Tây Sơn trong lòng người Việt - Cai Văn Khiêm “Ðây là cảm nghĩ riêng của một người dân Bình Định khi nhớ đến ngày Tây Sơn. Cảm nghĩ này chỉ là quan điểm của một cá nhân dựa trên những sự kiện lịch sử ghi lại. Nếu những chi tiết lịch sử có phần khiếm khuyết, đó là ngoài ý muốn của người viết, mong độc giả thông cảm”. "Nay ta giao việc quân quốc mười một trấn ở Bắc Hà cho các khanh, cho phép các khanh được tiện nghi hành sự. Nhưng phải hội đồng thương nghị với nhau, đừng lấy lẽ mới cũ mà chống đối. Ấy là chỗ hậu vọng của ta." (Vua Quang Trung, 1788) (1) Ngày xuân năm Kỷ Dậu, hơn 200 năm trước đây, nhà Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung, đã đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi Việt Nam.Cuộc chiến quyết định tại trận Ðống Ða đã đánh bại 200.000 quân Thanh, khiến Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ, quên mặc áo giáp, không kịp thắng yên ngựa, quên luôn cả ấn tín cùng tàn quân chạy về Trung hoa. Cuộc chiến thắng này đã khiến vua Càn Long nhà Thanh phải kinh hãi từ bỏ mộng xâm chiếm Việt Nam, và Việt Nam chúng ta duy trì sự độc lập. Sau khi nhà Tây Sơn suy vong, triều đình nhà Nguyễn cố gắng che dấu những sự kiện về nhà Tây Sơn. Nhưng những chiến công của vua Quang Trung và nhà Tây Sơn vẫn được nhân gian truyền tụng, và là những trang sử rực rỡ trong lịch sử Việt Nam. Hơn hai trăm năm nay, người dân Việt nói chung, và dân Bình Định nói riêng, vẫn ngưỡng mộ nhà Tây Sơn và chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu, nhất là đối với vua Quang Trung, người đã bao lần đánh nam dẹp bắc thống nhất quốc gia và giữ vững sơn hà. Ngoài ra công sức của vua Thái đế Nguyễn Nhạc, Ðông Ðịnh vương Nguyễn Lữ, và các chiến sĩ Tây Sơn luôn luôn được nhắc tới trong niềm kính ngưỡng. Người dân Bình Định bao nhiêu năm qua luôn luôn tưởng nhớ đến công trình của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ nói riêng và nhà Tây Sơn nói chung. Tuy nhiên, suốt 150 năm dưới thời nhà Nguyễn, lòng kính ngưỡng chỉ được truyền miệng, và việc thờ cúng nhà Tây Sơn chỉ được giữ trong tâm. Sau khi hành hạ các chiến sĩ nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn vẫn luôn luôn đàn áp và cấm đoán sự tôn kính đối với nhà Tây Sơn, chỉ mong lòng dân quên lãng kẻ cựu thù của họ. Việc đàn áp của nhà Nguyễn vẫn không làm người dân Bình Định quên đi những vị anh hùng này, dân chúng quận Bình khê vẫn thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn trong vòng bí mật nơi một ngôi đình nhỏ ở làng Kiên mỹ. Người dân nơi đây mỗi khi đi qua đình kính cẩn gỡ nón cúi đầu tỏ lòng kính mến những vị anh hùng áo vải cờ đào (1). Sau khi nhà Nguyễn thoái vị, việc thờ cúng trở nên chính thức. Ngôi đình thờ này được xây lại, căn giữa thờ vua Quang Trung, hai bên thờ vua Thái Ðức và Ðông Ðịnh vương. Một tượng bán thân của vua Quang Trung cũng đã được dựng lên nơi trước đền thờ. Ngày kỵ của ba anh em Tây sơn theo thường lệ được tổ chức vào ngày rằm tháng 11 Âm lịch. Nhưng ngày lễ Ðống Ða thì được tổ chức long trọng vào ngày mồng năm Tết. Người dân Việt Nam, nhất là những người từ các tỉnh miền Trung, nô nức về tụ tập nơi ngôi đền thờ Tây Sơn để tưởng nhớ vua Quang Trung, và xem ngày lễ kỷ niệm Ðống Ða. Như thế, ngày mồng năm Tết chẳng những là ngày kỷ niệm chiến thắng Ðống Ða, mà còn được xem như ngày kỷ niệm Tây Sơn nữa. Chúng ta sẽ tự hỏi tại sao ngày mồng năm Tết được dân Bình Định quan tâm đến như vậy. Ngày Tây Sơn có ý nghĩa gì mà người dân Việt Nam không ngại đường xa, nô nức về thật đông đảo để viếng một căn đình nhỏ, và để xem tế lễ vua Quang Trung và các tướng sĩ. Có lẽ lý do thực tiễn nhất là ngày Tây Sơn được tổ chức vào ngày mồng năm Tết. Ði dự lễ Tây Sơn là một cơ hội tốt để mọi người rủ nhau đi chơi xuân và nhân tiện viếng thăm di tích lịch sử. Lý do thứ nhì: người dân chúng ta muốn về đây để tưởng nhớ đến chiến thắng oai hùng của vua Quang Trung. Nhất là những người thanh niên trẻ, họ đến đây với lòng tràn đầy nhiệt huyết. có thể họ đã mơ làm người Tây Sơn, tưởng nhớ đến cảnh vua Quang Trung, áo ngự bào nhuộm đen màu thuốc súng, đốc quân dẹp tan quân xâm lược nhà Thanh. Nhà Tây Sơn khởi nghĩa trong ý thức quật cường, mơ có ngày trừ bạo quyền, đem bình an đến cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị chu đáo, và được sự ủng hộ của nhiều nhân sĩ miền Trung. Ngoài ba anh em Tây Sơn, nội bộ phong trào Tây Sơn khi khởi nghĩa, còn có nhiều văn nhân và võ tướng. Bên võ có Thất Hổ tướng, gồm có Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc. Bên văn có Lục Kỳ sĩ , gồm có Võ Xuân Hoài, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, La Xuân Kiều, Triệu Ðình Thiệp và Cao Tắc Tửu. Ngoài Thất Hổ tướng và Lục Kỳ sĩ ra còn có những bậc nữ lưu. Các nữ tướng này được gọi là Ngũ Phụng Thư gồm có Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc. Ngoài những vị công thần kể trên, còn có các tướng sĩ khác, và lực lượng của người Thượng và người Việt gốc Hoa tham dự. Họ đã đóng góp không nhỏ cho sự thành công của nhà Tây Sơn.(1) Nhà Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung đã lấy võ lược để dựng nghiệp, lấy nhân tâm mà trị nước. Hoàn cảnh đất nước khó khăn, vua Quang Trung đánh nam dẹp bắc, giữ vững sự độc lập của nước Việt, và khi lên ngôi Hoàng đế trị nước với tấm lòng nhân hậu và độ lượng. Từ ngày khởi nghĩa, nhà Tây Sơn đã đánh tan bạo quyền Trương Phúc Loan và chúa Nguyễn để củng cố miền Nam, diệt trừ chúa Trịnh để chỉnh đốn triều đình phương Bắc, thống nhất sơn hà sau một cuộc phân chia Nam Bắc gần 200 năm. Vì tàn quân nhà Nguyễn miền Nam vẫn còn chiếm Gia định, âm mưu chiếm lại miền Nam, vua Quang Trung đã bốn lần vào Gia định đánh tan quân chúa Nguyễn, đuổi Nguyễn Ánh và bình định miền Nam. Sau nhiều lần bị đánh đuổi, Nguyễn Phúc Ánh trong lúc nguy nan đã quyết định chọn giải pháp cõng rắn cắn gà nhà, cầu viện vua Xiêm để đưa quân sang đánh Việt Nam. Nhà Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung lại một lần nữa phá tan hai vạn quân Xiêm và ba trăm chiến thuyền. Thất bại lớn, quân Xiêm chỉ còn mấy trăm lủi thủi chạy về. Sau khi bình định miền Nam, nhà Tây Sơn lại ra Bắc Hà ba lần để giải quyết những việc nhiễu nhương triều chính. Lần đầu tiên vua Quang Trung đưa quân ra Bắc diệt họ Trịnh và trao trả quyền hành lại cho vua Lê. Khi nhà Lê không giữ được quyền hành, nhà Tây Sơn lại một lần nữa đưa quân ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm, và một lần nữa chỉnh đốn triều đình giám quốc của nhà Lê. Không ngờ Lê Chiêu Thống, trong sự hoảng hốt, vô cớ đi cầu viện nhà Thanh. Một lần nữa, đất nước chúng ta lại lâm vào cảnh “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhà Tây Sơn lại một lần nữa dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung đã ra Bắc Hà để đánh đuổi hai trăm nghìn quân xâm lược nhà Thanh. Trước khi khai chiến, vua đã ra lệnh cho quân sĩ ăn Tết trước để đợi đến đêm trừ tịch tấn công quân Thanh, hẹn ngày mồng 7 tháng giêng sẽ ăn Tết Khai hạ. Ngài bảo cùng quân sĩ rằng: "xuân sang một là ăn Tết, hai là chịu chết, tướng sĩ hãy hết lòng cùng ta". (1) Kết quả, vua Quang Trung và quân Tây Sơn đã dánh tan quân xâm lược nhà Thanh trước kỳ hẹn hai ngày. Trong cơn hoảng hốt, nguyên soái nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị đã chạy về Tàu quên cả việc mang theo ấn tín. Ðây là lần duy nhất nước ta bị cảnh vua và chúa đưa quân ngoại bang về dày xéo quê hương vì quyền lợi tư. Cả hai lần quân xâm lăng đều bị quân Tây Sơn dẹp tan. Những chiến công hiển hách của nhà Tây Sơn là những trang sử rực rỡ, làm cho Trung hoa và Xiêm la đều khiếp sợ. Sử gia Trần Trọng Kim khi nhắc đến cuộc chiến thắng nhà Thanh năm 1789, đã cho rằng "từ xưa tới nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy" (2). Lời phê bình này hoàn toàn chính đáng vì đây là một chiến thắng thần tốc, đánh bại một đại cường quốc trong một triều đại cực thịnh: triều đại Càn Long. Trong hai mươi bốn năm từ ngày khởi nghĩa, vua Quang Trung và nhà Tây Sơn đánh nam dẹp bắc không ngừng, chỉ mong đem lại bình yên cho quốc gia, đem cái dũng để đánh ngoại bang, đem lòng nhân để trị thiên hạ, chỉ mong sao đất nước thái bình. Sử sách đều cho vua Quang Trung là bậc đại tài đại dũng. Nhưng trời không chiều lòng người, làm vua mới được bốn năm, khi vận nước chưa yên, vua Quang Trung lại mất đi khi chỉ mới 40 tuổi. Từ khi vua Quang Trung băng hà, nội bộ nhà Tây Sơn lại càng chia rẽ. Những mối chia rẽ trước đây của anh em Tây Sơn là điều đáng buồn, nay lại thêm triều chánh phân chia bè đảng. Sự chia rẽ là lý do chính gây ra sự suy vong của nhà Tây Sơn trong những năm sau cùng. Ðây là một bài học lớn cho chúng ta. Trong những năm đầu của triều đại Tây Sơn, mọi người đồng tâm hiệp sức dẹp tan bạo quyền và đánh đuổi quân xâm lược. Trong những năm cuối, triều đình chia rẽ, giết hại lẫn nhau và đánh mất những sự nghiệp hiển hách mà