NGOẠI GIAO TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC THỜI TRẦN (thế kỷ XIII) – PHẦN 3 pps

6 573 1
NGOẠI GIAO TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC THỜI TRẦN (thế kỷ XIII) – PHẦN 3 pps

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Chương ba NGOẠI GIAO TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC THỜI TRẦN (thế kỷ XIII) – phần 3 III. ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO KẾT HỢP ĐẤU TRANH QUÂN SỰ ĐỂ ĐÁNH THẮNG XÂM LƯỢC Bọn vua chúa, tướng lĩnh Nguyên tuy cuồng chiến, tàn bạo, nhưng vẫn phải thận trọng trước sức mạnh và ý chí kiên cường của quân dân ta. Khi được lệnh xuất phát, chủ tướng Nguyên cho ngay sứ sang ta dọa dẫm để thăm dò thái độ. Sứ Nguyên đem thư sang đòi vua Trần phải chở quân lương sang Chiêm Thành cho quân Nguyên, và khi Trấn Nam vương Thoát Hoan đưa quân tới gần biên giới nước ta thì ta phải lên đón. Nhưng hắn đã không được đáp lại như ý muốn. Mới đi tới Hồ Nam, tức là còn rất xa biên giới nước ta, quân Nguyên đã được tin triều đình nhà Trần cho quân lên tăng cường phòng thủ biên giới, chứ không phải vua Trần lên biên giới để chờ đón chúng. Cũng vào lúc đó, sứ bộ nhà Nguyên sang Đại Việt trở về tới Hồ Nam, có một sứ bộ của nhà Trần đi cùng. Sứ ta sang Nguyên đưa thư của vua Trần gửi tướng Nguyên, trả lời dứt khoát rằng từ nước ta tới Chiêm Thành, đường thủy, đường bộ đều không thuận tiện cho việc vận chuyển lương thực. Dùng ngoại giao đe dọa không có kết quả, giặt chuyển sang dò xét công cuộc chuẩn bị kháng chiến của ta. Chưa đi khỏi tỉnh Hồ Nam, chủ tướng Nguyên Thoát Hoan lại nhận được thư của vua Trần. Giặc nhiều lần đưa thư sang nói chúng đem quân xuống biên giới không phải để đánh ta, nay ta đưa thư báo chúng là ta đem quân lên biên giới cũng không phải để đánh chúng, mà vì sắp đến kỳ nộp cống vào tháng 10 tới (tức tháng 11 năm 1284) nên sửa soạn trước, “đinh lực”, có nghĩa là sửa soạn trước lực lượng để phục vụ việc cống nạp đó. Trong thư, vua Trần còn nhắt là khi nào Trấn Nam vương đem quân tới biên giới thì báo cho ta biết. Chủ trương, phương sách đấu tranh ngoại giao của nhà Trần vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, không từ chối mà là từ chối. Giặc biết ta điều quân chuẩn bị đánh chúng, mà phải chịu, không trách cứ vào đâu được. Chủ tướng giặc đành cho người đem thư đáp lại không dám nói gì đến những hoạt động của quân ta ở biên giới mà chỉ nhắc lại yêu sách cũ: mở đường cho chúng đi, chuẩn bị lương thực và đón tiếp Thoát Hoan. Ta không trả lời. Quân Nguyên xuống tới châu Tư Minh, gần biên giới nước ta, Thoát Hoan lại gửi thư cho vua Trần, chúng vẫn muốn dùng ngoại giao để lừa dối nhân dân ta. Triều đình nhà Trần một mặt sơ tán ra khỏi kinh thành, chuẩn bị chiến đấu, một mặt cho sứ đưa thư trả lời Thoát Hoan. Lần này vua Trần dứt khoát đòi chúng rút quân, phải làm theo chiếu văn của vua tháng năm 1261 là: “Đã cấm biên tướng không được đem quân xâm phạm bờ cõi nước khanh, làm rối loan nhân dân nước khanh”. Sứ bộ ta gặp bọn Thoát Hoan khi chúng đã vượt biên giới tiến sang. Nhưng tất cả các đường vào đều có quân ta chặn giũ. Quân Nguyên phải cho người đi theo sứ ta cầm thư sang nói: “Sở dĩ tiến quân thật vì Chiêm Thành, không phải