Tiểu luận Đề tài: " VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI " VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI NGUYỄN VĂN THỨC (*) Bài viết góp phần làm rõ thêm những nội dung cơ bản của khái niệm trách nhiệm xã hội và vai trò của nhà nước trong việc tổ chức và thực thi trách nhiệm xã hội. Theo tác giả, vai trò đó của Nhà nước thể hiện tập trung ở những điểm: 1) Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của đời sống xã hội; 2) Xây dựng và đảm bảo thực hiện các chính sách xã hội; 3) Quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 4) Đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cho xã hội; 5) Thực hiện phân phối các nguồn lực và lợi ích một cách công bằng; 6) Đại diện cho quốc gia tham gia tích cực vào các hoạt động chung của khu vực và thế giới. Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là những yếu tố quan trọng quyết định sự ổn định xã hội. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một trong những vấn đề quan trọng trên - đó là vai trò của nhà nước và vấn đề trách nhiệm xã hội. Để góp phần làm rõ vấn đề này, trước hết cần phải làm rõ trách nhiệm xã hội là gì và nhà nước có vai trò như thế nào trong việc tổ chức và thực thi trách nhiệm xã hội? Theo nghĩa thông thường, trách nhiệm được hiểu là điều phải làm, phải gánh vác, hoặc phải nhận lấy về mình. Trách nhiệm thuộc phạm trù đạo đức học và luật học, phản ánh thái độ xã hội đặc biệt và thái độ đạo đức – pháp luật của cá nhân đối với xã hội (đối với nhân loại nói chung); thái độ này biểu thị sự hoàn thành nghĩa vụ đạo đức của mình và các tiêu chuẩn pháp luật. Phạm trù trách nhiệm bao quát vấn đề triết học – xã hội học về mức độ năng lực và khả năng của con người thể hiện ra với tư cách chủ thể (người làm ra) của những hành động của mình, cũng như những vấn đề cụ thể hơn, như khả năng của con người có thể thực hiện một cách tự giác (có chủ ý, tự nguyện) những nhu cầu nhất định và hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho mình, thực hiện một sự lựa chọn đúng đắn; đạt tới một kết quả nhất định, cũng như các vấn đề có liên quan khác: sự đúng đắn hay tội lỗi của con người, khả năng tán thành hay lên án những hành vi của họ, khen thưởng hay trừng phạt… Trong các học thuyết về đạo đức và pháp quyền, người ta thường xem xét trách nhiệm trong mối liên hệ với tự do. Nhưng, ngoài chủ nghĩa Mác, vấn đề đó thường được giải quyết một cách trừu tượng và lệ thuộc vào việc trả lời câu hỏi: nói chung, liệu có thể coi con người là tự do trong những hành động của mình hay không. Trong chủ nghĩa Mác, vấn đề trách nhiệm mang tính lịch sử - cụ thể và được giải quyết trên cơ sở phân tích mức độ tự do hiện thực của con người trong những điều kiện lịch sử nhất định. Việc xây dựng một xã hội không có bóc lột, không có những giai cấp thù địch, việc áp dụng nguyên lý tự giác một cách có kế hoạch vào đời sống xã hội, việc làm cho quần chúng nhân dân quen với việc tự quản lý xã hội và sáng tạo lịch sử sẽ tăng cường mạnh mẽ mức độ tự do của cá nhân và đồng thời, tăng cường trách nhiệm xã hội và đạo đức của mỗi người. Trong pháp luật xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm công dân, trách nhiệm hành chính và hình sự của kẻ vi phạm pháp luật được xác định không phải bằng con đường vạch ra cấu tạo của tội phạm một cách thuần tuý hình thức, mà phải tính đến tình hình giáo dục, đời sống và hoạt động của người đó, mức độ nhận thức tội lỗi và khả năng sửa chữa trong tương lai. Điều đó làm cho trách nhiệm pháp lý xích gần lại với trách nhiệm đạo đức. Trong đạo đức cộng sản chủ nghĩa, trách nhiệm của cá nhân không chỉ bao hàm những hành vi đã làm, mà cả sự nhận thức của cá nhân về lợi ích của xã hội nói chung, nghĩa là xét đến cùng, nhận thức được các quy luật phát triển của lịch sử. Như vậy, có thể nói, trách nhiệm xã hội bao gồm ba nội dung cơ bản là: - Thứ nhất, quan hệ giữa người với người cùng chung sống, hợp tác khoan dung với nhau trong xã hội. - Thứ hai, sự gắn bó (đoàn kết, cố kết) giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội. - Thứ ba, trách nhiệm phải đóng góp vào sự bảo vệ và phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Sự đóng gớp này được thể hiện ở ba mức độ: tự nhiên, tự nguyện và nghĩa vụ. Nhà nước là một yếu tố cấu thành xã hội, đồng thời cũng là chủ thể cơ bản, quan trọng nhất trong quản lý và điều hành sự tồn tại, phát triển xã hội. Đây chính là vai trò, chức năng xã hội, đồng thời cũng là trách nhiệm xã hội của nhà nước, tức điều mà nhà nước phải làm, phải gánh vác, hoặc nhận lấy về mình. Trách nhiệm xã hội của nhà nước do nguồn gốc và bản chất của nó quy định. Nguồn gốc và bản chất của nhà nước, như Ph.Ăngghen đã vạch rõ, “là sản phẩm của các xung đột giai cấp không thể điều hoà”, “chẳng qua chỉ là một bộ máy của giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác”(1). Còn “chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiên chức năng xã hội đó của nó”(2). Như vậy, nhà nước, một mặt, là bộ máy cưỡng chế đặc biệt, là công cụ quan trọng nhất để duy trì sự thống trị và bảo vệ lợi ích giai cấp; mặt khác, trong xã hội có giai cấp đối kháng thì nhà nước của giai cấp thống trị còn phải nhân danh xã hội đảm bảo cho xã hội ở trong trạng thái “trật tự”. Nói cách khác, nhà nước vừa có tính giai cấp, vừa có tính xã hội. Để đảm bảo lợi ích giai cấp của mình, nhà nước cần phải đưa ra những phương hướng, biện pháp nhằm tác động một cách tổng thể đến các vấn đề liên quan tới cộng đồng xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng và của xã hội. Đây chính là những nhiệm vụ cơ bản trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà nước đối với cộng đồng, với xã hội. Theo chúng tôi, vai trò, trách nhiệm xã hội đó của nhà nước được thể hiện ở một số nhiệm vụ cơ bản sau: 1) Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của đời sống xã hội. Pháp luật là công cụ chủ yếu, quan trọng nhất để nhà nước thực hiện vai trò quản lý và điều hành xã hội. Để thực hiện tốt vai trò này, nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và ổn định nhằm, một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong xã hội yên tâm, tích cực tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội; mặt khác, phải bảo vệ những lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức xã hội hướng tới công bằng và tiến bộ xã hội. Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật phải đảm bảo và thoả mãn được các yêu cầu: đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, nhất quán, thông thoáng, nghiêm túc, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với Việt Nam, để xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ và ổn định, theo chúng tôi, cần dựa trên những nguyên tắc sau: - Một là, pháp luật phải cụ thể hoá những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sự tồn tại và phát triển của xã hội. - Hai là, pháp luật phải phù hợp với thực tế cuộc sống, bắt đầu từ cuộc sống và có sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của các thành viên trong cộng đồng xã hội. - Ba là, song song với việc xây dựng luật pháp, phải có hệ thống những giải pháp hợp lý, khả thi trong việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. 2) Xây dựng và đảm bảo thực hiện các chính sách xã hội. Chính sách xã hội luôn gắn liền với chế độ xã hội. Các xã hội khác nhau đều có những chính sách xã hội phù hợp với bản chất xã hội của mình; do đó, chính sách xã hội luôn có tính lịch sử - cụ thể và được giải quyết trên cơ sở những đặc thù của từng xã hội cụ thể, trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Ở Việt Nam, thực hiện các chính sách xã hội là sự cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, là việc thực hiện các lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nhằm tác động trực tiếp vào con người, hướng tới mục đích đảm bảo, thoả mãn ngày một tốt hơn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính sách xã hội thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của nhà nước, phản ánh bản chất của chế độ xã hội. Việt Nam là một nước đang phát triển, nhưng Nhà nước Việt Nam đã sớm có chủ trương phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời đặt chính sách xã hội trong sự phát triển kinh tế. Đây là giải pháp có hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là những chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” và “xoá đói giảm nghèo”. 3) Quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, ở Việt Nam, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường đang được nhìn nhận lại. Nhiều hàng hoá, dịch vụ trước đây từng là lĩnh vực độc quyền của khu vực quốc doanh ngày càng được khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cung ứng nhiều hơn. Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất, đặc biệt là sự phát triển của khoa học và công nghệ đã cho phép khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng sức cạnh tranh trên những thị trường vốn được xem là độc quyền tự nhiên của Nhà nước. Đây chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, dẫn tới nhà nước và thị trường cùng chia sẻ sự điều tiết phát triển kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(3). Nét đặc trưng của nền kinh tế này được quy định bởi điều kiện kinh tế cụ thể, cũng như mục tiêu phát triển xã hội của Việt Nam - đó là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mục tiêu này cũng chính là định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ đặc thù của Nhà nước Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều so với các nước khác phát triển kinh tế theo con đường không phải xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên việc kết hợp một cách hợp lý giữa sự quản lý của Nhà nước và sự điều tiết của cơ chế thị trường. Sự kết hợp này không chỉ đơn thuần là xác định những lĩnh vực nào Nhà nước cần làm và những lĩnh vực nào Nhà nước không nên làm, mà còn là sự kết hợp, kiểm kê, kiểm soát, điều chỉnh và định hướng thường xuyên sự phát triển của nền kinh tế theo hướng tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội. Về thực chất, định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển kinh tế là sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình phát triển và hoàn thiện nền kinh tế. Để thực hiện tốt vai trò này, Nhà nước tác động đến sự phát triển của nền kinh tế không chỉ thuần tuý bằng sức mạnh kinh tế của mình, mà còn với tư cách chủ thể quản lý và điều hành mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, bằng tất cả lực lượng, sức mạnh tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội. 4) Đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. Phục vụ xã hội và đảm bảo xã hội là hai chức năng xã hội cơ bản của nhà nước. Với vai trò là chủ thể quản lý và điều hành xã hội, Nhà nước ta có trách nhiệm đảm bảo các dịch vụ công cho xã hội thông qua hai phương thức sau: - Trực tiếp cung ứng các dịch vụ công thông qua hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích hoặc các đơn vị sự nghiệp. - Uỷ nhiệm dịch vụ công cho các tổ chức xã hội thực hiện. Ngoài những loại dịch vụ mà Nhà nước cần phải trực tiếp nắm giữ vì lợi ích của toàn xã hội và để giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, những loại dịch vụ công còn lại được Nhà nước chuyển giao cho các tổ chức xã hội không thuộc khu vực nhà nước thực hiện dưới sự kiểm soát bằng công cụ pháp luật và các đòn bẩy kinh tế và có thể mua lại các dịch vụ công của các tổ chức xã hội để giữ quyền phân phối, đảm bảo dịch vụ công cho xã hội ngày càng đa dạng và ổn định. 5) Thực hiện quá trình phân phối nguồn lực và lợi ích theo nguyên tắc đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Vai trò của Nhà nước trong phân phối thể hiện ở nhiều góc độ: thiết lập các khuôn khổ pháp luật nhằm điều tiết, đa dạng hoá các hình thức phân phối theo nguyên tắc cơ bản là phân phối theo lao động kết hợp với sự phân phối theo mức độ đóng góp vốn, các nguồn lực khác và sự cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình phân phối, sử dụng các công cụ của mình để trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp vào quá trình phân phối nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết quá trình phân phối thông qua một số công cụ quan trọng sau: - Phân phối bằng công cụ thuế. - Phân phối qua ngân sách Nhà nước. - Phân phối qua hệ thống tín dụng. - Phân phối qua hệ thống an sinh xã hội. 6) Đại diện cho quốc gia, dân tộc tham gia vào các hoạt động chung của khu vực và thế giới. Đồng thời với nhiệm vụ đảm bảo lợi ích dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia, Nhà nước còn phải đại diện cho quốc gia, dân tộc tham gia vào các hoạt động chung của thế giới một cách tích cực và chủ động nhằm mục đích xây dựng một thế giới văn minh, hoà bình, hữu nghị và phồn vinh. Để hoàn thành tốt vai trò to lớn trong việc tổ chức và thực hiện trách nhiệm xã hội, Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục đổi mới để thực hiện một cách có hiệu quả việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.r (*) Tiến sĩ, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.22. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.290 – 291. (2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.253. (3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.82. . Tiểu luận Đề tài: " VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI " VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI NGUYỄN VĂN THỨC (*) Bài viết. thêm những nội dung cơ bản của khái niệm trách nhiệm xã hội và vai trò của nhà nước trong việc tổ chức và thực thi trách nhiệm xã hội. Theo tác giả, vai trò đó của Nhà nước thể hiện tập trung. chỉ đề cập tới một trong những vấn đề quan trọng trên - đó là vai trò của nhà nước và vấn đề trách nhiệm xã hội. Để góp phần làm rõ vấn đề này, trước hết cần phải làm rõ trách nhiệm xã hội