vua Quang Trung đã gầy dựng. Nhà Tây Sơn mất đi sau 24 năm chỉ vì sự phân chia bè đảng, giết hại lẫn nhau. Lịch sử Hoa kỳ, nơi mà chúng ta xem là một bà mẹ nuôi, cũng bắt đầu vào khoảng hai trăm năm trước đây, cũng cùng lúc với nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Mục đích của cuộc khởi nghĩa của người Mỹ cũng giống như mục đích của nhà Tây Sơn chúng ta: chống bạo quyền và đánh đuổi quân thực dân để giành quyền độc lập. Tổng thống Washington cũng đã trải qua bao nhiêu trận chiến đánh quân Anh, cũng giống như vua Quang Trung và nhà Tây Sơn đánh quân Xiêm đuổi quân Thanh. Nhờ lòng đoàn kết và sự hợp tác trong tinh thần dân chủ của mọi người, Mỹ quốc tìm được quyền độc lập và phát triển quốc gia này hơn hai trăm năm nay, để trở thành một đại cường quốc. Nhà Tây Sơn chỉ giữ được 24 năm chỉ vì thiếu lòng đoàn kết. Khi nhớ đến nhà Tây Sơn, chúng ta lại tưởng nhớ đến những chiến công hiển hách, và chúng ta lại buồn cho những cảnh vua Lê và chúa Nguyễn “cõng rắn cắn gà nhà” vì quyền lợi riêng tư. Chúng ta lại ngậm ngùi nhớ đến các chiến sĩ Tây Sơn kẻ thì bị lột da, người thì thiêu sống, mộ người chết phải quật lên. Hận thù mà làm chi! Thù oán cá nhân mà làm gì! Chúng ta chỉ buồn cho lòng thiếu độ lượng của vua nhà Nguyễn. Chúng ta lại cảm xúc cái đức độ của vua Quang Trung, cảm xúc cái độ lượng của ngài đối với vua tôi nhà Lê, kính trọng lòng nhân hậu của ngài đối với nhân sĩ Bắc Hà (2). Nhớ đến ngày Tây Sơn, lòng dân Việt chúng ta phấn chấn, hình dung đến vị đại anh hùng của dân tộc bao nhiêu lần đánh tan quân xâm lược. Nhiều khi chúng ta có thể mơ làm người lính Tây Sơn xung phong giết giặc, mơ có một ngày phục vụ quê hương. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng, những chiến công hiển hách ấy chỉ đạt được khi nhà Tây Sơn đoàn kết với nhau một lòng cứu nước. Và những giấc mơ của chúng ta chỉ có thể thành tựu khi chúng ta có thể ngồi với nhau trong tinh thần hợp tác. Nhớ đến nhà Tây Sơn, chúng ta hãy ngồi lại bên nhau trong tinh thần đoàn kết, xem đại cuộc làm trọng, và quên đi tham vọng cá nhân. Ngày nào chúng ta cắt bỏ được sự tị hiềm, lòng đố kỵ, thì ngày ấy người Việt chúng ta sẽ thương mến nhau hơn. Ngày nào chúng ta có thể ngồi với nhau trong tinh thần hợp tác, trong niềm thông cảm, trong tình đồng bào ruột thịt, ngày ấy những giấc mơ của chúng ta sẽ thành sự thực. Ngày ấy chúng ta sẽ không thẹn làm hậu duệ của vua Quang Trung. . Tây Sơn trong lòng người Việt - Cai Văn Khiêm “Ðây là cảm nghĩ riêng của một người dân Bình Định khi nhớ đến ngày Tây Sơn. Cảm nghĩ này chỉ là quan điểm. em Tây Sơn, nội bộ phong trào Tây Sơn khi khởi nghĩa, còn có nhiều văn nhân và võ tướng. Bên võ có Thất Hổ tướng, gồm có Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn. Tây Sơn trong những năm sau cùng. Ðây là một bài học lớn cho chúng ta. Trong những năm đầu của triều đại Tây Sơn, mọi người đồng tâm hiệp sức dẹp tan bạo quyền và đánh đuổi quân xâm lược. Trong