1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

TÌM đến một VIỆT lộ CHO tôn GIÁO dân tộc

8 406 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 54,05 KB

Nội dung

TÌM ĐẾN MỘT VIỆT LỘ CHO TÔN GIÁO DÂN TỘC • NGUYỄN VĂN KIM • Thứ bảy, 01 Tháng 9 2012 18:02 • font size 1. Thách thức chính trị và tâm thế dân tộc Ba thập kỷ sau khi giành được quyền lực, cùng với dân tộc Đại Việt, vương triều Trần (1225-1400) đã phải đối diện với những thách thức chính trị hết sức to lớn từ phương Bắc. Trong vòng 29 năm nhà Trần đã phải ba lần kháng chiến chống lại sự xâm lược của đế chế Mông – Nguyên (1206-1368). Trong lịch sử Việt Nam, không có triều đại nào lại phải chịu áp lực liên tục, mạnh mẽ từ thể chế phong kiến Trung Hoa đến như vậy. Tuy nhiên, qua các cuộc chiến tranh, sức sống của dân tộc đã được thể hiện và tôi rèn. Mặt khác, những thắng lợi giành được trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã củng cố niềm tin của một dân tộc tự cường. Trước những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, vương triều và dòng họ Trần đã gánh vác trách nhiệm và hoàn thành vẻ vang trách nhiệm mà Tổ quốc giao phó. Trong những nguyên nhân dẫn đến sự thắng lợi có thể thấy, cùng với vai trò lãnh đạo của các minh vương như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và các danh tướng: Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… với tư cách là chính quyền trung ương, vương triều này còn hợp tụ được đông đảo cộng đồng dân tộc, các tù trưởng, hào tộc, chí sĩ yêu nước, từ miền núi đến miền xuôi như: Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Thế Lộc, Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân…; các thế hệ, tầng lớp xã hội: Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, Trần Khắc Chung, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi… Năm thế kỷ sau, bàn về tư chất, phẩm cách của đội ngũ lãnh đạo, trí thức thời Trần, trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục nhà bác học Lê Quý Đôn đã đánh giá: “Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử thời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hoà nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong thời ấy có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế! Người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được! Từ bản triều trở về sau phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa”(1). Có thể coi đó là một thời đại “vô tiền, khoáng hậu”. Vào thời Trần, các tôn thất của dòng họ này chia nhau nắm giữ các chức vụ chủ chốt ở triều đình và địa phương để tạo nên thế “tông tử duy thành” (liên kết họ mạc bảo vệ ngôi vua), duy trì cơ chế chính trị của giới quý tộc. Tuy nhiên, để đảm đương trách nhiệm mà lịch sử giao phó, vương triều này hiểu rằng không thể chỉ đóng khuôn, dựa vào các quý tộc thân tộc mà phải chủ động chiêu nạp, mời gọi nhiều tầng lớp, thành phần xã hội tham gia vào sự nghiệp chung của đất nước(2). Nhìn chung, do được trọng dụng, bố trí đúng khả năng nên họ đều coi việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nền độc lập dân tộc, củng cố vị thế quốc gia là bổn phận của chính mình. Sứ mệnh lịch sử mà nhà Trần đảm đương đã hoà quyện với sứ mệnh dân tộc và chính nó đã tiếp tục khắc hoạ, làm sâu sắc thêm Chủ nghĩa yêu nước và Tinh thần dân tộc. Đó chính là cơ sở và động lực mạnh mẽ để nhà Trần trở thành lực lượng chính trị trung tâm, dẫn dắt dân tộc vượt qua những thách thức khắc nghiệt của lịch sử. Là một triều đại lớn có tư tưởng khai mở đồng thời lại phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc nên trong 175 năm tồn tại, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội Đại Việt thời Trần đã diễn ra nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, dấu ấn của vương triều Trần để lại trong hành trình lịch sử văn hoá dân tộc là hết sức sâu đậm. Trong không gian của lãnh thổ Đại Việt truyền thống, từ vùng núi cao đến hạ châu thổ đặc biệt là ở các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, những vùng quê gắn với đất phát tích, sinh thành của triều đại này, những nơi diễn ra các sự kiện lịch sử như hội nghị