vì An Nam” để yêu cầu ta lui quân, mở đường cho chúng tiến vào. Thấy mọi ngả đường đều có quân ta án ngữ, sứ Nguyên hoảng sợ, quay trở lại, không dám sang. Thấy quân ta bố trí phòng thủ nghiêm ngặt, tướng Nguyên không dám hành động liều lĩnh. Chúng đưa thư sang ta, yêu cầu thu quân, mở đường cho chúng đi vào nghênh tiếp chủ tướng Thoát Hoan của chúng. Thư đưa tới, bên ta không trả lời. Thoát Hoan lại đích thân hạ lệnh đưa thư sang ta lần nữa. Ta cũng không trả lời. Hai lần đưa thư dụ ta thu quân không được, địch dốc toàn lực tiến công. Kế hoạch của quân ta lúc này là chưa đánh lớn, chỉ dùng đoản binh giao chiến với giặc đến một chừng mực nào đó rồi rút đi. Vì vậy giặc vẫn tiến được, nhưng bị thiệt hại nhiều. Khi tới Vạn Kiếp, chủ tướng giặc viết thư trách triều đình nhà Trần để cho Hưng Đạo Vương đem quân chống lại, bắn quân chúng bị thương. Nếu thương vong, tổn thất không nhiều, thì chúng không phải kêu la, viết thư trách móc như vậy! Quân ta đã thực hiện tốt kế hoạch vừa lui quân vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt, khiến quân Nguyên càng tiến sâu vào nội địa nước ta, lực lượng chúng càng hao mòn, sức chiến đấu chúng càng giảm sút. Tại gần nơi giặc đóng quân, ta cho rải "truyền đơn" phản đối hành động xâm lược của chúng, chủ yếu là nói với Thoát Hoan, đại ý là: "Chiếu trước nói rằng: lệnh riêng cho quân không vào nước người, thế mà nay lấy cớ Chiêm Thành phản phúc, phái đại quân tới nước ta, tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai lầm của thái tử, không phải nước ta sai lầm. Không nên làm khác với chiếu trước. Hãy rút đại quân về”. (Nguyên sử. q.209: An Nam truyện). Chủ tướng giặc vội gửi thư sang ta, vừa phân trần, vừa trách móc, vừa dụ dỗ, vừa đe dọa. Chúng trách vua Trần: “Triều đình điều binh đánh Chiêm Thành, nhiều lần gửi thư bảo mở đường, chuẩn bị lương thực, không ngờ cố ý trái mệnh triều đình, để cho Hưng Đạo Vương đem binh nghênh chiến, bắn bị thương quân ta" (Nguyên sử. q.209: An Nam truyện). Rồi chúng lại dụ dỗ những điều cũ là lui quân, mở đường, đón tiếp chúng. Cuối thư chúng dọa: "Nếu không, đại quân sẽ đóng lại ở An Nam, mở phủ”(Nguyên sử. q.209: An Nam truyện). Mở phủ là mở phủ đô hộ, là thống trị nước ta, vì vậy bên ta không thèm trả lời. Giữa tháng 2 năm 1285, giặc tiến tới gần kinh thành Thăng Long. Vua Trần cho tướng Đỗ Khắc Chung đi sứ sang trại giặc giả tiếng cầu hòa, để tìm hiểu tình hình giặc. Đỗ Khắc Chung sang trại giặc mới gặp tướng giặc là Ô Mã Nhi, còn chưa gặp Thoát Hoan. Khi Đỗ Khắc Chung đã về rồi, Ô Mã Nhi tiếc không bắt giữ Đỗ Khắc Chung, nên cho quân đuổi theo, nhưng không kịp. __________________ Ngay sau đó vua Trần cho sứ mang thư cho Thoát Hoan, yêu cầu rút quân về nước. Tướng giặc đưa thư đáp lại trách vua Trần cự chiến. Không chờ ta trả lời chúng cho quân tiến công. Nhưng vua Trần đã cho quân rút lui. Trước khi rút, vua Trần lại cho sứ sang đòi quân Nguyên rút về nước. Trong suốt quá trình chiến tranh, triều đình nhà Trần luôn luôn cho sứ sang bên giặc vạch rõ việc chúng đưa quân xâm lược nước ta là phi nghĩa, đòi chúng phải rút quân về. Việc không ngớt vạch tội phi nghĩa của giặc chắc chắn đã tác động nhiều đến tinh thần toàn quân giặc, làm giảm sút ý chí