Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH" sẽ được QH xem xét tại kỳ họp khai mạc tuần tới. Một trong những nội dung của đề án là hàng năm QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. >> Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, bộ trưởng hàng năm Trao đổi với VietNamNet, đại biểu kỳ cựu Dương Trung Quốc cho hay đây là vấn đề không mới về mặt nguyên lý vì trong Hiến pháp 1992, được cụ thể hoá hơn trong lần sửa đổi sau đó có quy định về quyền này. Nhưng chỉ có điều quyền đó rất khó thực thi theo trình tự và quy định phải có ít nhất 20% tổng số ĐBQH kiến nghị về một trường hợp nào đó. Ông Quốc nói: Nó bất khả thi vì nhiều lẽ, nhưng đơn giản nhất là có tới hơn 90% ĐBQH là đảng viên, mà đảng viên phải phục tùng quy định không được kiến nghị đông người, và những người giữ chức vụ (đối tượng giám sát) đều là đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý. Triệt tiêu lợi ích nhóm Hiểu theo cách ông đề cập thì đổimới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội có phải là điều kiện cho việc thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm không, thưa ông? Đảng là một tổ chức chính trị. Tính kỷ luật, tinh thần nhất trí cao là sức mạnh của tổ chức ấy. Cả hai nhân tố ấy phụ thuộc vào phương thức điều hành. Đổimới phương thức theo chiều hướng dân chủ trong Đảng và tôn trọng Hiến pháp cũng có nghĩa là đặt lợi ích của nhân dân của quốc gia lên trên hết, để Đảng thực thi nguyên lý lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của mình. Đã có rất nhiều bài học lịch sử chứng minh điều đó và cốt lõi của tư tưởng Hồ Chi Minh cũng là ở đó. Thời kỳ 1945-1946 và suốt trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng lãnh đạo theo phương thức (cũng là nghệ thuật) ấy (thậm chí Đảng không ra mặt công khai với việc tuyên bố “tự giải tán” vào tháng 11/1945) Có điều, thực hiện được cái đó, phải biết hy sinh quyền lợi (chứ không phải là quyền lực) của mình. Ví như để đoàn kết nhiều bộ trưởng là đảng viên, Việt Minh tự nguyện “nhường” các ghế bộ trưởng trong chính phủ cho người ngoài Đảng Mà “đoàn kết” luôn là một nhân tố quyết định thành công. Ông Dương Trung Quốc: Các ĐBQH sẽ thực thi quyền bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào Ảnh: Lê Anh Dũng Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một bậc trí thức có danh vọng, là một tấm gương ái quốc đã từng có lúc chưa tán thành đường lối của Đảng cộng sản. Nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng, của người đứng đầu Đảng là Cụ Hồ biết tin vào lòng yêu nước của dân, thu phục, trao trọng trách thay mình điều hành đất nước 4 tháng ròng, vì thế cụ Huỳnh cộng tác với những người cộng sản một cách có hiệu quả. Ông đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho cuộc kháng chiến mà chính cụ Huỳnh hiểu rằng chỉ có do Cụ Hồ lãnh đạo thì mới thành công Hoặc Cụ Hồ vào cuối năm 1945 đã ban hành sắc lệnh thành lập cơ quan Thanh tra đặc biệt có quyền quyết định độc lập đối với các quan chức thuộc mọi cấp nếu vi phạm pháp luật. Cụ Hồ trực tiếp bổ nhiệm chức Chánh cho cụ Bùi Bằng Đoàn, cựu thượng thư Bộ Hình của chế độ cũ vì là người am hiểu pháp luật. Ngoài ra còn nhà thơ Cù Huy Cận vì đó là một người trẻ mà được quốc dân biết tới Những bài học được coi là có giá trị lịch sử ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta đã nói đến lợi ích nhóm. Triệt tiêu “lợi ích nhóm” điều hòa quyền lợi trong toàn xã hội là điều mà Đảng phải quan tâm trong sứ mệnh lãnh đạo của mình và Quốc hội thể chế hóa cũng như giám sát mục tiêu ấy. Minh bạch ý kiến tín nhiệm Theo ông, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên quy định cứng theo định kỳ hay có thể do sáng kiến của ĐBQH? Những quy định đã có thì cứ thực hiện (chỉ có điều khó thực thi), còn phương thức theo định kỳ và mang tính “đại trà” như dự kiến thì theo tôi nó cũng có mặt hay và mặt còn băn khoăn. “Hay” ở điểm là nó mang tính thực thi cao, cứ “đến hẹn lại làm”. Khách quan nó cũng tạo ra một áp lực để các đối tượng được/bị giám sát ấy phải tích cực và cẩn trọng khi thực thi công vụ. Nhưng tôi còn băn khoăn ở hiệu quả thực sẽ ra sao. Vì dân chủ là một công cụ của sự tiến bộ, nhưng người sử dụng nó phải có đủ những phẩm chất và kỹ năng sử dụng, nếu không, nó chỉ mang tính hình thức. Vậy đại biểu có quyền vận động bỏ phiếu tín nhiệm không, theo ông? Ai cũng biết rằng các chức danh được Quốc hội bầu đều là đối tượng đảng viên được Trung ương quản lý và Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu. Vậy thì liệu các ĐBQH là đảng viên chiếm tuyệt đại đa số trong Quốc hội có thể đưa ra những đánh giá khác với sự giới thiệu của Trung ương hay không? Trong bối cảnh ngày nay, không chừng nó sẽ lại tạo ra những tác động không như ý muốn khi các đối tượng được/bị lấy ý kiến tín nhiệm, số đông lại cũng là thành viên trong Quốc hội sẽ khai thác mọi thứ quan hệ để “vận động hành lang” các ĐBQH. Với tập tính cả nể của bên này, tự ái của bên kia, lại thêm quan hệ “xin - cho” đang phổ biến, thì không phải nỗi băn khoăn trên là không có cơ sở. Như thế là bên cạnh vấn đề Đảng muốn triển khai dự án này giúp bộ máy công quyền trong sạch và hiệu quả hơn, còn có việc các ĐBQH sẽ thực thi quyền này như thế nào và chính các ĐBQH cũng cần được cử tri giám sát. Muốn vậy, giải pháp duy nhất là minh bạch. Việc lấy ý kiến tín nhiệm phải càng công khai càng tốt. Xuân Linh