TIẾP CẬN NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN (Phê bình) CHƯƠNG I : THỬ TIẾP CẬN NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN QUA NGÔN TỪ CỦA NHẠC. 1/ Một số cảm nhận nhỏ về ngôn từ trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Là một người biết đến tên tuổi Trịnh Công Sơn khá lâu, nhưng không thể tiếp cận nhạc của ông một cách sâu sắc và có hệ thống, nên phải nhờ đến sách vở và một số bạn bè trong box Trịnh, để thực hiện cho bước đầu khảo lược lại Trịnh Công Sơn theo cách riêng của mình. Tôi đã đến với Nhạc Trịnh bằng con đường này. Lần đầu tiên nghe ca sĩ hát bài Một Cõi Đi Về, tôi bị hút vào những ngôn từ rất thơ, rất đời và đầy triết lí. Cái nền tảng cho sự đam mê có lẽ xuất thân từ đấy và định hình trong tâm thức một hoài vọng tìm hiểu chân lí bí hiểm, nằm sâu dưới đáy mồ nhân thế bao nhiêu năm chợt bừng thức bởi một thứ ánh sáng diệu kì nơi lòng mình. Tôi cố tạo ra vẻ không yêu Trịnh và nhạc của ông khi gặp bạn bè, nhưng trong lòng thì hoàn toàn ngược lại. Như Một Cõi Đi Về đầy những dấu chân, tôi phải lạng lách để không bước lại những dấu đời đã từng in dấu. Trịnh Công Sơn không cần bất cứ một văn bản nào, một chữ kí nào trong trái tim tôi, thì hiển nhiên những thái cực của tâm hồn tôi đã giữ lại hình ảnh ông trong từng gam màu, cung bậc, ẩn mình dưới lớp vỏ ngôn ngữ đẹp một cách lạ lùng. Đi sâu vào nghiền ngẫm ý tình con chữ, tôi nhận thấy đâu đó trong tâm hồn người nghệ sĩ lớn Trịnh Công Sơn phảng phất thi tình từ độ ý nhạc vừa chạm tim ông, cho nên nhạc của ông có sức lan tỏa ghê ghớm. Nó như một dòng sông mà bất cứ một ai cũng có thể tìm cho mình một nơi để tắm, để bơi lội cho thoả thích. Tuy nhiên, vì nó như thế, cho nên cũng không ít người trong lúc quá thỏa thích với dòng sông lớn ấy đã bị cuốn đi Khi biết mình đã quá xa nơi bến tắm, thì cũng đã là lúc người đó đã dạt về cái nơi biển rộng không phải có riêng một mình Trịnh Công Sơn mà còn muôn trùng bao điều khác. Thành ra, nếu không biết tiếp cận và lĩnh hội, thì dẽ bị quáng trước những thứ ánh sáng mạnh như tình yêu vậy. " Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn, để sớm mai dây lại tiếc xuân thì". Có phải cuộc chơi nào cũng vậy thật chăng? Và con đường nhỏ đầy những lối mòn quanh nó mà tôi đang đi liệu sẽ về đâu? Hay là cũng tận say cho thoả lòng hiện tại, để sớm mai ra chợt tiếc cho mùa xuân kia đã cạn ngày 2/ Tính thông tin trong ngôn ngữ Trịnh Công Sơn. ( Sơ luận ) Thường thì thơ hay nhạc đều chứa đụng tính thông tin trong câu chữ, như riêng với ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn, tính thông tin vượt ra khỏi những phạm trù triết học thuần tuý, cuốn con người vươn xa hơn trong những dự cảm và mơ ước. Những câu chữ thể hiện cốt cách một trái tim lớn, một nhân sinh quan hình thành bởi pha lê và cát bụi nên sự óng ánh trong nó không dễ nhận biết. Giống như những hạt cát dưới ánh mặt trời, nó phản chiếu khiêm tốn hào quang, nhưng rát bỏng và góp phần làm ấm cả sa mạc. Ngôn ngữ của Trịnh là như thế. Lần theo từng con chữ mới thấy được cái ý sâu xa, cái mênh mông bát ngát ở định hướng những con đường. Đọc Trịnh, ta thấy rất rõ điều đó, và nghe Trịnh, ta lại thấy điều ngược lại. Xuyên suốt sự phát triển của ý, của cảm súc là những cố gắng cho nét đẹp trí tuệ, nhưng không hề phô trương hay rũa gọt ngôn từ. Cái đẹp trí tuệ hiện ra ở tính thông tin cho một hướng tư duy người đọc, người nghe. Đến như một người bạn của Trịnh là Nguyễn Trọng Tạo cũng phải thốt lên cái lí do tại sao Trịnh Công Sơn được quần chúng yêu đến thế! Thì có lẽ cái câu trả lời chẳng khó gì với những ai đã đọc, đã nghe, đã nghiền ngẫm và suy tư về Trịnh. Bằng ngược lại, có chăng cũng chỉ biết và đến với Trịnh theo trào lưu, để được xếp mình vào hàng ngũ những người nghe nhạc trí tuệ. Cái mốt này rởm đời và nên bài trừ ra khỏi hệ thống những người yêu Trịnh. Đọc Trịnh, ở một chừng mực nào đó, ta thấy ngân lên những cuộc đời, những số phận và những ghi chép như một nhà làm sử. Sự Sống và Sư Chết hình như đã Vô Thường qua tình thơ và ý nhạc. Người nghe tận hưởng được sự minh bạch triết học Đông Phương và dẫn lối họ ra khỏi cái gọi là Cõi Tạm. Những điều mà Trịnh tâm niệm cũng là những điều hiển nhiên trong cuộc sống xã hội, sao nghe vẫn vang vọng ý tình Tiếp cận Trịnh Công Sơn qua những cách nhìn của dư luận. 1/ Dư luận xã hội cho đến thời điểm này vẫn tồn tại rất nhiều những suy nghĩ thuận nghịch về Trịnh. Điều đó là hiển nhiên thôi. Tuy nhiên, tìm hiểu nguồn gốc sâu xa hay cái gọi là nguyên nhân phát sinh sự thuận nghịch ấy trong lòng dư luận thì chưa ai làm. Nói đúng hơn là không ai đủ thời gian và tâm huyết cho công việc ấy. Vì thế, báo chí khoanh tay ngồi nhìn. Những người hâm mộ và kính trọng tài năng cũng như đạo đức của Trịnh cũng ngồi chờ. Một số ít những người dám làm thì không tìm được đầy đủ tư liệu, và tình