chiến đấu vì mục đích xâm lược của chúng. Nhận được thư của vua Trần từ Thăng Long gửi tới chủ tướng giặc đáp lại bằng một bức thư chiêu dụ rồi điều quân tới Thăng Long. Khi vào thành, chúng đâm hoảng sợ. Kinh thành Thăng Long hoàn toàn trống rỗng, không một bóng người, không một đấu lương. Chúng chỉ nhặt được "Mấy tờ chiếu cáo, điệp văn của Trung thử (tức của triều đình nhà Nguyên) bị xé bỏ”(Nguyên sử, q.209.) mà vua Trần đã cho vứt lại để giặc thấy rằng ta coi khinh những chiếu sắc, điệp văn của vua chúa nhà Nguyên, mọi thư từ lệnh chỉ của kẻ xâm lược đối với ta đều không có giá trị. Vua Trần cũng để lại cho giặc nhặt được "một số giấy tờ do các biên tướng nam bắc báo tin tức quan quan quân và tình hình cự địch”(Nguyên sử, q.209.), để giặc thấy quyết tâm đánh giặc giữ nước của quân và dân ở khắp nước ta. Ngoài những giấy tờ trên, giặc thấy chỗ nào cũng treo bảng hiệu triệu nhân dân liều chết đánh giặc. Các tướng giặc không thể không chột dạ. Chúng thấy rõ quyết tâm kháng chiến của quân dân ta, nhưng không hiểu tại sao ta bỏ kinh thành, một việc làm ít thấy khi chúng đi xâm lược các nước khác: quốc đô bao giờ cũng được các nước bị xâm lược cố thủ đến cùng. Tướng nhà Nguyên đã đưa quân vào thành Thăng Long, nhưng không yên tâm đóng quân trong thành, sợ bị quân ta đánh úp. Giặc lại rút hết ra khỏi kinh thành, không phải để đóng ở bên ngoài thành, mà vượt sông Hồng, sang hẳn bên bờ bắc, tức bên phía Gia Lâm. Giặc dò biết vua Trần đưa đại quân xuống Thiên Trường (Nam Hà), Trường Yên (Nình Bình ngày nay), chúng dồn toàn quân đuổi theo. Để bảo đảm cho quân ta ở Thiên Trường, Trường Yên rút đi nơi khác an toàn, vua Trần dùng mưu cầu hòa để giặc ngừng tiến quân, tạm thời hoãn chiến. Thi hành mưu kế đó, vua Trần cho sứ sang bên quân Nguyên gặp Thoát Hoan để cầu hòa. Thoát Hoan bắt giữ sứ của ta ý muốn uy hiếp ta, ép ta phải thật sự cầu hòa. Hắn cũng cho sứ vào Thiên Trường dụ vua Trần, nếu cầu hòa thì vua Trần phải thân sang bên quân Nguyên để cùng bàn định. Tất nhiên là vua Trần không nghe. Trong thời gian sứ hai bên đi lại về việc cầu hòa, những cuộc giao tranh giữa hai bên không có, quân ta ở Thiên Trường lặng lẽ rút cả ra biển. Chỉ còn một bộ phận nhỏ cùng vua Trần ở lại Thiên Trường để tiếp sứ Nguyên. Khi sứ Nguyên đi khỏi thì bộ phận cuối cùng này cũng rút hết. Toàn bộ đạo quân của vua Trần ở Thiên Trường, Trường Yên rút lui không gặp trở ngại gì, khi giặc biết thì việc đã rồi. Giặc phải nhận là vua Trần đã "cử quốc hàng hải"(Diêu toại: Mục am tập (sách thời Nguyên).), đưa cả nước đi ra biển. Điều đó chứng tỏ đạo quân của vua Trần ở Thiên Trường, Trường Yên là một đạo quân lớn và đã rút lui ra biển an toàn. Tháng 7 năm 1285, cuộc chiến tranh xâm lược thứ hai của giặc Nguyên chấm dứt. Quân dân ta đại thắng. Quân giặc đại bại, số quân Nguyên bị giam giữ làm tù binh ở Đại Việt có tới hàng vạn người, đương chờ đợi được giải thoát. Muốn giải thoát cho họ, muốn đem được họ về, triều đình Nguyên phải điều đình, thương lượng với triều đình Đại Việt, không có cách nào khác. Bạo chúa Hốt Tất Liệt phải chủ động cho sứ sang Đại Việt về việc này. Cuối tháng 10 năm 1285, sứ Nguyên lên đường sang Đại Việt. Về phía ta, triều đình nhà Trần cũng không gây khó khăn gì trong việc trao trả tù binh cho địch, vì số tù binh nhiều quá. Việc điều đình thương lượng của địch, dù có xuất phát từ thực ý cầu hòa, từ thiện chí giao hảo, hay là không thì ta cũng sẵn sàng tha chết cho tù binh địch, thả chúng về nước. Cơm gạo đâu mà nuôi hàng vạn tù binh và nuôi để làm gì? Cho nên xuất phát từ tinh thần nhân nghĩa của dân tộc và căn cứ trên thực tế đó, tháng 2 năm 1286, chấp nhận yêu cầu của triều đình Nguyên, triều đình nhà Trần hạ lệnh tha cho tù binh về nưóc. Trong khi triều đình nhà Trần thả tù binh Nguyên cho chúng về nước thì trái lại, triều đình Nguyên tích cực chuẩn bị xâm lược nước ta một lần nữa. Nhà Nguyên cấp tốc tổ chức một đạo quân xâm lược và Hốt Tất Liệt lại gửi chiếu thư cho quan lại và nhân dân Đại Việt, ra sức đả kích vua Trần để có cớ lập một triều đình bù nhìn làm tay sai cho chúng. Trong khi giặc ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta thì giữa năm 1286 một sứ bộ của ta sang Nguyên bị triều đình Nguyên bắt giữ. Nhưng, bọn bành trướng chưa thể ra quân được ngay, nên chỉ giữ sứ ta được một tháng thì phải thả ra, và Hốt Tất Liệt lại cho sứ sang Đại Việt, không ngoài mục đích thăm dò thái độ của ta và hăm dọa ta về ngoại giao. Ta sẵn sàng tiếp nhận sứ giặc về mặt ngoại giao, nhưng lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng đánh trả giặc, nếu chúng đưa quân sang xâm lược. Khi sứ Nguyên về nước, nhà Trần cũng cho một đoàn sứ sang Nguyên. Trước đó sứ ta sang nhà Nguyên đã có những người bị giữ lại, đoàn sứ lần này đi cũng rất có thể bị giặc bắt giữ, nhưng triều đình nhà Trần không ngần ngại, vẫn bình thản trong quan hệ ngoại giao, không bắt giữ sứ giặc, cũng không sợ giặc bắt giữ sứ mình, và đoàn sứ của ta vẫn dũng cảm lên đường, đáp lại việc giặc cho sứ sang ta. Thật ra giữa ta và nhà Nguyên không còn gì để đàm phán ngoại giao. Từ giữa năm 1287, đạo quân xâm lược của chung đã tổ chức xong. Tháng 10 năm 1287, quân Nguyên lên đường tiến hành xâm lược nước ta lần thứ ba. Giặc vừa ra quân thì đoàn sứ của ta sang tới kinh đô nhà Nguyên, bị giặc bắt giữ. Trong nửa cuối tháng 12 năm 1287, 50 vạn quân Nguyên từ nhiều ngả lần lượt tiến vào nước Đại Việt . Ngày cuối cùng năm âm lịch Thoát Hoan đưa quân vào thành Thăng Long, nhưng thành trống rỗng. Ngày hôm sau là mồng một Tết Nguyên đán, giặc không dám ở trong thành, phải rút hết quân ra ngoài thành, dốc toàn lực đánh xuống phía nam, cố đẩy lùi quân ta ra xa và kiếm lương ăn. Vì quân lương của giặc chưa tới. Cũng những ngày cuối năm giáp Tết Nguyên đán, toàn bộ quân lương của giặc đi đường thủy bị quân ta đánh tan. Đoàn quân giặc tải lương, mất lương thua trận đã phải bỏ chạy về nước. Một số quân Nguyên tải lương bị ta bắt, được vua Trần thả cho về doanh trại quân Nguyên để báo cho Thoát Hoan biết là đã mất hết quân lương. Đạo quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy ngày mồng một Tết hộc tốc hành quân từ Thăng Long xuống Thiên Trường, rồi lại vội vã từ Thiên Trường quay trở lại và ngày mồng bốn Tết chúng về tới Thăng Long. Về tới Thăng Long, Thoát Hoan được tin đoàn thuyền quân lương đã bị đánh tan ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Tin này do những lính Nguyên bị bắt ở Vân Đồn được ta thả ra về báo. Thoát Hoan nửa tin nửa ngờ, vô cùng hoảng sợ vì lương ăn đã cạn. Do đấy, ngay ngày mồng bốn Tết, Thoát Hoan dồn quân đi kiếm lương ăn, vào cả miền núi để cướp lương. Nhưng nhân dân ta thực hiện vườn không nhà trống triệt để, giặc không lùng sục, vơ vét được gì. Lương đã cạn, giặc không còn tâm trí nào nghĩ đến đánh nhau, không dám chủ động tiến công, phải dốc sức đi tìm lương, nhưng tìm không ra, đi cướp không được, thuyền lương không còn, hậu cần tại chỗ không có, đường tiếp tế từ Trung Quốc sang không lập được, không còn trông mong vào đâu để có lương ăn cho khoảng nửa triệu quân. Rõ ràng đã đến lúc giặc không thể tiếp tục chiến tranh và không thể ở lâu trên chiến trường Đại Việt. Nếu cứ đóng quân ở Thăng Long thì nguy hiểm, quân đội Đại Việt không cần đánh, chỉ vây hãm Thăng Long một thời gian ngắn là quân giặc trong thành tất phải ra hàng. Do vậy, bọn Thoát Hoan phải vội vã quyết định rút hết quân lên Vạn Kiếp. Tới Vạn Kiếp, giặc vẫn lúng túng: ở lại cũng dở, mà về cũng dở. Ở lại thì không còn sức đánh, hết lương ăn. Nhưng về thì không lẽ bỏ lại đoàn thủy quân của Ô Mã Nhi đang nóng lòng chờ đón đoàn thuyền lương, mà hắn không hề biết là đoàn thuyền này đã bị quân ta đánh tan từ hàng tháng trước rồi. Lúng túng như thế nên bọn Thoát Hoan chưa rời khỏi Vạn Kiếp được. Mà càng ở lại Vạn Kiếp ngày nào, chúng càng hoang mang, thất vọng, lúng túng thêm ngày ấy. Quân ta không để cho chúng yên. Không mấy đêm là quân ta không tới đánh chúng. Giặc hoảng sợ, đêm đêm phải vào hết trong trại, không dám cùng quân ta giao chiến, chỉ ban ngày mới dám kéo nhau ra khỏi trại. Trong khi đó, để nắm vững tình hình giặc là chuẩn bị tốt kế hoạch phản công của ta, vua Trần cho Hưng Ninh vương Trần Tung là anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nhiều lần sang trại giặc, mượn tiếng là để trao đổi việc nghị hòa với giặc. Lần nào Trần Tung cũng nói là vua Trần sẽ tới trại giặc để giao hảo. Đương lúc hoang mang lo sợ, thấy ta đến bàn hòa, giặc mừng rỡ, sửa sang doanh trại để chờ đón vua Trần. Nhưng chờ đón đến bao giờ? Dần dần chúng cũng tự hiểu ra rằng việc bàn hòa với ta là không thể có được. Chúng càng mất tinh thần và ngày càng kiệt sức. Ta không bàn hòa, quân cảm tử của ta vẫn đêm đêm tiến vây doanh trại giặc mà giặc thì ngày càng thiếu ăn. Quân Nguyên sang Đại Việt mới ba tháng, chưa được việc gì mà quân chết, tướng mệt rất nhiều, nếu còn nấn ná ở lại Đại Việt thì sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, kẻ chết trận, người chết đói, không có phương kế nào tự cứu được nữa. Chủ tướng Thoát Hoan và các tướng Nguyên phải tìm đường chạy trốn về nước. Chúng chia quân đi theo hai đường. Một đạo đi đường bộ chạy lên phía biên giới Lạng Sơn, có chủ tướng Thoát Hoan và các tướng lĩnh cao cấp đi cùng. Đạo đi đường thủy gồm chừng 500 - 600 thuyền chiến lớn, do hai tên tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng của ta đã nắm chắc tình hình giặc, thấy trước cái thế của giặc nhất định phải chạy trốn và biết trước những con đường và ngày giờ từng toán giặc phải qua. Cho nên giặc chạy trốn đường nào cũng không an toàn, đường nào cũng có đại quân ta chặn đánh truy kích. Bằng trận Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử quân ta đại phá toàn bộ thủy quân giặc. Trên đường bộ lên biên giới, hơn 30 vạn quân ta truy kích rất quyết liệt đạo bộ binh của giặc. Thoát Hoan và đám tàn quân phải tìm đường tắt để chạy ra khỏi biên giới. Nhưng chạy đường nào, chúng cũng bị quân ta truy kích, đánh giết. Giặc liều chết, vừa đánh vừa chạy. Từ các sườn núi, quân ta bắn tên độc xuống như mưa. Giặc chết rất nhiều. Trận Bạch Đằng đã tiêu diệt toàn bộ thủy quân giặc. Trận biên giới bồi thêm cho chúng một đòn "trời giáng", quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Đại bại tướng Thoát Hoan đem tàn quân chạy về tới triều đình Nguyên bị Hốt Tất Liệt trừng phạt về tội thua trận. Hoàng tử Trấn Nam vương Thoát Hoan, với tước "Trấn Nam" hai lần lĩnh ấn "chinh Nam" đem quân sang xâm lược Đại Việt, nhưng "Trấn Nam", "chinh Nam" đều thất bại và kết quả lần này là Thoát Hoan bị đày đi Dương Châu đến hết đời, không còn được gặp bố là Hốt Tất Liệt (Nguyên sử, q.117: Thiếp Mộc Nhi Bất Hoa truyện.). Cho con đi giết người, cướp nước không được thì cũng từ bỏ con, không muốn nhìn thấy mặt con nữa. Thật là nhẫn tâm, một thứ nhẫn tâm của những kẻ bành trướng mù quáng, cuồng chiến, lấy việc giết người phiếm đất làm lẽ sống. Tình nghĩa cha con, tình cảm dân tộc, tất cả đều vô nghĩa trước những tham vọng điên cuồng của những tên bạo chúa. Ba lần đưa quân đi cướp nước người và cả ba lần đều bị nước người đánh cho tả tơi, tan tác, mảnh giáp chẳng còn thì kẻ xâm lược nào cũng phải chùn bước nản lòng, phải một thời gian dài không dám đeo đuổi ý đồ đánh cướp nước người nữa. Chiến thắng của quân dân ta đời Trần đã vang dội ở nhiều khu vực châu Á và vang dội sang tận miền Tây Á, Trung Đông. Một nhà sử học Ba Tư ở thế kỷ XIII là Rasit-út-din làm sách Tập sử biên niên, ghi chép lịch sử đế quốc Mông Thát, bao gồm cả đế quốc Nguyên Mông, có đoạn viết về việc nước ta đánh thắng quân Thoát Hoan trong cuộc chiến tranh lần thứ ba như sau: "Nước đó có vua của họ. Do không thần phục hãn Thoát Hoan . . . Một lần Thoát Hoan đem quân vào nước đó đánh chiếm các thành thị ven biển, thống trị được một tuần lễ. Bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi, xuất hiện những đạo quân nước đó đánh tan đạo quân Thoát Hoan đương mải cướp bóc. Thoát Hoan trốn thoát, chạy về Lu-kin-phú” (Rasit-ut- din: Tập sử biên niên, Bản tiếng Nga, t.II, M.1960). Chiến thắng của quân dân ta ở thế kỷ thứ XIII, ba lần đánh bại quân Nguyên xâm lược, thật lẫy lừng, vĩ đại là một trong những võ công hiển hách bậc nhất của dân tộc ta. . Chương ba NGOẠI GIAO TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC THỜI TRẦN (thế kỷ XIII) – phần 3 III. ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO KẾT HỢP ĐẤU TRANH QUÂN SỰ ĐỂ ĐÁNH THẮNG XÂM LƯỢC. vua Trần, nếu cầu hòa thì vua Trần phải thân sang bên quân Nguyên để cùng bàn định. Tất nhiên là vua Trần không nghe. Trong thời gian sứ hai bên đi lại về việc cầu hòa, những cuộc giao tranh. việc cống nạp đó. Trong thư, vua Trần còn nhắt là khi nào Trấn Nam vương đem quân tới biên giới thì báo cho ta biết. Chủ trương, phương sách đấu tranh ngoại giao của nhà Trần vừa cứng rắn,

Ngày đăng: 26/07/2014, 17:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan