Động vật không xương sống ( phần 2 ) Sinh thái cá Lưỡng tiêm Cá Lưỡng tiêm phân bố rộng rãi ở Ấn Độ Dương và dọc bờ biển châu Á của Thái Bình Dương, khá phổ biến ở bờ biển Trung Quốc, Nhật Bản và có nhiều ở eo biển Đài Loan. Ở vịnh Bắc Bộ Việt Nam đã phát hiện thấy ở vùng biển Bạch Long Vĩ. Cá Lưỡng tiêm thường sống nơi đáy cát thô, xốp, sâu khoảng 8 - 20m, nước trong, nồng độ muối 2,0 - 3,1%, độ pH khoảng 8 - 8,18. Thức ăn của cá Lưỡng tiêm là động vật phù du và khuê tảo. Cá thành thục sau 1 năm tuổi, đạt chiều dài khoảng 30 - 45mm. Cá sinh sản vào mùa hè, đẻ 3 lần trong đời, sống được 3 - 4 năm. Ban ngày cá ẩn mình trong cát, ban đêm mới nổi dần lên mặt nước. Là loại cá có giá trị dinh dưỡng cao (khoảng 70% protein và 20% lipit) Sự phát triển cá Lưỡng tiêm Kovalepski A. O. là người đầu tiên nghiên cứu quá trình phát triển của Lưỡng tiêm, công trình này có một ý nghĩa to lớn. Nhờ nó mà có thể phán đoán được những giai đoạn đầu của cây phát sinh động vật Dây sống nói chung và động vật Có xương sống nói riêng. Thụ tinh trong nước, thường xảy ra vào buổi chiều, sau đó phân cắt rất nhanh. Đầu tiên hình thành phôi dâu (morula), tiếp theo là phôi nang (blastula). Tiếp theo là sự lõm vào của phôi bào lớn cho đến khi tiếp giáp với tế bào nhỏ, quá trình này là sự phôi vị hoá (gastrula), có 2 lớp tế bào là lớp ngoài còn gọi là lá phôi ngoài (ectoderma) hay lá phôi thứ nhất, lớp trong là lá phôi trong (entoderma) hay lá phôi thứ 2. Lúc này xoang phôi được bọc bới lá phôi trong được gọi là xoang phôi vị hay ruột nguyên thủy. Sau đó phôi vị kéo dài ra, lỗ phôi vị (gastroporus) thu nhỏ lại, phần ngoại bì phía lưng trước lỗ phôi lõm thành tấm thần kinh. Ngoại bì phát triển nhanh phủ lên lên lỗ phôi và tấm thần kinh, mép của tấm thần kinh cuốn lên, gắn với nhau, hình thành nên ống thần kinh, về phía sau xoang ống thông với xoang ruột phôi nhờ ống thần kinh ruột (canalis neuroentericus), còn về phía trước xoang ống có thông với bên ngoài nhờ lỗ thần kinh (neuroporus). Tại đây sẽ hình thành nên hố khứu giác. Song song với sự hình thành ống thần kinh có sự phân hoá của nội bì: Hai bên dọc theo ruột phôi có lồi ra 2 mép dọc là mầm của trung bì. Giữa 2 nếp gấp trung bì có lồi nếp thứ 3 sau đó hình thành nên dây sống. Nếp trung bì tách khỏi ruột phôi, cắt khúc thành nhiều túi thể xoang kín, thành túi là trung bì, xoang túi là thể xoang. Mỗi túi phát triển lên trên và xuống dưới sau đó chia thành 2 phần: - Phần trên (phần lưng) ở bên dây sống và ống thần kinh được gọi là somit, sẽ phát triển chủ yếu thành đốt cơ và bì da. - Phân dưới (phần bụng) ở bên ruột được gọi là tấm bên sẽ phát triển thành lá lót xoang bụng. Các phần xoang của tấm bên dần dần gắn với nhau hình thành nên thể xoang. Sau cùng ở đầu mút thân thủng lỗ miệng và mút sau thân là lỗ hậu môn. Ấu trùng mới nở phủ đầy tiêm mao, lúc đầu bơi ở mặt nước, có miệng lệch bên trái, khe mang không đối xứng. Ở giai đoạn náy ấu trùng không có phần trước miệng, thiếu xoang mang và số lượng khe mang còn ít. Sau đó hai bên thân hình thành các nếp gáp chạy dọc, về sau khép kín lại để hình thành xoang bao mang, có một lỗ thông ra ngoài. Rãnh nội tiêm và xoang bao mang rộng dần ra, số lượng khe mang tăng thêm, sau đó ấu trùng chìm xuống đáy và biến thái thành Lưỡng tiêm trưởng thành.Giai đoạn ấu trùng kéo dài tới 3 tháng. Cấu tạo trong cá Lưỡng tiêm - Vỏ da: cấu tạo có 2 lớp chính là biểu bì (epidermis) ở mặt ngoài và bì (dermis) ở bên trong. Khác với đa số động vật Có xương sống, biểu bì của Lưỡng tiêm chỉ có 1 lớp tế bào, còn lớp bì kém phát triển, chủ yếu cấu tạo bởi chất keo hay mô liên kết đàn hồi. - Hệ cơ: Ít phân hoá, mang tính chất phân đốt điển hình. Do vậy cơ chỉ có thể đảm bảo được các cử động uốn mình đơn giản, phù hợp với lối sống vùi mình trong cát. Hệ cơ gồm nhiều đốt cơ (myomera), săp xếp từ mút trước đến mút sau cơ thể. Các đốt cơ phân canh nhau bởi các vách ngăn bằng mô liên kết (myosepta). Các đốt cơ ở 2 bên phần thân sắp xếp xen kẽ cài răng lược với nhau. Nhờ vậy cá Lưỡng tiêm khi bơi thì cơ thể uốn mình theo mặt phẳng nằm ngang. - Bộ xương: Là dây sống chạy dọc thân và về phía lưng từ đuôi đến đầu. Vùng khe mang, bộ xương là một mạng lưới gồm nhiều que liên kết nằm ngang và thẳng đứng. Các vây và xúc tu cũng được que liên kết nâng đỡ. - Hệ thần kinh: Hệ thần kinh trung ương là một ống thần kinh chạy dọc cơ thể, nằm phía trên dây sống nhưng không đi tới đầu dây sống, được bọc trong một màng keo có tác dụng bảo vệ. Phần trước của ống lớn hơn tương ứng với não bộ nguyên thủy. Trong ống thần kinh có một khe hẹp được xem là xoang thần kinh, ở phần đầu xoang phình rộng được gọi là buồng não (tương ứng với buồng não thứ 3 của động vật Có xương sống). Ở cá thể non, phần trên buồng não còn thông với hố khứu giác nhờ một lỗ thần kinh. Đến giai đoạn trưởng thành thì hố khứu giác mất liên hệ với não. Từ não nguyên thủy có 2 đôi thần kinh phía trước thân, có chức năng cảm giác. Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm các dây thần kinh xuất phát từ ống thần kinh. Từ phần ống thần kinh phát ra nhiều đôi thần kinh tuỷ tới 2 bên thân. Một đốt cơ có một đôi rễ thần kinh: Rễ lưng tới da và cơ tạng, có chức năng hỗn hợp là vận động và cảm giác, còn rễ bụng phát nhánh tới cơ thân, có chức năng vận động. Đôi rễ thần kinh bên này xen kẽ với đôi rễ bên kia. Ngoài ra trong thành ruột có nhiều đám rối thần kinh (plexus) giao cảm, có nhánh thần kinh liên lạc với thần kinh tuỷ. - Giác quan: Ở cá Lưỡng tiêm phát triển yếu, gồm nhiều tế bào cảm giác phân bố rải rác trong biểu bì hay tập trung lại thành tứng đám. Tế bào cảm giác tập trung nhiều ở cạnh miệng và xúc tu. Hố khứu giác phủ biểu mô rung động, nằm ở mặt lưng. Cơ quan thị giác là mắt Hess, cấu tạo rất nguyên thủy, chỉ gồm có 2 tế bào, một tế bào hình ngọn lửa cảm giác ánh sáng, găn với một tế bào sắc tố. Mắt Hess nằm rải rác trên ống thần kinh, cảm nhận được ánh sáng nhờ sự trong suốt của thân con vật. - Hệ tiêu hoá và hệ hô hấp: Ống tiêu hoá bắt đầu từ phễu miệng nằm ở mặt bụng của đầu và tận cùng bằng lỗ hậu môn nằm lệch về bên trái của phần đuôi. Phếu miệng gồm một lỗ trước miệng lớn có vành xúc tu, đáy là lỗ miệng nhỏ thông với hầu, xung quanh lỗ miệng có một riềm mỏng (velum). Tiếp theo là hầu (pharynx) phình rộng, có thủng nhiều lỗ khe mang (trên 100 đôi) không thông trực tiếp với môi trường ngoài mà đổ vào xoang quanh mang. Xoang này chỉ thông với môi trường ngoài qua lỗ bụng. Mặt trong thành hầu có rãnh tiêm mao trong (endocyst), có các tế bào mang tiêm mao dài, tiết chất nhầy để bắt giữ thức ăn. Các tiêm mao rung động theo cùng một chiều để đưa nước từ phễu miệng vào hầu. Thức ăn được giữ lại, đưa về phía trước, đưa lên rãnh trên hầu, sau đó chuyển xuống thực quản và vào ruột. Ruột gần như thẳng, phía trước ruột có một mấu lồi gan tương ứng với gan của động vật Có xương sống. Khi tiêm mao rung động sẽ dưa dòng nước từ hầu có cả thức ăn và ôxy tới khe mang. Vách của khe mang có nhiều mạch máu, tại đây xảy ra quá trình trao đổi khí. Như vậy hệ tiêu hoá và hô hấp của Lưỡng tiêm còn rất đơn giản, hoạt động tiêu hoá và hô hấp còn thụ động, phụ thuộc nhiều vào môi trường ngoài và sự rung động của các tiêm mao. Các dinh dưỡng này được gọi là kiểu dinh dưỡng lọc. - Thể xoang: Thu hẹp nhiều và có phủ biểu mô có tiêm mao rung động. Vùng hầu có 2 ống hẹp trên hầu và 3 ống dưới ruột. Ở vùng sau hầu có các khoảng trống bao quanh ruột. - Hệ tuần hoàn: Có hệ tuần hoàn kín nhưng không có tim và máu không có màu, chứa ít bạch cầu. Máu lưu thông được nhờ sự co bóp của nhịp nhàng của gốc động mạch bụng và sự co bóp độc lập của những phần phình rộng của động mạch mang. + Hệ động mạch: Động mạch bụng đem máu tĩnh mạch về phía trước. Từ động mạch bụng đi lên phía trên có hàng trăm đôi động mạch đến mang. Gốc của chúng phình rộng thành những túi có khả năng co bóp để đẩy máu đi động mạch đến mang không tạo thành mao mạch nhưng nằm nổi trên khe mang, tiếp xúc trực tiếp với dòng nước làm cho quá trình trao đổi khí dễ dàng hơn. Sau khi đổi khí khí, máu tĩnh mạch thành máu động mạch, theo các đôi động mạch rời mang tập trung vào hai rễ động mạch chủ lưng. Tại đây một phần nhỏ máu theo 2 động mạch cổ đi về phía trước tới các cơ quan ở đầu, còn phần lớn chảy về phía sau, đổ vào động mạch chủ lưng chạy đến tận mút đuôi, trên đường đi chúng phân nhánh tới nội quan. + Hệ tĩnh mạch: Máu tĩnh mạch từ nửa sau cơ thể đổ vào tĩnh mạch đuôi sau đó vào tĩnh mạch dưới ruột. Đến mấu lồi gan. tĩnh mạch dưới ruột phân nhánh thành mao mạch, hình thành hệ gánh gan sau đó đổ vào xoang tĩnh mạch. Máu của xoang tĩnh mạch sau còn theo 2 tĩnh mạch chính sau đi về phía trước. Máu tĩnh mạch từ phần đầu theo tĩnh mạch chính trước đi về phía sau. Hai tĩnh mạch chính trước và sau đổ vào 2 ống Cuviê ở 2 bên. Hai ống Cuviê này chuyển máu vào xoang tĩnh mạch. - Hệ bài tiết: Gồm 100 đôi đơn thận nằm dọc 2 bên phần lưng của hầu. Mỗi đơn thận gồm một ống đơn thận ngắn, uốn cong nằm giữa 2 khe mang. Ống này có một lỗ thận mở vào xoang mang và một dãy lỗ thông với xoang cơ thể được gọi là miệng thận. miệng thận được bịt kín và trên đó có nhiều tế bào mặt trời (solenocyst), hình ống dài, bên trong có nhiều tiêm mao rung động. Chất cặn bã được lọc từ xoang cơ thể, qua lỗ thận, qua xoang quanh mang rồi theo dòng nước ra ngoài qua lỗ bụng. Như vậy hệ bài tiết của Lưỡng tiêm có cấu tạo và hoạt động giống với hậu đơn thận của Giun đốt. - Hệ sinh dục: Là động vật phân tính nhưng buồng trứng và tinh hoàn giống nhau. Lưỡng tiêm có 25 đôi tuyến sinh dục, sắp xếp 2 bên thành cơ thể, thông với xoang quanh mang, không có ống dẫn. Sản phẩm sinh dục khi chín sẽ lọt qua thành tuyến sinh dục, vào xoang quanh mang, theo dòng nước ra ngoài qua lỗ bụng. Chú ý là ở Lưỡng tiêm chưa có mối liên hệ giữa cơ quan bài tiết và sinh dục. . Động vật không xương sống ( phần 2 ) Sinh thái cá Lưỡng tiêm Cá Lưỡng tiêm phân bố rộng rãi ở Ấn Độ Dương và dọc bờ biển châu Á của Thái Bình Dương, khá phổ biến. Cấu tạo trong cá Lưỡng tiêm - Vỏ da: cấu tạo có 2 lớp chính là biểu bì (epidermis) ở mặt ngoài và bì (dermis) ở bên trong. Khác với đa số động vật Có xương sống, biểu bì của Lưỡng tiêm chỉ có. Cá Lưỡng tiêm thường sống nơi đáy cát thô, xốp, sâu khoảng 8 - 20 m, nước trong, nồng độ muối 2, 0 - 3,1%, độ pH khoảng 8 - 8,18. Thức ăn của cá Lưỡng tiêm là động vật phù du và khuê tảo. Cá