cảm ủng hộ. Sự tắc nghẽn về vấn đề này chưa có sức mạnh khơi thông. Thành ra, tôi rất ngại khi nói nói đến nó, cũng như trước đây đã ngại khi nói ra tình cảm thật của mình về Trịnh trước bạn bè. Không sao cả. Vì đó chính là một minh chứng sâu sắc cho cái gọi là thuận nghịch trong tình cảm, góp phần tạo ra các dư luận ngược chiều. Thử hỏi, khi ra đường, ai cũng hát nhạc Trịnh, ai cũng bàn tán về nhạc Trịnh, ai cũng si mê Trịnh như một ông Thánh, thì hoá ra tất cả họ đang cố tình tự lập một tôn giáo lố bịch lắm sao?! Nói như một vị Giảng Viên của trường Cao đẳng Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM, trong một lần tôi được nghe tại Trung tâm Nghệ Thuật Học - Trường ĐH Văn Hiến rằng, nếu Trịnh Công Sơn có thể làm cho ai nấy khi nghe nhạc của ông đều cười và yêu ông, thì chắc chắn một trăm phần trăm trịnh Công Sơn là một anh Hề! Bởi chỉ có anh hề trên sân khấu mới làm được điều ấy, còn bất cứ một diễn viên chính diện hay phản diện nào cũng không làm được. Sân khấu lớn là sân khấu cuộc đời cũng vậy. Vì lẽ ấy, dư luận tồn tại những quan điểm thuận nghịch là một lẽ tất nhiên và tôi nghĩ rằng nên như thế. Không có sự thuận nghịch ấy, tất không làm sáng ra những giá trị của Trịnh và ngược lại không thể có cái vách tường sừng sững của sự khẳng định, để đè bẹp những suy nghĩ sai lầm. Trong một đất nước rất giàu có về truyền thống thơ ca như nước Việt Nam, đi đến đâu cũng có dân ca với những làn điệu đã trở nên vô cùng quen thuộc. Lại có cả hàng nghìn năm nghệ thuật Chèo Cổ, Hát Cung Đình chế ngự, và khi xã hội mở cửa thì nhạc cũng như thơ hay nói chung là cả nền Văn Học Nghệ Thuật nước nhà không tránh được những làn gió độc từ nhân loại thổi vào, khiến có lúc tưởng như những loại nhạc rẻ tiền chiếm lĩnh đa số trong đầu và trong lòng giới trẻ. Hơn nữa, nột dãy trường Sơn còn oằn mình nằm trong tim thế hệ cha chú vừa mới bước ra khỏi chiến tranh, các bản tình ca, các bài hát truyền thống vẫn như những ngọn lửa không chỉ là niềm tin mà còn là niềm phấn trấn Thì nhạc Trịnh Công Sơn với chỗ đứng khiêm tốn trong tám triệu con người đã là con số vô cùng lớn. Tôi tự hào rằng mình là một trong cái con số nhỏ nhoi ấy, dẫu mới tập tễnh tiếp cận nhạc cũng như thơ của Trịnh Công Sơn 2/ Vai trò của báo giới trong vấn đề đưa nhạc Trịnh đến các tầng lớp khác trong xã hội, nói thẳng ra là rất khiêm tốn. Nếu không muốn nói rằng, báo giới đang ngập ngừng ngọn bút. Họ mơ màng và chưa tìm ra cái mới trong bài viết của họ. Nói như một câu thơ lục bát của Nguyễn Minh Khiêm là: " Sợi tơ vướng vít trên cành Đi đâu cũng gặp lại mình cả thôi" Song, cái họ sợ chưa hẳn đã là sự gặp lại chính họ trong bài viết, mà gặp phải dấu chân người khác. Đúng thế. Và tôi nghĩ rằng, điều đó không làm nên tính sáng tạo cho họ mà ngược lại càng góp phần làm cho ngòi bút của họ cùn đi. Nhớ mấy câu của Trịnh: Còn hai con mắt khóc người một con Trịnh Công Sơn lúc tại dương đã từng viết ra những lời nhạc như chính máu của trái tim ông như thế, nhưng tiếc thay, khi ông về với đất, thì những người học đòi nghe nhạc của ông chỉ cầm cờ mà vẫy trong đám tang của buổi tiễn đưa phần xác Trịnh, mà chẳng tích đọng được phần hồn của Trịnh đang lan toả khắp nhân gian Tiếp cận Trịnh Công Sơn qua cách độc thoại chính mình 1/ Nhiều đêm ngồi một mình bên cửa sổ. Không nhạc, không thơ, chỉ có ánh trăng non ngang mày. Chợt thấy lòng mình như ý nhạc của Trịnh, quạnh hiu và đầy nỗi khát khao được cầm tay cuộc đời. Những điệu nhạc chẳng lấy gì làm trầm bổng như các loại nhạc vàng ( sến), dân ca sao thấy trái tim mình du dương đến lạ. Cái du dương này thoáng ẩn hiện trong ánh sáng hoả châu từ độ nào bên chiến địa, ngân nga, dìu dặt rồi ầm rú như tiếng đại bác dội xuống sau lưng thành phố. Ánh trăng trên đầu cũng như e ấp núp nửa khuôn mặt non nớt vào mây, chỉ để lộ một vòm sáng như chiếc mắt kính đã hoen mờ vì khói thuốc vắt trên khuôn mặt Trịnh. Tôi mơ hồ như một đứa trẻ thơ cố tìm lại một nỗi gì trong tim Ừ nhỉ! Trịnh Công Sơn viết ra những điều có cao siêu gì đâu. Toàn là những triết lí giản đơn, đọc ra ai cũng hiểu. Thế mà vẫn huyền bí, mông lung. Những khúc nhạc đê mê làm cho hồn người trở nên lay động như những ngày trở mùa trở gió. Những tiếng nhạc xuyên vào lòng đêm làm bừng tỉnh các loài hoa dại. Những tiếng nhạc rên xiết bên xác chết mà vẫn ấm những hơi người nồng nàn. Những tiếng nhạc oằn đau trên nếp nhăn của mẹ vẫn da diết như điệu ca dao Sao thế nhỉ? Có phải chăng tất cả những điều trên tôi vừa ngộ ra đó chăng? Có lẽ là như thế. Ngọn bút tưởng đã vô duyên và tự khép lòng đơn lại, nhưng đã kịp tải ý của lòng vượt ra ngoài vùng cấm của tư duy. Ôi, nhạc và thơ cùng trí tuệ của thiên tài - Những thứ có thể nuôi sống những tâm hồn cô quạnh. Tôi cứ mãi loay hoay trong vụng về suy nghĩ và cứ run rút buồn trong từng cung trầm của Trịnh 2/ Người về soi bóng mình sau cuộc thế đảo điên. Một cuộc trở về không tốn nhiều công sức chuẩn bị nhưng hao tổn trăm ngàn dòng lệ. Thế nhân chẳng đủ là tường trắng lặng câm cho bóng người phản chiếu được đâu. Người cứ hãy ra đi, chỉ xin để lại những gì người đã cho - hàng ngàn câu thơ, điệu nhạc. Thế nhân giàu lên trong hồn họ nhưng họ nào đâu có biết. Và tôi ơi, nếu thời gian này trôi chậm hơn một chút, chắc có lẽ những độc thoại mơ hồ sẽ chắp cánh cho ngọn nến dưới trăng sáng hơn một chút, cho bóng người hạ xuống bờ vai Trăng cũng sẽ vào mây, và chốc nữa Khánh Ly sẽ hát. Trịnh Công Sơn tuy đã ra đi, Khánh Ly cũng không còn trẻ, sao tình thơ và ý nhạc vẫn tươi non đến thế. Cái buồn buông bắt như thực như mơ vẫn nhói lòng đến thế Tất cả như đang hội ngộ trong trái tim nhỏ hẹp của tôi làm chật chội cả đời thường và tan ra như dòng máu chạy khắp mạch trên cơ thể. Tôi tự hỏi với lòng rằng, mình đang nguỵ biện cho mình đấy ư? Hay toan tính cho sự thấp hèn của đua đòi theo mốt nhạc thời hiện đại? Con thạch sùng trên trần nhà chép miệng. Đêm vẫn đêm và tôi vẫn tôi Không còn ai cả, kể cả trăng kia cũng đi ngủ mất rồi. Tôi tự nhủ với lòng mình: Tôi ơi đừng tuyệt vọng! Vì đâu đó nơi cuối đường xa chắc chắn có một vì tinh tú đang chờ CHƯƠNG II: KHÚC TÂM NIỆM CỦA CHUỖI NIỀM TIN ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH. 1. Ngay từ khi Trịnh còn có mặt nơi quán trọ trần gian, người bạn vong niên của ông là Nhạc sĩ Văn Cao đã từng nói rằng, Trịnh không bị ảnh hưởng bởi những giáo điều cổ điển phương Tây. Thoạt nghe, tôi chưa cho phép mình tin tưởng điều này, nhưng khi đọc lại những tác phẩm của Trịnh viết trước năm 1975, tôi thấy điều mà nhạc sĩ Văn Cao nói là sự thật. Tôi cần phải khẳng định lại cho chính niềm tin của mình bằng những lời ca của Trịnh, và nghiệm thấy bản chất triết học trong nhạc của ông là sự kết tinh từ cuộc sống trải nghiệm đầy những khốn khó, lao đao và bất định. Cho nên cái gọi là bản chất triết học trong nhạc của Trịnh Công Sơn là sự lí giải cho số phận, nói một cách khác nó đồng nhất với quan niệm của Phật giáo nhưng giao thoa với tính ngang tàng của người quân tử trong Nho giáo. Thành ra, khi Trịnh lí giải về số phận con người, nhạc của ông cuốn tư duy người nghe vào khuynh hướng buông xả. Song, xét kĩ hơn một chút, ta thấy những điều vừa nghiệm thấy là hình thức tồn tại bên ngoài ý nhạc. Xuyên suốt các lời ca của Trịnh, tình yêu lớn dành cho dân tộc, dành cho nỗi đau mất mát và hi sinh trong chiến tranh của những người con da vàng, dành cho những Người Tình trong thơ và nhạc của ông Tất cả những tình yêu ấy gộp thành dòng suối tưới đẫm những mảnh hồn bất kì nào chai lì nhất. Vì thế, nói bản chất triết học trong nhạc Trịnh Công Sơn là cội dễ của yêu thương và tình bác ái cũng là điều dễ hiểu. Lênh đênh cùng kiếp người, đau thương cùng số phận hàng triệu người da vàng nằm xuống. Trịnh đã hát cho chính dân của Trịnh nghe bằng nhịp đập trái tim của Trịnh. Lời ca ấy không cần đến bướm ong quấn quýt, nhưng hương thơm và nét đẹp hoa thơ, hoa nhạc vẫn lan toả và tận hiến cho nhân gian. Chợt nhớ một ý của Napoléon rằng, đức Chúa Jesus tạo ra vương quốc của mình bằng tình thương và lòng bác ái, Jesus mất nhưng vương quốc của ngài tồn tại đến muôn đời. Chúng ta có thể ngần tin với nhau điều ấy trong trái tim mỗi người về Trịnh, song không nên tự lập ra một tôn giáo Trịnh một cách lố lăng và ấu trĩ. Giá trị vốn có và đang tồn tại của nhạc Trịnh sẽ mãi vinh thăng trên con đường đi thẳng đến tâm can người nghe, hãy để nó tự khám phá ra hướng đi bản ngã và thiêng liêng nhất. tôi tin vào điều đó và hình như đó là niềm tin trong sáng nhất! 2/ Những mâu thuẫn tất yếu khi tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn một cách nghiêm túc. Nếu như chúng ta đến với nhạc của Trịnh một cách nghiêm túc nhất thì tất yếu từ sâu thẳm tư duy sẽ hình thành những mâu thuẫn. Đó là những mâu thuẫn về những chiều kích phận người nơi quán trọ trần gian, là những băn khoăn trong hàng tá những câu nhạc rất ngang nhưng tình ứ, là những thôi thúc tìm hiểu đến tận cùng nỗi đau và tận cùng vui sướng,v.v tất cả tạo nên những giằng xé, những xung đột nội tâm người nghe, và phải tư duy lắm lắm mới cấu thành nên những mâu thuẫn đáng yêu như thế. Chúng ta thường ngồi lại bên nhau trong những nơi như quán cafe lâng lâng điệu nhạc, hay tắt hết đèn trong phòng đêm để tự đàn và cho nhau nghe Cũng để tận hưởng và giải quyết cái mâu thuẫn đáng yêu vừa mới nói. Mọi sự bàn luận trong những lúc ấy là vô nghĩa. Mà chỉ cần mỗi người tự cảm lấy cái hay, cái không thể nói ra, vì ngôn từ trong những thời khắc ấy không làm tròn bổn phận tải ý. Nó như một vòm mây trên trời cao hiển thị những lá cờ tự do không có cán, cứ bay lên và tan ra hoà vào vũ trụ. Và chỉ có cát bụi đâu đó trong không gian là găm chặt được với tình. Huyền diệu thay mà cũng thú vị thay. Tiếc cho ai không có cảm giác như thế và xấu hổ cho tôi trước giờ mới biết đến điều này 3/ Sự giằng xé nội tâm xoay quanh vấn đề tiếp cận Trịnh Công Sơn là sự giằng xé của tâm linh. Nhiều ít những tình cảm rất khác biệt trong lòng khi nghe Trịnh hay đọc Trịnh xuất hiện đồng thời, tạo ra những sóng âm li ti mà cũng không kém phần dữ dội trong tôi. Đến với trí tuệ Trịnh Công Sơn mà theo kiểu cỡi ngựa xem hoa thì e rằng chỉ có hại cho ta về sau này khi tư duy mà thôi. Vì thế, trong những lần độc thoại tự vấn về vấn đề nhạc Trịnh ai hát hay nhất, Khánh Ly hay Hồng Nhung? Trịnh Công Sơn hay chính tôi? Nhiều người từng nói rằng, vị trí thứ nhất là Trịnh, vì chỉ có Trịnh mới hiểu hết cái nghĩa của chữ và hình như điều này hơn một lần Trịnh đã trả lời phỏng vấn. Thứ đến là Khánh Ly, vì Ly là người gắn bó với ca từ của Trịnh cũng như với Trịnh sâu sắc hơn ai hết và tiếp đến là Bống ( Hồng Nhưng ). Còn tôi, khi nghe cả ba người hát, tôi vẫn chưa tìm được cho mình sự kì diệu của niềm tin mà người đời từng gieo giắc. Mãi đến khi tự mình lẩm bẩm được đôi câu, thì tự đáy sâu cõi lòng toát lên dư vị nửa đắng, nửa ngọt ngào pha êm dịu. Tôi đã hiểu ra cái hay của nhạc Trịnh Công Sơn trong vấn đề tiếp cận phải nhờ đến vai trò của trái tim mình. Và tôi đã hát. Một mình hát cho mình nghe, những khúc tư duy của Trịnh. Thế mới biết cái sâu xa, cái huyền bí mà thiên hạ từng nói quả không sai chút nào 4/ Đánh thức nỗi đau trong ca từ của Trịnh là một việc mà một số bạn bè của tôi khuyên là chẳng nên làm. Tuy nhiên, trong chừng mực này, tôi không thể không thức tỉnh những niềm đau ấy, để được đau, và được trộn máu mình với ca từ của Trịnh. Niềm đau của một thời, niềm đau trong một người. Niềm đau ấy là thứ nước cam tuyền trong tay Bồ Tát, tôi nghĩ thế và nếu suy nghĩ trên có là ấu trĩ, thì đó là sự ấu trĩ duy nhất đáng yêu hơn cả lúc này đang ngồi viết đôi dòng về Trịnh. Những tình khúc trước ngày miền Nam giải phóng là những tình khúc khiến tôi rung động và hoang mang trong tiếp cận nhiều hơn cả. Nếu nói về ảnh hưởng của Xứ Huế mộng mơ và tư tưởng Phật giáo đối với sáng tác của Trịnh trong thời gian này, tức là đụng đến vấn đề nghiên cứu. Tôi xin không mạn phép bàn, chỉ xin nói những tâm ngôn của mình về sự nhận biết những điều ấy mà thôi. Như vậy thì cái thấy của tôi cũng sẽ là cái thấy của bao người khi bước đầu quan tâm và tìm hiểu Trịnh. Vâng, Huế và những trang đời tuổi thơ của Trịnh lan toả khắp các mặt con chữ trong ca khúc thời ấy, tuy nhiên chẳng thể tìm đâu một từ chỉ Huế hay nói thẳng về cái triết lí thiền tông cao vợi. Như một con đường một chiều, Trịnh đi trên con đường ấy thẳng tới hôm nay mà không có ngoái đầu trong âm nhạc. Điều đó không phải ai cũng làm được, kể cả các nhạc sĩ lão làng cùng thời với ông. Đó phải chăng là sự thiên tài cùng với sự miệt mài với cái Tâm sáng loá. Tôi chợt nhớ đã đọc đâu đó một câu phê bình rất hay và thích hợp trong trường hợp này: Sự thật là điểm đi và điểm đến của nghệ thuật chân chính. Và cái sự thật của điểm đi trên đường thơ và nhạc Trịnh là khát vọng hoà bình cho dân da vàng nói chung và dân nước Việt nói riêng, sau đó là khát vọng về quan điểm Chân - Thiện - Mỹ với mong muốn sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Cái đẹp này rất Mỹ học và đôi khi nó cao hơn chính trị và mạnh hơn thần chết. Vì đơn giản là sức mạnh của thần chết đã cúi đầu trước nhạc của ông, dù rằng ông đã ra đi CHƯƠNG III: NHỮNG KHÚC SUY TƯ KHI TIẾP NHẬN NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN 1/ Ta vẫn thường hát cho nhau nghe về Một Cõi Đi Về của Trịnh. Nhưng đã bao giờ ta hát cho ta nghe về Một Cõi Trịnh của trái tim mình? Vâng, cái gọi là Cõi Trịnh trong trái tim mỗi người một khác, mang những chiều kích không giống nhau, nhưng tôi tin và dám cá với cuộc đời rằng, cái cõi ấy là một hằng số. Cùng với thời gian, nó sẽ ngày càng nhiệm màu và giúp chúng ta hồi sinh những vết tâm hồn chai lì, vốn đã bị chính cuộc sống này chà xát. Ngay như những chia ly, những mảng vỡ trong Xứ Tình của Trịnh vẫn là một sự tròn trịa và đủ đầy. Thì không có bất cứ một ví dụ nào trong việc ta không định tâm hướng về cái sâu xa trong tâm hồn của Trịnh. Ngay trong thời khắc này, ngòi bút của tôi cũng đang cố dụ dỗ lí trí tôi ngụp lặn trong Trịnh như một con Chiên ngoan đạo. Liệu rồi, những mê lực câu từ trong nhạc của Trịnh Công Sơn, có làm cho tư duy của tôi méo mó đi không? Tôi cũng không dám chắc. Chỉ biết lúc này, trái tim tôi đang hát nhạc của ông chứ không phải miệng tôi hay từ bất kì miệng của một ca sĩ nỗi danh nào 2/ Trong mọi phía và mọi ngóc ngách của quán trọ trần gian, nơi nào có hơi thở của con người, nơi đó ắt có cái gọi là Tình Yêu. Và tôi, một kẻ luôn mập mờ, sờ soạng bước đi trên con đường tình ái, hay lẩm bẩm vài ba câu nhạc của Trịnh, như để khỏa lấp cô đơn trên khuôn mặt của mình. Những đêm như đêm nay, bầu trời