Nghiên cứu bước đầu cho biết, trong địa bàn huyện Cần Giờ đã tồn tại một hệ thống di tích khảo cổ học phân bố trên hàng chục giồng đất đỏ, đất nâu đen, ven các con sông, rạch như sông Hà
Trang 1ỦY BAN NHÂN DÂN TP.HCM
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
BÁO CÁO NGHIỆM THU
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Điều tra khảo sát khảo cổ học phục vụ nhu cầu quy hoạch, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2006-2010)
CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI: TS NGUYỄN THỊ HẬU
CƠ QUAN QUẢN LÝ CƠ QUAN CHỦ TRÌ
SỞ KHCN TPHCM VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TPHCM
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THÁNG 12/ 2010
Trang 21
TÓM TẮT NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Đề tài “Điều tra khảo sát khảo cổ học phục vụ nhu cầu quy hoạch, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2006-2010) do TS Nguyễn Thị Hậu làm chủ nhiệm đã tiến hành điều tra, khảo sát nhằm nghiên cứu thực trạng các di tích khảo cổ học trong huyện Nhóm nghiên cứu đã khảo sát được 23/26 di tích1 trên toàn huyện và thực hiện đào thám sát 04 di tích ở các xã Long Hòa và Lý Nhơn Nghiên cứu địa tầng văn hóa và thu thập hiện vật để xác định tính chất, quy mô và giá trị di tích Lập báo cáo điều tra khảo sát, thám sát làm cơ sở cho việc xây dựng Danh mục và Bản đồ các di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ nhằm khoanh vùng bảo vệ và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo
Đề tài cũng đánh giá giá trị lịch sử và văn hóa của các di tích, và đề xuất một số giải pháp đối với các di tích đặc biệt cần được bảo tồn nguyên dạng hay khai quật để thành lập Bảo tàng tại chỗ cũng như tìm hiểu lịch sử văn hóa TP.HCM từ giai đoạn tiền sử sang giai đoạn tiền Óc Eo ở vùng Cần Giờ
SUMMARY OF RESEARCH CONTENT Topic "Survey on archaeology to demands planning, building and developing Can Gio district, Ho Chi Minh City (2006-2010) by PhD Nguyen Thi Hau has carried out survey to study the situation of 23/26 archaeological sites in this district With 04 test pits in Long Hoa and Ly Nhon commune Stratigraphic studies and collected of artifacts to determine the character, contribution and value of relics Base on the survey report, detectives close as the basis for building the list and map of archaeological sites Can Gio district zoning to protect and propose research in the future
This research also review of evaluate historical and cultural sites, and give some solutions for archaeological sites should be preserved or excavated to building a form of local museums and understanding on cultural history from prehistory to proto-Oc Eo in this region
1
Trong 26 di tích trên toàn huyện Cần Giờ, có 2 di tích bị xóa sổ và 01 di tích không tìm thấy
Trang 3MỤC LỤC
Trang Tóm tắt đề tài/dự án (gồm tiếng Việt và tiếng Anh) 1
CHƯƠNG I TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
CHƯƠNG II KHÁI QUÁT HỆ THỐNG DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC VÀ TỒNG QUAN VỀ QUY HOẠCH HUYỆN CẦN GIỜ
I Khái quát hệ thống di tích KCH huyện Cần Giờ
1.3 Các di tích tiêu biểu và loại hình di tích khảo cổ học 31
II Tổng quan quy hoạch phát triển Cần Giờ đến năm 2020 36
2.1 Các nhóm văn bản liên quan đến khu vực nghiên cứu
Trang 42.1.5 Nhóm văn bản về môi trường
2.2.1 Cần Giờ sẽ có khu du lịch lấn biển
2.2.2 Giữ nguyên diện tích khu Bảo tồn dự trữ sinh quyển 39
Trang 51.2.11.Di tích Giồng Đất Đỏ 1 và Giồng Đất Đỏ 2 (Giồng Đỏ) 54
Trang 65
III Bản đồ và hiện trạng hệ thống di tích KCH huyện Cần Giờ 76
CHƯƠNG IV ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY TÁC DỤNG HỆ THỐNG DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC
1.4 Hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ – TP.HCM trong bối cảnh Tiền
1.4.1 Cần Giờ thời Tiền sử có nhiều mối liên hệ mật thiết với văn hóa Đồng Nai
1.4.2 Mối quan hệ giữa văn hóa Giồng Phệt với văn hóa Sa Huỳnh ở miền
1.4.3 Từ văn hóa Giồng Phệt đến văn hóa Óc Eo (hay là giai đoạn tiền Óc Eo ở
II Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích KCH
Trang 72.2 Một số định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị 109
Bảng đánh giá hiện trạng, khả năng nghiên cứu và đề nghị… 113
Điều chỉnh quy hoạch không gian chung huyện Cần Giờ - Sơ đồ định hướng
Bản đồ các di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ (bản đồ hành chính) 129 Bản đồ các di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ (bản đồ vệ tinh) 130
Trang 87
DANH SÁCH CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ĐHKHXH&NV Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Trang 9NGUYÊN TẮC SẮP XẾP THỨ TỰ CÁC DI TÍCH
Chúng tôi sắp xếp các di tích theo địa bàn xã/thị trấn Trong đó, các di tích được xếp theo nguyên tắc “Gò/giồng” đến “địa danh di tích” Những di tích có tên từ hai chữ trở lên thì dựa vào chữ cái đầu tiên sắp xếp Ví dụ:
Gò Cây Thị, Giồng Da…
Trang 109
THÀNH VIÊN NHÓM NGHIÊN CỨU:
1 TS Phạm Quang Sơn – Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ
2 Th.S Nguyễn Thị Hoài Hương – Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ Thư ký đề tài
3 CN Nguyễn Thị Hà – Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM
4 CN Nguyễn Thị Kim Chi - Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH &
NV TP.HCM
5 CN Nguyễn Thị Tú Anh – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM
6 CN Đỗ Như Kiếm - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM
7 CN Trần Thị Vũ Phương – Trung tâm Văn hóa Huyện Cần Giờ, TP.HCM
Tham gia khảo sát còn có sinh viên chuyên ngành KCH, khoa
Lịch Sử, ĐHKHXH & NV TP.HCM
Trang 11PHẦN MỞ ĐẦU
I Lý do chọn đề tài
Các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ phát hiện từ năm 1978 – 1979, sau đó năm 1992 – 1994 khảo sát lại và di tích đầu tiên được khai quật Nghiên cứu bước đầu cho biết, trong địa bàn huyện Cần Giờ đã tồn tại một
hệ thống di tích khảo cổ học phân bố trên hàng chục giồng đất đỏ, đất nâu đen, ven các con sông, rạch như sông Hà Thanh, Bà Vú, Bãi Tiên (xã Long Hòa), sông Vàm Sát, rạch Gốc Tre lớn (xã Lý Nhơn) và khu vực giồng cát cổ Cần Thạnh ven vịnh Gành Rái Như vậy những di tích được phát hiện tập trung ở xã Long Hòa, Cần Thạnh, Lý Nhơn Các xã khác cũng tìm thấy nhiều di vật khảo cổ Ngoài ra, trên địa bàn huyện Cần Giờ còn hàng trăm giồng đất có cấu tạo tương tự nhưng chưa được khảo sát về khảo cổ học Những lớp cư dân cổ đầu tiên trên vùng đất này đã góp phần quan trọng tạo dựng nên môi trường sinh thái - nhân văn rất đặc thù ở Cần Giờ mà cho đến nay, khảo cổ học Việt Nam và thế giới chưa phát hiện được một khu vực nào có tính chất tương tự: di tích khảo cổ trong vùng rừng ngập mặn Những di tích đã khai quật ở Cần Giờ được đề nghị xác lập một văn hóa khảo cổ mới trong thời đại kim khí Việt Nam: “Văn hóa Giồng Phệt” – mang tên di tích tiêu biểu và là đỉnh cao của truyền thống
kỹ thuật cũng như táng thức của cư dân cổ Cần Giờ
Đặc biệt tại Cần Giờ đã phát hiện một loại hình di tích khảo cổ độc đáo là “di tích mộ chum” (mộ táng chôn người trong các chum/lu gốm lớn trong tư thế “ngồi bó gối”) niên đại vào hậu kỳ thời đại kim khí, 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay Hai di tích mộ chum đã khai quật là Giồng Phệt (1993) và Giồng Cá Vồ (1994) Năm 1998 di tích Giồng Cá Vồ đã được công nhận là “Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp Quốc gia
Hệ thống các di tích khảo cổ ở Cần Giờ còn cho thấy sự phát triển
từ các nền văn hóa thời tiền sử ở Nam Bộ như văn hóa Đồng Nai, văn hóa
Trang 1211
Giồng Phệt đến nền văn hóa Óc Eo, tức là bằng chứng về nguồn gốc bản địa của nền văn hoá này Văn hóa Óc Eo là nền văn hoá hình thành và phát triển rực rỡ ở Nam Bộ từ thế kỷ 1 – 7 sau Công nguyên, được coi là phần lãnh thổ quan trọng của vương quốc Phù Nam – một vương quốc cổ có địa bàn khá rộng lớn ở khu vực Đông nam Á Giai đoạn Văn hoá Óc Eo là một phần của lịch sử vùng đất Nam Bộ nước ta Vì vậy, các di tích khảo
cổ ở Cần Giờ sẽ đóng góp nhiều tư liệu quý báu cho công cuộc nghiên cứu này Ngoài ra còn có nhiều địa điểm khác còn lưu lại dấu tích của những đoàn lưu dân đến khai phá vùng Đồng Nai – Gia Định vào thế kỷ 17 – 19 nhưng cho đến nay chưa được điều tra khảo sát Những năm gần đây nhân dân cũng đã phát hiện thêm một số địa điểm có dấu hiệu giống những di tích đã được khai quật
Cần Giờ có diện tích 70.421,59 ha gồm 6 xã là Cần Thạnh, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An, An Thới Đông, Lý Nhơn và Long Hòa Hiện nay ngoài khu quy hoạch rừng ngập mặn cần bảo tồn chiếm khoảng 33.000ha, theo chương trình quy hoạch mà Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ thống nhất trong cuộc họp ngày 2/8/2006 thì từ nay đến năm 2020, diện tích hơn 34.000ha còn lại dự kiến phát triển thành khu độ thị du lịch sinh thái, khu cảng du lịch
và cảng dịch vụ, khu lâm viên gắn với rừng ngập mặn
Với diện tích lớn nhất trong các quận huyện của TP.HCM nhưng Cần Giờ là địa bàn dân cư thưa thớt nhất, năm 2002 mới có khoảng 63.000 người, bằng 1% dân số toàn thành phố Vì vậy, theo các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, dân số của huyện đến năm 2010 là khoảng 150.000 người
và đến năm 2020 là từ 500 – 700.000 người Quy mô dân số này sẽ kéo theo nhu cầu phát triển đô thị gồm các khu dân cư, đường giao thông, khu dịch vụ… Chưa kể hiện nay Tổng cục Du lịch đang đầu tư tại Cần Giờ nhiều điểm du lịch mới như khu du lịch 30-04; khu du lịch nhà vườn
Trang 13Phước Lộc,… tương lai sẽ thu hút khách du lịch tham quan đến với Cần Giờ ngày càng nhiều hơn
Như vậy, quy hoạch xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ từ nay đến 2020 hoạch định phát triển một cách khá cụ thể trên các lĩnh vực kinh
tế – xã hội Tuy nhiên, trên thực tế, các khu vực trong tương lai gần sẽ được xây dựng những công trình lớn như cảng biển, khu dịch vụ du lịch, khu dân cư… lại là khu vực đã có những phát hiện quan trọng về khảo cổ học: đó là di tích của những lớp cư dân cổ có mặt ở đây từ hàng ngàn, hàng trăm năm trước
Vấn đề cần đặt ra ở đây là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị
to lớn của di sản văn hóa vô cùng quan trọng ở đây, đồng thời vẫn có thể phát triển theo quy hoạch nêu trên để Cần Giờ thực sự trở thành một khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ phát triển, xứng đáng là “cửa ngõ” ra Biển Đông của TP.HCM và miền Đông Nam Bộ
Ở TP.HCM từ cuối thế kỷ 19 quá trình người Pháp xây dựng đô thị Sài Gòn đã phá hủy nhiều di tích khảo cổ, làm mất đi những di vật minh chứng cho lịch sử lâu đời của thành phố Hiện nay với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển công nghiệp hiện đại ở thành phố, để hạn chế tối đa sự phá hủy di tích, để bảo tồn và gìn giữ lại cho thế hệ sau những di sản văn hóa của tiền nhân, cần thiết phải có một chương trình khảo sát điều tra và khai quật các di tích khảo cổ trên toàn thành phố Mặc
dù có những giá trị to lớn và quan trọng như trên đã nêu nhưng do nhiều điều kiện khó khăn, việc khảo sát và nghiên cứu về khảo cổ học Cần Giờ hầu như chỉ dừng lại ở việc phát hiện di tích mà chưa có một chương trình quy mô, gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội khu vực này
Trước mắt, để phục vụ việc quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ giai đoạn 2006 – 2020, việc điều tra khảo sát khảo cổ khu vực này đã trở thành một yêu cầu cấp thiết Qua đó, giúp cho các nhà lãnh đạo và quản lý
Trang 1413
thành phố và huyện Cần Giờ những cơ sở để hoạch định sự phát triển kinh
tế đồng bộ với phát triển văn hoá – xã hội ở khu vực này
II Mục tiêu của đề tài
1 Khảo sát và xác lập Bản đồ hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ nhằm định tính hệ thống qua số lượng, quy mô, tính chất, niên đại… các di tích, từ đó đề xuất kế hoạch khai quật và nghiên cứu khảo cổ học ở Cần Giờ phù hợp với từng giai đoạn tiến hành các công trình lớn tại đây
2 Phát hiện thêm tư liệu KCH ở Cần Giờ, góp phần tìm hiểu lịch sử – văn hóa vùng đất Sài Gòn – TP.HCM trong bối cảnh lịch sử – văn hóa Nam Bộ
3 Góp phần thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung Thực hiện một cách cụ thể Luật
Di sản văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đóng góp cho phát triển bền vững
III Nội dung nghiên cứu
1 Tiến hành điều tra, khảo sát nhằm nghiên cứu thực trạng các di tích khảo cổ học trong huyện Đào thám sát một số di tích ở các xã Long Hòa, Cần Thạnh và Lý Nhơn Nghiên cứu địa tầng văn hóa và thu thập hiện vật để xác định tính chất, quy mô và giá trị di tích Lập báo cáo điều tra khảo sát, thám sát làm cơ sở cho việc xây dựng Danh mục các di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ (kèm theo bản đồ phân bố) nhằm khoanh vùng bảo vệ hoặc đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo
2 Xây dựng Bản đồ Khảo cổ học huyện Cần Giờ với những thông
số khoa học, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch nghiên cứu trước mắt cũng như lâu dài Đánh giá và đề xuất một số giải pháp đối với các di tích đặc biệt cần được bảo tồn nguyên dạng hay khai quật để thành lập “Bảo tàng tại chỗ” Xác định tiềm năng to lớn và nhiều mặt của khảo cổ học Cần Giờ
Trang 15IV Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là các di tích khảo cổ học dưới
lòng đất, tập trung vào những di tích thời Tiền sử (3.000 – 2.000 năm cách
ngày nay) và giai đọan văn hóa Óc Eo (2.000 – 1.500 năm cách ngày nay), được phân thành 4 khu vực khảo sát theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào các khu vực quy hoạch của huyện Cần Giờ
- Khu vực thị trấn Cần Thạnh trung tâm huyện Cần Giờ
- Khu vực xã Long Hòa
- Khu vực ven biển Cần Thạnh – Long Hòa
- Khu vực 4 xã phía Bắc và Tây Cần Giờ là Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát nếu phát hiện những di tích có niên đại ngoài phạm vi nghiên cứu của đề tài thì cũng sẽ được ghi nhận, cần thiết thì xử lý và đưa vào hệ thống bản đồ KCH Cần Giờ
V Phương pháp nghiên cứu
Cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu
Đây là một đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhưng đối tượng nghiên cứu khá đặc thù là di tích và di vật khảo cổ học Để tiếp cận vấn đề nghiên cứu thì những phương pháp nghiên cứu khảo cổ học sẽ là hướng tiếp cận chính
Sử dụng phương pháp tổng hợp phân tích tài liệu lịch sử, địa chất, sinh học, môi trường sinh thái Vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành Đây là hướng tiếp cận từ các ngành liên quan với khảo cổ học nói chung và với đề tài nghiên cứu nói riêng
Tất cả các hướng tiếp cận để nghiên cứu đều dựa trên nền tảng của phương pháp luận Duy vật Biện chứng và Duy vật Lịch sử, nhằm lý giải
và minh chứng các hiện tượng lịch sử – xã hội một cách đúng đắn
Trang 1615
Các công cụ (phương pháp) được sử dụng
Phương pháp chủ đạo là điền dã điều tra khảo cổ học, đào thám sát, dựa trên các biểu mẫu thống kê phân lọai di tích, di vật và các công cụ hỗ
trợ khác như GPS (Global Positioning System), trắc đạc bản đồ, khoan
thăm dò địa chất, đào thám sát, phân tích mẫu gốm, mẫu cacbon C14… tại các địa bàn được khảo sát
Thống kê phân loại di vật (phương pháp loại hình học) Phương pháp đối chiếu, so sánh tổng thể di tích và di vật trong bối cảnh các nền văn hóa đồng đai và lịch đại Phương pháp chọn mẫu để giám định niên đại bằng phương pháp Cacbon phóng xạ C14 hoặc phương pháp nhiệt phát quang, phân tích mẫu gốm…
Áp dụng phương pháp thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn tài liệu thư tịch, số liệu thống kê, các văn bản, báo cáo, quy hoạch đô thị của chính quyền Thành phố… có liên quan đến đề tài
Thực hiện điều tra, khảo sát và đào thám sát khảo cổ học
Thực hiện các cuộc điều tra khảo cổ học ở 04 khu vực nói trên theo một biểu mẫu quy định nhằm ghi nhận những thông tin về di tích, di vật
và đánh giá bước đầu về quy mô phân bố, đặc điểm, niên đại và giá trị văn hóa – lịch sử của từng di tích
Thực hiện việc thu thập di vật trên bề mặt di tích, lựa chọn di tích đào thám sát Tiếp đó là xử phân loại di tích và di vật theo các tiêu chí trong khảo cổ học: như niên đại, loại hình di tích, di vật, phân tích mẫu, thống kê số liệu, chỉnh lý hiện vật, làm phiếu hiện vật, đo vẽ, chụp ảnh hiện vật, dập hoa văn…
Thực hiện báo cáo các đợt khảo sát, thám sát và chỉnh lý hiện vật
Báo cáo sơ bộ, các bảng biểu phục vụ nghiên cứu, có các loại:
- Phiếu thông tin khảo sát di tích
- Phiếu thông tin về di vật
- Và một số biểu mẫu thống kê
Trang 17CHƯƠNG I TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
I.Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Các chương trình, dự án nghiên cứu của các tổ chức quốc tế (Unesco, Japan Foundation, Toyota Foundation… và các công trình của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước lâu nay thường tập trung nghiên cứu về các di tích, trùng tu, bảo tồn di tích hiện hữu và các sưu tập di vật
mà chưa chú trọng đến việc điều tra, khảo sát xác định địa điểm có di tích
để bao vệ di tích ngay từ buổi đầu Việc làm này đã được qui định trong Hiến chương Burra (Hiến chương của ICOMOS Australia về bảo vệ địa điểm di sản có giá trị văn hóa thông qua ngày 19 tháng 8 năm 1979 tại Burra Nam Australia: Hiến chương này đưa ra các đường lối chỉ đạo cho việc quản lý các địa điểm văn hóa Hiến chương xác lập một hệ thống chuẩn mực dành cho bất kỳ ai làm tư vấn, ra quyết định, hoặc tiến hành những công trình trên các địa điểm di sản có giá trị văn hóa, bao gồm các chủ sở hữu, các nhà quản lý và người trông coi các địa điểm di sản đó Hiện nay trên thế giới việc điều tra và khai quật khảo cổ học – nhất là các
di tích nằm trong vùng có quy hoạch xây dựng và phát triển trước mắt cũng như lâu dài – đã được ưu tiên tiến hành trước khi các công trình xây dựng bắt đầu, nhằm thu thập tối đa những tài liệu hiện vật, phục vụ cho việc nghiên cứu và lưu giữ di sản văn hóa, đồng thời có thể bảo tồn di tích thành “bảo tàng ngoài trời” nếu phát hiện di tích quan trọng
Những công trình nghiên cứu vể Thời đại Kim khí ở Đông Nam Á
đã cho biết ý nghĩa quan trọng và độc đáo của những di tích mộ chum ở Philippine, Indonesia, Việt nam, Thái Lan
Táng thức mộ chum/vò là hình thức dùng những chum/vò bằng gốm đất nung để chôn nguyên thi thể người chết (hung táng), than tro hỏa táng hay cải táng di cốt Cũng có thể trong chum/vò chỉ có đồ tùy táng mà không có di cốt hay than tro (mộ tượng trưng) Táng tục mộ chum là hiện
Trang 1817
tượng phổ biến của cư dân cổ nhiều nơi trên thế giới Nguồn gốc xuất hiện của táng tục này ở các khu vực văn hóa và trong các cộng đồng cư dân không cùng một thời điểm lịch sử, nhưng sự phát triển của nó lại có quan
hệ mật thiết với nhiều vấn đề về tín ngưỡng tôn giáo, về thế giới quan và
về những đặc trưng văn hóa của từng khu vực nói riêng và toàn vùng nói chung Giải thích về nguồn gốc và sự phát triển của táng tục mộ chum ở Đông Nam Á không thể không lưu ý đến điều kiện địa lý – sinh thái đặc thù của các di tích mộ chum, cùng với vai trò của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa ở khu vực này Trước đây đã có quan niệm cho rằng, ở Đông Nam Á trong thời đại kim khí có một “văn hóa mộ táng vò” do cư dân có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc di cư xuống phía Nam Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á đã không đồng tình với quan niệm trên mà ngược lại, cho rằng sự phân tán của táng thức mộ chum gắn chặt với sự di chuyển của các nhóm cư dân thuộc ngữ hệ Nam đảo, dựa vào sự so sánh về táng thức, táng tục và nhất là di vật tùy táng Tuy nhiên, dù có chung táng tục mộ chum nhưng trên thực tế, mỗi khu vực khác nhau đều có những khác biệt về phương thức mai táng cụ thể, về dạng chum và nắp đậy, về cách xử lý di cốt, cách bố trí đồ tùy táng… vì vậy đã làm nên đặc trưng văn hóa riêng, biểu hiện cho sự phát triển nội tại của từng văn hóa khảo cổ – tộc người Điều cần lưu ý hơn là niên đại các
di tích mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai ở Việt Nam không muộn hơn các di tích cùng loại hình ở Đông Nam Á hải đảo, thậm chí có những di tích còn có niên đại sớm hơn Những mối quan hệ giao lưu văn hóa – kỹ thuật giữa những khu vực trong vùng Đông Nam Á chủ yếu qua con đường thương mại bằng đường biển, đường sông đã đóng vai trò to lớn trong sự phát triển và thay đổi văn hóa trong toàn vùng, tất nhiên trên cơ sở giữa các nền văn hóa khác nhau đã có sự tương ứng, đồng quy
của nhiều yếu tố văn hóa Thành ngữ của người Indonesia “Thống nhất
trong đa dạng” đã thể hiện một đặc trưng nổi bật của văn hóa Đông Nam
Trang 19Á mà táng thức mộ chum vừa được khảo sát trên đây là một trong những điển hình của đặc trưng này trong thời kỳ tiền sử ở Đông Nam Á
Từ thời kỳ tiền sử cho đến nay, Đông Nam Á là khu vực có những vấn đề địa lý – lịch sử – văn hóa liên quan chặt chẽ với nhau và có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử loài người Đặc biệt trong thời kim khí (gồm thời đại Đồng thau và thời đại đồ Sắt từ khoảng 4000 đến 2000 năm cách ngày nay) người ta dễ dàng nhận ra nhiều yếu tố văn hóa chung thể hiện sự thống nhất và cả những yếu tố văn hóa riêng – thể hiện tính đa dạng – trong mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nơi đây Một trong vô vàn yếu tố văn hóa chung đồng thời lại chứa đựng hàng loạt các đặc điểm riêng biệt đặc trưng cho từng văn hóa khảo cổ hay từng khu vực cụ thể ở Đông Nam Á là táng thức mộ chum Chính vì vậy nhiều di tích loại hình này ở các nước trên đã được khai quật và bảo tồn tại chỗ làm
“bảo tàng tại chỗ” phục vụ rất hiệu quả việc nghiên cứu khoa học và trở
thành những điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan
II.Tình hình nghiên cứu trong nước
Cần Giờ - TP.HCM thuộc vùng miền Đông Nam bộ, nơi mà những
di tích khảo cổ học đã được phát hiện từ cuối thế kỷ XIX Tuy nhiên, nghiên cứu về văn hóa cổ vùng này chỉ thực sự được đẩy mạnh từ sau năm
1975 Một trung tâm văn hóa cổ đã được xác lập: Văn hóa Đồng Nai Từ những công trình quan trọng như: Khảo cổ Đồng Nai (Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng, 1991); Di tích khảo cổ học Dốc Chùa (Nguyễn Văn Long, Đào Linh Côn, 1993); Di tích khảo cổ học Bưng Bạc (Phạm Đức Mạnh,1996); Những phát hiện khảo cổ học ở miền Nam (Viện KHXH tại TP.HCM); Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam (Trung tâm khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ nay là Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ, các năm1997, 2005) và nhiều bài nghiên cứu trên tạp chí Khảo cổ học, tập san Những phát hiện mới về Khảo cổ học… có thể nhận biết những đặc điểm của văn hóa Đồng Nai
Trang 2019
Văn hóa Đồng Nai là nền văn hóa khảo cổ thời tiền sử ở miền Đông Nam bộ mà địa giới hành chánh ngày nay là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu Tuy nhiên, về mặt địa lý-địa hình đây là vùng đất cao trải dài từ cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh thấp dần xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long Vì vậy phạm vi phân bố của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử bao gồm lưu vực các con sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ đông - tây Những di vật khảo cổ học được tìm thấy ở đây ngay từ cuối thế kỷ 19 trong khi xây dựng một số công trình lớn ở Sài Gòn Thập niên 1960-1970 một số nhà địa chất học người Pháp đã công bố việc phát hiện các công cụ thời đá cũ ở Xuân Lộc (Đồng Nai) và nhiều di tích ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai mà họ định danh là “văn hóa Cù Lao Rùa” Từ sau 1975 việc khai quật và nghiên cứu văn hóa Đồng Nai được đẩy mạnh và cho đến nay, bức tranh thời tiền sử vùng lưu vực Đồng Nai đã dần hiện lên khá rõ nét qua hệ thống hàng trăm di tích và hàng chục ngàn di vật độc đáo, thể hiện một truyền thống văn hóa phát triển liên tục và lâu dài qua hàng ngàn năm
Trên một địa bàn rộng lớn như vậy, có thể nhận thấy các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai chia thành 3 khu vực:
- Khu vực đồi đất đỏ bazan và cao nguyên đất xám phù sa cũ: Các
di tích ở đây có diện phân bố rộng, tích tụ văn hóa dày, hiện vật vô cùng phong phú chủ yếu là đồ gốm và công cụ đá Tiêu biểu là cụm di tích Xuân Lộc – Đồng Nai, di tích thành tròn ở Lộc Ninh – Bình Phước
- Khu vực hạ lưu sông Đồng Nai: Đây là khu vực di tích phân bố dày đặc, nhiều loại hình di tích như nơi cư trú, nơi chế tạo các loại công cụ
và đồ dùng sinh hoạt, các khu mộ táng với nhiều táng thức khác nhau… Các di tích nổi tiếng ở đây là Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Bưng Sình (Bình Dương), Bình Đa, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me…(Đồng Nai), An Sơn, Rạch Núi, Lộc Giang…(Long An)
Trang 21- Khu vực ven biển Đông Nam bộ: đây là vùng đất thấp trũng, phần lớn là rừng ngập mặn Di tích cư trú và mộ táng rải rác trên các gò, giồng đất cao hoặc ven các bưng lầy, di vật ở đây rất đa dạng và độc đáo thể hiện những mối quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi Độc đáo nhất là nhóm di tích mộ chum ở Cần Giờ – TP.HCM, các di tích vùng bưng lầy Bà Rịa-Vũng Tàu như: Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Cái Lăng, Giồng Nổi,
Gò Me…
Hàng chục cuộc khai quật khảo cổ học từ sau năm 1975 đă đưa lên
từ lòng đất hàng trăm ngàn di vật với nhiều chất liệu khác nhau Đồ đá là
di vật phổ biến nhất và có số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là loại công cụ- vũ khí tồn tại lâu dài đến cả những giai đoạn về sau, do sự khan hiếm của quặng kim loại Loại hình công cụ phổ biến là rìu, cuốc, dao hái, “Qua đá”, đục, mũi tên,… được chuyên môn hóa về chức năng Đồ trang sức nhiều nhất là các loại vòng đeo tay, đeo tai Đặc sắc nhất vẫn là những bộ đàn đá được tìm thấy trong địa tầng di tích khảo cổ học ở Đồng Nai, Bình Phước đã khẳng dịnh sự ra đời và tồn tại của loại nhạc cụ cổ truyền này ở lưu vực Đồng Nai từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay
Nghề đúc đồng và luyện kim đồng thau phổ biến trong văn hóa Đồng Nai khoảng 3.000 năm cách ngày nay Đồ đồng ở đây được chế tạo bằng phương pháp đúc trong khuôn hai mang “liên hoàn” nhiều vật đúc: Rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu, lao có ngạnh… Tại di tích Long Giao (Đồng Nai) còn tìm thấy một kho “qua đồng”- một loại vũ khí cổ phổ biến cả trong văn hóa Đông Sơn Gần đây còn tìm thấy một số trống đồng “kiểu Đông Sơn” được sử dụng làm nắp đậy những ngôi mộ chum bằng gỗ ở di tích Bưng Sình - Phú Chánh (Bình Dương)
Đồ gốm và nghề làm gốm rất phát triển, các loại đồ dùng trong sinh hoạt như nồi, bát đĩa chân cao, bình, bếp lò… có mặt trong tất cả các di tích khảo cổ Ngoài ra còn có nhiều dụng cụ bằng gốm như bàn xoa, dọi se sợi, chì lưới… Ngoài các chất liệu chủ yếu trên trong văn hóa Đồng Nai
Trang 22di tích mộ chum ở Việt nam và Đông Nam Á
Trải qua gần 2000 năm phát triển, phương thức kinh tế chính của cư dân cổ Đồng Nai là nông nghiệp ruộng khô (nương rẫy, dùng cuốc) kết hợp với khai thác tự nhiên như đánh bắt cá, hái lượm… đồng thời phát triển các nghề thủ công Tuy nhiên, tại vùng cửa sông Đồng Nai đã xuất hiện những dấu tích của một nhóm cư dân đặc biệt sinh sống bằng nghề trao đổi buôn bán, đó là chủ nhân các di tích mộ chum ở Cần Giờ -TP.HCM Trong khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay Cần Giờ đã từng
là một “cảng thị sơ khai” phát triển thương mại qua đường sông, đường biển với nhiều nơi như với khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, các đảo ở Philippine, Indonesia, đặc biệt quan hệ kinh tế-kỹ thuật với Ấn Độ
đã thể hiện rõ nét từ rất sớm
Văn hóa Đồng Nai phát triển trong thiên niên kỷ I - II trước Công Nguyên đã được nhìn nhận như bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt Truyền thống văn hóa Đồng Nai cùng với một số yếu tố văn hóa “ngoại sinh” do cư dân
cổ Đồng Nai tiếp thu đã trở thành những yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử kế tiếp – thế kỷ I - VII sau Công nguyên
Trang 23Cho đến nay việc phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực Cần Giờ do một số cơ quan sau đây tiến hành
- Những năm 1978 – 1979 các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP.Hồ Chí Minh (nay là Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) cùng một số nhà địa chất thuộc Liên đoàn Địa chất 6 khảo sát các giồng đất đỏ ở Cần Giờ, lần đầu tiên phát hiện dấu tích khảo cổ học ở
đây Phát hiện này được công bố khá đầy đủ trong công trình Địa chí Văn
hóa TP.HCM , tập I (Võ Sĩ Khải, 1990)
- Năm 1993 Trung tâm KHXH&NV TP.HCM (nay là Viện Nghiên cưú Phát triển TP.HCM) khai quật Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Cá
Trăng Tư liệu mới được công bố sơ bộ trong công trình Địa chí văn hóa
TP.HCM (tập I, xuất bản năm 1990, tái bản lần thứ nhất năm 1998) Vào
năm 2006, di vật của đợt khai quật được chỉnh lý và công bố một phần trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2006 (Nguyễn Thị Hậu, 2006)
- Liên tục trong các năm 1992 – 1993 – 1994, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội khai quật Giồng Am, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ Kết quảnghiên cứu bước đầu công
bố qua hơn 20 bài thông báo ở Hội nghị Khảo cổ học các năm 1994, 1995,
trong Luận án PTS Khảo cổ học của Nguyễn Thị Hậu“Di tích mộ chum
miền Đông Nam bộ – những phát hiện mới tại Cần Giờ TP.HCM” (1997)
và công trình chuyên khảo “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP.HCM”
(Đặng Văn Thắng và nnk, 1998)
Các địa điểm khảo cổ học ở Cần Giờ TP.HCM đã được phát hiện và công bố từ những năm 1978 Từ năm 1986 một số đợt khảo sát tiến hành tại đây sau đó, năm 1992 - 2000 có 4 cuộc khai quật Cho đến nay trên địa bàn huyện Cần Giờ mới có khoảng 16 di tích đã được khảo sát và 05 di
tích được khai quật, đào thám sát, đó là:
Trang 24đó là:
- Tại Cần Giờ đã phát hiện một loại hình di tích khảo cổ độc đáo là
“di tích mộ chum” (mộ táng chôn người trong các chum/lu gốm lớn trong
tư thế “ngồi bó gối”) niên đại vào hậu kỳ thời đại kim khí, 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay Hai di tích mộ chum đã được khai quật là Giồng Phệt (1993) và Giồng Cá Vồ (1994) đã mang lại một khối lượng di vật lớn gồm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày và đồ tùy táng trong các ngôi mộ Những hiện vật này cho biết về đời sống vật chất và tinh thần rất phong phú và đa dạng của cư dân cổ Cần Giờ Quan trọng hơn là trong những ngôi mộ chum này tồn tại nhiều di cốt người cổ, trong đó hàng chục bộ di cốt còn khá nguyên vẹn Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý báu, cho đến nay gần như là duy nhất để nghiên cứu và xác định chủ nhân sớm nhất của vùng đất này nói riêng và Nam Bộ thời tiền sử nói chung Cũng chính vì những giá trị đặc biệt quan trọng này mà năm 1998 di tích Giồng Cá Vồ
đã được công nhận là “Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp Quốc gia
Trang 25- Sự phong phú và độc đáo của di vật trong các di tích nhất là di tích
mộ chum Gồm đồ gốm Giồng Cá Vồ – Giồng Phệt, được coi là tiêu chí
để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những vùng khác Đó là những loại đồ gốm mang phong cách của các nền văn hoá Đồng Nai, Sa Huỳnh,
Óc Eo, Philippine… Là các loại hình đồ trang sức cho biết nguồn gốc được sản xuất tại chỗ hoặc du nhập nguyên liệu và kỹ thuật từ những khu vực khác ở Đông Nam Á hải đảo và một số loại vũ khí mang tích chất tượng trưng cho quyền lực
- Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy đây không phải là một nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng trọt – như nhiều nền văn hoá khảo cổ trong thời đại kim khí – mà chủ nhân của văn hoá này có đời sống kinh tế khá đặc biệt Đó là phát triển thương mại kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên Những lớp cư dân cổ đầu tiên đến sinh sống tại Cần Giờ đã biết tận dụng ưu thế của vị trí địa lý là khu vực cửa sông – vịnh biển và con đường giao thông chủ yếu là đường sông, đường biển nên Cần Giờ thời cổ đã mang dáng dấp một “cảng thị sơ khai”
Chính vì vậy, có thể cho rằng Cần Giờ hai ngàn năm trước đây là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá –
kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu
tố văn hoá bản địa
Ở Việt Nam các di tích phần lớn do nhân dân phát hiện ngẫu nhiên,
sau đó các nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát và khai quật Từ năm 2001,
Luật Di sản Văn hóa ra đời, Luật này đã quy định rõ về việc bảo vệ các di tích lịch sử – văn hóa trong trường hợp cải tạo, xây dựng các công trình trên khu vực di tích hay trong địa bàn có khả năng tìm thấy di tích hoặc di vật, cổ vật Từ đó, đã có một số công trình xây dựng tuân thủ Luật Di sản Văn hóa mà điển hình là việc điều tra khai quật các di tích khảo cổ học
trong khu vực xây dựng các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên, Sơn La như di tích Lung Leng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), khu vực xây dựng
Trang 2625
các cảng biển miền Trung, và nhất là cuộc khai quật “Hoàng thành Thăng
Long” tại khu vực Hội trường Ba Đình – Hà Nội Hay gần đây, tỉnh Đồng
Nai, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã tiến hành các cuộc điều tra khai quật khảo cổ trong những khu vực quy hoạch phát triển vùng công nghiệp mới
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện được hàng chục di tích khảo cổ học và hàng trăm di tích Lịch sử – Văn hóa, di tích Lịch sử Cách mạng Trong số khoảng 50 di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia của thành phố có 2 di tích khảo cổ học là di tích mộ chum Giồng
Cá Vồ và Lò gốm cổ Hưng Lợi thuộc hai giai đoạn lịch sử của thành phố: thời tiền sử (cách nay 2.500 năm) và thời cận đại (thế kỷ 18 - 19) Còn lại
là các di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo và di tích lịch sử cách mạng Các cuộc điều tra khảo sát và khai quật đã phác họa bản đồ KCH của thành phố phân bố như sau:
- Khu vực 1: vùng đồi gò cao thềm phù sa cổ của sông Đồng Nai, phân bố phía Tây bắc từ huyện Củ Chi - Hóc Môn - quận 12 sang Thủ Đức - quận 2 - quận 9 Địa hình gò cao còn lan xuống một số quận nội thành như quận 1, 3, 6, 11…Các di tích ở khu vực này có niên đại từ 3.000 – 2.500 năm cách ngày nay, đó là di tích Rỏng Bàng (Hóc Môn), Bến Đò, Long Bửu, Hội Sơn (quận 9), Gò Cát (quận 2)…
- Khu vực 2: vùng đất thấp trũng phía Nam - Đông nam, là đồng bằng thành tạo chưa hoàn chỉnh lại thường xuyên ngập mặn tạo nên hệ sinh thái kiểu rừng Sác Hệ thống 25 di tích tập trung trên các giồng đất đỏ
ở huyện Cần Giờ, niên đại từ 3.000 – 1.500 năm cách ngày nay và một số địa điểm ở huyện Bình Chánh
- Khu vực 3: là các quận nội thành hiện nay, nhất là trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn Gồm các di tích có niên đại từ thế kỷ 18 đến nay như Gò Cây Mai (quận 11), cầu Bình Lợi (Bình Thạnh), khu đất Nhà thờ Đức Bà -
- Bảo tàng Thành phố - Thư viện - Tòa án, khu vực Trụ sở Hải quan
Trang 27Thành Phố, đường Tôn Đức Thắng dọc cảng Bến Nghé xưa Một số di tích được sử sách ghi lại là đã xây dựng trên các di tích thuộc Văn hóa Óc Eo như Chùa Gò (Phụng Sơn Tự) nhưng đến nay không thể khai quật vì di tích phía trên cũng rất tiêu biểu cho giai đoạn lưu dân vào khai phá xây dựng vùng Gia Định - Bến Nghé
Cho đến nay, có 10 di tích KCH đã khai quật, gồm 8 di tích thời tiền
- sơ sử và 2 di tích lịch sử, xếp theo niên đại từ sớm đến muộn đó là các di tích: Bến Đò, Rỏng Bàng, Long Bửu, Khu Bao Đồng, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng, Giồng Am, Phụng Sơn Tự, Lò gốm cổ Hưng Lợi Ngoài ra còn khai quật xử lý một số mộ cổ như khu mộ cổ Vườn Chuối (quận 3), Phú Thọ (quận 11), Gò Cát (quận 2), mộ xác ướp Xóm cải (quận 5), mộ cổ trong khuôn viên Dinh Thống Nhất, và gần đây là cuộc khai quật mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương và mộ xác ướp Xuân Thới Thượng (Củ Chi) Các di tích tiền - sơ sử đều là di chỉ cư trú hoặc mộ táng, hầu hết phát hiện tình cờ nhưng đã được khai quật một cách khoa học và với quy mô lớn, tư liệu hiện vật được nghiên cứu và lưu giữ cẩn thận, nhiều hiện vật đã được trưng bày tại hai bảo tàng lớn của thành phố nhằm giới thiệu phần nào về lịch sử xa xưa của vùng đất này Tuy nhiên,
do các di tích phân bố trên đồi gò, ngoài đồng ruộng nên đang bị thời gian, thiên nhiên và cả quá trình sinh sống của con người huỷ hoại dần Những
di tích đã được khai quật cũng không có điều kiện để bảo tồn, tôn tạo để trở thành bảo tàng tại chỗ Điều này đã hạn chế việc nghiên cứu cũng như phát huy giá trị nhiều mặt của di tích Mặc dù số lượng di tích tiền - sơ sử khai quật còn ít nhưng đều là những di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của thành phố, là những mắt xích quan trọng nối liền từ khoảng 3.000 năm trước đến nay Đặc biệt giai đoạn 1-2 thế kỷ trước - sau Công Nguyên là thời kỳ diễn ra quá trình chuyển biến từ các văn hóa thời tiền sử như văn hóa Đồng Nai, văn hóa Giồng Phệt sang nền Văn minh Óc Eo của quốc gia cổ Phù Nam Hay nói một cách khác, một trong những con
Trang 2827
đường hình thành nền văn minh Óc Eo đã thể hiện khá rõ từ các di tích KCH ở TP.HCM nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung
Các di tích KCH ở TP.HCM đã mở rộng tầm nhìn vào lịch sử không chỉ là 300 năm mà là 3.000 năm của vùng đất này Tuy nhiên việc khai quật và bảo tồn loại hình di tích này chưa xứng với tầm quan trọng và giá trị của chúng Tại nhiều khu vực ở nội và ngọai thành có thể phát hiện di tích KCH nhưng việc quy hoạch và xây dựng hiện nay không hề lưu ý đến đặc điểm này, vì vậy nhiều di tích di vật đã bị phá huỷ vĩnh viễn, chưa kể tình trạng nhiều di tích lịch sử - văn hóa bị “trùng tu tôn tạo” một cách vô
ý thức làm mất đi những gía trị đích thực Di sản “văn hóa vật thể” của thành phố hiện còn không nhiều, vì vậy cần tiến hành những cuộc khảo sát, khai quật nghiên cứu để bảo vệ, bảo tồn những “nhân chứng” của lịch
sử hàng ngàn năm, hàng trăm năm của thành phố
Trang 29CHƯƠNG II
KHÁI QUÁT HỆ THỐNG DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC
VÀ TỒNG QUAN VỀ QUY HOẠCH
HUYỆN CẦN GIỜ
I Khái quát hệ thống di tích KCH huyện Cần Giờ
1.1.Vị trí địa lý và môi trường
Cần Giờ là một huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 60km về phía Đông Nam Đây là cửa ngõ ra biển Đông của Thành phố Hồ Chí Minh và của cả miền Đông Nam Bộ Vị trí địa lý: 10041’00” Vĩ Bắc; 1060 43’45” đến 107000’38” Kinh Đông Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, với ranh giới là sông Đồng Nai, đoạn đổ ra vịnh Gành Rái là sông Lòng Tàu; phía Tây Bắc là huyện Nhà
Bè Thành phố Hồ Chí Minh ngăn cách bởi sông Nhà Bè; phía Tây và Tây Nam giáp hai tỉnh Long An và Tiền Giang mà ranh giới là sông Soài Rạp
đổ ra vịnh Đồng Tranh; phía Nam là biển Đông
Với diện tích gần 700 km2, chiếm trọn phần nam của tam giác châu Đồng Nai, Cần Giờ được coi là miền đồng bằng chưa hoàn chỉnh ở hạ lưu sông Đồng Nai, có các đặc điểm: bề mặt tương đối bằng phẳng, thấp trũng, độ cao trung bình < 1,0m Trầm tích tuổi Holocene dày 8 – 12m gồm lớp trên là rác và than bùn luôn bão hòa với nước còn bên dưới, sét là tầng trầm tích chính Hầu hết vùng này là đầm lầy ven biển trên đó có các tích tụ trẻ gồm các bãi bồi cao (1 – 1,5m), bãi bồi thấp (0,5 – 1m) và các bãi triều Địa hình Cần Giờ luôn chịu tác động của hai quá trình xâm thực ngang và xâm thực sâu, hình thành do hoạt động của chế độ bán nhật triều với cường độ lớn tạo nên sức phá hủy bờ sông, bờ biển mạnh mẽ Hậu quả
là cửa biển Cần Giờ bị lở với tốc độ đáng kể (4 – 12m/ năm) làm cho vịnh Gành Rái ngày càng rộng bề ngang và nông bề đáy
Trang 3029
Đặc điểm nổi bật của địa hình Cần Giờ là khu vực này bị ngăn cách với đất liền bởi các con sông lớn Phía Bắc là sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, phía Đông là sông Đồng Tranh và sông Thị Vải, phía Tây là sông Soài Rạp, còn phía Nam là biển Đông Các phụ lưu, chi lưu của những con sông này tỏa ra chằng chịt khắp bề mặt địa hình tạo nên một hệ thong kênh, rạch, tắc… như những mạch máu nhỏ li ti ngang dọc, nối liền với nhau và đổ ra biển bằng nhiều cửa sông lớn nhỏ Đây là kết quả của việc sông Đồng Nai đưa một lưu lượng nước lớn về đến Nhà Bè nhưng không
đủ triền để đưa nước ra xa hơn nữa, lại gặp thủy triều đẩy ngược vào, bắt buộc phải tỏa nhánh để giải quyết sự ứ đọng tự nhiên Sông Lòng Tàu là nhánh tiêu nước chính, lòng sông sâu nên cũng là trục giao thông chính từ cửa biển Cần Giờ vào lưu vực Đồng Nai
Trên vùng đầm lầy ven biển này đã tồn tại một hệ sinh thái vùng ngập mặn điển hình Điều kiện có ý nghĩa quyết định cho kiểu rừng ngập mặn là đất bùn lỏng và chế độ ngập triều Để thích nghi, các cây rừng ngập mặn dù thuộc nhiều họ khác nhau nhưng đều mang đặc tính chung là
có bộ rễ hình nơm bám rất chắc vào đất bùn, có khả năng mang cây mầm ngay trên thân (như cây đước), lá cứng dày, mọng nước và cấu trúc chịu hạn sinh lý Rừng cây ở vùng ngập mặn thường có một tầng, cây không cao to, phổ biến là kiểu rừng “mắm trước, đước sau” Đó là một quá trình cây mắm phát triển và mọc thuần khi đất mới bồi chưa chắc Vài năm sau, đất dần được nâng cao, một phần do bồi tích của sông, biển, một phần do thân cây, lá mục rụng Đồng thời, đất bớt mặn thì loại cây đước, vẹt bắt đầu phát triền để giữ đất Khi đất cứng hơn, cao dần và bớt chua, các loại cây thấp, cây bụi như ô rô gai, bần, chà là, nhất là dừa nước… xuất hiện Rừng ngập mặn giữ vai trò then chốt trong quá trình hình thành địa hình ở đây, vì có tác dụng giữ đất, chống xâm thực, tạo môi trường cho thủy hải sản nước mặn và nước lợ phát triển Trong các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam, rừng ngập mặn Cần Giờ là khu vực có một quần thể thực vật đa
Trang 31dạng sinh học vào bậc nhất Nhưng trong chiến tranh, bom đạn và các loại chất độc hoá học đã huỷ hoại gần như hoàn toàn khu rừng này Đến 1978, Thành uỷ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo ngành Lâm Nghiệp, UBND và nhân dân huyện Cần Giờ phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng độc đáo này Hiện nay, rừng ngập mặn Cần Giờ được giao khoán cho nhân dân và các đơn vị quản lý bảo vệ
Đây là một khu rừng theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý thuộc vào loại tốt nhất ở Việt Nam và thế giới Ngày 21/01/2000, khu rừng này đã được MAB/UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới 368 Khu dự trữ sinh quyển của thế giới Đây là địa điểm lý tưởng phục vụ cho nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, nghỉ ngơi của nhân dân thành phố và khách đến thành phố Hồ Chí Minh
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có trên 150 loài thực vật, các loài chủ yếu như bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi - bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng v.v… và các loại nước lợ như bần chua, các quần hợp mái dầm – ô rô, dừa lá, ráng, v.v… Thảm cỏ biển với các loài ưu thế Halophyla sp., Halodule sp., và Thalassia sp.; đất canh tác nông nghiệp với lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa v.v…; các vườn cây ăn trái
Thảm thực vật này là môi trường sống cho nhiều loài động vật; theo thống kê năm 1999 như sau:
- Khu hệ động vật thuỷ sinh không xương sống có trên 700 loài thuộc 44 họ, 19 bộ, 06 lớp, 05 ngành
- Khu hệ cá có trên 137 loài thuộc 39 họ và 13 bộ
- Khu hệ động vật có xương sống trên cạn có 09 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 04 loài hữu nhũ Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách
đỏ Việt Nam như: tắc kè (gekko gekko), kỳ đà nước (varanus salvator),
Trang 3231
trăn đất (python molurus), trăn gấm (python reticulatus), rắn cạp nong (bungarus fasciatus), rắn hổ mang (naja naja), rắn hổ chúa (ophiophagus hannah), vích (chelonia mydas), cá sấu hoa cà (crocodylus porosus)…
- Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ Trong đó có
51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau
Khu vực Cần Giờ từ bờ biển vào sâu trong đất liền trên dưới 05km nhấp nhô nhiều gò nổi mà dân địa phương gọi là giồng Các giồng có độ cao từ 1 – 3m, đặc biệt giồng Cần Thạnh cao đến 4m Ngoài giồng cát Cần Thạnh – Long Hòa chỗ rộng nhất khoảng 1,5km, hẹp nhất khoảng 300m
có cấu tạo hoàn toàn là tích tụ của cát do sóng và gió bồi tụ nên, những gò nổi khác có diện tích trên dười 1km2, cấu tạo đất dỏ hay nâu đen, nâu vàng dày khoảng 1 – 1,5m trên trầm tích đầm lầy và nền sét biển Những giồng đất này phân bố liền kề nhau ven các con sông rạch nhỏ, trước đây diện tích lớn hơn, vốn là bề mặt một châu thổ tạo lập chưa hoàn chỉnh Từ sau giai đoạn biển tiến cực đại khoảng 6.000 năm cách ngày nay, từ 5.000 năm cách ngày nay biển lùi với tốc độ khá nhanh và từ khoảng 2.000 năm cách nay, biển lùi không đáng kể Cùng với giai đoạn biển lùi vài ngàn năm nay, hệ thống sông Đồng Nai và chi lưu, phụ lưu của nó đã không đủ lượng phù sa để có thể tạo lập châu thổ lấp đầy vịnh biển Mức độ xâm thực của thủy triều khá lớn nên các giồng đất lớn xói lở và dần bị chia cắt thành những giồng đất nhỏ như hiện thấy
Khí hậu ở Cần Giờ tương đối khắc nghiệt hơn những khu vực khác
ở miền Đông Nam Bộ Mùa khô kéo dài hơn, lượng mưa trong mùa mưa ít hơn, tầng phù sa cổ chứa nước ngầm cũng bị nhiễm mặn làm cho Cần Giờ hầu như không có nước ngọt Điều kiện sinh thái này không thuận lợi để phát triển nông nghiệp trồng trọt nhưng thích hợp với các phương thức
khai thác tự nhiên (Trần Bạch Đằng, 1993); (Lê Công Khanh, 1986)
Trang 331.2 Sự phân bố các di tích khảo cổ học
Những cuộc khảo sát từ năm 1978 - 1979 và các cuộc khai quật trong thập kỷ 1990 – 2000 đã phát hiện, Trên các giồng đất này dấu tích khảo cổ dầy đặc, kết quả khai quật cho biết, quá trình cư trú và sản xuất gốm của con người từ rất sớm cũng đã góp phần thành tạo các giồng đất
này ngày một cao hơn Có thể coi loại hình di tích khảo cổ trên giồng cát
cổ ở ven biển Đông Nam bộ như Gò Cát (Giồng Cát, quận 2 – TP HCM) hay di tích Giồng Lớn và một số dấu tích khác ở xã đảo Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng được thành tạo với nguyên nhân và quá trình tương tự Những di tích ven biển Đông Nam bộ này có niên đại vào từ 3000 năm đến khoảng đầu Công nguyên.Tại vùng cửa sông ven biển Nam bộ, cùng với sự bồi lấp tự nhiên, quá trình con người đến cư trú từ rất sớm đã là nguyên nhân hình thành các di tích khảo cổ học loại hình giồng, gò, niên đại chung từ khoảng 3.000 – 2.000 năm cách ngày nay Cho đến nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã phát hiện 26 di tích Khảo cổ học, phân bố trên các giồng (gò) đất ven các con sông Vàm Sát, rạch Gốc Tre Lớn (xã Lý Nhơn), sông Hà Thanh, Bà Vú, Bãi Tiên (xã Long Hòa) và trên một vài giồng đất ở giữa cồn cát cổ (xã Cần Thạnh) Nhìn chung, cảnh quan của ba khu vực Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh tương tự nhau, trong đó cồn cát
cổ Cần Thạnh nằm sát vịnh Gành Rái, Long Hòa (gồm nhiều giồng đất đỏ lớn nhỏ) nằm sâu về phía Đông, còn Lý Nhơn nằm sâu hơn nữa về phía Tây (giáp sông Soài Rạp và vịnh Đồng Tranh) Quá trình giữ đất tiến ra biển của rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng để nhận biết các giai đoạn cư trú của con người tại đây: địa hình Lý Nhơn tương đối ổn định, cấu tạo đất chặt, phần lớn đã bớt mặn (tuy còn nhiều phèn) nên từ vài chục năm gần đây đã có thể trồng lúa một vụ dù năng suất không cao Khu vực Long Hòa, Cần Thạnh mới chỉ trồng được một vài loại cây có thể phát triển ở đất giồng, đất cát nhiễm mặn như mãng cầu, chuối, sắn, soài… Điều này
Trang 3433
giải thích vì sao niên đại các di tích khảo cổ học ở Lý Nhơn thuộc vào giai đoạn sớm
Các di tích ở Cần Giờ được phát hiện chủ yếu trên các giồng đất đỏ
và số ít giồng cát trong địa phận xã Long Hòa (16 địa điểm), thị trấn Cần Thạnh (6 địa điểm), xã Lý Nhơn (3 địa điểm) và ở xã An Thới Đông có 1 địa điểm Quá trình khai khẩn đất đai và lan tỏa dân cư cũng có thể quan sát được ngay trong địa phận huyện Cần Giờ Những khu vực sâu hơn trong đất liền (xã Lý Nhơn) đã được cư dân khai khẩn và định cư sớm hơn Khu vực gần biển hơn (xã Long Hòa) có dấu vết sinh sống của cư dân thuộc cả 3 giai đoạn Cuối cùng, ở khu vực ven biển, thị xã Cần Thạnh, chỉ có những di tích thuộc giai đoạn muộn nhất
Trong bối cảnh chung đó, khi nhìn lên bản đồ khảo cổ học Cần Giờ,
ta thấy dường như vẫn còn nhiều vùng trắng Các di tích được phát hiện cho đến nay chỉ tập trung trong khu vực Cần Thạnh – Long Hòa, vùng đất sát biển kẹp giữa vịnh Gành Rái và vịnh Đồng Tranh, và một số di tích ở
tả ngạn sông Soài Rạp Trong khu vực các xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An vẫn chưa phát hiện được di tích nào Ở An Thới Đông trước đây có một di tích được phát hiện (Gò Đất ở Tắc Ông Thọ) Có nhiều khả năng trong những vùng trắng này sẽ còn phát hiện được những
di tích quan trọng, mang tính chất trung gian, cầu nối giữa các quần thể di tích huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tân Thành, Tp Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Cần Giờ Trong hai đợt khảo sát năm 2008 và 2009 vừa qua, tuy đã hết sức cố gắng, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thu nhận được thông tin cần thiết cũng như chưa có điều kiện thực hiện các cuộc điều tra khảo cổ học tại những khu vực này
1.3 Các di tích tiêu biểu và loại hình di tích khảo cổ học
Như trên đã nói, các giồng đất được thành tạo do quá trình cư trú và sản xuất gốm liên tục, lâu dài trong hàng trăm năm, và ở một vài giồng đất, di chỉ cư trú dần biến thành di chỉ mộ táng và táng thức mộ chum là
Trang 35chủ đạo Có thể thấy rõ điều này qua địa tầng năm di chỉ đã được Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP HCM, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh khai quật từ năm 1992 – 2002 là Giồng Cá Vồ,
Giồng Phệt, Giồng Am ( Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền và những người
khác, 1998 ), Khu Bao Đồng (Đặng Văn Thắng, Nguyễn Thị Hậu, 2006),
Giồng Cá Trăng (Đặng Văn Thắng và những người khác, 2002) Theo
niên đại sớm đến muộn là:
1.3.1 Di tích Khu Bao Đồng (xã Lý Nhơn)
Đây là di tích có niên đại sớm nhất trong hệ thống di tích ở Cần Giờ, được khai quật 100m2 năm 2000 Tầng văn hóa đồng nhất, dày 1,4m, cấu tạo chủ yếu là mảnh gốm, nền đất cứng, cục đất cháy, than tro Các nền đất cứng đổ xuôi từ Tây sang Đông, khá rộng, dày trên dưới 10cm, bên trên là than tro dày 2 – 3cm Các nền đất cách nhau 10 – 20cm bằng lớp gốm vụn lẫn nhiều cục đất cháy.
Địa tầng di chỉ Khu Bao Đồng chỉ có một lớp văn hóa diễn biến liên tục và khá đơn giản, tuy nhiên thành phần cấu tạo tầng văn hóa lại khá tiêu biểu cho các di tích ở Cần Giờ, gồm chủ yếu là mảnh gốm di chỉ, gốm vụn và nền đất cháy, một ít than… Gốm di chỉ có miệng khum đặc trưng của gốm Giồng Cá Vồ, một số cụm gốm vỡ là đồ đựng có miệng loe, về loại hình và hoa văn khá giống gốm tuỳ táng trong các mộ chum Giồng Cá
Vồ và Giồng Phệt Tầng văn hóa tuy có các di tích hố đất sét và chum gốm lớn nhưng nhìn chung, cấu tạo giống như tầng văn hóa các di tích khác ở Cần Giờ Độ dày của tầng văn hóa cũng là độ cao của giồng đất, lớp đất nâu đỏ lẫn mảnh gốm cũng là thành phần chính của giồng đất Các nền đất cháy tập trung ở hố 01 trên đỉnh giồng, xuôi dần từ Tây sang Đông, lẫn với gốm vụn cháy và than tro, thể hiện dấu tích của bãi nung gốm ngoài trời Quá trình sản xuất gốm lâu dài đến vài trăm năm tại đây đã làm cho giồng đất cao dần ở giữa và thoải dần ra xung quanh Đây là nguyên nhân
Trang 3635
chủ yếu thành tạo các giồng đất mà cấu tạo gồm đất đỏ và mảnh gốm như Khu Bao Đồng, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt…
Các hố đất sét đều phát hiện từ độ sâu từ 0,8 – 1,0m, đáy hố nằm ở
độ sâu 1,0 – 1,2m, các hố này đều nằm trong tầng đất dày đặc mảnh gốm nên muốn hố được định hình phải đắp đất sét vào vách và đáy hố Đáy các
hố sét dày đến 10 - 15cm, thành hố không còn nguyên vẹn độ cao mà hầu hết bị sụp chỉ còn một phần và đáy hố Trong các hố đều có gốm di chỉ lẫn đất đỏ mịn Hiện tượng này rất giống ở Giồng Cá Vồ trong đợt đào kiểm
tra năm 1997 (Nguyễn Thị Hậu - Đặng Văn Thắng - Phạm Hữu Mý, 1997)
Chum gốm Khu Bao Đồng tương tự chum mai táng loại I ở Giồng
Cá Vồ và Giồng Phệt, hình cầu đáy tròn, kích thước vào loại lớn: đường kính thân nơi rộng nhất (ở vào khoảng 1/3 chiều cao từ miệng xuống)
khoảng 70cm, cao 60 – 65cm Đặc biệt chum gốm Khu Bao Đồng có cổ
thắt miệng loe, vành miệng bẻ ngang trang trí hoa văn khắc vạch đối xứng nhau, vành miệng rộng đến 5cm nên dày nặng, giống kiểu miệng “chậu bông” đã tìm thấy ở Giồng Cá Vồ và cả ở di chỉ Long Bửu (nằm ven sông Đồng Nai thuộc quận 9, TP.HCM) So với chum Giồng Cá Vồ hay Giồng Phệt thì chum gốm Khu Bao Đồng khá mỏng, thân dày 0,5cm, đáy chum dày hơn cũng chỉ 0,8 – 1,0cm Chất liệu xương gốm đen thô và khá bở, áo gốm láng màu xám không đều, văn in đập carô mờ Có lẽ vì vậy nên khi
“chôn” chum xuống đất phải bọc đất sét hay chôn vào hố đất sét để bảo vệ cho khỏi vỡ chăng? Trong hố 02, lớp 05 phát hiện mảnh thân chum gốm
có khoét 01 lỗ nhỏ, dấu khoét sau khi nung Hiện tượng này cũng gặp ở
một số chum mai táng ở Giồng Cá Vồ và nhất là ở Giồng Phệt (Nguyễn
Thị Hậu và những người khác, 2002)
1.3.2 Di tích Giồng Cá Vồ (xã Long Hòa): thám sát năm 1993
(25m2), khai quật năm 1994 (200m2) Tầng văn hóa dày 1,5m – 1,6m, từ 1,5m – 1,0m là di chỉ cư trú, từ 1,0m – 0,3m là di chỉ mộ táng, giữa hai lớp văn hóa không có tầng vô sinh ngăn cách… Lớp văn hóa di chỉ cư trú
Trang 37chứa đầy mảnh gốm (có chỗ ken dày như bãi phế thải), vỏ các loài nhuyễn thể, xương thú, bếp nguyên thủy, nền đất cứng, hố cát, hố (huyệt) đất sét
và lớp than tro
+ Bếp nguyên thủy: ở hố 94.GCV-H3, độ sâu từ 1 – 1,3m rải rác trên diện tích 1m2 là các mảnh vỏ nhuyễn thể bị cháy đen, nằm trên nền đất cháy dày 0,1m
+ Nền đất cứng: ở hố 94.GCV-H3, độ sâu 0,7 – 0,8m có một nền đất cứng rộng khoảng 6m2, kéo dài ở phía Nam Hố 94.GCV-H12 cũng ở
độ sâu 0,7 – 0,8m có một nền đất cháy rộng đến 9m2 chiếm gần ½ hố về phía Đông
+ Lớp than tro: hầu hết các hố đều có những lớp than tro dày mỏng khác nhau lẫn với mảnh gốm Đặc biệt, hố 94.GCV-H1 và hố 94.GCV-H3, gần sát sinh thổ có những lớp than dày đến 0,3m, kéo dài đến 3m, rộng 1,5m
+ Lớp mộ chum và mộ đất tập trung từ độ sâu 1m trở len Mật độ dày đặc do mộ cắt phá, chôn chồng lên nhau
Niên đại C14 xác định trên mẫu than hạt nhỏ, độ sâu 1,5m ở Giồng
Cá Vồ là 2480 + 50 năm cách ngày nay
1.3.3 Di tích Giồng Phệt (xã Long Hòa): khai quật 45m2 năm
1993 Đặc điểm cơ bản của tầng văn hóa di chỉ Giồng Phệt là đất bazan màu nâu đỏ, không cứng lắm, độ sâu nhất của tầng văn hóa là 1,8m Từ độ sâu 0,6 – 0,8m có các vệt đất cứng màu xám trắng, độ sâu 1 – 1,2m có các vệt đất đen mịn như than… dưới các vệt đất này, gốm vẫn ken dày cùng than cục và đất Từ 1,2 – 1,4m các vệt đất này lập lại, lẫn tro than và rất nhiều bãi gốm vụn nát, đến mức hầu như không có đất đỏ Đã có 3 bếp nguyên thủy tìm thấy trong hố khai quật, hai bếp có độ sâu 0,8m, bếp thứ
ba có độ sâu 1,4 – 1,6m Đó là các nền đất cứng màu nâu đỏ (trên) và vàng
Trang 3837
(dưới) dày 7,8cm kéo dài Lẫn trong nền bếp là vỏ hàu, vỏ sò, than củi, cục đất nung, mảnh nồi… Bếp thứ ba còn có những cục xỉ kiểu bọt rỗng tổ ong có chảy men thủy tinh Mộ chum phân bố trong tầng văn hóa khá dày nhưng ít có hiện tượng cắt phá nhau Mộ đất nằm ở lớp văn hóa muộn
Niên đại C14 xác định trên mẫu gốm (chân đế choãi cao) là 2420 +
484, xác định trên mẫu vỏ sò độ sâu 1,6m là 2100 + 50 năm cách ngày nay
1.3.4 Di tích Giồng Cá Trăng: Do tình trạng giồng đất bị san lấp
trong quá trình canh tác nên đã phá hủy một phần lớp văn hóa trên cùng, đồng thời làm xuất lộ một số bộ di cốt, vì vậy phải tiến hành khai quật
“chữa cháy” 20 m2 năm 2002 Tầng văn hóa dày 3,5m cấu tạo gồm mảnh gốm vụn và các lớp đất cháy lẫn đất đỏ Gốm trong tầng văn hóa Giồng Cá Trăng là loại bình gốm Giồng Phệt nhưng đã bắt đầu thể hiện sự chuyển biến sang loại chai gốm Giồng Am Khảo sát toàn giồng nhận thấy có dấu tích của mộ chum và mộ đất nhưng có lẽ không nhiều, vì Giồng Cá Trăng
đã ở vào giai đoạn cuối của thời tiền sử ở Cần Giờ
1.3.5 Di tích Giồng Am (xã Cần Thạnh) Khai quật 100m2 năm
1992 Từ trên xuống các lớp đất không đều nhau, xen kẽ nhiều màu sắc và tơi xốp khác nhau Lẫn trong các lớp đất này là các hiện vật gốm, than tro tập trung thành từng cụm rải rác ở nhiều độ sâu khác nhau Trên mặt bằng sinh thổ là các hố đất sét nguyên liệu, những hàng gạch xếp… Tầng văn hóa từ trên xuống dưới đều có hiện vật do chính cư dân Giồng Am đương thời tạo nên Như vậy, quá trình sản xuất gốm lâu dài đã tạo nên di tích này chứ khộng thể chuyển đất từ nơi khác tới đắp Niên đại C14 của Giồng
Am là 1665 + 40 năm cach ngày nay
Ngoài ra, các di tích Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Cá Trăng cũng đã được Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khai quật
từ những năm 1993 – 1994 mà theo tư liệu mới được công bố gần đây,
Trang 39tính chất các di tích này về cơ bản không có gì khác với những công trình
nghiên cưú trước đó (Nguyễn Thị Hậu, 2006.)
Như vậy trong giai đọan Tiền – sơ sử ở Cần Giờ có 03 loại di tích khảo cổ: Di chỉ cư trú và sản xuất gốm, di chỉ cư trú và mộ chum (và mộ đất), di tích sản xuất gốm (chai gốm, gạch…)
II Tổng quan quy hoạch phát triển Cần Giờ đến năm 2020
2.1 Các nhóm văn bản liên quan đến khu vực nghiên cứu
2.1.1 Nhóm văn bản quy hoạch tổng thể
Quy hoạch tổng thể là một vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của vùng Dựa trên tình hình thực tế của từng quận huyện mà thành phố điều chỉnh quy hoạch tổng thể Nếu có sự thay đổi về quy hoạch tổng thể chung của thành phố thì quy hoạch tổng thể ở quận huyện cũng sẽ được thay đổi theo
Quy hoạch tổng thể ở Cần Giờ được thực hiện làm tiền đề cho các quy hoạch khác như quy hoạch kiến trúc, kinh tế-xã hội, văn hoá, cơ sở hạ tầng Năm 1995, UBND TP duyệt quy hoạch quy hoạch tổng thể chung cho huyện Cần Giờ Có thể đây là mốc rất quan trọng thúc đẩy nền kinh tế vùng đất này Trong những năm tiếp theo quy hoạch tổng thể này được điều chỉnh theo quy hoạch tổng thể chung thành phố và cho phù hợp với tình hình phát triển mới của huyện Cần Giờ
2.1.2 Nhóm văn bản quy hoạch tổng thể du lịch
Cần Giờ có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, do còn nhiều khó khăn nên tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết Quyết định về quy hoạch tổng thể khu du lịch lấn biển Cần Giờ là bước phát triển đột phá của thành phố cho huyện Cần Giờ
Để thúc đẩy cho dự án này được tiến hành, tại cuộc họp xem xét tiến độ triển khai Dự án lấn biển Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải
đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở - ngành TP sớm hoàn tất các thủ tục để Chủ đầu tư thực hiện việc đưa khu vực lấn biển xã Long Hòa,
xã Cần Thạnh (tất cả 1.800 ha) vào diện khảo sát lập quy hoạch 1/2000 đang thực hiện trên địa bàn huyện Cần Giờ; trong đó, quy hoạch khu du
Trang 40TP và UBND huyện Cần Giờ rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để giải quyết tháo gỡ thúc đẩy triển khai nhanh thực hiện dự án lấn biển Cần Giờ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là chủ đầu tư
dự án có trách nhiệm triển khai nhanh phối hợp với Chính quyền huyện Cần Giờ thực hiện hỗ trợ cho bà con nuôi nghêu đúng chính sách và thu hồi mặt bằng trống đưa vào thi công công trình trước tháng 6-2007
2.1.3 Nhóm văn bản về chính sách đất đai
Các văn bản về đất đai ban hành nhằm cụ thể hoá những kế hoạch
sử dụng đất cho nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng theo từng năm Việc ban hành các văn bản về đất đai theo từng năm được huyện Cần Giờ thực hiện rất tốt nhằm kiểm soát được quy đất của huyện,
từ đó làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật của huyện, giúp UBND huyện Cần Giờ chủ động phân bổ quỹ đất của mình
2.1.4 Nhóm văn bản về quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng
Quy hoạch xây dựng và phát triển kiến trúc đô thị phải đi trước một bước để tạo điều kiển phát triển cơ sở hạ tầng Trong điều kiện đo thị hoá nhanh ở thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Cần Giờ nói riêng thì việc ban hành các văn bản về quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị cho huyện Cần Giờ là hết sức quan trọng
2.1.5 Nhóm văn bản về môi trường
Cần Giờ là huyện duy nhất thuộc thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rừng lớn Đây được coi là “lá phổi xanh” của thành phố Rừng ngập mặn Cần Giờ được Unesco đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn Bên cạnh huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông, nên có rất nhiều thuận lợi để phát triển