Tác phẩm của bác sĩ tâm thần François Lelord Chủ đề Hành trình của Hector là vấn đề hạnh phúc. Hector thực hiện chuyến đi là nghe theo lời khuyên của Irina, đi để nghỉ ngơi cho đỡ mệt mỏi. Trong suốt hành trình của anh khắp các châu lục, chỉ trừ châu Đại Dương, anh được mọi người tiếp đãi ân cần, lại gặp được cô bạn cũ dễ thương là Agnès mà anh tiếc là trước kia không để mắt đến, lại quen được cô bạn mới là Marie-Louise mời đến chơi nhà, và nhất là được vui vẻ với Ying Li, và cô em họ của Marie-Louise. Đúng là có xảy ra một chuyện không may, rơi vào tay bọn cướp ở châu Phi vì chúng tưởng anh giàu có, nhưng vụ việc kết thúc tốt đẹp nhanh chóng. Vậy Hector đi tìm hạnh phúc cho anh chăng? Rõ ràng ngay từ đầu Hector “không hài lòng lắm với bản thân mình”, tạm coi như phần nào anh không có hạnh phúc, vì anh không làm được cho các bệnh nhân của anh sung sướng Song nói cho đúng, chẳng phải anh đi “tìm” hạnh phúc cho cá nhân mình mà là đi “tìm hiểu” về hạnh phúc, vấn đề khiến các bệnh nhân của anh, chẳng thiếu thốn gì mà vẫn thấy khổ sở và mắc bệnh tâm thần. Cuốn sách có phụ đề “cuộc đi tìm hạnh phúc” (la recherche du bonheur), nhưng Hector chẳng đi tìm hạnh phúc, mà là đi “nghiên cứu, tìm hiểu về hạnh phúc” (la recherche sur le bonheur). Nhân vật của chúng ta thực sự bắt đầu tìm hiểu vấn đề ấy từ lúc chuẩn bị lên đường. Clara là người đầu tiên anh hỏi: “Em có sung sướng không?”; anh phát hiện ra rằng phụ nữ là hết sức phức tạp ngay đối với cả một bác sĩ tâm thần, và phải cẩn thận khi hỏi người ta là có sung sướng không, vì đó là một câu hỏi có thể khiến họ bối rối vô cùng (Chương thứ 3: “Hector có một phát hiện quan trọng”). Trong suốt hành trình, tìm hiểu về vấn đề hạnh phúc là mối quan tâm hàng đầu và thường trực của Hector. Anh có quyển sổ tay ghi chép những kết luận anh rút ra và gọi đó là các “bài học”. Tất cả 23 bài học ngắn gọn rải rác từ đầu đến cuối tác phẩm trải dài theo chuyến đi của anh, chứ không theo một trật tự lô gích nào khác. Có nhiều trường hợp anh suy nghĩ về vấn đề hạnh phúc xuất phát từ những sự kiện quanh mình. Khi Hector tình cờ thấy mình may mắn được ngồi hạng thương gia trên máy bay bên cạnh ông chủ nhà máy sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc, thì ông chủ Charles lại tiếc hạng nhất, anh liền ghi: “Bài học 1 - Một cách tốt để làm hỏng hạnh phúc của mình là cứ so sánh”. Thấy ông chủ ngân hàng Édouard bạn anh làm việc quần quật 80 giờ mỗi tuần, làm việc cả ngày chủ nhật và nói rằng sẽ chỉ dừng lại khi nào đã kiếm được ba triệu đô la, anh ghi : “Bài học 3: Rất nhiều người tìm hạnh phúc của họ trong tương lai”. “Bài học 4: Rất nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc là được giàu có hơn và quan trọng hơn”. Thấy các nữ công nhân lo mất việc làm mà vẫn chuyện trò rôm rả, anh ghi: “Bài học 8: Hạnh phúc là được ngồi với những người mình yêu mến”. Nghe Djamila mong muốn người dân mình bớt khổ (tên của Djamila gợi ta nghĩ chị là người ở miền Kavkaz đầy bất ổn), Hector ghi: “Bài học 17: Hạnh phúc là nghĩ đến hạnh phúc của những người mình yêu mến” Khá nhiều bài học Hector rút ra từ chính những trải nghiệm của bản thân anh. Sau khi may mắn thoát khỏi tay bọn cướp về được đến nhà Marie-Louise ở châu Phi, anh ghi: “Bài học 15: Hạnh phúc là cảm thấy mình thoát chết”. Nhớ lại lúc mơ mộng ở nhà Agnès, xáo trộn lung tung Djamila với Ying Li và cả với cô người yêu Clara ở nhà, anh ghi: “Bài học 18: Hạnh phúc dường như là có thể đồng thời yêu nhiều phụ nữ”. Nhưng Hector nghĩ thế nào lại xóa bài học này đi Có một số trường hợp chủ đề hạnh phúc được bàn đến một cách trực tiếp như khi anh trò chuyện với vị hòa thượng Tsu Lin ở Trung Quốc hay đến gặp giáo sư John ở Mỹ. Lời của hòa thượng Tsu Lin là bài học 7 trong sổ tay của anh: “Sai lầm khi tưởng rằng hạnh phúc là mục đích”. Làm việc với giáo sư John, anh lại cảm thấy tự hào khi so sánh các bài học của mình với bao công trình phức tạp nghiên cứu về hạnh phúc của giáo sư ở đây. Hạnh phúc từng là vấn đề được đặt ra ở nhiều “truyện” của Voltaire Bao nỗi bất hạnh liên tiếp ập lên đầu các nhân vật của ông. Zadig luôn than thở: “Thật là khó được sung sướng ở cõi đời này!”. Còn Candide cuối cùng đành phải nghe theo lời khuyên của một người Thổ Nhĩ Kỳ là muốn chịu đựng nổi cuộc đời này thì phải cố quên cuộc đời đi và “cuốc xới mảnh vườn của mình”. Các nhân vật của Voltaire được đặt vào những khung cảnh mơ hồ, nhưng nỗi bất hạnh của họ đều gián tiếp quy về xã hội Pháp thế kỷ XVIII. Hành trình của Hector ở đầu thế kỷ XXI đến các xứ sở có thực, với những con người, những sự việc và hoàn cảnh hiện thực, song vấn đề hạnh phúc lại không mang tính xã hội lịch sử cụ thể, mà được đặt ra ở tầm khái quát cho con người nói chung. Một vấn đề mang tính thời đại được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn, Trong Thế là tốt rồi (6) , cuốn sách dạng nửa hồi ký nửa tùy bút của nhà văn, viện sĩ Hàn lâm Pháp Jean d’Ormesson (sinh năm 1925) xuất bản một năm sau Hành trình của Hector, vấn đề hạnh phúc cũng được tác giả quan tâm khá nhiều. Ở mục “Sự khinh bỉ hạnh phúc” (tr.46), ông kể rằng ở tuổi hai mươi, ông khinh bỉ hạnh phúc; ông hướng tới một cái gì vượt xa hạnh phúc rất nhiều, đó là những vùng trời rộng mở trước mắt; rồi ông dần dần phát hiện ra nỗi bất hạnh của hạnh phúc và mặt trái của phông cảnh; có phép biện chứng của những ông chủ và phép biện chứng của những người nô lệ Lại có đề mục “Một lịch sử của hạnh phúc” trong đó có những đoạn: “Tôi thường mơ ước viết một lịch sử về hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Chúng ta có sung sướng không? Hạnh phúc và sức khỏe, hạnh phúc và hiểu biết, hạnh phúc và quyền lực, hạnh phúc và tiền bạc, hạnh phúc và bổn phận [ ]. Hạnh phúc có phải là điều mong ước tối thượng không? Có điều gì khác để mong đợi không? Có nên khinh bỉ hạnh phúc không? Cái tầm thường của hạnh phúc [ ]. Một nông dân ở Hy Lạp cổ đại, một người Quechua hoặc