo

Điều hiếm hoi, ít khi ghi nhận được trong hiện tượng vay mượn ở các cộng đồng di dân

là xu hướng vay mượn đảo chiều (reverse core borrowings), từ ngôn ngữ xuất cư sang ngôn ngữ của xã hội tiếp cư Song thi thoảng hiện tượng này diễn ra dưới dạng sử dụng một số rất ít từ ngữ khá quen thuộc trong các bối cảnh thường xuyên có tiếp xúc ngôn ngữ Chẳng hạn, một số

chuyên gia nói tiếng Anh sống ở Trung Quốc thường dùng từ “Guan-xi” để chỉ quan hệ thay cho

“relationship” khi giao tiếp bằng tiếng Anh, và không ít người Anh lại thích dung từ “safari” vay

mượn từ tiếng Ả Rập thay cho từ “journey” Trong khối liệu, cho đến này chúng tôi chưa chưa ghi nhận được đơn vị nào trong tiếng Anh được mượn từ tiếng Việt, ngoại trừ việc xuất hiện của

từ “phở” qua biển quảng cáo ghi bằng tiếng Anh của một hiệu ăn, với lối chơi chữ bằng từ đồng

Trang 7

âm “far” để biến thành ngữ “so far so good” (“cho đến lúc này, mọi chuyện vẫn tốt đẹp”) thành

“so phở so good” nhằm thu hút sự chú ý của thực khách không có nguồn gốc Việt

4.3 Chuyển di

Chuyển di (transference) thường xảy ra trên các cung bậc khác nhau: ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, hình thái và ngôn điệu Đối với các ngôn ngữ “di dân”, chuyển di từ vựng thường đa dạng, gồm nhiều thành tố (multiple transference) và là đối tượng nghiên cứu sâu rộng của nhiều học giả, mà tiên phong trong lãnh vực này là Haugen (1953), Weinreich (1953), và gần đây là Clyne (1967), Myers-Scotton (2003) Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, theo Clyne là vốn ngôn ngữ cá nhân (idolect) của thế hệ di dân thứ nhất cọ xát với “tình hình tiếp xúc hỗn nhập” vùng đô thị (urban melting-pot situation) Đặc điểm chung nhất của chuyển di là thường diễn biến trùng lặp ở nhiều cấp độ, đồng thời, chúng tác động lẫn nhau hoặc có thể làm nẩy sinh những biến thể ngôn ngữ (Clyne 2003: 111) Đặc điểm này dễ nhận biết ngay ở trong cộng đồng ngôn ngữ gốc Việt đang khảo sát, nhất là ở các đối tượng đơn ngữ thuộc thế hệ thứ nhất, và quá trình này thường xảy ra trên các từ loại khác nhau, nhiều nhất là ở danh từ, một số đồng từ, đồng thời, có hiện tượng chuyển di ngữ âm kèm theo hiện tượng lược bỏ các phụ âm đầu và thanh điệu hóa (tonalization)

4.3.1 Chuyển di từ vựng

Trong khối liệu của mình, chúng tôi ghi nhận hiện tượng chuyển di từ vựng (lexical transference) xuất phát từ việc vay mượn các đơn vị tương đương trong ngôn ngữ mẹ đẻ để định danh những đối tượng, sự vật hay khái niệm tìm thấy ở xã hội mới, ngay từ những ngày đầu định

cư Hiện tượng này được ghi nhận trên cả hai đối tượng- song ngữ và đơn ngữ Hầu như trên kết quả phân tích các đối thoại từ khối liệu chuyển di từ vựng không tương quan với ngữ năng của các đối tượng Thậm chí, trong một số trường hợp hiện tượng này còn là hình thức biểu thị một kiểu loại bản sắc mới trong hành vi ngôn từ của lớp người nhập cư, khu biệt với thói quen ngôn ngữ của họ trước đây

Các phạm trù chuyển di từ vựng vào tiếng Việt trong cộng đồng thường rơi vào các miền giao tế