Bình Than của giới quý tộc Trần bàn định kế sách chống địch, hội nghị Diên Hồng để “nuôi người già, xin lời hay”, và tại các chiến địa, nơi diễn ra những trận giao tranh quyết liệt… ở đâu, địa phương nào cũng có biết bao huyền thoại, truyền thuyết, di tích gắn với công đức, tài danh, tính cách của các đức vua, võ tướng, danh nhân và cả những người nô bộc giàu trung nghĩa… Tất cả đều một lòng dốc tâm, dồn sức chung lo việc nước(3). Được tạo dựng từ thời Lý (1010-1225), đến thời Trần quyền lực của chính quyền trung ương không ngừng được mở rộng và về căn bản triều đại này vẫn có phần mô phỏng thiết chế chính trị của nhà Tống(4). Thiết chế đó đã đạt đến độ phát triển cao nhất của mô hình Quân chủ quý tộc và bộc diện những sắc thái đa dạng của nó. Trong tâm thế xã hội đó, nhà Trần có nhiều nét độc đáo so với các triều đại khác: Về chính trị xuất hiện Chế độ Thái thượng hoàng; về kinh tế có Chế độ điền trang, thái ấp(5); trên phương diện xã hội nhà Trần duy trì Chế độ hôn nhân nội tộc hay Đồng tộc giao hôn(6). Trong quan hệ đối ngoại, vương triều Trần tiếp tục thực thi Chính sách độc lập, tự chủ nhưng rất cương quyết trước các thế lực cường bạo, có tham vọng lớn về chủ quyền lãnh thổ, mưu toan trà đạp lên nền độc lập của dân tộc Đại Việt. Trong lịch sử khu vực, thế kỷ XIII-XIV là thời kỳ mà ở phương Bắc triều đại Mông – Nguyên đang mau chóng phát triển thành một đế chế quốc tế. Trong khi đó ở phía Nam, các vương quốc như Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao… cũng muốn vươn lên tự khẳng định vị thế của mình và tranh giành ảnh hưởng khu vực. Trong bối cảnh đó, để tồn tại và phát triển giữa hai trung tâm quyền lực một mang tính châu lục và một mang tính khu vực, nhà Trần phải có thế ứng đối mạnh mẽ và linh hoạt. Về chính trị, vương triều này khởi lập chế độ Thái thượng hoàng. Chế độ này là một sản phẩm độc đáo của nhà Trần, không chỉ nhằm duy trì sự phát triển tiếp nối của dòng họ mà còn là giải pháp nhằm bảo đảm một khả năng an toàn cao nhất cho nền chính trị quốc gia trước những diễn tiến khó lường của lịch sử(7). Bên cạnh đó, trong thế đi lên của một dân tộc tự cường, hiển nhiên nhà Trần cần một bệ đỡ về tư tưởng để củng cố quyền năng của thể chế và dẫn dắt dân tộc. Nhận thấy những ảnh hưởng và sự nhiệm màu của Phật giáo, nhà Trần vẫn tiếp tục dựa vào tôn giáo này làm nền tảng tư tưởng và lấy đó làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối trị quốc cũng như phát triển văn hoá. Nhưng, Phật giáo không trở thành hệ tư tưởng độc tôn mà đã hoà mình với dòng chảy văn hoá dân tộc(8). Với tư tưởng “Phật pháp bất định pháp”, giáo lý Phật giáo đã hoà nhập với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa để tạo nên một khung cảnh đạo đời không thể phân ly. “Cái tinh thần “Đạo” “Đời” trong lối sống thời Trần, trọng Phật, trọng Lão, trọng Nho nhưng “hoà quang đồng trần” (hoà ánh sáng với bụi bặm – ý tưởng triết lý của Lão Tử trong Đạo đức kinh”(9) là phương châm quán xuyến tư duy và tâm thế dân tộc. 2. Thiền phái Trúc Lâm và thế ứng đối với phương Bắc Khi đi đến quyết định lựa chọn và tôn vinh Phật giáo, hiển nhiên giới quý tộc Trần luôn hiểu Phật giáo vốn là một tôn giáo “ngoại nhập” nhưng đã và vẫn là giá trị chung của nhiều quốc gia khu vực. Phật giáo có nhiều tông phái, quan điểm, đã du nhập vào Đại Việt sớm, qua trải nghiệm và trở thành bệ đỡ tư tưởng văn hoá, chính trị của các vương triều Ngô (939-965), Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đã có những phát triển vượt trội dưới triều Lý (1010-1225). Nhà Việt Nam học nổi tiếng Keith W. Taylor từng nhận xét: “Có thể thấy, thế kỷ XI là thời kỳ đạo Phật đã “phá thủng” được cái mộc che chở của thế giới thần linh; lần đầu tiên trong lịch sử xã hội Việt Nam nói chung đã vượt qua được cái viễn cảnh thần linh của việc thờ thần bản xứ. Báo Cực truyện cho thấy đạo Phật đã kéo mình lên nắm lấy các nấc thang vững chắc của thế giới thần linh và các vua Lý đóng vai trò trung tâm trong quá trình này”(10). Nhưng đến cuối thời Lý, Phật giáo bắt đầu có nhiều biểu hiện suy vi và xuất hiện khuynh hướng vừa “thế tục hóa” vừa giải thiêng trong tôn giáo. Do vậy, việc tiếp tục tôn vinh Phật giáo cũng cần phải và đồng thời là quá trình hợp luyện với các giá trị truyền thống, tâm thế mới của dân tộc để khẳng định và tìm đến một cốt cách riêng biệt, một sinh lực mới cho sự phát triển của dân tộc. Những người đứng đầu triều Trần mà điển hình là các vua Trần Thái Tông (1226-1257), Trần Thánh Tông (1257-1278), Trần Nhân Tông (1278- 1293) đã chủ trương tìm kiếm và sáng lập một dòng phái tôn giáo mới thể hiện bản ngã dân tộc. Họ đã gắng công tìm ra con đường đi khác biệt, một “Việt lộ” cho dân tộc. Vương triều Trần đã lựa chọn Thiền (Dhyana, Zen) trong cái thế giới tôn giáo đa dạng đó. Không câu nệ, viện dẫn kinh pháp mà bằng sự nhập định hoàn toàn của tư duy, người theo Thiền tông có thể đạt đến sự yên tĩnh tuyệt đối của tâm trí và như vậy cũng đạt đến tâm Phật. Trong lịch sử, ở một số quốc gia Đông Bắc Á, Thiền tông luôn là sự lựa chọn của các xã hội quân sự, của một đất nước có nhiều biến động, chiến tranh(11). Bất cứ ở đâu, ngay tại chiến trường, không cần đến miếu tự cũng như sự thông tuệ kinh pháp, người chiến binh đồng thời là tín đồ Phật giáo vẫn có thể chiêm nghiệm và đạt đến sự giác ngộ. Điều đó lý giải vì sao vào thế kỷ XIII, trong lịch sử tư tưởng, văn hoá Đại Việt lại xuất hiện một Thiền phái Trúc Lâm đặc sắc, có nhiều nét thuần Việt. Đem theo ánh hào quang của ba lần đại thắng đế chế hùng mạnh nhất phương Đông vào tôn giáo, kế thừa tư tưởng, hành tích của các vị tiền nhân, Nhà vua – Anh hùng Trần Nhân Tông đã xác lập được vị thế cao về tôn giáo. Được tôn vinh rồi mau chóng trở thành vị Thánh Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã trở thành Phật hoàng của dòng Thiền Đại Việt. Đặc tính căn bản của dòng phái này là sự khoan hoà, có năng lực nhập thế cao và mang tinh thần dân tộc sâu sắc. Nói cách khác, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã chuyển hoá thành công một trong những triết lý căn bản của Phật giáo từ “vô vi xuất thế” sang “nhập thế hữu vi”(12) đồng thời đưa quan niệm này thành giá trị chung, hoà với dòng chảy của văn hoá – tín ngưỡng – tâm thức dân tộc để trở thành tinh hoa của Thiền Việt. Tinh thần và chủ trương nhập thế đó được thể hiện trong rất nhiều hành vi và thế ứng đối văn hoá của các đức vua, quý tộc thời Trần. Có thể thấy, lúc sinh thời các quân vương, quý tộc trước hết và chủ yếu không phải là những nhà tu hành “chuyên nghiệp”. Nhưng sau những lo toan, cống hiến, trải nghiệm, thấu hiểu việc nước, sự hoan lạc cùng muôn nỗi đau trần thế… họ mới có thể xuất thế đi tu hoặc trở thành tín đồ. Tâm thế xã hội và tôn giáo đó khiến cho giới quý tộc Trần có được năng lực nhập thế cao thông qua những biểu hiện, hành vi, sự phức cảm và cái nhìn đa diện hơn về trần thế cũng như đức tin tôn giáo. Tâm thế đó khác và vượt trội hơn so các nhà tu hành từ sớm đã dấn thân, trọn đời theo đạo. Điều đó lý giải vì sao, khi đất nước phải đương đầu với giặc ngoại xâm, các nhà tu hành, Thiền gia đều sẵn sàng ra trận thậm chí sẵn sàng đứng trên tuyến đầu chống giặc. Bởi lẽ,nhập thế chính là để cứu đời, để ngăn chặn cái ác, làm điều thiện. Trong một không gian xã hội có nhiều biến dịch thì dù nhập thế hay xuất thế, tâm thế Thiền vẫn luôn hiện hữu ở mọi lúc mọi nơi, trong tất cả mọi hành trạng của con người. Khả năng dự nhập cao đó xuất phát từ quan niệm “Phật ở trong tâm, tâm lặng mà biết thì gọi là Phật”. Trong Phật tâm ca nhà Thiền học uyên bác thời Trần là Tuệ Trung thượng sĩ còn khẳng định rằng: Tâm tức Phật, Phật tức Tâm không thể chia rời Tâm với Phật. Theo đó, Tâm sinh thì Phật sinh, Tâm diệt thì Phật diệt(13). Như thế, “Phật giáo đầu thời Trần đã khắc phục khuynh hướng hư vô xuất thế bộc lộ khá rõ ở Phật giáo cuối thời Lý. Đồng thời, nó cũng gạt bỏ những ảnh hưởng của Mật giáo. Có thể nghĩ rằng, tinh thần dân tộc được nâng cao trong thế kỷ XIII đã thổi một luồng sinh khí mới cho Phật giáo”(14). Tâm thế đó đồng thời cũng làm biến đổi nhiều quan niệm nhân sinh và triết luận của Phật giáo. Ra khỏi bóng đêm của 1.000 năm Bắc thuộc, các triều đại Lý, Trần đều muốn thoát khỏi sự cương toả của đế chế phương Bắc nhằm tìm cho mình một sắc thái, bản lĩnh văn hoá riêng. Bản lĩnh văn hoá đó, rõ ràng không thể chỉ dựa vào lớp văn hoá bên trên vốn đã bị Hán hoá. Do vậy, cũng như triều Lý, nhà Trần phải trở về hồn Việt, với xóm làng, với những giá trị của văn minh nông nghiệp Đông Nam Á – Nam Á, với tinh thần dân chủ làng xã để rồi tự khẳng định mình là một thế giới văn minh trong thế đối trọng giữa hai cực Nam – Bắc. Đó là hai khái niệm gắn liền với hai không gian lãnh thổ và khu vực địa – văn hoá, vốn sớm có mối liên hệ nhưng mỗi khu vực đều có một truyền thống văn hoá riêng. Với tinh thần đó, tư tưởng chủ đạo của nhà Trần là ý thức về nguồn cội, về Chủ nghĩa yêu nước và chính Ngọn cờ yêu nước đã quy tụ tất cả các tầng lớp xã hội, tín đồ gắn và hoà mình vào mục tiêu chung là Sự nghiệp chấn hưng dân tộc. Trong bối cảnh đó, Phật giáo đã được lựa chọn như một đối lực để hạn chế xu thế áp chế chính trị, văn hoá Nho giáo đang chuyển động mạnh mẽ xuống phương Nam nhằm thể hiện quyền uy, chiếm đoạt tài vật và mở rộng không gian sinh tồn. Do có những triết luận sâu sắc về nhân sinh cũng như đức khoan dung nên Phật giáo đã hoà quyện với trào lưu dân tộc và trở thành hệ tư tưởng dẫn dắt tâm thức dân tộc. Có thể coi việc lựa chọn và tôn vinh Phật giáomột chủ trương lớn, một nhận thức thể hiện sự mẫn cảm trong tư duy chính trị, văn hoá của giới quý tộc Trần trước những áp chế khu vực. Do vậy, vào thời Trần “Toàn bộ tinh lực dân tộc được huy động cho công cuộc giữ nước và dựng nước… Các nhà Thiền học uyên thâm như như Thái Tông, Tuệ Trung, Thánh Tông, Nhân Tông, vào lúc vận nước nguy nan, đều trở thành những người anh hùng lập nhiều chiến công hiển hách. Phật giáo thế kỷ XIII vì thế mà cũng trong sạch hơn và nhập thế hơn”(15). Có thể coi, “Phật giáo nhà Trần là một Phật giáo Việt Nam và là một bình diện văn hoá mới trong lịch sử văn hoá dân tộc”(16). Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển mạnh bởi nó chứa đựng trong đó tinh thần dân tộc, kết tụ hồn dân tộc. Hơn ai hết, giới quý tộc Trần thấu hiểu nỗi đau của một dân tộc bị mất nước, phải chịu kiếp nô lệ. Sức mạnh quật cường được tôi luyện qua mười thế kỷ Bắc thuộc cùng khí thế đi lên của một dân tộc đã giành lại được nền độc lập gần ba thế kỷ đã dồn tụ, hun đúc để tạo nên một “Hào khí Đông A” anh dũng thời Trần. Trong khung cảnh ấy, lịch sử đã sản sinh ra những con người kiệt xuất. Như đã trình bày ở trên, người mở đầu cho Thiền phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông. Sau khi xuất gia năm 1295 rồi lại nhập tục và lại “dứt khoát” xuất gia năm 1299 về tu ở Yên Tử, ông đã trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ. Tiếp nối từ phái Vô Ngôn Thông, phái Trúc Lâm ra đời đã tạo nên một sự hợp nhất giữa các phái lớn là chi Yên Tử với chi Thăng Long dẫn đến sự thống nhất về tôn giáo. Như vậy, sau một thời kỳ vận động và chia tách của các dòng phái Phật giáo, cuối thời Lý đầu đời Trần, sự ra đời của phái Trúc Lâm Yên Tử đã “đánh dấu sự thống nhất của giáo hội Phật giáo Việt Nam”(17).Quá trình thống nhất đó đã diễn ra sau khi đất nước đã trải qua ba cơn binh lửa, dân tộc đang trải nghiệm và nhận thức lại chính mình trong tâm thế hướng đến sự an bình, hoà hợp. Xã hội Trần cũng đang cần những liệu pháp tâm lý để xoa dịu nỗi đau nhân thế. Nhưng, sự đe doạ từ phương Bắc vẫn còn đó, những thách thức từ phương Nam và cả từ vùng biên giới phía Tây vẫn dội đến kinh thành Thăng Long. Những hiểm nguy tiềm ẩn và hiện hữu đó đã tác động không ngừng đến tâm lý dân tộc cùng tư duy chính trị của giới quý tộc. Do vậy, các vua và quý tộc triều Trần không chỉ vẫn tiếp tục ủng hộ Phật giáo mà hơn thế còn tự mình trở thành các nhà tu hành, lãnh đạo tôn giáo và thực sự dấn thân vì sự phát triển, sáng tạo tôn giáo. Hơn bất cứ một triều đại nào khác, vào thời Trần tôn giáo, tư tưởng đã gắn kết vô cùng mật thiết và đồng hành với các mục tiêu chính trị. Nói cách khác, các vua và giới quý tộc Trần đồng thời là những người hành đạo. Nhìn chung, họ không cần đến đội ngũ cố vấn – trí thức Phật giáo như kiểu Từ Đạo Hạnh, Mãn Giác, Nguyễn Minh Không, Giác Hải… thời Lý. Về tư tưởng, trong hành trình tìm đến một “Việt lộ”, Phật giáo thời Trần chủ trương kết hợp hài hoà giữa phép đốn ngộ với phép tiệm ngộ, giữa con đường giải thoát tự lực với con đường giải thoát bằng tha lực. Thiền tông Trúc Lâm không những quan tâm đến sự giải thoát của bậc thượng trí mà còn quan tâm đến cả sự giải thoát của những người hạ trí tuy giữa hai giới đó có điều kiện và năng lực giải thoát khác nhau(18). Theo đó, bậc thượng trí tuy hiếm nhưng vẫn hiện hữu. Họ là Phật sống tìm thấy Thường – Lạc – Ngã – Tịnh ngay trong cuộc sống hiện tồn còn kẻ hạ trí thì thân luôn cầu sinh đất Phật, sau khi tịch được sinh vào đất Phật rồi lại nhờ chư Phật dạy dỗ nên mới được Phật quả. Trong hành trình tìm đến một bản sắc trong tư duy Phật giáo, việc Trần Thái Tông đưa ra lý luận về thuyết âm dương để giải thích “Sinh” là một cách giải thích chưa từng có trong Phật giáo kể cả trong Thiền tông Trung Hoa dù rằng tư tưởng âm dương cũng như Dịch thâm nhập vào Phật giáo Trung Hoa rất sâu sắc. Do vậy, cùng với những quan niệm khác biệt về Thuyết tứ sơn, Tứ thiền, về Tâm theo quan điểm giáo tông thì việc gắn các quan niệm của Đạo, Phật với tục thờ cúng tổ tiên, với tín ngưỡng dân gian là những quan niệm dị biệt thể hiện sự sáng tạo và đặc sắc trong triết luận của Thiền tông thời Trần so với các dòng Thiền phương Bắc(19). Về quan niệm nhân sinh, Phật giáo thời Trần chủ trương cách hành xử là sống hoà đồng với đời, không làm trái, đi ngược lại quy luật tự nhiên và như vậy không nhất thiết phải ăn chay, trì giới (giữ Ngũ giới) thì mới trở thành nhà tu hành hay tín đồ đích thực. Sống theo quy luật nên không sợ quy luật và nhờ đó mà đạt đến giác ngộ cùng chân lý tự do. Tuệ Trung từng nêu nguyên tắc: “Hãy đưa tâm ta hợp với tâm của vạn pháp và như vậy là đã đạt đến tâm Phật”(20). Thấm hiểu triết lý “vô ngã, vô thường” của Phật giáo, nhiều đấng minh vương, quý tộc thời Trần coi danh vọng, tiền bạc… chỉ là sự hư ảo(21). Bên cạnh đó, thấu hiểu đến tận cùng quy luật chuyển xoay của vũ trụ, trong nhận thức về sự sinh tử, họ cũng cho rằng chỉ có những kẻ hạ trí, vô minh thì mới sợ sống chết còn những bậc thượng trí, thấu hiểu Phật pháp thì coi sự sinh tử chỉ là “nhàn” hay chẳng qua là sự trở về với thế giới của sự giác ngộ, sáng suốt mà thôi. Phật giáo thời Trần có tính nhập thế cao do vậy mà cũng hết sức năng động. Như là những giá trị bổ sung, Phật – Nho – Đạo đều đồng thời thoả mãn những nhu cầu tâm lý, tâm linh cùng những nhu cầu muôn màu của cuộc sống và thực tại xã hội. Vua cha theo Thiền tông nhưng các thái tử, thế tử có thể theo Đạo hay mở trường dạy Nho học. Tinh thần khoan dung và tự do đó chi phối tư tưởng thời Trần và đạt đến độ phóng đạt, dung hợp cao so với thời Lý. Do vậy, vấn đề không phải là theo đuổi hệ tư tưởng hay tôn giáo nào mà cốt yếu là ở chỗ mỗi người đều phải thấu hiểu tình thế đất nước và đều phải có trách nhiệm trước dân tộc. Cùng cần phải nói thêm là, hầu hết các vua thời Trần đều là những người ham học và có tri thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực(22). Sinh thành từ vùng hạ châu thổ, dòng họ Trần đã tiến về Thăng Long và đã hội nhập mau chóng với môi trường văn hoá, nguồn lực tri thức dân tộc cùng nhiều giá trị văn hoá khu vực ngưng kết ở đất kinh kỳ. Do vậy, chỉ sau thế hệ đầu tiên (ví như Trần Thủ Độ – Một võ tướng, nhiều mưu lược) đến thế hệ tiếp theo, những người gánh vác trọng trách trước dân tộc hầu hết đều là các Quý tộc – trí thức, thông hiểu Tam giáo. Ngay bản thân Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của vương triều Trần, cũng có sự chuyển hoá mạnh mẽ và chính ông càng về sau càng trở thành một trí thức, một nhà tư tưởng và một cư sĩ Thiền học uyên bác. Như vậy, giới quý tộc Trần đã nhận thức rõ những hạn chế của mình, dũng cảm vượt lên chính mình và đã trở thành tầng lớp Quan lại – trí thức hoá. Nguồn lực tri thức đó đã tạo nên uy thế chính trị trội vượt đồng thời đem lạiMột thế giới thiêng cho giới quý tộc, những người nắm giữ nhiều quyền năng xã hội. Dù rằng, trong hành vi cũng như cuộc sống đời thường họ là những con người bình dị, thân dân, yêu quý và thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân. Tư tưởng thân dân đó không chỉ được quy định bởi nguồn gốc xuất thân, yếu tố quê hương của giới quý tộc Trần mà còn là một nhận thức thực tế sau những trải nghiệm đầy sự hy sinh của lịch sử dân tộc. Qua những cơn binh lửa, giới quý tộc Trần đã tìm thấy từ nhân dân những điểm tựa vững chắc về tư tưởng, yếu tố vật chất và nguồn sinh lực vô tận cho sự trường tồn của dân tộc. Hiểu rõ vận mệnh lịch sử mà đất nước giao phó, vì sự tồn vong của dân tộc, giới quý tộc Trần và những người nắm giữ vương quyền đều hiểu họ phải có trách nhiệm cùng với dân tộc chống lại kẻ thù hung bạo. Nhưng đồng thời, kẻ thù đó cũng xuất phát từ quốc gia có truyền thống văn hoá và nền văn hoá đó đã đạt đến trình độ văn minh phát triển cao. Như vậy, cùng với những thách đố quân sự, áp lực ngoại giao thì cuộc đối đầu thế kỷ XIII của dân tộc Đại Việt còn là cuộc đối đầu về nguồn lực tri thức, sức sống văn hoá và tầm cao trí tuệ. Vào thời Trần, vương triều cũng như các quý tộc tuy theo đuổi và tôn vinh Phật giáo nhưng do yêu cầu phát triển của xã hội và củng cố thể chế quan liêu nên cũng đã từng bước chấp nhận tư tưởng, thiết chế Nho giáo cùng những yếu tố nhất định của Đạo giáo. Thái độ văn hoá đó xuất phát từ nhãn quan văn hoá rộng, nhân bản nhưng cũng có thể coi đó là một trong những biểu hiện khuynh hướng tư duy thực tế của vương triều này. Trong Lời tựacho tác phẩm Thiền tông chỉ nam, Trần Thái Tông đã chỉ rõ: “Cái phương tiện để mở lòng mê muội, cái đường lối để rõ lẽ tử sinh, ấy là giáo hoá của đức Phật. Làm cán cân chuẩn mực cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, ấy là trọng trách của đức Thánh… Trẫm ngày nay phải lấy trách nhiệm của đức Thánh làm trách nhiệm của mình, lấy lời dạy của đức Phật làm lời dạy của mình”(23). Do vậy, tinh thần tôn giáo, văn hoá thời Trần là sự hoà quyện Tam giáo. Theo đó, chính đức vua cũng cho rằng: “Nào biết bồ đề giác tính, ai nấy viên thành; hay đâu trí tuệ thiện căn, người người đều đủ. Chẳng cứ đại ẩn tiểu ẩn, đâu nề tại gia xuất gia. Chẳng nề tăng tục, chỉ cốt tỏ lòng; nào kể gái trai, cớ sao nệ tướng? Người chưa hiểu thì chia thành Tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm”(24). Cũng như Trần Thái Tông, các vua Trần đều thấm nhuần tư tưởng Phật – Nho – Đạo. Những người đứng đầu đất nước vừa nghiền ngẫm kinh Phật vừa đọc sách Khổng giáo để rồi từ đó tự đúc rút ra những chân lý và giải phápđể trị nước, cứu đời. Và chính triều đại này, sau khi giành được quyền lực 2 năm đã tổ chức thi Tam giáo. Điều đáng chú ý là, các vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… đều là những người giỏi lý số và đều có thể đoán trước được nhiều biến đổi của tự nhiên, xã hội và tự dự báo chính xác được số mệnh của mình. 3. Những biến đổi và thách thức Là một triều đại mạnh, nhà Trần cần một hệ thống lý thuyết và cả những bài học kinh nghiệm về đạo trị nước trước hết là về mặt tổ chức nhà nước và quản lý xã hội. Như vậy, chính Nho giáo đã đáp ứng được những yêu cầu phát triển của xã hội tức là cần một hệ thống lý luận để củng cố thiết chế quân chủ và tập trung quyền lực. Như vậy, nếu như Phật giáo giải thoát cho con người khỏi vòng luân hồi, sinh tử thì Nho giáo chính là hệ tư tưởng cứu cánh trong việc đề ra những nguyên tắc căn bản của đường lối trị quốc, thiết lập và xử lý các mối quan hệ chính yếu nhằm củng cố thể chế quân chủ đồng thời xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương. Tuy nhiên, đến nửa sau thế kỷ XIV, sự dung hoà Tam giáo hay nói cách khác là sự cân bằng quyền lực giữa Phật – Nho – Đạo đã bị phá vỡ. Tư tưởng Nho giáo ngày càng thắng thế và bắt đầu thâm nhập mạnh, xen lấn vào các thế giới thiêng vốn có của Phật giáo. Trước thách thức đó, giới quý tộc Trần đã có phản ứng tự vệ tương đối mạnh mẽ để bảo vệ sự tồn tại của chính thể tức là cũng bảo vệ vị thế của dòng họ và những đặc quyền, đặc lợi của chính mình. Thay vì một thái độ mềm dẻo, khoan dung vốn có, trong rất nhiều hành vi và biểu hiện văn hoá, vương triều Trần đặc biệt là giới cầm quyền cao nhất đã tìm cách bảo vệ Phật giáo, bài trừ tính hệ thống của lý luận và thiết chế Nho giáo, không chấp nhận thậm chí trấn áp những dị biệt. Tất cả những hành vi, tâm thế đó đã đẩy xã hội Đại Việt đến sự khủng hoảng, suy yếu và đó chính là thời điểm để các dòng, lớp sóng văn hoá khu vực tràn vào xã hội Đại Việt. Vào thời Trần, cùng với những giao lưu văn hoá hằng xuyên là sự áp chế văn hoá từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Cùng với văn hoá “Ngô” từ phương Bắc là những áp lực liên tục từ một số quốc gia phương Nam với các cuộc thâm nhập, đốt phá, cướp người, di dân, lấn đất. Trước những yêu cầu phát triển mới của đất nước, để duy trì và tăng cường sức mạnh quốc gia, từ giữa thế kỷ XIV, một số Nho sĩ mà đại diện là Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đã phê phán Phật giáo đồng thời đưa ra yêu cầu cải cách, thay đổi xã hội theo tinh thần Nho giáo. Nhưng các vua Trần luôn chủ trương “theo phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả”. Vua Trần Dụ Tông (1336-1369) đã khẳng định: “Nhà nước có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay”(25). Vua Trần Nghệ Tông (1370-1394) cũng cho rằng: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”(26). Có nhà nghiên cứu cho rằng, các vua Trần là muốn chống lại “chủ nghĩa giáo điều trong Nho học”(27). Thực ra, đó chỉ là một cách hiểu. Đặt Đại Việt trong bối cảnh khu vực chúng ta thấy, đến thế kỷ XIV, ở Trung Quốc dựa vào tư tưởng Tống nho, triều Minh (1368-1644) đã thiết lập nên một chính quyền trung ương tập quyền mạnh. Sau khi bình ổn tình hình trong nước, nhà Minh cũng tìm mọi cách mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Là những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của đế chế Trung Hoa, từ cuối thế kỷ XIV chính quyền Choson (1392- 1910) ở Triều Tiên đã sớm nhận thấy sức mạnh Nho giáo và đã mau chóng thay thế Phật giáo bằng Tống Nho(28). Trong khi đó, vương triều Trần đã không thể thích ứng kịp thời với những biến đổi chung của khu vực nên cùng với những suy thoái và bất cập của các chính sách kinh tế – xã hội trong nước, trước sức tấn công của Nho giáo, hệ tư tưởng Phật giáo không thể tiếp tục là chỗ dựa của vương triều đồng thời giữ vai trò trung tâm của xã hội. Nhà Trần đã mau chóng lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và cuối cùng đã để mất quyền lực vào tay võ tướng Hồ Quý Ly năm 1400. Nhưng, nhà Hồ chỉ duy trì được quyền lực trong một thời gian ngắn vì thế không đủ điều kiện cần thiết để có thể đi đến cùng một cuộc cải biến xã hội. Do vậy, cuộc đấu tranh giữa “truyền thống” với “hiện đại”, giữa Phật giáo với Nho giáo vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt cho đến thế kỷ XV tức là đến khi hệ tư tưởng Nho giáo xác lập được ưu thế trong xã hội. Thời Trần Nghệ Tông, nhiều Nho thần như Lê Quát “muốn làm sáng đạo thánh hiền, gạt bỏ dị đoan, nhưng rút cục vẫn không thực hiện được”. Ông từng làm bài văn bia ở chùa Thiệu Phúc, thôn Bái ở Bắc Giang như sau: “Thuyết hoạ phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắp vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báu ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, Đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng”(29). Trong khi đó, bản thân ông không khỏi cảm thấy thất vọng vì đã ra sức “giáo hoá” dân chúng mà rốt cuộc chưa được một hương tin theo, vết chân đi khắp nửa thiên hạ mà vẫn chưa thấy một học cung, văn miếu! Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở cuộc đấu tranh giữa Nho giáo với Phật giáo. Sự xung đột văn hoá, tư tưởng còn diễn ra ngay trong chính các nhà Nho. Cuộc tranh luận giữa Nguyễn Trãi với Lương Đăng về lễ nhạc chính là cuộc đấu tranh giữa một bên muốn duy trì những tảng nền căn bản của văn hoá dân tộc trên cơ sở một tinh thần mới với một bên muốn áp dụng, mô phỏng một cách “trung thành” khuôn mẫu văn hoá và thiết chế chính trị Hoa Bắc. Hiển nhiên, cũng giống như các quốc gia Đông Bắc Á khác, dù muốn giới trí thức Nho giáo và thể chế quân chủ cũng chỉ có thể và chỉ cần tiếp nhận những mảng, bộ phận của hệ tư tưởng cũng như những giá trị phù hợp, hữu ích cho thiết chế chính trị đó mà thôi. Xuất thân trong một gia đình trí thức Nho giáo, từng đỗ tiến sĩ theo chế độ khoa cử Nho giáo năm 1400 nhưng tấm lòng và tư tưởng của Nguyễn Trãi vẫn dành cho dân, cho nước. Coi trọng các giá trị truyền thống, trước sau ông vẫn chủ trương tôn vinh cốt cách văn hoá dân tộc trong tâm thế của một trí thức Nho giáo có địa vị cao trong xã hội(30). 4. Kết luận: Như vậy, vào thời Trần, Phật giáo được tôn vinh, phát triển rực rỡ và đã cùng dân tộc trải qua ba cuộc kháng chiến vĩ đại. Ra khỏi một ngàn năm Bắc thuộc, Phật giáo thời Lý – Trần đề cao tư tưởng khoan dung và giải thoát. Tư tưởng đó không chỉ thể hiện những triết luận trung tâm của tôn giáo mà còn là sự gắn bó mật thiết với nhu cầu sống, tình cảm của dân tộc. Những kiến giải mới của Phật giáo thời Trần về nhân thế, về quy luật dựng nước và giữ nước là những tư tưởng mới chưa từng xuất hiện trong thời Bắc thuộc và các triều đại lịch sử trước đó. Bằng tư tưởng và cách luận giải độc đáo, Phật giáo đã thâm nhập vào đời sống, tâm lý của con người và góp phần thúc đẩy tư duy dân tộc phát triển. Là một dòng tư tưởng đồng thời là dòng văn hoá chủ lưu, Phật giáo đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc củng cố sự thống nhất dân tộc, tôi rèn bản sắc văn hoá, tạo nguồn lực tri thức đồng thời góp phần xoa dịu nỗi đau nhân thế. Mặt khác, trước những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, Phật giáo đã đồng hành với đất nước, cùng gánh chịu hy sinh, tổn thất để sống, cứu đời và vì sự trường tồn dân tộc. Trong ý nghĩa đó Phật giáoDân tộc, gắn với tư tưởng dân tộc và vì lợi ích của dân tộc. Mặc dù vào thời Trần, song hành với Phật giáo còn có sự tồn tại của những tôn giáo và khuynh hướng tư tưởng, văn hoá khác. Hơn thế nữa, dù chịu tác động mạnh bởi môi trường và xu thế chính trị, Phật giáo vẫn luôn có thế giới riêng cùng sự huyền nhiệm của nó. Được thiết lập trong bối cảnh đất nước luôn bị đe doạ bởi giặc ngoại xâm, vương triều Trần và văn hoá của triều đại này luôn thể hiện sâu sắc tinh thần thượng võ. Do vậy, từ quý tộc đến bình dân đều mang khí chất mạnh mẽ, coi trọng những giá trị thực tiễn và có thiên hướng hành động. Trong ý nghĩa đó, Phật giáo đã có ý nghĩa bổ trợ, tạo nên sự cân bằng được tạo ra bởi một thế giới của sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm và sự phát triển của tư duy, triết luận. Cùng với Phật giáo, sự xuất hiện và phát triển hoàn thiện của các di sản văn hoá khác không chỉ thể hiện năng lực sáng tạo mà còn là những minh chứng về bản lĩnh văn hoá dân tộc. Vào thời Trần, chữ Nôm cùng với thi ca, văn học Nôm xuất hiện đã đem lại nguồn sinh lực mới, tô đậm thêm những sắc thái văn hoá Việt(31). Những bộ sử đầu tiên như Đại Việt sử lược; các bộ luật, điển chế như Quốc triều hình luật, Hoàng triều đại điển,Hình thư; các bộ kinh Phật, văn học tôn giáo cũng được biên soạn, biên dịch và hoàn thiện. Như vậy, cùng vớiDòng văn hoá bình dân đã xuất hiện một Dòng văn hoá quý tộc mang tính chất bác học dù rằng trên thực tế hai dòng văn hoá này luôn có sự tiếp nhận, giao hoà lẫn nhau(32). Trên hành trình tìm đến một “Việt lộ” cho văn hoá dân tộc, Dòng văn hoá quý tộc thấm đượm tư tưởng Phật giáo do các minh vương, quý tộc, tăng sư truyền dạy đã trở thành dòng chủ lưu, hoà quyện với dòng chảy chung của văn hoá dân tộc. Cốt cách thượng võ đã hoà nhập với triết lý thâm sâu của Phật giáo, hợp luyện với Nho giáo, Đạo giáo… để tiếp tục củng cố tảng nền văn hoá và tạo nên kháng lực, động lực phát triển cho dân tộc. . TÌM ĐẾN MỘT VIỆT LỘ CHO TÔN GIÁO DÂN TỘC • NGUYỄN VĂN KIM • Thứ bảy, 01 Tháng 9 2012 18:02 • font size 1. Thách thức chính trị và tâm thế dân tộc Ba thập kỷ sau khi giành. trường tồn dân tộc. Trong ý nghĩa đó Phật giáo là Dân tộc, gắn với tư tưởng dân tộc và vì lợi ích của dân tộc. Mặc dù vào thời Trần, song hành với Phật giáo còn có sự tồn tại của những tôn giáo và. Thánh Tông (1257-1278), Trần Nhân Tông (1278- 1293) đã chủ trương tìm kiếm và sáng lập một dòng phái tôn giáo mới thể hiện bản ngã dân tộc. Họ đã gắng công tìm ra con đường đi khác biệt, một “Việt

Ngày đăng: 28/05/2014, 16:03

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w