1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Khế ước xã hội của Thomas Hobbes 4 ppt

10 499 2

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 125,45 KB

Nội dung

Khế ước xã hội của Thomas Hobbes 4 Thuyết nhân bản của Thomas Hobbes Thuyết nhân bản – con người vừa là vật thể giữa các vật thể tự nhiên, vừa là vật thể chính trị, đạo đức Các nguyên tắc của thuyết cơ giới được Hobbes vận dụng vào việc giải thích cơ thể con người và toàn bộ hoạt động sinh tồn của con người, xem xét con người với tính cách là vật thể giữa những vật thể tự nhiên. Ở phương diện này, Hobbes đến gần với Descartes. Công thức “con người – cỗ máy” trở nên phổ biến trong triết học thế kỷ XVII – XVIII, gắn với tên tuổi của Descartes, Hobbes, La Mettrie và nhiều nhà duy vật khác, tạo thành nét đặc trưng đầu tiên của nó. Trong “Học thuyết về con người” (De homine) Hobbes phân tích cơ chế hoạt động của cơ thể người “phù hợp với các quy luật vận động của vật thể”, khả năng nhận thức, làm sáng tỏ các đặc điểm tâm lý và các thiết xã hội, các hình thức tín ngưỡng trong đời sống con người.Về cơ bản cách tiếp cận máy móc (theo nghĩa trực tiếp lẫn nghĩa rộng của từ này) vẫn tiếp tục được thể hiện ở phần này của “Về những nguyên lý triết học”. Chẳng hạn, theo Hobbes, các cảm giác xuất hiện nhờ sự tương tác của vận động bên ngoài, xuất phát từ các vật thể, và vận động bên trong của các cơ quan cảm giác, tiếp nhận vận động đầu tiên. Các hình ảnh đại lượng, vận động và đứng im, phù hợp các đối tượng tác động. Tất cả các hình ảnh – ngẫu tính còn lại như màu sắc, âm thanh, mùi đều chỉ là những ngẫu tượng, đánh lừa cảm giác. Trong phần I của Leviathan (Học thuyết về con người), Hobbes viết:"Nguyên nhân của cảm giác là vật thể bên ngoài, hay khách thể tác động đến cơ quan phù hợp với từng cảm giác một cách trực tiếp, như điều thường xảy ra với vị giác và xúc giác, hoặc gián tiếp, như với thị giác, thính giác và khứu giác. Áp lực này, cái áp lực tiếp diễn từ bên trong nhờ hệ thần kinh, các dây thần kinh và các màng khác của cơ thể đến não và tim, gây ra tại đây sự kháng cự, hay áp lực ngược trở lại, hay nỗ lực giải phóng của quả tim. Do chỗ nỗ lực này hướng vào bên trong, nên chúng ta tưởng rằng nó là cái từ bên ngoài. Và cái cảm nhận này (seeming), hay ngẫu tượng này (fancy, appearance)) được gọi là cảm giác. Với mắt đó là cảm giác sáng, hay màu sắc nhất định với tai - cảm giác âm thanh, với mũi – cảm giác mùi, với lưỡi – cảm giác vị, với phần còn lại của cơ thể – cảm giác nóng, lạnh, cứng, mềm. Tất cả cái gọi là chất cảm giác ấy chỉ là những vận động phong phú của vật chất đối tượng gây ra chúng những vận động mà nhờ đó khách thể bằng nhiều cách khác nhau hướng đến các cơ quan (cảm giác)” (Sđd, tr. 10 – 11). Để làm sáng tỏ thêm quan điểm về các hình ảnh – ngẫu tính như sự “đánh lừa cảm giác”, Hobbes dẫn ra loạt khái niệm tâm lý – biểu tượng, tưởng tượng, ký ức, giấc mơ – đặt các khái niệm đó trong mối liên hệ và chi phối lẫn nhau. Theo Hobbes, một khi vật thể đang ở trong trạng thái vận động, nó sẽ vận động vĩnh cửu, và dù bị chặn lại, nó vẫn không dừng lại ngay lập tức, mà dần dần, trong một khoảng thời gian trung gian nhất định. Chẳng hạn, khi nhìn xuống nước, chúng ta nhận thấy sóng vẫn còn trong một thời gian, dù gió đã ngừng thổi, tương tự như vậy đối với các vận động diễn ra bên trong cơ thể người, khi nhìn thấy hiện thực trong lúc đang ngủ. Điều này có thể hiểu được, bởi lẽ khi đối tượng đã rời xa, hay mắt đã nhắm lại, chúng ta vẫn còn lưu giữ hình ảnh của vật đã nhìn thấy, cho dù mờ nhạt hơn so với lúc nhìn thấy vật thực. Hiện tượng này được đặc trưng bằng khái niệm “sự tưởng tượng” (fancy), hiểu như ngẫu tượng (appearance), vận dụng vào cảm giác. Tưởng tượng, do đó, chỉ là cảm giác đã suy yếu đi, cố hữu ở cả người và vật trong hiện thực lẫn trong giấc mơ. Để có được thứ cảm giác cấp hai đó ở mỗi chủ thể cần hiện diện năng lực biểu tượng và ký ức. “Ký ức phong phú “ được Hobbes gọi là kinh nghiệm. Nhưng cách lý giải không nhất quán và đầy mâu thuẫn như trên về cảm giác và các biểu hiện tâm lý, ý thức khác lại điểm yếu của Hobbes. Ông cũng không thành công khi vận dụng thuyết cơ giới vào việc phân tích đời sống tâm lý của con người. Cách giải thích của Hobbes về nguồn gốc con người vừa đơn giản, vừa mang tính phi lịch sử. “Sự xuất hiện của con người gần giống như sự xuất hiện của cỏ cây. Vật chất của giới thực vật là đất. Đất được kích thích bởi những tia nắng mặt trời, sau đó nhờ vận động tự nhiên của hạt giống mà một loài thực vật tương ứng hình thành. Cũng như vậy đối với sự xuất hiện của con người, vật chất nuôi bào thai là máu của người mẹ, dòng máu đó truyền dịch thụ tinh, tạo nên cơ thể đứa trẻ…” (Sđd, tr. 225). Nhưng con người không chỉ là vật thể giữa những vật thể tự nhiên, vật lý, mà còn là “vật thể chính trị”, và với tính cách đó nó cần được xem xét như chủ thể đạo đức và công dân (Sđd, tr. 220). Cần xây dựng một khoa học tìm hiểu bản chất con người ở phương diện thứ hai – phương diện chính trị, đạo đức. Hobbes xem xét con người từ quan điểm hoạt động, nghĩa là nói đến con người là nói đến thực thể hoạt động, chính sự hoạt động sáng tạo, có ý thức làm nên sự khác biệt căn bản giữa người và vật. Con người cũng khác với Thượng đế, bởi lẽ con người không ngừng sáng tạo, từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không sáng tạo một lần. Trong hoạt động của mình con người từ chỗ “mô phỏng” tự nhiên đi đến sáng tạo ra cái mà trong tự nhiên chỉ là những chất liệu hoang sơ. Trong tác phẩm “Bản chất con người”, được đưa vào “Về những nguyên lý triết học”, Hobbes viết về bản tính con người như sau:"Bản tính con người là tổng số khả năng tự nhiên và sức mạnh của nó, như khả năng ăn uống, vận động, tư duy, những khả năng như cảm tính, lý tính v.v Chúng ta cùng nhất trí gọi những khả năng ấy là những khả năng tự nhiên, và chúng thể hiện trong việc xác định con người như một sinh vật biết tư duy” (Sđd, tr. 510). Bản tính của con người, nhà nước (vật thể nhân tạo) và các thiết chế chính trị – xã hội khác do con người tạo ra, là đối tượng của triết học đạo đức, hay triết học công dân. Trong “Về bản tính con người” Hobbes nêu ra và phân tích các tố chất người, cả những tố chất tốt lẫn những khuyết tật của lý trí. Ông cho rằng những tố chất người, do chỗ hình thành trong mối quan hệ giữa người với người và giữa con người với tự nhiên, nên biến đổi theo điều kiện tự nhiên và môi trường sinh hoạt cộng đồng. Thói hám danh được hiểu là bản tính cố hữu ở mỗi người, thể hiện một cách rõ ràng qua khát vọng hướng tới vinh quang, “cảm