QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA docx

9 204 2
QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA docx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA Phan Công Khanh Cùng với kinh tế và chính trị, văn hoá là yếu tố định hình cho một chế độ nguyên thuỷ. Tên gọi cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến hay TBCN, ngoài hàm nghĩa về phương thức sản xuất và chế độ chính trị còn ẩn chứa những thông điệp văn hóa. Sự liên kết trên bình diện dân tộc đã định hình thế giới từ thời cổ xưa, thực chất là liên kết trên bình diện văn hóa: những cộng đồng có nền sản xuất cùng một trình độ, có chung ngôn ngữ, chung những đặc điểm đời sống vật chất và tinh thần thì liên kết trong một dân tộc. Văn hóa tồn tại và vận động trong không gian dân tộc. Không có văn hóa chung thì các cộng đồng thiếu điểm tựa tinh thần để liên kết thành dân tộc. Nhưng không có dân tộc thì cũng không có văn hóa vì thiếu đi cái chủ thể để liên kết những giá trị sáng tạo chung. Cá nhân, giai cấp, khu vực, nhân loại… chỉ là những chủ thể "yếu" nếu không có vai trò của chủ thể dân tộc. Như vậy, dân tộc - ở phương diện lịch đại và chế độ xã hội - ở phương diện đồng đại, là không gian tồn tại của văn hóa. Trong phạm vi dân tộc, văn hoá là những yếu tố đã định hình, ổn định "neo giữ" những giá trị chung. Trên bình diện chế độ xã hội, văn hóa là kết quả của sự tương tác giữa các giá trị trong những quan hệ sống. Trên cả hai phương diện, văn hoá vừa mang tính ổn định vừa mang tính vận động, vừa là cái phần tĩnh của dân tộc vừa là cái phần động của xã hội, vừa là kết quả của tích luỹ và kế thừa vừa là kết quả của sáng tạo và giao lưu, vừa là cái truyền thống vừa là cái hiện đại, vừa là cái bảo tồn vừa là cái phát triển. Ai đó đã nói: văn hóa là cái còn lại sau khi tất cả đã quên đi, là cái còn thiếu sau khi đã biết tất cả. Cái còn lại là cái ổn định, cái còn thiếu là cái đang vận động. Cái ổn định và cái vận động tương tác và chuyển hóa cho nhau. Quan niệm trên đặt ra yêu cầu về quản lý phát triển văn hóa. Quản lý phát triển văn hoá là một bộ phận của quản lí phát triển xã hội. Đây một yêu cầu có tính khách quan của đời sống. Quản lí văn hóa (theo nghĩa hẹp) là quản lí cái phần tĩnh, bề nổi còn quản lí phát triển văn hóa là quản lí cái phần động, phần chìm, cái phần nảy sinh, tương tác trong sự vận động của đời sống văn hoá. Nếu xem xét văn hóa là tổng thể những giá trị mà con người đã sáng tạo và tích luỹ trong quá trình hoạt động thực tiễn nhằm cải biến tự nhiên, xã hội và bản thân thì quản lí phát triển văn hoá mới là chức năng đích thực của quản lí văn hoá (theo nghĩa rộng). Quản lí văn hóa về thực chất là sự tác động vào quá trình hình thành và vận động của hệ giá trị theo những mục tiêu định sẵn. Hệ giá trị vốn ổn định nhưng vẫn có sự chuyển đổi dưới tác động của không gian, thời gian và chủ thể. Nói cách khác, văn hóa luôn vận động và biến đổi, nên quản lí văn hóa chính là quản lí cái phần động, biến đổi ấy: quản lí phát triển văn hoá. Thiếu quản lí phát triển văn hóa sẽ không thể dự báo và định hình chính sách; hoạt động của bộ máy nhà nước trên lĩnh vực này sẽ bị động, không phát huy đầy đủ tác động của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quản lí phát triển văn hoá kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Xã hội chúng ta hiện nay thuộc loại hình "chuyển biến xã hội" (social transformation). Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tác động của xu thế toàn cầu hoá, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa đến sự chuyển đổi sâu sắc của hệ giá trị. Những giá trị mới đang hình thành đan xen với những giá trị cũ, những giá trị tốt đẹp đang phát huy ảnh hưởng tích cực bên cạnh cái phản giá trị đang tác động tiêu cực đến đời sống. Thế giới "phẳng" đã dần tạo nên một không gian đa văn hóa tác động nhiều chiều vào nền văn hóa dân tộc với tất cả sự phức tạp của nó. Bên cạnh những thành tựu, những mặt hạn chế trong xây dựng và phát triển văn hoá đang bộc lộ. Trên bình diện vĩ mô, xung đột giữa cái kinh tế và cái văn hóa đang hiện ra dần: tham nhũng tràn lan, ô nhiễm môi sinh đến mức báo động, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, ma tuý và mại dâm phát triển v.v… Ở bình diện vi mô, trong từng lĩnh vực xã hội, cái xấu đang bùng nổ. Chưa bao giờ chúng ta nói nhiều và nói đúng về vai trò của văn hoá như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ văn hóa cộng đồng lại bộc lộ những yếu kém, sa sút như hiện nay. Đạo đức học đường, y tế xuống cấp. Con đánh mẹ, người giữ trẻ đánh đập trẻ, thầy giáo thì mua trinh / cưỡng hiếp / làm tiền học trò, sinh viên tạt axit thầy giáo, cán bộ nhũng nhiễu người dân, người tham quan lễ hội hoa thì cướp hoa, bóng đá chuyên nghiệp trở nên "xấu xí", hiện tượng buôn thần bán thánh diễn ra nhan nhản ở các lễ hội v.v… Có điều gì đó bất ổn trong trạng thái đạo đức, lối sống của xã hội. "Cơ chế" kinh tế của xã hội đang hồi bùng phát nên "chiếc áo" văn hóa bỗng trở nên chật chội không che kín được và làm đẹp được cho nó. Đồng hành với phát triển là phản phát triển. Nếu như suy thoái là sự đi xuống, suy yếu, sự vận động ngược chiều với phát triển thì thuật ngữ phản phát triển (còn được gọi là "phát triển xấu") nhằm để chỉ những xung lực kìm hãm hoặc làm chệch hướng quá trình phát triển. Phản phát triển có khi mang gương mặt của cái cấp tiến, của cái mới nhưng lại chưa đựng mầm mống của suy thoái. Có thể dễ dàng nhận ra sự suy thoái nhưng với phản phát triển thì không đơn giản. Vì vậy, nếu nhìn quản lí văn hóa ở trạng thái tĩnh, sẽ khó nhận ra sự tồn tại của phản phát triển. Vì sao mức sống nâng lên mà chất lượng sống thì suy giảm? Vì sao học thêm - dạy thêm tràn lan, các phương tiện thông tin ngày càng phát triển nhưng trình độ của học sinh ngày càng kém đi? Vì sao chúng ta mong muốn có những trường đại học tầm cỡ khu vực nhưng lại có vụ "đẻ non" trường đại học từ cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục - đào tạo? Vì sao chúng ta đặt vấn đề xây dựng một "xã hội văn hóa cao", "lối sống có văn hóa" từ những năm 60 của thế kỉ trước mà hơn nửa thế kỉ rồi vẫn còn là một xã hội văn hóa chưa cao? Cái phản giá trị đang ẩn mình trong gương mặt của cái giá trị và gây ra ngộ nhận. Để nhận diện và giải quyết vấn đề, cần phải đặt chúng vào trong quá trình phát triển. Văn hóa như một cơ thể sống. Nhìn từ góc độ hoạt động, có thể xem văn hóa là quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối và tiêu dùng giá trị. Các công đoạn này thống nhất với nhau trong một chỉnh thể hữu cơ, một yếu tố khập khiễng sẽ đưa đến tình trạng khập khiễng của toàn hệ thống; các giá trị văn hoá bị "tắc nghẽn" trên chu trình vận hành của nó. Không có sản xuất thì không có tiêu dùng và ngược lại. Bảo quản và phân phối kết nối sản xuất với tiêu dùng. Tiêu dùng hoàn tất mục tiêu của sản xuất. Nếu chỉ nhìn văn hoá ở trạng thái tĩnh, nghĩa là mới nhìn vào sản xuất và bảo quản, đó chỉ mới là một nửa của đời sống văn hóa; ở đó, giá trị văn hóa mới chỉ đi một nửa hành trình chức năng của mình, chỉ mới thấy văn hoá là sản phẩm của con người. Thiếu phân phối và tiêu dùng, khát vọng chân - thiện - mỹ của con người được cố định hoá trong các sản phẩm văn hóa và chỉ tồn tại ở thế khả năng, nghĩa là chỉ là những khát vọng. Phân phối và tiêu dùng sẽ hiện thực hóa các giá trị văn hoá, đặt chúng vào sự vận hành của đời sống, đảm bảo lưu thông văn hoá thông suốt, đảm bảo quá trình phát triển văn hoá. Phân phối và tiêu dùng mới là nơi chân - thiện - mĩ vận động và phát huy tác dụng. Không có phân phối và tiêu dùng, sản xuất và bảo quản tự mình sẽ đình trệ. Đây là điều mà C.Mác từng viết trong Lời nói đầu Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị: "không có tiêu dùng thì cũng chẳng có sản xuất, vì trong trường hợp đó, sản xuất sẽ không có mục đích", "Chỉ có trong tiêu dùng, sản phẩm mới thực sự trở thành sản phẩm". Chú ý đến phân phối và tiêu dùng nghĩa là đã đặt văn hoá vào vai trò chủ thể: văn hoá sáng tạo ra con người, con người là sản phẩm của văn hóa. "Trong sản xuất, con người được khách thể hóa, trong tiêu dùng thì đồ vật được vật thể hóa". Văn hoá, theo cách hiểu của người Trung Hoa (biến đổi để đẹp) hay của phương Tây (cultus: chăm sóc, vun trồng) đều hàm nghĩa sự tác động. Không có tiêu dùng nghĩa là không có tác động. Tính tích cực của văn hóa nằm ở tiêu dùng. Số phận của văn hóa nằm ở tiêu dùng chứ không phải ở sản xuất như C.Mác từng nói về vai trò của thực tiễn: "Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lí, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình". Trong quản lí văn học nghệ thuật, nếu không chú ý đến phân phối và tiêu dùng sẽ không thể lí giải được sự vận động của đời sống nghệ thuật. Chính ở khâu tiếp nhận của công chúng, đời sống nghệ thuật mới thật sự vận hành, tác phẩm mới đến được đích của nó, mới có đời sống tích cực. Từ giữa thế kỉ trước, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Konstanz (Cộng hoà Liên bang Đức) đã quan niệm tác phẩm văn học là kết quả của hai quá trình: sản xuất và tiêu thụ tác phẩm văn học là: văn bản + sự tiếp nhận của công chúng. Sự phát triển của dòng âm nhạc với ca từ dễ dãi chắc chắn có một lí do từ phía thị trường, từ phía công chúng. Sự ồn ào của thứ văn chương khai thác bản năng tính dục của nhân vật nữ (người Trung Quốc gọi là văn chương linh hoạt), không thể không có lí do từ sự ồn ào tung hứng của các cây bút phê bình và công chúng. Từ thực tế này, quản lí văn học nghệ thuật không chỉ chú ý đến hoạt động sáng tác mà còn phải quan tâm tác động đến cả công chúng và sự tiếp nhận của họ với mọi chiều cạnh phức tạp của đời sống: quản lí cái phần động của văn học nghệ thuật, quản lí sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. Nhận thức này sẽ khắc phục việc xem xét nghệ thuật chỉ dưới hình thức khách thể, trực quan, mà cần xem xét nghệ thuật như một hoạt động chủ quan, thực tiễn của con người, như ý kiến của C.Mác về chủ nghĩa duy vật Phoi-ơ-bách: "Khuyết điểm chủ yếu từ trước đến nay, của mọi chủ nghĩa duy vật (kể cả chủ nghĩa duy vật của Phoi-ơ-bách) là sự vật, hiện thực, cái có thể cảm giác được, chỉ được nhận dươí hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức như là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn; không được nhận thức về mặt chủ quan. Bảo tồn là giữ gìn, là đặt các giá trị văn hóa vào thế ổn định. Tuy nhiên, bảo quản không hoàn toàn là cái phần tĩnh của văn hóa. Vấn đề là bảo quản như thế nào. Trong bảo quản đã hàm chứa sự tiếp nhận, sự vận động thông qua cách thức bảo quản. Xin nêu vài còn số tính đến tháng 4/2009: 1/3 số diện tích lịch sử và văn hoá ở Tp. Hồ Chí Minh bị xâm hại, Hà Nội có 300 di tích bị lấn chiếm, Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Hà Nội) để mất đến 298 cổ vật ở 40 di tích , tỉnh Phú Thọ mất 33 cổ vật ở 4 di tích… Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về di tích chỉ biết về một số những vụ việc sau khi đọc báo! Không còn di tích, truyền thống dân tộc không còn thể xác nương tựa, phải sống vật vờ trong kí ức cộng đồng và trong sự bàng quan của giới trẻ. Ngày nay, sự lên ngôi của văn học mạng đang đặt trách nhiệm của các nhà quản lí trước nhiều thách thức hơn. Thế giới mạng là thế giới ảo, trong đó, những mối quan hệ trở nên lung linh; cái xấu, cái giá ẩn mình, len lỏi và chực chờ khắp không gian mạng. Không gian mạng khiến cá nhân cảm thấy như vượt ra khỏi sự kiểm soát của pháp luật, thậm chí của đạo đức. Trong điều kiện ấy, cái phản giá trị vận hành bình đẳng với cái gái trị một cách tự do, ít sự kiểm soát nhất. Cái xấu có thể liên kết nhau tạo thành một mặt trận. Không gian tồn tại của chúng là ảo nhưng tác động thì không ảo chút nào. Văn học mạng là ví dụ rõ nhất về cái phần động của văn hóa. Chúng ta đang nói nhiều về phát triển bền vững. Thuật ngữ phát triển bền vững là kết quả của sự nhận thức về những nghịch lí trong phát triển: sự không tương thích giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, công nghiệp hoá và bảo vệ môi sinh v.v… Phát triển văn hóa cũng có những nghịch lí nội tại trong các cặp đối xứng: kế thừa và giao lưu, truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn bản sắc và hội nhập quốc tế v.v… Bảo tồn một khu rừng trong điều kiện luật pháp không nghiêm như hiện nay đã khó, bảo tồn một giá trị văn hoá trước vô vàn những tác động phi dân tộc lại càng khó hơn. Lấy tiếng Việt làm ví dụ. Tiếng mẹ đẻ đang gặp nhiều thử thách, có tờ báo gọi là "cưỡng bức". Tình hình có thể đã diễn ra khi văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Hán đầu công nguyên, với văn minh Pháp đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh hiện nay, những phương tiện thông tin hiện đại đã khiến vấn đề phức tạp hơn nhiều. Thứ tiếng Việt nửa ta nửa Tây trở thành ngôn ngữ giao tiếp của các cộng đồng mạng, của sáng tác âm nhạc và văn học. Đối với lớp trẻ, tiếng Việt như bộ đồng phục của người nhà quê, nghèo nàn, tội nghiệp; nó không đủ từ vựng để chuyển tải sự lịch lãm và sang trọng của giới "sành điệu". Toàn cầu hoá khiến không gian văn hoá dân tộc trở thành chiếc ao làng tù đọng. Nước ngoài trở thành một giá trị định hướng. Học ở nước ngoài, làm cho nước ngoài, hưởng lương nước ngoài, đi nước ngoài, tên nước ngoài v.v… và cả nói tiếng nước ngoài. Mốt lấy chồng nước ngoài thay cho sự kì thị của nhiều năm trước đây. Một số ca sĩ "chêm" tiếng nước vào nghệ danh. Bài hát tiếng Việt cũng có chữ nước ngoài. Hiện nay, ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam chọn Mỹ và các nước châu Âu làm điểm đến. Rồi sẽ đến lúc chuyển giao trách nhiệm và quyền lực lãnh đạo đất nước từ thế hệ học tập ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào tay thế hệ học tập ở Mỹ và các nước Tây Âu. Sự chuyển giao về văn hóa có thể sẽ là khởi điểm cho chuyển giao chính trị. Những trường học quốc tế mở ra cho lứa tuổi dưới 18 chắc chắn không tạo ra mô hình nhân cách như chúng ta mong muốn và lộ trình phát triển của mô hình nhân cách ấy thật khó hình dung. Nhiều người coi việc trẻ em du học hay học ở các trường quốc tế (cũng là một kiểu du học tại chỗ) như một thứ tị nạn: tị nạn giáo dục, tị nạn văn hóa! Cách nói này có thể là sự tố cáo tính chất đày ải học sinh của chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, cũng có thể phản ánh sự xung đột dữ dội về mô hình nhân cách của nền giáo dục nước ta và giáo dục của các nước, dĩ nhiên là các nước tư bản. Thay đổi nội dung giáo dục đưa đến thay đổi sản phẩm của giáo dục, thay đổi sản phẩm giáo dục là mầm mống của việc thay đổi một chế độ xã hội. Xâm lăng quân sự thì bị lên án và chống trả nhưng xâm lăng kinh tế và văn hóa lại tạo ra sự ngưỡng mộ và bắt chước. Như vậy, giao lưu văn hóa, hiện đại hoá, phát huy di sản, hội nhập quốc tế là để phát triển nhưng cũng giống như công nghiệp hóa, chúng có thể huỷ hoại những cánh rừng văn hoá nguyên sinh hàng nghìn đời nay của dân tộc, tạo ra những sa mạc mênh mông của sự mất gốc, lai căng. Như vậy, phát triển văn hoá cũng phải đảm bảo tính bền vững. Phát triển văn hóa bền vững là sự phát triển cân đối giữa kế thừa và giao lưu, truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn bản sắc và hội nhập quốc tế. Nếu thế hệ cha ông đối xử bất công với di sản quá khứ thì người trả giá là thế hệ con cháu. Bền vững nghĩa là hướng tới tương lai, hành động cho tương lai. Hướng tới tương lai nên không thể nhìn sự vật, hiện tượng trong trạng thái tĩnh. Văn hoá có tính lan toả. Phản văn hoá cũng vậy. Lí thuyết ô kính vỡ cho thấy điều này, nó phản ánh tính động của văn hóa. Nếu một ô cửa kính vỡ mà không được sửa kịp thời, mọi người sẽ thấy đấy là bình thường và đó là mầm mống của những ô kính vỡ tiếp theo. Điều này dường như tuyệt đối đúng với chuyện đổ rác, phóng uế, họp chợ chiếm lòng lề đường, tham nhũng, xâm hại di tích và rất nhiều tiêu cực khác. Một mẩu rác không được dọn kịp thời có thể biến thành đống rác. Thật lạ lùng khi nhiều hành vi phản văn hoá giống nhau nảy sinh mang tính dây chuyền mặc dù công luận đang lên án gắt gao: hàng loạt vụ làm nhục học sinh đến mức các em bị sang chấn tâm lí xảy ra liên tiếp. Như vậy, xây dựng và phát triển văn hoá, kế thừa truyền thống và giao lưu quốc tế, giữ gìn bẳn sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại v.v… tất cả đều vận hành trong một hệ thống động và mở, trong một không gian đa bản sắc. Quản lí văn hoá thực chất là quản lí phát triển văn hóa, giải quyết quan hệ của các cặp tương tác: cái kinh tế và cái văn hóa, phát triển và phản phát triển, giá trị và phản giá trị, truyền thống và hiện đại, sản xuất và tiêu dùng văn hóa, v.v… Quản lí phát triển văn hóa là nhìn văn hóa trong trạng thái động, lấy đời sống văn hoá cùng với sự vận hành của giá trị văn hóa là đối tượng quản lí, hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển con người. Quản lí phát triển văn hóa yếu kém sẽ đưa đến những phức tạp cho việc quản lí phát triển xã hội nói chung. Chệch hướng trong phát triển văn hóa nhiều hệ luỵ hơn, khó khắc phục hơn và thời gian khắc phục lâu hơn chệch hướng phát triển kinh tế. Ở nước ta, đô thị hóa đang bùng phát, nếu chỉ đặt vấn đề quản lí đô thị chứ không phải là quản lí phát triển đô thị, chúng ta sẽ còn phải chạy đuổi theo việc giải quyết những hệ luỵ của phát triển đô thị. Quản lý phát triển xã hội nói chung và phát triển văn hóa nói riêng đã được chú trọng ngay ở các nước trong khu vực cách đây 3-4 thập kỷ. Philippines có Bộ Dịch vụ và Phát triển xã hội. Singapore có Bộ Phát triển cộng đồng, du lịch và thanh niên. Singapore nổi tiếng như một thành phố đẹp và trật tự là vì vào thập kỷ 1970 họ đã mời chuyên gia phát triển cộng đồng từ Israel đến tập huấn cho cán bộ phát triển đô thị từ khu phố trở lên về phương pháp giáo dục và tổ chức người dân để họ tự ý thức và tự quản. Ở Việt Nam, quản lí phát triển văn hóa không phải là điều mới nhưng đặt vấn đề một cách trực tiếp và trở thành ý thức trong các cơ quan quản lí nhà nước về văn hoá thì dường như chưa thật rõ. Quản lí phát triển văn hóa là một cách thức quản lí phát triển xã hội - một hướng nghiên cứu cần được quan tâm. . vận động tương tác và chuyển hóa cho nhau. Quan niệm trên đặt ra yêu cầu về quản lý phát triển văn hóa. Quản lý phát triển văn hoá là một bộ phận của quản lí phát triển xã hội. Đây một yêu cầu. Nói cách khác, văn hóa luôn vận động và biến đổi, nên quản lí văn hóa chính là quản lí cái phần động, biến đổi ấy: quản lí phát triển văn hoá. Thiếu quản lí phát triển văn hóa sẽ không thể. cao nhất là phát triển con người. Quản lí phát triển văn hóa yếu kém sẽ đưa đến những phức tạp cho việc quản lí phát triển xã hội nói chung. Chệch hướng trong phát triển văn hóa nhiều hệ luỵ

Ngày đăng: 13/08/2014, 14:21

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan