nhung-van-de-chung-ve-thue pptx

31 162 0
nhung-van-de-chung-ve-thue pptx

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

PHẦN I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THUẾ I. Khái niệm, đặc điểm, chức năng, vai trò của thuế 1. Khái niệm thuế Sự ra đời của thuế là một tất yếu khách quan gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Để duy trì sự tồn tại của mình và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng Nhà nước cần phải có những nguồn lực vật chất nhất định. Theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện điều tiết một bộ phận của cải của xã hội từ khu vực tư sang ngân quỹ quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau: phát hành thêm tiền, phát hành trái phiếu để vay trong nước và ngoài nước, bán một phần tài sản quốc gia, thu thuế Trong đó thu thuế là quá trình điều tiết mang tính chất bắt buộc, các thể nhân, pháp nhân phải chuyển giao một phần của cải của mình cho Nhà nước mà không gắn với bất kỳ sự ràng buộc nào về sự hoàn trả lợi ích tương quan với số thuế đã nộp. Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về thuế tuỳ theo cách thức tiếp cận nghiên cứu: Trên giác độ kinh tế học, người ta cho rằng thuế là một biện pháp đặc biệt, theo đó, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công, nhằm thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trên giác độ phân phối thu nhập thì thuế là hình thức phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân nhằm hình thành các quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước. Trên giác độ người nộp thuế, thuế được coi là khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước theo luật định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ Nhà nước Như vậy, các quan niệm trên đều đề cập đến các nội dung cơ bản như: nguồn lực chuyển giao, quyền lực Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước Một trong các khái niệm về thuế được thừa nhận chung là: Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc của các pháp nhân, thể nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định, không mang tính chất hoàn trả trực tiếp, nhằm sử dụng cho mục đích chung toàn xã hội. Ngoài các khoản thu về thuế, Nhà nước còn thu các khoản phí và lệ phí. Đây là các khoản thu mà một tổ chức hay cá nhân phải trả khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân được Nhà nước uỷ quyền cung cấp các hàng hoá, dịch vụ công cộng. Phí là khoản thu nhằm thu hồi chi phí đầu tư cung cấp các dịch vụ công cộng không thuần tuý theo quy định của pháp luật và là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng các dịch vụ công cộng đó. Ví dụ: phí kiểm dịch động vật, phí đo đạc và lập bản đồ hành chính Lệ phí là khoản thu gắn liền với việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hành chính pháp lý của Nhà nước cho các thể nhân, pháp nhân nhằm phục vụ cho công việc quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của pháp luật. Ví dụ: lệ phí đăng ký kinh doanh, lệ phí công chứng 2. Đặc điểm của thuế 2.1. Thuế luôn gắn liền với quyền lực Nhà nước Thuế luôn gắn liền với quyền lực của Nhà nước, thể hiện tính pháp lý tối cao của thuế: - Thuế là nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến Pháp - Đạo luật gốc của một quốc gia: Điều 22 và Điều 80 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992 quy định “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật ”, “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật”. - Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, hay bãi bỏ bất kỳ một thứ thuế nào cũng chỉ có một cơ quan duy nhất có thẩm quyền, đó là Quốc Hội - cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao: Điều 84 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992 quy định Quốc hội có những quyền“ ; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. - Nhà nước thực hiện thu thuế dựa trên những cơ sở pháp luật nhất định, đó là các văn bản pháp luật do các cơ quan quyền lực Nhà nước ban hành (Luật, Nghị định, Thông tư ). 2.2. Thuế là một phần thu nhập của các tầng lớp dân cư bắt buộc phải nộp cho Nhà nước Khi Nhà nước thực hiện thu thuế, người nộp thuế có nghĩa vụ đóng các khoản thuế theo luật định. Việc đóng các khoản thuế này không gắn với lợi ích cụ thể của người nộp thuế, tức là không kèm theo bất kỳ một sự cấp phát hoặc quyền lợi từ phía Nhà nước, do đó khó có thể đòi hỏi người nộp thuế tự nguyện thực hiện đóng thuế. Để đảm bảo thu được thuế Nhà nước phải sử dụng quyền lực chính trị bắt buộc người nộp thuế chuyển giao một phần thu nhập cho Nhà nước. 2.3. Thuế là hình thức chuyển giao thu nhập không mang tính chất hoàn trả trực tiếp Tính chất không hoàn trả trực tiếp của thuế được thể hiện trên các khía cạnh: Thứ nhất, sự chuyển giao thu nhập thông qua thuế không mang tính chất đối giá, nghĩa là mức thuế mà các tầng lớp trong xã hội chuyển giao cho Nhà nước không dựa trên mức độ người nộp thuế thừa hưởng những dịch vụ và hàng hoá công cộng do Nhà nước cung cấp. Phần giá trị mà người nộp thuế được hưởng thụ không nhất thiết tương đồng với khoản thuế mà họ đã nộp cho Nhà nước. Thứ hai, các khoản thuế đã nộp cho Nhà nước sẽ không được hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế. Người nộp thuế sẽ nhận được một phần các hàng hoá, dịch vụ công cộng mà Nhà nước đã cung cấp cho cả cộng đồng. Người nộp thuế không có quyền đòi hỏi Nhà nước cung cấp hàng hoá, dịch vụ công cộng trực tiếp cho mình mới nộp thuế cho Nhà nước. 3. Chức năng, vai trò của thuế 3.1. Huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước Thuế là phương tiện để Nhà nước tập trung một phần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào Ngân sách Nhà nước, thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm GDP được động viên vào NSNN. Trên cơ sở đó, Nhà nước chi tiêu để duy trì sự tồn tại và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ kinh tế xã hội của mình (chi quản lý hành chính Nhà nước, chi đầu tư phát triển, chi quốc phòng an ninh, cung cấp hàng hoá công cộng…). Hiện nay, thuế là nguồn thu có tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu NSNN của các nước có nền kinh tế thị trường. Việc huy động số thu cho NSNN gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước: nếu chỉ thực hiện nhiệm vụ chi cho hoạt động hành chính thì số thu sẽ được huy động ở mức độ thấp, nếu Nhà nước đảm nhiệm cung cấp một số dịch vụ công cộng thì số thu cần huy động sẽ nhiều lên. Tuy nhiên, các nguồn thu huy động vào NSNN không phải lúc nào cũng cân đối với nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, nếu việc chi tiêu của Nhà nước lớn hơn các nguồn thu huy động được thì sẽ dẫn tới tình trạng bội chi NSNN. Bội chi NSNN với tỷ lệ cao, quy mô lớn có thể gây ra lạm phát, tăng lãi suất thị trường, cản trở đầu tư… Vì vậy, việc xác định mức huy động GDP vào NSNN (thuế đóng vai trò quan trọng) cũng như tỷ lệ bội chi hợp lý sẽ góp phần làm lành mạnh tài chính Nhà nước, góp phần ổn định và tăng trường kinh tế quốc gia. Ở Việt Nam, tỷ lệ huy động GDP vào NSNN đạt tỷ lệ trên 20% qua các năm, mức bội chi duy trì ở mức hợp lí, cụ thể: Năm Tỷ lệ thu NSNN/GDP (%) (không kể tăng thu do giá dầu thô tăng giá) Tỷ lệ thuế, phí/GDP (%) Tỷ lệ bội chi NSNN/GDP (%) 2004 24,2 20,2 4,85 2005 23,8 21,1 4,86 2006 25,2 22,6 5 (Nguồn: Bộ Tài chính) 3.2. Điều tiết vĩ mô nền kinh tế Trong khi huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước thì thuế cũng thực hiện điều tiết kinh tế thông qua việc quy định các hình thức thu thuế khác nhau, xác định đúng đắn đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế, xây dựng các mức thuế phải nộp phù hợp , qua đó kích thích các hoạt động kinh tế đi vào quỹ đạo chung, phù hợp với lợi ích của xã hội. Việc điều tiết kinh tế của thuế gắn liền với vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước, Nhà nước sử dụng thuế để tác động đến nền kinh tế quốc dân: điều chỉnh chu kỳ kinh tế, cơ cấu ngành, khu vực và từng vùng lãnh thổ Cụ thể: - Điều chỉnh chu kỳ nền kinh tế: đây là một trong những nội dung quan trọng của quá trình sử dụng công cụ thuế điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường thì sự phát triển theo chu kỳ là điều không thể tránh khỏi. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định, Nhà nước đã sử dụng thuế để điều chỉnh quá trình đó. Trong những năm khủng hoảng và suy thoái kinh tế, Nhà nước có thể hạ thấp mức thuế, tạo ra những điều kiện ưu đãi về thuế thuận lợi nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng để tăng đầu tư và mở rộng sức sản xuất. Điều đó có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng nhanh chóng. Ngược lại, trong thời kỳ phát triển quá mức, có nguy cơ dẫn đến mất cân đối, bằng cách tăng thuế, thu hẹp đầu tư, Nhà nước có thể giữ vững nhịp độ tăng trưởng theo mục tiêu đặt ra. - Thuế góp phần hình thành cơ cấu ngành hợp lý theo yêu cầu của từng giai đoạn phát triển nền kinh tế. Bằng việc ban hành hệ thống thuế, Nhà nước sẽ quy định đánh thuế hoặc không đánh thuế, đánh thuế với thuế suất cao hoặc thấp vào các ngành nghề, các mặt hàng cụ thể. Thông qua đó Nhà nước có thể thúc đẩy sự phát triển của những ngành kinh tế quan trọng hoặc san bằng tốc độ tăng trưởng giữa chúng, đảm bảo sự cân đối giữa các ngành nghề trong nền kinh tế. - Điều chỉnh tích luỹ tư bản: sản xuất chiếm hữu và tư bản hoá lợi nhuận luôn luôn là mục đích cơ bản của hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần sử dụng thuế để điều chỉnh sự tích luỹ đó phù hợp lợi ích kinh tế của các chủ thể kinh tế và lợi ích xã hội. Mặt khác, sự phát triển nền kinh tế luôn đòi hỏi phải tăng nhanh vốn đầu tư cơ bản, để phát triển nền kinh tế quốc dân, Nhà nước cần phải khuyến khích tích luỹ và tích tụ trong các doanh nghiệp, để tạo ra nguồn vốn đầu tư. Việc thay đổi các chính sách thuế của Nhà nước có thể ảnh hưởng đến quy mô và tốc độ tích luỹ tư bản, do đó tác động đến quá trình đầu tư phát triển kinh tế. - Thuế góp phần bảo hộ nền sản xuất trong nước. Thông qua điều chỉnh mức thuế xuất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà gây nên áp lực tăng giá hàng nhập khẩu, giảm khả năng cạnh tranh so với hàng sản xuất trong nước, từ đó điều chỉnh khối lượng hàng hoá đưa ra thị trường và đưa vào để thực hiện bảo hộ nền sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của thị trường nội địa. Tác động điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế chỉ đem lại hiệu quả thiết thực khi công cụ thuế được Nhà nước áp dụng theo các phương pháp điều chỉnh thích hợp đến các đối tượng điều chỉnh của thuế. Trong thực tiễn thế giới có rất nhiều phương thức Nhà nước sử dụng công cụ thuế để tác động đến nền kinh tế. Có thể chỉ ra một số phương pháp điều chỉnh chủ yếu của thuế như sau: - Thay đổi thuế suất: Thông qua việc quy định đánh thuế với thuế suất cao hay thấp vào các đối tượng chịu thuế, Nhà nước tác động đến mối quan hệ giữa cung, cầu trên thị trường, làm ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của doanh nghiệp và dân cư, từ đó thực hiện điều tiết vĩ mô nền nền kinh tế. - Áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế: Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể cũng như yêu cầu, mục tiêu của nền kinh tế từng thời kỳ, Nhà nước có thể thực hiện ưu đãi thuế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để kích thích tăng tích luỹ và tích tụ vốn trong các doanh nghiệp và dân cư, góp phần đẩy mạnh đầu tư và tăng trưởng kinh tế. 3.3. Điều hoà thu nhập, thực hiện công bằng xã hội Thuế là công cụ để Nhà nước can thiệp vào quá trình phân phối thu nhập, của cải của xã hội, hạn chế sự chênh lệch lớn về mức sống, về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Việc điều hoà thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có thể được thực hiện thông qua các sắc thuế trực thu, điều tiết trực tiếp thu nhập của người nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp ), đặc biệt thuế thu nhập cá nhân có sử dụng thuế suất luỹ tiến sẽ có tác dụng rất lớn trong vấn đề điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội. Ngoài ra, việc điều hoà thu nhập có thể được thực hiện một phần thông qua các sắc thuế gián thu. Ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế này có đối tượng chịu thuế chủ yếu là các hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cao cấp, đắt tiền, các hàng hoá, dịch vụ này thông thường chỉ có những người có thu nhập cao trong xã hội mới có thể sử dụng và hoặc sử dụng nhiều, qua đánh thuế điều tiết bớt một phần thu nhập của họ. II. Phân loại thuế Trong thực tế có nhiều tiêu thức phân loại thuế, tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh và yêu cầu quản lý thuế của mỗi nước mà có sự lựa chọn cách phân loại thuế khác nhau (dựa vào phương thức đánh thuế, dựa vào cơ sở tính thuế, dựa theo phạm vi điều chỉnh của sắc thuế, dựa theo tên gọi của sắc thuế, theo tính chất thuế suất ). Dưới đây là một số tiêu thức phân loại thuế cơ bản thường được áp dụng: 1. Phân loại theo phương thức đánh thuế Căn cứ vào phương thức đánh thuế là đánh thuế một cách trực tiếp hay gián tiếp vào thu nhập, có thể chia hệ thống thuế thành hai loại: thuế trực thu và thuế gián thu. 1.1. Thuế trực thu Thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Theo đó, đối tượng nộp thuế theo luật quy định đồng nhất với người phải chịu thuế. Về nguyên tắc, loại thuế này mang tính chất thuế luỹ tiến, vì nó tính đến khả năng của người nộp thuế, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, còn người có thu nhập thấp thì nộp thuế ít hơn. Ở Việt Nam, các sắc thuế trực thu bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế nhà, đất Ưu điểm của thuế trực thu là động viên trực tiếp vào thu nhập của từng tổ chức, cá nhân có thu nhập, hơn thế nữa, thuế trực thu còn cho phép xem xét đến các yếu tố tương đối độc lập đến thu nhập của người nộp thuế, như hoàn cảnh bản thân, hoàn cảnh gia đình Do đó, thuế trực thu có tác dụng rất lớn trong việc điều hoà thu nhập, giảm bớt sự chênh lệch đáng kể về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, do đó đã bảo đảm được tính công bằng trong xã hội. Nhược điểm của thuế trực thu là dễ gây ra phản ứng từ phía người nộp thuế khi Nhà nước điều chỉnh tăng thuế. Hơn nữa việc theo dõi, tính toán số thuế phải nộp và thủ tục thu, nộp thuế hết sức phức tạp. Số thu động viên vào Ngân sách thường chậm và chi phí quản lý thu thuế khá tốn kém. 1.2. Thuế gián thu Thuế gián thu là loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập hay tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hoá, dịch vụ. Theo đó, người nộp thuế theo luật và người chịu thuế không đồng nhất với nhau, người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ chính là người chịu thuế. Thuế gián thu là một bộ phận cấu thành giá cả hàng hoá, dịch vụ, trong giá hàng hoá, dịch vụ người tiêu dùng mua đã bao gồm cả thuế. người sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sẽ “nộp thay” người tiêu dùng số thuế này vào NSNN. Về nguyên tắc, thuế gián thu mang tính chất luỹ thoái vì nó không tính đến khả năng thu nhập của người chịu thuế, người có thu nhập cao hay thấp đều phải chịu thuế như nhau nếu cùng mua một loại hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, nếu so với tổng thu nhập trong kỳ thì tỷ lệ thu nhập nộp thuế của những người có thu nhập thấp sẽ cao hơn tỷ lệ nộp thuế của người có thu nhập cao. Ở Việt Nam, các sắc thuế gián thu bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Ưu điểm của thuế gián thu là đối tượng chịu thuế rất rộng. Thuế gián thu được ẩn vào giá bán hàng hoá, dịch vụ nên người chịu thuế thường không cảm nhận được gánh nặng của loại thuế này, có thể tự do lựa chọn hàng hoá, quyết định tiêu dùng theo túi tiền của mình. Thuế gián thu đem lại nguồn thu thường xuyên và ổn định cho Ngân sách Nha nước. Đối tượng quản lý thu thuế cũng tập trung hơn, nghiệp vụ tính và thu thuế thuế đơn giản, nên chi phí quản lý thuế cũng thấp hơn so với thuế trực thu. Nhưng loại thuế này cũng có nhược điểm là có tính chất luỹ thoái nên không đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế. Nếu tính tỷ lệ động viên thuế gián thu so với thu nhập thì người giàu có tỷ lệ động viên thuế chịu thuế thấp hơn so với người nghèo. - Xác định mối quan hệ hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu: Thuế trực thu hay thuế gián thu đều có những nét đặc trưng riêng, có ưu điểm và nhược điểm riêng của mỗi loại thuế. Vì vậy, tuỳ theo đặc điểm trình độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước (tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức thu nhập của dân cư và quy mô tích luỹ của doanh nghiệp ) cũng như yêu cầu của Nhà nước trong hoạt động quản lý của mình, người ta sẽ xác định một tương quan theo tỷ lệ giữa chúng. Trong điều kiện năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh thấp, thu nhập thực tế của dân cư không cao thì nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước sẽ là thuế gián thu và ngược lại. 2. Phân loại theo cơ sở tính thuế Nếu căn cứ vào cơ sở tính thuế để phân loại thuế thì có thể chia thành ba loại như sau: 2.1. Thuế thu nhập Thuế thu nhập là loại thuế có cơ sở đánh thuế là thu nhập kiếm được. Thu nhập kiếm được hình thàn từ nhiều nguồn: từ lao động dưới dạng tiền lương, tiền công; thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới dạng lợi nhuận, lợi tức cổ phần do đó thuế thu nhập cũng có nhiều dạng: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài 2.2. Thuế tiêu dùng Thuế tiêu dùng là là các loại thuế có cơ sở đánh thuế là phần thu nhập của tổ chức, cá nhân được mang ra tiêu dùng trong hiện tại. Trong thực tế loại thuế tiêu dùng được thể hiện dưới nhiều dạng như thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng 2.3. Thuế tài sản Thuế tài sản là loại thuế có cơ sở đánh thuế là giá trị tài sản. Tài sản có nhiều hình thức biểu hiện: - Tài sản tài chính gồm có tiền mặt, tiền gửi, chứng khoán, thương phiếu - Tài sản cố định gồm nhà cửa, đất đai, máy móc, nhà máy, xe cộ - Tài sản vô hình như nhãn hiệu hàng hoá, bí quyết kỹ thuật Thuộc loại thuế tài sản là các sắc thuế như thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp 3. Phân loại theo mức thuế 3.1. Thuế đánh theo tỷ lệ % Thuế đánh theo tỷ lệ % là loại thuế đánh theo hình thức áp dụng một tỷ lệ hoặc phần trăm, hoặc lần trên các cơ sở tính thuế. Đây là hình thức áp dụng phổ biến trong các loại thuế hiện nay. Trong thuế tỷ lệ có thể phân ra thành 3 loại cụ thể như sau: - Thuế lũy tiến: là loại thuế áp dụng tỷ lệ tăng dần theo các mức tăng của cơ sở tính thuế. Cơ sở tính thuế càng tăng thì mức thuế suất càng cao. Trong thuế lũy tiến có hai hình thức: thuế lũy tiến từng phần và thuế lũy tiến toàn phần. + Đối với thuế lũy tiến từng phần: áp dụng mức thuế suất tăng dần theo từng phần tăng lên của cơ sở đánh thuế. Với các sắc thuế áp dụng loại thuế suất này trong biểu thuế suất, cơ sở đánh thuế được chia thành nhiều bậc theo mức độ tăng dần. Ứng với mỗi phần tăng lên trong từng bậc thuế đó là một mức thuế suất. Số thuế mà đối tượng nộp thuế phải nộp bằng tổng số thuế tính theo từng bậc. Việc tính toán và kiểm tra loại thuế này nhìn chung khá phức tạp, nhưng nó đảm bảo số thuế phải nộp tăng từ từ, không bị đột biến cùng tốc độ tăng của cơ sở đánh thuế. Do đó, đảm bảo được tính công bằng theo chiều dọc và có tác dụng lớn trong việc điều tiết thu nhập. Chính vì vậy, thuế thu nhập cá nhân đang được áp dụng trên thế giới và ở Việt Nam là loại thuế áp dụng thuế suất luỹ tiến từng phần. + Đối với thuế lũy tiến toàn phần: biểu thuế suất cũng chia làm nhiều bậc với mỗi mức tăng lên của thuế suất, nhưng toàn bộ cơ sở đánh thuế được áp dụng một mức thuế suất chung tương ứng. Thuế suất luỹ tiến toàn phần cho phép xác định số thuế phải nộp khá đơn giản và nhanh chóng. Tuy vậy, nó cũng có nhược điểm là gây ra sự thay đổi có tính chất đột biến về tổng số thuế phải nộp của đối tượng nộp thuế ở những mức thu nhập cận biên giữa hai bậc thuế. Mặc dù gía trị của cơ sở đánh thuế thay đổi không đáng kể, nhưng sự thay đổi về số thuế phải nộp rất đáng kể do phải áp dụng các mức thuế khác nhau trên toàn bộ cơ sở đánh thuế. Chính vì vậy, áp dụng thuế suất luỹ tiến toàn phần dễ dẫn đến sự phản ứng từ phía các người nộp thuế và như vậy tất yếu làm giảm vai trò của thuế. Hiện nay, thuế suất luỹ tiến toàn phần rất ít được áp dụng trên thế giới. - Thuế lũy thoái: là loại thuế mà mức thuế suất giảm dần trong khi cơ sở đánh thuế lại tăng dần. Cơ sở tính thuế càng tăng thì mức thuế suất càng giảm. Tương tự với thuế lũy tiến, thuế lũy thoái cũng có hai hình thức: lũy thoái toàn phần và lũy thoái từng phần. Thông thường các nước áp dụng thuế lũy thoái để khuyến khích các đối tượng nộp thuế nhiều. Hà Lan trước đây đã dùng thuế lũy thoái đánh vào thu nhập công ty để thu hút các khoản đầu tư lớn, thúc đẩy quá trình tích lũy vốn. Nói chung, thuế suất luỹ thoái là loại thuế suất không được áp dụng phổ biến. - Thuế tỷ lệ cố định: là loại thuế áp dụng một thuế suất cố định trên cơ sở tính thuế mà không phụ thuộc vào quy mô cũng như sự tăng, giảm của cơ sở tính thuế. Thuế tỷ lệ cố định thường được áp dụng để các cơ sở kinh doanh dễ hạch toán và tính toán trong quá trình kinh doanh. 