Ứng dụng CNTT vào đổi mới PPDH môn toán MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC TOÁN NGƯT. TRẦN DƯ SINH ‘ Sở Giáo dục & Đào tạo Thừa Thiên Huế I. Mở đầu: Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông phát triển như vũ bão, các phương tiện hiện đại, môi trường đa phương tiện (multimedia) hỗ trợ dạy và học ngày càng trở thành phổ biến, mạng Internet là một phương tiện nối kết toàn cầu trong nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục, đã làm thay đổi mạnh về tư duy giáo dục và đào tạo, làm thúc đẩy nhanh việc đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường, giúp cho giáo viên thực hiện các phương pháp dạy học tích cực “lấy học sinh làm trung tâm” có hiệu quả hơn, nhiều hình thức dạy học mới xuất hiện mà trước đây chưa có. CNTT cũng góp phần đổi mới các hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách toàn diện, tích cực và có hiệu quả hơn. Với sự bùng nổ thông tin, ngày càng có nhiều phần mềm phục vụ việc dạy và học, rõ ràng không thể không đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), không thể dạy học theo lối cũ được. Việc ứng dụng CNTT vào dạy và học đã được các nhà giáo dục nghiên cứu và đã nâng thành lí luận kết hợp với các thành tựu mới của các nghiên cứu về giáo dục, điều này đã được đúc kết trong Hội thảo quốc tế lần thứ 17 của hiệp hội các nhà nghiên cứu và giảng dạy Toán ICMI trên toàn thế giới về “Ứng dụng CNTT vào dạy và học Toán”, diễn ra từ ngày 03/12 đến 08/12/2006 tại Hà Nội. Các tập đoàn máy tính và phần mềm lớn như Intel, IBM, Microsoft, cũng đã đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu đưa CNTT vào giáo dục và đã hỗ trợ cho Bộ GD & ĐT, nhiều dự án đang được triển khai ở nhiều trường phổ thông một cách có hiệu quả, mở ra một hướng mới cho việc đổi mới giáo dục ở nước ta. Một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, nhà nước đang đầu tư để cung cấp đến từng học sinh loại máy tính xách tay (laptop) giá rẻ để đổi mới thực sự cách dạy và cách học trong nhà trường. Các nhà giáo dục nổi tiếng trên thế giới đã tổng kết một số vấn đề như sau: Công nghệ thông tin góp phần đổi mới Phương pháp dạy học. 1. Đổi mới PPDH theo quan niệm CNTT và truyền thông: Thế giới bước vào kỉ nguyên mới nhờ tiến bộ nhanh chóng của việc ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực. Trong GD-ĐT, CNTT đã góp phần hiện đại hóa phương tiện, thiết bị dạy học (TBDH), góp phần đổi mới PPDH. * Dạy và học theo quan điểm CNTT: Theo quan điểm thông tin, học là quá trình thu nhận thông tin có định hướng, có sự tái tạo và phát triển thông tin; dạy là phát thông tin và giúp người học thực hiện quá trình trên một cách có hiệu quả. - Thông tin được hiểu càng có giá trị nếu nó gây ra được sự bất ngờ càng lớn. Trong khoa học người ta đã lượng hóa thông tin theo quan điểm này. Người học như một máy thu có nhiều cửa vào, phải biết tiếp nhận thông tin qua nhiều cửa, phải biết tách thông tin hữu ích ra khỏi nhiễu, phải biết biến đổi, lưu trữ, ghi nhớ thông tin trong nhiều bộ nhớ khác nhau, mỗi cửa này tiếp nhận một loại thông tin được mã hóa riêng biệt. Ta cần tận dụng tất cả các phương tiện để đưa thông tin vào các cửa này, cần sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm chuyển đổi, mã hóa, chế biến thông tin để việc truyền tin đạt hiệu quả nhất. - Nếu nội dung bài học chỉ được truyền tới người học dưới dạng văn bản thì người học sẽ kém hứng thú. Nếu chỉ truyền tin theo một chiều, không có sự hỏi đáp thì thông tin thu được của người học sẽ có phiến diện, không đầy đủ hoặc bị biến dạng, có khi dẫn đến việc hiểu sai nội dung. - Theo quan điểm CNTT, để đổi mới PPDH, người ta tìm những “Phương pháp làm tăng giá trị lượng tin, trao đổi thông tin nhanh hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn”. - Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình dạy học đã sử dụng phương tiện dạy học sau đây: (a) Phim đèn chiếu để giảng bài với đèn chiếu Overhead. (b) Phần mềm hỗ trợ giảng bài, minh họa trên lớp với LCD-projector (máy chiếu tinh thể lỏng) hay còn gọi là video-projector. (c) Phần mềm dạy học (PMDH) giúp HS học trên lớp và ở nhà. (d) Công nghệ kiểm tra, đánh giá bằng trắc nghiệm trên máy tính. (e) Sử dụng mạng Internet để dạy học. (f) E-learning. * Dạy học với phương tiện hiện đại trên sẽ có các ưu thế sau: - GV chuẩn bị bài một lần thì có thể sử dụng được nhiều lần. - Các PMDH có thể thực hiện các thí nghiệm ảo, sẽ thay thế GV giảng dạy thực hành, tính năng động cho người học, cho phép HS học theo khả năng. - Các phương tiện hiện đại sẽ tạo ra khả năng để GV trình bày bài giảng sinh động hơn, dễ dàng cập nhật và thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học hiện đại. - Các phương tiện sẽ hỗ trợ, chuẩn hóa các bài giảng mẫu, đặc biệt đối với những phần khó giảng, những khái niệm phức tạp. - HS học không bị thụ động, có nhiều thời gian nghe giảng để đào sâu suy nghĩ và điều quan trọng hơn là nhiều HS được dự và nghe giảng bài của nhiều GV giỏi. - Sử dụng PMDH làm phương tiện hỗ trợ dạy học một cách hợp lí sẽ cho hiệu quả cao, bởi lẽ khi sử dụng PMDH bài giảng sẽ sinh động hơn, sự tương tác hai chiều được thiết lập. HS được giải phóng khỏi những công việc thủ công vụn vặt, tốn thời gian, dễ nhầm lẫn, nên có điều kiện đi sâu vào bản chất bài học. - Hai công nghệ hiện đại và ứng dụng có hiệu quả nhất cho giáo dục - đào tạo là công nghệ đa phương tiện Multimedia và công nghệ mạng Networking, đặc biệt là mạng Internet. Hai công nghệ này đã giúp cho con người thực hiện được khẩu hiệu học mọi nơi, học ở mọi lúc, học suốt đời và dạy cho mọi người với mọi trình độ khác nhau. - Sử dụng CNTT để dạy học, PPDH cũng thay đổi. GV là người hướng dẫn HS học tập chứ không đơn thuần chỉ là người rót thông tin vào đầu HS. GV cũng phải học tập thường xuyên để nâng cao trình độ về CNTT, sử dụng có hiệu quả CNTT trong dạy và học. HS có thể lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như sách, Internet, CD-ROM, Lúc này HS phải biết đánh giá và lựa chọn thông tin, không còn chỉ đơn thuần nhận thông tin một cách thụ động vì nguồn thông tin vô cùng phong phú. * CNTT với vai trò phương tiện, Thiết bị dạy học (TBDH) CNTT với vai trò phương tiện, TBDH cần đảm bảo các yêu cầu: - Sử dụng CNTT như công cụ dạy học cần được đặt trong toàn bộ hệ thống các PPDH nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống đó. - Mỗi phương pháp đều có chỗ mạnh và chỗ yếu, ta cần phát huy chỗ mạnh hạn chế chỗ yếu của mỗi phương pháp. - Phát huy vai trò của người thầy trong quá trình sử dụng CNTT như TBDH. Không thủ tiêu vai trò người thầy mà trái lại còn phát huy hiệu quả hoạt động của thầy giáo trong dạy học có sử dụng CNTT. Ta chủ trương sử dụng CNTT như TBDH của người thầy giáo, công cụ này dù hiệu lực đến mấy cũng không được thủ tiêu vai trò của người thầy. Ta vẫn cần tìm cách phát huy tác dụng của GV nhưng theo các hướng không hoàn toàn giống như trong dạy học thông thường. GV cần lập kế hoạch cho những hoạt động của mình trước, trong và sau khi HS học tập trên máy vi tính. Chẳng hạn khi sử dụng CNTT thay GV trong một số khoảng thời gian, do được giải phóng khỏi việc dạy học đồng loạt cho cả lớp, GV có thể đi sâu giúp những HS cá biệt (giỏi hoặc yếu) trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với DH không sử dụng CNTT. - Sử dụng CNTT như TBDH không phải chỉ nhằm thí điểm DH với CNTT mà còn góp phần DH về CNTT. - Hiệu quả của việc sử dụng CNTT ngay trong quá trình DH có tác dụng gây động cơ học tập những nội dung tin học. Vả lại chính bản thân những ứng dụng của tin học và công cụ của tin học cũng là một trong những nội dung tin học cần truyền thụ. - Để phát huy tác dụng tích cực của việc sử dụng CNTT như là một ứng dụng của tin học ở những lúc thích hợp, GV có thể bình luận về hiệu quả của máy vi tính, về vai trò của con người thể hiện trong việc lập trình. - Sử dụng CNTT như một TBDH không phải chỉ để thực hiện DH với trang thiết bị của CNTT mà còn góp phần thúc đẩy việc đổi mới PPDH ngay cả trong điều kiện không có máy. Nếu ta lập được một chương trình trong máy tính làm chức năng thầy giáo thực hiện một cách có hiệu quả một số khâu của quá trình DH một nội dung nào đó thì cũng có thể đề xuất được một phương án tốt để cải tiến PPDH. Vì vậy có thể làm song song hai việc: Đồng thời với việc thí điểm làm phần mềm để máy vi tính làm chức năng GV dạy một số tiết, ta sẽ đề xuất những phương án cải tiến DH các tiết đó trong điều kiện không có máy vi tính. Cách làm này vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nước ta hiện nay, vừa đón trước được xu thế phát triển của khoa học thế giới. Kết quả mong đợi không phải chỉ ở một số chương trình DH bằng máy vi tính mà còn ở sự phát triển của khoa học giáo dục nói chung và điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc cải tiến PPDH kể cả trong điều kiện không có máy. 2. E-learning * Học tập (Learning) là gì? Là việc xử lí những thông tin mà người học thu được, nó tạo nên sự thay đổi hoặc làm tăng kiến thức và khả năng, năng lực của người học. * E-learning là việc thực hiện các chương trình giáo dục, học tập, đào tạo, bồi dưỡng thông qua các phương tiện điện tử. E-Learning liên quan đến việc sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện tử trong một phương diện nào đó nhằm cung cấp tài liệu cho việc giáo dục, học tập, đào tạo, bồi dưỡng. * Những đặc điểm cơ bản của E-learning so với các hình thức tổ chức dạy học khác: - Công nghệ là thứ yếu sang đa phương tiện là trọng tâm. - Giáo dục chỉ một lần sang giáo dục suốt đời. - Chương trình cố định sang chương trình mở (mềm dẻo hơn). - Tập trung vào tổ chức, vào người dạy sang tập trung vào người học. - Tự thân vận động hoặc giáo dục đồng loạt sang hợp tác. - Giới hạn trong phạm vi khu vực (địa phương) sang mạng lưới toàn cầu. * E-learning có lợi thế hơn so với các hình thức tổ chức dạy học truyền thống: - Giảm chi phí. - Học tùy theo khả năng, tốc độ của bản thân. - Khả năng thay đổi nhanh. - Cung cấp, phản hồi nhanh, nhất quán. - Học bất cứ đâu, bất kể thời gian nào. - Cập nhật nhanh chóng. - Dễ dàng quản lí những nhóm HS quá đông. - Không sách mà là các cơ sở dữ liệu có khả năng tìm kiếm. - Không lớp học mà là đào tạo tương tác trong một môi trường ảo. - Không hội thảo mà là trò chuyện qua mạng. - Không kiểm tra mà là đánh giá tự động. - Xã hội yêu cầu mỗi thành viên đều có kĩ năng dùng máy tính và mạng để trao đổi, tương tự như kĩ năng đọc, viết. II. Một số giải pháp ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy – học đã thực hiện ở Thừa Thiên Huế: Vận dụng các thành quả về lí luận dạy học có ứng dụng CNTT để đổi mới PPDH nói trên, chúng tôi đã thực hiện một số giải pháp sau đây: 1. Giai đoạn đầu việc ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy và học vào những năm 2000, 2001, chỉ chú trọng vào việc sử dụng chương trình như PowerPoint để tạo các hiệu ứng trong bài giảng, nhiều tiết dạy rõ ràng có hiệu quả hơn cách dạy bình thường, tuy nhiên nhiều GV đã hơi lạm dụng khiến một số tiết dạy nặng nhiều về trình diễn, HS thụ động, ít tham gia vào quá trình học tập. Nhận thức được điều này, chúng tôi suy nghĩ rằng làm thế nào để việc ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp có hiệu quả, kết quả hơn hẳn cách dạy và học cũ, đó là điều cần phải trao đổi, bàn bạc, rút kinh nghiệm. Đã qua rồi thời kỳ chỉ nặng về trình diễn, chỉ dùng các chương trình như PowerPoint để tạo các hiệu ứng bắt mắt trong các tiết dạy gọi là có ứng dụng CNTT, cần phải kết hợp nhiều hình thức để phát huy thế mạnh của công nghệ vào dạy học. 2. Tập huấn của GV sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy - học Toán: Ở Thừa Thiên Huế, Sở GD & ĐT đã biên soạn giáo trình và tập huấn rất sớm cho đội ngũ GV cốt cán ở các trường trung học sử dụng các phần mềm toán như Geometer’s Sketchpad (GSP) từ năm 2001, GeospacW (dạy hình học không gian) từ năm 2005, Cabri 3D (phần mềm đồ họa dạy hình học không gian) từ năm 2007. Chính nhờ Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn sớm các phần mềm toán học này, GV đã nhận thức được tính thiết thực, hiệu quả của việc sử dụng phần mềm vào dạy và học, nên hiện nay nhiều GV toán bậc trung học đã tự giác nghiên cứu để sử dụng thành thạo các phần mềm và vận dụng rất tốt vào các bài dạy, có GV từ chỗ mới biết sử dụng vi tính, nhưng nay do đam mê đã sử dụng và phát triển thêm nhiều ý tưởng hay đối với phần mềm GSP vận dụng vào hình học không gian. Rõ ràng, sử dụng các phần mềm nói trên kết hợp với các chương trình như PowerPoint vận dụng vào dạy và học Toán có hiệu quả hơn nhiều so với cách dạy truyền thống trước đây, nhờ các hiệu ứng động sẽ làm rút ngắn quá trình nhận thức của học sinh, những vấn đề trước đây là quá trừu tượng như bài toán quỹ tích, các hình không gian, vẽ đồ thị hàm số, sẽ được trực quan hóa qua các phần mềm dạy và học Toán. Đến nay nhiều GV đã sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học toán để vận dụng đúng nơi, đúng thời điểm vào trong bài dạy. Càng ngày việc ứng dụng CNTT vào dạy và học càng đi vào chiều sâu, năm sau càng nâng cao hơn năm trước, thể hiện rất rõ trong các đợt thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS và THPT, trong các đợt thi trước cách đây 3 đến 4 năm chỉ có 1 GV THCS, 60% GV THPT có ứng dụng CNTT vào bài dự thi, thì trong đợt thi năm 2006 thì có trên 80% GV THCS và 100% GV THPT có ứng dụng CNTT vào bài dạy dự thi. Nhưng cũng cần tránh khuynh hướng ứng dụng CNTT một cách hình thức, nặng về trình diễn, lớp học thụ động bị cuốn theo các hiệu ứng bắt mắt làm loãng đi trọng tâm của bài học, không phải tiết học nào cũng phải có ứng dụng CNTT, cũng như không phải toàn bộ tiết học đều phải sử dụng các hiệu ứng CNTT, mà phải đưa vào đúng nơi, đúng lúc, phù hợp với tình huống sư phạm đặt ra. Ứng dụng CNTT không thể tách rời GV với bảng đen phấn trắng, tách rời các hoạt động tự học hợp tác của học sinh, mà phải kết hợp với các phương pháp dạy học mới như dạy học nêu vấn đề, học tích cực qua hoạt động nhóm, , đồng thời không thể tách rời với việc làm các đồ dùng dạy học, các mô hình giáo cụ trực