vừa nở ra sau bận dúm dó bởi cái lạnh của mưa. Vài ba vị tinh tú ló mặt ra khỏi mây đen phì phò thở và chớp chớp bờ mi, phả ra cái ánh sáng lập loè giữa ngân hà Tôi nghe lòng trống tênh khôn tả. Nhớ có lần người yêu tôi bảo rằng, đâu đó trên chòm sao kia, Trịnh Công Sơn đang ngồi đàn cho các vị tinh tú nghe bài Con Mắt Còn Lại, để rồi cùng các vị tinh tú ấy tựa lưng nhau nhìn xuống trần gian, kiểm chứng hồn điệu của nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi đã mỉm cười và không tin như thế. Nhưng, tôi đâu có hay rằng, dù có hay không việc Trịnh ngồi hát cho các vị tinh tú trên trời nghe, có đâu quan trọng, quan trọng hơn là trong trái tim người yêu của tôi, Trịnh Công Sơn đã dạo bản Ru Đời Đi Nhé trong đó tự bao giờ Có phải tình yêu trong nhạc của Trịnh Công Sơn thánh thiện đến vậy chăng? Hay nhờ thơ, nhờ nhạc ấy mà tình yêu lứa đôi của mỗi người trở nên thánh thiện? Câu hỏi này có cần thiết trả lời hay không, thì những ai đã từng nghe Trịnh, hãy tự chất vấn lòng mình. Cũng như chính tôi đang hành hạ ngọn bút tật nguyền, xới cày lên trang giấy trinh nguyên, để chất vấn chính chuỗi suy tư dúm dó bấy lâu nay 3/ Giữa cuộc sống loay hoay với cơm áo gạo tiền, những người chạy trốn làng quê ra phố như tôi, chưa bao giờ quên được cái tội với luỹ tre làng, cây đa, bến nước Đã vậy, còn không giữ được cái vẻ mộc mạc của những khúc ca dao, dân ca quen thuộc. Tập tành nghe, tập tành chơi như những người trí thức. Tôi vẫn tự hỏi lòng mình rằng, việc vô tình hay hữu ý, nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy, đang lấn dần một cách vô thức trong trái tim tôi, có làm cho tôi thêm một lần mắc tội với những làn điệu dân ca? Mới hôm nào nơi chiếu Chèo, những câu Sa Lệch còn nhấn chìm cả giấc mơ tôi. Mới hôm nào, nơi quán nhỏ ở Thị trấn Dĩ An - Bình Dương tiếng đàn guitar cổ của ban nhạc tài tử, còn xuýt làm cho tôi bỏ phố về làng Thế mà nay, những lúc thảnh thơi, lại tụm kéo bạn bè về căn gác nhỏ, tắt đèn điện, thắp đèn cầy, uống trà, nghe nhạc Trịnh. Mặc dù, ly trà Thái Nguyên đậm chát cả nỗi niềm, nhưng câu hát vẫn vời vợi xa bay. Để rồi được gì và mất gì, chưa biết! Chỉ biết rằng trong mắt bạn bè, có thể vô tình tôi đã bị mang tiếng là kẻ đua đòi thời thượng, tiêu hoá chưa được dăm câu nhạc Trịnh, cũng bày đạt cầm bút viết phê bình cảm nhận! Song, có một điều luôn làm tôi thanh thản, đó là, nhờ nhạc Trịnh Công Sơn, tôi lờ mờ hiểu ra rằng, Trịnh mách bảo tôi không cần thiết phải chịu trách nhiệm về sự nghĩ của người khác về tôi trong việc tôi tiếp cận ông. Tôi sẽ vẫn cứ nghe nhạc của ông, đọc ông và viết về ông, cho dù chỉ để cho một ngày nào đó, cả tôi cùng những dòng viết này lăn đi cùng cát bụi vĩnh hằng! Tôi thường tư duy về ông để mà trăn trở một điều rằng, Trịnh Công Sơn có mặt trong bao nhiêu trái tim của hơn tám mươi triệu người dân nước Việt? Trong khi tư duy về điều này, tôi chợt rùng mình hiểu ra rằng, Trịnh Công Sơn chuyên viết nhạc theo lối triết lí đầy trí tuệ, không phải dạng nhạc dành cho đại đa số quần chúng nhân dân. Vì thế mà nhạc của ông cũng chỉ khiêm tốn nằm trong những trái tim của những người có thể hiểu được ngôn từ trong nhạc. Và cũng trong tư duy ấy, tôi hiểu thêm rằng, âm nhạc của Trịnh cũng không phải là thứ âm nhạc suất sắc lắm, mà nhờ ngôn từ ông sử dụng trong tác phẩm, tự biến tất cả thành một thứ kim cương hoành tráng, đầy mỹ cảm. Rất nhiều lần tôi về đồng bằng sông Cửu Long, lang thang hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tôi nhận thấy một điều rằng, không chỉ dân chúng ở nông thôn mà kể cả số đông dân chúng thị thành dưới đó, họ không biết nhiều về Trịnh Công Sơn hay nhạc của ông. Trên hầu khắp các quầy băng đĩa nhạc, chủ yếu bày bán các loại nhạc trẻ, cải lương, nhạc sến Cách chơi nhạc của đại đa số dân chúng dưới đó cũng phân chia một cách rõ ràng theo lứa tuổi. Người già và trung niên thì thường thích cải lương, ít tuổi hơn một chút thì thích nhạc của Ngọc Sơn và giọng hát của anh ta, giới thanh niên học sinh thì lao vào nhạc trẻ hiện đại với những thần tượng như Đan Trường, Lam Trường, Ưng Hoàng Phúc, Vân Quang Long, Cẩm Ly, Nguyễn Phi Hùng Tôi có hỏi rất nhiều người yêu nhạc dưới đó rằng, đã nghe Trịnh Công Sơn bao giờ chưa? Họ khẽ mỉm cười và lắc đầu. Những cái lắc đầu sắc như gió hồng hoang chém phay những cọng cỏ non mới mọc trên phần mộ của Trịnh vậy. Ai khóc cho điều này 4/ Như một cuộc chơi không định trước, tôi nhấn chìm mọi cảm xúc băm bổ của đời thường cho việc kiểm chứng tư duy, khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn. Có vẻ như hơi khốn nạn và tầm thường, khi tôi cố tình vứt bỏ những gì đã thuộc, đã nghe trong quá khứ, nhưng lại thấy mình được giải thoát. Phải thú nhận rằng, tôi chẳng hiểu nhiều về nhạc của Trịnh Công Sơn, hay nói khác đi, tôi gần như ăn cắp cảm xúc tự nhiên, để tô vẻ cho tâm hồn mình bớt phần đơn điệu. Và vì thế, khi nghe Trịnh lần thứ hai, thứ ba tôi mới dám khẳng định những gì ban đầu tôi lơ mơ ngộ nhận là chính xác. Và tôi biết chắc chắn rằng, cũng khối người như tôi trong việc ngộ nhận như thế. Có thể điều đó giúp cho tôi có chút tự hào rằng, mình dũng cảm hơn họ ở việc dám nói ra cái tầm thường giả tạo của mình. Tôi nhớ có lần, khi nghe Khánh Ly hát trong cuốn băng có tựa là Một Cõi Đi Về, tôi nói với bạn bè tôi rằng, thứ nhạc ngang phè phè này cộng với giọng hát the thé này, làm nên một kiểu nhạc bất phân, bất thấu trong tôi. Cho đến khi đoạn cuối của cuốn băng, lúc mà Khánh Ly không hát nữa, cô nói như tâm sự cùng với Trịnh Công Sơn, và có cả phần trả lời của Trịnh Công Sơn đính chính cho cái cụm từ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng rằng, thời nay phải nói cho đúng hơn là cần sống tử tế với nhau. Chẳng hiểu tại sao tôi lại nhắm mắt lại và nhớ bạn bè kinh khủng. Những người bạn rất đổi tốt bụng và thừa lòng bác ái với tôi. Tôi có vẻ như nhận thức thêm rằng, bấy lâu nay, họ đã quá tử tế với tôi - một thằng khốn nạn và nghèo hèn. Trong khi nhắm mắt ấy, cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại nghe giọng Trịnh vang vang, chẳng hiểu tại sao tôi lại mơ hồ về một chiếc lá rụng trong chiều gió ngược, bay phất phơ ở phía cội nguồn Tiếng nhạc vẫn rền thở đêm đêm, vọng ra từ cái máy cassete cũ kĩ, nhưng âm thanh không vì thế mà trở nên yếu đuối. Chỉ có tôi là yếu đuối với lòng mình và với chính cuộc đời vay mượn của tôi. Tôi đã vay thời gian của đời mình cho việc nghe Trịnh Công Sơn, tôi đã vay yêu thương của người yêu tôi cho việc đến với nhạc của ông, và vay tâm tình cũng như sự động viên của bè bạn cho việc tiếp cận ông chu đáo. Nhưng rốt cuộc, tôi đã viết ra những câu chữ không đáng một đồng xu lẻ. Cảm giác như có tội với ông ngay bên chiếc cassete ở đầu giường. Cảm giác như tôi đang tự đánh lừa mình qua những giác quan bị lật ngược và xoay vòng. Trịnh Công Sơn không phải thần thánh, cũng không phải quỷ trong trái tim tôi. Chỉ đơn thuần là một nhạc sĩ tài hoa, đã biến một anh nông dân thành một tay Xuân Tóc Đỏ. Có lẽ bạn sẽ phỉ nhổ vào mặt tôi khi đọc những dòng này, nhưng tất cả là một điều rất ngẫu nhiên trong tư duy và trong nhận thức của mỗi người. Tôi phải nói thêm điều vừa rồi như chính lời tự thú với Trịnh vậy. Bởi đâu đó trong lòng tôi, vô hình trung đã có một ngôi mộ của Trịnh Công Sơn, mà nếu như không nghe được chính giọng của ông ( tuy không xuất sắc lắm) thì có lẽ ngôi mộ ấy đơn thuần chỉ nằm trên mặt đất. Và tôi cùng câu chữ của tôi là những que nhang tự cháy trong ngút ngàn tiếng đêm vẫy gọi, khóc ông trong một sự trễ tràng 5/ Tôi không định nghĩ nhiều về cái ngày tôi về với đất để được vấn diện Trịnh Công Sơn, đơn giản chỉ vì tôi tin rằng, tôi đang còn quá trẻ. Người xưa có câu, ngũ niên tri thiên mệnh, mà tôi thì chưa đi hết một phần hai chặng đường ấy. Vì thế, những tư duy lúc này, nếu có được định hình và thể hiện ra đây, e là cũng để cho gió cuốn đi thôi. Song, những tiếng ve đầu mùa hạ, hát vang bản thánh ca buồn dọc con đường Tôn Đức Thắng, sao tôi nghe trong âm điệu có lá thu rơi vội, như muốn khắc khoải tàng âm của Trịnh. Phải chăng, khi ông đã qua cái ngưỡng tri thiên mệnh ấy, ông hiểu được tiếng lòng thiên hạ gói trong những rối ren thuần túy đời thường? Cho hôm nay, những người như tôi, dẫu bàn chân xước bầm vì gió bụi cuộc đời, vẫn vấp phải những giọt thơ lăn trên các dây cung của vòng xoay định mệnh. Mà chính ông đã chắp cho những vần thơ ấy đôi cánh của lòai chim Thiên Di, bay hoài, bay mãi Cái lối rẽ cuộc đời trong nhạc của ông hiện lên từng thớ vân, hiện lên từng gam màu trong nhạc. Ta nghe như một cuộc trở mình đầy vật vả. Chính cái lối rẽ không cần toan tính ấy, đã thai nghén cho một tài năng con đường đi tới những vì sao, mà không cần bất cứ một phương tiện hào nhoáng nào đưa đón. Ông âm thầm trong một cái tôi cá nhân đã được định hình bởi chiến tranh và thực tiễn xã hội. Tất nhiên điều đó làm cho ông có được cái không thể sao chép trong thế giới quan của ông. Người đọc, người nghe thấu hiểu được lí do tại sao một số nhạc sĩ cùng thời với ông, có những ảnh hưởng nhất định bởi âm nhạc quốc tế hay âm nhạc cổ điển Việt Nam. Còn với ông thì không. Trịnh Công Sơn khai thác đề tài ngay tại trái tim mình, nói một cách khác, ông đã khai quật trái tim mình từ đống vỡ nát của cuộc đời, tìm ra thứ nhạc cho riêng mình. Thứ nhạc ấy là kết quả của những vật lộn nội tâm ghê gớm, cũng như đau thương cho kiếp người thống khổ. Vì thế, nó sẽ không đến với trái tim người nghe bằng con đường đã sinh ra nó, mà đi bằng con đường nhận thức nghiêm túc từ phía thính giả. Đồng nghĩa với việc tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn, là quá trình cảm thụ từ từ, có tinh lọc dựa trên cơ sở những rũa gọt thực tế. Bởi đơn giản là, không phải bài hát nào của Trịnh Công Sơn cũng hay đối với cảm nhận của một người. Có những bài thật khó hiểu và khó tìm ra cái hay của nó, lại có những bài chỉ cần nghe và cảm là đủ để khẳng định đó là tác phẩm vượt thời đại. Người tiếp cận không chỉ cần có một lòng Nhân thuần túy, mà phải có cả chữ Nhẫn trong mối quan hệ giằng co giữa các ý nghĩ hỗn độn, mới mong tiếp cận triệt để. Nếu như điều vừa nói không sai, thì có lẽ 46 giờ đồng hồ vừa qua, tôi không cảm thấy mình đang sống thừa và sống phí. Bởi chí ít, đã đẻ vội được một vài hạt cát tật nguyền, thả nó ra mặt đường bỏng rát khi mặt trời chiếu rạng CHƯƠNG IV: TIẾP CẬN NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN DƯỚI GÓC ĐỘ XÃ HỘI HỌC Cuộc sống muôn màu và luôn thánh thiện. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cảm nhận và phương thức tồn tại của mỗi con người mà cuộc sống trở nên đầy hoa hồng hay cát bụi. Tính chất chắp vá trong tâm hồn con người bao đời đã được khẳng định dưới cái nhìn khoa học, song không vì thế mà những khoảng trống tâm hồn không có cái để khỏa lấp. Con người - với những tính năng vượt trội hơn bất kì lòai động vật nào khác trên hành tinh xanh nhỏ bé này, luôn biết tìm đến những giao thoa, cộng hưởng, để từ đó tự điều chỉnh cho phần thiếu sót của họ trong tâm hồn. 1/ Âm nhạc là một thứ tuyệt âm được lựa chọn để phục vụ cho như cầu nói trên trong xã hội. Đến với nhạc Trịnh Công Sơn, người nghe nhận thức sâu sắc sự ảnh hưởng của ý nghĩa ngôn từ trong nhạc. Vô hình trung, thiên chức khởi nguyên chưa hẳn Trịnh Công Sơn đã muốn như thế. Nhưng khi nhạc của mình đến với độc giả, nó không còn chịu sự kìm hãm của ý tưởng Trịnh. Thành ra, ở một chừng mực nào đó trong một số bài, không còn đơn thuần là nhạc nữa, mà giống như một bản Kinh, một bản Thánh Ca hay một bài Giáo Dục Công Dân về vấn đề sống như thế nào? Sống để làm gì? và tư duy để tồn tại với ý nghĩa ra sao? v.v Khi viết về chương này, tôi chợt nghĩ về những nơi mà ca nhạc trở thành mục đích kinh doanh, hoặc chạy theo công nghệ lăng-xê để bán rẻ nhạc mua danh. Bán Xì-căng-đan lấy sự ân huệ để ý của độc giả về nhạc sĩ cũng như ca sĩ. Hóa ra, Trịnh viết Người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm có cái lí sâu xa của nó. Đứng trên góc nhìn của xã hội, thì bao quát hầu khắp các nền tảng đã và đang hình thành trong tư duy nhân lọai, chắc chắn không phải là những thứ rẻ tiền hay những đứa con tinh thần đẻ vội. Điều đó hiển nhiên đúng và luôn tuân thủ với thời gian. Cái khác là, tương lai, người nghe nhạc ở Việt Nam còn chạy theo những trào lưu nào khác? Nhạc Trịnh sẽ xếp vào đâu trong biển nhạc xô bồ, mà ngay hôm nay nó không còn có thể định lượng được cà về chất lượng và số lượng? Với một ánh nến trong đêm thì chẳng thể sáng cả bầu trời, tuy nhiên, ánh nến ấy vẫn sáng trung thực giữa trời đêm, dù chung quanh nó chỉ là những quầng sáng giả tạo và cũ rích Tôi may mắn được sống giữa tình thương và sự cảm thông sâu sắc của bạn bè. Điều đó giúp nhiều cho tôi có những ân huệ về tình cảm. Và đương nhiên tôi sẽ có được cái quý giá vô cùng, đó là dễ cảm hơn về điều bất hạnh và nỗi cô đơn. Chợt nghe có vẻ như câu nói vừa rồi mâu thuẫn, nhưng đúng là như thế. Nếu bạn nghe hết các tác phẩm của Trịnh, bạn sẽ thấy nỗi cô đơn trong nhạc của ông như một vệt dài, dải dọc khắp cuộc hành trình trên cõi tạm của Trịnh Công Sơn. Nỗi cô đơn trong nhạc Trịnh hiện hữu cả trong sướng vui và hạnh phúc. Có cảm thực sự được điều ấy, mới thấm thía câu chuyện được ngựa của Trung Quốc ngày xưa, để thấu hết cái lẽ vô thường quẩn quanh vây chặt mỗi kiếp người. Như một bông hoa nồng nàn cả hương và sắc, thì chẳng cần đến ong bướm nhởn nhơ bông hoa ấy vẫn đẹp và tỏa ngát hương thơm. Tuy nhiên, tôi không thể dừng lại trong khi nghĩ về Trịnh cũng như nhạc của ông. Thôi thì cứ tiếp tục, và coi mình như lòai bướm ong nhởn nhơ vô duyên kia vậy 2/ Nhìn từ góc độ xã hội tất yếu phải đề cập đến vấn đề con người, cùng mối quan hệ của con người trong xã hội. Bất cứ một khoa học nào cũng nhằm phục vụ và tôn vinh cho quyền lợi cũng như vẻ đẹp của con người. Riêng trong khung nhạc của Trịnh, chỉ xin lạm bàn tới vẻ đẹp thiêng liêng của con người trong nhạc của ông, được cấu thành và hun đúc bởi một tài năng giàu tâm sức. Nói như ý của nhà phê bình văn học Nga Belenxki, thì con người là vẻ đẹp hùng vĩ nhất của trái đất. Ca ngợi vẻ đẹp ấy cũng chính là ca ngợi cái nền tảng làm nên mọi giá trị vật chất cũng như tinh thần của lịch sử loài người. Với Trịnh Công Sơn, ông không quá hoa mỹ trong chuyện chọn lựa từ ngữ trong những lúc đề cập tới con người hay những vấn đề liên quan như các học thuyết nói về Cõi Người trong trời đất. Con Người trong ca từ của Trịnh Công Sơn rất cụ thể, rất gần gũi với người Việt, bởi đó chính là những Con Người Việt Nam - Máu đỏ da vàng, sừng sững đứng trong vòm trời Việt mấy ngàn năm văn hiến. Vì thế, dù có