ở gia đình, trường học, sinh hoạt thường nhật như mua sắm, làm vườn, giải trí và một phần trăm rất thấp ở miền giao tiếp công sở Chẳng hạn, quan sát hiện tượng sau:

(12) sóp thịt, sóp hoa, sóp neo, sóp Tàu

Trong trường hợp này, từ “sóp’ đã được chuyển di và tổ hợp với danh từ theo sau để làm

thành từ mới, trong khi ở tiếng Anh, không nhất thiết sử dụng từ này, mà thay vào đó, sử dụng

yếu tố mới và hình thức sở hữu tận cùng vào dấu phẩy và phụ âm ‘s” Chẳng hạn, “sóp thịt”: the

butcher’s , “sóp hoa”: the florist’s , hoặc “sóp neo”: the manicurist’s, đó là chưa nói đến việc chuyển di kéo theo việc mở rộng nghĩa như trong từ “sóp Tàu” có nghĩa là “tiệm thực phẩm Á

châu nói chung ” mà đa phần muốn ngụ ý là “tiệm thực phẩm cho người Việt”, nhưng trong tiếng Anh phải là the Asian Grocer’s

4.3.2 Chuyển di ngữ âm

Trên cấp độ ngữ âm, phân tích từ khối liệu để tài ghi nhận có hiện tượng tạo ra một lexeme gần giống như hình thức nguyên dạng của tiếng Anh, đồng thời, loại bỏ một số phụ âm đầu như /f/ trong “lét” của “flat”, /c/ trong “lêm” của “claim” hoặc một số phụ âm cuối như /k/,

/z/, /s/ như trong “chéc” của “check” “li” của “lease”, “phài –nen” của “finance” và /dz/ trong

“mé-nịt” của “manage”, “chênh” của “change”, “ đi lấp” của “go to clubs” v.v

Một điểm nổi bậc khác trong phạm vi âm vị là hiện tượng thanh điệu hóa xuống ở cuối (falling tonalization) của các lexeme được chuyển di Chẳng hạn,

Trang 8

(13) thếch ô-vờ (take over: cai quản); hen-đồ (handle: xử lý); đúp- bồ (double: gấp đôi),

tít-xù (tissue: khăn giấy ), lốc- cờ (locker: hộc tủ có khóa); xtem- điu tì (stamp duty: tiền thuế chuyển nhượng), bi-zì (busy: bận); hép- pì (happy: vui vẻ); bi-zi-nịt (business: công việc), in-tơ-rịt (interest: tiền lãi) v.v

Các trường hợp chuyển di ngữ âm này, kèm theo đặc điểm thanh điệu hóa xuống ở cuối trong khối liệu chỉ ghi nhận phần đông ở đối tượng đơn ngữ, có chiều dài định cư ngắn (dưới 7 năm), và đặc biệt là ở các đối tượng có quê quán từ miền phi đô thị ở nước xuất cư Tuy nhiên với thời gian định cư càng lâu, thì hiện tượng thanh điệu hóa càng có khuynh hướng mờ dần Đó

là chưa nói đến sự tự điều tiết ở một số hiện tượng chuyển di ngữ âm tiêu cực như thay đổi các

phụ âm đầu và cuối như trường hợp ghi nhận ở từ “bờ- lâm bơ” (plumber: thợ ống nước) lẽ ra

phải tận bằng phụ âm /m/

4.3.3 Chuyển di cú pháp

Khác với hiện tượng chuyển di ngữ âm, chuyển di trên cấp độ cú pháp chỉ ghi nhận ở đối tượng song ngữ, giới trí thức, thuộc thế hệ thứ nhất và sau nữa Khối liệu cho thấy hiện tượng phổ biến nhất là việc sử dụng các cấu trúc bị động trong các văn phong chính luận nhiều hơn ở khẩu ngữ thường đàm Chẳng hạn,

(14) Người ta tin rằng nó chẳng bao giờ được kiểm tra bới các nhân viên di trú

(Một phụ nữ Sydney bị giam giữ nhầm lẫn trong trại Di trú, Nam Úc Thời Báo,

18/2/ 05)

(15) Một quyết định chính thức của đảng Tự Do sẽ không được đưa ra cho tới khi cuộc

họp của đảng ở NSW về vấn đề này

(Tự do không tranh cử Werria, Nam Úc Thời Báo, 19/2/05)

Qua hai trường hợp trên, có thể thấy rằng, do ảnh hưởng cấu trục bị động vốn phổ biến trong tiếng Anh nhằm mục đích che dấu chủ từ thật- tác nhân gây là hành động (như trong 14: là

sự vật, sự việc đã được đề cập trước đó nên được thay thế bằng một chủ từ giả (dummy subject)

it (nó); và trong 15: ĐảngTự Do), nên thi thoảng, trong giao tiếp khẩu ngữ vẫn bắt gặp một số

trường hợp có hình thức chuyển di này, nhất là với đối tượng trẻ, thuộc thế hệ thứ hai

4.4 Chuyển mã – hoà mã

Ở thời buổi ban đầu của các công trình nghiên cứu song ngữ, khái niệm chuyển mã (code-switch) được hiểu là hiện tượng sử dụng một từ hoàn toàn không đồng hóa (unasssimilated word) từ một ngôn ngữ khác vào lời nói của mình (Weinreich, 1953, Haugen, 1953) được chế ước bằng những biến đổi thích hợp trong tình huống phát ngôn (appropriate changes in the speech situation) và không chỉ xảy ra ở cấp độ câu Về sau, khái niệm này được mở rộng, và nhiều nhà ngữ học thừa nhận rằng chuyển mã có thể xảy ra trong cả hai ngôn ngữ, tùy vào ngữ năng của các đối tượng tiếp lời (Haselmo, 1970); đồng thời nó là tiến trình thực hiện chức năng ngôn bản ở cấp độ trên từ - ngang câu (intra-sentential) hay liên câu (intra-sentential), khác với hoà mã (code-mixing) thường diễn ra ở nội bộ câu Do vậy, chuyển mã chủ yếu xảy ra trên đối tượng có năng lực song ngữ, gắn nhiều với phương thức vay mượn, chuyển di (Poplack, 1988; Clyne, 1987; Sankoff et al., 1990, Myers-Scotton, 1993)

4.4.1 Từ loại trong chuyển mã và hoà mã

Xét rên phương diện từ loại, ở khối liệu thu thâp, trong hơn 1450 lượt chuyển mã qua lời thoại và văn bản, thì số lượng danh từ chiếm ưu thế nhất Kết quả này tuy có phần cao hơn số liệu của Poplack (1980) trong công trình nghiên cứu chuyển mã giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, cũng như số liệu của Hồ-Đắc (2003) trong hiện tượng chuyển mã của người Việt ở

Trang 9

Melbourne, nhưng có những điểm chung là các từ loại có sự tương đồng về cấp độ từ cao đến thấp như chiếm ưu thế là danh từ (58,5%), sau đó đến động từ (11.2%), tính từ (3,8 %), đại từ nhân xưng (2.4 %) (đặc biệt là You và Me), thán từ (2,2 %), phó từ (1,5%), giới từ (0.4%) và thấp nhất là liên từ (0.3 %) Chuyển mã ở câp độ ngữ và mệnh đề cũng khá cao, sau danh từ (18.8%), nhưng đa phần là dưới hình thức chuyển di nguyên dạng (transversion) hay lối nói

mang tính thành ngữ như: It’s privacy/ It’s personal! (Đó là chuyện riêng tư!), first come first

served (ai đến trước được phục vụ trước), so far so good (cho đến bây giờ thì mọi cái ổn cả),

cash-on-hand (tiền sẵn trong tay), brand-new-in-the-box (mới toanh trong thùng), in

walk-out (chồng tiền là vào tiếp quản ngay), buy one get one free (mua một tặng một), It’s the bottom

line! (vấn đề mấu chốt là đó) v.v

Trong khuôn khổ báo cáo này, chúng tôi không đi sâu vào phạm trù của các từ loai, nhưng có thể khái quát từ khối liệu rằng chính mạng lưới xã hội, yếu tố nghề nghiệp, nhóm tuổi, phạm vi gắn kết với xã hội tiếp cư là cơ sở quyết định phạm trù ngữ nghĩa của các từ loại trong

chuyển và hoà mã Chẳng hạn, những hô thán hay lối nói mào đầu như: so you see (đó, anh thấy

đó), you know (ông biết đấy), tell you what (tôi nói gì rồi), believe or not (có tin hay không thì ),

It’s a fair go! (ừ, được đấy!), well, anyway (thôi, dù sao thì ) thường được sử dụng nhiều trong nhóm người lớn, thành phần công chức, có việc làm ổn định, trong khi OK, yeah! (ừ thì ), guess

what (đoán thử xem), that’s it, mate (thế đấy, ông bạn), not ever never (không đời nào), no way

!(làm gì/ còn lâu đó!), that’s why (hèn gì) , fair enough (thế mới được!), oh my gosh! (trời đất

ơi!), ok then (ừ thì) được giới trẻ sử dụng rộng rãi hơn Tương tư, dù thấp về số lượng nhưng liên

từ như and (và) và but (nhưng), theo khối liệu của chúng tôi, thì đối tượng trẻ sử dụng nhiều hơn

đối tượng lớn tuổi, trong khi giới từ for (ủng hộ), against (chống lại), up (tang lên), down (giảm) lại được nhóm đối tượng người lớn sử dụng nhiều

4.4.2 Thích ứng trong chuyển mã và hoà mã

Thích ứng (integration) là hình thức ứng xử trong các hoạt động, đặc biệt khi vay mượn

và chuyển mã trong bối cảnh tiếp xúc ngôn ngữ Thích ứng tạo ra tính liên tục giữa yếu tố trung tâm và thành phần ngoại biên (center-periphery continuum), phản ảnh rõ mức độ chấp nhận của một đơn vị vay mượn mới trên một ngôn ngữ tiếp nhận (Clyne 2003) Thích ứng cũng diễn ra trên các cấp độ ngữ âm, hình thái- ngữ nghĩa, cú pháp và ngôn điệu Song, trên khối liệu khảo sát

có thành phần chính là tiếng Việt, với tư cách là ngôn ngữ tiếp nhận, thích ứng ở cấp độ từ vựng

và cú pháp không phải là điều đáng chú ý do tính chất loại hình học của ngôn ngữ đơn lập này Chẳng hạn quan sát các phát ngôn sau, ta thấy:

(16) You đã book (Ø) bác sĩ cho me chưa vậy? (CR 18a)

(không có hiện tượng biến đổi ngữ pháp của thì quá khứ đối với book)

(17) Cho mình 2 sandwich(Ø) đi nhé! (CR 37f)

Ở cả hai trường hợp trên đều không có hiện tượng biến đổi ngữ pháp đối với thành phần

trung tâm (16: không biến đổi về thời quá khứ (+ED) đối với book, và 17: không có biến đổi hình thái số nhiều (+ES) cho sandwich), do áp lực về loại hình của ngôn ngữ tiếp nhận Ở đây,

chính sự linh hoạt trong thích ứng này dễ làm nẩy sinh hiện tượng chuyển mã hay trộn mã một cách tự nhiên với tầng suất ngày mỗi cao và đặc biệt là ở những đối tượng không nhất thiết là có trình độ song ngữ cao Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà sự linh hoạt quá mức trong thích khiến tạo ra yếu tố hoàn toàn lạ, không xác định được ở cả hai ngôn ngữ Chẩng hạn, so sánh 2 mẫu quảng cáo sau đây:

(18) Fig 136 P 3

Trang 10

(19) Fig 79 P3

Ở mẩu quảng cáo (18), hiện tượng trộn mã có độ thích ứng dễ chấp nhận, xảy ra ở cấp độ

từ và trên từ Kỳ thực, có sự mở rộng nghĩa của “shop” trong “sang shop” với nét nghĩa là

“chuyển nhượng doanh nghiệp” (business transfer hay business sale), bên cạnh sự chuyển di nguyên dạng với nguyên tắc kinh doanh “walk-in walk out” (tiếp quản ngay khi thanh toán) Vậy bản chất thích ứng ở đây là sự thích ứng vừa từ vựng (lexical) vừa từ vựng- cú pháp (lexicosyntactic) Trong khi đó, ở mẫu quảng cáo (19), thành phần trung tâm tạo lập bằng con đường chuyển dịch (dich “hoàn thành” bằng “Komplit”) và vay mượn (từ “kitchens” thay cho

“nhà bếp”) với phần biến đổi chính tả (“Komplit” từ “complete”) Hiện tượng tạo lập ra từ mới này (neoglogism) có thể có nguyên nhân ngoài ngôn ngữ- làm gia tăng sự chú ý trong quảng cáo

4.4.3 Bản sắc trong chọn mã, chuyển mã và trộn mã

Theo Bourdieu và Gumpez (1982) chuyển mã không luôn luôn phấn bố đều trong một cộng đồng ngôn ngữ mặc dù các thành phần trong nhóm, cộng đồng có thể chia sẻ cùng hệ giá trị Thông thường, nguyên nhân chuyển mã hay trộn mã xuất phát từ vốn ngữ năng của từng thành viên (Heller 1995) Mỗi khi thực hiện hành vi chuyển mã, người nói như đang dấn thân vào cuộc chơi trong thị trường (marketplace), theo cách lập luận của Bourdieu, được chế ước bằng những quy luật riêng của mạng kết nối chung (network), như theo quan niệm của Gumpez Chủ thể phát ngôn sẽ tìm cách sử dụng những tài nguyên sẵn có (available resources) để vượt qua những hạn chế hay rào cản có thể gặp phải Trong những bối cảnh song ngữ, luôn luôn diễn

ra các quá trình thương lượng và qua đó, các chủ thể phát lời buộc phải lựa chọn một chiến lược

hành xử tượng hợp với những điều “buộc- phải -làm” và “có- bổn- phận- phải làm” dựa trên nền

tảng của hệ giá trị mà nhóm đó đang chia sẻ (Thai 2006)

Mẫu trích phỏng vấn trong khối liệu sau đây có thể minh hoạ cho nhận định này, khi đối tượng là một sinh viên gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai phải thực hiện hành vi chọn mã ở miền giao

tế gia đình:

(20) Mẫu trích CA 1

“Er, trong gia đình em thì er, em phải dùng tiếng Viêt, bởi vì ba mẹ em đã

dạy em từ nhỏ là luôn luôn ở nhà phải dùng tiếng Việt… er nhưng có

những chuyện mà em không dịch được thì em phải chêm vào tiếng Anh…à… luôn luôn phải nói tiếng Việt ở nhà Ở ngoài nếu như là gặp người Việt, nếu là người lớn thì em xài, em dùng tiếng Việt Còn nếu là nhỏ, nếu là còn trẻ trẻ hoặc bằng tuổi em, thì em dùng tiếng Anh Tại vì ở nhà em, em chỉ có nói chuyện với ba mẹ em thôi, với lại với gia đình thì không có biết, giống như là giao tiếp với người trẻ như bằng tuổi em á, thì

I don’t know , không biết xưng là sao là sao…you know, completely

Ngày đăng: 11/07/2015, 10:40

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w