Zarathustra đã nói như thế VỀ NỖI KHÁT VỌNG MÊNH MÔNG Hỡi hồn ta, ta đã dạy mi nói “Hôm nay”, cũng như “Ngày kia” và “Thuở nọ”, ta đã dạy mi nhảy múa vòng tròn bên trên tất cả những gì đã hiện thể ở đây, ở kia và ở chỗ khác. Hỡi hồn ta, ta đã giải phóng mi khỏi mọi xó ngách, ta đã tránh cho mi khỏi bụi bặm, mạng nhện và ánh sáng lờ mờ. Hỡi hồn ta, ta đã lau rửa mi khỏi mọi sự hổ thẹn nhỏ nhen, mọi đức hạnh ti tiện và ta đã thuyết phục mi đứng trần truồng dưới đôi mắt nóng bỏng của mặt trời. Với cơn dông bão mang tên “tinh thần”, ta đã thổi ào qua biển đen sâu thẳm của mi, ta đã xua tan những đám mây và đã siết cổ kẻ siết cổ cắt họng tên là “tội lỗi”.[1] Hỡi hồn ta, ta đã cho mi được quyền nói lên tiếng “Không” như dông bão, và nói lên tiếng “Vâng” như bầu trời rộng mở nói “Vâng”: giờ đây mi tĩnh lặng vô ngần như ánh sáng, mi xuyên thấu qua những cơn bão khước từ phủ nhận. Hỡi hồn ta, ta đã trả lại cho mi niềm tự do bát ngát thênh thang đối với những gì được sáng tạo và những gì vô sinh; và còn có ai cảm nhận được như mi nỗi khoái lạc tràn trề của tương lai? Hỡi hồn ta, ta đã trả lại cho mi lòng khinh bỉ, không phải lòng khinh bỉ như sự gặm khoét của loài mọt gỗ, mà là lòng khinh bỉ lồng lộng ngút ngàn đầy từ ái thương yêu, yêu thương say đắm nhất khi mình phải khinh bỉ nhất. Hỡi hồn ta, ta đã dạy cho mi cách thuyết phục khuyến dụ đến độ chính những căn để cũng thuận theo ý mi: giống như mặt trời thuyết phục biển cả dâng cao đến tận chiều cao của nó. Hỡi hồn ta, ta đã cất khỏi mi mọi sự vâng lời, mọi sự quy phục và nô lệ; chính ta đã ban cho mi cái tên “Kẻ dứt bặt thống khổ” và “Định mệnh”. Hỡi hồn ta, ta đã ban cho mi những tên gọi mới và những đồ chơi sặc sỡ, ta đã gọi mi là “định mệnh”, là “vòng tròn của những vòng tròn”, là “quả chuông màu thiên thanh vĩnh thúy”. Hỡi hồn ta, ta đã ban phát cho lãnh địa của mi tất cả mọi trí huệ mi cần uống lấy, tất cả mọi thứ rượu mới và cả những rượu của trí huệ, những thứ rượu nồng được cất chứa từ một thời cổ xưa vô tận. Hỡi hồn ta, ta đã đổ trút vào mi mọi mặt trời, mọi đêm tối, mọi im lặng, mọi khát khao, - lúc bấy giờ đối với ta, mi lớn mạnh lên như một gốc nho. Hỡi hồn ta, giờ đây mi đứng đó, giàu có, nặng nề, một gốc nho với những vú sữa căng phồng, với những chùm nho vàng óng sum suê: Một gốc nho đầy đặn, nặng nề hạnh phúc, đợi chờ trong sự giàu có, và lại còn hổ thẹn trong sự đợi chờ. Hỡi hồn ta, giờ đây chẳng nơi nào còn có một linh hồn yêu thương chan chứa, ôm ấp bao phủ và mênh mông hơn nữa! Còn có nơi nào mà tương lai và quá khứ lại gần gũi hơn là nơi mi? Hỡi hồn ta, ta đã ban hết cả cho mi, bàn tay ta đã trút sạch hết cho mi. - Và giờ đây! Giờ đây mi mỉm cười bảo ta, lòng đầy sầu muộn: “Kẻ nào trong hai chúng ta phải thốt lời cảm tạ? - Há chẳng phải kẻ ban cho phải cảm tạ kẻ thuận lòng nhận lấy? Ban cho há chẳng phải là một nhu cầu? Nhận lấy há chẳng phải vì lòng thương hại? Hỡi hồn ta, ta biết nụ cười nở trên nỗi u sầu của mi rồi: sự giàu có tràn trề quá độ giờ đây đang đưa đôi tay đầy khát vọng ra! Sự sung mãn của mi đưa đôi mắt nhìn lên những mặt biển gầm thét, nó tìm kiếm và đợi chờ; khát vọng vô hạn của sự sung mãn lấp loáng qua bầu trời tươi cười của đôi mắt mi! Và thực ra, hỡi hồn ta, ai nhìn thấy nụ cười của mi mà không rơi nước mắt? Ngay cả những thiên thần cũng rơi lệ khi nhìn thấy lòng hảo tâm vô tận trong nụ cười của mi. Chính hảo tâm của mi, hảo tâm bao la vô tận của mi, không muốn than vãn, khóc la: và hỡi hồn ta ơi, nụ cười của mi lại ước muốn những dòng lệ đăng, và miệng mi run rẩy thèm thuồng những tiếng nức nở. “Mọi dòng lệ há chẳng phải là một lời than vãn? Và mọi lời than vãn chẳng phải là một lời buộc tội?” Mi đã tự nhủ mình như thế. Chính vì vậy ta thích cười vang, hỡi hồn ta, ta thích cười vang hơn là gieo rắc nỗi khổ ải của mi, - - gieo rắc thành những dòng lệ đắng tất cả nỗi khổ gây ra do sự sung mãn của mi và tất cả sự nôn nao làm cho cây nho khao khát người hái nho cùng chiếc máng ép quả! Nhưng nếu mi không muốn khóc, khóc cho đến khi cạn hết nỗi u sầu tím sẫm của mi, thì mi phải hát ca, hỡi linh hồn ta! - Nhìn xem đây, ta, ta cũng cười vang, ta là kẻ bảo cho mi biết trước chuyện đó; - hãy ca hát bằng một giọng rền rĩ, cho đến khi tất cả những đại dương đều câm tiếng để lắng nghe nỗi khát vọng mênh mông của mi; - cho đến khi trên những mặt biển lắng trầm hoài vọng, lướt đi chiếc thuyền buồm óng vàng kỳ diệu, chung quanh chất vàng óng ánh của chiếc thuyền nảy tung những sự việc tốt đẹp tinh quái dị kỳ; - và nhiều con thú lớn nhỏ, cùng tất cả những gì có đôi chân mỏng mảnh lạ kỳ, để có thể chạy nhảy trên những con đường mòn đầy hoa tím ấy; - chạy đến chiếc thuyền vàng kỳ diệu, chiếc thuyền của ý chí tự do, và chạy đến với chủ mình: nhưng chính vị chủ ấy là người hái nho đang đứng đợi với chiếc máy ép bằng kim cương; - kẻ giải phóng vĩ đại của mi, hỡi hồn ta, kẻ bất khả ngôn - kẻ mà đối với mi chỉ những bài hát của tương lai mới biết tìm ra tên gọi! Và thực ra hơi thở của mi đã tỏa rộng hương thơm những bài hát của tương lai; - mi đã bốc cháy và mơ mộng, mi đã khát khao được ghé miệng uống nơi tất cả mọi giếng nguồn phủ dụ và trang trọng; nỗi u sầu của mi đã an nghỉ trong niềm lạc phúc tỏa ra từ những bài hát của tương lai! Hỡi linh hồn ta, giờ đây, ta đã ban cho mi tất cả, cả đến điều tốt lành tối hậu của ta, và hai tay ta trút sạch vì mi: - đấy là tặng vật cuối cùng của ta: mi hãy ca hát lên! Ta đã bảo mi hãy ca hát lên, giờ đây, hãy cất tiếng hỏi: bây giờ trong hai chúng ta, ai là kẻ phải thốt lời cảm tạ? - Nhưng tốt hơn, hãy ca hát cho ta, hãy ca hát lên, ồ, hỡi hồn ta! Và hãy để ta cảm tạ ơn mi”. Zarathustra đã nói như thế. [1] “đã siết cổ kẻ siết cổ cắt họng tên là tội lỗi”, ở đây Nietzsche dùng chữ Wũrgerin, giống cái, vì tội lỗi mà Nietzsche muốn nhân cách hóa là giống cái: die Sũnde. . Zarathustra đã nói như thế VỀ NỖI KHÁT VỌNG MÊNH MÔNG Hỡi hồn ta, ta đã dạy mi nói “Hôm nay”, cũng như “Ngày kia” và “Thuở nọ”, ta đã dạy mi nhảy múa vòng tròn bên trên tất cả những gì đã. đó; - hãy ca hát bằng một giọng rền rĩ, cho đến khi tất cả những đại dương đều câm tiếng để lắng nghe nỗi khát vọng mênh mông của mi; - cho đến khi trên những mặt biển lắng trầm hoài vọng, . là kẻ phải thốt lời cảm tạ? - Nhưng tốt hơn, hãy ca hát cho ta, hãy ca hát lên, ồ, hỡi hồn ta! Và hãy để ta cảm tạ ơn mi”. Zarathustra đã nói như thế. [1] đã siết cổ kẻ siết cổ cắt