lúc, tưởng như dòng chảy của ngôn ngữ trong nhạc của ông sa vào những huệ luỵ thương đau, nhưng ngẫm kĩ lại thì thực ra bản chất của vấn đề vẫn là cái đẹp. Vì nói như các nhà Mỹ Học thường nói, Cái Đẹp Vĩnh Hằng trong mọi thái cực âm dương của cả không gian lẫn thời gian. Và như thế, đương nhiên là khi xuất hiện trong nhạc của Trịnh Công Sơn, vẻ đẹp của Con Người Việt hiện lên ở bản chất người đậm đà đức hạnh. Những vết tích của nỗi thống khổ cần lao, những chịu đựng hằn sâu trong bom đạn, như những câu thơ cháy xém trong lồng ngực người dân nước Việt. Mà đâu chỉ mới xuất hiện lần đầu trong nhạc của Trịnh. Những điều ấy có từ thuở mà người lao động biết hát lên những khúc ca dao, để dỗ ngọt những lo toan vất vả Người ta thường ví rằng, đời một con người giống như một cuốn tiểu thuyết. Cần khi đi hết chặng đường gắn bó với dương gian thì trang cuối mới đồng thời khép lại. Cứ cho là như vậy, thì Trịnh Công Sơn đã viết lên đời của mình một chương cuối cho cuốn tiểu thuyết ấy bằng máu của Tinh Thần Việt. Để chẳng có một sức mạnh vật chất nào có thể xóa được vết đời chói lòa hằn sâu trong trái tim độc giả. Như một Đoá hoa vô thường không có câu chữ nào định định nghĩa, Trịnh đã cháy bùng lên trong chính bụi vô thường ấy một cách thầm lặng đến kì lạ. Có lẽ, những điều vừa nói, là một sự chuẩn bị công phu của ý trời. Tuy nhiên, nếu nói như vậy ở chương này thì thật là lố bịch và phi khoa học. Cho nên, tôi muốn mượn đường đi của nhạc Trịnh Công Sơn, vẽ lại những nét vẽ về con người xã hội - con người của chằng chịt những mối bòng bong khó thể gỡ ra bằng sức mạnh cơ bắp, mà phải giải thoát nhờ sức mạnh của Siêu Lí Trí. Đi sâu vào tư tưởng Trịnh ta thấy rất rõ điều vừa nói, và có lẽ, chúng ta cũng nên ngầm chấp nhận với nhau một điều rằng, bất cứ một môn nghệ thuật nào, nếu xa rời lợi ích của con người thì sớm muộn nó cũng xa luôn khỏi sự chấp nhận của cộng đồng. Tất nhiên là với Trịnh và nhạc của ông, tính chất Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật hay Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh thế nào, chúng ta đều biết rõ 3. Con người đã ngồi lại với nhau sau cuộc ra đi mà cũng là cuộc trở về của Trịnh Công Sơn. Mỗi một tiếng đêm nhập nhoà sau khung cửa sổ, là nhịp đập vội vả của những con người đang nghe lại chính mình qua âm nhạc Trịnh Công Sơn. Họ đã bỏ qua những bận rộn đời thường, những toan tính thiệt hơn nơi xã hội nhiều những xô bồ hỗn độn. Họ đã hát cho nhau nghe những âm ba từ chính trái tim của họ bằng giọng hát chân chất nhất, mộc mạc nhất. Xã hội đã giàu hơn một chút về tinh thần, lòng người đã mền hơn một chút sau những chai lì, tư duy đã sâu hơn một chút sau những triết lí rất gần gũi mà lại cũng rất xa xôi Tôi vẫn lắng nghe tiếng thở của nhân gian qua làn hơi hừng nóng. Mặt trời nhỏ nhoi treo lủng lẳng trong vũ trụ càng nhỏ nhoi hơn. Sẽ đến một lúc con người nhìn nhận bản thân bằng chính tư duy của họ, chứ không phải mập mờ dự đoán bản mệnh mình bằng khẩu lệnh của bất cứ một tôn giáo tâm linh. Và một nơi kia, những trái tim có cùng nhịp điệu, đang chụm lại với nhau trong những khúc thời gian mặc niệm Trịnh trước khi tiếng hát xa bay Những giá trị ảo đã hoán vị cho những giá trị rất thật, rất người. Xã hội tiến bộ đã tặng cho loài người một quà tặng gần quý bằng quà tặng của Tạo Hoá, đó là công nghệ hiện đại. Bởi chính nó là phương tiện tối hậu cho những trái tim xích lại gần nhau. Họ đã cùng nhau Online, Offline với nhau trong những chủ đề mà họ yêu thích, đam mê. Trịnh cũng đã ngả lưng xuống bờ vai họ và khiêm tốn trong giang sơn tinh thần nhân loại bằng một nụ cười sau những cuộc vui nhân thế. Ô hay, mọi thứ đều mây nổi, còn với non sông một chữ Tình. Cũng chỉ cần một chữ ấy thôi đã là quá đủ. Đêm bao dung và màn đêm thánh thiện trong tiếng nhạc buông trùng Trong những suy luận được định dạng một cách tự nhiên, tôi không giám chắc mình đã không lập lại một số ý nào đó khi tiếp cận về Trịnh Công Sơn. Vì thế, trong chương này, vấn đề tiếp cận rất rộng và không có chuẩn mực hay khuôn mẫu. Kính mong được sự góp ý và chỉ giáo. Hẹn gặp mọi người trong bài viết mới Tác giả: Trịnh Tuấn . TIẾP CẬN NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN (Phê bình) CHƯƠNG I : THỬ TIẾP CẬN NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN QUA NGÔN TỪ CỦA NHẠC. 1/ Một số cảm nhận nhỏ về ngôn từ trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Là một. nghĩa với việc tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn, là quá trình cảm thụ từ từ, có tinh lọc dựa trên cơ sở những rũa gọt thực tế. Bởi đơn giản là, không phải bài hát nào của Trịnh Công Sơn cũng hay đối. tin trong sáng nhất! 2/ Những mâu thuẫn tất yếu khi tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn một cách nghiêm túc. Nếu như chúng ta đến với nhạc của Trịnh một cách nghiêm túc nhất thì tất yếu từ sâu thẳm