một người Maya trước Cortès và Pizarre, một người thợ nhuộm ở Bagdad vào thời các khalip (7) sung sướng hơn hay kém một giáo sư, một người lái xe giao hàng, một cán bộ cao cấp của thời đại chúng ta có xe riêng, điện thoại di động và vô tuyến truyền hình?” (C’était bien, tr.89). Về mặt hình thức, 23 “bài học” được đánh số thứ tự đan xen rải rác suốt từ đầu đến cuối khiến cho Hành trình của Hector có vẻ đúng là một tác phẩm nghiên cứu về hạnh phúc. Nhưng nội dung các bài học lại chỉ là những ghi nhận vui vui thấm chất văn chương, tuy vẫn bắt đầu óc ta phải suy nghĩ. Hector giữ lời hứa gặp lại hòa thượng Tsu Lin trên núi cao sau chuyến đi dài ngày. Tiếp tục ngồi đàm đạo với hòa thượng, có lúc Hector hỏi: “Phải chăng hòa thượng muốn nói rằng những bài học hay nhất không phải là như nhau cho tất cả mọi người” - “Thế ông đem kể - hòa thượng đáp - những điều như nhau cho tất cả các bệnh nhân của ông hay sao?” (tr.245). Chẳng biết sau khi về nước tiếp tục hành nghề, Hector vận dụng được những kinh nghiệm gì trong chuyến đi để điều trị cho các bệnh nhân tâm thần! Tác phẩm của Lelord là cuốn tiểu thuyết mamg dáng dấp một tiểu luận. * François Lelord là bác sĩ tâm thần điều trị bằng liệu pháp tâm lý; nhân vật Hector của ông cũng là một bác sĩ tâm thần. Kết thúc Hành trình của Hector là lời cảm ơn của tác giả “ đến các bạn bè và gia đình họ đã tiếp đón tôi ở xứ sở của họ trong những chuyến đi diễn ra trước chuyến đi của Hector: Hans và Elisabeth, Peter và Margaret, Bob và ê-kíp của ông ở Đại học Californie Los Angeles, Siew và Khai, Marie-Joséphine và Cyril; đến Étienne đã lôi kéo tôi đến Trung Hoa và đến Nicolas luôn sẵn sàng và có tài hướng dẫn du lịch ” (tr.267). Mở đầu tác phẩm là lời “Đề tặng các quý bà quý ông tôi gặp gỡ đã khơi nguồn cảm hứng cho Hector” (tr.7). Vậy Hành trình của Hector không phải hoàn toàn do Lelord hư cấu nên. Có sự đồng nhất đến mức độ nào đó giữa nhà văn Lelord với nhân vật Hector và người kể chuyện trong tác phẩm này, tuy đây là tác phẩm hư cấu chứ không phải là một ký sự chỉ thay tên đổi họ các nhân vật. Nhà văn sử dụng phương thức tự sự ở ngôi thứ ba số ít, tạo khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật Hector. Nhưng nếu chuyển sang phương thức tự sự ở ngôi thứ nhất với người kể chuyện xưng “tôi” - xưng danh Hector hoặc không xưng danh - thì nội dung truyện chẳng thay đổi nhiều, bởi hầu như người kể chuyện chẳng bình luận gì về nhân vật Hector. Đã thế có lúc trong tác phẩm chủ thể “tôi” xuất hiện trực tiếp thay cho người kể chuyện ẩn mình (người trần thuật); chẳng hạn, khi Hector gặp Ying Li lần đầu trong nhà hàng, cô gái Trung Hoa xinh đẹp mỉm một nụ cười duyên dáng khi thấy anh ghi chép trong sổ tay, tưởng rằng anh vẽ nhăng vẽ cuội, “anh liền giải thích đôi chút với cô tại sao anh ghi chép, và thế là cô không cười nữa mà nhìn anh với vẻ kỳ cục, nhưng ngay vẻ kỳ cục của cô cũng rất duyên dáng, nếu các bạn hiểu là tôi (PVT nhấn mạnh) muốn nói gì” (tr.52). “Tôi” ở đây là người kể chuyện, là Hector mà cũng là Lelord! Trong giới văn chương không phải ai sinh ra đã chọn nghề văn cho mình ngay từ đầu. Có thể kể ra rất nhiều: trước khi trở thành nhà văn, Gogol theo nghề dạy học, Lỗ Tấn hướng tới y khoa, Hemingway là nhà báo, Robbe-Grillet là kỹ sư canh nông chuyên về cây chuối (8) ; ở Việt Nam thì Thanh Tịnh (1911-1988) đi làm ở các sở tư, Bảo Ninh (sinh năm 1952) đi bộ đội Cũng có những người khi là nhà văn rồi vẫn là quân nhân, là thày giáo, là thày thuốc. Vốn sống tích lũy được ở các nghề nghiệp kia sẽ thấm vào, để lại dấu vết trong tác phẩm văn chương của họ bằng nhiều con đường khác nhau. Nhưng hiếm có trường hợp tác phẩm văn chương viết về nghề nghiệp (tay trái hay tay phải?) của họ như một chủ đề trực tiếp. Các nhà văn quân đội viết về đề tài chiến tranh chứ không viết về binh nghiệp; các nhà văn kiêm nhà giáo hoặc từng là nhà giáo, ai là người viết những cuốn tiểu thuyết trở thành cẩm nang cho những giáo viên mới bước vào nghề? Jean Genet (9) đã từng trải qua quãng đời của một kẻ sống ngoài lề xã hội lang thang, trộm cắp, phạm không ít tội ác, từng phải ngồi tù. Về sau, trở thành nhà văn, ông viết những tác phẩm rất hay về cái thế giới mạt hạng nơi ông từng ngụp lặn, chứ không viết về những “ngón nghề” xưa của ông. Cuốn Ký sự lên kinh (Thượng kinh ký sự, 1782) của thày thuốc, nhà văn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720?-1791) không kể những diễn biến và kinh nghiệm chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Còn bộ Những lĩnh hội tâm huyết trong ngành y (Y tông tâm lĩnh, 1866) tuy có giá trị văn chương nhưng không phải là tác phẩm văn học. (trừ Ký sự lên kinh được xếp vào cuối bộ sách gồm 66 quyển này). Nhà văn François Lelord đồng thời là bác sĩ tâm thần viết một cuốn sách với nhân vật chính là Hector cũng là một bác sĩ tâm thần; nhà văn và nhân vật vừa tách biệt vừa đồng nhất; Lelord-Hector thực hiện hành trình đi tìm hạnh phúc, hay đúng hơn là đi nghiên cứu về hạnh phúc, vấn đề day dứt các bệnh nhân tâm thần mà các bác sĩ như Lelord-Hector không thể không quan tâm nếu muốn điều trị cho các bệnh nhân của mình; một quyển sách kể về chuyến đi vừa như chuyến đi nghiên cứu thực tế y học chuyên khoa tâm thần, vừa đậm chất hư cấu văn chương, vượt qua đặc trưng của truyện (conte) để đến với thể loại tiểu thuyết. Đó là nét độc đáo ở tác phẩm Hành trình của Hector . luận. * François Lelord là bác sĩ tâm thần điều trị bằng liệu pháp tâm lý; nhân vật Hector của ông cũng là một bác sĩ tâm thần. Kết thúc Hành trình của Hector là lời cảm ơn của tác giả “. Tác phẩm của bác sĩ tâm thần François Lelord Chủ đề Hành trình của Hector là vấn đề hạnh phúc. Hector thực hiện chuyến đi là nghe theo lời khuyên của Irina, đi để. văn François Lelord đồng thời là bác sĩ tâm thần viết một cuốn sách với nhân vật chính là Hector cũng là một bác sĩ tâm thần; nhà văn và nhân vật vừa tách biệt vừa đồng nhất; Lelord- Hector