ĐỀ THI VÀ ĐAP ÁN TN SỬ BỔ TÚC VÀ PHỔ THÔNG 2010 Môn thi: LỊCH SỬ - Giáo dục thường xuyên Câu 1. (3,0 điểm) Trình bày những thành tựu tiêu biểu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới trong nửa sau thế kỉ XX. Câu 2. (3,0 điểm) Nêu hoàn cảnh lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở nước ta. Trình bày những nét chính về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Câu 3. (4,0 điểm) Cuối năm 1974 - đầu năm 1975, Đảng đã đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam như thế nào? Tóm tắt diễn biến và nêu ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. BÀI GIẢI GỢI Ý Câu 1. (3,0 điểm) 1. Nội dung và thành tựu a) Trước hết, trong lĩnh vực khoa học cơ bản, con người đã thu được những thành tựu hết sức to lớn, đánh dấu những bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử ở các ngành toán học, vật lí học, hóa học, sinh vật học. Các nhà khoa học đã có những phát minh vô cùng quan trọng, như sóng điện tử, trường điện từ, tia rơnghen và hiện tượng phóng xạ, sự phân chia của nguyên tử, bản chất hạt sóng của ánh sáng, khởi thảo thuyết lượng tử và thuyết tương đối học, tìm ra những định luật và định lí mới về toán học, lí học, hóa học và sinh vật học v.v… b) Thứ hai, các nhà khoa học đã có những phát minh lớn về những công cụ sản xuất mới, trong đó có ý nghĩa to lớn nhất là sự ra đời của máy tính, máy tự động và hệ thống máy tự động. c) Thứ ba, trong tình hình nguồn năng lượng thiên nhiên (than, dầu mỏ…) đang vơi cạn dần và trở nên khan hiếm một cách đáng lo ngại (sinh hoạt của con người càng nâng cao thì nhu cầu năng lượng càng tăng lên với một nhịp độ đáng sợ. Chỉ mười năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng trên thế giới đã tăng hơn 2 lần, trong đó tiêu thụ năng lượng điện tăng 3,6 lần) thì con người đã tìm ra những nguồn năng lượng mới hết sức phong phú, vô tận: năng lượng nguyên tử, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều v.v… Trong những nguồn năng lượng kể trên, năng lượng nguyên tử và năng lượng mặt trời đang dần dần được con người sử dụng một cách phổ biến, và trong một tương lai không xa, nó sẽ thay thế dần ngành nhiệt điện và thủy điện. d) Thứ tư, sáng chế ra những vật liệu mới trong tình hình vật liệu tự nhiên đang cạn kiệt dần trong thiên nhiên. Từ rong biển, người ta có thể chế tạo ra khoảng 40 loại công nghệ phẩm tiêu dùng hàng ngày. Đã có thể sản xuất ra những thực phẩm, như thịt gà, thịt lợn, thịt bò và nhiều thức ăn một cách hoàn toàn nhân tạo. Con người hiện nay mặc quần áo phần lớn bằng vải sợi nhân tạo. Trong những vật liệu mới mà con người sáng chế ra những năm gần đây, chất pôlime (chất dẻo) đang giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống hàng ngày, cũng như trong tất cả mọi ngành công nghiệp. Có nhiều chất dẻo nhẹ hơn nhôm 2 lần, nhưng về độ bền chúng lại hơn hẳn nhiều loại thép và có thể sử dụng để chế tạo vỏ xe tăng, máy bay, các động cơ tên lửa và con tàu vũ trụ. e) Thứ năm, là cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp. Do tác động tổng hợp của các ngành khoa học, đặc biệt là sinh vật học và hóa học, nông nghiệp đang tiến những bước nhẩy vọt nhờ cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa với những biện pháp lai tạo giống, chống sâu bệnh v.v… Nhờ cuộc “cách mạng xanh” này, con người đã tìm ra phương hướng để có thể khắc phục được nạn đói ăn, thiếu thực phẩm kéo dài từ bao thế kỉ. f) Thứ sáu, con người đã đạt được những tiến bộ thần kì trong các lĩnh vực giao thông vận tải va thông tin liên lạc. Trên không, đã xuất hiện những máy bay hành khách siêu âm khổng lồ (TU-186, Concorde, Boeing 176, v.v…). Các tàu hỏa ngày nay đã đạt tốc độ nhanh 300km/giờ và tới đích đúng giờ tuyệt đối. Trên mặt biển, con người đã đóng những con tàu chở dầu 1 triệu tấn v.v… Nhờ các hệ thống vệ sinh nhân tạo, loài người đã có những phương tiện thông tin liên lạc và phát sóng truyền hình hết sức hiện đại. Ngoài ra, cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiên nay còn đem lại cho con người một thành tựu diệu kì - thành tựu chính phục vũ trụ. Ngày nay, con người đã đưa được người lên thám hiểm mặt Trăng, phóng những con tàu vũ trụ, những tàu con thoi bay nhiều ngày vòng quanh trái Đất, nhận được những tin tức của Sao Kim, Sao Hỏa. Khoa học vũ trụ và du hành vũ trụ đã và đang phục vụ đắc lực trên nhiều phương diện cho cuộc sống của con người trên Trái Đất. Câu 2. (3,0 điểm) 1. Hoàn cảnh lịch sử: a) Thế Giới: - 8/5/1945: phát xít Đức bị tiêu diệt. - 14/8/1945: Nhật tuyên bố đầu hàng Đồngminh, quân Nhật Đông Dương bị tê liệt. - Các nước Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. b) Trong nước: - Lực lượng cách mạng đã đủ mạnh để khởi nghĩa. - Dưới sự lãnh đạo của Đảng và mặt trận Việt Minh, lực lượng cách mạng đã lớn mạnh, khi thời cơ đến, Đảng đã kịp thời phát động Tổng khởi nghĩa toàn quốc. 2. Những nét chính về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội - Từ 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa về tới Hà Nội, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa rất khẩn trương với nhiều hình thức: diễn thuyết, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi. - Sáng 19/8/1945: cuộc míttinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội) do Việt Minh tổ chức đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình, do các đơn vị chiến đấu đi đầu, đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát… Cuộc khởi nghĩa Hà Nội thắng lợi hoàn toàn trong ngày 19/8/1945. Câu 3. (4,0 điểm) Cuối năm 1974 - đầu năm 1975, Đảng đã đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam như thế nào? Tóm tắt diễn biến và nêu ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975: chủ trương, kế hoạch của ta, diễn biến, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử 1. Chủ trương, kế hoạch: - Căn cứ vào tình hình phát triển mạnh mẽ của cách mạng trong cả nước (6/1/1975), ta giải phóng Phước Long và tình hình quốc tế (đặc biệt là Mỹ), từ 18/12/1977 đến 8/1/1975. Bộ chính trị họp và đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976), Bộ Chính trị còn dự kiến: nếu thời cơ đến đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. - Từ đầu tháng 3/1975, quân dân ta trên các chiến trường đã mở hàng loạt trận tiến công để chuẩn bị trước vào trận tiến công lớn. 2. Diễn biến chiến dịch Tây Nguyên: - Khu vực và mục tiêu tiến công lớn của ta là Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột. - Đầu tháng 3/1975, đánh nghi binh vào Plâyku, Kon Tum. - 10/3/1975, với cách đánh táo bạo, thọc sâu, ta bất ngờ tiến công Buôn Ma Thuột. Sau 2 ngày, ta tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ thị xã. - 14/3/1975, sau các cuộc phản công thất bại, địch rút chạy hoảng loạn khỏi Tây Nguyên, ta chặn đánh, truy kích, tiêu diệt toàn bộ quân rút chạy và giải phóng Tây Nguyên (24/3/1975). 3. Ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên: - Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra quá trình sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền. - Chớp lấy thời cơ, ngày 25/3/1975, Bộ chính trị đã sáng suốt đề ra quyết định giải phóng miền Nam trước tháng 5. - Từ cuộc tiến công chiến lược, ta phát triển thành tổng tiến công chiến lược. Từ đó phát động thành công chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh. - Chiến thắng Tây Nguyên là yếu tố quan trọng nhất để dẫn đến thắng lợi vĩ đại nhất trong 4.000 năm lịch sử của dân tộc. Môn thi: LỊCH SỬ - Giáo dục trung học phổ thông I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm) Câu 1. (4,0 điểm) Trình bày hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị trên. Câu 2. (3,0 điểm) Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp? Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19 – 12 – 1946 đến ngày 17 – 2 – 1947). II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (3,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b) Câu 3.a Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm) Trình bày sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc Câu 3.b Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm) Toàn cầu hóa là gì? Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỉ XX. BÀI GIẢI GỢI Ý I. Phần chung cho tất cả thí sinh (7,0 điểm) Câu 1. (4,0 điểm) * Hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930: - Năm 1929, do tác động của chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân phát triển mạnh, ý thức giai cấp, ý thức chính trị ngày càng rõ rệt. Cùng với các phong trào đấu tranh yêu nước khác, kết thành một làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, trong đó giai cấp công nhân đã thực sự trở thành lực lượng tiên phong. Thực tiễn đó đòi hỏi cấp thiết sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ của một chính đảng của giai cấp vô sản. - Trong khi đó, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản, ba tổ chức này lại nảy sinh mâu thuẫn, như tranh giành đảng viên, tranh giành quần chúng, tranh giành ảnh hưởng, thậm chí còn bài xích lẫn nhau làm cho quần chúng không biết theo sự lãnh đạo của tổ chức nào. Tình hình này càng kéo dài càng bất lợi cho cách mạng. - Trước tình hình ấy, với chức trách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng Sản Đảng và An Nam Cộng Sản Đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc thống nhất Đảng. - Hội nghị hợp nhất Đảng bắt đầu họp ngày 6/1/1930 tại Cửu Long do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. * Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị : - Trực tiếp tổ chức và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. - Phê phán những quan điểm sai lầm của mỗi tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình Hội nghị. - Đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hợp nhất các tổ chức cộng sản để đi đến thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. - Viết và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng. Đó là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị lí luận thực tiễn và lâu dài đối với cách mạng Việt Nam. - Đề ra kế hoạch để các tổ chức cộng sản về nước xúc tiến việc hợp nhất, rồi đi đến thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Câu 2. (3,0 điểm) * Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp : - Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 về Việt Nam, Chính phủ ta thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định và Tạm ước. Còn Chính phủ Pháp đã bội ước, đẩy mạnh việc chuẩn bị xâm lược nước ta một lần nữa. - Ở Nam bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp tiến đánh các vùng tự do của ta. - Ở Bắc bộ và Trung bộ, hạ tuần tháng 11/1946, thực dân Pháp khiêu khích, tiến công ta ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Tháng 12/1946, chúng chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng, Hải Dương, đưa thêm viện binh đến Hải Phòng. - Ở Hà Nội, tình hình nghiêm trọng hơn. Trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp bắn súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi : đốt Nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, chúng chiếm đóng cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Công chính. Chúng còn cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra những vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún, phố Yên Ninh, đầu cầu Long Biên, khu Cửa Đông, … Trắng trợn hơn, trong các ngày 18 và 19/12/1946, tướng Mooclie gửi tối hậu thư đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để quân Pháp làm nhiệm vụ giữ trật tự ở Hà Nội. Nếu yêu cầu đó không được chấp nhận thì chậm nhất là vào sáng 20/12/1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động. - Tình thế khẩn cấp đã buộc Đảng, Chính phủ ta phải có quyết định kịp thời. - Ngày 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến. - Ngày 18 và 19/12/1946, Hội nghị bất thường mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. - Tối 19/12/1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. * Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến : - Khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) phá máy, cả thành phố tắt điện, cuộc chiến đấu bắt đầu. Vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ chiến đấu đồng loạt tiến công các vị trí quân Pháp. Nhân dân đã khiêng bàn ghế, giường tủ, kiện hàng, hạ cây cối … làm thành những chướng ngại vật hoặc chiến lũy chiến đấu. Cụ già, em nhỏ và những người không tham gia phục vụ chiến đấu, nhanh chóng tản cư ra các vùng ngoại thành. - Từ ngày 19/12 đến ngày 29/12/1946, những cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở nội thành. Hai bên giành nhau từng khu nhà, góc phố, như ở Bắc Bộ phủ, Bưu điện Bờ hồ, đầu cầu Long Biên, sân bay Bạch Mai, ga Hàng Cỏ, ở các phố Khâm Thiên, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Da, Hàng Trống … Quân dân ta đã đánh gần 40 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. - Từ ngày 30/12/1946, địch phản công, ta thu hẹp phạm vi chiến đấu, chuyển lực lượng về Liên khu 1. Trong quá trình chiến đấu, Trung đoàn Thủ đô chính thức được thành lập. Những cuộc chiến đấu ác liệt tiếp tục diễn ra ở khu chợ Đồng Xuân, ở rạp hát Olympia. - Ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô thực hiện cuộc rút quân vượt khỏi vòng vây của địch, ra căn cứ hậu phương an toàn. Trong 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu gần 200 trận, diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới, 5 máy bay …, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố một thời gian dài để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, di chuyển kho tàng, công xưởng về chiến khu, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ về căn cứ lãnh đạo kháng chiến. II. Phần riêng - phần tự chọn (3,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b) Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm) * Sự thành lập của tổ chức Liên hợp quốc : - Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc, các nước Đồng minh và nhân dân thế giới có nguyện vọng gìn giữ hòa bình, ngăn chận nguy cơ chiến tranh thế giới mới. - Tại Hội nghị Ianta (tháng 2/1945) các vị đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh đã thống nhất thành lập một tổ chức quốc tế mang tên là Liên hợp quốc để gìn giữ hòa bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh. - Từ ngày 25/4/ đến ngày 26/6/1945, một hội nghị quốc tế họp tại Xan Phranxixcô (Mĩ) với sự tham gia của đại biểu 50 nước, đã thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Ngày 24/10/1945, sau khi được các nước thành viên phê chuẩn, bản Hiến chương chính thức có hiệu lực. * Mục đích: - Duy trì hòa bình và an ninh thế giới. - Phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc. * Nguyên tắc hoạt động : - Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc. - Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước. - Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào. - Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. - Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn : Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm) * Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. * Những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỉ XX là : - Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế. - Sự phát triển và tác động to lớn của các công ti xuyên quốc gia. - Sự sáp nhập và hợp nhất các công ti thành những tập đoàn lớn. - Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực. . ĐỀ THI VÀ ĐAP ÁN TN SỬ BỔ TÚC VÀ PHỔ THÔNG 2010 Môn thi: LỊCH SỬ - Giáo dục thường xuyên Câu 1. (3,0 điểm) Trình bày những thành tựu tiêu. bản, con người đã thu được những thành tựu hết sức to lớn, đánh dấu những bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử ở các ngành toán học, vật lí học, hóa học, sinh vật học. Các nhà khoa học. phân chia của nguyên tử, bản chất hạt sóng của ánh sáng, khởi thảo thuyết lượng tử và thuyết tương đối học, tìm ra những định luật và định lí mới về toán học, lí học, hóa học và sinh vật học v.v… b)