quan. 3. Tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm sử dụng các phần mềm dạy và học Toán đã được tập huấn và tự nghiên cứu thêm: Để kiểm tra và thúc đẩy các trường tập huấn cho GV toán các phần mềm Toán học đã được tập huấn và yêu cầu GV sử dụng vào đổi mới phương pháp, Sở đã tổ chức hội thảo yêu cầu các trường THPT và các Phòng GD&ĐT có báo cáo tham luận, các báo cáo tham luận đều được đăng vào kỉ yếu hội thảo. Qua hội thảo đã phát hiện ra một số điển hình tốt như một số GV Toán ở miền núi Nam Đông đã rất tích cực trong nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm dạy và học toán, ngoài các phần mềm đã được Sở tập huấn, họ còn nghiên cứu thêm các phần mềm khác và áp dụng có hiệu quả, tham luận của đơn vị này đã gây được chú ý nhiều trong hội thảo và đã cảnh tỉnh cho một số trường còn nêu khó khăn để chưa tích cực trong việc ứng dụng CNTT vào đổi mới PPDH. Các GV dự hội thảo còn được dự một tiết dạy minh họa với hình thức HS thực hành, trực tiếp thực hành trên phòng máy thông qua phần mềm CABRI 3D dưới sự hướng dẫn của GV để làm bài tập hình học không gian. Tiết dạy này mở ra cho GV toán một hướng đổi mới PPDH tích cực nhờ CNTT. 4. Nói đến ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy và học không chỉ để cho Thầy trình diễn, mà còn phải trả về môi trường học tập với sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm học toán cho HS, dưới sự hướng dẫn của GV. Đây là hướng dạy học tích cực mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rất có hiệu quả và đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm. Một số trường hiện nay đã tập huấn các phần mềm toán học cho học sinh dưới dạng ngoại khóa, sau đó thực hiện một số tiết học trực tiếp trên phòng máy, thực hành các bài toán dựa vào các phần mềm theo sự hướng dẫn của GV thông qua phiếu học tập để tự khám phá kiến thức mới, qua thực hành với phần mềm, học sinh sẽ dự đoán nhanh chóng kết quả của bài toán và có khả năng tạo ra các bài toán mới, với khả năng tính toán được các phép toán phức tạp cũng làm thay đổi phương thức giải một số bài toán thực tế mà trước đây cách giải hết sức phức tạp, đây là một hướng mới rất tích cực mà trường trung học nào cũng có thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay. TS. Trần Vui - Trường ĐHSP Huế đã chủ trì cùng với một nhóm SV cao học và GV ở trường THPT nghiên cứu đề tài cấp Bộ: Tích hợp mô hình toán học tích cực trong dạy - học toán 11 nâng cao và cơ bản với phần mềm Geometer’s Sketchpad” và đã cho xuất bản sách kèm đĩa CD chứa các tệp (file) thiết kế các mô hình toán tích cực phủ gần như hết chương trình Toán lớp 11, giúp HS học khám phá thông qua việc học trực tiếp trên máy tính, thực hành các bài tập về GSP để khám phá kiến thức mới, giúp GV các ý tưởng hay về đổi mới phương pháp theo hướng tích cực hóa trong dạy học. 5. Mặt khác, nói đến việc ứng dụng CNTT vào dạy và học toán không chỉ bó hẹp trong việc GV dùng CNTT để minh họa cho các bài dạy, mà theo các nghiên cứu mới nhất của các nhà giáo dục học trên thế giới, các Viện nghiên cứu Công nghệ giáo dục gắn với các tập đoàn như Intel, IBM, Microsoft đã đề xướng các phương pháp dạy học mới nhờ sự hỗ trợ của CNTT, làm rõ phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, thông qua học toán với sự hỗ trợ của máy tính học sinh được học tích hợp liên môn, được học qua thực tiễn, đó là các phương pháp đã được các tập đoàn nói trên tập huấn mạnh cho GV và triển khai ở nhiều trường Tiểu học, THCS và THPT ở Thừa Thiên Huế: * Phương pháp dạy và học với máy tính (Teaching and Learning with Computer, viết tắt TLC) do IBM đề xướng: nguyên lí của phương pháp này là dạy học một vấn đề toán học bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau: một nhóm HS nghiên cứu qua mô hình, qua đo đạc, một nhóm thực hành trên máy tính với sự hỗ trợ của phần mềm toán, một nhóm nghiên cứu làm các bài tập nhỏ theo gợi ý của phiếu học tập do GV giao, để cùng đi đến một đích là khám phá kiến thức mới. Phòng học phải được bố trí linh hoạt gồm một góc để một số máy vi tính vừa đủ, các góc thực hành, sách tham khảo phục vụ chủ đề, * Phương pháp dạy học theo dự án (Project Base Learning - PBL) thông qua các Chương trình Dạy học của Intel “Intel Teach Programs - ITP” mà trước đây gọi là “Intel Teach To The Future” (Dạy học cho tương lai) do tập đoàn Intel đề xướng và hỗ trợ: Một vấn đề toán học sau khi học trên lớp, GV giao nhiệm vụ cho các nhóm, mỗi nhóm đóng vai là một kỹ sư, nhà nghiên cứu, để thực hiện một dự án nhỏ, ví dụ học sinh học xong bài thống kê, GV sẽ chia lớp thành nhiều nhóm, một nhóm đóng vai trò nhà nghiên cứu về an toàn giao thông, một nhóm đóng vai trò nhà xã hội học thu thập dữ liệu điều tra về một vấn đề trong xã hội như nghiên cứu về chiều cao, sức nặng của các lớp học sinh cùng độ tuổi, hay nghiên cứu sở thích đọc sách của các bạn học sinh thông qua số lượng, chủng loại sách mượn ở thư viện nhà trường, Sau khi thu thập thông tin từ nhiều nguồn, tra cứu sách vở, điều tra qua thực tế, lấy trên Internet, học sinh sẽ làm 3 bài tập lớn: làm một bài trình diễn bằng PowerPoint, vận dụng những kiến thức toán để phân tích dữ liệu, rút ra được một số kết luận thực tiễn, bài tập này sẽ trình bày trước lớp; bài tập lớn thứ hai là xuất bản một tờ rơi (publisher) để phổ biến các điều đã được đúc rút để tuyên truyền trong trường, ngoài cộng đồng, kêu gọi mọi người cùng thực hiện hoặc tránh làm những việc nào đó; cuối cùng bài tập lớn thứ ba là tạo một trang web của nhóm để có thể xuất bản nội dung nghiên cứu và cảnh báo lên Internet để nhiều người cùng tham gia trao đổi, tranh luận. Thực tế qua một số hồ sơ bài dạy của một số GV cùng với học sinh thực hiện, đã gây bất ngờ vì HS rất sáng tạo, và có những nghiên cứu, rút ra nhiều vấn đề cảnh báo rất nghiêm túc. Rõ ràng, qua một số chuyên đề theo dạng này, học sinh sẽ học được rất nhiều điều không chỉ có học toán, mà còn được cọ xát qua thực tế, quan tâm đến cộng đồng hơn, rèn luyện được kỹ năng hợp tác làm việc theo nhóm, kỹ năng làm việc với CNTT, Chương trình này cũng rèn luyện cho GV kỹ năng đặt câu hỏi trong dạy học, nêu các câu hỏi có vấn đề để học sinh phải suy nghĩ, thảo luận mới có thể giải quyết được, và cho những kết quả bất ngờ. - Dự án Partners in Learning của Microsoft: Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng CNTT trong dạy và học (tương tự với dạy học theo dự án của Intel). Các hoạt động học tập dựa trên dự án được thiết kế một cách cẩn thận, mang tính lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực học thuật, lấy HS làm trung tâm và hòa nhập với những vấn đề và thực tiễn của thế giới thực tại, HS cộng tác với các bạn trong lớp trong một khoảng thời gian nhất định để giải quyết những vấn đề và cuối cùng trình bày công việc của mình đã làm trước một cử tọa ngoài nhóm. Bước cuối cùng có thể là một buổi thuyết trình sử dụng các phương tiện nghe nhìn, một vở kịch, một bản báo cáo viết tay, một trang web hoặc một sản phẩm được tạo ra. Cách học dựa trên dự án không chỉ tập trung vào các chương trình giảng dạy mà còn khám phá các chương trình này, yêu cầu HS phải đặt câu hỏi, tìm kiếm các mối liên hệ và tìm ra giải pháp. 6. Bước đầu nên tổ chức hình thức học E-Learning đơn giản: Hiện nay một số trường THPT và THCS đã lập website riêng cho trường, ngoài việc thông tin các hoạt động của nhà trường, một số trường đã nhập dữ liệu về thông tin của từng HS để cập nhật thường xuyên cho phụ huynh. Để phát huy tác dụng hơn nữa tính năng của website, các trường nên tổ chức bước đầu các CLB yêu thích các môn học, sưu tầm tư liệu, bài giảng, tổ chức các kì thi giải toán, Lý, Hóa, Văn học, lôi cuốn HS trong trường tham gia. Có thể tổ chức hình thức khuyến khích GV giao bài tập qua mạng của trường, chỉ dẫn HS cần tham khảo sách nào, truy cập địa chỉ web nào, HS làm bài và nộp qua mạng cho GV, HS nào thực hiện được sẽ nhận điểm khuyến khích. Cũng có thể tổ chức làm bài tập trắc nghiệm khách quan trên mạng, HS nào làm đúng và gửi qua mạng sớm nhất sẽ được thưởng, 7. Tuy nhiên, nói gì thì nói, CNTT đã mở ra một hướng rộng lớn cho việc đổi mới phương pháp dạy và học toán, nhưng cốt lõi vấn đề vẫn là sử dụng như thế nào cho có hiệu quả, phát huy hết tính năng vượt trội của nó, chúng ta cũng phải đặt vấn đề đào tạo về giáo dục học, tâm lí học, nhất là kỹ năng nghề sư phạm cho SV sư phạm và GV Toán, có vậy họ mới biết cách đưa CNTT vào bài dạy ở những tình huống nào để tạo các hiệu ứng sư phạm thích hợp. Nếu GV không có kỹ năng sư phạm tốt thì chỉ có thể làm theo người khác mà không có sáng tạo, không tự tạo được các tình huống hay để dạy tốt hơn. Qua đợt hội thi GV dạy giỏi cấp THPT năm 2007 vừa qua tại Thừa Thiên Huế, 100% GV đều có ít nhiều sử dụng CNTT vào bài dạy, tuy nhiên, có GV rất giỏi về việc tạo các hiệu ứng hình học không gian bằng phần mềm Flash, nhưng do hạn chế về kỹ năng sư phạm nên trình bày bài không mạch lạc, trong khi đó, cũng bài đó nhưng GV khác có kỹ năng sư phạm tốt, chỉ cần với phần mềm GSP kết hợp với đồ dùng mô hình trực quan đã dạy rất tốt, hiệu quả hơn nhiều. Tóm lại, dù CNTT có tiến bộ đến mức độ nào GV cũng cần phải rèn luyện kỹ năng sư phạm mới tổ chức các tình huống có ứng dụng CNTT tốt, ngược lại nếu GV am hiểu về giáo học pháp, có kỹ năng sư phạm tốt, nhưng không ứng dụng được CNTT thì việc thể hiện đổi mới phương pháp cũng bị giới hạn. Đây là hai mặt của một vấn đề, nói như Chủ tịch tập đoàn Intel Craig R. Barrett (Mỹ) là: “Máy tính không kỳ diệu, con người mới kỳ diệu”. Trên đây là một số vấn đề bản thân chúng tôi đã trải nghiệm, những suy nghĩ, trăn trở của bản thân cũng như của nhiều đồng nghiệp quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, làm thế nào để ngành giáo dục có sự chuyển biến tích cực, tiến kịp với nền giáo dục của nhiều nước, trong đó có các nước ở quanh ta, làm thế nào để học sinh học tập được nhẹ nhàng, hứng thú trong học tập, mong được trao đổi qua hội thảo khoa học về ứng dụng CNTT vào đổi mới giáo dục. . hơn nhiều so với DH không sử dụng CNTT. - Sử dụng CNTT như TBDH không phải chỉ nhằm thí điểm DH với CNTT mà còn góp phần DH về CNTT. - Hiệu quả của việc sử dụng CNTT ngay trong quá trình DH có. phiến diện, không đầy đủ hoặc bị biến dạng, có khi dẫn đến việc hiểu sai nội dung. - Theo quan điểm CNTT, để đổi mới PPDH, người ta tìm những “Phương pháp làm tăng giá trị lượng tin, trao đổi. CNTT với vai trò phương tiện, Thiết bị dạy học (TBDH) CNTT với vai trò phương tiện, TBDH cần đảm bảo các yêu cầu: - Sử dụng CNTT như công cụ dạy học cần được đặt trong toàn bộ hệ thống các PPDH