giác tự thỏa mãn bên trong”, có nguồn gốc ở sự tưởng tượng của mỗi người về sức mạnh và ưu thế của mình trước những người khác. Tiếp đó Hobbes nêu ra loạt những tố chất tâm lý – tình cảm khác nhau như can đảm, tức giận, sự trả thù, sự sám hối, hy vọng, sự tin cậy - không tin cậy, lòng trắc ẩn, sự phẫn uất, tiếng cười – sự đăm chiêu, buồn chán… Hobbes quy sự đần độn, sự nhẹ dạ, sự ngu xuẩn, chứng điên rồ, thói ngông cuồng…về nhóm những khuyết tật của lý trí. Sự liệt kê như thế không phải là vô ích, bởi thông qua đó Hobbes phân tích “trạng thái tự nhiên” của con người. Theo Hobbes, để xác lập một thiết chế xã hội phù hợp, điều cần thiết trước tiên là xác lập khoa học về con người, chỉ ra bản tính của nó, khả năng hướng bản tính đó đến chỗ phục vụ lợi ích chung, làm giảm bớt nỗi lo sinh tồn của mỗi người. Nếu Bacon tuyên bố “tri thức là quyền lực”, thì Hobbes chủ trương “quyền lực phải dựa trên sự hiểu biết bản tính con người”, nghĩa là cũng trở thành tri thức, thành khoa học quyền lực. Cũng như Machiavelli, Hobbes nhấn mạnh bản tính vị kỷ của con người, xem nó như nguyên nhân của tình trạng xung đột triền miên trong lịch sử loài người. Cơ sở thực tiễn của cách tiếp cận đó là những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn tại Anh sau cách mạng 1640. Cuộc đấu tranh vì quyền lực giữa phe Nghị viện và phe Bảo hoàng, những toan tính, những cuộc lật đổ, những xung đột đẫm máu giữa những người thuộc phái Độc lập và phái Bình đẳng, chuyên chế Cromwell… buộc Hobbes phải đặt ra câu hỏi: liệu những quan hệ mang tính thú vật ấy, thậm chí tệ hơn cả thú vật (thú vật phần đông không ăn thịt đồng loại) có xứng đáng được xem là những quan hệ chân chính, thực sự con người không? Trong mục “Tự do”, thuộc phần “ Học thuyết về công dân”, Hobbes băn khoăn trước vấn đề muôn thuở: con người liên hợp với nhau thành xã hội là do xuất phát từ bản tính tự nhiên, hay họ buộc phải làm như thế, chứ không khác đi? Nói cách khác, vì nhu cầu sinh tồn của bản thân họ? Và ông lập luận:"…nếu một người yêu người khác theo bản tính của mình, nghĩa là như con người, sẽ thật khó tìm ra luận chứng giải thích tại sao mỗi người không yêu tất thảy mọi người như nhau, bởi lẽ họ cũng đều là người, như anh ta, hoặc tại sao anh ta thích sống ở cộng đồng đảm bảo cho anh ta nhiều sự tôn trọng hay nhiều lợi ích hơn?” (Sđd, tr. 285). Hobbes đi đến kết luận: con người ngay từ bản tính của mình đã chịu sự chi phối của lòng tham, sự sợ hãi, sự giận dữ và những đam mê thú vật khác. Niềm vinh quang và lợi ích, đó là hai kích thích tố trong đời sống tự nhiên của con người. Trạng thái tự nhiên, trạng thái “bên ngoài xã hội công dân”, là trạng thái mà con người thừa hưởng từ tự nhiên, chưa tách khỏi tự nhiên. Cách đặt vấn đề như vậy có ý nghĩa kép: hiểu về cái sinh học đầy ắp trong đời sống con người, và hiểu về cái đã bị “sinh học hóa” ngay cả khi con người sống trong xã hội, mà nội chiến ở Anh là một minh chứng. Vì thế khi đánh giá ở chỗ này cần phân biệt hạn chế lịch sử và ý nghĩa phê phán của phương án Khế ước xã hội của Hobbes. Trong mục “Tự do” Hobbes viết:"Khả năng thuộc về bản tính tự nhiên của con người có thể quy về 4 loại: sức mạnh vật lý, kinh nghiệm, lý trí, tình cảm”(Sđd, tr. 284). Vần đề là ở chỗ con người sử dụng những khả năng đó như thế nào. Trong chương 13 của “Leviathan” Hobbes lại viết:"Tự nhiên sinh ra con người bình đẳng về phương diện năng lực vật lý và năng lực trí tuệ, bởi lẽ mặc dù đôi khi chúng ta nhận thấy rằng người này mạnh hơn và thông minh hơn người kia, song nếu xem xét chung tất cả, ta mới ngộ ra là sự khác nhau giữa chúng không lớn đến mức người này, căn cứ vào sự khác nhau ấy, có thể đạt được nhiều điều lợi hơn cho mình còn người kia không thể có cái quyền ấy” (Sđd, tr. 85). Có được cái chìa khóa “quyền tự nhiên bẩm sinh” này, Hobbes có thể mở vào thế giới con người với những bí ẩn của nó, mà theo ông, trước đây chưa ai khám phá. Hobbes đề cập đến những chướng ngại trong việc thiết lập khoa học về quyền trong điều kiện con người biến quyền, quyền lợi thành trò chơi, và mang tính hình thức. Nên hiểu trò chơi ấy như thế nào? Hobbes viết:"Cơ sở đầu tiên của quyền tự nhiên là ở chỗ, mỗi người làm chủ cuộc sống và thân thể của riêng mình căn cứ vào khả năng của mình” (Sđd, tr. 289). Song bản thân sự làm chủ ấy không bền vững và đầy bất trắc do dự thống trị của sức mạnh vật lý. Trạng thái tự nhiên (Status naturalis) là trạng thái “thuần khiết” nhất, nơi ngự trị của quyền tự nhiên, khi mà những ham thích, dục vọng không đặt trong chuẩn mực bền vững, nghĩa là không có đạo đức. Nơi đó bản năng điều khiển con người, sức mạnh vật lý chi phối quyền. Song do chỗ quyền tự nhiên chịu sự chi phối của sức mạnh vật lý, nên đó là quyền không bền vững và hình thức. Thật vậy, Hobbes giải thích, nếu đề cập đến sức mạnh vật lý, thì người yếu hơn có thể có đủ sức để bằng cánh tay lén lút hoặc liên minh với những người khác, với người cùng cảnh ngộ bị đe dọa giết chết kẻ mạnh hơn. Trong trạng thái tự nhiên không tồn tại sở hữu cá nhân bền vững, ổn định, vì quyền tự nhiên có nghĩa là quyền của mỗi người đối với bất kỳ vật nào, bất kỳ tài sản nào. Quan điểm thiện – ác cũng hình thành theo cái trục chính ấy: thiện là cái mà ta thích, ác là cái ta không thích. Ai cũng muốn thu vén điều lợi cho mình, và gây thiệt hại cho người khác. “Tự nhiên ban cho con người quyền đối với tất cả" (Sđd, tr. 290), nhưng đó lại là đầu mối của mọi xung đột. Cho nên cái quyền phổ biến đầu tiên ấy dẫn đến quyền tấn công và tự vệ. Trong “Leviathan” Hobbes nêu ra ba nguyên nhân buộc con người tấn công nhau, bao gồm lợi ích vật chất (tấn công để chiếm hữu càng nhiều tài sản càng tốt), an ninh cá nhân (tấn công khi mình mạnh hoặc gia nhập liên minh mạnh, phòng thủ, tự vệ khi ở thế yếu), và vấn đề danh dự (tấn công để buộc kẻ khác tuân phục). Trong trạng thái tự nhiên con người bị buộc phải hoạt động, vì nếu không hoạt động, điều đó đồng nghĩa với cái chết. Hoạt động, do đó là nhu cầu tất yếu, khách quan. Như trên đã nêu, Hobbes giải quyết vấn đề thiện – ác từ cách hiểu về bản tính vị kỷ của con người, từ hoàn cảnh sống của các cộng đồng trong những điều kiện nhất định. Ông cũng nhấn mạnh sự tự vệ như quy luật sinh tồn, một quy luật đã được ghi nhận ngay từ thời cổ đại, in đậm dấu ấn trong lịch sử văn hóa, trong sự hình thành cá tính của con người. Hobbes viết:"Lợi ích vĩ đại nhất là tự vệ, cái ác tự nhiên vĩ đại nhất là sự phân hủy” (Sđd, tr. 237). Song chính thiên hướng tự vệ ấy đã làm gần con người với thế giới loài vật. Hobbes từng lưu ý rằng, ông không xem con người mang tính ác bẩm sinh. Không phải bản thân sự ham thích là xuẩn ngốc, mà hành động thỏa mãn ham thích có thể bị xem là xuẩn ngốc, là gần với loài vật do thiếu giáo dục, hay bị bản năng sai khiến. Thiện và ác cũng vậy; nó xuất hiện trong những tình huống cụ thể của đời sống. Thiện là những gì con người thích, hay thấy có ích cho mình, còn ác là những gì ngược lại. Với cách hiểu như thế, Hobbes đáng được xem là ông tổ của chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism), ra đời tại Anh từ cuối thế kỷ XVIII, gắn với tên tuổi của Bentham, đại biểu kiệt xuất nhất của nó. Vấn đề tự do và tất yếu chiếm vị trí đáng kể trong tư tưởng đạo đức của Hobbes. Tự do, xét từ khía cạnh đạo đức, là sự hoạt động, ứng xử của mỗi người tuân theo ý chí của mình. Đó là cách hiểu khá phổ biến vào thế kỷ XVII. Vấn đề là ở chỗ, theo Hobbes, nếu chỉ xuất phát từ bản tính vị kỷ, thì hoạt động của mỗi cá nhân có thể gây hại cho những người khác. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột giữa người với người. Hobbes không nhất trí với quan điểm “tự do ý chí” theo nghĩa trên. Ông đối lập nó với quan điểm tự do có cân nhắc, thứ tự do không chỉ cố hữu ở con người, mà cả ở loài vật. Theo Hobbes, không thể có thứ tự do theo nghĩa muốn làm gì tùy thích, ngược lại, cần thấy rằng trong họat động của mình còn người, và cả loài vật, có thể tự do trong điều kiện này, trong quan hệ này, nhưng không tự do xét theo điều kiện khác, trong quan hệ khác; chỗ này tự do, chỗ khác không tự do, đó cũng là biểu hiện của tính tự nhiên. Tự nhiên hóa tự do trở thành một trong những tư tưởng cơ bản của Hobbes, có ảnh hưởng nhất định đến cách lý giải tự do của các nhà tư tưởng Anh và Pháp thời sau. Khái niệm tự do hoàn toàn không đối lập với khái niệm tất yếu. Tương tự như vật thể không thể thiếu quảng tính, tự do cũng không thể thiếu tất yếu. Vấn đề tự do – tất yếu, theo Hobbes, là vấn đề nhận thức. Ông viết trong “Leviathan”: "Nói đến tự do…ta ngầm hiểu là không có những chướng ngại bên ngoài, những cản trở không ít lần có thể tước đi của con người một phần quyền lực của anh ta muốn làm gì tùy thích, nhưng không thể cản trở sử dụng quyền lực còn lại dành cho con người, phù hợp với cái mà phán đoán và lý trí của anh ta chấp nhận” (Sđd, tr. 89). Chúng ta nói đến con chim tự do nghĩa là nó tự do bay trên trời, chứ không ở đâu khác; tương tự như vậy đối với con cá, con sư tử, mỗi thứ có một vị trí dành cho mình. Con người cũng vậy. Chính vì nhận thức như thế về tự do và giá phải trả cho tự do, mà cuối cùng thì con người phải từ bỏ một phần quyền tự nhiên, để sống theo luật tự nhiên. Chính ở điểm ngoặt đó con người thể hiện mình như một chủ thể đạo đức. . Khế ước xã hội của Thomas Hobbes 4 Thuyết nhân bản của Thomas Hobbes Thuyết nhân bản – con người vừa là vật thể giữa các vật. trong xã hội, mà nội chiến ở Anh là một minh chứng. Vì thế khi đánh giá ở chỗ này cần phân biệt hạn chế lịch sử và ý nghĩa phê phán của phương án Khế ước xã hội của Hobbes. Trong mục “Tự do” Hobbes. “trạng thái tự nhiên” của con người. Theo Hobbes, để xác lập một thiết chế xã hội phù hợp, điều cần thiết trước tiên là xác lập khoa học về con người, chỉ ra bản tính của nó, khả năng hướng

Ngày đăng: 22/07/2014, 23:21

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w