Zarathustra đã nói như thế TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Biết bao lâu rồi ta đã sống man rợ nơi những xứ miền hoang vu xa lạ để không trở về với mi mà nước mắt chảy dài! Giờ đây, mi hãy trỏ tay đe dọa ta như một người mẹ già đe dọa con cái, và mỉm cười với ta như một người mẹ hiền cười mơn con cái; giờ đây mi hãy bảo cùng ta: Là ai đấy cái kẻ xưa kia đã chạy trốn xa ta như một cơn dông tố? - cái kẻ mà xưa kia đã la hét lúc lìa bỏ ta? ‘Ta đã bầu bạn quá lâu cùng nỗi cô đơn và ta đã học quên đi im lặng!’ Thế thì bây giờ ắt hẳn mi đã học được điều ấy rồi chăng? Hỡi Zarathustra, ta đà biết rõ mọi sự, ta biết rằng mi, kẻ cô đơn độc ảnh, mi đã bị bỏ rơi hắt hủi giữa đám đông lố nhố loài người hơn là khi ở cùng ta! Bị bỏ rơi hắt hủi là một chuyện, được trầm mình trong nỗi cô đơn lại là một chuyện khác: đấy, đấy chính là điều mi đã học được giờ đây! Mi đã học được rằng giữa loài người bao giờ mi cũng vẫn chỉ là một kẻ man dại và xa lạ: Man dại và xa lạ ngay cả lúc họ yêu thương mi bởi vì trước tất cả mọi sự, họ chỉ thích được mi nể nang, xoay xở! Nhưng về đây, mi lại được thoải mái tự do như trong chốn ngụ cư của mi; ở đây mi có thể toàn quyền ăn nói và tuôn trào ra bất luận điều gì; ở đây tuyệt chẳng có ai hổ thẹn về những cảm giác táo bạo thầm kín của mình. Ở đây, mọi sự chen nhau chạy đến cùng lời nói của mi, ve vuốt vỗ về mi trong trăm ngàn trìu mến, vì tất cả mọi sự ấy muốn được cưỡi trên lưng mi. Ngồi cưỡi trên tất cả những biểu tượng, mi phóng nước đại đến tất cả những chân lý. Ở đây, mi có thể ăn nói với tất cả mọi sự một cách chính trực thẳng thắn: thực vậy, khi người ta ăn nói với tất cả mọi sự một cách chính trực thì những lời nói sẽ ngân vang như những lời tán tụng! Tuy nhiên, bị hắt hủi bỏ rơi lại là chuyện khác. Ồ, hỡi Zarathustra, mi còn nhớ chứ? Khi con ó của mi réo gọi trên đầu, khi mi đứng lưỡng lự giữa rừng sâu, gần bên một xác chết, do dự chẳng biết đi về đâu: Khi mi bảo rằng: ‘Cầu cho những con vật của ta sẽ hướng dẫn ta! Ta thấy rằng sống giữa loài người còn nguy hiểm hơn là sống với loài thú’. - Đấy, đấy chính là lúc bị bỏ rơi hăt hủi! Và mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Khi mi ngồi trên hải đảo, một giếng rượu giữa những thùng rỗng, ban phát hết cho những kẻ khác không hề so đo tính toán: - để sau cùng mi bị chết khát giữa những kẻ say mèm, rồi mi than thở cả đêm: “Lấy phải chăng phúc hơn là cho? Và đánh cắp phải chăng phúc hơn là nhận lấy?” Đấy, đấy chính là lúc bị bỏ rơi hăt hủi! Và mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc giờ phút im lặng nhất hiện đến với mi, xua đuổi mi ra ngoài tự thân mi, và lên tiếng cùng mi qua những lời thì thào hung bạo: “Hãy nói đi rồi vỡ tan thây!” - Lúc giờ phút im lặng nhất làm mi kinh tởm sự chờ đợi cùng sự im lặng của mi, lúc nó khiến mi buồn chán về lòng can đảm đầy khiêm tốn e dè của mình. Đấy, đấy chính là lúc bị bỏ rơi hăt hủi!” Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Lời mi nói với ta thật hòa ái thục hiền biết bao! Chúng ta chẳng cật vấn nhau, chúng ta chẳng than vãn cùng nhau, chúng ta mở rộng lòng sánh đôi chung bước cùng nhau qua những cánh cửa mở rộng. Bởi vì nơi mi, tất cả đều rộng mở sáng ngời; ngay cả những giờ khắc ở đây cũng lướt qua với những bước chân nhẹ nhàng khinh khoái. Bởi vì trong bóng tối thâm u, thời gian lại nặng nề hơn là ngoài ánh sáng. Nơi đây, tất cả những lời nói về tính thể cùng những đền điện bí mật của lời nói đều rộng mở cho ta; nơi đây tất cả tính thể đều khát khao trở thành ngôn ngữ, tất cả biến dịch thể đều muốn ta dạy thốt cho ra lời. Nhưng mà ở dưới kia, tất cả lời nói đều là vô vọng hão huyền! Khôn ngoan nhất là cứ quên phắt và bỏ qua: - đấy chính là điều ta đã học được! Kẻ nào muốn lĩnh hội tất cả mọi sự việc giữa chốn thế nhân thì phải đưa tay vồ nắm lấy mọi sự. Nhưng đôi tay ta quá sạch để mà có thể làm chuyện đó. Ta ghê tởm ngay cả hơi thở họ. Hỡi ôi! Tại sao ta đã sống quá lâu như thế giữa những tiếng ồn ào huyên náo cùng hơi thở thối tha của họ. Ồ, sự im lặng tuyệt vời vây phủ quanh ta! Ồ, những mùi hương thuần khiết chung quanh ta! Ồ, sự im lặng đã cho ta hít đầy không khí trong lành tràn trề hai lá phổi! Ồ, sự im lặng đang lắng nghe kia, sự im lặng tuyệt vời! Nhưng mà ở dưới kia, mọi sự đều ồn ào lên tiếng và chẳng ai nghe. Nếu mi có thể rung chuông khai báo Trí huệ Hiền minh của mi, thì những chủ hiệu buôn ở chốn công trường vẫn khuất lấp tiếng chuông mi bằng tiếng rủng rỉnh những đồng tiền của họ. Nơi bọn họ tất cả đều ham nói và chẳng ai còn biết cách nghe. Tất cả mọi sự đều rơi tõm xuống nước, nhưng chẳng có vật gì rơi xuống giếng sâu. Nơi bọn họ tất cả đều ham nói và chẳng có gì thành tựu hay trưởng thành được cả. Tất cả đều ồn ào cục tác như gà mái, nhưng tìm đâu ra một kẻ chịu ngồi im trong ổ để ấp trứng? Nơi bọn họ, tất cả mọi sự đều ồn ào lên tiếng, tất cả mọi sự đều bị lằng nhằng ra từng mảnh. Và những gì hôm qua còn quá cứng rắn đối với thời gian cùng những răng nhọn của thời gian, thì ngày hôm nay đã treo lửng lơ mòn nhẵn rã rời ngoài mồm mép của con người thời đại! Nơi bọn họ, tất cả mọi sự đều ồn ào lên tiếng nói, tất cả mọi sự đều bị phản bội. Và những gì xưa kia còn là điều bí nhiệm và bí ẩn của những tâm hồn sâu thẳm, thì ngày hôm nay đã thuộc về những tên thổi kèn lơ láo ngoài đường phố và những tên khoa đại ồn ào! Ồ, tinh thể kỳ dị của con người! Tiếng ồn ào huyên náo trên những con đường tối ám! Giờ đây mi đã nằm lại đằng sau ta rồi: - mối nguy hiểm lớn lao nhất của ta đã rớt lại đằng sau ta rồi! Bao giờ thì sự xoay xở kiêng dè cùng lòng thương xót cũng vẫn là mối nguy hiểm lớn lao nhất của ta, và tất cả mọi người đều thích được kiêng dè nể nang và thích được thương hại. Giữ kín những chân lý tận đáy thẳm tâm hồn, với đôi tay rồ dại và trái tim khờ khạo đầy rẫy những sự dối trá nhỏ nhoi của lòng thương xót: ta đã luôn luôn sống như thế giữa loài người! Ta đã ngồi giữa bọn họ với chiếc mặt nạ trá hình, sẵn sàng đánh lạc tự thân để mà có thể chịu đựng nổi bọn họ, và thường hay tự khuyến dụ mình: “Mi khờ dại điên rồ! Mi không hiểu loài người!” Mình quên đi những gì mình biết về loài người khi mình sống giữa loài người. Có quá nhiều tấm bình phong che đậy họ: những con mắt xa xôi thấu nhập nào có ích gì ở đấy? Khi nào họ không nhận ra ta, lúc ngông cuồng ngây dại, thì ta lại đâm ra kiêng dè xoay xở họ hơn là chính ta: vì vốn quen cứng rắn phũ phàng đối với mình, thường khi ta phải trả thù ta vì sự xoay xở kiêng dè ấy. Bị những con ruồi mang nọc độc châm chích khắp người, và bị đục khoét như một hòn đá bị gặm nhấm bởi những giọt nước bạo tàn, ta ngồi như thế đó giữa đám bọn họ và lòng còn tự nhủ: “Mọi cái gì nhỏ bé đều vô tội vì sự nhỏ bé của mình!” Nhất là những kẻ tự nhận mình là những “con người thiện hảo”: ta thấy bọn chúng đúng là những con ruồi nhiều nọc độc nhất: bọn chúng châm chích một cách vô tội ngây thơ; bọn chúng dối trá một cách vô tội ngây thơ; làm thế nào bọn chúng có thể công chính với ta được chứ? Lòng xót thương lân mẫn dạy rằng kẻ nào sống giữa đám người thiện hảo thì phải dối trá. Lòng xót thương lân mẫn làm nặng nề bầu khí vây quanh những tâm hồn tự do phóng dật. Bởi vì sự ngu xuẩn của hạng người thiện hảo thì không thể nào đo lường nổi. Tự ẩn giấu chính mình và giấu sự giàu sang phong phú của mình: đấy, đấy chính là điều ta đã học được dưới kia, bởi vì ta thấy tất cả mọi người đều nghèo nàn khô kiệt tâm hồn! Đây cũng là sự giả dối của lòng xót thương lân mẫn nơi ta: - ta nhìn thấy và đánh hơi được trong mỗi một người, điều gì là vừa tinh thần cho họ, điều gì là quá tinh thần cho họ! Những nhà hiền triết cứng đơ của họ, thì ta gọi là hiền triết, chứ tránh nói là cứng đơ, - như thế đó, ta đã tập nuốt được lời lẽ. Những người phu đào huyệt của họ, ta gọi là những người khảo cứu và học giả thông thái, - như thế đó, ta đã học đổi được lời lẽ. Những người phu đào huyệt mang bệnh vì ham đào. Dưới đống nhơ bẩn ngàn đời ấy yên ngủ bao nhiêu mùi hôi thối. Đừng nên khuấy động những ao đầm lầy lội. Nên trèo lên núi cao mà sống. Lỗ mũi phồng căng hạnh phúc của ta lại được thở lại sự tự do vời vợi trên những đỉnh núi cao! Vậy là sau cùng lỗ mũi ta đã được giải thoát khỏi mùi hôi nhân thế! Cảm thấy nhồn nhột vì làn không khí tươi mát như những chất rượu sủi bọt, linh hồn ta nhảy mũi - linh hồn ta nhảy mũi và cất tiếng reo vui: “Cầu trời cho sức khỏe của mi!” . Zarathustra đã nói như thế TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Biết bao lâu rồi ta đã sống man rợ nơi những xứ miền hoang vu xa lạ để không trở về với. triết, chứ tránh nói là cứng đơ, - như thế đó, ta đã tập nuốt được lời lẽ. Những người phu đào huyệt của họ, ta gọi là những người khảo cứu và học giả thông thái, - như thế đó, ta đã học đổi được. dông tố? - cái kẻ mà xưa kia đã la hét lúc lìa bỏ ta? ‘Ta đã bầu bạn quá lâu cùng nỗi cô đơn và ta đã học quên đi im lặng!’ Thế thì bây giờ ắt hẳn mi đã học được điều ấy rồi chăng? Hỡi Zarathustra,