3.2. Thuế đánh trên mức tuyệt đối Thuế đánh trên mức tuyệt đối là loại thuế được xác định bằng cách ấn định một số thu bằng tiền trên một đơn vị tính thuế như trọng lượng, khối lượng, diện tích, đơn vị sản phẩm của đối tượng chịu thuế. Điểm khác nhau cơ bản giữa thuế đánh trên mức tuyệt đối và thuế đánh theo tỷ lệ phần trăm (%) là thuế đánh trên mức tuyệt đối có mức thu cố định, không phụ thuộc vào giá kê khai tính thuế của đối tượng chịu thuế. Do vậy, thuế đánh trên mức tuyệt đối có ưu điểm bảo đảm tỷ lệ động viên thuế và chống trốn thuế do khai báo giá tính thuế thấp, đặc biệt đối với các mặt hàng có thuế suất cao và dễ áp dụng trong các trường hợp hàng hóa khó xác định được giá trị hay giá trị thấp mà chi phí xác định giá tính thuế cao. 4. Phân loại theo chế độ phân cấp và điều hành ngân sách Dựa vào tiêu thức này, thuế được phân thành: thuế trung ương và thuế địa phương. 4.1. Thuế trung ương Thuế Trung ương là loại thuế được Nhà nước ban hành luật pháp và điều tiết 100% vào NSNN ở Trung ương. Tuy nhiên, cũng có quốc gia thực hiện phân chia số thu theo tỷ lệ nhất định trong thuế suất dành cho các địa phương sau khi thu. 4.2. Thuế địa phương Thuế địa phương là loại thuế được Nhà nước quy định thu trên phạm vi lãnh thổ được phân công quản lý và được điều tiết vào NSNN ở địa phương 100%. Như vậy, thuế Trung ương bao gồm các nguồn thu lớn từ các hoạt động sản xuất kinh doanh có phạm vi rộng lớn trên lãnh thổ quốc gia hoặc thu từ các tài nguyên lớn thuộc sở hữu nhà nước. Thuế địa phương bao gồm các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, đối tượng nộp thuế nhiều. Vấn đề đặt ra là cần có phương thức điều tiết ngân sách hợp lý giữa thuế trung ương và thuế địa phương nhằm thúc đẩy công tác quản lý thu thuế ở địa phương, tăng tính pháp chế của chính sách thuế và tăng thu ngân sách. III. Các yếu tố cấu thành một sắc thuế Thuế thực hiện việc huy động một phần thu nhập thu nhập của các tổ chức, cá nhân vào Ngân sách Nhà nước thông qua một hình thức biểu hiện cụ thể bằng một sắc thuế. Mỗi sắc thuế đều phải được quy định bằng một văn bản pháp luật (Luật thuế, Pháp lệnh thuế ). Trong một sắc thuế thông thường chứa đựng các yếu tố cơ bản sau đây: 1. Tên gọi Tên gọi của một sắc thuế thường phản ánh nội dung chính của nó và để phân biệt với những loại thuế khác. Vì vậy, yêu cầu khi đặt tên gọi cho một sắc thuế cần ngắn, gọn, dễ hiểu. Có thể đặt tên sắc thuế theo đối tượng đánh thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng ), theo từng mặt hàng (thuế rượu, thuế thuốc lá…) hoặc theo nội dung (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…) 2. Người nộp thuế Trong một sắc thuế bao giờ cũng quy định cụ thể chủ thể nào có nghĩa vụ phải nộp thuế, thể hiện phạm vi áp dụng của một chính sách thuế cụ thể. Người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế là thể nhân hoặc pháp nhân có trách nhiệm trực tiếp nộp thuế cho Nhà nước. Cần phân biệt người nộp thuế và người chịu thuế. Người nộp thuế là người đem tiền nộp vào NSNN, người chịu thuế là người có thu nhập bị điều tiết. Sắc thuế mà người chịu thuế trực tiếp mang tiền nộp cho NSNN là thuế trực thu, sắc thuế mà người chịu thuế không trực tiếp mang tiền nộp cho NSNN là thuế gián thu. 3. Đối tượng chịu thuế Đối tượng chịu thuế là đối tượng được đưa ra để đánh thuế, là căn cứ để xác định số tiền thuế phải nộp. Đối tượng chịu thuế thường được xác định là thu nhập, hàng hoá hay tài sản. Mỗi một sắc thuế có đối tượng chịu thuế riêng, ví dụ đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước; còn đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có tính chất đặc biệt; đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập từ hoạt động kinh doanh; đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân là thu nhập các cá nhân. Đối tượng chịu thuế thường được tính trên một đơn vị giá trị hoặc một đơn vị vật lý

Ngày đăng: 27/06/2014, 23:20

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan