Mỗi doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sự phát triển của doanh nghiệp góp phần đảm bảo nền kinh tế phồn vinh, thịnh vượng. Ngày nay với xu hướng tự do cạnh tranh, hàng loạt các xí nghiệp, nhà máy, công ty được mở ra. Nhu cầu buôn bán trên thị trường ngày càng được mở rộng. Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp cạnh tranh phát triển tạo cho nền kinh tế sự đa dạng về hình thức kinh doanh, mặt hàng kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lí, tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật, áp dụng các hệ thống quản lí mới, sử dụng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất và tiềm năng về sức người để tạo ra càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, tạo ra được nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng tích lũy cho nhà nước. Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có những đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là làm thế nào để có được lợi nhuận cao nhất nhưng chi phí bỏ ra là thấp nhất. Do đó, các doanh nghiệp trong nước luôn luôn phải cố gắng tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, trong quá trình hạch toán kế toán, việc phản ánh kết quả tiêu thụ, ghi nhận doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đầy đủ, kịp thời góp phần đẩy tăng tốc độ chu chuyển vốn lưu động tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kinh doanh. Việc ghi chép chính xác các nghiệp vụ kinh tế này có ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện tài chính doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có được cái nhìn toàn diện đúng đắn về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.